Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Dạng Thân Betta: Hình Thái Và Dị Tật

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 9/5/20.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Ảnh: nlkhanh

    Dạng Thân Betta: Hình Thái Và Dị Tật

    Giới chọi cá là những người đầu tiên quan sát cặn kẽ hình thái của cá chọi Xiêm với tập trung vào dạng thân. Bởi hình thái và lối đá có quan hệ mật thiết với nhau. Hình thức cáp cá và luật trường cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc lựa chọn và phát triển hình thái cá chọi. Kiến thức này chủ yếu được truyền khẩu từ đời này sang đời khác trong làng cá chọi Thái. Precha là người tổng hợp và phổ biến ra thế giới bên ngoài (1). Có ba dạng thân cơ bản là bản lóc (channa form), bản còm (chitala form) và bản rô (anabas form). Bản đầu tồn tại ở cá hoang dã, hai bản sau là kết quả của quá trình tuyển chọn và thuần dưỡng lâu đời cá chọi Xiêm. Theo ông, cá chọi với cấu trúc tốt là con tập hợp các ưu điểm của cả ba dạng trên.

    Quá trình phát triển của betta cảnh làm phát sinh nhiều thể loại mới. Chris Yew tập trung vào đặc điểm của Plakat Truyền Thống (Traditional Plakat) với dạng thân của cá lai giữa cá chọi Xiêm với cá hoang (2). Kiểu hình được ưu tiên ngả về lưng cong của bản lóc, lưng võng của bản còm không được chuộng. Lyon Goh trái lại coi đầu muỗng (spoon head) của bản còm là lý tưởng (3). Các tác giả gốc Á này dường như đều bị ảnh hưởng bởi cá chọi Xiêm nên đi sâu vào chi tiết. Các tác giả phương Tây thường không đề cập, nhưng khi nhìn vào hình minh họa trong tiêu chuẩn của IBC (4), chúng ta thấy dạng lưng cong của bản lóc. Ngoài ra, có một đề xuất tập trung vào độ cong của lưng và bụng (5) nhằm đạt được hình dạng đối xứng, nhưng đầu nhỏ đi đáng kể, làm mất đi sự hùng dũng vốn có của cá betta.

    Mục đích của bài viết này là khảo sát những dạng thân cơ bản ở betta cảnh, trong mối tương quan với cá hoang và cá chọi Xiêm. Từ đó, hướng tới dạng thân lý tưởng với đầy đủ các yếu tố: xinh đẹp, cân đối và mạnh mẽ.

    Bản lóc (channa form)
    Dạng thân thuôn dài, tròn trĩnh, mà có người còn gọi là bản đũa. Ở cá lia thia rặt, tỷ lệ chiều rộng/chiều dài thân là ¼, đi đôi với lưng cong nhẹ, miệng nhỏ, môi mỏng và mõm tù. Với cấu trúc thế này, cá lia thia trông rất giống với ròng ròng (tức cá lóc con) khi nhìn từ bên trên. Dạng bản lóc nguyên thủy ở cá rặt đã gần như tuyệt chủng ngoài môi trường tự nhiên do ảnh hưởng từ cá chọi Xiêm và các hoạt động đá cá của con người trong vùng phân bố tự nhiên của chúng.

    Cá chọi Xiêm có mỏ to, dài, nhọn, miệng rộng, môi lớn do yêu cầu chiến đấu. Những đặc điểm trội này cũng ảnh hưởng lên cá cảnh hiện đại. Bởi vậy mà khái niệm bản lóc ở cá cảnh chỉ liên quan đến kích thước tương đối và dáng lưng, đầu cong nhẹ mà không bao hàm miệng, mỏ. Cá cảnh hầu như không thể đạt tỷ lệ ¼ như cá rặt, ngoại trừ dòng Giant dài ngoẵng khi xưa do yêu cầu về kích thước (giờ hầu như không thấy). Bởi vậy, tỷ lệ xấp xỉ 2/7 coi như đạt yêu cầu, nhưng kể cả mức này thì bản lóc cũng rất hiếm.


    Bản lóc (Channa sp.) thuôn dài, lưng cong nhẹ. (A) Bản lóc ở cá hoang Betta stiktos; (B) Bản lóc ở cá lai Alien betta; (C) Bản lóc ở cá chọi Xiêm với mỏ to và dài, một số nhà lai tạo Thái giữ dòng này; (D) Bản lóc ở cá betta cảnh; (E) Marble Giant bản lóc.
    Ảnh: (A, B) Minh Trí Kiệt, (C) Hung Le (HBC), (D) nlkhanh, (E) BettaSales (Nguyễn Ngọc Tuấn).

    Bản rô (anabas form)
    Dạng thân ngắn cũn cỡn, rộng và dày, gốc đuôi to, lưng phẳng hay cong nhẹ. Tỷ lệ chiều rộng/chiều dài thân là ⅓. Đầu to, mõm tù, cằm bạnh, miệng rộng, môi lớn, vai hay cổ lớn. Dạng thân này là đặc trưng của cá thuần dưỡng kiểu cũ, kết quả của quá trình lai tạo lâu dài cho mục đích chiến đấu. Ngày nay, bản rô hầu như biến mất ở cá chọi do ảnh hưởng của lối chơi. Cá bản rô vốn mạnh mẽ và gan lỳ hết mực, nhưng chậm. Khi người Thái cải tiến luật chơi, đá tính giờ, thì đòn lối của bản rô không còn là lợi thế ngoài trường nữa. Gần hai chục năm trước (2002) khi tác giả Precha đến thăm Sài Gòn thì bản rô đã rất hiếm ở Thái, nhưng vẫn còn tồn tại ở Việt Nam (6). Bản này hiện cũng biến mất ở Việt Nam do cải tiến luật trường và tập quán nhập con giống từ nước ngoài về pha máu. Ở cá cảnh, hơn chục năm trước dạng thân này không phải là quá hiếm, nhưng hiện rất khó tìm. Thậm chí, nhiều sư phụ betta có thể chẳng biết bản rô là gì, bởi khi thầy xuất sơn thì bản rô đã tuyệt chủng mất rồi! Tiêu chuẩn, luật chơi, sở thích và xu hướng của thị trường đã thay đổi tất cả.

    Bản rô là gien lặn so với bản còm (mà chúng tôi sẽ mô tả dưới đây). May thay, mấy dòng Dragon cổ điển vẫn còn lưu giữ phần nào gien bản rô. Có một nhóm những người yêu chuộng Dragon ở Việt Nam. Họ hầu như không cản ra ngoài Dragon, nhờ vậy mà gien bản rô vô tình được gìn giữ. Hy vọng rằng, việc cận huyết Dragon sẽ làm tái sinh bản rô trong tương lai.


    Bản rô (Anabas testudineus) cằm bạnh. (A) Chọi cộc Nghi Tàm. Một lần nữa bên cạnh đặc điểm đuôi dài, cá chọi Nghi Tàm gìn giữ và duy trì những giá trị truyền thống của cá chọi Xiêm (bản rô và màu Cambodian). (Còn lại) Bản rô ở cá cảnh.
    Ảnh: (A) Nguyễn Đức (HBC), (còn lại) nlkhanh. Xin bàn chút ngoài lề, tác giả nlkhanh vốn rất chuộng bản rô nên anh ghi nhận tận tình những cá thể lọt vào tay mình hơn chục năm trước, mà giờ đã trở thành những tư liệu quý hiếm. Nhờ vậy, chúng tôi có thể sử dụng cho minh họa ở đây mà không phải tìm hình ảnh cũ từ nơi khác.

    Bản còm (chitala form)
    Dạng thân rộng, ngắn đòn hơn bản lóc nhưng dài hơn bản rô, vây thường to hơn; đặc biệt lưng võng về phía đầu ở nhiều cấp độ khác nhau, từ võng phảng phất, võng nhẹ, võng vừa cho đến siêu võng. Với cấu trúc lưng như vậy, đầu mặt thường thấp, mõm nhọn. Đây là dạng thân phổ biến nhất, hầu hết cá chọi và cá cảnh ngày nay đều thuộc dạng này. Ở cá chọi, bản còm thường mảnh mai hơn, điều có thể khó thấy ở cá cảnh do thói quen nhìn ngang (nhưng đôi khi lộ rõ, nhất là phần phía sau vây ngực). Lyon Goh đã sử dụng “spoon head”, một thuật ngữ rất phổ biến trong giới chơi cá rồng để gọi dạng lưng võng, nhưng thực ra cấu trúc lưng của cá rồng khá bẹt và đầu muỗng hơi nghếch lên. Cấu trúc lưng của cá betta cong hơn và miệng vểnh, nghếch là một lỗi. Mô tả chính xác, theo chúng tôi, là “fafulong” (một thuật ngữ cá rồng khác). Điều này đặc biệt đúng với một số cá thể lưng “siêu võng” vốn trông rất ngầu. Tiêu chuẩn IBC (4) không đề cập đến dạng lưng võng, toàn bộ minh họa đều thể hiện lưng cong nhẹ. Điều dẫn đến suy đoán rằng, lưng võng không được chuộng bằng lưng cong, nhưng không bị tính lỗi. Nếu điểm số bằng nhau thì lưng cong được ưu tiên xếp trên.


    Bản còm lưng võng (Chitala sp. là cá thát lát hay cá còm, gọi bản còm cho gọn). (A1) Bản còm ở cá chọi. (A2) Lưng võng nhẹ ở cá chọi. (B1) Bản còm lưng võng ở cá cảnh. (B2) Bản còm lưng siêu võng hay fafulong. (C-D-E) Bản còm rất phổ biến ở betta cảnh với nhiều cấp độ võng khác nhau.
    Ảnh: (A1) Nguyễn Thành Thi (HSBC), (A2) Hung Le (HBC), (còn lại) nlkhanh.

    =============================
    Tóm lược quan sát của chúng tôi trên betta cảnh hiện đại, chiều dài thân phổ biến là dạng thân vừa, trung gian giữa bản lóc và bản rô (tỷ lệ ⅓). Dạng lưng phổ biến là lưng võng hay đầu phẳng. Như vậy, hầu hết cá cảnh hiện đại thuộc bản còm. Đôi khi chúng ta thấy dạng kết hợp giữa thân vừa và lưng cong nhẹ ở các dòng betta đỏ, vàng và gốc cẩm thạch (Fancy, Nemo, Galaxy, Startail). Trong số này thỉnh thoảng té ra dạng lưng cực cong đi kèm với bụng to, gốc đuôi nhỏ; lúc sừng trông như loài ăn đáy (suckermouth). Dạng bản rô thân ngắn còn tồn tại phảng phất ở Dragon. Dạng bản lóc thân dài hầu như mất hẳn.
    =============================

    Dị tật
    Có nhiều lỗi tật khác nhau ở thân betta. Thật đáng ngại khi người ta không biết đó là lỗi. Chẳng hạn dạng mõm “tên lửa” nhọn hoắt là một lỗi do đầu bẹt và thiếu cằm. Hay khi hiểu rằng bản còm là dạng thân tự nhiên và phổ biến ở cá betta, đó không phải là lỗi bất chấp tiêu chuẩn có ghi nhận hay không. Ở đây, chúng tôi xin liệt kê vài lỗi tật phổ biến ở thân của betta cảnh.


    Lỗi tật phổ biến. (A) Đầu bẹt, một đường thẳng kéo dài từ miệng đến gần vây lưng. (B1) Mõm nhọn, thường đi đôi với đầu bẹt và cằm nhỏ. (B2) Mõm dài và nhọn, thường thấy ở cá đen, dường như là ảnh hưởng từ cá chọi. (C1) Đầu nhỏ đi kèm với bụng to và gốc đuôi thắt, đây là dạng thân được gọi là bản mè (Barbodes sp.), kết quả lai tạo theo hướng quá chú trọng vào bộ vây mà bỏ qua thân, một ví dụ nổi tiếng là con Mustard Gas gốc của Jude Als, ngày nay bản mè được thấy nhiều ở cá đuôi tưa. (C2) Đầu nhỏ ở đuôi kép. (D) Lưng phẳng, thiếu độ cong. (E) Đầu hơi bẹt và mấp mô. (F) Đầu gãy. Ảnh: nlkhanh

    Định hướng lai tạo
    Quan điểm quá chú trọng vào màu sắc và bộ vây đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên nhận thức thẩm mỹ và thú chơi mà chúng ta đang tham gia. Dạng thân đã không được quan tâm đúng với mức độ mà lẽ ra nó được nhận. Betta cảnh trông ngày càng yếu ớt đến nỗi có nhà lai tạo phải thốt lên, đại loại: ở đâu rồi dạng thân mạnh mẽ? Cô không quá quan tâm đến dạng đuôi, chừng nào mà con cá có bề ngoài mạnh mẽ và hùng dũng.

    Chúng tôi hết sức tán thành quan điểm này và bắt đầu tìm hiểu dạng thân mong đợi. Bước đầu là tập hợp nhiều hình ảnh của những cá thể mà chúng tôi cảm thấy đạt chuẩn mạnh mẽ. Sau đó so sánh chúng với các dạng thân cơ bản mà chúng ta đã biết ở trên. Kết quả là, dạng thân với đặc điểm tổng hợp là điều mà chúng ta tìm kiếm. Dường như có mối tương quan giữa cá chọi với cá cảnh khi cả hai đều có chung mục đích: dạng thân tổng hợp. Cụ thể như sau:

    *Thân vừa phải, không quá dài hay quá ngắn, gốc đuôi to. Lúc này, lúc nọ chúng ta thấy có con hơi thuôn dài, có con hơi ngắn đòn, nhưng hầu hết betta cảnh đều có thân đạt yêu cầu.

    *Miệng to, cằm bạnh. Đây là những đặc điểm quan trọng ở bản rô mà hầu hết betta cảnh đều thiếu nên khi sừng kém “ngầu”.

    *Lưng võng nhẹ hay phảng phất, điểm uốn nằm ngay trên mắt (điểm uốn bản còm thường nằm sau mắt, xa về phía vây lưng). Thực ra, lưng võng với miệng và cằm lớn trông dữ dằn nhất, nhưng cần tiết chế để hình dáng cân bằng hơn. Trái với suy nghĩ ban đầu của chúng tôi, lưng cong nhẹ kết hợp với miệng nhỏ lại có vẻ kém “ngầu”.

    Trên đây là những ý kiến dựa trên quan sát cá nhân trong nhiều năm. Hy vọng rằng, nó sẽ là nền tảng cho một hướng lai tạo mới trong tương lai. Hãy nỗ lực lên nhé!


    Dạng thân tổng hợp với lưng võng nhẹ, điểm uốn trên mắt, miệng lớn và cằm bạnh. Ảnh: nlkhanh


    Cận cảnh các dạng lưng. (A) Võng nhẹ. (B) Võng phảng phất. (C) Cong nhẹ. (D) Cong nhẹ ở doubletail mang lại dáng vẻ mạnh mẽ, điều khá hiếm vì phần lớn đều lưng bẹt. Ảnh: nlkhanh

    Tham khảo
    (1) Biết đấu ngư của mình - http://www.diendancacanh.com/threads/biet-dau-ngu-cua-minh-precha.366/
    (2) Ý kiến của tôi về Plakat Cảnh Truyền Thống - http://www.diendancacanh.com/threads/y-kien-cua-toi-ve-plakat-canh-truyen-thong.133/
    (3) Halfmoon Plakat - http://www.diendancacanh.com/threads/halfmoon-plakat.67/
    (4) Sổ Tay Trọng Tài - Chương 5: Phụ Lục - Tiêu Chuẩn Plakat - http://www.diendancacanh.com/threads/so-tay-trong-tai-chuong-5-phu-luc-tieu-chuan-plakat.478/
    (5) Đề xuất tiêu chuẩn plakat mới - http://www.diendancacanh.com/threads/de-xuat-tieu-chuan-plakat-moi.4196/
    (6) Một câu chuyện ngắn về cá chọi Việt Nam - http://www.diendancacanh.com/threads/mot-cau-chuyen-ngan-ve-ca-choi-viet-nam-precha.368/


    Một số dạng thân tổng hợp. Ảnh: nlkhanh


    Một số dạng thân tổng hợp. Ảnh: nlkhanh


    ========================


    Cá lia thia rặt là gì?
     
    Chỉnh sửa cuối: 24/6/22
    nlkhanh thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội