Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Ẩm thực côn trùng: Nuôi đuông làm thức ăn

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/9/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Ẩm thực côn trùng: Nuôi đuông làm thức ăn
    Mark Hoddle (University of California, 2013) - http://cisr.ucr.edu/blog/red-palm-weevil/entomophagy-farming-palm-weevils-food/

    Kiến thức cơ bản: Ẩm thực côn trùng (entomophagy) là việc sử dụng côn trùng làm thức ăn của con người. Đây là một tập quán cổ xưa tập trung ở những vùng nhất định trên thế giới, nhất là nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có nhiều loại côn trùng to để làm thức ăn và cũng xuất hiện trong thời gian kéo dài, đôi khi quanh năm đối với những loài nhất định. Côn trùng được đề cao bởi những người yêu thích, một số tổ chức phi chính phủ (NGO) hay tổ chức toàn cầu (chẳng hạn như FAO) như là loại siêu thực phẩm sẵn có bởi chúng là nguồn protein (đạm) tuyệt vời giá rẻ và dinh dưỡng cần thiết. Côn trùng làm thức ăn có thể thu hoạch ngoài tự nhiên và có lượng phát thải carbon (carbon footprint) rất thấp nếu chăn nuôi cho nhu cầu cá nhân hay với quy mô công ty. Bởi tầm quan trọng của việc ăn côn trùng dựa trên ích lợi của chúng về mặt dinh dưỡng và môi trường, và dựa trên một thực tế rằng vô số côn trùng, có lẽ lên đến mấy chục loài thuộc những bộ khác nhau (chẳng hạn như Coleoptera [sâu và nhộng bọ cánh cứng], Hemiptera [ve và cà cuống], Hymenoptera [kiến và ong], Isoptera [mối], Lepidoptera [sâu và nhộng bướm và bướm đêm] và Orthoptera [dế, cào cào và châu chấu]), được cả triệu người ăn mỗi ngày, nảy sinh mối quan tâm đến khả năng đánh bắt, chăn nuôi và sản xuất những loài nhất định làm thực phẩm. Việc này đã được triển khai ở một số nơi, với một ví dụ tiêu biểu là việc đánh bắt, bào chế và bán chapulines, một loài cào cào ở Oaxaca, miền nam Mexico. Một loài côn trùng khác có tiềm năng chăn nuôi và sản xuất đại trà là con đuông (palm weevil). Sâu và nhộng của những loài này được ăn một cách rộng rãi ở vùng Đông Nam Á và chăn nuôi ở một mức độ nhất định tại một số nước, nhất là Thái Lan.

    Hult Prize và Clinton Global Initiative: Vào thứ hai ngày 23 tháng 9 ở thành phố New York, quỹ Clinton Global Initiative (Quỹ Sáng tạo Toàn cầu mang tên tổng thống Clinton) trao tặng giải thưởng Hult Prize trị giá 1 triệu đô la cho nhóm nghiên cứu sinh MBA thuộc khoa Desautels Faculty of Management tại đại học McGill University ở Montreal, Canada. Con đường dẫn đến chiến thắng của đội này là đấu tranh chống đói và thiếu ăn ở những vùng nghèo nhờ cải thiện khẩu phần ăn bằng côn trùng. Như là một phần của dự án phát triển ẩm thực côn trùng của đại học McGill, Gabriel Mott (McGill) cùng với Mark Hoddle (UCR) đến Thái Lan vào các ngày 14-19 tháng 9 năm 2013 và với sự trợ giúp của Nittaya Ummarat, một nhà nghiên cứu sau đại học tại UC Kearney Agricultural Research Center, đánh giá việc chăn nuôi đuông ở khả năng chuyển giao sang vùng Tây Phi nơi người ta cũng ăn, nhưng lại không nuôi đuông.

    [​IMG]
    Bên trái-Trên: Nittaya Ummarat và Mark Hoddle phỏng vấn một nhà chăn nuôi đuông ở Trang, Thái Lan. Bên trái-Dưới: Ăn đuông chiên ở Thái Lan. Bên phải: Gabriel Mott kiểm tra sâu đuông trưởng thành tại một trang trại ở Thái Lan.

    Sinh học đuông – Tổng quan: Con đuông Rhynchophorus spp. (Coleoptera: Curculionidae) phân bố ở vùng nhiệt đới và có khoảng 10 loài được mô tả. Các loài đuông Rhynchophorus rất giống nhau về mặt sinh thái và sinh học bất kể ở khu vực hay quốc gia nào. Thứ nhất, ở giai đoạn ấu trùng tất cả đều đục khoét các loài cây họ cọ (palm). Hoạt động cắn phá chủ yếu tập trung ở vùng ngọn (chẳng hạn như cổ hủ dừa) nơi các mô tăng trưởng (meristematic) hiện diện và rồi ấu trùng đào sâu vào phần lõi ngọn (có một ngoại lệ với cây chà là, đa số tấn công diễn ra ở phần thân cách 1 m so với mặt đất). Chiến thuật tấn công này thường làm chết cây bị lây nhiễm, và ở nhiều vùng (bản địa lẫn phi bản địa) con đuông bị coi là loài côn trùng có hại khi chúng tấn công và làm chết những cây họ cọ giá trị (chẳng hạn như nguồn thực phẩm) hay cây cảnh (chẳng hạn như cây cảnh ở nội thành). Hình thức kí sinh này là điển hình đối với loài đuông đỏ R. ferrugineus và đuông Nam Mỹ R. palmarum, mà cả hai đều là côn trùng gây hại cho cây dừa, và ở một số vùng mà chúng xâm lấn (invasive), hoạt động phá hoại tương tự cũng diễn ra trên loài cây cảnh họ cọ xuất xứ từ quần đảo Canary. Thứ nhì, tất cả các loài đuông Rhynchophorus đều có ấu trùng lớn con mà chúng đục khoét bên trong thân cây họ cọ. Toàn bộ quá trình phát triển ấu trùng đều diễn ra bên trong - ấu trùng ăn thân cây và nhộng được bảo vệ bên trong lớp kén dày và cực kỳ chắc chắn vốn thỉnh thoảng rơi từ cây xuống đất. Thứ ba, kiến đuông trưởng thành lớn con, sống lâu (nhiều tháng trời) và rất hoạt náo. Đuông tiết pheromone dẫn dụ vốn hấp dẫn những con đực và cái cùng loài đến những cây đang bị tấn công. Hậu quả, cuộc tấn công sẽ càng mạnh lên bởi những con đang tìm kiếm bạn tình và địa điểm đẻ trứng và sự gia tăng của số lượng ấu trùng xuất phát từ số lượng trứng đẻ ra. Những cây bị lây nhiễm tiết ra mùi mà khi kết hợp với pheromon dẫn dụ, sẽ càng khuếch đại việc lôi kéo kiến đuông.

    [​IMG]
    Kiến đuông đỏ trưởng thành (Red Palm Weevil)

    Vòng đời của con đuông rất đơn giản. Đuông mái đẻ trứng vào những lỗ mà chúng đào ở những nơi có thể (chẳng hạn như cuống lá nơi mà chúng tấn công đến ngọn) bằng cái vòi dài hay rostrum. Sâu đuông nở ra và đục khoét thân cây để bắt đầu ăn. Ấu trùng trải qua một loạt giai đoạn tăng trưởng, số lượng giai đoạn dường như thay đổi và tùy thuộc vào chất lượng thức ăn và có lẽ người ta vẫn chưa chắc chắn về các giai đoạn phát triển của ấu trùng. Khi ấu trùng ăn, chúng biến thân cây thành một loại cám lên men. Mùi hôi của chất liệu này rất mạnh và đặc trưng một khi bạn để ý. Dường như có mối quan hệ cộng sinh (symbiotic) quan trọng giữa các loại vi khuẩn lên men thân cây với sâu đuông, và chúng có lẽ rất cần thiết để sâu đuông có thể khai thác chất liệu thân cây. Thêm nữa, có lẽ đuông phát triển khả năng thích nghi đặc biệt cho phép chúng sống ở môi trường cực kỳ nóng ẩm này, bất kể những con thoát ra có thể mang bệnh. Dường như chưa có báo cáo nào về việc sâu đuông chết hàng loạt bên trong thân cây (có thể việc này bị bỏ qua bởi chúng sống trong thân cây và rất khó để phát hiện, nhưng số lượng lớn xác sâu và nhộng sẽ được phát hiện nếu tìm kiếm và nghiên cứu trên nhiều loài đuông ngoài thực địa). Một khi giai đoạn ấu trùng được hoàn tất, ấu trùng tiền-nhộng đan kén bằng sợi xơ mà trong đó chúng phát triển thành nhộng. Việc đan kén đòi hỏi ấu trùng phải len mình vào một lớp nền, lấy điểm tựa để xoay tròn và quấn sợi xơ thành cái kén dài, tròn như điều thuốc. Sau khi thoát nhộng, kiến đuông trưởng thành tụ tập và có thể sinh sản bên trong vật chủ mà chúng chiếm giữ hay phát tán sang nơi khác. Khi có đủ vật chủ xung quanh, sự cạnh tranh dường như hạn chế về khoảng cách và việc tấn công những cây kế cận hầu như sẽ xảy ra và do đó sự tấn công là hợp lực. Nếu thiếu vắng cây kế cận, kiến đuông có thể bay được một khoảng cách đáng kể, trên 20 km trong vòng 24 giờ để tìm kiếm vật chủ. Khi có đủ địa điểm sinh sản, kiến đuông hiếm khi nào bỏ đi và chúng thể hiện mức độ luồn lách (thigmotaxis) cao, tức là, chúng có một hành vi mạnh mẽ khi ẩn vào những ngóc ngách bên trong và không thể đụng tới trên cây. Việc bắt những con bọ này khỏi địa điểm ẩn náu của chúng là cực khó và đôi khi khiến chúng bị tổn thương.

    Kiến (bọ), nhộng và sâu đuông được dùng làm thức ăn ở nhiều xứ nhiệt đới vốn là vùng phân bố tự nhiên của chúng, nhất là Đông Nam Á (chẳng hạn như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Papua New Guinea) và một số vùng ở Nam Mỹ. Việc tiêu thụ đuông đang phát triển ở Thái Lan thông qua sản xuất đại trà sâu và nhộng đuông làm thức ăn, và bọ đuông trưởng thành được bán để những trang trại khác làm giống.

    Chăn nuôi đuông ở Thái Lan: Trong thời gian từ 14-19 tháng 9 năm 2013, việc chăn nuôi đuông ở tỉnh Trang, miền nam Thái Lan được nghiên cứu để hiểu rõ về phương thức sản xuất. Ba trang trại được viếng thăm và hai phương thức chăn nuôi khác nhau được khảo sát: (1) chất liệu xay đựng trong thùng nhựa (2 trại) và (2) sử dụng khúc cây (1 trại) để nuôi đuông.

    [​IMG]
    Trái: Chất liệu từ cây họ cọ được xay nhuyễn để làm cám đuông. Giữa: Cám đuông được ngâm nước 3 ngày trước khi được cấy kiến đuông để đẻ trứng trong cám. Phải: Ấu trùng đuông phát triển trong cám. Những miếng vỏ cây họ cọ được giở lên làm lộ đám sâu đuông bên dưới.

    Nuôi đuông bằng thùng: Đuông có thể phát triển từ trứng cho đến khi trưởng thành trong một thùng nhựa tròn vốn thường được dùng để đựng nước uống hay thức ăn gia súc. Chất liệu xay, hoặc là lõi cây báng (sago palm - Metroxylon sagu) (vỏ ngoài được tách ra và dùng để đậy cám đuông bên dưới) hay bẹ dừa (lá được róc bỏ bằng rựa cũng như lớp vỏ xanh bên ngoài). Vụn cám và vỏ cây được ngâm nước. Sau 3 ngày, chắt nước, cám được vắt bằng tay cho ráo và khoảng 500 g viên thức ăn của heo (làm bằng trấu, bắp, đậu nành, hạt hướng dương và đậu phộng) được bổ sung vào cám và trộn đều. Kiến đuông trưởng thành, hoặc được đánh bắt từ những cây bị nhiễm bệnh ngoài tự nhiên hay ươm nuôi từ trước, được cấy vào những thùng đựng cám. Mỗi thùng thả 3 cặp trống-mái và bắt ra sau 15 ngày. Kiến đuông trưởng thành lại được gom thành những nhóm bao gồm 5 cặp để cấy cho thùng mới. Kiến đuông có thể được loại bỏ sau hai lượt cấy. Sau khi cấy con giống, cám được đậy bằng những miếng vỏ ngâm nước vốn được tách ra trước đó từ thân cây báng. Lớp vỏ này đem lại nơi trú ẩn cho kiến đuông để chúng không bay đi và về sau, cung cấp nền và sợi xơ dài để ấu trùng làm kén.

    Lợi ích kinh tế từ việc nuôi thùng: Sau gần 4 tuần (có thể thu hoạch sớm hơn, khoảng 17-20 ngày sau khi cấy giống) ấu trùng đủ lớn để thu hoạch và thùng ~ 30 lít có thể tới 2 kg ấu trùng (1 kg tương đương với 150 con sâu đuông cỡ lớn). Mọi giai đoạn sinh trưởng của con đuông đều được tận dụng: sâu (ấu trùng) được bán với giá 250 bạt/kg (1 đô = 32 bạt), nhộng = 400 bạt/kg, kiến (bọ) đuông trưởng thành được bán từng con với giá 3 bạt.

    Nghề nuôi đuông được coi là chi phí đầu tư thấp xét về mặt nhân công và nguyên liệu, và việc sản xuất bổ sung cho những nguồn thu nhập khác. Một nông dân (người trồng cây cao su ở tỉnh Songkhla; nguồn thu nhập chính của những nông dân khác là trồng lúa và cây cọ lấy dầu, hay trong một trường hợp, cây cao su được chuyển đổi thành cây cọ lấy dầu và việc chăn nuôi đuông trở thành nguồn lợi duy nhất của gia đình cho đến khi thu hoạch dầu cọ) ước tính 12 thùng nuôi có giá 460 bạt, 1 kg thức ăn viên của heo giá 32 bạt, cây báng khai thác ngoài tự nhiên không tốn tiền (một nông dân ở tỉnh Nakhom Si Thammarat, người ươm đuông giống để bán cho những nông dân khác, mua thân cây báng với giá 1000 bạt 25 khúc dài 0.5 m) và chỉ bỏ ra vài giờ mỗi tuần để trông coi việc chăn nuôi đuông.

    Tại một trại đuông ở tỉnh Songkhla, các thùng nuôi đuông được xếp trên kệ trong một lán trại bằng gạch khối (nhà kho nóng nực, ẩm ướt và tối tăm). Không gian gần 30 m2, chứa 130 thùng xếp trên kệ theo chiều thẳng 2-3 thùng mỗi cột. Tính toán sơ bộ theo dữ liệu ở trên cho thấy nếu mỗi thùng thu được 2 kg đuông với giá 250 bạt/kg, thì chỗ này sản xuất ra 260 kg/tháng và 65,000 bạt (hay khoảng 2,000 đô la nếu bán được toàn bộ sâu đuông) tương đương với lợi tức 24 đô la/m2 không gian chăn nuôi. Thực trạng chăn nuôi có thể chưa được xem xét trong đợt khảo sát này, nhưng giá thành đưa ra bởi những người nuôi đuông đều ổn định ở mức 250 bạt/kg. Việc sản xuất đuông hàng loạt nghe có vẻ rất hứa hẹn, nhưng thực tế có thể thấp hơn dự đoán ở đây vì nhu cầu tiêu thụ thay đổi. Nông dân thứ hai ở tỉnh Nakhom Si Thammarat nói rằng lượng bán buôn hàng ngày có thể rất biến động, từ 1 kg đến trên 10 kg mỗi ngày nếu rơi vào những ngày nghỉ và lễ lạt tôn giáo. Giá thuê mặt bằng để đặt thùng nuôi cũng có thể rất thấp.

    [​IMG]
    Trái: Lán trại nuôi đuông ở Thái Lan, chỉ 1/3 không gian được sử dụng. Giữa: Kệ với thùng nuôi trong lán trại sản xuất đại trà. Phải: Thu hoạch đuông từ thùng nuôi, khoảng 2 kg sâu đuông.

    Cấu trúc giá rẻ: Lán trại có lẽ không cần thiết chừng nào mà thùng nuôi được che mưa để ngăn ngừa đọng nước. Một tấm bạt chăng giữa các cây có lẽ đủ để che mưa nắng và thông khí cho các thùng nuôi. Cám mà ấu trùng phát triển trong đó vốn đã rất ẩm và chỉ chịu được mưa nhỏ lắc rắc. Nhiệt độ không khí quanh năm ở vùng nhiệt đới, như miền nam Thái Lan, dường như rất thích hợp với việc chăn nuôi đuông, và nhiệt độ thấp, nếu xảy ra, có lẽ phần nào được bù đắp bởi nhiệt lượng thoát ra từ cám lên men mà ấu trùng đuông đang sống trong đó.

    Nuôi đuông bằng thân cây: Một trại nuôi đuông ở tỉnh Nakhom Si Thammarat sử dụng khúc thân cây buông cao (Corypha umbraculifera) dài khoảng 0.33-0.5 m để nuôi. Mỗi khúc gỗ tròn có giá 120 bạt. Từng khúc được đặt bên dưới một cấu trúc được che chắn sơ sài và trên mỗi khúc, cám đuông lên men được nhồi ở độ sâu 2-3 cm. Kiến đuông được thả vào cám và đậy lại bằng vỏ cây ép chặt vào lớp cám nhờ đó đem lại một không gian an toàn cho kiến đuông sinh sống và đẻ trứng. Khúc cây không được sửa soạn gì ngoài việc đắp cám và vỏ cây để cấy giống. Sau khoảng 3 tháng, vụ thu hoạch đầu tiên đã sẵn sàng, và mỗi khúc gỗ có thể sản xuất ấu trùng lâu đến 6 tháng với tổng sản lượng vào khoảng 3 kg sâu đuông. Người nông dân này chuộng hương vị của sâu và nhộng chăn nuôi bằng khúc cây và dẫu đuông phát triển chậm hơn nhưng tuổi thọ của khúc cây lại lâu hơn nhiều so với cách thức nuôi tương tự bằng khúc thân cây báng sago.

    [​IMG]
    Trái: Khúc thân cây họ cọ được sử dụng để nuôi đuông. Phải: Khúc thân cây họ cọ được cấy kiến đuông ở Thái Lan.

    So sánh giá thành sâu đuông với những nguồn protein khác: Sâu đuông được bán với giá 250 bạt/kg và nhộng đuông với giá 400 bạt/kg. Để xác định mức độ cạnh tranh, giá thành theo kg của những nguồn protein được bán ở siêu thị kế cận được khảo sát: cá 69-250 bạt/kg (tùy mỗi loài), ức gà (có da và xương hay không da, không xương) 128-180 bạt/kg và thịt heo (đã ướp) 215 bạt/kg. So với những nguồn protein này, ấu trùng và nhộng đuông sản xuất cùng địa phương là đắt tiền. Thú vị thay, một khách hàng ở tỉnh Nakhom Si Thammarat, người mua 2 kg đuông về cho 5 người ăn, nói rằng sản phẩm có giá phải chăng, hấp dẫn và là một trong những món ăn thường kỳ.

    Làm món ăn từ sâu và nhộng đuông: Có ba cách làm món ăn từ sâu và nhộng đuông: (1) chiên bằng chảo (rất phổ biến), (2) nấu cà ri với rau củ hay (3) giã và chiên giòn. Đôi khi ấu trùng đuông được ăn sống sau khi ngâm trong nước tương. Sâu và nhộng chín là món ăn ngon tuyệt và bổ dưỡng dẫu dùng riêng hay dùng chung với rau và cơm hay mì.

    Để sửa soạn trước khi nấu, sâu và nhộng đuông được ngâm khoảng 10 phút trong dung dịch nước muối ~10%. Xả bỏ và trụng nước sôi trong vòng 1 phút, sau đó có thể cắt đầu sâu đuông (head capsule) trước khi nấu. Sâu được thả vào chảo dầu nóng và đảo đều cùng với húng quế (Thai basil), ớt xắt nhỏ, muối, tiêu và nước tương. Sâu được chiên cho đến khi bắt đầu ngả nâu (khoảng 5 phút). Cách nấu này có thể dùng làm món nhậu với bia hay ăn với cơm. Phần đầu sâu đuông chiên rất giòn, giống như hạt hướng dương, và bổ sung hương vị cho món ăn. Nhộng đuông cực ngon, không hề có cái đầu giòn, độ béo cao và hương vị tương tự như bơ. Sâu đuông chiên giòn rất tuyệt vời, và nếu không có đầu thì người tiêu thụ có thể không nhận ra rằng món ăn làm từ ấu trùng bọ và ngốn nhanh như thể mực chiên giòn hay một loại hải sản nào đó.

    [​IMG]
    Sâu đuông chiên được làm ngay tại trại đuông ở Thái Lan.

    Giá trị cộng thêm: Ngoài việc sản xuất thực phẩm, việc chăn nuôi đuông còn tạo ra nhiều sản phẩm phụ rất hữu ích có thể kinh doanh được. Trước hết, cám đã qua sử dụng để nuôi đuông có thể đem bán như là phân ủ (compost) để bón đất. Thứ nhì, cám đang dùng nếu được bố trí trong khu vực đặc biệt có thể cho chảy vào máng và thứ “nước” này sẽ được thu hoạch và bán như là phân bón, tương tự như phân nước thu hoạch từ các thùng ủ có giun. Thứ ba, trong trường hợp sử dụng khúc cây để nuôi đuông, thân cây rỗng có thể được rửa sạch và bán như là giá thể trồng cây.

    Tóm lược: Sâu đuông rất dễ chăn nuôi, chi phí sản xuất thấp mà mức lợi tức lại cao. Cần quan tâm về độ ổn định của thị trường tiêu thụ tại một số khu vực, đây dường như là trường hợp ở nông thôn Thái Lan nơi mà những khảo sát này được thực hiện và là nơi mà việc sản suất đuông được quan tâm. Doanh số có thể biến động và bị ảnh hưởng, phần nào, bởi các sự kiện tôn giáo hay ngày nghỉ lễ. Đuông thích nghi tốt với việc chăn nuôi trong thùng chậu nhân tạo. Điều này có lẽ không có gì ngạc nhiên bởi vì thùng chậu nuôi sâu đuông tương tự với thân cây nơi kiến đuông sinh sản. Việc sửa soạn đuông, nhất là sâu, để nấu nướng rất đơn giản bởi vì chúng chẳng hề có chân cẳng hay râu ria, điều đó dễ dàng “đánh lạc hướng” sự thật rằng chúng là loài côn trùng trong khi sửa soạn bữa ăn. Điều này đặc biệt đúng khi sâu được giã nát và chiên giòn. Hãy nấu nướng sâu và nhộng đuông theo những cách sáng tạo, nhất là ở những nơi mà ẩm thực côn trùng chưa phổ biến hay côn trùng bị coi là không sạch sẽ và không thể ăn được.

    Kiến thức cơ bản về ẩm thực côn trùng và kiến đuông:
    Dembilio, O., Jacas, J.A. 2011. Basic bio-ecological parameters of the invasive red palm weevil, Rhynchophorus ferrugineus (Coleoptera: Curculionidae), in Phoenix canariensis under Mediterranean climate. Bull. Entomol. Res. 101, 153-163.
    Dembilio, O., Tapia, G.V., Téllez, M.M., and Jacas, J.A. 2012. Lower temperature thresholds for oviposition and egg hatching for the red palm weevil, Rhynchophorus ferrugineus (Coleoptera: Curculionidae), in a Mediterranean climate. Bull. Entomol. Res. 102, 97-102.
    Edible Insects: Future Prospects for Food and Feed Security xem ở đây.
    Faleiro, J.R. 2006. A review of the issues and management of the red palm weevil Rhynchophorus ferrugineus (Coleoptera: Rhynchophoridae) in coconut and date palm during the last one hundred years. Int. J. Trop. Insect Sci. 26, 135-150.
    Murphy, S.T., Briscoe, B.R. 1999. The red palm weevil as an alien invasive: biology and the prospects for biological control as a component of IPM. Biocontrol News and Inform. 20, 35N-46N.

    So sánh giữa dế và đuông về mặt sản xuất đại trà làm thức ăn cho con người: Việc sản xuất đuông thuận lợi hơn nhiều so với dế. Trước hết, số lượng sâu đuông để làm thành một bữa ăn ngon tương đối thấp và hương vị tuyệt vời, nhộng đuông lại còn ngon hơn. Thứ nhì, sâu đuông có thể được chế biến theo nhiều cách (chẳng hạn chiên hay chiên giòn, nấu cà ri hay thậm chí ăn sống), và để so sánh, số lượng món ăn từ dế có thể hạn chế hơn (trừ phi chúng được giã nát rồi đem nấu nướng). Thứ ba, sâu đuông dễ dàng “đánh lạc hướng” bởi chúng không có chân và râu, đầu có thể được cắt bỏ dễ dàng trước khi nấu nướng. Ấu trùng và kiến đuông hiền lành và dễ đánh bắt, nuôi và di chuyển giữa các thùng nuôi. So sánh với mọi giai đoạn sinh trưởng (trừ trứng) dế có khả năng chạy, nhảy và bay (khi trưởng thành). Điều này khiến cho việc chăm sóc và quản lý hàng ngày khó khăn hơn nhiều so với kiến đuông. Thứ năm, sâu đuông thích nghi tốt với việc sản xuất đại trà trong thùng chậu, bởi vòng đời của chúng về cơ bản diễn ra bên trong thân cây. Dế, mặt khác, lại di chuyển nhiều và bay nhảy khắp nơi ngoài tự nhiên và không sống quanh năm trong một bầy đàn đông đúc. Việc này có thể hạn chế khối lượng sản xuất và mức độ thuận lợi của chăn nuôi. Thứ sáu, hậu quả, việc sản xuất đại trà là phi tự nhiên đối với dế và có thể phát sinh bệnh tật và quét sạch toàn bộ quần thể ngoài tự nhiên. Những hiện tượng dịch bệnh như vậy, nếu tồn tại, không được ghi nhận ở con đuông [tác giả dường như đánh giá chưa chính xác vì việc nuôi dế đại trà hiện đã rất phổ biến rồi, các bạn nuôi dế có thể đóng góp thêm, tuy nhiên, chưa biết dế cơm ra sao chứ dế mèn chẳng có mấy thịt, cũng chẳng ngon nghẻ gì]


    ========================================


    Ghi chú

    *Tham khảo bài viết của nhà văn Vũ Bằng: Đuông (trích Món Lạ Miền Nam)

    *Con đuông (palm weevil): có một thông tin rất phổ biến nhưng sai lầm rằng “đuông là ấu trùng của con kiến dương”. Trên thực tế, kiến dương (tức kiến vương) là côn trùng thuộc họ bọ hung Scarabaeidae còn con đuông thuộc về họ bọ vòi Curculionidae. Trông chúng rất khác nhau. Trong bản dịch này chúng tôi tạm sử dụng thuật ngữ “kiến đuông” để chỉ con đuông trưởng thành. Hiện có 10 loài đuông được mô tả. Loài phổ biến nhất là kiến đuông đỏ Rhynchophorus ferrugineus nhưng ở nước ta có thể còn một vài loài khác nữa. Và chúng tấn công không chỉ cây dừa mà cả những cây họ cọ (palm) nói chung.

    *Sago palm (Metroxylon sagu): ở đây chúng tôi tạm dịch là “cây báng” vốn là loài cây họ cọ mà bà con vùng Tây Bắc lấy bột từ thân làm rượu. Cây sago cũng có đặc điểm tương tự cho nên hoặc cả hai là một, hoặc có quan hệ rất gần.

    *Bài viết không đề cập đến mặt tiêu cực của nghề nuôi đuông. Chẳng hạn kiến đuông thất thoát cắn phá vườn tược của bà con nông dân. Theo chúng tôi thì luôn tồn tại một số lượng thiên địch ngoài môi trường tự nhiên và việc chăn nuôi đuông không làm gia tăng số này bởi vì toàn bộ ấu trùng đã được thu hoạch trước khi chúng trưởng thành.

    *Ngày 27 tháng 9 năm 2013 Cục Bảo vệ Thực vật đã có công văn số 1955/BVTV-QLSVGHR nghiêm cấm việc nhân nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức: xem ở đây.

    *Cách phân biệt kiến đuông trống và mái: Vòi của con trống ngắn hơn vòi con mái. Con trống có lông tơ ở đầu vòi và cặp chân trước, con mái không có.
    [​IMG]

    *Mái có thể đẻ tới ~350 trứng. Vòng đời: trứng < 1 tuần tuổi, ấu trùng (sâu) ~4-6 tuần tuổi, nhộng ~2-3 tuần tuổi, bọ (kiến) ~12-16 tuần tuổi.

    *Bắt con giống bằng bẫy pheromone: vốn được áp dụng để tiêu diệt kiến đuông gây hại cho cây (bên trong có nước để bọ chết đuối) nhưng có thể dùng để bắt con giống (không để nước). Chất dẫn dụ là 90% 4–methyl-5-nonanol và 10% 4–methyl-5-nonanone; đặt bẫy dưới đất hiệu quả hơn treo trên cây; bố trí cửa vào gần mặt đất bằng cách chôn; bề mặt bẫy cần thô ráp để kiến đuông dễ leo vào: bao lại bằng lưới, xơ dừa hoặc bao bố; đặt bẫy ở nơi râm mát; trộn pheromone với thức ăn như trái chà là, mía, táo và chuối để dẫn dụ tốt hơn.
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/2/15

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội