Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Áp Dụng Hệ Thống Lai Bổn (Harvey & Ellen Ussery)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 25/1/19.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Áp Dụng Hệ Thống Lai Bổn
    Lai Tạo Bổ Sung-Thấp cho Phân Hóa Di Truyền Tối Đa ở Bầy Gà Nhỏ
    Harvey & Ellen Ussery - https://www.themodernhomestead.us/article/Clan+Mating.html

    [​IMG]

    Người làm vườn thông minh biết rằng, nếu họ trữ hạt giống riêng của mình, mùa này qua mùa nọ, dòng cây mà họ trồng sẽ ngày càng phù hợp với điều kiện đặc biệt của mình về đất đai, mùa màng và quản lý. Điều tương tự cũng đúng với việc lai tạo dòng gà riêng của chúng ta, dẫu quá ít nhà chăn nuôi tự do đang lai tạo dòng gà riêng và gặt hái lợi ích của gà lành mạnh, khỏe khoắn và mắn đẻ hơn qua từng thế hệ. Tôi hy vọng bài mô tả tóm tắt về hệ thống lai tạo đơn giản này sẽ thuyết phục bạn rằng việc lai tạo con giống riêng có thể cải thiện bầy đàn của bạn – và có thể cũng rất thú vị.

    Lưu ý về thuật ngữ “hệ thống lai tạo” (mating system): Chúng ta sẽ không có được các dòng cải thiện thông qua việc phối cản ngẫu nhiên, hú họa. Nhiều người có lẽ cho rằng sau cùng sinh sản ngoài tự nhiên đều dựa trên phối cản ngẫu nhiên (haphazard mating), nhưng đó là sự hiểu lầm – thực ra nhiều hành vi xã hội và giới tính ngoài tự nhiên thúc đẩy việc phối cản vốn không ngẫu nhiên chút nào, nhưng theo những hình thức vốn phục vụ tối thiểu hai nhiệm vụ mấu chốt. Thứ nhất, nguồn gien của bất kỳ quần thể nào phải phân hóa (diverse) nhiều nhất có thể nếu nó thích nghi với các biến động ngoài môi trường tự nhiên của mình, dù kẻ săn mồi hay bệnh tật gia tăng, khan hiếm thức ăn hay thay đổi khí hậu. Những biến động như vậy rõ ràng đòi hỏi sự thích nghi ngay lập tức nếu quần thể vẫn sinh sôi trong hoàn cảnh mới. Số lượng các kết hợp gien trong một quần thể càng phân hóa, thì cơ hội để thích nghi càng cao – và rằng người sở hữu chúng sẽ tận hưởng thành công sinh sản lớn hơn và định hướng cho tương lai. Tương tự, để cải thiện lai tạo, chúng ta càng duy trì sự phân hóa gien mạnh trong bầy, thì càng có nhiều cơ hội đạt được những tính trạng mà chúng ta nhắm đến – lớn nhanh, kháng bệnh tốt, đẻ nhiều vào mùa đông, ấp trứng (broodiness), tính khí hiền lành, bất kỳ thứ gì – sẽ thể hiện ở hậu duệ và sẵn có cho việc tuyển chọn.

    Thứ nhì, một quần thể phải tránh thoái hóa cận huyết (inbreeding depression) là hậu quả từ việc cản thái quá những cá thể cận huyết (closely related) với nhau. Nói ngắn gọn: Những cá thể cận huyết nhiều khả năng mang cùng gien lặn của một tính trạng xấu. Nếu cả trống lẫn mái đều mang cùng một gien lặn, thì tính trạng sẽ được thể hiện ở hậu duệ. Do vậy, việc lai tạo bừa bãi những cá thể quá cận huyết từ thế hệ này sang thế hệ khác có nhiều xu hướng dẫn đến thoái hóa cận huyết – sự xuất hiện ngày càng nhiều của những tính trạng lặn xấu, dẫn đến sự gia tăng về dị dạng và suy giảm về sức khỏe, sung mãn, sản lượng và sinh sản.

    Làm sao chọn con nào cản với con nào là một câu hỏi phức tạp, và đương nhiên việc phối cản cận huyết có thể được áp dụng với sự thận trọng để đạt được những mục tiêu đặc biệt (như lai dòng được kiểm soát tốt). Tuy nhiên, động lực chính của hình thức lai tạo phải hướng tới sự ngăn ngừa thoái hóa cận huyết. Trong dự án của tôi, tôi phiên dịch “cận huyết quá mức” thành việc cấm phối cản “một cấp độ” – nghĩa là giữa cha mẹ với con trai hay con gái, và giữa anh em cùng bầy hay nửa-máu (half-siblings).

    Bởi vì các quần thể lai tạo tại gia và bầy gà vườn là rất nhỏ, điều hết sức quan trọng là quản lý việc phối cản sao cho, một cách trái ngược, chúng càng mô phỏng các hình thức phối cản tự nhiên vốn tránh việc lai tạo những cá thể quá cận huyết trong khi tối đa hóa phân hóa gien tổng thể trong bầy. May thay, có một số hệ thống lai tạo sẵn có để đạt được các mục tiêu này, dẫu các câu hỏi về thực hành, cách thức quản lý và việc giữ sổ sách sẽ ảnh hưởng mạnh đến lựa chọn của chúng ta. Một số nhà chăn nuôi áp dụng hệ thống gia phả (pedigree) và theo dõi từng con giống trong toàn bộ cuộc đời chúng, giữ sổ sách chi tiết ai cản với ai trong từng thế hệ. Có những thuận lợi với lối tiếp cận đó: Việc cải thiện những tính trạng cụ thể có thể được nhắm đến một cách chuyên biệt và nhanh chóng hơn. Thậm chí việc phối cản cùng bầy hay cha mẹ-con cái một cách cẩn trọng vẫn được chấp nhận, chừng nào có sự chắc chắn rằng trống và mái cùng bầy không chia sẻ cùng gien lặn tật lỗi. Mặt khác, nhà lai tạo có thể bỏ qua sổ sách bằng cách đưa về các trống không quan hệ từ những nguồn đáng tin cậy bên ngoài mỗi mùa lai tạo.

    Tôi thích duy trì một bầy kín kẽ nhất có thể, hạn chế việc nhập con giống từ nơi khác. Đồng thời tôi không có kiên nhẫn cho việc theo dõi từng con trong số vài ba tá gà giống hay đại loại trong bầy của mình và từng phối cản giữa chúng vào mỗi mùa. Tôi tìm kiếm một hệ thống lai tạo vốn kết hợp sự bền vững với thực tế, mà tránh việc lai tạo những cá thể vốn quá cận huyết trong khi tối đa hóa phân hóa di truyền bên trong nguồn gien của mình và giảm sổ sách đến mức tối thiểu. Dưới đây là sơ đồ tóm tắt về lai bổn (clan matings) mà tôi áp dụng vào việc lai tạo bầy gà Icelandic của mình.

    [​IMG]

    Giả sử rằng bạn khởi đầu với con giống tốt nhất mình có thể tìm ra, tối thiểu là ba cặp – ba mái và ba trống. (Dĩ nhiên, trong trường hợp quá khó bạn có lẽ không kiếm đủ số gà đó – tôi nghe nói những dự án phục hồi vốn bắt đầu với một trio [bộ tam] gà giống. Trong trường hợp như vậy, bạn sẽ tiến hành bước lai tạo ban đầu vốn tạo ra ba cặp mà với chúng bạn khởi động hệ thống lai bổn của mình).

    Khởi đầu bằng việc phân con giống ban đầu thành ba “bổn” (hay “dòng” hay “bầy”). Bạn có thể đặt cho các bổn bất kỳ cái tên nào mà mình thích, hay chỉ đơn giản gọi chúng là A, B hay C. Nếu bạn sắp sửa sử dụng vòng chân (bandettes) hay vòng cánh (wing bands) để định danh, việc đặt tên bổn bằng ký hiệu màu là một ý tưởng hay. Giả sử rằng các bổn của bạn là Đỏ, Lục và Lam (theo thứ tự đó).

    Bạn có thể có những lý do hợp lý cho việc gộp những con giống ban đầu vào bổn của chúng. Bạn có thể biết từ nguồn cung cấp của mình rằng một số con giống có quan hệ gần, và gộp chúng sao cho lần phối cản đầu tiên càng “xa” càng tốt. Với những ai nhiều kinh nghiệm, việc chọn giống có thể là con với thế mạnh đặc biệt để bù trừ cho sự yếu kém ở tính trạng tương tự nơi đối tác của nó. Nhưng nên nhớ rằng sẽ ổn nếu việc gộp bổn ban đầu của bạn là hoàn toàn tùy ý. Trong tương lai, việc xác định ai cản với ai sẽ hết sức khắt khe, nhưng nếu bạn không có ý tưởng nào để gộp bổn con giống ban đầu của mình, thì chỉ cần làm một cách ngẫu nhiên.

    [​IMG]
    Mùa lai tạo đầu tiên rất đơn giản: Phân lập con giống của bạn sao cho việc phối cản được kiểm soát một cách nghiêm ngặt để diễn ra trong cùng bổn – trống Đỏ với mái Đỏ, trống Lục với mái Lục, trống Lam với mái Lam.

    [​IMG]
    Khi gà con nở, gộp chúng vào bổn mẹ, hầu như dễ dàng bằng việc bấm màng chân (toe-punching) gà con. Ở lứa đầu tiên này, việc gán màu bổn là đương nhiên, bởi cả cha lẫn mẹ đều cùng bổn. Nhưng điều đó sẽ không đúng trong tương lai, bởi vậy xin nhấn mạnh: Gộp toàn bộ gà con, cả trống lẫn mái tơ, vào bổn mẹ của chúng.

    [​IMG]
    Khởi đầu mùa lai tạo kế tiếp, tránh cản trống với mái trong cùng bổn. Thay vào đó, thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt các nhóm lai tạo, đảm bảo cản trống với mái “ở bổn kế cận”: trống Đỏ cản mái Lục, trống Lục cản mái Lam, trống Lam cản mái Đỏ. (Nếu trình bày mô hình dưới dạng ba chiều [3D] thì bạn có thể thấy một vòng xoắn [spiral], và quả thật lai bổn đôi khi được gọi là “lai xoay”).

    [​IMG]
    Bây giờ chúng ta đã thấy tầm quan trọng của việc gộp gà con vào bổn của mái mẹ. Trong trường hợp này, bầy con của mái Đỏ có cha Lam, bầy con của mái Lục có cha Đỏ v.v. Nhưng tất cả gà con đều lấy bổn theo mái mẹ, và cả đời thuộc về đó.

    [​IMG]
    Vào tất cả những mùa lai tạo tương lai, tiếp tục cùng cách thức, với trống luôn cản với mái thuộc “bổn kế cận”. Chừng nào bạn còn theo đuổi sơ đồ này, sẽ không bao giờ có việc phối cản giữa anh em ruột hay nửa-máu trong bầy mình, và phân hóa gien sẽ vẫn cao nhất có thể, ít ra là không cần theo dõi gia phả cá thể thật chi tiết. (Lưu ý rằng, nếu trống được giữ lâu hơn một mùa lai tạo, nhiều khả năng trống già có thể cản với mái con của nó từ năm trước. Những bầy phối cản cha-con gái như thế này sẽ không thể xảy ra nếu trống chỉ được sử dụng trong một mùa lai tạo).

    [​IMG]
    Ở trên gần như là bản tóm tắt về khái niệm lai bổn cơ bản. Có lẽ cách thức mà bạn thực hiện hệ thống ngoài thực tế có thể thay đổi một cách đáng kể. Chẳng hạn, tôi thích có nhiều hơn một trống ở mỗi bổn, như là đảm bảo cho việc thất thoát vì thú săn mồi hay thảm họa khác khiến cho việc lai tạo ở một bổn là bất khả. Trong quá khứ, tôi giữ ở mỗi bổn một trống trưởng thành và một trống tơ, để mỗi trống phục vụ trong hai mùa lai tạo trước khi bị loại. Bởi thấy rằng việc cản một trống ở mùa thứ hai khiến phối cản cha-con gái là khả dĩ, tuy nhiên, sau những mùa lai tạo tương lai tôi dự định thay thế cả hai trống giống ở mỗi bổn bằng những trống tơ từ bầy năm nay. Theo lối thực hành đó, phối cản cha-con gái là bất khả, tuy nhiên nhiều năm trời tôi vẫn tiếp tục lai tạo những mái riêng.

    Ba là số lượng bổn tối thiểu cho hệ thống lai tạo này, nhưng bạn có thể lập nhiều hơn nếu có thể quản lý chúng. Thậm chí với ba bổn, tôi có khả năng giữ một bầy kín kẽ trong một thời gian dài (hai mươi năm hay hơn) trước khi cần đưa vào “máu mới” từ nơi khác. Tôi nghe nói rằng với hệ thống năm-bổn thì thời gian đó kéo dài đến gần cả thế kỷ.

    Nhưng với việc đưa con giống tốt từ một nhà lai tạo đáng tin cậy khác vào, chẳng có vấn đề gì khi làm vậy vào bất kỳ thời điểm nào, dẫu một trống đơn lẻ hay một nhóm cả trống lẫn mái. Trong trường hợp này, đơn giản đưa gà mới vào các bổn có sẵn. Một lần nữa, bạn có nhiều lý do để gộp vào bổn này thay vì bổn nọ, hay việc gán ghép là tùy ý, nhưng một khi đã gộp thì gà mới sẽ không bao giờ đổi sang bổn khác.

    Thực hành lai bổn không hạn chế nhu cầu thanh lọc gắt gao vốn là chìa khóa để cản thiện việc lai tạo – một cách lý tưởng chúng ta chỉ nên giữ một hay hai con giống trong mười con nở ra. Có khả năng không thể đạt con số đó ở các bầy gà nhỏ, nhưng nên nhớ rằng Tự Nhiên là kẻ thanh lọc không thương xót, và chúng ta nên làm theo. Tuy nhiên, có vài cảnh báo quan trọng. Nhất là vào những mùa lai tạo ban đầu, việc lai tạo theo chiều sâu di truyền tối đa (genetic depth) có thể được ưu tiên so với việc tuyển chọn chất lượng tốt nhất khả dĩ ở gà giống. Chẳng hạn, vào những mùa lai tạo bầy Icelandics ban đầu của tôi, nhằm duy trì lượng con giống đủ lớn tôi vẫn chấp nhận những lỗi nhỏ (đuôi hơi vẹo, trứng hơi biến dạng) mà vào những mùa lai tạo sau, tôi sẽ thanh lọc gắt gao hơn nhiều. Nhưng ở bất kỳ cuộc tuyển chọn gà giống nào trong tương lai, có thể xảy ra trường hợp, đại loại, tôi đã chọn được trống tơ tốt nhất ở bổn Đỏ, và thấy rằng những trống tơ Đỏ còn lại hoàn toàn vượt trội so với bất kỳ trống tơ Lục nào đang hiện diện ở bổn Lục. Thật khó khăn và vô lý khi thanh lọc trống tơ ưu việt, nhưng để duy trì tính toàn vẹn (integrity) của hệ thống lai bổn và phân hóa gien mà nó hỗ trợ, trong mùa đó tôi phải chọn trống Lục kém cỏi hơn. Việc thanh lọc gắt gao vẫn cần thiết để cải thiện lai tạo, nhưng tuyển chọn diễn ra trong từng bổn thay vì trong cả bầy.

    Thực tiễn có thể quyết định các lựa chọn lai bổn. Nếu bạn chỉ có thể bố trí hai nhóm lai tạo mỗi mùa, bạn đơn giản có thể bỏ qua lượt lai tạo trong một năm nhất định – Lục với Lam, chẳng hạn – và thực hiện phối cản đó trong năm kế tiếp, khi Lam với Đỏ là phối cản sẽ phải “ngồi ngoài”. Và nếu bạn thực sự không thể duy trì nhiều hơn một nhóm lai tạo nhưng vẫn yêu thích khái niệm nền tảng về lai bổn? Nếu ở gần có những chiến hữu hâm mộ giống gà mà bạn chọn, mỗi người có thể giữ một bổn cần thiết. Khi đến thời điểm lai tạo, trao đổi trống giống rồi chia sẻ trứng có cồ khi thích hợp cho hệ thống lai bổn liên kết của các bạn.


    =========================


    Ghi chú

    *Lai bổn (clan mating) còn gọi là lai xoay (spiral mating) khi các bổn được thiết lập và trống từ một bổn luôn được cản với mái thuộc bổn khác theo quy luật định trước.

    *Lai tạo bổ sung-thấp (low-input breeding): trong ngữ cảnh lai tạo, phương pháp này giúp duy trì bầy gà nhỏ trong một thời gian dài mà không cần bổ sung máu mới từ bên ngoài. Trong nông nghiệp, “bổ sung-thấp” nghĩa là không phụ thuộc nhiều vào các nguồn cung cấp từ bên ngoài, chẳng hạn như phân bón và thuốc trừ sâu.

    *Thoái hóa cận huyết (inbreeding depression): là sự suy giảm về năng lực di truyền (biological fitness) ở môt quần thể từ hậu quả của việc lai cận huyết. Trong quá trình tiến hóa, có nhiều đột biến di truyền giúp loài thích nghi với môi trường sống và tồn tại. Tất cả đóng góp vào sự đa dạng hay phân hóa di truyền (genetic diversity) của loài đó. Lai cận huyết làm giảm phân hóa di truyền hay nói cách khác làm bộ gien nhỏ lại. Những gien mất đi có thể đóng vai trò quan trọng trong đời sống của loài. Những biểu hiện của thoái hóa cận huyết thường là chậm lớn, nhỏ con, kháng bệnh kém v.v. Lai cận huyết cũng tăng khả năng đồng hợp khiến gien lặn, lỗi tật nổi lên, nhưng không như tác giả nói, đó là vấn đề khác với thoái hóa cận huyết.

    *Nếu bạn muốn chủ động loại bỏ các tính trạng xấu hay lỗi tật, lai cận huyết là cách thức cực kỳ hiệu quả. Kenny Troiano nói ông thích lai cận huyết để lỗi tật hiện ra và loại bỏ. Nhưng nhiều sư kê than phiền việc lai cận huyết tạo ra nhiều lỗi tật. Thứ nhất, nguồn giống của bạn vốn có sẵn nhiều lỗi tật nhưng chúng lặn, không thể hiện ra ngoài. Thứ nhì, việc lai cận huyết khiến chúng lộ ra chứ không phải là nguyên nhân phát sinh lỗi tật. Mặt khác, cản dị huyết vẫn có thể té ra lỗi tật nếu hai bên cha mẹ vô tình đều mang cùng gien lặn về lỗi tật, dẫu khả năng này nhỏ hơn. Trong lai tạo, bạn có thể chọn lai cận huyết để củng cố tính trạng và chủ động loại bỏ lỗi tật hay chọn lai dị huyết để tăng phân hóa di truyền và giảm khả năng đồng hợp lỗi tật. Đó chẳng qua là sự lựa chọn và các sư kê khôn ngoan chẳng hề câu nệ khi áp dụng, cách nào cũng được miễn đạt hiệu quả. Ưu điểm của phương pháp lai bổn là củng cố các tính trạng mong đợi, trong khi vẫn duy trì sự phân hóa di truyền và loại bỏ lỗi tật.

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/1/19

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội