Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Tản mạn về thú chơi cá đồng

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 31/1/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tản mạn về thú chơi cá đồng

    [​IMG]

    Cách nay vài chục năm, cụ Vương Hồng Sển viết bài “Thú chơi cá thia thia” mô tả về các hoạt động đá cá lia thia ở Sóc Trăng hồi đầu thế kỷ. Tuy bài viết rất hay và sinh động, nhưng hoạ sĩ Hoàng Xuân Lợi lại vẽ hình con cá lia thia với cái đuôi dài thậm thượt của cá Xiêm đuôi dài! Điều chứng tỏ hoạ sĩ có lẽ chưa bao giờ chứng kiến con cá lia thia đồng. Đối với hầu hết bạn đọc, những người vốn không sinh trưởng từ vùng quê Nam bộ và chưa từng chơi cá lia thia thì hình dạng của chúng hãy còn khá mơ hồ.

    Đầu năm 2005, anh Hai Lúa đi công tác ở vùng lũ An Giang và chứng kiến cảnh trẻ em chơi cá lia thia; anh chụp và đăng hình cá lia thia đồng trên diễn đàn Đại học Cần Thơ. Dù rất bận rộn với cương vị của một cán bộ cao cấp ngành giáo dục nhưng anh vẫn quan tâm đến những vấn đề thuộc về “văn hoá truyền thống” ở Nam bộ chẳng hạn như thú nuôi cá lia thia. Đây là tấm hình đó:
    [​IMG]

    Với những người vốn chưa từng thấy cá lia thia, tấm hình này mang lại một số thông tin quan trọng:

    *Con cá lia thia ở miền Nam có đuôi tròn, khác với những con cũng được gọi là cá lia thia ở miền Trung và miền Bắc có đuôi hình nĩa. Để tránh nhầm lẫn, chúng ta nên gọi loài ở miền ngoài bằng những cái tên khá phổ biến khác như cá cờ hay săn sắt.

    *Cá lia thia không phải là cá bã trầu như nhiều người vẫn nghĩ mà trông chúng rất giống với cá đá Xiêm.

    Qua tra cứu tài liệu trên mạng và sách vở (www.fishbase.org và Định loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long), chúng tôi biết được loài cá lia thia thuộc về chi Betta, tổ tiên của cá đá Xiêm, trong khi cá cờ thuộc về một chi khác, Macropodus.

    Fishbase cũng cung cấp thông tin về các loài cá betta ở Việt Nam gồm:
    *Betta splendens [Betta cf. siamorientalis]
    *Betta taeniata
    *Betta pugnax

    Một người nữa cũng rất quan tâm đến cá lia thia hoang dã ở Việt Nam đó là Dthong. Anh là người cung cấp thông tin về hai loài lia thia ở Củ Chi thông qua bài viết của các tác giả Herve Gonin và Jacques Laird thuộc Hiệp hội cá Rô Anh. Đó là các loài:
    *Betta aff. imbellis [thực ra miệt Củ Chi và Tây Ninh chỉ có cá lia thia mang đỏ, sau được xác định là Betta cf. siamorientalis]
    *Betta sp. Bùng Binh

    Chúng tôi đã thực hiện hàng loạt các chuyến sưu tầm cá lia thia ở nhiều vùng khác nhau đồng thời tra cứu tài liệu về các loài được nêu. Kết quả, các loài Betta taeniataBetta pugnax ở Việt Nam được tác giả Maurice Kottelat nhắc đến trong công trình về cá nước ngọt ở... Campuchia năm 1985, tài liệu này đã quá cũ và tác giả chỉ nêu giả thiết dựa vào một tài liệu còn cũ hơn nữa mà chúng tôi không thể truy cứu được. Hai loài này hiện được tái định nghĩa là những loài đặc hữu ở Malaysia nên những loài tương tự ở Việt Nam (nếu có) phải đổi sang tên khác. Qua khảo sát thực tế, đến nay chúng tôi mới chỉ phát hiện được ba loài. [Năm 2010, chuyên gia Bùi Hữu Mạnh thuộc tổ chức WAR công bố thêm một loài nữa Betta prima nâng tổng số loài được ghi nhận cho đến nay lên bốn loài]:

    *Betta cf. siamorientalis (cá lia thia mang đỏ): phân bố ở Củ Chi, Tây Ninh, Long An và Đồng Tháp. [có thông tin rằng các quần thể lia thia mang đỏ ở Việt Nam được khảo sát và xác định qua phân tích DNA là loài Betta siamorientalis chứ không phải là Betta splendens như nhận định trước đây. Sự kiện này giải thích được phân bố xen kẽ giữa cá mang đỏ và mang xanh bởi vì Betta siamorientalis có quan hệ gần với Betta imbellis hơn là Betta splendens, dẫu chúng cùng mang đỏ. Ông cũng ghi nhận một số quần thể cá lai Betta splendens x Betta siamorientalis ở Củ Chi và Long An, có thể phát sinh từ các hoạt động lai tạp với cá chọi Xiêm. Chúng tôi chưa tìm ra báo cáo này nên vẫn để cf. trong tên khoa học của lia thia mang đỏ.]
    *Betta cf. imbellis (cá lia thia mang xanh): phân bố ở Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ. (cf. là ám chỉ mạnh mẽ hơn về mặt phân loại so với aff.).
    *Betta sp. Bùng Binh (cá dùi đục): phân bố ở Củ Chi, Tây Ninh, Long An.
    *Betta prima: phân bố ở Phú Quốc

    Các bạn có thể tham khảo loạt bài tường thuật về các chuyến vớt cá tại đây:
    Về Bến Lức bắt cá lia thia đồng (Phat)
    Bắt cá lia thia tại Rạch Gòi - Hậu Giang (Dthong)
    Cá lia thia sống ở đâu (VNRD)
    Về Củ Chi bắt cá lia thia đồng (VNRD)
    Về Đồng Tháp bắt cá lia thia đồng (VNRD)
    Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng 2 (VNRD)
    Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng (VNRD)

    So với tấm hình đầu tiên của anh Hai Lúa, đến nay thông tin về các loài lia thia đồng ở Việt Nam đã khá rõ ràng và phong phú. Thậm chí, một số cá lia thia đồng chất lượng được gửi sang Mỹ để Dthong lai tạo. Bước kế tiếp sau khi sưu tầm và tìm hiểu cá lia thia đồng là nuôi dưỡng, lai tạo và thưởng lãm chúng!

    Sau đây là một số ưu điểm nổi bật của cá lia thia đồng:

    1- Cá lia thia đồng có vẻ đẹp khác thường và không lẫn với bất kỳ dòng cá betta cảnh nào: những đốm châu đều như chỉ thêu lan toàn thân và đuôi có những tia xòe ra như nan quạt.
    2- Thân hình thuôn dài và uyển chuyển, hầu hết cá lia thia đồng đều có bản lóc.
    3- Khi sung lên, cá lia thia đồng cực kỳ linh động (hơn bất kỳ dòng cá betta cảnh nào).
    4- Mạnh khỏe, ít bệnh. Chúng ăn mọi thứ và có thể nhịn đói một thời gian dài. Thời gian nuôi dưỡng cá lia thia đồng chưa lâu nhưng chúng tôi cho rằng cá lia thia đồng có tuổi thọ cao hơn nhiều so với betta cảnh.
    5- Có thể nuôi theo bầy. Chúng không quá hung dữ với đồng loại, đa số các sung đột thường giới hạn ở mức độ rách vây nhẹ và phục hồi rất nhanh.
    6- Có thể nuôi trong hồ có dòng chảy nhất định, chẳng hạn như hồ thủy sinh.
    7- Dễ lai tạo. Cá lia thia đồng cái là những cái “máy đẻ”! Bụng của chúng không hề to tròn như cá Xiêm hay betta cảnh cái.

    Tuy nhiên, cá lia thia đồng có một số nhược điểm:

    1- Cá lia thia đồng quá nhút nhát. Điều này khiến chúng thường không sung và phô bày hết vẻ đẹp tiềm tàng của mình khi được đem trưng bày.
    2- Chúng hay nhảy vì vậy lọ nuôi cần để nước thật thấp hay đậy nắp.
    3- Chậm lớn.

    Để khắc phục nhược điểm đầu tiên, chúng tôi cho rằng cần phải lai tạo lia thia đồng qua nhiều thế hệ để chúng tiếp xúc với môi trường nhân tạo và dạn lần. Khi viết bài này, chúng tôi đang nuôi dưỡng bầy cá đồng 1 tuần tuổi đời F2. Qua phản hồi của các bạn hữu trong hội betta, bầy cá đời F1 đã dạn dĩ hơn khá nhiều so với cá hoang dã. Hy vọng qua vài đời lai tuyển chọn, cá lia thia đồng sẽ đạt tiêu chuẩn thương mại và trở thành mục tiêu sưu tầm của những người hâm mộ cá betta. Câu chuyện thực sự về chúng chỉ mới bắt đầu…

    Gallery cá lia thia đồng đời F1:

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/23
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Vâng, đã nhiều năm trôi qua… vì nhiều lý do tôi hiện không còn nuôi con lia thia nào… nhưng tôi hy vọng bài viết này đã “truyền lửa” cho nhiều người trong thú chơi cá đồng. Rồi đến một ngày, có bạn gợi ý việc cập nhật những thông tin mới về cá betta hoang dã ở Việt Nam và tôi đã làm như các bạn thấy ở trên. Xin được tóm tắt như sau: Betta primaBetta cf. imbellis ở Phú Quốc (Bùi Hữu Mạnh, WAR, 2010) và tên khoa học của lia thia mang đỏ là Betta cf. siamorientalis (thay vì Betta splendens).

    Betta hoang dã không phải đối mặt với những vấn đề cố hữu của betta cảnh ngày nay, đó là sự phân nhánh quá mức (excessive branching) và hình thức nặng hơn của nó: đuôi hoa (rosetail). Theo tiêu chuẩn IBC dành cho Plakat Cảnh (Show Plakat), phân nhánh tia đuôi phải phân bố đều với phân nhánh nhị cấp (4-tia) hay nhiều hơn mà không trở nên quá mức (too excessive). Cảnh báo của IBC trong bộ tiêu chuẩn tỏ ra khá yếu ớt. Trong cơn cuồng phong mang tên cá halfmoon hay dạng đuôi D, Joep van Esch và một số người đã manh nha nhận ra mức độ nghiêm trọng của nó, và nhấn mạnh đến vấn đề đuôi hoa qua một bài viết riêng (van Esch, Proposal For Adjustment of the IBC Plakat Standards, 2008).

    Nguồn gốc sâu xa của những vấn đề này liên quan đến cá doubletail (đuôi kép). Doubletail là một đột biến “gương” vốn cố gắng thể hiện sự sao chép ở đuôi, kèm với việc thay thế vây lưng (phần trên) bằng một bản sao của vây hậu môn (phần dưới) (Buss, 2003). Cá doubletail được lai tạo ở Ấn Độ từ những năm 1960 (van Esch, 2004). Một số người nói con doubletail đầu tiên xuất hiện từ phòng cá của Warren Young, trong khi số khác nói doubletail vốn xuất hiện-một cách tự nhiên trong một chuyến hàng betta từ Đông Nam Á (Parnell, 2006). Paul Kirtley tái tạo doubletail black vào những năm 80 và từ đó chúng luôn hiện diện (Keiper, 1998). Gien doubletail có ảnh hưởng toàn diện lên thế giới betta cảnh hiện đại.

    Bên cạnh đột biến “gương” là sự gia tăng về số lượng tia vây và phân nhánh tia vây, mà theo quan điểm của chúng tôi là từ nhị cấp (tia 4) trở lên. Trong khi điều này giúp cải thiện hình dạng và kích thước của vây lưng, góc xòe đuôi và cạnh đuôi thì nó đồng thời cũng gây ra những hậu quả tiêu cực. Số lượng tia vây đông đúc và sự phát triển không ngừng của chúng về độ dài cũng như góc xòe khiến vây trở nên mấp mô (nhẹ), gấp nếp (vừa), nhăn nhúm (nặng), lởm chởm (tia dài ngắn không đều) và nếu nặng hơn nữa sẽ dẫn đến đuôi hoa và cực hoa. Có thể nói, hiểm họa (lỗi tật) tiềm ẩn trong chính phương tiện (số lượng và phân nhánh tia vây) mà chúng ta dùng để đạt được mục đích (đuôi D).

    Nếu bạn từng ở trong thế giới betta đủ lâu thì sẽ thấy vấn đề vẫn tồn tại qua năm tháng, đến mức ngày nay gần như chẳng còn thấy con plakat cảnh, với ba vây lẻ phẳng phiu nào nữa và hiếm lắm mới có một con halfmoon. Thậm chí, một số thanh niên nghiêm túc tuyên bố chuẩn cá mình nhất định phải “đuôi móc” mà hậu quả nhãn tiền là một đống nhăn nhúm khi cá đạt độ tuổi trưởng thành. Nói cho công bằng thì chúng chỉ căng đét lúc còn non, khi kích thước và màu sắc vẫn chưa lên đầy đủ. Nếu muốn thấy những cái tia vây và viền vây hoàn hảo, bạn phải nhìn vào cá hoang dã hoặc một thể loại xưa mới được phục hồi gần đây, cá đuôi voan (veiltail). Giải pháp của một số nhà lai tạo là đi theo đường lối trung dung, tức giới hạn ở phân nhánh nhị cấp (tia 4) và tia đuôi ngoài cùng hơi thiếu, hậu quả là cạnh D thiếu sắc nhưng đuôi phẳng phiu hơn.

    Vấn đề lớn nhất ở cá betta hoang dã là chúng quá nhút nhát nên rất kén người chơi. Đa số thường nhấn mạnh vào thức ăn và môi trường (như lăng quăng, muối, lá bàng) để làm cá sung lên nhưng theo tôi, giải pháp triệt để hơn cả là lai tạo. Nếu bạn hướng đến việc nuôi cá thuần chủng để bảo tồn theo quan điểm của IBC thì điều này là bất khả. Tuy nhiên, trên thực tế cá thuần hiện rất hiếm bởi các hoạt động đá cá lia thia (aff. imbellis & cf. siamorientalis) đã thúc đẩy việc lai biệt dạng với cá thuần dưỡng (splendens), vả lại nếu bạn bắt cá ở nơi rừng sâu núi thẳm không có dấu chân người cũng như hoạt động đá cá thì làm thế nào để khẳng định mình đang nắm trong tay hàng thuần chủng, điều này có thể được xác nhận qua phân tích DNA nhưng chỉ các nhà chuyên môn mới đủ trình để đọc và đưa ra kết luận. Giải pháp thực tế để hạn chế nhược điểm nhút nhát và nâng tầm thú chơi cá đồng là cản theo kiểu hình hoang dã nhưng kỳ vi phụng vĩ và sung gần bằng cá chọi Xiêm. Nói theo tiêu chuẩn IBC là nâng điểm hành vi (deportment) và phô bày vẻ đẹp của cá hoang dã. Kết quả, nhiều người sẽ tham gia, và một thị trường lớn hơn sẽ hình thành, tất dẫn đến bước kế tiếp là phân loại và đề ra tiêu chuẩn triển lãm, mà đến lượt mình nó sẽ mang lại một tác động tích cực lên thú chơi và thị trường.

    Trên đây là vài chia sẻ dựa trên các quan sát và kinh nghiệm cá nhân, nhưng không nhất định là duy nhất và luôn đúng. Bạn hãy tự trải nghiệm và tìm ra cách thức phù hợp nhất với hoàn cảnh của mình. Nỗ lực lên nhé!


    ====================


    *Hình trích từ một cuốn sách về Betta hoang dã của Thái cho thấy các kiểu đuôi hình át bích tồn tại và được chuộng ở Betta splendens, Betta mahachaiensisBetta smaragdina. Loại sau cùng có một biến thể mà các vạch xuất hiện đầy kín vây lưng, đuôi và phần sau vây hậu môn, như là phím đàn Guitar. Các loại Betta siamorientalisBetta imbellis đuôi tròn, thịt đen, thân nhiều ánh kim. Tất nhiên, trong một loài có thể có nhiều biến thể khác nhau nhưng khi lai tạo để làm cảnh, cần chú trọng đi theo hướng tạo ra nhiều nét đặc trưng nhất.

    Đây là một phát triển rất đáng chú ý về mặt thú chơi, cá đẹp và hấp dẫn. Hiện nhiều bạn ở ta cũng theo đuổi các dòng ấn tượng như Alien và Guitar. Tuy nhiên, tất cả đều là cá lai tạp (hybrid)! Điều nực cười là chúng được đăng kèm với... tên khoa học trong khi đấy chẳng qua là "kiểu hình hoang dã" mà thôi. Việc này là cực kỳ rối não cho người mới tham gia vào thú chơi, cả ta lẫn Tây!
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/23
    lucson52 thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội