Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Tổng hợp những câu hỏi thường gặp trên diễn đàn

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá La Hán' bắt đầu bởi vnreddevil, 4/4/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tổng hợp những câu hỏi thường gặp trên diễn đàn

    Có những câu hỏi thường xuyên lặp đi lặp lại trên diễn đàn mặc dù đã được đề cập ở đâu đó từ trước và rất lâu rồi. Điều này dễ thông cảm bởi vì số lượng bài viết khá nhiều mà các nội dung lại nằm rải rác trong khi một thành viên (thường là người mới tham gia) lại không có thời gian để tìm và đọc. Vì vậy, tôi xin tập hợp ở đây một số chủ đề phổ biến nhất nhằm giúp các bạn có thể tham khảo một cách nhanh chóng và hiệu quả nội dung mà mình quan tâm. Cách này cũng có nhược điểm, ở chỗ vì là ý kiến của một cá nhân nên không khỏi chủ quan và thiếu sót. Tôi hy vọng sẽ nhận được sự đóng góp của tất cả các bạn để nội dung ngày càng chính xác và phong phú hơn.

    Làm sao để La Hán “lên đầu”
    Dù không muốn làm mọi người thất vọng nhưng câu trả lời chính xác nhất theo tôi đó là “không có cách nào cả!”. Bởi vì yếu tố giúp cho con cá có đầu phát triển thật to đó là “di truyền”, điều mà chúng ta không thể tác động và thay đổi được.

    Cá có đầu to nhờ nó được di truyền đặc điểm này từ cá bố mẹ. Thật không may, đặc điểm di truyền này ở cá La Hán lại không phải là đặc điểm “trội”, nghĩa là chỉ có một số lượng cá La Hán nhất định trong một bầy được di truyền đặc điểm này mà thôi. Một lứa cá La Hán có khoảng từ vài trăm đến cả ngàn cá con. Chúng sinh sản khá dễ và thường xuyên vì vậy nếu con nào cũng có đầu to thì thị trường đã bão hòa từ lâu rồi. Thực tế, những con cá có đầu to mà chúng ta thấy ngoài tiệm là cá đã được người ta tuyển chọn. Nếu muốn cá có đầu to, bạn nên mua những con này tuy rằng giá của chúng cao hơn bình thường. Bạn muốn nuôi cá con giá rẻ hơn cũng được, nhưng xác xuất cá lớn lên có đầu to cũng nhỏ hơn nhiều.

    Những phương pháp giúp cá “lên đầu” thực ra là những cách hỗ trợ để giúp cá phát triển hết tiềm năng sẵn có của chúng. Ngoài các yếu tố cơ bản, chẳng hạn như việc duy trì môi trường nuôi dưỡng thích hợp để cá phát triển mạnh khỏe, phổng phao từ đó đầu cũng phát triển tốt hơn, tôi xin liệt kê một số phương pháp hỗ trợ như sau:

    - Soi kiếng: đây là cách tiện lợi nhất. Soi kiếng làm cá xung hơn. Tôi cũng thích “chơi” với cá bằng cách này. Khi nào chán thì cất đi chứ không nên dán kiếng cố định vào hồ, e rằng cá xung quá cắn hoài vào kiếng, hư mỏ.
    [​IMG]
    Thả một tấm kiếng nhỏ vào hồ để cá xung hơn (lưu ý chọn tấm liếng nhỏ thôi để cá vừa nhúc nhích là không thấy bóng đâu nữa).

    - Ngăn hồ: để nuôi nhiều cá gần đực gần nhau. Cá kình nhau suốt ngày sẽ xung hơn. Tuy nhiên, có con khi nuôi một mình lại phát triển đầu tốt hơn, thực tế như vậy tôi không rõ nguyên nhân vì sao.

    - Cho rượt cá nhỏ hơn hoặc cá mái: tương tự cách như người ta luyện cá Xiêm để đá độ. Lâu lâu cho cá luyện một lần rồi vớt cá mái ra chớ đừng để cá mái sống chung một cách thường xuyên. Hoặc là nó bị cá đực cắn chết hoặc cả hai sẽ bắt cặp sinh sản để rồi cá đực bị “rớt đầu”.

    - Cung cấp thức ăn giàu chất đạm (protein) và chất béo. Các loại thức ăn tổng hợp thường được quảng cáo là có chứa nhiều chất béo và protein cần thiết sự phát triển của bướu cá.

    [​IMG]
    Hình giải phẫu cho thấy bướu chứa toàn... mỡ!

    Một người bạn của tôi kích thích cho cá La Hán lên đầu bằng khẩu phần thức ăn đặc biệt gồm thịt bò, tôm tươi và thức ăn tổng hợp xay nhuyễn (anh không trộn thêm chất kết dính nên thức ăn rã trong nước rất dơ, sau khi cho cá ăn xong phải thay nước). Vài ngày anh lại thả một con cá nhỏ vào cho cá đực rượt trong vòng 1-2 tiếng. Anh cũng hay chơi với cá nên nó rất xung và kết quả là đầu phát triển cực to. Theo anh, đương nhiên yếu tố di truyền đóng một vai trò quan trọng vì mọi người chỉ chọn nuôi những con cá có "tiềm năng" nhưng cách thức nuôi dưỡng cũng quan trọng không kém trong việc phát triển "tiềm năng" đó một cách tối đa. Như chúng ta đã biết, có rất nhiều phương pháp kích thích cho cá lên đầu nhưng mọi người thường không áp dụng thường xuyên hay dừng lại khi đầu cá bắt đầu phát triển. Bí quyết của anh đó là liên tục thúc đẩy cho đầu cá nở ra (dĩ nhiên, công chăm sóc cũng nhiều hơn). Đây là một ý kiến rất đáng chú ý tuy rằng có nhiều con cá được nuôi và cho ăn theo cách bình thường cũng có đầu rất to.

    Tóm lại, một khi cá của bạn đã lớn mà vẫn chưa “lên đầu” thì chúng đã không được di truyền đặc điểm đầu to từ cá bố mẹ và cho dù bạn có làm gì đi nữa thì đầu của chúng cũng không cải thiện một cách đáng kể được. Trái lại, nếu đầu cá của bạn đã kha khá, tức là có “tiềm năng” thì những cách trên có thể giúp chúng phổng phao hơn nữa.

    Như thế nào là dạng đầu xương và đầu hơi?
    Nhiều người thường nói rằng cá của họ không “có đầu” (cá nào mà chẳng có đầu, không đầu làm sao nó sống). Thực ra, điều mà mọi người muốn ám chỉ đó là đầu cá thuôn đuột tức là cá không “lên đầu”. Một khi cá “có đầu” hay “lên đầu” thì phần thịt phía trước trán nhô hẳn lên so với bình thường. Tuỳ theo hình dạng của nó mà người nuôi cá thường phân loại thành “đầu xương” hay “đầu hơi”.

    “Đầu xương” là dạng đầu vuông vức, chỉ hơi gồ lên trên. Đây là cách gọi nôm na chứ ngoài xương sọ cá, không có cái xương nào mọc lên phía trên cả. Thành phần của cục thịt nhô lên này (còn gọi là “gù” hay “bướu”) chủ yếu là nước và mỡ. Trước đây, người ta vẫn chấp nhận những con La Hán đầu xương, thậm chí còn khen rằng đầu xương khó bị “rớt đầu” nhưng ngày nay không mấy người chuộng loại đầu này nữa. Nó bị liệt vào loại cá không “có đầu”!
    [​IMG]
    La Hán đầu xương.

    ”Đầu hơi” hay “đầu phao” là dạng đầu căng phồng, phổng phao rất dễ nhận biết. Đầu hơi cũng có khi lên, khi xuống tuỳ theo tình trạng “xung” hay “không xung” của con cá. Theo tôi, dạng đầu hơi có thể phân thành nhiều loại bao gồm “phồng phía trước”, “phồng lên trên”, “phồng ra sau” và “phồng đều” nhưng dù là dạng đầu nào thì cũng phải trông hài hoà với thân mình. Dạng đầu “phồng phía trước” khá phổ biến ở cá La Hán, những con có đầu thật to thường tạo cho người quan sát cảm giác rằng mõm hay mặt của chúng trông ngắn hơn. Về khía cạnh thẩm mỹ, những con đầu có ngấn tức phía trên phẳng lỳ và không liền lạc với phía trước trông không được đẹp. Những con cá có đầu to quá khổ, hai bên đầu không cân xứng hay đầu bị móp méo cũng là dạng đầu không hoàn hảo.

    [​IMG]
    Dạng đầu hơi phồng ra phía trước và đầu hơi phồng ra phía trước thật nhiều làm mõm trông ngắn lại.

    [​IMG]
    Dạng đầu hơi phồng lên trên.

    [​IMG]
    Dạng đầu hơi phồng ra phía sau.

    [​IMG]
    Dạng đầu hơi phồng đều.

    Ngoài hai dạng đầu phổ biến ở trên, tôi thấy còn có một dạng đầu nữa tuy mức độ căng phồng không bằng đầu hơi nhưng mõm lại thật ngắn nên trông cũng rất đẹp. Dạng đầu này khá hiếm, có thể tạm gọi là dạng “đầu vuông”.
    [​IMG]
    Dạng đầu vuông, mõm cực ngắn.

    Làm sao có thể phân biệt cá đực, cá cái?
    Không như những động vật bậc cao, bộ phận sinh dục của cá nằm ở bên trong cơ thể vì vậy việc phân biệt giới tính của chúng rất khó khăn, đặc biệt ở giai đoạn trước khi chúng trưởng thành. Độ tuổi trưởng thành ở cá La Hán cái thường trên 6 tháng còn ở cá La Hán đực là trên một năm. Cá La Hán trưởng thành thường phát dục và khi đó bộ phận sinh dục của chúng lộ hẳn ra ngoài. Chúng ta có thể quan sát hình dáng của bộ phận sinh dục để xác định giới tính của cá. Bộ phận sinh dục của cá đực hay ống dẫn tinh có hình ống, hẹp, hướng thẳng đứng hay hơi chếch lên phía trước còn bộ phận sinh dục của cá cái hay vòi trứng hơi lài, thuôn theo thân mình.

    Đó là trên lý thuyết, thực tế, một số ít cá đực có đầu và màu phát triển từ rất sớm (5-7 cm) nên rất dễ nhận biết. Ngoài ra, những cá thể bình thường có kích thước trên 10 cm nếu được kích thích bằng cách nuôi trong những ngăn kiếng cạnh nhau thì có thể quan sát và xác định giới tính ở mức độ chính xác tương đối cao.

    Cách phân biệt như trên không thể áp dụng cho các tiệm cá hay trang trại cá cảnh khi mà việc phân biệt được tiến hành đồng loạt với hàng trăm con một lúc. Trường hợp này, người ta phải bắt cá ra rồi dùng kính lúp quan sát bộ phận sinh dục ngoài của chúng. Bộ phận sinh dục của cá đực có dạng chữ V còn cá cái có dạng chữ U; tuy nhiên, công việc này cũng đòi hỏi người quan sát phải có nhiều kinh nghiệm vì sự khác biệt là rất nhỏ và chỉ thực sự chính xác một khi cá đã trưởng thành, nghĩa là bộ phận sinh dục của chúng đã phát triển một cách hoàn thiện.

    [​IMG]
    Phân biệt giới tính cá La Hán. (Trên cùng) Bộ phận sinh dục của cá đực hẹp, có hình ống, hướng thẳng đứng hay hơi chếch lên phía trước. (Giữa) Bộ phận sinh dục của cá cái hơi lài, thuôn theo thân mình. (Dưới cùng) So sánh bộ phận sinh dục của cá đực và cá cái. Cá đực có bộ phận sinh dục hẹp (chữ V), một lỗ ra chung cho đường tiểu và ống dẫn tinh. Cá cái có có bộ phận sinh dục tròn (chữ U), lỗ tiểu và vòi trứng riêng biệt.

    Bên cạnh đó, còn có một loạt các gợi ý cho phép chúng ta đoán giới tính của cá:

    - Cá đực thường lớn nhanh hơn rất nhiều so với cá cái vì hầu hết năng lượng mà cá cái tiêu thụ được đều chuyển hoá vào buồng trứng với mục đích duy trì nòi giống, do vậy nếu quan sát trên cùng một bầy cá, những cá thể to lớn, phổng phao có nhiều khả năng là cá đực.

    - Cá đực thường “lên đầu”. Lưu ý: không phải cá đực nào cũng “lên đầu” hoặc đôi khi cá cái cũng “lên đầu”.

    - Cá cái trưởng thành khi phát dục hay đẻ trứng lên thành hồ; hiện tượng này thường được thấy khi nuôi cá trong hồ kiếng nhiều ngăn; có lẽ hình ảnh cá đực ở ngăn bên cạnh có tác động đáng kể đến sự phát dục ở cá cái mặc dù chúng không tiếp xúc trực tiếp với nhau.

    - Cá cái thường có chấm đen trên vây lưng gọi là “chấm kỳ”. Nhưng lưu ý rằng một số cá đực cũng có chấm kỳ.

    - Phần chóp bộ phận sinh dục của cá đực thường có màu đen.

    Tóm lại, không có phương pháp nào là hoàn hảo và bạn nên kết hợp nhiều yếu tố với nhau để xác định giới tính cho cá La Hán của mình.

    Một cách phân biệt giới tính đơn giản (Monsterfishkeepers.com)

    Giữ cá như trong hình, ngón cái đặt ngay sau nắp mang.
    [​IMG]

    Nhẹ nhàng ấn xuống về hướng lỗ tiểu/hậu môn. Nếu là cá đực, bạn sẽ thấy một dòng dung dịch trong suốt bắn ra (cá cái không có hiện tượng này).
    [​IMG]

    Một cách phân biệt giới tính cá dĩa

    Cá dĩa và cá La Hán đều là cá cichlid --> đây có thể là một gợi ý tốt.

    Độ cong vùng sinh dục: cá đực có vùng sinh dục lõm trong khi cá cái lồi. Mức độ lồi lõm ở cá non không nhiều so với cá trưởng thành.
    Đặc điểm này được áp dụng cho mọi cá dĩa với độ chính xác 100% nếu bắt cá ra khỏi hồ (70% nếu quan sát qua hồ kiếng). Điều kiện: a) cá phải trưởng thành trên 5 tháng tuổi và đạt kích thước trên 10 cm, b) cá non được quan sát trước khi ăn, và c) khi quan sát, vây hậu môn phải căng về phía vây bụng.

    [​IMG] [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/17
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Làm sao để cá La Hán lên màu?
    Cá không có khả năng tự tạo ra các sắc tố mà phải lấy qua nguồn thức ăn. Vì vậy, để cá lên màu đẹp chúng ta phải cung cấp các loại thức ăn có nhiều sắc tố cho cá. Sau đây là các loại thức ăn tự nhiên và sắc tố mà chúng cung cấp:

    Màu đỏ-cam: đây là màu chủ đạo ở những dòng cá đỏ như Red Devil, super red, khỉ đỏ, red texas… Ở cá La Hán bình thường, màu đỏ thường tập trung ở vùng bụng và mắt nhưng đôi khi cũng lan lên đến đầu và thân, đặc biệt ở những con Hoàng Kim, màu này lan ra toàn thân. Những chất tạo nên sắc tố đỏ-cam bao gồm b-carotene, astaxanthin, canthaxanthin. Những nguồn thức ăn có chứa nhiều sắc tố đỏ-cam bao gồm tôm, tép, động vật giáp xác, hải sản, cá hồi, cà rốt, đu đủ, củ dền…

    Màu xanh ánh kim: đây là màu chủ đạo ở những dòng cá như Kamfa, Texas, kim cương… Chất tạo nên sắc tố xanh ánh kim là purine. Chất này khá phổ biến, chúng xuất hiện nhiều trong nội tạng (tim, gan, thận, não) của gia súc, thịt bò, cá biển như cá mòi, cá trích, cá thu, tảo spirulina, các loại rau như măng tây, cải bông, nấm, rau muống và đậu xanh. Nhìn chung các loại thức ăn có nguồn gốc động vật giàu purine hơn so với thực vật. Như vậy, các loại thức ăn thông thường mà chúng ta cho cá ăn hàng ngày cũng chứa ít nhiều purine và hầu như không mấy ai quan tâm phải làm sao để cá La Hán lên “châu”. Còn nếu muốn kích “châu” thì chúng ta chỉ cần cho cá ăn thêm thịt bò hay tim bò xay.

    Ngoài ra, để giúp cá lên màu đỏ-cam nhanh chóng thì có thể cho chúng ăn thức ăn có trộn bột Carophyll. Đây là phẩm màu chứa astaxanthin nồng độ cao dùng trong ngành công nghiệp chăn nuôi. Các loại thức ăn viên bán ngoài thị trường cũng cung cấp nhiều sắc tố giúp cá lên màu.
    [​IMG]
    Phẩm màu Carophyll Pink.

    Cũng cần nói thêm rằng việc cá lên màu không hoàn toàn phụ thuộc ở sắc tố (thức ăn) mà còn bị tác động bới các yếu tố khác như hồ, nước, ánh sáng, môi trường... và đặc biệt là hormon. Những người nuôi khỉ đỏ hẳn không lạ gì hiện tượng cá đang bình thường bỗng nhiên đỏ rực. Hiện tượng này xảy ra theo chu kỳ mỗi khi cá động dục, lượng hormon tăng lên làm màu sắc trở nên rực rỡ.

    Vì vậy, để giúp cho cá La Hán lên màu mà không sử dụng thức ăn viên đặc biệt, phẩm màu Carophyll hay hormon, chúng ta cần phải để ý đến nhiều yếu tố khác bên cạnh việc cho cá ăn các nguồn thức ăn tự nhiên.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/17
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hormon tác động lên màu sắc của cá như thế nào?
    Chúng ta thường nghe nói đến việc “kích” màu cho cá bằng thức ăn có trộn hormon. Vậy cơ chế tác động của hormon lên màu sắc của cá như thế nào?

    Trước hết, các tế bào sắc tố có cấu tạo như là một mạng nhện với những mao mạch nhỏ li ti mà các sắc tố chuyển động trong đó. Ở trạng thái căng thẳng hay bình thường, sắc tố co cụm hay chỉ lan ra ở mức độ vừa phải trong tế bào sắc tố làm cá có màu nhợt nhạt. Nhưng dưới tác động của hormon, sắc tố lan ra toàn bộ bề mặt của tế bào sắc tố làm màu sắc của cá trở nên rực rỡ.

    [​IMG]
    Hình ngoài: sắc tố lan ra toàn bộ bề mặt tế bào sắc tố - Hình giữa: sắc tố lan ra một phần - Hình trong: sắc tố co cụm.

    Hormon là một thành phần tự nhiên trong cơ thể cá, chúng xuất hiện nhiều vào thời kỳ cá động dục nên chúng ta thường quan sát thấy những thời điểm mà cá lên màu rực rỡ. Để "kích" màu, người ta cho cá ăn thức ăn có trộn hormon với nồng độ cao. Một số loại thức ăn viên được quảng cáo là giúp cá lên màu một cách nhanh chóng có thể chứa thành phần hormon. Tác dụng lên màu của hormon kéo dài hơn nhiều so với phẩm màu Carophyll (vốn thường chấm dứt rất nhanh sau khi ngưng cho cá ăn).

    Những con cá La Hán được nuôi bằng thức ăn có trộn hormon thường “lên màu” ngay từ khi còn nhỏ và màu sắc cũng rất nổi bật. Tuy nhiên, nồng độ hormon cao lại tác hại lâu dài và vĩnh viễn đối với các cơ quan nội tạng của cá. Các trường hợp cá La Hán bị vô sinh, dễ nhiễm bệnh và suy giảm tuổi thọ đều có thể bắt nguồn từ nguyên nhân hormon hơn là vì thiếu kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dưỡng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/12/17
  4. tamvy

    tamvy New Member

    Xin giúp đỡ!

    Mọi người có thể trả lời giúp em vài câu hỏi được không ah???!!!
    Em nghe nói người ta bỏ muối vào hồ nuôi cá La Hán để sát trùng, vệ sinh hồ? Việc này như thế nào ah? Nếu thực sự có phương pháp này, thì với bể có kích thước 90x40x40 thìphải bỏ bao nhiêu muối là được ah?
    Chân thành cảm ơn mọi người trước nhé!
     
  5. QSy

    QSy Moderator

    Chính xác đấy bạn!K những cá LH có bỏ muối vào hồ mà 1 số cá khác cũng cũng bỏ 1 tí.Cá LH thì bỏ nhiều hơn
    Với kích thước hồ như thế bạn có thể bỏ vào khoảng 1-2 nắm muối hột
     
  6. daibangmientay2003

    daibangmientay2003 Active Member

    Cho mình hỏi là có loại thuốc sát trùng nào mà khi pha vào nước vẫn trong ko? Mình cũng cần loại thuốc nào sát trùng nhẹ trên diện rộng để dùng thường xuyên nhằm tiêu diệt vi khuẩn, sán, trùng để phòng ngừa cho cá LH.
    Chứ mấy loại thuốc Abocin, v..v.. sát khuẩn tốt mà bỏ vào hồ thì vàng khè thấy ghê. (Tính mình ghét thấy hồ đục nên siêng thay nước lắm)
    - Ở nhà mình thường xài muối (ko có Iod) để sát trùng, vì người ta nói muối chữa bách bệnh, mà ko làm xấu hồ. Tuy nhiên có lẽ muối vẫn chưa hoàn toàn tiêu diệt hết mầm bệnh !!!
     
  7. Solenzara

    Solenzara Banned

    Cái này thì bạn cứ ra tiệm cá hỏi. Chai của VN dạng chai nhựa như chai thuốc nhỏ mắt. Giá rẻ và mình sử dụng cho tất cả các loại cá mình đã nuôi thấy tốt!
     
  8. o0conma0o

    o0conma0o New Member

    cho mình hỏi tên của cá la hán với. mới chơi nên ko biết mà các bác toàn viết tắt ko hiểu đc hic hic. chỉ biết mỗi cá la han nữ hoàng kim cương nhưng chả biết phân biệt. các bạn giúp tôi với đc ko?
     
  9. husky_pro

    husky_pro Active Member

    kkc là king kim cương
    kkf là king kamfa
    king lai là kkf lai tùm lum
    Nhkc là nữ hoàng kim cương
    CRD là châu rồng đỏ
    Sup là supermer
    .....
     
  10. hieulung123

    hieulung123 New Member

    Hay!E đang định nuôi 1 em.e thấy bảo loại này sống khỏe hả các anh.đầu tư cái chuồng ùi tiến hành nuôi nóa.hi
     
  11. hoang04

    hoang04 Active Member

    Cho em hỏi là bao giờ đến lúc tụi nó giao phối được ạ
     
  12. hoang04

    hoang04 Active Member

    dấu hiệu nào cho biết cá đã sẵn sàng giao phối
     
  13. duybeo123

    duybeo123 Active Member

  14. nguyenvuongquang2009

    nguyenvuongquang2009 Active Member

    Cho em hỏi cần chuẩn bị những gì để rước cá bột về sao cho cá ko bị nhát, em có mua về 1 con KC bột nhưng nó bị nhát cứ trốn trong máy lọc nước hoài
     
  15. La Hán Thái Đỏ

    La Hán Thái Đỏ New Member

    Cá LH nhỏ ăn thức ăn nào tốt để cá phát triển tốt nhất hả các bác :),nên ưu tiên thức ăn tươi phải ko ạ
     
  16. lucson52

    lucson52 Moderator

    Ở phía trên diễn đàn (dưới nick của các bạn) có một thanh Google Custom Search. Các bạn hãy gõ cụm từ mình cần tìm rồi bấm Enter. Sẽ hiện ra nhiều kết quả. Các bạn từ từ tìm hiểu. Sẽ có được nhiều thông tin...
    Thân mến.
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội