Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nuôi dưỡng nhà vô địch - theo kinh nghiệm của anhnhxxi

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá rồng' bắt đầu bởi vnreddevil, 29/2/12.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Nuôi dưỡng nhà vô địch - Phần I
    - theo kinh nghiệm của anhnhxxi

    anhnhxxi - www.thegioicacanh.com

    Bài viết này của anhnhxxi đã được đăng cách đây 4 tháng trên tạp chí Cá Cảnh của hội Cá Cảnh TP. HCM.

    Sau đây mình xin chia sẻ những kiến thức tích lũy được với các bạn gần xa.

    [​IMG]

    Để nuôi dưỡng và chuẩn bị cho một chú rồng tham gia thi đấu không phải là một công việc dễ dàng, tất cả những yếu tố có thể ảnh hưởng hoặc để làm cho chú cá rồng phát triển mạnh khoẻ và đẹp đều phải được cân nhắc hết sức cẩn thận. Nói vậy không có nghĩa một người mới chơi không thể tham gia cuộc đua này được, vì yếu tố gien di truyền chỉ chiếm giữ 60%, vậy thì phần còn lại 40% sẽ do chính chúng ta quản lý và kiểm soát phần còn lại này chính là chìa khoá để nuôi dưỡng một chú rồng chiến thắng trong tương lai, vậy thì hãy bắt đầu chuẩn bị tốt nhất cho phần còn lại này như thế nào?

    Việc cần chuẩn bị đầu tiên

    Trước nhất, bạn phải chuẩn bị tâm lý và thời gian cam kết cho sự chăm sóc một chú cá rồng. Đây là một việc làm lâu dài và bền bỉ từ chăm sóc cho ăn thay nước từng chút một và quan sát sự phát triển của cá mỗi ngày. Hơn thế nữa các chi phí mà bạn sẽ tốn kém là điều chắc chắn không tránh khỏi. Vì vậy niềm đam mê, sự kiên nhẫn và kiến thức sẽ là nền tảng rất cần cho những ai nuôi dưỡng nhà vô địch, đừng so đo tính toán là bạn sẽ có thể trông cậy vào ai đó và bỏ cuộc niềm đam mê nữa chừng.

    Chuẩn bị hồ cho cá rồng

    Hồ cá trước khi đưa vào sử dụng cần phải thực hiện chế độ ngâm nước muối khử mùi, khử chất độc của keo, xây dựng một môi trường vi sinh an toàn và ổn định trước khi bạn có thể rước chú cá thân yêu của mình về. Thường thì việc thực hiện chuẩn bị hồ sẽ mất khoảng 2 tuần cho đến 6 tuần. Nước sau khi được đưa vào hồ cần có khử chlorine hoặc chloramine và thực hiện lọc, sủi khí liên tục. Hãy chuẩn bị một bộ lọc thật tốt và có khả năng làm việc lâu dài cho khâu chuẩn bị này.

    Việc chuẩn bị hồ cho cá có thể thực hiện bằng 2 phương pháp:

    1. Đưa một chú cá rẻ tiền vào hồ trước để kiểm tra chất lượng nước, sử dụng cá neon tetra là tốt nhất vì loài cá này rất nhạy cảm với chất lượng nước. Khi đó các chất thải từ chú cá thử này sẽ tạo điều kiện cho vi sinh phát triển. Kiểm tra lượng ammonia trước khi cho cá rồng vào.

    2. Sử dụng các dung dịch khử amonia và theo dõi bằng thuốc thử ammonia cho đến khi lượng ammonia thực sự bằng 0, khi đó lượng vi sinh có lợi sẽ sinh sản và có khả năng khử ammonia hoặc nitrite nếu có trong hồ.

    3. Sử dụng các media trong thiết bị lọc mới nhằm tạo điều kiện cho các loại vi sinh phát triển nhanh chóng.

    4. Ở giai đoạn này chúng ta có thể hoà thêm vào trong nước hồ một ít vitamin như Dennerle 7, một ít nước lá bàng hoặc black water trước khi đưa cá vào hồ.

    Sau khi đã chuẩn bị xong hồ cá, việc làm kế tiếp sẽ là gì?

    1. Chọn một chú rồng đẹp, phần này sẽ được thảo luận ở mục chọn cá rồng đẹp.

    2. Trước khi đưa cá rồng về, chúng ta cần kiểm tra trước độ pH của nước trong thùng chứa và trong hồ cá rồng.

    3. Khi chú cá rồng của bạn đưa về, đầu tiên bạn hãy cho toàn bộ bịch cá vào hồ, khoan thả cá ra, để cả bịch và cá trong hồ khoảng 10 – 15 phút. Lúc này là ta đang cân bằng nhiệt độ giữa nước trong bịch và nước trong hồ.

    4. Kế tiếp, mở miệng bịch ra và lấy một ít nước từ hồ rót vào bịch cá và cột chặt lại như cũ, lặp lại việc này cứ sau 5 phút, khoảng 30 phút sau bạn có thể thả cá vào hồ. Động tác này giúp cho cá nhanh chóng làm quen với môi trường nước mới.

    Vài điều cần Chú ý:

    1. Không dùng lưới vớt cá, cá sẽ dễ dàng bị tổn thương xước hoặc rớt vảy, hoặc trường hợp xấu có thể bị xệ đuôi. Hãy dùng một bao nhựa trong lớn, mở miệng bao thật lớn và nhẹ nhàng lùa cá vào bằng tay của bạn một cách từ từ. Cá rồng rất dễ chịu nên bạn có thể chỉ mất vài phút để thực hiện việc này. Như vậy chú cá sẽ không cảm thấy bị stress khi bị bắt. Nếu cá bị stress sẽ mất rất lâu để cá hồi phục và dáng bơi sẽ mất đi sự khoan thai, hùng dũng.

    2. Chỉ nên mua cá với chứng nhận đầy đủ, scan chíp, và từ những cửa hàng uy tín. Để đảm bảo nguồn gốc chú cá của mình. Nếu không bạn sẽ tiếc nuối khi phải tốn quá nhiều công sức nhưng chỉ được chú cá không như mong muốn.

    Kích thước hồ:

    Rất quan trọng cho nuôi dưỡng một chú cá phát triển đầy đủ và đẹp. Một kích thước hồ tối thiểu cho một chú cá rồng từ bé cho đến trưởng thành là 2m4 x 70 x 70, và vì lẽ đó bạn nên chọn một hồ tùy theo khả năng của bạn nhưng nên lớn hơn kích thước tối thiểu càng tốt. Tôi mong rằng bạn sẽ không tiếc tiền cho khoản này vì những lý do tốt sau:

    1. Cá rồng là loài lớn rất nhanh, từ một chú cá 10 – 12 cm trong năm đầu tiên, nếu bạn cho ăn đầy đủ dưỡng chất có thể đã đạt kích cỡ 45 cm, vì thế sẽ tiết kiệm hơn nếu bạn chỉ mua sắm hồ một lần và sẽ giảm thiểu các rủi ro sau này khi phải dời chuyển cá sang hồ mới.

    2. Với hồ cá có kích thước bé, cá rồng sẽ chậm phát triển và như vậy cá sẽ không đẹp và nếu điều đó xảy ra sẽ là vĩnh viễn và không thay đổi được nữa. Do vậy hãy chọn một hồ lớn phù hợp với khả năng cho phép của bạn.

    [​IMG]

    Môi trường:

    Những vật dụng xung quanh cũng ảnh hưỡng đến sự phát triển của cá một cách gián tiếp hay trực tiếp.

    1. Màu nền: Yếu tố này tưởng chừng chẳng ảnh hưởng gì đến sự phát triển của cá, nhưng thực tế lại là một điểm quan trọng trong kích thích cá phát triển màu sắc rực rỡ. Đối với cá rồng huyết, màu nền tối nên được sử dụng, thí dụ: màu đen. Màu này sẽ thúc dục cá mau chuyển màu và màu sẽ rực rỡ hơn nếu kết hợp với ánh sáng mạnh, hơn thế nữa màu đỏ làm tăng thêm sự óng ánh của các vây cây. Đối với kim long thì cần một màu nền sáng hơn, như màu xanh dương nhạt chẳng hạn. sẽ thuyết phục cá nhanh chóng xuất hiện màu ở hàng vẩy trên lưng. Tuy nhiên nếu sử dụng màu xanh dương thì sẽ làm cho sự bóng bẩy của vây đối với kim long không được cao. Theo kinh nghiệm của tôi, thì bạn nên nuôi kim long trong màu nền xanh da trời khi còn bé và đổi qua màu nền đậm hơn khi cá đã có sự xuất hiện hết màu ở hàng vây thứ 6. Và như vậy nếu ta sử dụng đúng màu nền cho từng giai đoạn cá trưởng thành thì sẽ giúp cho chú cá phát triển tối đa khả năng tốt của nó.

    2. Những vật trang trí trong hồ: Đối với cá rồng, không nên để những thứ gì sắc bén, nhọn trong hồ vì cá rồng rât dễ bị tổn thương khi va chạm với các vật dụng đó. Tuy cá rồng là loài có khả năng chịu đựng cao và rất nhanh chóng hồi phục ngay cả khi bị thương rất nặng. Nhưng những vết thương bị lộ ra rất dễ làm mồi cho các loại vi khuẩn xâm hại.

    3. Nền sỏi và cát: Nếu thật sự không cần thiết, cũng không nên có sỏi hoặc cát trong hồ, ngoại trừ trường hợp bạn là người rất thường xuyên thay nước và vệ sinh cho cá. Nhưng hãy chú ý theo năm tháng các chất thải sẽ lắng tụ và là môi trường tốt cho các loài xâm hại cá sinh sống

    4. Thủy sinh trong hồ: Sẽ rất tốt nếu cây và tảo phát triển trong hồ, vì sẽ tạo ra một lượng beta-carotene trong nước, chính chất này lại giúp cho màu sắc cá phát triển đẹp. Tuy nhiên, khi chúng ta tắt đèn hồ cá thì những cây này và tảo sẽ tranh giành o-xy với cá và như vậy ta nên thường xuyên cung cấp đầy đủ o-xy để tránh hiện tượng thiếu o-xy trong nước.

    5. Nắp đậy: Phải chắc chắn và bắt buộc đối với cá rồng, vì cá rồng rất năng động, khi đói có thể nhảy lên đớp mồi là các côn trùng bay lượn bên trên và cá sẽ văng ra ngoài, chắc chắn bạn không muốn nhà vô địch của bạn bị tổn thương hay gãy cột sống phải không?

    --------------------------------------------------------------------------------

    Nuôi dưỡng nhà vô địch - Phần II
    - theo kinh nghiệm của anhnhxxi


    [​IMG]

    Ánh sáng:

    Các dải ánh sáng trong các bóng đèn huỳnh quang quyết định đến sự phát triển màu sắc của cá.

    1. Đối với huyết long, ánh sáng mạnh hơn thì thường được dùng để tắm nắng cho cá, những loại bóng cường độ công suất và ánh sáng cao như các bóng Osram Floura, TFC, NAN, NEC, Jebo… thường sử dụng cho cây thì thích hợp trong vai trò tắm nắng cho cá. Những bóng này sẽ làm cho màu sắc đỏ của cá đỏ hơn. Và cá là loài nhanh chóng thay đổi màu sắc để thích nghi với màu của môi trường xung quanh nhằm mục đích tránh bị săn bắt. Trong một môi trường tối, khi chúng ta sử dụng đèn thủy sinh tắm nắng cho cá sẽ bổ sung thêm màu sắc nóng và màu đỏ thêm rực rỡ. Nếu có điều kiện thì cá huyết long nên được phơi nắng thực sự dưới ánh nắng mặt trời dù đó chỉ là nắng sáng hay nắng chiều đều rất tốt cho màu sắc của cá. Cuối cùng màu đỏ hoặc màu hồng của các loại đèn như TFC đều rất tốt cho sự gia tăng màu sắc của cá rồng.

    2. Đối với rồng vàng, những bóng đèn huỳnh quang bình thường cũng có thể làm tốt vai trò làm tăng thêm vẻ đẹp của cá. Không nên dùng đèn với công suất cao hay ánh sáng mạnh đối với kim long vì như thế sẽ làm lưng của cá đen xậm lại và rất khó phát triển hết màu trên hàng vây thứ 6.

    Nhiều người chỉ bật đèn mỗi khi cho cá ăn hoặc nhìn ngắm cá, cũng có người cất luôn đèn và không dùng nó cho cá kim long. Lý do vì mục tiêu làm cho cá phát triển màu lên các hàng vây thư 5, 6 được nhanh hơn. Nhưng nó cũng có mặt nhược của nó là làm cho màu sắc của cá không được bóng bẩy. Theo kinh nghiệm của tôi giữ cho cá ở trong môi trường ít ánh sáng đèn càng tốt và chỉ khi nào các hàng vây trên lưng cá phát triển màu sắc tối đa thì khi đó hãy bắt đầu dùng đèn để khắc sâu màu sắc vào vây cá, một vài trường hợp còn kích thích cá phát triển màu mạnh mẽ hơn nữa.

    Cẩn thận cân nhắc khi sử dụng đèn vì khi đó ánh sáng cũng sẽ làm tảo phát triển mạnh và làm nước biến màu xanh, nếu chúng ta sử dụng đèn với ánh sáng quá mạnh và với cường độ lâu thì sẽ ảnh hưởng đến mắt cá. Sức khỏe cá suy giảm nghiêm trọng vì bị stress quá lâu. Có nhiều chú sẽ bỏ ăn.

    [​IMG]

    Thức ăn:

    Thực tế, chúng ta biết rằng thức ăn là yếu tố chính ảnh hưởng toàn bộ trên sự phát triển của cá. Sự đa dạng thức ăn chúng ta dùng cho cá hàng ngày sẽ làm sức khoẻ cá được ổn định, hệ thống miễn dịch mạnh mẽ sẽ chống lại bệnh tật và làm tăng màu sắc ở cá. Theo kinh nghiệm của tôi đã nuôi cá rồng nhiều năm thì thức ăn chính của cá rồng thường tôi luôn duy trì nhái và tôm, thỉnh thoảng tôi cho cá ăn thêm sâu và côn trùng như gián, dế… để bổ sung thêm các khoáng chất và vi lượng.

    Cá rồng là loài dễ tính có thể ăn rất nhiều loại thức ăn khác nhau, nhưng chúng rất dễ bị nghiện thức ăn là côn trùng. Nhưng cho dù thức ăn bạn dùng là gì đi chăng nũa thì nhất định bạn phải cách ly các mồi sống một thời gian ít nhất 1 tuần trước khi cho cá ăn và chỉ lựa những con mồi còn khỏe mạnh. Mục tiêu để nhà vô địch của bạn ít gặp phải rủi ro các mầm bệnh lây nhiễm từ con mồi.

    Mồi chế biến sẵn: Rất ít cá rồng chịu ăn mồi khô, nhưng nếu bạn kiên nhẫn huấn luyện rồi thì cá rồng cũng sẽ chấp nhận, lý do chúng ta cho ăn mồi khô vì ít mầm bệnh, tăng thêm chất bột cho cá và tiện lợi mỗi khi khó khăn về mồi sống. Tuy nhiên không có mồi nào tốt bằng mồi còn sống.

    Nhái hay ếch: Bao gồm rất nhiều chất đạm và là thức ăn tuyệt vời cho sự tăng trọng và tăng kích thước của cá rồng. Ếch và nhái được sử dụng tại các trại nuôi cá rồng khắp nơi trên thế giới cho cá bố mẹ nhanh chóng hồi phục và tăng sản lượng sinh sản. Ngoài ra ếch nhái cũng luôn có sẵn ở mọi nơi.

    Tép trứng: Chỉ nên cho cá rồng lớn ăn tép trứng vì các vẩy và gai tép rất nhọn có thể làm hỏng bao tử cá con gây ra rất nhiều loại bệnh khó chữa. Nếu bạn vẫn muốn dùng loại thức ăn này cho cá nhỏ. Thì có thể lột vỏ và cắt các chân cũng như đầu nhọn của tép, có thể băm thành từng mẩu nhỏ cho cá con dễ ăn.

    Tép: Rất nhiều và dễ dàng mua ở bất kỳ siêu thị nào, bạn có thể mua tươi hoặc đông lạnh, nhưng cần kiểm tra chỉ chọn loại còn tươi. Loại thức ăn này rất nhiều astaxanthin và carotene rất cần thiết cho cá rồng, Đặc biệt huyết long sẽ mau chóng phát huy màu sắc. Vỏ tép rất tốt để bổ xung thêm can-xi cho cá, và với loại thức ăn này, chúng ta cũng chỉ nên cho cá rồng lớn. Một số cá rồng cần huấn luyện để sử dụng loại thức ăn này. Nhưng đây là loại thức ăn rất tốt cho cá rồng.

    Côn trùng: Đây là loại thức ăn được cá rồng ưa chuộng. Một khi ăn là chúng không muốn thay đổi khẩu vị nữa, vì lẽ đó chúng ta chỉ nên cho ăn dặm thêm mà thôi. Đừng cho ăn cùng với các thức ăn khác cùng lúc, cá rồng sẽ bỏ lại thức ăn khác làm hư nước. Khi cho ăn côn trùng cũng đừng cho ăn luôn cả đầu hoặc chân côn trùng, các thứ này cứng quá sẽ rất có hại cho cá, chẳng hạn như cá bị lồi hậu môn. Nếu gặp phải bệnh này thì sẽ rất lâu cá mới khỏi, hoặc thức ăn có quá nhiều chất béo cũng gây ra hiện tượng này. Các loại sâu gạo hoặc sâu superworm trước khi cho cá rồng ăn nên cho chúng ăn cà rốt hoặc bột tảo spirulina trước để chuyển hoá lượng chất bổ này vào cá rồng.

    Thằn lằn đất hoặc chuột con: Thằn lằn đất thì dễ mua tại các chợ bán chim, hoặc loại thằn lằn trên tường, cẩn thận những chú thằn lằn ăn nhầm bả thuốc… đối với chuột con có thể đặt mua tại các nhà hàng, là nguồn dinh dưỡng bổ nhất cho cá rồng lớn.

    Các loại thức ăn khác: thịt nạc từ heo, bò, gà, con kì đà. Rất giàu vitamin và khoáng chất.

    --------------------------------------------------------------------------------

    Nuôi dưỡng nhà vô địch - Phần III
    - theo kinh nghiệm của anhnhxxi


    [​IMG]

    Quản lý nước:

    Nước đối với cá rồng, cũng như không khí đối với người. Quản lý nước tốt là điều không thể thiếu để tạo một môi trường tốt cho sự phát triển của nhà vô địch.

    Môi trường nước thích hợp: Cá rồng thích loại nước hơi mềm độ pH dao động trong khoảng 6.5 – 7, với chất nước này sẽ làm cá rồng phát triển màu nhanh và rực rỡ hơn, loại nước mềm là loại kH và gH thấp. Vì vậy rất tốt nếu ta trộn nước blackwater hoặc nước lá bàng để tạo thành màu nước hơi màu trà tương tự màu nước từ thiên nhiên nơi cá thường sinh sống. Đồng thời nước lá bàng cũng gia tăng thêm lượng acid humic cho cá phát triển và giúp cá bình tĩnh hơn.

    Thay nước: Việc thay nước nên tiến hành càng thường xuyên càng tốt nhưng chỉ với một lượng nhỏ. Thay mỗi tuần khoảng 20% lượng nước là cần thiết, cá sẽ cảm thấy thoải mái và phát triển tốt. Bạn có thể dùng bảng theo dõi lượng nitrate được phép trong mỗi lít nước để thực hịên việc thay nuớc. Nhiều người chăm hơn có thể thay 2 lần trong tuần, mỗi lần thay 10%. Nhưng đối cá rồng đem thi đấu thì nên thay nước mỗi ngày! Thường xuyên đưa nước mới vào hồ thì tốt hơn bất kì loại máy lọc nào có trên thị trường. Không máy nào có thể so sánh được với môi trường thiên nhiên. Mỗi lần thay nước ta nên cho một lượng muối nhỏ để làm dịu cá rồng và giúp cho hệ thống miễn nhiễm ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời muối cũng giúp giảm lượng nitrite gây ngộ độc cho cá. Nước sạch sẽ giúp lượng ammonia ở mức tối thiểu, và lượng nitrite ở mức dưới 0.3mg/l và giữ cho nước luôn ở điều kiện tốt nhất. Không nên thay nước quá 50% mỗi lần hoặc giặt các bông giặt và các hạt lọc trong cùng thời gian, vì khi đó có thể nảy sinh sự tiêu diệt hàng loạt lượng vi khuẩn hữu ích cũng có thể gây tổn hại đến cá do các vi sinh chết tạo ra một lượng ammonia hoặc thay đổi pH đột ngột. Cá rồng chỉ đẹp khi khỏe mạnh và chỉ khỏe mạnh khi được ở trong môi trường nước sạch.

    [​IMG]

    Cần ghi nhớ:

    1. pH trong hồ có thể sụt giảm nhanh chóng chỉ trong 1 khoảng thời gian. Vì vậy luôn kiểm tra độ pH ít nhất mỗi tuần hoặc 2 lần tuần. Độ pH không thích hợp có thể làm giảm khả năng miễn nhiễm của cá rồng vì cá không thể thích nghi với độ pH quá khác biệt. Độ pH trong khoảng 5 hoặc thấp hơn sẽ sản sinh rất nhiều bệnh truyền nhiễm cho cá. Nhưng độ pH từ 9 trở lên cũng giết chết cá.

    2. pH trong khoảng 7.5 – 8,5 là lý tưởng để duy trì sự phát triển của các loại vi sinh hữu ích.

    3. Vi khuẩn có ích thì rất nhạy cảm với đèn UV và ngay cả ánh sáng đèn trong phòng, hãy dùng những tấm chắn sáng cho các bộ lọc trong suốt và hồ. Môi trường thích hợp cho vi khuẩn có ích hoạt động hiệu quả là trong môi trường tối. Tuy nhiên cũng có thể chấp nhận trong một môi trường râm mát.

    Bộ Lọc: Bộ lọc là bắt buộc cho việc duy trì chất lượng nước tốt nhất. Có 3 loại lọc khác nhau: Lọc cơ học, lọc hoá chất, lọc vi sinh.

    Lọc cơ học: Chủ yếu lọc các mảnh thức ăn, các hạt lớn lơ lửng trong nước, các bợn do nước đã có sẵn và các chất thải của cá. Nhưng loại lọc này không lọc được những hạt nhỏ li ti hay những thành phần hữu cơ nhỏ trong nước.

    Lọc hoá học: Chủ yếu lọc các tạp chất trong nước hoặc được hòa tan, chẳng hạn như các tấm gỗ mục có thể làm giảm độ pH trong nước trong khi các hạt san hô hay thạch cao nung ở nhiệt độ cao thì làm tăng độ pH. Than hoạt tính và zeolite thì hấp thu hầu hết các hoá chất trong nước. Tuy nhiên mỗi loại đều có tuổi thọ của chúng, sau một khoảng thời gian hấp thụ tùy cường độ sử dụng, khi đạt tới đỉnh điểm thì chúng không những không hấp thụ tiếp mà còn nhả ra một lượng hoá chất, làm ngay lập tức sụt giảm hoặc mất cân bằng trong môi trường nước có thể dẫn đến cá chết.

    Lọc vi sinh: Là môi trường nuôi dưỡng các vi sinh phát triển trong hệ thống lọc, nó nhanh chóng phá vỡ các phân tử ammonia và nhiều chất kết hợp khác. Rất hiệu quả trong sử dụng để quản lý chất lượng nước ở mức tốt nhất làm cho nước trở nên trong suốt. Đồng thời các vi sinh có thể tiêu thụ các mẩu thức ăn li ti bị hoà tan trong nước.

    Tôi mong rằng bạn có một kế hoạch cho loại hệ thống lọc kiểu này, trước khi nuôi dưỡng cá rồng. Với loại lọc này, không chỉ giúp cá phát triển khoẻ mạnh mà còn giảm thiểu nhìêu rủi ro phát sinh trong suốt quá trình nuôi lâu dài. Sự kết hợp của cả hai loại lọc vi sinh và lọc cơ học sẽ giúp hệ thống nước luôn trong suốt.

    Cuối cùng, tôi muốn nhắc nhở các bạn một điều, do gần đây bệnh SAR và H5N1 hoành hành, một lượng chlorine lớn được sử dụng trong nước sinh hoạt kết hợp với chloramine để diệt khuẩn hữu hiệu. Các chất này nếu tiếp xúc ngay lập tức với cá sẽ làm tổn hại nghiêm trọng. Tôi mong rằng bạn sẽ có bồn chứa nước riêng cho cá rồng, nước sinh hoạt nên để qua đêm sau 24 – 48 tiếng cho chảy qua than hoạt tính và nếu có thể nên kết hợp sử dụng các dung dịch phân hủy chlorine và chloramine trước khi thay nước. Khi mua dung dịch bạn nên mua dung dịch kết hợp khử cả 2 chất trên, hiện nay trên thị trường chỉ chuyên có dung dịch khử chlorine. Nếu cần thiết chúng ta cần cho nước chảy qua than hoạt tính, nhưng với tốc độ rất chậm để khử hết lượng chloramine.

    [​IMG]

    Vệ sinh máy lọc:

    Không nên vệ sinh một lúc tất cả bông lọc, hạt lọc và máng lọc cùng lúc vì như thế bạn sẽ giết chết rất nhiều vi khuẩn hữu ích trong bộ lọc, và sẽ mất rất lâu mới có thể tạo lại được số lượng vi sinh cần thiết như ban đầu, có thể mất hơn 6 tháng để bộ lọc hoàn toàn hữu hiệu. Vì thế khi vệ sinh hệ thống lọc, bạn có thể tuần tự thay hoặc vệ sinh bông lọc truớc sau đó vài tuần vệ sinh các hạt lọc hoặc than hoạt tính, mỗi lần vệ sinh bạn nên dùng nước của hồ để rửa sạch các bông lọc, tránh dùng nước máy, các chlorine sẽ tiêu diệt các vi khuẩn hữu ích. Đối với bông lọc, nên rửa thường xuyên sau 2 tuần, đối với các hạt lọc là đá zeolite, than hoạt tính, cát… thì nên vệ sinh sau 6 tháng hoặc 1 năm. Mỗi lần thay các hạt chỉ nên thay 1/3 lượng hạt và sau một thời gian thì thay các hạt còn lại.

    Còn tiếp... Vitamin và dưỡng chất phụ trợ.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16
  2. Muối không nên cho thường xuyên vì 2 lý do:
    1/ lâu dài sẽ biến hồ nước ngọt thành hồ nước mặn vì muối tích tụ.
    2/ Khi cá bị nấm hay sình bụng thì khi cho muối để chữa trị sẽ mất tác dụng.
    Về cơ chế thay nước thì lại tùy vào huyết long hay kim long, không giống nhau được. Huyết long thích nước cũ và sạch, Kim long lại thích nước mới. Thêm nữa việc ngày nào cũng thay nước sẽ làm cá bị căng thẳng và stress vì ta làm mất ổn định môi trường sống của cá.
     
    duynguyen2631 thích bài này.
  3. duynguyen2631

    duynguyen2631 New Member

    Hay quá.dễ hiểu cho mấy ng tập chơi như E.cám ơn cụ
     
  4. giang Soái

    giang Soái New Member

    mình mới mua 1 cá rồng vàng và 2 ngân long nuôi chung với nhau mà mới mua đc 23 ngày nhưng về nó ko chịu ăn các bác giúp e với
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội