Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

CÁ ĐẺ

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 20/4/20.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    CÁ ĐẺ
    Lê Quốc Việt - Tri Thức Bản Địa Việt Nam (Vietnam Indigenous Wisdom Society)

    Một vài cơn mưa trái mùa chưa được gọi là mùa mưa nhưng cũng báo hiệu cho một mùa mưa mới sắp bắt đầu.

    Mấy con cá dưới sông, dưới rạch, trong mương vườn đã chộn rộn, chuẩn bị cho việc lên đồng để làm một cuộc phiêu lưu mới và phát triển giống nòi.

    Nói tới cá đồng, rất nhiều người sẽ kể ngay là lóc, trê, rô, sặt…nhưng nó đẻ làm sao thì chắc không nhiều người biết.

    Việc sinh sản của cá lóc ít phụ thuộc vào mùa vụ hơn. Chỗ nào có nhiều cá lóc thì hầu như tháng nào cũng có thể bắt gặp những bầy cá lòng ròng nhưng tập trung nhứt cá lóc đẻ ở ba thời điểm chính: Tháng ba, Tháng tư khi có một hai cơn mưa trái mùa, cá lóc đẻ trong mương; Tháng sáu, Tháng bảy đẻ trên ruộng, trong đám mạ hay mấy chòm cỏ tương đối dày; Tháng chín, Tháng mười trước khi gió bấc về, đẻ mấy chỗ lúa dày hay các góc bờ ít người qua lại. Trước khi đẻ, cá cha mẹ chọn chỗ kín đáo, dùng bụng và đuôi chà khá láng dưới đáy rồi gom ít lá cỏ, lá lúa để phía trên, dành làm chỗ để trứng bám vào.

    Hồi mười bốn, mười lăm tuổi, tui từng đứng rình coi vợ chồng con cá lóc đang đẻ. Cái đìa mới vét nên nước trong, tui thấy rõ ràng hai con đang di chuyển rất chậm, con hơi phía dưới hơi lớn hơn con bơi chếch về phía trên và sau một cái đầu, cả hai đều vặn cong mình mẩy, tôi nghĩ đơn giản là cá lóc đang bắt cặp, giờ mới hiểu, con cá cái phun trứng và con cá đực ở trên rắc tinh trùng xuống, trứng nào đậu thì nổi lên, cá mẹ gom vô ổ, trứng nào hổng đậu thì chìm luôn làm thức ăn cho loài khác. Cá cái nằm giữ ổ trứng cho đến khi nở cũng đi sát đám con, cá đực canh vòng ngoài. Khi còn nhỏ, bầy cá lòng ròng bơi gom lại thành chùm, càng lớn càng dãn ra, khi thấy cá lòng ròng gần bằng chiếc đũa, độ rộng của bầy bằng cái nia, bong bóng do mấy cá con lên ngớp tạo ra bằng đầu ngón tay út và bể nhanh là biết chắc chắn bầy này sắp tan, mỗi đứa sẽ đi theo một lý tưởng riêng!

    Lúc tui còn nhỏ, mấy thanh niên trong xóm (cũng có đứa chừng mười hai, mười ba tuổi nhưng rất khéo) hay dùng vịt con để nhấp bắt cá lóc theo bầy lòng ròng, mỗi bầy bắt một con rồi thôi, thường là cá đực, chừa lại con mẹ để giữ bầy. Bây giờ, người ta ít quan tâm tới tự nhiên, cố bắt cho được cả trống lẩn mái, hổng cần nhấp vịt nữa, quơ ngang cái xiệt điện, vậy là diệt cá tận gốc luôn!

    Cá trê trắng thường ở dưới sông, rạch, mương, đìa, hiếm khi lên ruộng. Cá này đẻ trong hang. Chúng tận dụng những cái hang cua đã bỏ hay những chỗ mé bờ có đất bị lở khuyết phía dưới, một cặp trê trắng bơi ra bơi vô, đuôi quạt mạnh tạo thành sóng làm cho chỗ đó lở rộng ra nhưng ngầm dưới mặt mước, một hai ngày sau chỗ đó thành một cái hang vừa rộng, vừa láng vo. Xong xuôi vợ chồng nó đẻ làm sao tui hổng thấy, chừng một tuần sau là có cá con giống như nòng nọc, đen thui, ăn móng trước miệng hang.

    Cá trê vàng đẻ trên ruộng, cái cách làm ổ và cách đẻ giống như cá lóc, chỉ khác là cá trê vàng quậy ổ rất mạnh, rất lộ liễu chứ không làm êm, kiểu lén lút như cá lóc, thứ hai là ổ trứng cá lóc khi nổi lên mặt có màu vàng, còn cá trê có màu đen, trứng cá lóc mới nở ra có màu đen nhạt, khi thành lòng ròng thì có màu đỏ; trứng cá trê nở ra có màu đen đậm, vài ngày đầu hơi giống nòng nọc. Cá lóc giữ con, cá trê chỉ giữ trong mấy ngày tại ổ thôi, khi cá con biết bơi và cứng cáp rồi thì mạnh ai nấy đi!

    Cá rô hiếm khi đẻ ở sông, rạch hay trong mương, đìa, trừ khi bị chích HCG hay là mương đìa mới đào, khi mưa xuống cá từ chỗ khác lốc vô gặp đất mới, nước mới nên đẻ. Bước vào tháng giêng là những con cá cái bắt đầu có trứng non, tháng ba, khi một, hai cơn mưa đầu mùa là tất cả cá rô tự nhiên đều có dạng ốm, dài. Chúng von mình lại như vậy để phù hợp với việc lốc, trườn một quãng đường khá xa trong điều kiện không có nước trước khi đến nơi sống mới. Cá đực von hơn (thấy ốm nhách) do cái bụng hổng mang trứng. Khi cá rô lên ruộng, đại đa số là đi lần một cặp trống mái, hiếm khi đi riêng lẻ.

    Khi lên tới ruộng, sau ba đến năm tiếng đồng hồ, có hơi đất ruộng, có nước mưa đủ cho chúng trượt là đẻ ngay, cá rô hổng cần làm ổ. Con cá cái chạy trước, con cá đực sát bên, chậm hơn khoảng bằng nữa thân con cá. Hổng biết là chúng đếm một, hai, ba hay là xài tần số sinh học mà rất nhịp nhàng, đường chạy của hai con cực sung, mặt nước nhô lên thành đường và dợn sóng. Một đường chạy thường hổng quá hai mét và kéo dài không quá hai giây. Tui nghĩ cách chúng đẻ cũng giống như cá lóc, con cái đẻ trứng ra và con đực rắc tinh trùng lên. Nhờ nước mới ngập đồng, các loại sinh vật nhỏ trên ruộng chưa nhiều nên rất nhiều trứng cá rô nở được thành con. Khác các loại cá khác, cá rô đẻ xong là xong, đường ai nấy đi, sau này có gặp nhau thì cũng hổng biết đứa nào con của cặp nào.

    Có ba loại cá sặt chính: sặt bướm (da không sáng lắm và thường thay đổi theo môi trường sống, có hai chấm đen hai bên thân), sặt điệp (da màu sáng trắng, ít thay đổi, chỉ sống môi trường sạch nên có thể xem cá sặt điệp là loại cá chỉ thị môi trường) và sặt rằn hay còn gọi là cá bổi (trên thân từ phần mang tới đuôi có những vệt vằn vện từ sống lưng xuống bụng, kích thước con trưởng thành gấp từ 6-8 lần cá sặt bướm nên thường sống ở mương, vũng hoặc ruộng nước sâu).

    Điểm giống nhau của ba loại cá sặt này là khi đẻ chúng làm ổ bằng nước bọt, lúc mới có màu trắng, lâu dần chuyển màu vàng ngà. Khi hai con cùng lên đỉnh thì con cái đẻ trứng, con đực rắc tinh trùng, sau đó dùng miệng hớp mấy trứng dưới đáy phun vào mặt dưới của ổ bọt và cả hai cùng canh giữ ổ của mình nhưng khi có kẻ là xâm nhập thì con đực xông ra trước để làm nhiệm vụ. Cá con mới nở sống bám vào ổ bọt, khi cứng cáp rồi thì mạnh con nào con đó đi.

    Điểm khác nhau là khi đàn con đã đi, ổ cá sặt bướm tan nhanh do chúng không phun bọt bổ sung; ổ cá sặt điệp hầu như không tan, do trước khi phun bọt chúng đã nhọc công tìm những sợi rễ cây, cọng cỏ mịn gom lại một chùm rồi phun bọt vô đó, chính những sợi này làm tăng độ kết dính của bọt và bảo vệ cho ổ cả lúc nắng lẫn lúc mưa; Ổ cá sặt rằn giống như ổ cá sặt bướm nhưng lớn hơn, đặc biệt là tính cộng đồng cao, giống như tụi nó rủ nhau làm ổ đẻ theo khu vậy, mỗi khu từ một chục đến vài chục ổ gần nhau, dữ như cá lóc mà bơi vô khu vực này là cả đám sặt rằn xông ra rượt cá lóc chạy có cờ chớ hổng phải chơi!

    Trên đồng ruộng còn một số loại cá nữa nhưng mật số thấp (trừ lòng tong, sát thủ diệt rầy, hổng thua cá rô nhờ mật số đông), chạch, thát lác, rô biển (giống rô phi nhưng tròn hơn), cá trắng (cá gầm?)…tui chưa có điều kiện để tìm hiểu coi chúng đẻ như thế nào. Chắc chắn những nguyên lý chung là có trống, có mái, con mái phun trứng, con trống phun tinh, vấn đề là nó có làm ổ không, làm ở đâu, có giữ con không, giữ như thế nào…Thôi thì từ từ để ý tiếp vậy, còn sống lâu mà!

     
    Chỉnh sửa cuối: 20/4/20
    hienst thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội