Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Artemia - thức ăn thích hợp cho cá bột

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 17/1/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Artemia - thức ăn cho cá bột
    Tiến sĩ Frank Marini - nguồn www.advancedaquarist.com

    Giới thiệu
    Trong số những nguồn thức ăn tươi sống sử dụng trong ngành chăn nuôi thuỷ sản, ấu trùng artemia được sử dụng rộng rãi nhất chủ yếu là vì những tiện nghi và lợi ích mà chúng mang lại. [Hình 1] Không có gì ngạc nhiên khi khả năng đẻ trứng hay còn gọi là bào nang (cyst) làm cho artemia trở thành nguồn thức ăn tiện lợi và dồi dào cho ấu trùng cá (Dhont, 1993). Nguồn trứng thu hoạch từ các bãi nuôi bên bờ hồ nước mặn luôn dồi dào quanh năm. Sau khi thu hoạch và xử lý, trứng ở trạng thái tiềm sinh có thể được trữ trong nhiều năm trời và đem ra sử dụng như là “nguồn thức săn tươi sống luôn có sẵn”. Trứng nở thành ấu trùng sau khi được ngâm trong nước muối qua đêm và có thể được sử dụng ngay làm thức ăn cho cá bột của hàng loạt các loài cá biển và cá cảnh nước ngọt. Sự thuận tiện và đơn giản của việc ấp artemia làm cho chúng trở thành nguồn thức ăn tươi sống thuận tiện nhất trong nghành chăn nuôi thủy sản. Artemia là loài ăn uống không kén chọn, chúng có thể tiêu thụ nhiều loại thức ăn khác nhau. Ngoài ra, artemia là loại thức ăn giàu dinh dưỡng và giàu lượng acid béo không bão hòa (HUFA). Khả năng tiêu thụ các chất dinh dưỡng lơ lửng trong nước của artemia còn giúp chuyển hóa những chất dinh dưỡng đặc biệt cho cá bột. [Hình 2] Công dụng của sự chuyển hóa sinh học (bioencapsulation) này đóng một vai trò quyết định trong việc duy trì tỷ lệ sống của ấu trùng, sự tăng trưởng, quá trình lột xác và chất lượng của rất nhiều loài cá cũng như giáp xác. Nguyên tắc chuyển hóa sinh học thường được áp dụng để chuyển hóa các chất như vitamin, thuốc chữa bệnh và vacxin mà chúng càng nâng cao vị thế quan trọng của artemia trong ngành công nghiệp chăn nuôi thủy sản.

    [​IMG]
    Hình 1. Vòng đời của artemia. Ảnh Jason Chaulk.

    [​IMG]
    Hình 2. Sơ đồ mô tả công dụng của artemia như là trung gian chuyển hoá các chất dinh dưỡng đặc biệt cho cá bột.

    Vòng đời của artemia
    Vòng đời của artemia bắt đầu từ khi trứng nở. Trứng là một phôi thai thụ động, chúng có thể ở trạng thái tiềm sinh trong nhiều năm chừng nào còn được giữ khô và có đầy đủ ôxy. Khi trứng được bỏ vào nước muối, chúng hút nước và bắt đầu phát triển. [Hình 3] Sau khi ngâm nước từ 15 đến 20 giờ ở 25 độ C thì vỏ trứng vỡ ra giải phóng phôi thai. Rất nhanh sau đó, màng bao ngoài vỡ ra, ấu trùng ra đời và bơi tự do trong nước. Trong giai đoạn đầu đời, ấu trùng (dài khoảng 400 -500 µm) có màu cam nâu bởi sự hiện diện của túi dinh dưỡng ở ổ bụng. Ấu trùng mới nở chưa ăn uống gì vì miệng và hậu môn của chúng chưa phát triển [Hình 4]. Gần 24 tiếng sau, ấu trùng chuyển sang giai đoạn 2. Những hạt thức ăn có kích thước từ 1 đến 50 µm được hút vào ống tiêu hóa. Trong 8 ngày kế tiếp, ấu trùng tăng trưởng và phát triển qua 15 giai đoạn trước khi đạt đến độ bán trưởng thành. Artemia trưởng thành có kích thước khoảng 8 mm nhưng cũng có thể đạt 20 mm trong môi trường lý tưởng. Chúng có chiều dài gấp 20 lần và thể tích gấp 500 lần so với ấu trùng. Artemia đực có một cặp gai sinh dục ở cuối thân còn artemia cái trưởng thành có thể dễ dàng được nhận dạng qua túi trứng [Hình 5].

    [​IMG]
    Hình 3. (trên) trứng artemia (giữa) trứng phóng to (dưới) trứng đang nở.

    [​IMG]
    Hình 4. Ấu trùng artemia 8 giờ tuổi. Ảnh Jason Chaulk.

    [​IMG]
    Hình 5. Một cặp artemia. Ảnh Jason Chaulk.

    Trong môi trường có độ mặn thấp và dồi dào thức ăn, con cái thường cho ra đời khoảng 75 ấu trùng một ngày (phương thức đẻ con). Mỗi con cái có thể đẻ từ 10-11 ổ trứng trong vòng đời trung bình 50 ngày của chúng. Nhưng dưới điều kiện lý tưởng, một con artemia có thể sống lâu đến 3 tháng và cho ra đời khoảng 300 ấu trùng hay trứng mỗi 4 ngày. Ở điều kiện không thích hợp chẳng hạn như độ mặn cao, thiếu thức ăn hay ôxy, artemia sẽ đẻ trứng. Trứng phát triển thành dạng phôi thai và được bao phủ bởi lớp vỏ dày. [Hình 6] Sự hình thành lớp vỏ này khởi đầu cho trạng thái tiềm sinh và bào nang được con cái phóng thích (phương thức đẻ trứng), chúng dạt lên bờ và khô đi. Artemia cái có thể thay đổi từ phương thức sinh sản này sang phương thức sinh sản khác.

    Artemia trưởng thành có thể chịu đựng được tầm nhiệt độ từ -18 đến 40 độ C. Có sự khác biệt giữa các dòng artemia về nhiệt độ tối ưu để trứng nở và sự tăng trưởng ở con trưởng thành. Nhiệt độ tối ưu với dòng artemia ở vịnh San Francisco là 22 độ C so với 30 độ C với dòng artemia ở hồ Lớn (Bossuyt, 1980). Artemia phù hợp với độ mặn 30-35 mg/l và có thể sống trong nước ngọt lâu đến 5 giờ.

    [​IMG]
    Hình 6. (trên) Artemia cái với buồng trứng (giữa và dưới) Hình dạng thân và đầu của artemia đực. Ảnh Jason Chaulk.

    Thức ăn
    Artemia là loài ăn uống không kén chọn, chúng ăn từ bã hữu cơ, vi tảo đến vi khuẩn. Thức ăn không được tiêu thụ trực tiếp mà được đưa vào miệng thành từng gói. Nếp gấp giữa những cái chân mở rộng khi chúng khua về phía trước. Nước được hút vào vùng này từ phía dưới và những cái lông mao lọc lấy thức ăn từ dòng nước. Khi những cái chân khua về phía sau, nước bị đẩy ra khỏi vùng này và thức ăn được giữ lại trong một rãnh ở giữa mỗi chân. Rãnh này tiết ra chất keo dính để gắn kết thức ăn thành từng viên. Một khi những viên thức ăn đã sẵn sàng, các lông mao sẽ di chuyển chúng đến miệng. Kích thước tối đa của các viên thức ăn là 50 µm với ấu trùng và 60 µm với artemia trưởng thành.

    Điều kiện để trứng nở
    Mặc dù việc ấp một số lượng nhỏ trứng Artemia rất đơn giản nhưng rất nhiều thông số cần phải cân nhắc để trứng nở :
    - Lồng ấp
    - Sục khí
    - Nhiệt độ
    - Độ mặn
    - pH
    - Mật độ trứng
    - Độ chiếu sáng

    Lồng ấp có đáy hình nón và sục khí từ phía dưới cho kết quả nở tốt nhất (Lavens, 1990). Lồng ấp hình trụ và khối có điểm chết mà trứng và ấu trùng bị dồn cục ở đó. Lồng ấp bằng nhựa trong (như lọ nước suối 2 lít) thực sự hữu ích vì nó cho phép kiểm tra quá trình ấp.

    Cần phải sục khí đủ mạnh để duy trì nồng độ ôxy đủ cao bởi vì nồng độ ôxy càng cao thì tỷ lệ nở càng cao (Tackaert, 1991). Tránh làm tràn bọt vì trứng ngậm nước sẽ bị cuốn ra ngoài cùng với bọt. Ở nhiệt độ lý tưởng 25-28 độ C trứng sẽ nở tối đa; dưới 25 độ C trứng sẽ nở chậm còn trên 33 độ C thì trứng ngừng nở. Báo cáo từ những cơ sở ươm nuôi cá bột đề nghị rằng chiếu sáng mạnh (gần 2000 Lux trên mặt nước) sẽ cho tỷ lệ nở tối đa và nên bắt đầu chiếu sau khi ngâm trứng vào nước 1 giờ để kích hoạt sự phát triển của phôi thai (Vanhaecke, 1981). Tóm lại, những điều kiện lý tưởng để trứng nở gồm: nhiệt độ 25 độ C, độ mặn - 1.0030, độ pH từ 8 đến 8.5, sục khí thật mạnh và liên tục.

    Nuôi dưỡng artemia
    Như đã đề cập ở phần giới thiệu, yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến giá trị dinh dưỡng của artemia ở khía cạnh như là nguồn thức ăn của các ấu trùng cá biển là lượng acid béo. Hầu hết ấu trùng cá biển không có khả năng tổng hợp các acid béo (HUFA) và do đó phải được nuôi dưỡng bằng thức ăn có chứa các loại acid này. Để đảm bảo cung cấp đủ HUFA, chúng ta phải nuôi ấu trùng artemia bằng thức ăn có acid béo. Một khi ấu trùng artemia chuyển sang giai đoạn 2 (khoảng 8 giờ sau khi nở) chúng ta có thể trộn chất béo vào khẩu phần thức ăn của chúng. Kỹ thuật chuyển hóa sinh học này còn gọi là “làm giàu” artemia (hay nuôi thúc) được sử dụng rộng rãi trong ngành ươm nuôi cá bột. Những chất làm giàu khác cũng được sử dụng nuôi thúc artemia để tập trung vào một thành phần nào đó trong khẩu phần ăn của cá, những chất này bao gồm vi tảo, men, nguyên tố vi lượng và chất tự phân (self-emulsifying). Theo Lavens (1987), mức độ làm giàu cao nhất đạt được là khi thêm chất tự phân chẳng hạn như Selco vào thức ăn của artemia. Selco (còn gọi là Selcon hay siêu Selco) là chất tổng hợp của một số loại dầu cá chọn lọc, vitamin và carotenoids; khi được hòa vào nước biển thì chúng tan thành những phần tử cực nhỏ mà artemia có thể ăn được.

    Tách vỏ trứng
    Lớp vỏ cứng bao bọc phôi thai có thể được lấy đi hết bằng cách trộn với một dung dịch tách. Công đoạn này được gọi là tách vỏ trứng và nó có một số ưu điểm so với việc không tách vỏ trứng:

    a) Vỏ trứng không lẫn vào hồ ươm cá bột. Khi nở, ấu trùng artemia thường lẫn với vỏ. Trứng hư và vỏ trứng có thể gây hậu quả không tốt cho cá bột một khi chúng ăn phải, thường thì chúng không thể tiêu hóa được vỏ trứng và có thể bị tắc ruột.

    b) Ấu trùng không lẫn với vỏ trứng thường tăng trưởng tốt hơn về dinh dưỡng và trọng lượng so với ấu trùng nuôi bình thường (30-35% tùy theo dòng).

    c) Tránh lây bệnh từ trứng. Trứng hư có thể là nguồn lây nhiễm bệnh, may mắn là điều này ít khi xảy ra khi ươm nuôi tại nhà.

    d) Phôi thai đã tách vỏ có thể ngay lập tức được đem nuôi ấu trùng cá và tôm.

    e) Cường độ chiếu sáng áp dụng cho phôi thai đã tách vỏ thấp hơn.

    Công đoạn tách vỏ artemia đòi hỏi trước tiên phải ngâm trứng (chỉ có thể tách vỏ một khi trứng trương nước), trộn với dung dịch tách để lấy đi lớp vỏ ngoài màu nâu, tiếp theo là rửa và làm trung hòa dung dịch tách còn dư. Những phôi thai được tách vỏ có thể đem cho nở thành ấu trùng ngay lập tức hay làm mất nước trong dung dịch muối đậm đặc và đem cất để ấp sau. Sau cùng, trứng đã tách vỏ có thể đem nuôi cá ngay. Trứng artemia đã tách vỏ có thể dự trữ vài ngày trong ngăn lạnh mà không làm ảnh hưởng đến tỷ lệ nở. Tóm lại, nói chuyện khoa học đến đây là quá đủ, hãy bắt đầu vào phần chính.

    Ấu trùng artemia
    Ấu trùng artemia là nguồn thức ăn thông dụng cho cá bột. Thông thường, sau khi được nuôi bằng các loại vi sinh vật, ấu trùng cá cần ăn những loại thức ăn lớn hơn. Ngoài ra, ấu trùng artemia có thể thay thế loại thức ăn là các sinh vật phù du kích thước lớn cho một số loại động vật thân mềm kiếm ăn bằng cách lọc nước.

    Ấp artemia tại nhà
    Ấp artemia rất đơn giản. Bất cứ dụng cụ nào có hình nón đều có thể dùng để ấp artemia. Đồ vật thông thường như chai nước suối 2 lít là một dụng cụ ấp lý tưởng. Nếu bạn thích ấp theo kiểu hi-tech thì trên mạng cũng có bán loại bồn ấp trong suốt hình nón dung tích khoảng 3.5 lít. Nhiều tiệm bán dụng cụ ấp hiệu Sally là một đế cao su cứng mà một chai nước suối 2 lít có thể cắm ngược lên đó [Hình 7]. Xin nhắc lại là hầu như mọi vật dụng đều có thể sử dụng được nhưng nên dùng loại có đáy hình nón để nước được sục đều và không có điểm chết. Ống sục khí nên gắn ở điểm thấp nhất của bồn ấp và như vậy là mọi thứ đã hoàn tất.[Hình 8]

    [​IMG]
    Hình 7. Một hộp trứng artemia với bồn ấp bằng chai nước suối 2 lít gắn trên đế cao su hiệu Sally. Bồn ấp kiểu này rất phổ biến. Hộp trứng có thể trữ lạnh và sử dụng dần từ 6 tháng đến 1 năm tuỳ nhu cầu. Ảnh James Wiseman.

    [​IMG]
    Hình 8. Sơ đồ mô tả bồn ấp đơn giản làm bằng bình nước suối 2 lít. Hình Matt Lidenfelser.

    Sử dụng nước muối để ấp artemia. Wilkerson (1998) khuyên sử dụng loại muối hột rẻ tiền với độ mặn thấp. Hòa 2 muỗng trà muối hột với 2 lít nước máy (đã hả chlor). Khi muối tan hết, sục khí khoảng 1 giờ rồi thêm vào gần ¼ muỗng trà trứng artemia. Sục khí đầy đủ sẽ làm tỷ lệ nở cao và ấu trùng mạnh khỏe. Không nên sử dụng đầu sục khí (airstone) mà nên dùng ống nhựa cứng gắn vào đáy của bồn ấp. Đừng ngại sục khí mạnh. Bọt khí có thể làm nước xáo động mạnh. Khi trứng đã trương nước, chúng có thể bị các bọt khí đem theo lên mặt nước và bay ra ngoài vì vậy nên giảm cường độ sục khí đi một ít. Đảm bảo rằng bồn sục khí của bạn được chiếu sáng trong ngày đầu tiên và trong từ 16-20 giờ kế tiếp bạn có thể thấy ấu trùng artemia xuất hiện. Ấu trùng mới nở rất bổ dưỡng và có thể đem nuôi cá con ngay. Túi dinh dưỡng ở ổ bụng làm cho ấu trùng có màu vàng. Nhân thể, nếu bạn nuôi cá hề bột (clownfish) bạn phải nuôi chúng bằng ấu trùng mới nở dưới 30 giờ vì nếu để lâu hơn thì ấu trùng lớn quá cá con không ăn nổi. Nếu bạn để sau 24 giờ thì ngày hôm sau túi dinh dưỡng đã được tiêu thụ hết; ấu trùng bắt đầu ăn và có thể được nuôi thúc bằng thức ăn có chứa thành phần dinh dưỡng đặc biệt.

    Nuôi và làm giàu artemia
    Artemia là loài ăn uống không kén chọn và do đó tiêu thụ được nhiều loại thức ăn khác nhau. Tiêu chuẩn chung để chọn thức ăn là kích thước, khả năng tiêu hóa và mức độ dinh dưỡng (Dobbeleir, 1980). Có lẽ những loại thức ăn tốt nhất cho artemia là các loại vi tảo như Nannochloropsis, Tetraselmis, IsochrysisPavlova. Thực tế, việc kết hợp nhiều loại vi tảo trong nuôi dưỡng artemia đã chứng tỏ kết quả làm giàu artemia siêu việt (tức gia tăng HUFA) so với việc nuôi chỉ bằng một loại vi tảo (d’Agostino, 1980) [Hình 9]. Tuy nhiên, không phải loại tảo đơn bào nào cũng thích hợp cho sự tăng trưởng của artemia. Ví dụ như các loại tảo ChlorellaStichococcus có lớp màng tế bào dày mà artemia không thể tiêu hóa được. Ngoài ra, artemia còn được làm giàu bằng vô số loại thực phẩm đóng gói rất tiện lợi cho việc nuôi artemia tại nhà. Những thức ăn đóng gói bao gồm men (như men bia chẳng hạn), thức ăn của cá, bột đậu nành, lòng đỏ trứng và bột gạo. Vi tảo đóng gói dưới dạng ống keo (hiệu Tahitian có bán ở www.brineshrimpdirect.com) từng được sử dụng một cách thành công. Một vấn đề cần chú ý khi sử dụng thức ăn đóng gói đó là đừng cho artemia ăn quá nhiều, thức ăn có thể nhanh chóng gây ra vấn đề. Cách đơn giản nhất để kiểm tra chất lượng nước bồn ấp là xem nước có trong hay không. Theo Schumann, điều này có thể được thực hiện rất dễ bằng cách sử dụng một thanh gỗ (dài tối thiểu 30 cm) trên thân có khắc những vạch chia (thang cm), ở đầu chốt gỗ gắn một đĩa có mầu đen và trắng xen kẽ, giống như đĩa Secchi thu nhỏ (http://en.wikipedia.org/wiki/Secchi_disk). Độ sâu mà ở đó sự tương phản giữa các vùng đen và trắng trên đĩa biến mất sẽ là độ chiếu của ánh sáng hay độ trong của nước. Cho nhiều thức ăn sẽ làm nước bớt trong. Với mật độ 5000 ấu trùng/lít, độ trong suốt sẽ là từ 15-20 cm ở tuần đầu tiên, và 20-25 cm ở những tuần sau đó. Để việc sản xuất và làm giàu artemia được tối ưu, cần duy trì một mức độ thức ăn tối ưu trong bồn ấp, vì vậy cho ăn thường xuyên và liên tục là tốt nhất. Tôi thấy nuôi artemia bằng vi tảo cực kỳ tốt và cá bột ăn ấu trùng được nuôi bằng vi tảo tăng trưởng rất nhanh. Bên cạnh vi tảo, tôi cũng giới thiệu chất tự phân Selco để tăng lượng UHFA. Để làm giàu, ấu trùng artemia từ 24 đến 30 giờ tuổi được chuyển vào bồn nuôi mới, nơi đó chất tự phân được cho vào với nồng độ 1 mg/lít và sục khí liên tục. Sáu giờ sau, ấu trùng đã làm giàu được thu hoạch. Theo kinh nghiệm của tôi, không cần làm khô ấu trùng làm gì, cứ đem chúng nuôi cá trực tiếp.

    [​IMG]
    Hình 9. Ba bồn ấp bằng chai nước suối 2 lít và bốn lọ nuôi vi tảo. Vi tảo được sử dụng để nuôi ấu trùng artemia. Những ống sục khí được lấy đi để thu hoạch ấu trùng. Ảnh Ray Jay.

    Thu hoạch ấu trùng
    Khi thu hoạch, chỉ đơn giản ngừng sục khí và để khoảng 10 phút cho tất cả lắng xuống. Vỏ trứng nổi lên mặt nước còn ấu trùng mới nở cùng với trứng hư chìm xuống đáy. Bởi vì ấu trùng bị ánh sáng hấp dẫn nên chúng ta sử dụng một đèn pin chiếu vào khoảng giữa bồn ấp để tập trung chúng vào đấy rồi dùng ống siphon hút ra ngoài, hay trong các bồn ấp thương mại, người ta có thể xả van phía đáy bồn để lấy trứng hư ra rồi lại xả tiếp để lấy ấu trùng qua bồn chứa khác. Một cách nữa để thu hoạch artemia là dùng vợt (lỗ rất nhỏ) vớt bỏ hết vỏ trứng trên bề mặt. Sau đó dùng ống siphon nhỏ gắn với ống nhựa (đường kính khoảng 3 mm) để hút ấu trùng artemia ra và đem nuôi cá con.

    Nguồn trứng artemia
    Có thể mua trứng ở hầu hết các tiệm cá cảnh hay qua email. Trứng mua số lượng nhiều (hộp vài kg) thường rẻ hơn là mua từng lon nhỏ ở các tiệm cá cảnh và cũng thường được trữ tốt hơn.

    Chăm sóc artemia
    Hầu hết mọi người chỉ có nhu cầu ấp một số lượng nhỏ artemia. Một khi ấu trùng nở, chúng được nuôi 2-3 ngày trước khi thu hoạch và nuôi lứa mới. Một số người muốn nuôi lâu hơn và từ đó vài vấn đề nảy sinh. Trong bồn ấp nhỏ, nước bị dơ rất nhanh đặc biệt là khi nuôi thúc, cá ăn nhiều. Hơn nữa, thức ăn thừa bị vi khuẩn phân hủy làm cho chất lượng nước suy giảm, những chất độc như amonia và nitrite xuất hiện. Cố gắng đừng cho artemia ăn quá nhiều bằng cách quan sát số lượng thức ăn mỗi lần cho ăn và đợi cho đến khi nước trong trở lại trước khi cho thêm thức ăn.

    Vì ấu trùng artemia tăng trưởng, rất khó tính toán số lượng thức ăn dẫn đến cho ăn quá nhiều làm nước dơ, đặc biệt là khi cho ăn loại thức ăn không phải tảo sống. Thay khoảng 50% nước mỗi tuần; thêm nữa, dùng ống hút làm sạch chất cặn bã lắng ở đáy bồn sau mỗi vài ngày có thể giải quyết vấn đề này. Nếu để nuôi lâu dài, bạn nên gắn thêm bộ lọc bằng bọt biển hay bộ lọc sinh học khác.

    Các vấn đề gặp phải khi nuôi artemia
    Có hai vấn đề tôi thường lập lại trong việc nuôi artemia đó là chậm lớn và chết hàng loạt. Artemia chậm lớn thường là do ảnh hưởng môi trường như nhiệt độ thấp, độ pH không thích hợp, nước quá mặn hoặc quá nhạt, không đủ thức ăn hay thức ăn kém chất lượng. Có hàng loạt nguyên nhân làm cho artemia chết hàng loạt. Nguyên nhân dễ phát hiện nhất là thiếu ôxy. Điều này có thể giải quyết bằng cách sục khí mạnh hơn và tạo dòng chuyển động trong hồ nuôi. Thứ hai, tình trạng sức khỏe của artemia có thể được quan sát thấy bằng cách quan sát cách chúng bơi. Những con khỏe mạnh phản ứng với ánh sáng và tập trung vào đó. Bơi chậm chạp và tản mác là dấu hiệu cho thấy đàn artemia ở tình trạng sức khỏe không tốt. Sức khỏe của artemia cũng có thể được quan sát dưới kính hiển vi. Artemia ăn uống đầy đủ sẽ có bụng căng và thải phân vón cục. Chúng cũng có vùng miệng và các vây bơi phụ sạch sẽ chứng tỏ sức khỏe tốt. Những con ăn uống kém sẽ có bụng xẹp và đi phân lỏng. Nếu vùng miệng và các vây bơi có dính thức ăn, điều này chứng tỏ chúng bỏ ăn. Một nguyên nhân làm artemia chết hàng loạt là do nhiễm khuẩn và các sinh vật đơn bào. Điều này có thể tránh được bằng cách tách vỏ trứng trước khi đem ấp.

    Kết luận
    Ấu trùng artemia là nguồn thúc ăn rất tiện lợi cho cá bột. Khả năng làm giàu artemia cho phép chúng được sử dụng như môi trường chuyển hóa những chất dinh dưỡng đặc biệt cho cá. Nuôi dưỡng và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho ấu trùng cá là rào cản lớn nhất đối với những nhà ươm nuôi cá biển. Chỉ với một không gian hẹp, một ít hồ và dụng cụ cùng với những thông tin cần thiết là bất cứ ai cũng có thể ươm nuôi thức ăn tươi sống để có thể lai tạo cá cảnh biển tại nhà.

    Phụ lục: Phương pháp tách vỏ trứng

    Công đoạn ngâm nước
    Trứng được ngâm trong nước muối (<100 mg/l) và sục khí ở 25 độ C.

    Công đoạn tách vỏ
    Vớt trứng bằng lưới có kích cỡ 125 µm, đem sàng rồi bỏ vào dung dịch tách hypochlorite. Dung dịch tách có thể được chuẩn bị trước bằng cách trộn dung dịch NaOCl (độ hoạt tính thường 11-13%) hay bột tách Ca(OCl)2 (độ hoạt tính thường 70%) theo tỷ lệ như sau:

    * 0.5 g hypochlorite hoạt tính/1 g trứng (vỏ bịch hypochlorite có ghi chú rõ “hoạt tính” nếu không thì phải thử). Chi tiết như sau:

    * một chất kiềm để giữ pH>10, mỗi gam trứng sử dụng:
    - 0.15 g NaOH nếu sử dụng dung dịch tách hoặc 0.67 NaCO3 hay 0.4 g CaO nếu sử dụng bột tách.
    - Nước biển với tỷ lệ 14 ml/1 g trứng.

    Làm lạnh dung dịch xuống còn 15-20 độ C (tức đem bồn lọc bỏ vào hồ nước đá lạnh). Cho trứng đã ngâm vào và sục khí mạnh từ 5-15 phút. Kiểm tra nhiệt độ thường xuyên vì phản ứng tỏa nhiệt: không để vượt quá 40 độ C (nếu cần có thể cho thêm nước đá vào dung dịch tách vỏ). Có thể dùng kính lúp hay kính hiển vi để kiểm tra kết quả của công đoạn tách vỏ.

    Công đoạn rửa
    Khi trứng có màu xám (dùng với dung dịch tách) hay vàng (dùng với bột tách) hay khi quan sát dưới kính hiển vi thấy trứng đã tách hết vỏ (sau 3-15 phút) thì có thể đem sàng bằng lưới 125 µm cho đến khi không còn mùi hypochlorite bốc lên. Điều quan trọng là không được để phôi thai trong dung dịch tách quá lâu vì phôi thai có thể bị ảnh hưởng.

    Công đoạn làm sạch
    Làm sạch mọi dấu vết của hypochlorite bằng cách ngâm chúng vào dung dịch 0.1% NHCl hay 0.1% Na2S2O3 và trộn lần nữa với nước. Dấu vết của hypochlorite được phát hiện bằng cách bỏ trứng đã tách vỏ vào bột thử i-od (gồm KI, H2SO4 và nước). Nếu chúng có màu xanh thì vẫn phải tiếp tục công đoạn này. Còn cách khác là sử dụng phương pháp thử DPD chlorine.

    Công đoạn sử dụng
    Phôi thai có thể đem trữ trong tủ lạnh (0-4 độ C) vài ngày trước khi đep ấp. Để trữ lâu hơn, phôi thai cần được làm mất nước bằng dung dịch muối đậm đặc (1 g phôi thai/10 ml nước/300 g NaCl). Thay dung dịch sau mỗi 24 giờ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/5/18
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Trứng artemia Vĩnh Châu

    Lnnhung(http://www.agu.edu.vn/forum): artemia hiện nay trên thế giới đã được nhiều nước sản xuất nhưng artemia Vĩnh Châu của Việt Nam được xem là loại artemia tốt nhất trên thế giới vì nhiều lý do như: hàm lượng HUFA cao, kích cỡ nhỏ hơn những loài artemia khác, tỷ lệ nở cao... nhưng giá thành của nó rất đắt. Theo mình được biết thì 1kg artemia Vĩnh Châu khoảng 1.500.000VNĐ. Chính vì vậy mặt dù chất lượng nó rất tốt nhưng các trại giống hiện nay thường không sử dụng nó mà lại sử dụng artemia của Mỹ vì giá thành nó rẻ hơn nhiều.

    Việt Nam của chúng ta thường chỉ nhận chuyển giao những công nghệ của nước người nhưng riêng về lĩnh vực artemia thì theo tôi được biết Trường Đại Học Cần Thơ đã chuyển giao công nghệ sản xuất artemia cho hơn 6 nước trên thế giới.


    Nơi sản xuất:Vĩnh châu, Sóc trăng

    Nguồn gốc trứng:San Francisco Bay (USA)

    Chất lượng trứng

    Kích thước trứng (mm):235,2±1,3

    Hiệu suất nở (N/l):> 300.000

    Độ ẩm (%):< 5

    Tỉ lệ nở (điều kiện chuẩn: 24h, 30ppt, 28°C) (%):> 90

    Hàm lượng acid béo không no HUFA (%):> 17

    Điều kiện đóng gói:Hút chân không, bơm nitơ bảo quản

    Loại bao bì

    Lon thiếc:181,5 g (trọng lượng tịnh)

    Lon thiếc:500 g (trọng lượng tịnh)

    Thùng PVC:11 kg (trọng lượng tịnh)

    Giá bán (đã bao gồm VAT/VAT)

    Loại 1 (tỉ lệ nở >90 %):1.500.000 đ/kg

    Loại 2 (tỉ lệ nở 80-85 %):1.300.000 đ/kg

    Loại thứ phẩm (tỉ lệ nở < 80%):1.100.000 đ/kg

    Xin vui lòng liên hệ Trung Tâm ƯD&CGCN Thủy sản, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ.
    Điện thoại: + 84 - 71 - 830587 hay 834307
    Fax: + 84 - 71 – 830323
    Email : apc@ctu.edu.vn hay nvhoa@ctu.edu.vn


    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/6/09
  3. QSy

    QSy Moderator

    Có bác nào có cách ấp artemina khác k?
    E ấp theo đúng chỉ dẫn của anh Minh nhưng sao ra ít wá!!Ấp khoảng 24h mà ra tí tẹo,e ghét wá để 48h luôn,cuối cùng còn ít hơn,hix.............
    Nhìn anh Minh ấp mà thấy thèm!!!!!:p
     
  4. liathia

    liathia New Member

    Bác dùng nước ấm độ cừung 85 F, và cần mấy pump oxy thì tỷ lệ nở cao hơn. Nếu bác dùng nước hơi lạnh là trưng hư nhiều và nở chậm hơn.

     
  5. nhixuan

    nhixuan Active Member

    Làm lại một lần nữa đi bác ơi! chắc là tại lý do nào đó thôi có thể do nhiệt độ thấp, do nông độ muối không đạt hay sục khí không đều.Bác xem lai thữ coi
     
  6. yeubelam

    yeubelam New Member

    _ Ai có thể chụp lại các công đoạn ấp Atermia thành giai đoạn giúp anh em với ! chứ thế này khó hiểu quá ! dùng chai nhựa 2 lít ( ? ) cắt ra chổng ngược để dùng rồi cái ống oxy nhét ở đầu chai chổng ngược lên ( lấy cái gì mà bịt cái chỗ đó lại cho khỏi chảy nước ? )
    _ nhiệt độ bao nhiêu là tốt nhất ?
    _ sục khí bao nhiêu thì vừa ?
    .................... nói chung là từ đầu tới cuối đều khó hiểu ? chỉ toàn nói chung chung nên anh em bắt trước theo kô được !
    _ Ai có kinh nghiệm và có lòng vì anh em trong diễn đàn thì xin chỉ giáo và nên có ít hình kèm theo ( cho dễ hiểu )
    Thanks tất cả các bác !
     
  7. hau1992200

    hau1992200 Active Member

    trời làm kiểu này là khó quá:(:(
     
  8. kakatara

    kakatara Active Member

    Nuôi nó cho cá bột ăn mà có vẻ khó hơn nuôi cá bột nữa :confused::confused:
     
  9. phulam

    phulam Active Member

    Thực ra để ấp nở đạt tỷ lệ cao thì dùng như cách trên là rất hợp lý. Nhưng để đơn giản thì mấy anh em ở Hn chỉ lấy một chai thủy tinh bằng chai để cá betta, hòa nước muối rồi cho thẳng trứng atemia vào, thế là xong, ko dùng xục, không gì cả. Đúng 20h sau trứng nở tỷ lệ cũng rất cao, dùng thoải mái luôn. Sau đó lấy xilanh hút artemia ra bơm thẳng vào hồ ép.
     
  10. tritbtphcm

    tritbtphcm New Member

    Ở các tiệm cá có bán atemia vĩ đông lạnh, vậy xin hỏi anh vrdv cho cá bột ăn có sao không?người ta bán 16k
     
  11. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Mình chưa cho cá ăn artmia đông lạnh nên cũng không rõ nữa.
     
  12. hiepsoi

    hiepsoi Active Member

    có artermia đông lạnh sao?? bạn có thể up hình lên cho anh em xem được không
    @anh Phú: đúng là với artermia ko cần thiết phải ép xục cầu kỳ đâu, em cần 2 lít nước sạch, 1 thìa cafe muối với 1 nhúm artermia đã đủ cho cá con ăn 2 ngày ko hết
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/10/08
  13. kanika

    kanika Active Member

    artemia đông lạnh

    mình cho cá ăn artemia đông lạnh nay đã hơn 5 năm . bạn nào có nhu cầu xin liên hệ : 0908860097 : 96 trương công định , p14 , quận tân bình .
    có bán số lượng nhiều . giá sĩ 80nghin/kg , giá lẽ 100nghin/kg ( artemia trưởng thành . om trứng .
     
  14. hettien

    hettien Active Member

    sao hàng đông lạnh lại rẻ kinh khủng thế nhỉ. 100K/kg---> cho ăn 10 năm mới hết.
     
  15. tritbtphcm

    tritbtphcm New Member

    Nếu mình mua từ 100g đến 200g bán không?
    Ở ngoài tiệm có bán vĩ 16k/1vĩ/gần 50viên.Mỗi lần bạn cho ăn cứ rã đông, như vậy một vĩ có thể nuôi được một bầy,vừa vệ sinh đở tốn kém
     
  16. hiepsoi

    hiepsoi Active Member

    @kanika: vậy artemia rã đông sau đó có hoạt động lại không bạn, vì cá betta con ko có hứng thú với những sv ko hoạt động lắm
    Phiền bạn cho thêm chút thôg tin nhé, mình rất quan tâm
     
  17. vuluntit

    vuluntit New Member

    Bạn mua (16k/1 vỉ ) ở đâu vậy? cho mình biết địa chỉ nhé. thanks
     
  18. lobo1098

    lobo1098 Active Member

    mình ở miền trung (Tam Kỳ _ Quảng Nam) , vậy cho mình hỏi ở Đà Nẵng có chỗ nào bán artemia không vậy ? Nếu 100k/1hg thì mình mua 1 kg !
     
  19. Khung_Long_Di_Dep_To_Ong

    Khung_Long_Di_Dep_To_Ong Active Member

    bình thường artemia nở ra có màu vàng phải ko? nhưng sao của em lại có màu trắng vậy. em mới để có 20h.
     
  20. phulam

    phulam Active Member

    20-24 giờ là nở rồi em ạ.....................................................................
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội