Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Bố cục với sổ phác thảo

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - thủy sinh' bắt đầu bởi vnreddevil, 13/8/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Bố cục với sổ phác thảo
    Steven Chong - www.aquascapingworld.com

    [​IMG]

    Sổ phác thảo (sketchbook) rất cần thiết đối với bất kỳ loại hình nghệ thuật nào. Các nhà điêu khắc, nhiếp ảnh gia – các nghệ sĩ thuộc nhiều bộ môn luôn sử dụng công cụ thiết thực này. Với người chơi thủy sinh cũng vậy. Nhìn chung, đó là một công cụ cực kỳ giá trị để mô tả từng phần, theo dõi tiến độ và phát triển năng lực của mỗi người. Thậm chí nếu bạn có rất ít kinh nghiệm hội họa thì một cuốn sổ phác thảo cũng rất có giá trị.

    Giá trị của sổ phác thảo
    Sổ phác thảo không phải để vẽ nguệch ngoạc cho vui. Các nghệ sĩ dùng nó với nhiều mục đích khác nhau trong quá trình sáng tác. Sổ tay là công cụ biểu thị nhằm hỗ trợ từng bước trong quá trình này. Khi bạn nảy sinh ý tưởng, bạn ghi chúng vào sổ. Khi bạn không thể diễn tả điều gì đó, bạn vẽ nó ra. Kể cả khi bạn diễn tả được nó, bạn vẫn vẽ nó ra, vì vậy nó nằm sẵn ở đó mỗi khi bạn cần đến.

    Đặc biệt với nghệ thuật 3D chẳng hạn như điêu khắc và bố cục thủy sinh, bản vẽ trong sổ tay rất cần thiết trong việc xác định tỷ lệ, không gian và vị trí mà các phần trên thực tế thể hiện khi chúng được đặt cùng nhau. Các điêu khắc gia như Michael Angelo phải mất rất, rất nhiều năm trời để vẽ - và nhiều bản có chất lượng đáng kinh ngạc – mà chúng không bao giờ lọt ra ngoài công chúng. Những bản vẽ này là nguồn gốc của những tác phẩm điêu khắc của những nghệ sĩ như vậy. Từ dạng sơ thảo, đến những tỷ lệ cụ thể, cho đến những chi tiết tinh tế nhất – các bản vẽ có thể được phát triển trong sổ phác thảo, và mọi ý tưởng về tác phẩm sau cùng đều thực sự bắt đầu từ trên giấy.

    Quy trình tương tự cũng được áp dụng cho bố cục thủy sinh. Bỏ thời gian để vẽ, bạn sẽ kết hợp các phần lại với nhau, bản vẽ còn giúp kết hợp màu sắc, bố trí địa hình và cho thấy toàn bộ tác phẩm trông như thế nào. Bằng không, sổ tay sẽ không cần thiết nếu người nghệ sĩ không muốn sử dụng nó – không ai thấy nó, không ai phán xét nó. Đó là góc bí mật và tự do của người nghệ sĩ nơi họ có thể làm bất kỳ những gì mình muốn. Tự do điên khùng, ngốc ngếch, vẽ hay phát ngôn bất kỳ điều gì. Những gì liên quan trong đó hoàn toàn không phải chủ đề thảo luận hay bàn tán. Điều quan trọng là những gì mà chúng ta nghĩ hay làm có cơ sở để phát triển mà không bị quên lãng hay dang dở.

    Tiếp theo, sổ phác thảo là cách tốt nhất để theo dõi sự tiến bộ của bạn. Với những gì thể hiện trong đó, sổ tay phản ánh những gì chúng ta thực hiện/suy nghĩ/nỗ lực/theo đuổi trong thời gian chúng ta làm việc với nó. Cho dù có hoàn tất tác phẩm hay không, sổ tay cho thấy sự tiến bộ của chúng ta. Điều này là cần thiết đối với người nghệ sĩ vì một số nguyên nhân.

    Trước tiên, sự tự tin là điều quan trọng và rất tốt khi người nghệ sĩ có thể nhìn lại và thấy mình đã tiến bộ như thế nào. Trong quá trình tiến bộ của mình, luôn có những thời điểm khó khăn, chững lại và chậm tiến với rất ít cải thiện. Nhìn lại quá khứ phản ánh trong sổ tay có thể giúp chúng ta hiểu được con đường trưởng thành của mình. Nhưng cũng có thể không được gì.

    Đôi khi chúng ta lạc lối, và thay vì nhìn lại những tác phẩm cũ để xem mình tiến bộ như thế nào, chúng ta nhìn lại để xem mình bắt đầu lạc lối từ đâu. Mặc dù việc không ngừng tiến lên phía trước là điều quan trọng, có rất nhiều trường hợp người nghệ sĩ nói rằng mình muốn “tìm về cội nguồn”. Đôi khi chúng ta bị mất phương hướng. Đôi khi chúng ta quên mất mình muốn gì. Sổ phác thảo không chỉ toàn hình vẽ - nó chứa đựng suy nghĩ, cảm xúc và ước mơ của chúng ta. Nó gắn liền với quá khứ, và có thể nhắc nhở về những điều mà chúng ta hãy còn khát khao vươn tới.

    Sử dụng sổ phác thảo
    Làm thế nào sử dụng sổ tay để thể hiện mục tiêu của mình? Điều này tùy thuộc vào mỗi người, sau đây là một ví dụ về phương pháp sử dụng sổ tay của tôi.

    [​IMG]
    [​IMG]

    Thu thập thông tin
    Một trong những ứng dụng tốt nhất của sổ phác thảo là lưu giữ ý tưởng. Với người nghệ sĩ, ý tưởng chính là máu thịt của tác phẩm, vì vậy lưu giữ ý tưởng một khi bạn nảy sinh ra chúng là điều vô cùng quan trọng. Không nhất thiết phải chi tiết – chỉ cần vài từ hay hình vẽ đơn giản trong sổ phác thảo mà bạn luôn đem theo bên mình có thể giúp rất nhiều trong việc nhớ lại ý tưởng đó sau này. Một khi nó đã được lưu vào sổ, bạn ít ra cũng có thể xem lại, và vì vậy ý tưởng trong sổ phác thảo cũng phát triển theo. Tại đó, ý tưởng hầu như mơ hồ ở một trang có thể phát triển thành một kế hoạch với đầy đủ chi tiết ở những trang sau.

    Ý tưởng trong sổ phác thảo không nhất thiết phải hoàn thiện. Điều quan trọng là bạn ghi nhận chúng. Thậm chí nếu ý tưởng còn rất sơ lược và đơn giản – cũng không vấn đề gì. Thậm chí nếu ý tưởng chỉ chung chung và bạn chỉ có vài từ trong đầu mà không có hình ảnh nào hết cũng cứ ghi nó vào sổ. Ý tưởng sẽ được phát triển một khi nó được lưu trong sổ tay của bạn. Nếu không thành hiện thực thì ít ra nó cũng đã ở đó. Bạn luôn có thể mua thật nhiều sổ tay nhưng bạn không bao giờ biết được mình còn nhớ ý tưởng bao lâu. Thậm chí nếu bạn có nhớ ra thì cũng sẽ khác trước bởi vì người nghệ sĩ không lặp lại chính mình trước đây. Vậy hãy luôn lưu lại những ý tưởng mà bạn có.

    Khi bạn đi dọc đường và thấy một cây thật đẹp, nếu cảm nhận khắc sâu vào tâm trí bạn, hãy nhớ làm gì đó với sổ phác thảo của mình. Thậm chí chỉ với vài từ hay nét vẽ là đủ. Khi bạn thức dậy với một giấc mơ đẹp, hãy nhanh chóng mở sổ tay (ở ngay trên bàn bên cạnh bạn) và vẽ/viết nội dung chính vào sổ trước khi nó tan biến. Khi nghĩ về một ý tưởng cũ và nảy sinh ý tưởng mới với nó, hãy lấy sổ tay và ghi lại ý tưởng đó. Việc ghi nhận ý tưởng cũng buộc bạn ít ra phải sắp đặt chúng dưới dạng mô tả nào đó, mà điều này cũng góp phần phát triển khả năng trực giác và thấu thị nghệ thuật của bạn.

    Sổ phác thảo là nơi ghi nhận và hoàn thiện chúng ta về phương diện nghệ thuật, và vì thế nó là nơi tuyệt vời để lưu giữ những gì ảnh hưởng đến chúng ta. Những mảnh bài viết về tác phẩm của các nghệ sĩ khác được cắt từ báo hay in có thể đem lại cảm hứng cho bạn – đấy là những thứ có thể dán vào sổ tay một cách dễ dàng. Tôi thích in hình phong cảnh đẹp và lưu chúng trong sổ tay của mình.

    Mọi người có thể nghĩ rằng những chất liệu này không xuất phát từ chính ý tưởng của chúng ta nhưng thực sự là như vậy. Không hề có hai người cùng thấy một “hình ảnh” dù cùng nhìn vào một “bức ảnh”. Mọi người cảm nhận sự vật một cách khác nhau. Việc tiếp nhận hình ảnh và ý tưởng từ mọi nơi và diễn dịch chúng thành những gì quan trọng đối với chúng ta, khiến cho mọi ý tưởng mà chúng ta theo đuổi trở nên độc nhất.

    Một nghệ sĩ nổi tiếng nắm bắt được thời điểm mà ông lấy ý tưởng từ nơi khác, thậm chí nếu có người sử dụng nó, thì ý tưởng đó giờ đây là của chính ông. Ông chắc chắn đã áp dụng nó theo cách riêng của mình. Nghệ sĩ cũng phải có khả năng tiếp nhận cảm hứng từ bên ngoài để giúp mình tiến bộ. Những ảnh hưởng từ bên ngoài như vậy nhất thiết phải được ghi nhận bởi vì thiên hướng nghệ thuật của chúng ta bắt nguồn và hình thành phong cách riêng từ đó.

    Đừng nguệch ngoạc, hãy vẽ!
    Một giáo viên nghệ thuật trước đây của tôi có lần than phiền với tôi rằng nhiều học trò của ông quá do dự trước các bức vẽ của họ. Nếu họ vẽ sai một nét, và họ biết nó bị sai, thì họ sẽ để yên như vậy bởi vì “họ không muốn làm hỏng toàn bộ bức vẽ”. Hãy quên việc làm hỏng tranh đi. Nào ai quan tâm đến việc bức vẽ có bị hỏng hay không? Đó đâu phải là ngày tận thế.

    Nếu cần có một nét ở đó, hãy vẽ nó. Nếu sai nét đó thì vẽ lại. Vẽ đè lên trên! Đừng do dự chỉ vì bạn lo lắng bức vẽ có đẹp hay gọn gàng không. Đẹp hay gọn gàng không có ý nghĩa gì hết, đặc biệt là khi bạn vẽ trong sổ tay. Hãy dành điều này cho việc chụp ảnh một hồ đã hoàn tất. Khi làm việc với ý tưởng bố cục, hãy vẽ đi vẽ lại nó nhằm đạt được tỷ lệ và thành phần thích hợp. Vẽ trên giấy cho đến khi bạn đạt được mục đích mới thôi.

    Có một kỹ thuật gọi là “phác họa” (blocking in) mà nó tương tự như ở bức vẽ ở trên cùng. Khi phác họa, trước tiên nghệ sĩ vẽ những thông tin quan trọng nhất lên giấy, những phần ít quan trọng hơn để sau. Những vị trí quan trọng nhất bao gồm các điểm, tỷ lệ, góc nhìn và ít quan trọng hơn là các đường viền. Khi phác họa, đừng đặt nặng “đường viền” tức cố vẽ viền ngoài của các vật thể. Hãy bắt đầu bằng vị trí của các điểm – chẳng hạn đỉnh hòn đá, phần xa nhất về bên trái của nền cát, điểm thấp nhất của nhánh cây.

    Thay vì đường viền, hãy vẽ những điểm quan trọng nhất trước: chúng ở đâu, và vị trí tương đối của chúng so với những phần khác. Vạch những đường thẳng giữa những điểm quan trọng để đo đạc khoảng cách, góc nhìn và những thông tin quan trọng khác. Đo đạc mọi thứ trên giấy. Đâu là góc nhìn tốt nhất và khoảng cách giữa một cành cây và tảng đá mà nó tựa lên? Đâu là độ cong của cây thủy sinh có nhánh đối với phần khung (hardscape) đó? Kích thước của nhánh cây có đạt tỷ lệ thích hợp? Vùng trống (negative space) ở đâu và hình dạng của nó phải như thế nào? Những câu hỏi như thế này nhất định là mối quan tâm hàng đầu của bạn khi phác họa, và hãy vẽ nhiều nét, vẽ đè lên nhiều nét nữa, để tìm ra bản mà bạn ưng ý nhất. Điều này có nghĩa là “xây dựng bản vẽ”, hoàn toàn không phải nguệch ngoạc.

    Sau khi hoàn tất những thông tin quan trọng trên giấy bạn mới phải quan tâm đến đường viền bên ngoài của các vật thể, hay cố gắng làm bản vẽ đẹp hơn. Bạn có thể dành phần này cho trang sau. Hoàn toàn không cần phải đạt đúng tỷ lệ hay góc nhìn. Điều này đặc biệt đúng với kế hoạch bố cục khi mà không ai nhìn thấy bản vẽ, và điều quan trọng là bố cục sau khi hoàn tất. Sổ phác thảo là nơi khởi đầu của một ý tưởng, và bản vẽ trong đó phản ánh điều này. Dĩ nhiên, việc nắm bắt ý tưởng về hồ thủy sinh sau khi hoàn tất có thể trông tương tự với bản vẽ cũng là điều quan trọng, nhưng tốt nhất là hãy xắn tay mà thực hiện.

    Hãy giữ bên mình, đừng để thất lạc!
    Tất cả những điều trên đều vô nghĩa nếu bạn quên mang theo sổ phác thảo bên mình để dùng đến khi cần. Hãy để nó bên cạnh giường khi bạn đi ngủ, trên bàn những lúc bận việc khác. Điều quan trọng là cứ mỗi khi cần bạn đều có nó ngay lập tức. Sổ phác thảo sẽ rất có giá trị nếu được coi như là một sinh vật sống, mà nó phát triển khi người chủ trưởng thành. Việc giữ gìn sổ tay cũng quan trọng không kém. Khi trưởng thành, bạn có thể muốn xem lại những tác phẩm cũ. Theo dõi sự phát triển của một người sẽ giúp người đó đạt được những cải thiện thậm chí còn tốt hơn. Thay vì quẩn quanh, sổ phác thảo sẽ giúp bạn tự đứng trên chính đôi chân của mình, để cải thiện những gì mà bạn đã từng trải qua.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/8/09

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội