Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Chabo - giống gà tre nhật

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 23/11/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Chabo - giống gà tre nhật
    Terry & Lisa Crook – http://web.ukonline.co.uk/japclub

    Nguồn gốc và đặc điểm
    Gà tre nhật hay chabo 矮鶏 (ải kê) là giống gà có xuất xứ từ Nhật Bản. Nhiều tài liệu cho rằng nguồn gốc xa xưa của gà tre nhật là ở vùng Đông Nam Á, nơi mà người ta vẫn nuôi gà từ bao đời nay. Gà tre xuất hiện trong hội họa Nhật Bản ngay sau thời kỳ đóng cửa với thế giới bên ngoài, khoảng những năm 1635, và nó cũng xuất hiện trong hội họa Hà Lan vào cùng thời điểm. Có lẽ các nhà buôn gia vị người Hà Lan đã mang gà tre vào Nhật từ những cảng biển ở vùng Đông Nam Á như Hội An (Việt Nam) hay Java (Indonesia) vốn cũng là thuộc địa của Hàn Lan vào thời đó. Từ “chabo” bắt nguồn từ ngôn ngữ Java “chabol” (hay “cebol”), có nghĩa là “lùn”, áp dụng cho cả người lẫn giống gà chân ngắn này.

    Gà chabo xuất hiện ở Đức vào đầu thế kỷ 19, sau đó xuất hiện tại Anh vào năm 1860 và được triển lãm rộng rãi từ năm 1910. Câu lại bộ lai tạo đầu tiên hình thành ở Anh vào năm 1921 và bị gián đoạn một thời gian trong khi Thế Chiến II diễn ra. Nó tái hoạt động vào năm 1961 và phát triển cho đến tận ngày nay.

    Tiêu chuẩn gà tre nhật với chân ngắn và thân tròn chỉ xuất hiện trong bản Tiêu Chuẩn Gia Cầm Nhật Bản (Poultry Standard of Japan) vào năm 1941 mặc dù giống gà đã xuất hiện từ thế kỷ thứ 16.

    Các đặc điểm chính của gà tre nhật

    1. Đuôi hướng thẳng lên trên một cách duyên dáng phía sau đầu. Đuôi không được cong như những loài gà thông thường khác mà phải thẳng đứng như lá của cây hoa diên vĩ (iris).
    2. Chân phải ngắn và không dính lông, vì vậy, khi đứng, chỉ có phần ngón chân đưa ra ngoài, tuy nhiên chân vẫn phải thẳng và cực ngắn. Chân xoãi về phía trước được coi là lỗi bởi vì nó khiến bụng gần chạm đất.
    3. Cánh lớn với chóp gần chạm đất tạo ra dáng vẻ oai vệ mỗi khi bước đi.
    4. Thân phải tròn và rộng với phần lưng (giữa cổ và lông mã) cực ngắn.

    Tiêu chuẩn
    Gà tre nhật thực sự có nguồn gốc lâu đời, không tồn tại dòng gà tương tự với kích thước lớn hơn. Tất cả các biến thể đều có chân ngắn. Ngoài dạng lông bình thường còn có dạng lông xù/tơ (frizzle/silkie).

    Gà trống
    Hình dáng và tính cách: rất nhỏ, thấp, rộng và mập với ngực nở và đuôi dựng thẳng. Hình dáng phù hợp với mồng rất to, tính cách lanh lợi và dáng đi lệt bệt. Lông rất nhiều và dày.

    Kiểu: lưng rất ngắn, rộng và nếu nhìn ngang thì nó có hình chữ U hẹp với hai vách được tạo ra bởi cổ và đuôi. Tuy nhiên, hình dạng này hầu như không thể duy trì một khi gà hoàn toàn trưởng thành. Lông mã dày và dài. Thân ngắn, thấp và rộng. Ngực rất đầy đặn, tròn và nhô hẳn ra phía trước. Cánh dài với chóp chấm đất ở ngay điểm cuối của thân. Hông rất ngắn và không lộ rõ. Đuôi rất rộng và hướng thẳng lên trên. Lông đuôi phải cao hơn đầu, khoảng 1/3 tổng chiều dài, xòe đều với các lông phụng chủ thẳng như lưỡi kiếm và kèm theo bởi một số lông tá. Đuôi có thể chạm vào mồng nhưng không được ngả về trước quá nhiều.

    Đầu: to và rộng, cử động mạnh mẽ và cong đều, mắt to. Mồng lá, to (càng to càng tốt), dựng thẳng và chia đều với từ 4 đến 5 gai. Viền mồng phải đi đôi với gáy. Mặt nhẵn nhụi, tai cỡ trung bình, đỏ và không lem trắng. Tích thụng và lớn.

    Cổ: tương đối ngắn, cong về phía sau và có nhiều lông bờm phủ lên vai.

    Chân và móng: cẳng chân cực ngắn, nhẵn nhụi (không lông), mạnh mẽ và khủy chân sắc góc. Cẳng phải ngắn đến mức hầu như không thể nhìn thấy. Bốn ngón phải thẳng và xòe đều.

    [​IMG][​IMG]

    Gà mái
    Các đặc điểm của gà mái phải theo sát với mô tả ở phần Kiểu của gà trống. Ngực phải tương tự như mô tả ở gà trống. Đuôi xòe đều và vươn quá đầu. Lông đuôi phải rộng, cặp lông phụng chủ phải hơi cong như lưỡi kiếm. Mồng lớn, gai mồng phân đều, dựng thẳng mặc dù mồng đổ về một bên không phải là tật.

    Di truyền
    Gà tre nhật mang 1 alen chân thấp và 1 alen chân cao. Khi lai tạo, trứng sẽ nhận được mỗi alen từ gà cha lẫn gà mẹ. Nếu trứng nhận được cả hai alen chân thấp từ gà cha mẹ thì không sẽ không nở vì bào thai chết yểu. Alen chân thấp tiềm tàng yếu tố “độc hại” mà khi kết hợp với nhau thì nó sẽ bộc phát.

    Kết quả lai tạo như sau:

    * 25% số trứng sẽ nhận được cả hai alen chân thấp. Trứng sẽ hư, không nở.
    * 50% số trứng sẽ nhận được một alen chân thấp và một alen chân cao. Vì đặc điểm chân thấp là gien trội nên toàn bộ số gà này sẽ có kiểu hình chân thấp.
    * 25% số trứng sẽ nhận được hai alen chân cao và có kiểu hình chân cao mà các nhà lai tạo không mong muốn. Nếu lai tạo những con gà này với nhau thì sẽ không bao giờ thu được gà tre nhật chân thấp chính hiệu.

    [​IMG]

    ----------------------------------------
    Ghi chú: thay vì lai gà chân thấp với nhau, một số người lai gà trống chân cao với gà mái chân thấp. Cách này cũng thu được 50% gà chabo chân thấp nhưng có hai ưu điểm a) gà trống chân cao đạp mái tốt hơn và b) bạn sẽ thu được 50% gà chân cao (thay vì 25%) nhờ vậy số cá thể trống chân cao nhiều hơn và dễ lựa gà giống để lai tiếp.
    ----------------------------------------

    Triển lãm
    Chuẩn bị gà đi thi
    Bước 1: gà chuẩn bị tham dự triển lãm phải được nuôi trong điều kiện vệ sinh, tỉa tót một chút càng tốt. Một khi lông gà bị gãy hay tổn thương thì có tắm bao nhiêu cũng không làm nó lành được. Ở đây, cần đảm bảo gà của bạn tham dự đúng thể loại và màu sắc.

    Bước 2: để tắm gà, bạn cần hai chậu nước ấm. Nếu gà quá bẩn, hãy thêm một ít xà bông tắm vào chậu. Cần tắm gà trong khoảng 10 phút để loại hết chất bẩn, cẩn thận không làm hư lông vì nhúng nước sai cách. Chậu thứ hai dùng để xả sạch xà bông dính trên lông gà. Lúc này, rửa mặt cho gà và bọc nó trong khăn khô. Tỉa mỏ trong khi bọc gà. Nếu mỏ quá dài thì tỉa bằng kéo rồi giũa lại cho nhẵn; dùng giũa cắt móng tay cũng được. Sau đó tỉa móng và giũa, kiểm tra và đảm bảo cẳng gà thật sạch.

    Bước 3: sau khi tắm cần giữ ấm và làm khô lông gà ngay lập tức. Có hai cách để làm khô gà. Nếu bạn tắm cho một hay hai con thì cây sấy tóc là thích hợp. Giữ gà bằng tay trái khi gà đứng trên bàn, giữ cây sấy tóc bên tay phải để thổi khô lông. Cẩn thận không thổi ngược chiều khiến lông gà xù lên. Còn cách nữa, và có lẽ cách tốt nhất, là đặt gà dưới đèn sưởi. Cách này làm khô gà tự nhiên hơn và gà không rỉa lông trong khi khô.

    [​IMG]
    Lau gà trước khi làm khô lông.

    Yêu cầu về trọng lượng
    Gà trống: 510 - 620 g
    Gà mái: 400 - 510 g

    Thang điểm
    Kiểu: 55
    Kích thước: 15
    Điều kiện: 15
    Màu lông: 10
    Màu chân: 5
    Tổng cộng --> 100

    Lỗi nghiêm trọng
    Dáng hẹp. Chân dài . Lưng dài. Đuôi túm. Đuôi thấp. Mồng dị tật hay đổ ở gà trống. Cánh cao. Lỗ tai dính màu trắng. Bất kỳ dị tật nào.

    Các lỗi phổ biến ở đuôi
    [​IMG][​IMG]
    Đuôi không xòe -------------------- Đuôi không đủ cao

    [​IMG][​IMG]
    Đuôi ngả về trước quá nhiều ------------ Đuôi quá thấp

    [​IMG]
    Lý tưởng


    [​IMG][​IMG]
    Đuôi lệch ------------------------- Đuôi sóc

    [​IMG][​IMG]
    Đuôi cong (lông phụng mềm) --------- Đuôi ngả

    [​IMG]
    Lý tưởng

    Biến thể

    1) Nhạn (white): màu lông phải trắng tinh, lông hơi vàng một chút được chấp nhận nhưng nếu vàng quá cũng bị coi là lỗi. Lông hơi trong hay dính màu lạ là lỗi.
    [​IMG]

    2) Nhạn đuôi đen (white black tail): đuôi ít đen hay cổ dính đen là lỗi nghiêm trọng.
    [​IMG]

    3) Ô (black): lông đen tuyền và hơi dính màu ánh kim được chấp nhận. Màu ánh kim chuyển sang tông tím bị coi là lỗi nghiêm trọng. Ở một số cá thể, hắc sắc tố phát triển mạnh khiến vùng mặt (bao gồm mồng, tích, tai và mắt) nhiễm đen. Đặc điểm này không bị coi là lỗi. Mắt cam ở ô mặt đen là lỗi nghiêm trọng.
    [​IMG]

    4) Xám tro (blue)
    [​IMG]

    5) Bông (mottled) - biến thể bông rất đa dạng; bông càng gần đốm tròn càng tốt, bông biến thành viền hay vạch là lỗi nghiêm trọng.

    Bông tam sắc (tricolor mottled): bông trắng và đen trên nền điều
    [​IMG]

    Ô bông (mottled black)
    [​IMG]

    Tro bông (mottled blue)
    [​IMG]

    Khét bông (mottled buff) và nhạn bông (mottled white)
    [​IMG]

    6) Cú (crele)
    [​IMG]

    7) Cú vằn (cuckoo)
    Màu này bắt nguồn từ màu cú.
    [​IMG]

    8) Điều (black breasted red). 8) Mái vàng (wheaten)
    [​IMG]

    9) Khét (brown red): tương tự như màu điều nhưng lông ngực màu đỏ (thay vì đen).
    [​IMG]

    10) Da bò (buff): tông màu nâu nhạt như da bò (buff), có nơi còn phân thành đuôi thường và đuôi đen (black tail).
    [​IMG]

    11) Chuối (silver duckwing)
    [​IMG]

    12) Chuối bùn (birchen/gray)
    [​IMG]

    13) Okina: râu
    [​IMG]

    14) Higo: mồng, tích cực to
    [​IMG]

    15) Xù (frizzle)/Tơ (silkie, gà ác)
    [​IMG]

    Chuồng trại

    Ngoài trời

    [​IMG]

    * Gà tre nhật chỉ có thể nuôi ngoài trời vào mùa khô ráo. Vì nhỏ con và nhẹ cân nên chúng không thích hợp để nuôi ngoài trời khi thời tiết trở lạnh và ẩm ướt.

    * Khuôn viên nuôi gà ngoài trời có thể biến thiên về kích thước và hình dạng. Nhưng một khuôn viên tiêu chuẩn phải bao gồm một chuồng gà nhỏ diện tích khoảng 1 mét vuông và sân có cùng bề rộng nhưng dài khoảng 1,5 mét.

    * Chuồng phải đủ cao để không làm hư mồng hay đuôi gà. Để ngăn địch hại (chẳng hạn chuột và chim sẻ), sân nên được rào kín bằng lưới với kích thước mắt lưới 1,2 cm. Nền sân cũng có thể trải lưới nếu bị động vật cỡ lớn phá phách (chẳng hạn chuột cống và cáo).

    * Có thể lợp mái tôn nhựa ngoài sân để che mưa và gió, nhưng điều này có thể khiến cho việc quan sát gà khó khăn hơn.

    * Sơn bảo vệ gỗ hàng năm sẽ làm tăng tuổi thọ của chuồng. Vì sơn dẫu sao cũng độc nên tốt nhất nên thực hiện vào mùa lạnh, khi chuồng để trống.

    * Khuôn viên thường được thiết kế sao cho có thể di chuyển trên nền đất. Điều này giúp diện tích nuôi không bị ngập đầy chất thải.

    * Chuồng nuôi lớn và nặng nên được thiết kế để dễ làm vệ sinh. Điều này đồng nghĩa với việc thường xuyên thay vật liệu lót nền (tốt nhất bằng dăm bào hay mùn cưa).

    * Xịt chất kháng khuẩn không độc để ngăn ngừa vi khuẩn và virus có hại. Khống chế rận và ve trong chuồng và ổ gà bằng cách thường xuyên rắc bột sát trùng.

    * Nuôi gà ngoài trời cũng có một số lợi ích. Cỏ tươi luôn có sẵn và, với việc thường xuyên di chuyển khuôn viên, phân không bị tích tụ quá nhiều khiến ký sinh và bệnh tật phát sinh. Sân còn cung cấp không gian để gà đào bới và tắm cát.

    * Gà nuôi trên nền đất thường có màu chân và mỏ đẹp nhưng nên nhớ rằng ánh sáng mặt trời có thể làm lông gà phai màu, vì vậy những cá thể có tiềm năng tham dự triển lãm cần được nuôi trong bóng râm hay nhà trại.

    [​IMG]
    Ví dụ về một khuôn viên.

    Trong nhà
    Gà tre nhật có thể được nuôi quanh năm trong nhà trại. Kiểu nuôi này có thể tránh được tác động của thời tiết mà vẫn sạch sẽ và khô ráo. Nhờ được chiếu sáng bằng đèn, bạn có thể kéo dài thời lượng ban ngày vào mùa đông để cho gà ăn cũng như có thêm thời gian để chăm sóc và quan sát gà.

    [​IMG]
    Ví dụ về chuồng nuôi trong nhà trại.

    * Nhà trại thường bao gồm những ngăn lai tạo thông thoáng. Chúng phải có kích thước và cấu trúc sao cho dễ thâm nhập để làm vệ sinh.

    * Một cặp gà tre nhật sẽ sống và sinh sản hoàn toàn thoải mái trong ngăn có kích thước 0,75 x 1 m, nhưng ngăn lớn hơn có thể được sử dụng để nuôi ba con (một trống hai mái) hoặc một nhóm gà tơ.

    * Một nguyên tắc thiết kế linh hoạt là gỡ bỏ các tấm ngăn để vài ba ngăn có thể thông với nhau thành một ngăn lớn hơn.

    * Có thể gác chạc nếu kích thước phù hợp. Tốt nhất, tiết diện chạc khoảng 5 cm vuông, hơi tròn và có thể dỡ đi để ngăn gà tơ đậu chạc quá sớm khiến xương ức bị gập.

    * Chạc phải được đặt ở độ cao vừa phải để gà có thể nhảy lên dễ dàng, nhưng đủ cao để ngăn gà đậu bên trên ổ đẻ.

    * Một tấm lót được đặt bên dưới chạc để giữ vệ sinh cho đáy ngăn.

    * Vật liệu lót lý tưởng là dăm bào hay mùn cưa vì chúng hút ẩm, không làm hư lông và cung cấp chất liệu để gà đào bới.

    * Dăm bào/mùn cưa phải được thay một lần mỗi tuần hay khi cần để ngăn cản dịch bệnh phát sinh. Vấn đề vệ sinh cần được quan tâm hơn khi nuôi trong nhà trại.

    * Nền dơ hay lầy lội chứa nhiều vi khuẩn có hại có thể gây ra bệnh ở đường hô hấp, mà nếu nhà trại không thông thoáng, thì dịch bệnh có thể lan ra toàn trại gà.

    * Khi làm vệ sinh xong, tốt nhất nên xịt sàn chuồng nuôi bằng chất sát khuẩn không độc hại trước khi rắc dăm bào/mùn cưa mới.

    * Khống chế rận và ve theo cách thức như khi nuôi ngoài trời.

    * Một vấn đề nữa đối với các nhà trại là bét đỏ (red mite), chúng núp trong các kẽ hở và tấn công chủ yếu vào ban đêm khi gà đang ngủ.

    * Cách tốt nhất để điều trị dứt điểm là dọn sạch toàn bộ nhà trại, chuồng nuôi và ổ gà, xịt thuốc tẩy trùng mọi nơi, thậm chí ở từng ngóc ngách nhỏ. Chờ thuốc khô hẳn trước khi thả gà lại. Quy trình này được thực hiện định kỳ vào những tháng mùa hè khi vòng đời của ve đỏ là 10 ngày.

    Thức ăn
    Mặc dù gà tre nhật có bề ngoài khác biệt với hầu hết các gống gà khác, đặc biệt là loài gà rừng tổ tiên, nhưng chúng có thể được cho ăn theo cách tương tự.

    Cám hay viên tổng hợp
    Ngày nay, các loại thức ăn tổng hợp dưới dạng cám hay viên luôn sẵn có và rất tiện lợi để nuôi gà. Thức ăn viên dưới dạng khô được hầu hết người chơi gà sử dụng; cám có hai loại khô và ướt. Cám ướt có điểm thuận lợi là ít bị vãi ra khỏi máng ăn khi gà mổ, nhưng bạn cần tính toán để gà ăn hết trong ngày bằng không, cám sẽ bị chua và phải bỏ đi. Máng thức ăn cũng cần được rửa thường xuyên để loại bỏ cám dính. Cám khô không gặp phải vấn đề này nhưng bạn sẽ thấy rằng trừ phi gà của bạn có lưỡi, bằng không thì chúng sẽ làm vãi nhiều hơn là lượng cám chúng thực sự ăn vào. Có vô số loại cám và viên khô của các nhà sản xuất khác nhau và luôn có sẵn trong các tiệm bán thức ăn gia súc. Đa số các tiệm thú cảnh cũng bán cám nhưng trong một số trường hợp bạn phải đặt hàng trước. Cám hay viên tổng hợp thường được bán dưới dạng bao 20/25 kg; nếu bạn có ít gà thì hãy mua bịch nhỏ hơn.

    Ngũ cốc
    Cũng có thể cho gà ăn ngũ cốc xen kẽ với thức ăn viên, hoặc trộn cả hai. Nên nhớ rằng nếu bạn cho gà ăn một lượng lớn thức ăn khác bên cạnh một thực đơn cân bằng thì bạn có thể phá vỡ nó! Bột mì có thể kết hợp với thức ăn viên, trộn theo tỷ lệ 5-5 hoặc ăn dặm trước khi gà ngủ. Giá bột mì rất rẻ, đặc biệt nếu bạn tìm ra nhà cung cấp trung thực! Bột bắp khiến gà bị mập nếu cho ăn quá nhiều; điều này không tốt vì gà sẽ yếu và khó sinh sản, nhưng nếu cho ăn ít hoặc thỉnh thoảng, nó sẽ giúp chân và mỏ gà có màu vàng tươi - thích hợp để tham dự triển lãm. Yến mạch xay là nguồn thức ăn chất lượng khác nhưng không cân bằng như bột mì. Có lẽ bạn thử tìm xem chỗ tiệm thức ăn gia súc, mà mình hay mua, có bán bắp trộn hay không.

    Sạn
    Gà sử dụng sạn vào hai mục đích chính. Sạn được dùng để nghiền các thức ăn cứng, chẳng hạn như bắp. Gà phải được cung cấp sạn nếu thức ăn có bắp, bằng không thì chúng không thể tiêu hóa một cách thích hợp. Sạn được trữ trong một bộ phận đặc biệt gọi là mề, và đấy là nơi “xay nhỏ” bắp. Gà phải phát triển bộ phận đặc biệt này để bù đắp cho việc chúng nuốt toàn bộ thức ăn mà không nhai. Công dụng khác của sạn là tiết ra can-xi để gà phát triển và duy trì sức khỏe, nhưng đặc biệt là để tạo vỏ trứng. Không phải loại sạn nào cũng tiết ra can-xi, nhưng sạn làm từ vỏ sò ốc giã nhỏ có thể đáp ứng được nhu cầu này. Bạn cũng có thể mua loại sạn trộn với cả hai công dụng. Gà được cho ăn cám/viên tổng hợp thuần túy không cần sạn, bởi vì can-xi đã có sẵn trong thức ăn và chúng có thể tiêu hóa thức ăn mà chẳng cần nghiền nát; nhưng bạn vẫn có thể cho gà ăn sạn nếu thích. Gà thả rông có thể tự kiếm sạn từ đất. Sạn có thể được bỏ sẵn vào chén hay phễu để gà ăn, hay thỉnh thoảng bỏ một nắm.

    Nước
    Phải luôn cung cấp sẵn nước sạch. Khi gà đẻ trứng, chúng sẽ tiêu thụ một lượng lớn nước. Chén nước đặt dưới sàn rất dễ bị dơ, nhưng còn có rất nhiều kiểu vòi (fountain) và khay chụp (drinker) khác. Loại dùng cho chim có lẽ thích hợp với chuồng nhỏ hơn là khay chụp lớn cho gia cầm; khay chụp cho gà có lẽ là tốt nhất. Khay chụp phải sạch sẽ và đủ nước cho gà uống cho đến lần châm nước kế tiếp (thường là hàng ngày, một số khay chụp dùng được vài ngày; điều này cũng tốt chừng nào mà nước không bị ô nhiễm bởi đất, bụi và thức ăn).

    Nuôi dưỡng và ấp trứng
    Có một số cách ấp và nuôi dưỡng gà tre nhật. Một số người sử dụng phương pháp ấp tự nhiên, một số ấp bán nhân tạo còn một số phụ thuộc hoàn toàn vào lồng ấp. Bởi vì mỗi con nở mỗi kiểu nên bạn phải bỏ thời gian để tìm hiểu đâu là phương pháp thích hợp với mình nhất.

    Phương pháp 1 - Tự nhiên
    Đây có lẽ là phương pháp ít rắc rối nhất; gà mẹ làm hết mọi thứ. Một khi gà bắt cặp, tổ sẽ được đưa vào. Thông thường mỗi ngăn một tổ. Hầu hết gà tre nhật mái đẻ từ 7 đến 9 trứng rồi mới ấp. Khi gà mái bắt đầu nằm ổ, dời gà và trứng khỏi tổ và xịt hay rắc thuốc sát trùng (gà mái nằm ổ dễ bị rệp và ve tấn công). Đặt lại trứng vào tổ và gà mái vào ngăn. Đừng ép gà mái nằm lên trứng; sau khoảng 10-15 phút gà mái sẽ tự vào ấp trứng. Ghi chú ngày gà bắt đầu nằm ổ, 20-21 ngày sau trứng sẽ nở. Đa phần gà mái sẽ tự rời tổ để ăn uống và vệ sinh, nhờ vậy tổ sẽ luôn sạch sẽ.

    Ưu điểm:

    * Không lo cúp điện.

    * Dễ phân biệt lứa gà.

    * Không cần ấp nhân tạo.

    * Một số người cho rằng gà con mạnh khỏe hơn khi được ấp tự nhiên.

    Nhược điểm:

    * Năng suất thấp.

    * Gà mái có thể bỏ ấp.

    * Khi gà con ra đời chúng có thể bị gà mái tấn công hay không được ủ ấm.

    * Gà mái đè quá mạnh lên trứng khiến chúng bị hư (soiled).

    Nếu gà mái đáng tin cậy và thực hiện tốt vai trò làm mẹ (thường là vậy), kết quả thu được sẽ tốt và những con gà như vậy được tuyển làm gà giống để duy trì đặc điểm này cho những thế hệ về sau. Người chơi gà sử dụng phương pháp này sẽ tự hào rằng không chỉ lai tạo được gà đẹp mà còn chọn được dòng gà ấp và chăm sóc con tốt.

    Phương pháp 2 – Bán nhân tạo
    Phương pháp này ấp trứng theo cách tự nhiên và nuôi gà con bằng cách nhân tạo. Một mẹo nhỏ là bồi dưỡng cho gà trước khi chúng bắt đầu đẻ trứng – vì vậy, có lẽ nguồn dinh dưỡng tốt và chiếu đèn (kéo dài thời lượng ban ngày) là cần thiết. Nên nhớ rằng gà phải đẻ trứng trước khi nằm ổ.

    Tổ gà được đặt vào mỗi ngăn và để tự nhiên giống như phương pháp đầu. Khi trứng nở, ngay lúc gà con vừa khô lông, chúng được tách khỏi gà mẹ và đặt vào lồng ấp/sưởi nhân tạo. Hãy đảm bảo rằng gà thoải mái khi được đặt vào lồng sưởi. Nếu gà con tụm vào nhau thì lồng sưởi vẫn chưa đủ ấm, nếu chúng nép vào các góc và thở gấp thì có nghĩa lồng quá nóng. Những con chân dài sẽ bị loại, những con còn lại sẽ được đeo vòng chân. Nên trữ sẵn một số vòng màu, mỗi lứa sẽ được đeo vòng màu khác nhau.

    Quan sát kỹ lưỡng những con đã được đeo vòng. Gà lớn rất mau vì vậy cần thay vòng khi chúng gần chật. Nếu dùng loại vòng chân dành cho chim thì phải hết sức lưu ý – chúng rất khó gỡ. Có thể đánh dấu bằng cách viết lên lông gà nhưng những dấu này mau biến mất.

    Ưu điểm:

    * Nhiệt độ ổn định.

    * Kiểm soát được lượng thức ăn

    * Có thể đồng thời chăm sóc một bầy lớn

    Nhược điểm:

    * Virus có thể phát sinh – nguy cơ tử vong cao

    * Nguy cơ cúp điện hay hư đèn sưởi

    * Cần để ý hơn so với cách ấp tự nhiên

    * Phải chuẩn bị sẵn lồng ấp/sưởi.

    * Phải có kinh nghiệm vận hành lồng ấp/sưởi.

    Phương pháp 3 - Ấp nhân tạo
    Đây là phương pháp được nhiều người chơi gà tre nhật áp dụng. Có nhiều loại lồng ấp trên thị trường, vì vậy người chơi gà nên tìm kiếm lời khuyên từ những người có kinh nghiệm ấp nhận tạo. Nếu mua phải lồng ấp không thích hợp thì sẽ tốn tiền.

    Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng. Bước kế tiếp là tìm chỗ đặt lồng. Có thể đặt trong nhà, ga-ra hay ngoài trời nhưng nhiệt độ phải ổn định như trong nhà. Nhiệt độ quá thấp vào ban đêm hay quá cao vào ban ngày là không thích hợp.

    Ưu điểm:
    Nếu sử dụng kiểu lồng tự đảo trứng (nên dùng loại này), thay vì phải kiểm tra trứng sau mỗi 6 ngày, thì không phải làm gì cả cho đến trước khi trứng nở một ngày, tốt nhất nên tắt cơ chế đảo trứng. Đây là lúc sắp trứng theo từng lứa - có một cách là đặt vào khay hay túi lưới nhỏ - để khi trứng nở, những lứa khác nhau được tách bạch.

    Nhược điểm:

    * Nguy cơ cúp điện.

    * Cần điều chỉnh độ ẩm.

    * Cần điều chỉnh nhiệt độ

    Nếu sử dụng lồng ấp không tự đảo, thì phải đảo trứng bằng tay tối thiểu hai lần mỗi ngày. Việc này tuy mất thời gian nhưng là điều kiện bắt buộc để trứng nở - trên thực tế, tuần đầu nên đảo ba lần mỗi ngày. Để đơn giản hóa quy trình, trứng sẽ được đánh dấu. Khi đảo, trứng sẽ được lật sang mặt này, lần đảo sau, chúng sẽ được lật ngược lại. Nếu sử dụng một loại lồng ấp mới thì bạn cần phải thật kiên nhẫn trước khi thành công.

    Kết luận
    Gà tre nhật bản mỗi con nở một kiểu. Chúng thực sự là thách thức đối với người chơi gà. Kiên nhẫn là chìa khóa để thành công. Những điều được trình bày đâu đó ở đây có thể là phương pháp phù hợp với bạn, và với sự kiên nhẫn và tận tâm, bạn sẽ đạt được kết quả như ý.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16
  2. Ca Ro

    Ca Ro Active Member

    Bài dịch hay quá anh Đại.
    Góp ý tí xíu thôi:
    - nhạn đuôi đen white black tail: dân chơi gà hay gọi là chuối tuyết
    - Khét (brown red): theo hình thì có vẻ là màu vàng tàu, màu khét thường đuôi cũng màu nâu luôn, không phải màu đen
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cám ơn Khoa,

    Trong bài này mình phân biệt "nhạn đuôi đen" (hình 2) với chuối/chuối tuyết (hình 11) và chuối xám (hình 12). Bề ngoài gà trống hơi giống nhau với đuôi và chóp cánh đen nhưng ngực và cổ của gà trống "nhạn đuôi đen" trắng tinh. Gà mái nhạn cũng vậy trong khi gà mái chuối thường có màu ô/điều, khác nhau rất xa.

    Mình tra trên mạng thì thấy mọi người đều gọi ba con ở trên là "chuối tuyết" ! Gọi như vậy sẽ lẫn lộn vì chúng là các dòng khác nhau.

    Mình thấy những con gà "điều" mà phần bụng và đuôi có tông đỏ (thay vì đen) mọi người đều gọi là "khét". Mọi người không phân biệt chi li tông đỏ mặc dù nó cũng rất đa dạng, từ đỏ (red), nâu (red-brown), cam (ginger red) cho đến nâu nhạt da bò (buff). Riêng tông vàng thì mọi người gọi là "chuối vàng" hoặc "chuối lửa".

    Có gì cứ góp ý nha.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/9/10
  4. bettano1

    bettano1 Active Member

  5. knseo

    knseo New Member

    Giống này giờ bao nhiêu một cặp thế nhỉ, ai biết chỗ bán giống tốt post giúp luôn nhé, có gì tới xem hàng
     
  6. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Theo bức thư của Yoshihisa Kubota, Phó chủ tịch Hội Gia Cầm Nhật Bản (The Japan Poultry Society) trả lời Willem Van Ballekom vào năm 1994, đăng trên http://asilclub.spruz.com thì CHABO là cách gọi chệch của "CHAMBA, một tên gọi cũ của Việt Nam". Theo chúng tôi dự đoán, CHAMBA chính là vương quốc Chăm-Pa, nơi có thương cảng Hội An một thời buôn bán sầm uất với Nhật Bản.

    Bởi vậy, nếu thích thì từ nay các bạn có thể gọi gà Chabo, gà Thái là "gà Chăm-Pa".
     
  7. hieubds

    hieubds New Member

    chabo

    vậy mà từ trước tới giớ cứ kêu gà............................................... Thái
     
  8. dthong

    dthong Moderator

    mới tìm ra cái này : "..... Sách dẫn trên, 5/47a. Người Trung Hoa gọi nước Chàm là
    “Chi-kuo” là vì đất nước này có nhiều lọai gà lùn mà các nhà
    động vật học học hiện đại gọi là bantam. Lọai gà này, sau này
    được du nhập vào nước Nhật, được gọi là Chabo. Đã có ý kiến
    cho rằng danh xưng này phát sinh từ cách đọc thông dụng của từ
    ngữ Trung Hoa để chỉ nước Chàm, Chan-po. Về điểm này, xem
    Sugimoto Naojiro “The Appellation of Chabo (Bantam) through
    a historian’s eye”, trong tác phẩm của ông nhan đề Tonam Ajia
    shi hankyu (Studies on Southeast Asian History),
    Vol. I (Tokyo, 1956)."
    from: https://vietnamclassical.files.wordpress.com/2011/03/ty-nam-trung-hoa1.pdf
     
  9. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cám ơn dthong,

    Bây giờ các bạn chơi gà tre Tân Châu có thể công khai việc pha với gà Thái (tức Chabo) để lấy chân lùn vì cũng là "mình với ta" chớ đâu có ai xa lạ, vẫn là gà tre... Việt thuần mà :)
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội