Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nuôi cá lóc cảnh?

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 8/7/06.

  1. BettasShop.Com

    BettasShop.Com Active Member

    Bạn liên hệ mình!
     
  2. LongKim

    LongKim Active Member

    Lóc Bông nuôi ở hồ xi măng thì ngon, nó ham ăn, mau lớn nhìn thích lắm, nhưng phải đậy kỹ, hoặc hồ xi măng phải xây cao, em nó hay vượt ngục!
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cập nhật danh sách các loài cá lóc ở Việt Nam (12 loài):
    - Cá lóc đen hay còn gọi là cá xộp (Channa striata) có phân bố rộng, trong khắp các vực nước ở mọi miền.
    - Cá chuối hay cá quả (Channa maculata), cá trèo đồi (Channa asiatica), cá trẳng, pa cẳng (Channa longistomata) phân bố ở miền Bắc.
    - Cá tràu hoa (tiến vua) Channa hoaluensis cá tràu đen (tiến vua) Channa ninhbinhensis là các loài đặc hữu ở tỉnh Ninh Bình.
    - Cá chòi hay cá chuối suối (Channa gachua) phân bố ở trung du và miền núi các tỉnh thuộc Bắc bộ và Bắc Trung bộ (từ Quảng Trị đổ ra).
    - Cá chành dục (Channa sp. "chành dục") phân bố ở các tỉnh thuộc Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên.
    - Cá tràu mắt bò (Channa auroflammea) phân bố ở các dòng Sesan & Srepok, Tây Nguyên.
    - Cá lóc bông (Channa micropeltes), cá dầy (Channa lucius) và cá lóc môi trề (Channa sp.) phân bố ở miền Nam, vùng đồng bằng sông Cửu Long.

    LoàiTên tiếng AnhTên tiếng ViệtPhân bố
    Channa striata (Bloch, 1793)Chevron snakehead, common snakehead, striped snakeheadCá lóc đen, cá xộpCả nước
    Channa maculata (Lacépède, 1801)Blotched snakeheadCá chuối, cá quảMiền Bắc
    Channa asiatica (Linnaeus, 1758) Small snakeheadCá trèo đồiMiền Bắc
    Channa longistomata V.H. Nguyen, T.H.T. Nguyen & T.D.P. Nguyen, 2012-Cá trẳng, pa cẳngMiền Bắc
    Channa hoaluensis V. H. Nguyen, 2011-Cá tràu hoa (tiến vua)Ninh Bình, Hà Nam
    Channa ninhbinhensis V. H. Nguyen, 2011-Cá tràu đen (tiến vua)Ninh Bình
    Channa cocnhayia V. H. Nguyen, D. D. Bui, T. H. Nguyen, 2015-Cá cóc nhảyNinh Bình
    Channa gachua (Hamilton, 1822)Dwarf snakeheadCá chòi, cá chuối suốiTrung du và miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ
    Channa sp. "chành dục"-Cá chành dụcNam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên
    Channa auroflammea Adamson, Britz & Lieng, 2019Bullseye snakehead, great snakeheadCá tràu mắt bòSông Sesan và Srepok, Tây Nguyên; sông Ba, An Khê, Gia Lai
    Channa micropeltes (Cuvier, 1831)Giant snakehead, red snakeheadCá lóc bôngĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa lucius (Cuvier, 1831)Splendid snakehead, forest snakeheadCá dàyĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa sp. “Đồng Tháp”-Cá lóc môi trềĐồng bằng sông Cửu Long
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/6/21
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Không ngờ cá chèo đồi (Channa asiatica) lại có thể đẹp như thế này:

     
    Chỉnh sửa cuối: 13/11/20
  5. linhsamasa

    linhsamasa Active Member

    cặp channa bleheri nuôi tại VN
    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 13/11/20
    vnreddevil thích bài này.
  6. linhsamasa

    linhsamasa Active Member

    Lóc Bleheri sinh sản ở VN
    [​IMG]
     
    Last edited by a moderator: 2/1/18
  7. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Về cá chành dục và cá chòi

    Cá chành dục phân bố từ Nam Trung Bộ đổ vào. Trong khi, cá cá chòi phân bố từ Bắc Trung Bộ (Quảng Trị) đổ ra. Lưu ý rằng cả hai đều có vây bụng tuy ở cá chành dục là rất nhỏ.

    Những loài không vây bụng (pelvicless) trong nhóm cá lóc nhỏ (dwarf snakehead) được xác định đến nay gồm Channa orientalis, Channa andrao, Channa asiatica, Channa bleheri, Channa burmanica, Channa hoaluensis và Channa ninhbinhensis.

    *Trước 2011, các tài liệu phân loại cá ghi nhận như sau:

    Chành dục = cá chòi = Channa gachua

    *Vào 2011, một nghiên cứu của Viện nuôi trồng thủy sản I (1) cho thấy khác biệt về hình thái giữa hai nhóm cá thể này và xác định lại như sau:

    Chành dục = Channa orientalis

    Cá chòi = Channa gachua

    Quần thể cá lóc nhỏ ở Sri Lanca từng được cho là một loài duy nhất Channa orientalis vốn có hoặc không có vây bụng (2). Có nhiều quan điểm khác nhau, nhìn chung là chưa thống nhất vào thời điểm nghiên cứu (2011). Năm 2017, nhóm có vây bụng được coi là Channa gachua, và Channa orientalis trở thành loài đặc hữu (endemic) của Sri Lanca (3). Nghiên cứu mới nhất (2020) xác định rằng nhóm có vây bụng là một loài riêng Channa kelaartii (4).

    Sự kiện (2017) khiến toàn bộ nhóm cá được gọi là Channa orientalis bên ngoài Sri Lanka, kể cả cá chành dục, cần được tái mô tả. Nó có thể là một biến thể của Channa gachua, hay thậm chí loài hoặc phân loài mới. Cho đến khi có nhà ngư loại học nào đó tái mô tả chúng, cá chành dục nên được gọi chung chung là Channa sp. "chành dục".

    Khoa học luôn thay đổi và đây không phải là một bước lùi !!!

    Ghi chú

    (1) http://vjol.info.vn/index.php/NNHN/article/viewFile/19207/16916
    (2) https://nas.er.usgs.gov/taxgroup/fish/docs/SnakeheadRiskAssessment.pdf
    (3) https://en.wikipedia.org/wiki/List_of_freshwater_fish_of_Sri_Lanka
    (4) https://www.researchgate.net/public...southern_peninsular_India_Teleostei_Channidae
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/11/20
  8. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Về cá trèo đồi và các loài không vây bụng nội địa

    Cá trèo đồi (hay cá chuối suối) Channa asiatica thuộc nhóm cá lóc nhỏ, phân bố ở Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam (1). Hai đặc điểm dễ nhận biết đối với người chơi cá là a) thiếu vây bụng, b) vảy trân châu trắng nằm rải rác trên thân và vây. Châu ở cá đực nhiều hơn cá cái (2). Thật lạ, cá trèo đồi hầu như không được khai thác làm cá cảnh ở thị trường nội địa (3). Người chơi thường nuôi cá nhập.

    Năm 2010, cá trối đầm Tam Chúc, thị trấn Ba Sao, Kim Bảng, Hà Nam được xác định là một loài mới Channa hanamensis (4). Loài này đẹp vì có cả màu đỏ cam lẫn vảy trân châu. Cá từng được rao bán trên thị trường (5). Gần đây, nhận thức được giá trị thương mại, loài này được đưa vào sản xuất đại trà (6).

    Trước đó vào 2009, loài cá trèo đồi (cá tràu tiến vua) ở Ninh Bình được xác định là Channa asiatica (7). Trên mạng có rất nhiều bài viết về loài đặc sản tiến vua này (8).

    Năm 2011, hai loài cá không vây bụng mới được phát hiện ở Ninh Bình gồm cá tràu hoa Channa hoaluensis và cá tràu đen Channa ninhbinhensis (9). Loài sau giống với cá trèo đồi Channa asiatica.

    Về khía cạnh phân loại, vùng đất Hà Nam – Ninh Bình dường như là trung tâm bùng phát tiến hóa của chi cá lóc Channa khi có đến 5 loài mới được phát hiện trong một thời gian ngắn bên cạnh những loài đã được ghi nhận trước đó. Chúng là Channa hanamensis (2010), Channa hoaluensis, Channa ninhbinhensis (2011), Channa longistomata (2012) và Channa cocnhayia (2015). Điều tương tự cũng diễn ra với chi cá cờ Macropodus ở Quảng Bình, và cũng với nhóm tác giả này trong khoảng thời gian tương tự. Mặc dù 3 trong số chúng (Channa hoaluensis, Channa ninhbinhensis và Channa longistomata) được ghi nhận bởi fishbase.org nhưng người ta ít khi nhắc đến, cả trong khoa học lẫn thú chơi. Rất tiếc là mô tả không đề cập đến loài được xác định trước đó ở cùng một khu vực phân bố, tức cá trèo đồi Channa asiatica (7). Nhưng việc thêm từ “tiến vua” vào tên của chúng ám chỉ mạnh mẽ rằng, loài mà trước đây được coi là cá trèo đồi vốn bao gồm hai loài mới, cá tràu hoa và cá tràu đen.

    Theo Marco Endruweit (2014), tỉnh Hà Nam và huyện Hoa Lư, Ninh Bình đều thuộc lưu vực sông Đáy, một nhánh lớn của sông Hồng. Mô tả đặc điểm của Channa hanamensis về cơ bản đều được thấy ở Channa hoaluensis do đó loài sau là tên phụ đồng nghĩa của loài trước. Nhưng Channa hanamensis thiếu mô tả gốc hợp lệ (code-conform) nên không được thừa nhận (nomen nudum) (10). Thay vào đó, Channa hoaluensis được ghi nhận.

    Kết luận

    Cá trèo đồi = Channa asiatica (miền bắc)

    Cá tràu hoa (tiến vua) = Channa hoaluensis (cá trối Channa hanamensis là tên phụ đồng nghĩa, tuy có trước) (Hoa Lư, Ninh Bình và đầm Tam Chúc, Hà Nam)

    Cá tràu đen (tiến vua) = Channa ninbinhensis (Ninh Bình)

    Ghi chú

    (1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Cá_trèo_đồi
    (2) https://www.seriouslyfish.com/species/channa-asiatica/
    (3) Câu cá trèo đồi ở Yên Bái (7:55 – 8:42) https://www*youtube*com/watch?v=apDfL2JUIg0
    (4) http://www.ria1.org/ria1/defaults.aspx?ctl=Research&LangID=2&mID=356&stID=308
    (5) https://www*facebook*com/cacanhq7/posts/1118722831497662/
    (6) http://nongdan.com.vn/kien-thuc-ky-thuat/nt-quy-trinh-san-xuat-giong-ca-troi-7053.html
    (7) Đặc điểm sinh học của cá Trèo Đồi (cá Tràu tiến Vua) Channa asiatica (Linnaeus)/Ngô Sỹ Vân/Tạp chí Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Số 3/2009, tr. 76-80
    (8) https://dantri.com.vn/du-lich/ca-tr...-quy-hiem-dat-ninh-binh-20171129202501014.htm
    (9) http://vjs.ac.vn/index.php/vjbio/article/view/774
    (10) http://www.bioline.org.br/pdf?zr14016
     
    Chỉnh sửa cuối: 13/11/20
  9. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Về cá tràu mắt bò Tây Nguyên

    Theo www.fishbase.se, cá tràu mắt bò Channa marulius (bullseye snakehead) thuộc danh sách cá nước ngọt Việt Nam (1). Tài liệu tham khảo chính là Cá nước ngọt Campuchia (Freshwater fishes of Kampuchea, Kottelat, 1985. Hydrobiologia 121:249-279) (2). Khi mô tả các loài cá lóc ở Campuchia, Kottelat đã liệt kê Việt Nam như là vùng phân bố của cá tràu mắt bò dựa vào nguồn tài liệu trước đó (Smith, 1945).

    Theo sách Động vật có xương sống (Trần Kiên, 2003), những loài cá lóc sống ở các con suối miền núi là cá lóc suối (Channa marulius) và cá tràu suối (Channa marseliodes). Không có loài cá lóc nào tên “marseliodes”, đây có lẽ là tên gọi sai của “marulioides”.

    Theo Sách đỏ Việt Nam mà www.vncreatures.net dẫn lại (3), cá tràu mắt Channa marulius (Hamilton, 1822) phân bố ở Gia Lai (sông Ba, An Khê) và Đắk Lắk (sông Sesan). Sách đỏ cũng ghi nhận quá trình định loại như sau: Channa marulioides Nguyễn Hữu Dực, 1995; Channa marulius Rainboth, 1996. Điều dẫn đến suy đoán rằng vài người có thể hiểu nhầm có hai loài khác nhau, Channa maruliusChanna marulioides! Thực ra, chỉ có một loài nhưng tên khoa học được điều chỉnh theo thời gian.

    Loài mới được ghi nhận Channa auroflammea Adamson, Britz & Lieng, 2019 thuộc nhóm marulius, phân bố ở Tonle San và Tonle Srepok, hệ thống sông Mekong, bên phía Lào và Campuchia (4). Đây cũng chính là hai con sông Sesan và Srepok bên phía Việt Nam với thượng nguồn là dãy Trường Sơn (5). Về mặt khoa học, loài tràu mắt bò bên phía Việt Nam cần được tái khảo sát nhưng chúng ta có thể mạnh dạn suy đoán rằng nó cũng là Channa auroflammea. Tuy nhiên, sông Ba, An Khê lại biệt lập và đổ ra đồng bằng Tuy Hòa, không thuộc hệ thống sông Mekong, quần thể ở đó có thể là một loài khác?

    Tràu mắt bò Channa auroflammea Adamson, Britz & Lieng, 2019 là loài cá lớn (cỡ cá rồng), châu rải rác trên thân và vây, với một đốm mắt đặc trưng ở phía trên gốc đuôi (có lẽ là nguồn gốc của cái tên “mắt bò”) (6). Có cả biến thể bụng vàng. Tràu mắt bò được đánh giá là loài cá lóc xinh đẹp, phù hợp nuôi cảnh. Đây là tin vui cho cộng đồng nuôi cá săn mồi nội địa.

    Ghi chú

    (1) List of Freshwater Fishes reported from Viet Nam
    (2) Channa marulius (Hamilton, 1822)
    (3) Cá tràu mắt (Channa marulius)
    (4) Channa auroflammea, a new species of snakehead fish of the Marulius group from the Mekong River in Laos and Cambodia (Teleostei: Channidae)
    (5) Sông Sê San
    (6) Cá lóc Channa marulius (clip câu tràu mắt bò)




    ===========================


    Cập nhật danh sách các loài cá lóc ở Việt Nam (12 loài):

    LoàiTên tiếng AnhTên tiếng ViệtPhân bố
    Channa striata (Bloch, 1793)Chevron snakehead, common snakehead, striped snakeheadCá lóc đen, cá xộpCả nước
    Channa maculata (Lacépède, 1801)Blotched snakeheadCá chuối, cá quảMiền Bắc
    Channa asiatica (Linnaeus, 1758) Small snakeheadCá trèo đồiMiền Bắc
    Channa longistomata V.H. Nguyen, T.H.T. Nguyen & T.D.P. Nguyen, 2012-Cá trẳng, pa cẳngMiền Bắc
    Channa hoaluensis V. H. Nguyen, 2011-Cá tràu hoa (tiến vua)Ninh Bình, Hà Nam
    Channa ninhbinhensis V. H. Nguyen, 2011-Cá tràu đen (tiến vua)Ninh Bình
    Channa cocnhayia V. H. Nguyen, D. D. Bui, T. H. Nguyen, 2015-Cá cóc nhảyNinh Bình
    Channa gachua (Hamilton, 1822)Dwarf snakeheadCá chòi, cá chuối suốiTrung du và miền núi Bắc bộ và Bắc Trung bộ
    Channa sp. "chành dục"-Cá chành dụcNam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên
    Channa auroflammea Adamson, Britz & Lieng, 2019Bullseye snakehead, great snakeheadCá tràu mắt bòSông Sesan và Srepok, Tây Nguyên; sông Ba, An Khê, Gia Lai
    Channa micropeltes (Cuvier, 1831)Giant snakehead, red snakeheadCá lóc bôngĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa lucius (Cuvier, 1831)Splendid snakehead, forest snakeheadCá dàyĐồng bằng sông Cửu Long
    Channa sp. “Đồng Tháp”-Cá lóc môi trềĐồng bằng sông Cửu Long
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội