Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nuôi cá rồng ko cần thay nước.

Thảo luận trong 'Hệ thống lọc và xử lý nước - cá rồng' bắt đầu bởi nanobitan, 1/5/18.

  1. nanobitan

    nanobitan New Member

    Mình mới nuôi 1 chú ngân long cũng tầm 4 - 5 tháng nay, từ hồi chập chững "vào nghề" đã tham khảo khá công phu về cách chăm sóc giống cá này. Trang bị kiến thức về bộ lọc đương nhiên chiếm vị trí trọng tâm của nghệ thuật nuôi cá rồng nói riêng và nghệ thuật nuôi cá cảnh nói chung để ko hổ danh là dân chơi cá. Và mình có đề xuất này để hoàn thiện hệ thống lọc cho hồ cá.

    Một trong những công đoạn tiêu tốn của dân chơi kha khá thời gian, công sức, tiền bạc là việc thay nước hồ cá định kì. Ngay cả khi nước hồ cá trong vắt và cá rất khỏe mạnh, (tùy) người chơi vẫn đều đặn làm công việc này mỗi ngày, mỗi tuần hay mỗi tháng. Đa số chúng ta đều hiểu lý do là cần phải loại bỏ bớt nitrat NO3 - thành phần lành tính, không độc hại như amoni NH3 và nitrit NO2, nhưng ko nên đc tích lũy với nồng độ quá cao - thứ mà hệ thống lọc (vi sinh) ko xử lý được triệt để như chu trình nito trong tự nhiên.

    Nguyên nhân của vấn đề liên quan đến môi trường cư trú của chủng vi sinh đặc biệt tham gia vào cuối chu trình nito, là chủng yếm khí. Khác với 3 chủng vi sinh hiếu khí ở đầu chu trình gồm: ăn chất hữu cơ - nhả amoni NH3, ăn amoni NH3 - nhả nitrit NO2, ăn nitrit NO2 - nhả nitrat NO3 (đều tiêu thụ oxi); chủng vi sinh cuối cùng này yêu cầu một môi trường nghèo oxi (thứ nhất có thể là do chúng kị oxi, thứ 2 là để hạn chế bị các chủng hiếu khí cạnh tranh ko gian cư trú) để tiêu thụ nitrat NO3 - nhả nito N2, hoàn tất chu trình giúp nồng độ nitrat trong nước bằng 0, hoặc ổn định (ko tăng - ko giảm), hoặc tăng chậm, giúp chúng ta ko cần hoặc rất ít phải thay nước.

    Hiểu vấn đề, ta thấy cách giải quyết cực kì đơn giản, đặc biệt với những anh em có điều kiện trang bị bộ lọc có dung tích và số lượng vật liệu lọc phong phú.

    Cốt lõi là nước phải NGHÈO OXI, việc này đơn giản mà cũng ko đơn giản là do chúng ta cần nước giàu oxi cho cá và các chủng vi sinh hiếu khí phát triển. Thiết kế một lưu lượng nước chảy chậm qua một lượng khá nhiều vật liệu lọc bị cô lập (khỏi các vật liệu lọc khác), được đặt ở vị trí mà nồng độ oxi thấp nhất là biện pháp tối ưu nhất.

    Như vậy có 2 cách để xử lý vấn đề: cách một là tận dụng chính một lượng vật liệu lọc nào đó trong hệ thống lọc của bạn; cách hai (nếu ko thể hoặc ko muốn dùng cách 1) là bổ sung thêm một bộ lọc phụ đơn giản, hoạt động độc lập và cũng tốn ít chi phí (tiền điện) để vận hành (bạn có thể tận dụng một bộ lọc thùng công suất thấp thì quá tiện)

    - Cách 1: Nếu bạn đang sở hữu một hệ thống lọc tràn nhiều ngăn với rất nhiều vật liệu lọc (nham thạch, sứ lọc) mà có thể hệ vi sinh của bạn ko tận dụng hiệu quả (vì có quá nhiều ko gian diện tích bề mặt, mật độ vi sinh thấp như ở nông thôn hay miền núi), đừng lãng phí chúng mà hãy trích ra một lượng kha khá đặt ở ngăn cuối của bộ lọc (là nơi có nồng độ oxi thấp do 3 chủng vi sinh trc đó tiêu thụ bớt).

    Nếu như nguyên tắc thiết kế lọc tràn là để toàn bộ nước buộc phải lưu thông đồng đều qua toàn bộ vật liệu lọc để tiếp tế oxi và dưỡng chất phong phú cho vi sinh (đồng nghĩa với lưu lượng nước tối ưu nhất trên mỗi đơn vị vật liệu lọc) thì đối với lượng vật liệu lọc kị khí này ta phải làm ngược lại, chỉ để một lượng nước nhỏ chảy qua, nhờ vậy nước sẽ nghèo oxi do oxi được tiếp tế chậm, khiến vi sinh hiếu khí ko có điều kiện để phát triển mạnh, kết hợp với việc trang bị nhiều vật liệu lọc sẽ giúp vi sinh kị khí có điều kiện sinh sôi, phát triển. Lượng vật liệu này có thể đặt trong chai nhựa, hộp nhựa (để cố định vị trí) có đầu nước ra - vào có thể điều chỉnh lưu lượng.

    Ví dụ cụ thể: bạn có một bộ lọc tràn dưới 5 ngăn dung tích lớn với hàng tấn vật liệu lọc trong khi hồ của bạn chỉ có đúng 1 con cá và suốt thời gian qua bạn chưa nhận ra sự lãng phí của mình; bây giờ bạn xếp vật liệu lọc này vào một hộp nhựa hoặc cái gì đó kín (để tiện vệ sinh và ko bị lẫn lộn với vật liệu lọc khác); bạn khoét 2 lỗ để nước chảy vào và thoát ra; cẩn thận hơn, bạn gắn một miếng chắn nhỏ ở đầu vào (hoặc đầu ra) để điều chỉnh độ mở của hộp giúp điều chỉnh lưu lượng nước; và bạn đặt tại ngăn cuối cùng của bộ lọc. Khi nước chảy đến ngăn này, đa số chảy ngoài hộp, chỉ một lượng nhỏ chảy vào trong hộp, được cộng đồng vi sinh kị kí tại đây lấy bớt nitrat rồi mới thoát ra và hòa vào dòng nước trở lại hồ. Cứ như vậy, nồng độ nitrat ít nhiều được khống chế và bạn cũng ít nhiều ko phải thay nước nữa.

    - Cách 2 thì rất đơn giản bởi nguyên tắc cũng tương tự như cách 1. Bạn có 1 cái bơm công suất thấp, bạn có 1 cái chai nhựa dung tích kha khá cho bạn đổ vật liệu lọc vào. Bạn chạy bơm và tạo ra một dòng nước nhỏ chảy vào trong hộp lọc. Ở trong hộp lọc, vi sinh hiếu khí phát triển rất hạn chế do dòng nước đem oxi đến một cách chậm chạp, trong khi chủng kị khí thì quá thích vì nước nghèo oxi mà lại giàu nitrat nên rất phát triển, chúng xực nitrat và chậm chạp nhưng bền bỉ trả về cho bạn dòng nước có nồng độ nitrat thấp. Hoặc là bạn đang có một bộ lọc thùng mà chưa biết nên dùng cho hồ cá rồng như thế nào, sau khi đọc bài này bạn liền tìm cách giảm dòng nước đi và mua nham thạch cỡ nhỏ nhất để tăng diện tích bề mặt lên và dùng nó làm bộ lọc nitrat riêng cho hồ cá. Khôn ngoan hơn, bạn ko đặt ống hút nước trực tiếp từ hồ mà đặt ở ngăn cuối của hệ thống lọc chính là nơi có nồng độ oxi thấp nhất rồi xả vào đường nước ra.



    Rút cục trên đây mới chỉ là đề xuất hoàn thiện phần lọc vi sinh (của một hệ thống lọc đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ chính là loại bỏ amoni và nitrit), nhưng để đạt mục tiêu khống chế nồng độ nitrat một cách hiệu quả, thậm chí triệt tiêu hoàn toàn thì chúng ta ko nên tự tin rằng chỉ thế là đủ, hãy bổ sung thêm "công suất tiêu thụ nitrat” cho hệ thống, đồng thời tinh chỉnh đầu vào (từ hệ thống lẫn cả thói quen vận hành hồ cá của chính chúng ta) để giảm "công suất phát thải nitrat” đến mức tối thiểu. Mục tiêu cuối cùng là để “tổng công suất tiêu thụ nitrat” >= “tổng công suất phát thải nitrat”.

    Và chúng ta sẽ tiếp tục tìm cách tăng cái thứ nhất và giảm cái thứ hai.

    * Tăng "công suất tiêu thụ nitrat" lên tối đa.

    Phần lọc nitrat bằng vi sinh đã trình bày ở trên, thiết nghĩ đã cung cấp cho chúng ta một công suất xử lý nitrat đáng kể, nhưng chúng ta sẽ ko chỉ dừng lại ở đó nếu biết mình vẫn có thể làm tốt hơn nữa.

    - Và lọc thủy sinh là thứ tiếp theo chúng ta cần. Đưa thêm cây thủy sinh (rong rêu, cây ráy,...) vào hệ thống giúp chúng ta học tập tự nhiên một cách “tới nơi tới chốn” bởi tự nhiên xử lý nitrat bằng vi sinh và thực vật. Đặt cây thủy sinh ở ngăn cuối của hệ thống lọc là nơi có nồng độ nitrat cao nhất (nếu ko thích đặt trong hồ, dù theo tôi điều này cải thiện đáng kể cảnh quan của hồ cũng như tinh thần của cá) và cung cấp ánh sáng đầy đủ cho thực vật quang hợp sẽ lấy nitrat khỏi nước một cách tự nhiên nhất. Quá trình quang hợp của thực vật cũng là một nguồn “sục khí” vô cùng êm ái, hiệu quả cho hồ.

    - Lựa chọn tiếp theo ko thực sự quan trọng lắm: lọc hóa học bằng than hoạt tính,...

    Nếu coi nitrat là “rác” và bình thường chúng ta “đổ rác” bằng việc thay nước (thực ra đây vẫn có thể coi đây là một lựa chọn bổ sung với tần suất tùy ý) thì đến đây chúng ta đã tiến hành tiêu hủy rác (bằng vi sinh, biến NO3 thành N2), hấp thụ rác (bằng sự sinh trưởng của thực vật thủy sinh). Giải pháp tiếp theo là “đặt một cái giỏ rác” vào hệ thống và đổ đi khi đầy để rảnh tay hơn. Như đã biết, các vật liệu lọc hóa học (như than hoạt tính) nhờ cấu trúc rỗng, xốp nên có tính thấm hút rất cao, giúp giam giữ các tạp chất trong nước vô cùng hiệu quả, nếu được đặt một ít ở nơi có nồng độ nitrat cao (và thay thế định kì khi rác đầy) sẽ là một sự lựa chọn ko tồi.

    Tổng hợp lại chúng ta có thể kết hợp các giải pháp: lọc vi sinh, lọc thủy sinh, lọc hóa học, thay nước để tối ưu “công suất xử lý nitrat” đạt đến mức cao nhất, tiếp theo chúng ta bàn cách tối ưu “công suất phát thải nitrat” đến mức thấp nhất.

    * Giảm “công suất phát thải nitrat” tới tối thiểu.

    Đầu tiên là thói quen cho cá ăn, nên cho ăn hợp lý để hạn chế nguồn hữu cơ từ thức ăn thừa và chăm chỉ vệ sinh bông lọc hơn. Phần này ko phải bàn.

    Quan trọng là cái thứ hai: xử lý phân cá sao cho hiệu quả nhất.

    - Thiết kế hút đáy thổi luồng tốt, để gom phân nhanh chóng, ko để tích trữ lâu trong nước.

    - Làm sao để phân ko đi qua bơm (để tránh bị cánh quạt tán nhỏ). Nếu đặt bơm trong hồ thì ko thể tránh khỏi.

    - Làm sao để phân ko bị dòng nước chảy qua và bào mòn (việc sẽ xảy ra nếu để phân lắng trên bông lọc). Đề xuất đơn giản nhất là hãy thiết kế một ngăn lắng phân (có thể là một khúc ống nhỏ thẳng đứng) trên đường ống hút đáy, phân bị lắng lại sâu dưới khúc ống này sẽ bị kẹt lại và ko bị dòng nước phía trên cuốn đi nữa. Vấn đề là làm sau để phân lắng xuống ngăn này khi đang bị cuốn đi trong đường ống. Giải pháp là bố trí một khúc ống tiết diện lớn trên đường đi để giảm tốc dòng nước ở vị trí này. Khúc ống này cần đặt ngang và đủ dài để phân có thời gian từ từ lắng xuống ở góc và rơi xuống ngăn lắng là khúc ống nhỏ thẳng đứng ở bên dưới thông lên, lúc nào đầy thì ngắt khúc ống này đổ đi rồi lắp lại.

    Ko có thức ăn thừa, ko để chất thải bị tán nhỏ hay bào mòn, chăm vệ sinh bông lọc hơn, “công suất phát thải nitrat” sẽ sụt giảm mạnh, cải thiện đáng kể diện mạo và sinh khí hồ cá cũng như trải nghiệm nuôi cá của bạn.

    * Lời kết: Thực ra trên đây vẫn chỉ tính là “chém gió” bởi quy mô hồ cá của mình cũng chưa đến mức hoành tráng, nhưng hi vọng tất cả những đề xuất trên đây giúp ích ít nhiều cho anh em.
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/5/18

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội