Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Màu sắc cá dĩa từ các loại thức ăn đặc biệt

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá Dĩa' bắt đầu bởi vnreddevil, 3/5/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Màu sắc cá dĩa từ các loại thức ăn đặc biệt
    Tony Silva - http://www.fishchannel.com

    Đó là vào năm 1987. Mỗi thứ tư tôi đều đến một đại lý lớn để mua cá cho cửa hàng cá cảnh mà tôi là đồng sở hữu. Tôi ngó qua từng hồ để xem có gì lạ và để kiếm những con thật mạnh khỏe. Tôi thường lựa chọn từng con mà sau này tôi sẽ bán ra.

    Vào một trong những lần như vậy, có vài hồ chứa những con cá dĩa nâu sặc sỡ (Symphysodon aequifasciata axelrodi). Sau này, chúng thường được gọi là cá dĩa mặt kẹo (candy-faced). Việc sử dụng những cái tên thật kêu để dễ bán hàng không phải mới xảy ra gần đây như nhiều người lầm tưởng; nó đã diễn ra từ nhiều thập kỷ trước.

    Cá dĩa bán-trưởng thành. Thân của chúng ửng đỏ và mặt xanh tươi. Chúng rất ấn tượng và bán rất chạy, thậm chí với giá 29 đô mỗi con – rất đắt so với đám cá nhập từ Florida vào thời đó mà mỗi con trưởng thành chỉ có 6 đô rẻ bèo.

    Tôi bỏ đi và gặp một chủ cửa hàng khác, người quá ấn tượng với màu sắc này. Tôi giải thích rằng màu của đám cá dĩa đó sẽ nhạt đi. Chúng đã được xử lý để màu sắc thật rực rỡ. Ông không tin tôi. Nhiều tuần sau tôi nhận cá. Chúng trông giống với cá dĩa nâu bình thường và chỉ đáng chiếm chỗ trong hồ lớn [bán xa cạ].

    Màu thực phẩm

    Việc cho cá dĩa loại thức ăn được thiết kế để kích màu là tương đối phổ biến. Các phụ gia như ớt bột, củ dền đỏ, tép hay trứng tôm hùm, bột hoa cúc, astaxanthin và các nguồn giàu carotene khác thường được trộn với thức ăn chế biến sẵn để kích màu đỏ.

    Hiệu quả trên cá dĩa có thể đáng kinh ngạc. Một con cá dĩa nhợt nhạt được cho thức ăn có chứa astaxanthin có thể trở nên đỏ rực. Hiệu quả tương tự có thể thu được bằng cách cho cá ăn trứng tôm càng xanh Macrobrachium sp. như Jack Wattley ghi nhận trong cuốn “Sổ tay cá dĩa” của mình:

    “Nhiều năm trước đây tôi có một cá dĩa cái đẻ trứng đỏ tươi và hầu như tất cả đều đậu. Không, nó không phải là cá dĩa đỏ chính hiệu; nó chẳng là gì ngoài một con Symphysodon aequifasciata axelrodi (dĩa nâu) mà tôi mua ở Thonburi, Thái Lan. Nó được cho ăn trứng tôm càng xanh (Macrobrachium) do đó lên màu đỏ. Màu của cá và tiếp theo là trứng duy trì trong gần ba tuần, sau đó toàn bộ màu đỏ nhạt dần”.

    Cá đĩa lên màu thực phẩm cần thức ăn chứa chất kích màu trong khẩu phần hàng ngày bằng không chúng sẽ nhạt dần. Nhiều loại thực phẩm chế biến hiện được bán trên thị trường như là “thực phẩm tạo màu” bởi chúng chứa những chất đó. Việc sử dụng những thực phẩm này dường như chẳng hại gì.

    [chuyện "trứng tôm" nghe nói đã được áp dụng từ lâu, hồi trước cứ tưởng mọi người lầm với "trứng artemia" nhưng hóa ra là thiệt!]

    Dùng hormon

    Từ lâu, hormon vốn được dùng để kích màu cho cá. Các nhà lai tạo cá bảy màu trước đây dùng chúng để giúp cá cái lên màu, cho phép họ chọn [cá thể] để lai tuyển chọn. Một cá cái sặc sỡ, được tin là sẽ sinh ra trống sặc sỡ. Sự kiện này vốn được nghi nhận rõ ràng.

    Cuốn sách của Mervin Roberts tựa đề “Fancy Guppies”, xuất bản năm 1957, mô tả quan điểm của những nhà lai tạo bảy màu hàng đầu vào thời đó, chẳng hạn như William Sternke, Paul Hahnel và Frank Alger. Alger thậm chí còn mô tả cách ông chuẩn bị hormon như sau:

    1) Hòa 1/10 gram methyltestosterone vào một nửa chén cồn 70 độ.
    2) Đổ dung dịch cồn vào chai ¼ lít.
    3) Đổ đầy nước vào chai và lắc đều. Đây là dung dịch gốc.
    4) Với mỗi 3 gallon nước [~11 lít], nhỏ sáu giọt dịch gốc mỗi ngày.

    Việc điều trị không nên kéo dài quá bốn tuần nhằm giúp cá lên màu. Đã từ lâu, các nhà lai tạo – và đại lý bán hàng đặc biệt ở châu Á – sử dụng hormon để giúp cá dĩa bán chạy hơn; tôi nhớ từng thấy việc điều trị bằng hormon ở cá dĩa non từ năm 1973.

    [cách sử dụng hormon để kích màu được tác giả Andrew Soh mô tả rất chi tiết trong cuốn "Discus: The Naked Truth". Tham khảo bản dịch ở đây: Tuyển chọn cá dĩa dự thi]

    Nhận thức về màu sắc

    Nhiều người sẽ hỏi tại sao hormon được sử dụng để kích màu cho cá. Bạn có thể phần nào hiểu được tại sao. Cá dĩa non nhạt màu. Cá dĩa bồ câu và các dòng liên quan tuy có hơi tươi tắn hơn nhưng vẫn là chưa đủ đối với hầu hết mọi người.

    Người bình thường khi vào tiệm cá sẽ chỉ ngó lướt qua hồ trừ phi cá dĩa phải thật hấp dẫn. Nhờ biến màu sắc của chúng trở nên sặc sỡ, chúng có thể cạnh tranh người mua với những loài cá sặc sỡ khác. Các đại lý kinh doanh ở châu Á quan tâm đến điều này. Mục tiêu của họ là bán càng nhiều cá non càng tốt nhờ vậy mà họ có thể tiếp tục được đặt hàng.

    Một số nhà lai tạo cũng bán cá dĩa được kích màu và xử lý hormon của riêng mình. Trong hầu hết mọi trường hợp, những con cá như vậy đều được nhập khẩu từ châu Á. Không nhà lai tạo nào sản xuất cá dĩa chất lượng lại phải dựa vào mánh khóe để bán cá của mình. Họ mong muốn và giúp người mua hiểu rằng cá dĩa cũng như bông hoa – chúng sẽ nở thành “vua cá cảnh” một cách chậm rãi.

    Mất màu

    Vấn đề ở chỗ cá được xử lý hormon sẽ mất màu trừ phi hormon tiếp tục được cho vào nước. Nhưng việc sử dụng hormon kéo dài có thể gây ra những hậu quả tai hại. Chẳng hạn, ở cá bảy màu cái, nó có thể gây ra vô sinh.

    Khách hàng, những người mong muốn cá giữ được màu sắc tươi tắn thường bị vỡ mộng khi mỗi ngày trôi qua cá lại nhạt dần vì không được tiếp tục điều trị hormon. Nhiều người chơi cá đi đến kết luận rằng họ bị lừa. Không nhất thiết phải như vậy. Vấn đề ở chỗ, nhiều đại lý không được giáo dục về vấn đề này, và họ không cảnh báo các khách hàng của mình.

    Hormon nhìn chung không tệ hại. Nó làm xuất hiện màu trưởng thành ở cá non, cho phép việc tuyển chọn [cá giống] tương lai. Chẳng hạn, hormon không thể làm xuất hiện màu lam mà cá vốn không có lúc trưởng thành. Vấn đề ở chỗ việc sử dụng thái quá hay kéo dài có thể gây ta những tác dụng có hại trên cá, kể cả vô sinh. Không may, hầu hết các đại lý chẳng hề quan tâm đến điều này và dừng lại trước khi tổn hại vĩnh viễn xảy ra.

    Sự phức tạp

    Hormon được coi là chất cần kiểm soát [controlled], nghĩa là chúng phải được dùng với sự cẩn trọng và dưới sự chỉ dẫn nghiêm túc – điều không mấy ai biết. Đây có lẽ là lý do mà các nhà lai tạo ở Mỹ và châu Âu không sử dụng chúng. Ở châu Á, chúng không được kiểm soát và lưu hành tự do. Điều khiến tôi lo lắng cho sức khỏe của những nhân công trại cá bên kia bờ đại dương [hormon là chất độc và có thể thẩm thấu qua da, các nhân công trại cá là những người tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước bị ô nhiễm và về lâu dài họ có thể lãnh đủ; đấy là chưa kể những tác hại gián tiếp khi nguồn nước ô nhiễm này được thải ra môi trường].

    Quan điểm của tôi về hormon là kết hợp cả hai. Cá dĩa được điều trị hormon có thể hấp dẫn người mới vào thú chơi. Người mới phát cuồng khi họ thấy những con cá bé nhỏ sặc sỡ trong hồ. Nếu người bán lưu ý người mua về việc xử lý hormon, thì tôi không nghĩ đó là sự lừa đảo. Tôi chỉ thấy có vấn đề khi người mua được bảo rằng cá dĩa được xử lý hormon sẽ không xuống màu. Màu được kích bởi hormon sẽ xuống dần, dẫu vậy khi cá lớn thì màu sắc tự nhiên của chúng sẽ xuất hiện.

    Do đó giải pháp là giáo dục người chơi về màu sắc của cá dĩa. Nếu mọi người đều làm việc theo hướng này, thì sẽ có ngày mà cá dĩa được mua với mong muốn về màu sắc tự nhiên của chúng trong tương lai [nghĩa là chấp nhận sự kém sắc trong hiện tại của cá non].
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/6/14
  2. ThucAnTuoiSongDHCT

    ThucAnTuoiSongDHCT Active Member

    Thanks thot da chia se:)
     
  3. Oldman

    Oldman New Member

    Bài viết hay ,Tks thớt.
     
  4. ThucAnTuoiSongDHCT

    ThucAnTuoiSongDHCT Active Member

  5. ThucAnTuoiSongDHCT

    ThucAnTuoiSongDHCT Active Member

    tự nhiên vẫn tốt hơn
     
  6. meminyeu

    meminyeu New Member

    muốn cá đẹp khó lắm minh nuôi lâu năm mới biết mất màu là do môi trường nc
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội