Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá lia thia rặt là gì?

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 18/6/22.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá lia thia rặt là gì?

    [​IMG]
    Betta stiktos là một trường hợp cá biệt trong nhóm Splendens khi kiểu hình hoang dã được giữ gìn một cách cẩn trọng. Bởi một lẽ đơn giản, cá rặt có giá hơn cá lai! (Ảnh: Minh Trí Kiệt).

    “Lia thia rặt” là một thuật ngữ được dùng khá phổ biến trên mạng xã hội, nhất là trong các hội nhóm về lia thia đồng. Nhưng hóa ra mỗi người lại diễn tả một kiểu tùy theo hiểu biết và trải nghiệm của bản thân. Thậm chí có bạn còn nói đại loại, cá hoang bắt ngoài ruộng đương nhiên là “cá rặt”! Dĩ nhiên bạn ấy có cái lý của mình khi coi chúng là “cá rặt”, chẳng qua từ lúc chào đời cho đến khi trở thành sư phụ cá đồng, bạn chỉ thấy mỗi một thứ cá đấy thôi. Đến đây, chúng tôi cảm thấy mình cần phải lên tiếng về một vấn nạn nhức nhối bấy lâu nay, rằng hầu hết cá lia thia ngoài môi trường tự nhiên đều đã bị lai tạp! Nghĩa là, những con mà chúng ta được chứng kiến, thậm chí tận tay vớt “ngoài ruộng” hay “rừng tràm” này nọ cũng là cá lai. Vấn nạn đã được chúng tôi đề cập từ nhiều năm trước (1), trong bài viết này chúng tôi sẽ củng cố cho lập luận của mình với những bằng chứng cụ thể hơn.

    Giới đá cá lia thia là những người đầu tiên quan tâm đến kiểu hình lai. Việc đánh giá mức độ lai là cần thiết để cáp, bằng không bạn sẽ phải trả giá rất đắt ngoài trường cá. Những đặc điểm liên quan trực tiếp đến vai trò chiến đấu như vai (hay lưng), đầu, mỏ, bản thân được quan sát một cách cặn kẽ, theo chiều ngang và từ bên trên. Kiểu hình cá Xiêm càng nhiều thì cá lai càng nặng. Cá Xiêm có vai u thịt bắp, đầu to so với thân, trán bẹp hay võng, mỏ dài nhọn, bản ngắn và rộng hơn bản lóc (nếu bạn từng thấy một con!). Cá lai 50 (½ máu Xiêm) được coi là nhiều và lộ, cá lai 75 (¾ máu cá Xiêm) kín hơn, còn lai ít máu Xiêm hơn nữa thì bề ngoài đã trông rất giống với cá đồng rồi và gọi là lai biệt.

    Lối thực hành thả cá lai về môi trường tự nhiên, chẳng hạn một ruộng lúa hay ao nhà, để mùa sau vớt lên đá độ từng được ghi nhận cả trăm năm trước (2). Mục đích của việc này là giấu giếm nguồn gốc cá lai hay mức độ lai, áp lực môi trường sẽ khiến cá lai phát triển với bề ngoài gần giống với cá hoang! Vấn đề là, các đặc điểm kiểu hình của cá Xiêm thuần dưỡng đều là tính trạng trội. Cá lai cũng hung dữ hơn cá đồng rất nhiều, nên chiếm ưu thế giao phối và sinh sản. Một khi cá lai lọt vào quần thể cá hoang, thì các tính trạng lặn, đặc trưng của cá hoang sẽ dần biến mất. Cùng với sự phát triển của Internet và mạng xã hội trong khoảng hai chục năm gần đây, việc lai tạp với cá Xiêm đã trở nên phổ biến. Phạm vi áp dụng và mức độ lai tạp được thúc đẩy hơn bao giờ hết. Hậu quả là, cá lia thia rặt đã hầu như biến mất ngoài môi trường tự nhiên. Hiện tượng này gắn liền với quá trình định cư và sinh hoạt đá cá của các cộng đồng cư dân trên địa bàn phân bố tự nhiên của những loài lia thia hoang dã.

    Các đặc điểm lai tạp
    Các đặc điểm lai tạp là đa dạng và dễ nhận biết. Hầu hết đều bắt nguồn từ cá Xiêm với mục đích đá độ. Một số từ cá cảnh như phong trào lai cải thiện màu hay dạng vây vốn bắt nguồn và thịnh hành ở Thái Lan. Theo chúng tôi, nếu các bạn nắm hết các đặc điểm được liệt kê dưới đây, thì khái niệm “lai biệt dạng” là không tồn tại. Nói cách khác, chẳng thể lai giống hệt cá rặt một khi cá rặt đúng nghĩa đã gần như biến mất ngoài thực địa!

    Các đặc điểm lai mà chúng tôi ghi nhận ở cá hoang (ruộng, rừng, lung, ao, rạch và suối) bao gồm:

    1. Vai và đầu to: hầu hết cá lai đều có vai (hay lưng) vồng lên rất to; đầu thường to như cá Xiêm, trán bẹp hay võng.

    2. Mõm to, dài và nhọn: khi quan sát cá từ phía trên, bạn sẽ dễ dàng thấy được kích thước miệng và độ dài của nó; còn khi nhìn ngang, bạn sẽ thấy môi và mép dày; đặc biệt mõm nhọn là một đặc điểm tệ hại mà hầu như con nào cũng mắc phải!

    3. Vảy dính: thường nắp mang có một hay hai vạch ánh kim (mang xanh), một khi bị dính thành mảng lớn thì đó là dấu hiệu lai; vùng vảy phía trên vây ngực mà bị dính cũng là dấu hiệu lai.

    4. Vảy lem nhem: đặc điểm này khó quan sát bằng mắt thường, ánh kim không gom gọn thành một đốm mà lem nhem; chứng tỏ ngoài gien đốm vảy, vẫn còn một hay nhiều gien khác tác động lên ánh kim; cũng có thể nó gây ra hiện tượng vảy dính; đây vốn là đặc điểm của một số cá thuần dưỡng.

    5. Đốm vảy lai; chẳng hạn Buriram là một ví dụ điển hình về đốm vảy lai (3); đốm lai (Riri) thường to hơn đốm thuần (riri).

    6. Vây phụng vĩ (to, rộng); vây lưng xếp chồng lên đuôi hoặc thân; vây hậu môn lài, thiếu chóp nhọn kéo dài; đuôi chóp (spadetail). Ngày xưa, lúc mới biết chơi, cá đồng còn bị chê là vây nhỏ, nhất là vây lưng, không được to đẹp như cá cảnh!

    7. Tia vây phân nhánh. Cụ thể, vây lưng phân nhánh nhị cấp (2 tia) trở lên, đuôi phân nhánh tam cấp (4 tia) trở lên. Đây là ảnh hưởng của gien đuôi kép từ betta cảnh. Lỗi này ít gặp trên thực tế bởi hầu hết đều cản với cá Xiêm để đá độ.

    8. Bản rộng, ngắn đòn. Bản phổ biến hiện tại ngắn hơn bản lóc và dài hơn bản rô. Bản lóc dài và tròn ở cá hoang (tỷ lệ rộng/dài = ¼) là tính trạng lặn nên bị đào thải dần trong quá trình lai tạp với cá Xiêm của cư dân bản xứ. Bản lóc ngày nay trở nên cực kỳ hiếm hoi. Bản rô (tỷ lệ rộng/dài = ⅓) cũng hầu như biến mất vì luật trường thay đổi, cá Xiêm bản này không còn lợi thế nữa.

    9. Màu sắc. Màu của cá hoang là green (BlBl++), những màu ánh kim khác với green đều là dấu hiệu lai. Những màu đột biến như opaque (Op) hay vàng (nr) đều là dấu hiệu lai. Sự thiếu vắng của đỏ như ở Alien cũng là dấu hiệu lai (red-loss). Nên nhớ mọi cá hoang đều đỏ ở một mức độ nhất định, Mahachai hầu như rất ít đỏ, chúng ta thấy nền màu nâu.

    10. Màu đỏ trên chóp vây lưng (kỳ son) và vùng bụng (lan qua vây hậu môn) là dấu hiệu lai ở Betta imbellis (mang xanh) và Betta siamorientalis (mang đỏ mun), bởi đây là đặc điểm của cá thuần dưỡng! Đặc điểm này ở mang đỏ sáp (Betta splendens) là bình thường, không phải dấu hiệu lai.

    Cũng cần nói thêm rằng rất nhiều cái-gọi-là cá hoang trên thị trường thật ra là cá lai, “nhái kiểu hoang” chứ không phải cá hoang đích thực! Các cuộc triển lãm cá hoang ở Thái Lan khiến tình hình thêm phần phức tạp, nhất là với người mới chơi chưa có nhiều kinh nghiệm. Trong khi các thể loại lai cải thiện màu như ánh kim (copper, blue...) hay hiện đại (vàng, opaque) đã được công khai thừa nhận là cá lai (hybrid), thì các thể loại lai cải thiện vây dường như vẫn được coi là... cá hoang! Đuôi chóp (spadetail) bắt nguồn từ cá thuần dưỡng đuôi dài (veiltail). Gần như toàn bộ Betta smaragdina ở Thái Lan ngày nay đều có bộ vây phụng vĩ, đấy là ảnh hưởng của Betta cảnh hiện đại. Để so sánh, cá cùng loài ở Lào lại có bộ vây gọn gàng, gần với các đặc điểm hoang dã hơn. Thậm chí, Buriram cũng là một dạng lai mà mọi người còn chưa để ý: lai vảy (3), dẫu tác giả đăng nhiều hình ảnh và địa điểm thu thập cá này ngoài môi trường tự nhiên. Tất cả chúng đều là cá lai, bởi dấu hiệu lai là rõ ràng, và cũng bởi cá rặt đúng nghĩa đã không còn tồn tại! Về khía cạnh này, may thay, vẫn còn những tiếng nói đúng đắn trong làng betta đưa mọi thứ về đúng chỗ của chúng (4).


    Minh họa các đặc điểm lai ở cá hoang.
    (A1) Một con mang xanh có vẻ rất “hoang” nhưng khi phân tích kỹ lại mang nhiều đặc điểm lai. 1- lưng cong, dày; 2- mỏ dài, nhọn; 3- vảy dính ở nắp mang; 4- vảy lem nhem; 6- vây lưng xếp chồng lên đuôi; 8- ngắn đòn hơn bản lóc (tỷ lệ ¼); 9- màu steel (thay vì green).
    (A2) Cận cảnh hiện tượng vảy dính ở nắp mang. (A3) Cận cảnh hiện tượng vảy dính ở phía trên vây ngực. (A4) Cận cảnh vảy lem nhem.
    (B1) Mõm dài và nhọn, dấu hiệu lai phổ biến nhất trong số cá hoang ngày nay.
    (B2) Mõm to dễ dàng được quan sát từ bên trên; đây là cá lai f1 giữa mang xanh và cá Xiêm; chóp vây lưng đỏ (kỳ son) là ảnh hưởng từ cá Xiêm.
    (B3) Đầu to và võng; so với cá bản lóc (tỷ lệ ¼) cùng chiều dài, cá lai sẽ rộng hơn, đầu cá cũng to hơn.
    (B4) Buriram là dạng lai vảy; đốm vảy lai (Riri) sẽ to hơn đốm thuần (riri).
    (B5) Tia vây lưng phân nhánh nhị cấp, dấu hiệu lai với betta cảnh.
    (B6) Kỳ son ở mang xanh là dấu hiệu lai với cá thuần dưỡng.
    (B7) Vây phụng vĩ (và bụng đỏ ở imbellis) là dấu hiệu lai với cá thuần dưỡng.

    Đi tìm cá rặt
    Vào năm 2012, một nhóm các nhà khoa học Thái Lan mô tả một loài mới ở miền nam, giáp biên giới với Cambodia, tên là Betta siamorientalis (5). Trong tài liệu của mình, họ đề cập tới những cá thể cùng loài được Frank Schäfer sưu tầm từ Việt Nam vào 2009 dưới tên “Vietnam black”, tức lia thia mang đỏ hay lia thia mun (6). Theo nhóm tác giả Thái “dân làng nói rằng cá vẫn tồn tại ở đấy từ thời cha ông của họ và không được dùng để đá độ bởi vì chúng hiền lành”. Kết quả phân tích gien cho thấy chúng không bị lai tạp. Như vậy, hình ảnh về cá mang đỏ trích dẫn từ hai nguồn này là đáng tin cậy, mà chúng tôi sẽ áp dụng vào mô tả về đặc điểm hình thái của cá rặt.


    (A1, A2, A3) Mang đỏ Betta siamorientalis; (B1) Betta stiktos; (B2) mang xanh Betta imbellis.
    Ảnh: (A1, B2) Frank Schäfer; (A2, A3) Kowasupat et. al; (B1) Minh Trí Kiệt.

    Các đặc điểm hình thái của cá lia thia mun (Betta siamorientalis) gồm: bản lóc với tỷ lệ rộng/dài là ¼; đầu thuôn (mà tiêu chuẩn của IBC gọi là đầu đạn – bullet-shaped head); lưng cong nhẹ; miệng nhỏ, tù; vây nhỏ, nhất là vây lưng; hai vạch nắp mang màu đỏ; nền rất đen; vảy ánh kim trên thân rất ít.

    Cá lia thia mang xanh (Betta imbellis) về tổng thể rất giống với mang đỏ bởi có cùng nền đen, ngoại trừ vài khác biệt: vạch nắp mang xanh; đốm ánh kim trên thân, đầu tròn (mà tiêu chuẩn của IBC gọi là oval/round-shaped head).

    Trước đây, tất cả lia thia mang đỏ ở Việt Nam đều được coi là Betta splendens. Kể từ 2012, tên khoa học của lia thia mang đỏ được điều chỉnh thành Betta siamorientalis (việc điều chỉnh này vốn xuất phát từ người chơi cá chứ không bắt nguồn từ bất kỳ cuộc khảo sát mang tính khoa học nào cả). Gần đây, có nhiều thông tin về các quần thể Betta splendens được phát hiện ở Cambodia, thậm chí ở Kampot, khu vực sát biên giới với Việt Nam (7). Có khả năng, vẫn có vài quần thể Betta splendens tồn tại ở Việt Nam chăng? Khi quan sát một số lia thia sáp Đồng Tháp, chúng tôi nhận thấy chúng có nền đỏ (thay vì đen), đặc điểm nhận dạng đặc trưng của Betta splendens. Đây cũng có thể là đặc điểm lai từ betta thuần dưỡng. Nhưng nếu chúng là cá rặt, mô tả về lia thia sáp (Betta splendens) sẽ như sau: đầu thuôn (bullet-shaped head); hai vạch nắp mang màu đỏ; nền đỏ, bụng và chóp vây lưng đỏ; vảy ánh kim trên lưng, bụng rất ít hoặc không có.

    Cá rặt ngày nay là của hiếm, chúng cần được sưu tầm, lưu giữ và bảo tồn dẫu việc này khá khó khăn. Bằng không, một khi thế hệ những người từng được tận mắt chứng kiến cá rặt mất đi, thì toàn bộ thông tin về chúng cũng mất theo. Đáng buồn thay, thế giới khi ấy sẽ được mô tả qua lăng kính của các sư phụ lia thia chứ không phải như nó vốn vậy và lẽ ra phải vậy (thực ra các thầy cũng lên lão làng cả rùi, chắc phải đến hai mươi mấy tuổi lận...) Theo dự đoán, các quần thể hoang dã còn mang các đặc điểm hình thái gốc có lẽ chỉ tồn tại ở những vùng biệt lập, chẳng hạn những khu bảo tồn, hay các vùng dân cư mà hoạt động đá cá lia thia diễn ra không nhiều và nghiêm trọng. Hy vọng vẫn chưa quá muộn...

    Cá rặt mang vẻ đẹp bình dị và hoang sơ, chúng lại khá nhút nhát và hiền hòa nên theo kinh nghiệm của chúng tôi, chúng phù hợp để nuôi bầy trong các hồ cộng đồng, nếu bố trí địa hình và số lượng trống phù hợp. Việc tranh chấp lãnh thổ, va chạm hay de mái đương nhiên sẽ xảy ra, nhưng không quá khốc liệt. Khi ấy, chúng sẽ phô bày hết vẻ đẹp của mình và bạn sẽ được chiêu đãi một bữa tiệc thị giác mãn nhãn...

    Ghi chú
    (1) Về Sóc Trăng bắt cá lia thia đồng 2 - http://www.diendancacanh.com/threads/714/
    (2) Thú chơi cá “thia thia” (Vương Hồng Sển) - http://www.diendancacanh.com/threads/378/
    (3) Buriram một ví dụ về gien đốm vảy - http://www.diendancacanh.com/threads/485272/
    (4) Wildtypes and Hybrids (Wan Junior)
    (5) Betta siamorientalis - https://www.aquariumglaser.de/en/fish-archives/betta_siamorientalis_en/
    (6) Betta siamorientalis, a new species of bubble-nest building fighting fish (Teleostei: Osphronemidae) from eastern Thailand (Kowasupat, Panijpan, Ruenwongsa & Jeenthong, 2012)
    (7) Splendens complex map in Cambodia


    ========================


    Dạng Thân Betta: Hình Thái Và Dị Tật
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/8/22

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội