Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Lắp cựa - Chiến thuật đá trường (R. A. McIntyre)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 11/4/12.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cựa sắt
    R. A. McIntyre - Trích "The Game Fowl: Its Origin and History" (1906)

    Để chiến thắng ngoài trường đấu, sư kê phải trang bị cho gà nhà loại vũ khí thích hợp. Thật lố bịch khi chính phủ tiêu tốn hàng triệu đô la để huấn luyện binh lính nhưng lại đưa họ ra trận bằng loại súng hỏa mai cũ. Loại cựa ngắn không đem lại mấy khác biệt; nhưng với cựa dài, cựa tốt với gà phở sẽ thắng cựa dỏm với chiến kê hàng đầu.

    Không có gì ngạc nhiên khi các sư kê từ thuở khai thiên lập địa, chịu chi hàng đống tiền cho những loại cựa tốt; nhưng ngày nay việc sở hữu một cặp cựa hàng đầu không còn là điều quá khó như trước đây. Tuy nhiên, một khi tay lắp cựa tìm được thứ gì vừa ý qua thực tế đá trường, anh ta sẽ ngừng thử nghiệm.

    Khỏi cần phải hỏi, nước Mỹ dẫn đầu thế giới về chế tạo cựa sắt (gaff). Một số những nhà chế tạo cựa vượt trội và bằng sự trung thực đến mức chuyên nghiệp, giành được sự tin cậy trên toàn thế giới. Nổi bật trong số những người này là cựu binh W. J. Helwig ở North Carolina, người không ai sánh nổi về thể loại cựa New York chuẩn (1 ¼ inch); và Geo. Huff ở Kentucky, mà loại cựa dài do ông chế tạo là hoàn hảo nhất so với bất cứ đâu. Ở trang sau, các bạn sẽ thấy hình ảnh loại cựa chuẩn New York được cột bởi các chuyên gia khéo léo ở York và Jersey; và loại cựa được sử dụng theo luật miền Nam hay luật Turner, được cột bởi các sư kê hàng đầu ở miền Nam. Đây là những hình ảnh trưng bày cựa trong danh mục hàng của công ty “The Gleezen Supply Co.” ở Lawrence, Massachusetts, mà ông chủ là nhà sáng lập Hiệp hội Sư kê Quốc gia (National Cockers’ Association), H. B. Gleezen, người thường được biết dưới tên “Dad” Gleezen [chỉ có mỗi một hình, có lẽ do sai sót khi biên tập]. Công ty này chứng tỏ sự phát triển vượt bậc của bộ môn chọi gà ở Mỹ; nhu cầu về phụ kiện gà chọi trở nên rất lớn trong thời gian gần đây, nên nhiều người quan tâm đến việc đáp ứng toàn bộ nhu cầu của các sư kê từ thuốc tẩy giun nĩa (gape) cho đến cựa sắt.

    [​IMG]

    Có hai điều – cựa tốt và lắp cựa đúng cách – hết sức cần thiết để thành công trong trường đấu. Sẽ không an toàn nếu làm cựa bằng loại thép mà vỏ quá cứng hoặc quá mềm. Loại đầu dễ gãy khiến gà nhà trở thành tấm bia cho gà địch đâm chém; trong khi loại sau dễ bị vẹo trong khi thi đấu và gà có thể tự đâm chính mình. Loại thép chất lượng nhất để làm cựa có thể chịu được áp lực lớn trước khi đâm vào, nhưng nếu lực quá mạnh thì chỉ cong chứ không gãy [tức đàn hồi, trở lại hình dạng cũ]. Một số nhà chế tạo cựa tập trung vào loại thép quá cứng một cách có chủ đích. Tôi từng thấy hai cặp cựa của cùng một nhà chế tạo bị gãy trong một cuộc đụng độ nhỏ. Cựa nên càng nhẹ càng tốt xét trong cùng kích thước. Hầu như tất cả các nhà chế tạo cựa ngày nay pha quá nhiều kim loại vào đế. Cũng không khó để tưởng tượng ra sự nặng nề và cồng kềnh của cặp cựa 2 ¾ inch trong một trận đấu kéo dài, đối với một chiến kê bị thương và kiệt sức. Tôi không hề do dự khi nói rằng cựa loe là tốt nhất (“skeleton”, tức loại đế miệng rộng và có khoen nhỏ thay vì đế chụp nặng nề). Nhưng loại cựa như vậy phải được cột đúng cách bởi các tay lắp cựa chuyên nghiệp, mà người mới chơi không nên dùng. Một cựa loe chất lượng có thể được cột bằng cách chêm và đệm theo bất kỳ vị trí nào mà tay lắp cựa muốn, điều vốn không thể làm được với loại đế ống (gas-pipe).

    Những loại cựa phổ biến nhất bao gồm: (1) Cựa chuẩn New York 1 ¼ inch, mà gọng to và thô – loại cựa khắt khe nhất hiện đang sử dụng. (2) Cựa 1 ½ inch theo luật Maryland mà nó chỉ khác với cựa New York ở chỗ dài hơn ¼ inch. (3) Cựa võng Cincinnati với đủ loại kích thước, phần dưới của đế cựa võng xuống khiến gọng gần chạm vào ngón thới. (4) Cựa bán võng, gọng cựa võng xuống thấp hơn so với loại cựa chuẩn, nhưng không võng bằng (5) Cựa toàn võng, loại cựa mà khi cột, gọng cựa gần như chạm vào ngón thới. (6) Cựa Singleton, trên thực tế là loại “bán võng” bởi gọng cựa võng gần đế rồi cong dần đến độ cao nhất định. Nhưng sách này không có mục đích bàn sâu về hình dạng cựa. Độc giả tò mò có thể tìm thấy tất cả những gì mà mình quan tâm trong danh mục có minh họa của các nhà chế tạo cựa trên các tạp chí như “Grit and Steel”, xuất bản tại Gaffney, South Carolina, “Game Fowl Monthly”, xuất bản tại Sayre, Pennsylvania, “Southern Pit Games”, xuất bản tại Blakely, Georgia và những tờ khác.

    Việc lựa chọn cựa hoàn toàn phụ thuộc vào kinh nghiệm của sư kê và khả năng chọn ra loại cựa phù hợp với lối đá của gà nhà. Về vấn đề này, tôi không tin rằng cựa “toàn võng” là loại thích hợp cho loại gà cán dài (shanky) và tôi thích dùng chúng cho loại gà cán ngắn. Có một thực tế như sau: gà cán dài sẽ có vết máu ở phía trên cựa sau một trận đấu dài; ngược lại gà cán ngắn sẽ có vết máu trên cựa tự nhiên và gần ngón chân [vết máu (bloody) là điểm va chạm vào người đối thủ khi đá, nhìn vết máu để biết gà đá bằng phần nào của cán]. Bất kỳ nhà lai tạo nào cũng nhận thấy điều này khi quan sát đám gà tơ đá lộn trước khi chúng được tách bầy. Xạ thủ phải tỳ súng vào vai, bởi vậy cựa phải được cột sao cho mũi hướng ra từ điểm va chạm với đối thủ trên cán. Nếu độc giả quan sát kỹ, bạn sẽ thấy một điều rằng trong những trận chiến máu me xảy ra trên sân nhà, những con gà tơ dáng thật cao thường có vết máu nhiều nhất ngay bên dưới gối, và không có dấu hiệu va chạm ở phần phía dưới cựa với cổ và đầu của những con gà tơ khác. Điều này rất có ý nghĩa đối với một tay lắp cựa có đầu óc.

    Còn một điều nữa: Hãy tránh tất cả những loại cựa sắt bất thường. Hình dạng chung của cựa tự nhiên ẩn chứa sự nguy hiểm trời ban; và có một sự kiện mà ai cũng biết rằng, mặc dù cựa tự nhiên của gà khá cùn và khó đâm sâu quá mũi cựa, nhưng người Tây Ban Nha vẫn đá giống gà nhỏ con bằng cựa xương với tất cả những đòn lối nghệ thuật như dạt (sid-stepping) và chạy xe (wheeling), tử vong vẫn xảy ra trong vòng vài giây. Những người Tây Ban Nha hay lui tới các trường đấu vùng cực Nam từ vài năm nay vẫn sẵn sàng cáp những con gà 3 ½ pound (1.59 kg) đá cựa xương với những con gà Mỹ to nhất gắn cựa sắt (gaff), nếu được chấp kèo. Trên thực tế, một số vùng ở Scotland và Bỉ hiện tại đang đá cựa xương, các trận đấu cũng chẳng dài hơn so với đá cựa sắt ở Anh và ở đây [Mỹ] xét cùng độ dài cựa. Do vậy, mẹ tự nhiên biết mình đang làm gì khi gắn cựa lên chân con gà, và bà cũng biết đâu là hình dạng cựa hiệu quả nhất.

    Thỉnh thoảng vẫn có tranh cãi rằng cựa nào cũng hiệu quả như nhau; đây là ý kiến ngốc nghếch. Gà cực hay gắn cựa 1 ¼ inch vẫn có thể hạ gục gà phở gắn cựa 2 ½ inch, nhưng nếu mọi yếu tố là như nhau thì lợi thế nghiêng về phía cựa dài với kèo 3 ăn 1.
     
    Chỉnh sửa cuối: 16/11/13
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Lắp cựa
    R. A. McIntyre - Trích "The Game Fowl: Its Origin and History" (1906)

    Với một chút thực hành, việc lắp cựa không quá khó đối với loại cựa ngắn. Người nhiệt tình chỉ cần tự tin và kiểm tra một vài điểm quan trọng, và gà do bạn lắp cựa cũng đạt như bất kỳ ai.

    Thứ nhất. Chỉ cột, hay chỉ sáp (wax-end) để cột cựa phải được làm từ loại chỉ lanh khâu giày tốt nhất, có tối thiểu bốn lõi, se với nhau và được tráng bằng loại sáp ong tốt nhất. Chỉ sáp không được quá to hoặc quá nhỏ - không bao giờ vượt quá sáu lõi. Chỉ dài khoảng 2.5 foot (76 cm), được cắt sẵn trước trận đấu và đủ dùng trong trường hợp khẩn cấp.

    Thứ nhì. “Đệm” (packing) là cần thiết để cựa sắt gắn chặt vào chân. Những chất liệu thường dùng bao gồm: giấy ẩm, vốn bắt buộc theo luật Philadelphia; da dê tơ (kid), dùng chung cho tất cả các luật. Da dê tơ được cắt ra từ một găng tay cũ thành những sợi có chiều dài khác nhau và rộng khoảng ¼ inch (0.6 cm) hay hơn kém chút đỉnh; da dê (chamois) vốn dày và mềm hơn da dê tơ và có nhiều ưu điểm hơn. Nó có thể được cắt thành sợi như da dê tơ, và một vài long đền (washer), để tròng vào cựa xương và vuốt đè lên cẳng gà. Tôi buộc phải tin rằng việc dùng da dê giúp gà thoải mái hơn nhiều và vừa khít. Da dê có thể kết hợp với giấy và da dê tơ.

    Thứ ba. Những thứ ở trên, cùng với cựa sắt, kéo và dao mũi nhọn để cắt gỡ cựa sau trận đấu, là đủ cho cái gọi là “đồ nghề sư kê”. Bộ đồ nghề phải được giữ một cách ngăn nắp để phòng tránh mất mát và nhầm lẫn.

    Thứ tư. “Cắt” hay “tỉa lông”. Đây là phương pháp cắt tỉa trước trận đấu. Gà phải được ôm nhẹ nhàng nhưng chắc chắn để tránh chòi đạp và vỗ cánh, và lông ở dưới bụng và hông gần như bị cắt trụi đến da. Rồi nhấc chóp cánh lên khỏi gốc đuôi và cắt lớp lông dày trên đùi. Rồi tỉa sạch lông hai bên đùi. Lật ngửa gà lên rồi tỉa mặt bên trong theo cách tương tự. Bồng gà trên lòng bàn tay – nếu có thể hãy nhờ một phụ tá – rồi đặt kéo bên dưới lông mã, bắt đầu từ gốc đuôi, cắt xuôi về phía đầu. Cắt tương tự với mặt bên kia, rồi tỉa hết lông tơ hay lông mềm xung quanh đít. Nếu đuôi gà đầy đủ, cắt bỏ toàn bộ lông phụng sát đến da. Đẩy quạt đuôi tới trước và cắt toàn bộ lông mềm bên dưới. Rồi giữ quạt đuôi bằng tay trái và cắt bớt, chỉ chừa vừa đủ để làm điểm tựa cho gà khi nó bị té lùi ra sau, và trông ra dáng gà xuất trường. Nếu đuôi gà lưa thưa thì để lại toàn bộ. Kế tiếp, dùng tay trái kéo dang cánh hay nhờ trợ lý làm hộ; bằng tay phải nếu tỉa cánh bên trái; bằng tay trái nếu tỉa cánh bên phải. Bắt đầu từ những lông bay ngắn, cứng, cắt chúng thật ngắn. Giữ từng cọng lông bay sơ (primary) giữa các ngón tay, và cắt, không phải cắt ngang mà cắt xéo, sao cho chóp lông hướng về phía ngực người cắt. Không cần cắt tỉa gì nhiều nếu cánh gà quá ngắn, nhưng gà cánh dài, rậm rạp nên được cắt tỉa sao cho phần chóp của các lông bay sau khi cắt tỉa phải thẳng hàng với phao câu. Sau khi cắt hết lông bay sơ, tách riêng lông bay thứ (secondary) và cắt hết bằng một nhát kéo cho bằng với lông bay sơ. Đến đây việc cắt tỉa xem như đã hoàn tất đối với luật trường miền Nam và miền Tây nhưng chưa đủ với luật New York, Maryland và Philadelphia. Theo những luật này, việc cắt tỉa chi được coi là hoàn tất sau khi luồn tay sát dưới lông bờm (shawl) ở vai, vòng ngón trỏ và ngón cái xung quanh cổ. Từ vị trí này, đẩy toàn bộ lông bờm về phía đầu, như thể gà đang xù lông giận dữ và chuẩn bị lao vào gà địch. Kề kéo vào sát da cổ bên họng trái và bằng một nhát cắt dứt khoát và đều, xoay một vòng xung quanh cổ, càng sát với tay càng tốt. Chỉ còn lại một ít lông mã. Tỉa lại cho gọn rồi tỉa hết lông mềm trên đầu và mặt. Với gà râu hay mào, cắt sạch đám lông làm đỏm này và rồi gà đã tươm tất để đá.

    Lưu ý – Phòng gà phải bố trí thùng gỗ để đặt gà trong khi cắt tỉa, và đựng lông cho khỏi rơi vãi.

    Thứ năm. “Bồng gà” là cả một nghệ thuật. Trợ lý phải ngồi trên ghế đẩu hoặc ghế không tay vịn đối diện với tay lắp cựa. Áp gà nhẹ nhàng vào người, nếu cựa trái được cột, áp gà vào người bằng tay trái, với đầu gà về bên trái và lưng xoay về phía trợ lý, chân bên phải được giữ chặt giữa các ngón của tay trái; với tay phải kéo dãn chân trái gần như thẳng, giữ chặt nhưng nhẹ nhàng ở ngang tầm chân gà, ngón cái cũng ở tầm tương tự, tỳ ngay trên cựa. Trợ lý có thể tỳ tay lên đầu gối nhằm giữ tư thế ổn định hơn. Khi người lắp cựa quấn đệm xung quanh gốc cựa xương để giúp đế cựa sắt vừa khít với cựa xương, trợ lý phải rà ngón cái lên và đè giữ một đầu dây cho đến khi người lắp cựa hoàn tất công việc. Trợ lý cũng phải tỳ đầu ngón cái lên nút thắt thứ nhất trong khi cột cựa bằng chỉ sáp cho đến khi người lắp cựa cột thêm nút nữa. Khi cựa trái được cột xong, trợ lý nên để gà nghỉ ngơi vài giây bằng cách thả nó đi lại và thư dãn. Rồi bồng gà bằng tay phải, đầu hướng về bên phải, trợ lý phải giữ gà nhẹ nhàng nhưng chắc chắn với phần lưng áp vào người như trước đây, giữ chặt chân vừa lắp cựa như hướng dẫn ở trên, nhưng giữa các ngón của bàn tay phải, kéo dãn chân phải của gà bằng tay trái, và hỗ trợ người lắp cựa bằng cách dùng đầu ngón cái đè giữ đầu dây đệm và chỉ sáp như hướng dẫn ở trên. Sau khi lắp cựa xong, trợ lý lại thả cho gà đi lại như trước đó, rồi trao gà cho tay lắp cựa, người đến lượt mình lại trao gà cho nài. Nguyên tắc chung là giữ gà chặt, nhẹ nhàng, chắc chắn và thuận tiện cho người lắp cựa.

    Thứ sáu. Lắp hay cột cựa đòi hỏi tinh mắt và đều tay. Tay lắp cựa nhiệt tình nhưng non kinh nghiệm cần sự hỗ trợ ở những điểm nhất định vốn thường bị bỏ sót. Giả sử bạn có một cặp cựa được chế tạo và gắn đai da (leather) phù hợp. Điều này là sự thực, hình dạng của đế cựa và đai da cần được kiểm tra một cách kỹ lưỡng. Ngồi trên ghế đối diện với trợ lý, người kéo dãn chân trái của gà như chỉ dẫn ở trên, tay lắp cựa “đệm” xung quanh gốc cựa xương sao cho đế cựa sắt bó sát vào chân gà; lấy một sợi da dê tơ dài (nếu dùng da dê tơ), quấn trùm các sợi da dê tơ ẩm lên đầu gốc cựa xương cho đến khi vừa khít với đế cựa sắt, nhớ kéo đầu dây da xuống trễ dưới chân để ấn giữ trong khi cựa được tròng lên đệm. Dây đệm thường được làm ẩm bằng cách rê qua miệng. Không được để phần đệm quá ẩm hay quá khô nếu muốn công việc được hoàn tất. Khi đệm xong, lấy cựa trái, mũi hướng về phía mặt, đồng thời giữ đai da giữa các ngón của cả hai tay, các ngón cái đặt gần đế; ấn cựa vào mà không được xoay, bằng không gốc cựa có thể bị trầy, khiến gà đau đớn một cách không cần thiết. Bây giờ, nhớ đệm phía trên hoặc phía dưới đế cựa nhằm hạ hay nâng mũi cựa đến vị trí phù hợp. Nếu cần nâng mũi cựa lên, đệm phía dưới cựa; nếu mũi cựa quá cao, đệm nhiều hơn phía trên cựa. Nhưng đừng quên nếu luật yêu cầu lắp cựa phẳng trên cán, thì không được phép đệm gì ngoài những thứ bắt buộc phải có. Càng đệm nhiều giữa chân và đế cựa thì cựa càng dài; đấy là những gì vẫn diễn ra, đại loại cựa 1 ¼ inch trên thực tế kéo dài đến 1 ½ inch. Đây là lợi thế rất lớn so với cách lắp cựa phẳng trên cán, và trừ phi luật trường được sửa đổi, bằng không việc thắng độ bằng cách đệm cựa quá nhiều sẽ bị coi là ăn gian. Nhưng nhìn chung, phía trên đế cựa cần đệm nhiều hơn bởi sẽ cực kỳ nguy hiểm nếu chỉnh mũi cựa quá cao. Nếu cựa được chế tạo phù hợp, thì rất dễ để xác định chính xác độ cao mũi cựa nhờ mức đế cựa; nghĩa là cựa sắt phải nằm trên chân như thể được gắn vuông góc với ngón trỏ của bàn tay người. Một cách thử khác: Mũi cựa ở độ cao phù hợp khi cựa được gắn lên một tay đòn vuông góc, mà nó tròng khít vào đế cựa. Cách này dùng để gắn thử nghiệm. Nó cũng được áp dụng để thử nghiệm sản phẩm của nhà chế tạo cựa. Do đó, khi áp dụng thực tế, phải chèn đệm cho đến khi đạt được vị trí tương đương của mũi cựa trên chân gà [nghĩa là nhà chế tạo đã tính trước độ cao mũi cựa chuẩn, khi lắp trên chân gà cần chỉnh đến đúng độ cao đó]. Áp dụng nguyên tắc tương tự cho cả mặt trước lẫn mặt sau, và cựa phải được cột sao cho đai da được quấn thẳng quanh chân, không được xéo. Đây là cách thử cựa khác nữa. Nếu đai da không đạt, phải quấn xéo để chỉnh mũi cựa. Nhưng một bí quyết không kém phần quan trọng trong việc lắp cựa là vị trí của mũi cựa so với sợi gân chân (leader). Bằng việc kéo ngón thới, sợi gân chân nổi lên gần gối, về phía trong chân. Phần lớn chuyên gia lắp cựa ngắn đều chuộng cách hướng một bên mũi cựa theo mép trong của sợi gân chân, mũi bên kia hướng theo mép ngoài. Gà được chỉnh cựa bên trong sợi gân được gọi là “lắp gai”. Khi gà đuối sức chúng hầu như tự đâm chính mình khi lắp gai, mặc dù lúc còn sung thì không có chuyện này. Khi lắp cựa dài, một số tay lắp cựa vẫn áp dụng theo cách này, nhưng nhiều tay lắp cựa giỏi nhất ở miền Nam ngày nay lắp cựa “ngay” hơn nhiều, xa về phía sau khi cả hai mũi cựa đều chệch hẳn ra ngoài viền chân. Một cựu sư kê ở South Carolina, người đá gà giữa hai thành phố, từng nói điều này với những người bạn trẻ “Nào các bạn, hãy hướng một cựa về Greenville còn cựa kia về Columbia”. Khi gà đá chặn (clipping), đá chân rời (single-striking) và dội bom (sparring), hiển nhiên cựa dài lắp gai là tốt nhất; nhưng khi đá khai cuộc (mix-up), đá thân ồ ạt và đá lùa, dĩ nhiên “lắp rộng” là hợp lý như lời khuyên của vị cựu sư kê này. Theo cách tương tự, dòng gà nạp lùa cần phải lắp cựa ngay [về thới] trong khi dòng gà bay cao, dội bom, đá chân rời tốt nhất nên lắp gai. Tuy nhiên, bất kỳ con nào lắp gai cũng chịu rủi ro khi tự đâm chính mình. Một số chuộng lắp chân trái gai, số khác lại chuộng chân phải. Tôi chẳng thấy có sự khác biệt nào, dẫu các tay đá gà Mễ tin sái cổ rằng gà đá cựa dao hạ thủ bằng chân trái. Một khi mũi cựa đã được chỉnh và cựa đã lắp xong, quấn các đầu đai da xung quanh chân sao cho chặt và đều, chồng lên nhau sao cho vạt ngoài hướng về mặt bên nếu được. Người phụ tá ấn đè ngón tay lên đầu đai da, người lắp cựa lấy chỉ sáp, áp vào chỗ đai da ngay bên dưới gọng cựa, càng gần càng tốt, giữ cho hai đầu sợi chỉ bằng nhau. Rồi anh quấn quanh và vòng về, kéo chỉ vừa đủ chặt để giữ mũi cựa đúng vị trí nơi nó được điều chỉnh từ trước. Rồi anh cột nút bằng cách luồn đầu chỉ qua vòng quấn hai lần thay vì một. Bây giờ hai đầu sợi chỉ bao xung quanh đế cựa bên trên gốc cựa xương, tại đó cột một nốt chặt, nằm chính xác ngay trên cựa xương, khi hai đầu chỉ được vòng ngược ra sau chân, nơi chúng được kéo căng nhưng không quá chặt, rồi cột một nút chặt như lần trước. Khi lắp cựa, tất cả các nút đều phải cột chặt. Cắt bỏ các đầu chỉ thừa, nhưng không được quá sát. Ép chúng nằm xuống bằng đầu ngón cái. Kéo ngón thới để xem sợi gân có cử động thoải mái hay không, rồi kéo các ngón chân, sau đó cho gà đứng trên hai chân. Nghe nói nút cột bên trên gốc cựa xương phải cực kỳ cẩn thận, không được thắt quá chặt. Đây là lối cột nguy hiểm và có thể khiến gà bị đơ (cramp). Chín trong mười người lắp cựa mà tôi thấy đều thắt sợi chỉ quá chặt, và tôi cũng thấy nhiều chiến kê xuất sắc bị hạ sát chỉ vì hành động ngu ngốc này. Cột chỉ đủ chặt nhưng không chặt quá mức cần thiết khiến chân gà bị ảnh hưởng, dẫu là phía trên hay phía dưới cựa, nhưng luôn cột phía dưới trước. Đây là cách cột chỉ sáp an toàn và hợp lý nhưng không nhất thiết là cách duy nhất. Qua nghiên cứu hình ảnh ở trang khác, bạn có thể thấy rằng chỉ không quấn xung quanh đế cựa như hướng dẫn ở đây. Một số sư kê giỏi chuộng cách cột như trong hình, nhưng tôi vẫn thích cách mà tôi vừa mô tả [đây là lỗi biên tập, sách chẳng có hình ảnh nào như tác giả đề cập]. Mà với nó tôi thu được kết quả tốt nhất. Kế đó, bồng gà lên và thả xuống hai hay ba lần, giữ đuôi gà, rồi dùng miệng mút sạch mặt gà, sau đó cho nó mổ hai hay ba miếng táo, đem gà đến bên sới và trao cho nài. Đến đây là hết trách nhiệm của “người lắp cựa” và “phụ tá”. Tuy nhiên, người lắp cựa vẫn phải có mặt ở đó để chăm sóc gà sau mỗi trận đấu, cắt gỡ cựa và thả vào lồng nếu gà còn sống, bởi người lắp cựu chịu trách nhiệm về những gì liên quan đến cựa trong toàn bộ quá trình đá giải.

    ==========================

    *McIntyre bàn về lối đá như sau: “Cần hết sức quan tâm về lối đá. Một số chiến kê bỏ đá sau một vài chân để hụp và cố bảo vệ đầu. Nếu gà địch có kích thước tương đương thì điều này là không ổn, và có lẽ nằm ở bản năng tự nhiên của nó, và trường hợp nào cũng đều vô dụng, hoặc nó có thể từng bị nhốt chung với đám gà tây. Một chiến kê “giơ đầu chịu báng” như vậy không phù hợp để đá trường. Nên nhớ rằng không chỉ riêng mình bạn đặt cược vào nó ngoài trường đấu. Niềm tin và tiền bạc của các chiến hữu có thể bị uổng phí. Một con “đá hụp” (ducker) chánh hiệu thì vô dụng trong mọi trường hợp, nhưng một chiến kê hàng đỉnh sẽ đá theo lối đó nếu phải đương đầu với đám gà tây. Chúng cũng “giơ đầu chịu báng” khi không thể thoát khỏi cú nắm lông (bill hold) của gà địch để “trả đòn”.

    “chạy xe” (wheeler) là con mà khi xuống sức bỏ chạy ra xa như thể gà rót, nhưng sẽ quay lại đá nếu địch thủ chùng xuống. Chúng thường làm tiêu hao sức lực gà địch và giành chiến thắng; mặc dù một trong những trọng tài giỏi nhất nước nói với tôi rằng ông chưa từng thấy con nào thua độ, nhưng tôi vẫn không cản gà có máu chạy xe. Đừng quên rằng khi vừa thắng trận chúng vẫn chạy xe theo thói quen. Đây là cách nghi binh (ruse de guerre) có chủ đích: một con Redhorse nhỏ quyết định một cuộc đụng độ (main) ở Philadelphia vào mùa đông năm 1899 bằng lối đá chạy xe trước một con gà bướm to khỏe. Nó làm con gà bướm mất sức và hạ sát. Những người Tây Ban Nha thường xuyên tham dự các trường đấu ở New Orleans vào năm 1885, tạo ra đám gà được huấn luyện lối đá chạy xe. Họ đá những con chạng nhỏ 3-8 (1.59 kg) bằng cựa xương với gà gắn cựa sắt bất kể chạng nào. Đám gà nhỏ chết tiệt chạy nhanh hơn và cứ dập dình mãi cho đến khi những con gà to xác hoàn toàn kiệt sức rồi mới quay trở lại và hạ thủ chúng.

    nạp lùa (shuffler) là con ra chân ồ ạt với mục đích đâm vào thân đối thủ. Gà nạp lùa đá liên tục nhờ vỗ cánh dữ dội. Những con này cực kỳ nguy hiểm trong khi khai trận (mix-up) với cựa dài, nhưng nếu đá cựa ngắn chúng sẽ nắm đến 75% nguy cơ bại trận nếu mọi yếu tố khác là như nhau, bởi vì với cựa ngắn, gà cần đá cao chân và đả thương vào đầu và cổ. Tuy nhiên, sẽ là sai lầm nếu nói rằng thể loại cựa ngắn không cần đâm vào thân. Ở cựa ngắn, một chiến kê xuất sắc sẵn sàng đá một cú chí mạng vào bất cứ đâu. Chẳng hạn, cú đâm lưng là đặc biệt nguy hiểm, và tôi từng thấy tang khò (rattle) nặng gây ra bởi cựa 1 ¼ inch, trong khi tang nằm (couple) là thường xuyên. Do đó gà nạp lùa đơn thuần chỉ có thể thắng trận trong thể loại cựa dài.

    dội bom (sparrer) là con bay cao và không màng đến việc nắm lông trong nhiều lượt đá. Chúng thường hạ gà chạy xe trong sự ngạc nhiên và thắng bằng đòn “móc” (hooking) vào địch thủ. Sau một vài lượt đá, chúng không còn lợi thế về lối đá này nữa, bởi chúng luôn dịu xuống rồi đá lối bình thường.

    đá lông (buckler) là chiến kê tao nhã với mọi thể loại cựa. Những con này đá với đôi mắt mở to [rình rập] và thường tiếp cận đủ gần để nắm lông rồi từ đó mới tung ra một loạt cú đá dữ dội. Chúng là loại kết hợp với nạp lùadội bom [tức khai cuộc đá lùa hoặc dội bom, hậu cuộc chuyển sang đá lông].

    cận chiến (infighter), với đôi chân nhanh nhạy và linh hoạt, vốn là lối đá hay nhất theo các tay cựu trào. Nó dứt khoát trong mọi chuyển động, khéo léo và không thể ngăn cản. Nó sẽ lấn lướt gà nạp lùa, cũng như đè bẹp gà dội bom và làm gỏi luôn. Không cách chi có thể chống cự lại nó. Loại gà này rất hiếm nhưng tôi chưa hề thấy con nào bị trầy xước dù ở thể loại cựa ngắn lẫn cựa dài, và các trận đấu luôn ngắn ngủi. Tất cả những con mà tôi thấy đều là gà dáng trung bình. Chúng đáng giá bằng cả gia tài của bạn. Trong nỗ lực mô tả loại gà này, chúng được gọi bằng những cái tên như “lưỡi cưa” (jig saw), “đĩa cưa” (buzz saw) và “lốc xoáy) (cyclone) nhưng không cái nào diễn tả hết ý nghĩa ngoại trừ chính bản thân con gà. Chúng kết hợp mọi tinh túy của các lối nạp lùa, dội bom và đá lông nhưng với nội lực và sự mạnh bạo phi thường.

    Dẫu gà bạn đá hay cỡ nào, nó có thể phản bội đẳng cấp của mình trong trường hợp cần chứng tỏ điều gì khác ngoài lối đá – nó phải là một “chiến binh” không ngừng nghỉ. Đó là khi cả hai bên đều xuống sức và bị tang thảm hại, hai mắt mù và trận đấu đã kéo dài đến hai giờ, mà gà bạn vẫn luôn “nắm quyền đếm”; tức nó phải là con đá chân cuối. Các trường đấu ở New York là những nơi thích hợp để kiểm chứng phẩm chất mô tả ở trên. Luật New York rất khắc nghiệt. Cựa lớn và cùn, và nài không được phép sửa, túc hay làm bất kỳ điều gì để khiến gà chịu mổ. Đếm cũng tương đối nhanh và nếu gà bạn không nỗ lực liên tục thì nó hầu như sẽ thua. Một chiến kê trong điều kiện khó khăn hầu như luôn chiến thắng gà phở trong điều kiện tối ưu. Tôi từng thấy những con chiến thắng sau khi cả hai mắt bị mù trong một giờ, đá dữ dội theo hướng âm thanh phát ra từ bước chân trên lớp vỏ dà (tan). Một lần, tôi thấy con trống tơ Redhorse mù hai mắt bay ngang qua sới khi phát hiện âm thanh của nài địch [nguyên văn “opposite pitter’s voice”: con này nghe được tiếng người, rồi lại nhận biết được tiếng nài địch trong vô vàn âm thanh hàng xáo, rồi nó đá gà chớ không đá người, vậy nên nó là “linh kê”]. Không thứ gì trên trái đất có thể hạ nổi loại gà này trong luật Philadelphia trừ phi phải ra sức đâm chém. Chiến kê có thể vẫn duy trì phong độ mà không cần phẩm chất này trong thể loại đá cựa dài, nhưng bạn không thể thắng mà thiếu nó trong thể loại cựa ngắn.”
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/11/13
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chiến thuật đá trường
    R. A. McIntyre - Trích "The Game Fowl: Its Origin and History" (1906)

    Nài gà là tướng quân trong chiến thuật đá trường. Mọi trách nhiệm đều đổ dồn lên nài sau khi tay lắp cựa chuyển giao con gà đã được tỉa tót và lắp cựa xong.

    Có người nghỉ kinh doanh và trở thành nài giỏi nhờ nắm vững luật, suy nghĩ và hành động nhanh chóng, sửa gà giỏi, bình tĩnh, nhẹ nhàng, nhã nhặn và trung thực với bạn đồng môn. Vài phẩm chất ở trên nhiều người cũng có nhưng một số chỉ có thể hình thành thông qua kinh nghiệm lâu dài và học hỏi từng bước. Đấy là những gì mà nài gà phải thủ đắc.

    Điều tệ hại nhất trong làng gà là nài nhiều chuyện, người hay ngó ngang ngó dọc trong khi gà đang đá, và tham gia vào một cuộc đấu khẩu kèm những lời bình phẩm, điều vốn luôn xảy ra trong một độ gà. Nài khôn ngoan chẳng bao giờ nói gì trừ phi bắt buộc. Anh hành động như thể chẳng có ai tại trường ngoài bản thân và nài địch. Những tay nói năng và hành động ngốc nghếch thường quá nông cạn để trở thành một nài giỏi. Ở đẳng cấp cao nhất, công việc khó khăn đến mức tôi chưa hề thấy nài nào thủ đắc quá một luật trường. Watson ở Philadelphia và Chas. Eslin ở Washington, D.C., chỉ xuất sắc với luật Philadelphia; “Toney” Billingham và Cass ở New York chỉ thành danh với luật New York; Steve Moore và Henry Flock thành danh bằng những thắng lợi trong thể loại cựa dài. Good “Kirk” ở Baltimore vượt trên mọi người với luật Maryland dẫu vậy ông vẫn là một trong số những tay giỏi nhất với luật Philadelphia.

    Nài hiểu biết công việc của mình sẽ luôn tuân thủ luật trường. Anh là người hoàn toàn có thể đối phó với đủ loại đá đểu mà bản thân không bao giờ như vậy. Kẻ bất lương chẳng bao giờ có hậu vận tốt, và nài cũng vậy. Tấm gương điển hình về nài giỏi là Kirk như đã nói ở trên. Trong đời mình, ông từng thả hàng ngàn con và thắng sít sao nhiều cuộc đụng độ (main) bằng sự điềm tĩnh, trình độ sửa gà và kiến thức về luật trường. Ông vô địch với luật Maryland và không kém cạnh tay nào trong nhiều năm trời với luật Philadelphia. Chưa ai từng thấy Kirk, trong năm chục năm đá gà, làm gì phạm luật hay chơi đểu bao giờ.

    Nài có bản chất thấp hèn và áp dụng lối đá đểu sẽ bị mất lòng tin của những bạn đồng môn và làm xấu hình ảnh của bộ môn. Đấy là những kẻ cần lên án và loại bỏ nếu tầng lớp sư kê đàng hoàng muốn nâng cao bộ môn này ngang bằng với thú săn bắt chim.

    Không thể kể hết những lợi thế bất công mà nài đểu khai thác từ những người non kinh nghiệm. Ở New York hiện tại, không ai được phép can thiệp vào một trận đấu. Không được sửa, không được giựt lông mắt nhưng những tay mánh lới vẫn lén thực hiện. Tôi từng thấy họ giậm sàn đấu bằng đế giày khi cần làm cho gà mổ hoặc chiếm quyền đếm. Những luật khác cấm bất kỳ hành động nào nhằm kích động gà chịu cự nhưng nài đểu vẫn tìm ra cách. Họ thường chích vào mình gà hoặc lén giựt lông dưới bụng. Gà mù nếu gan lỳ luôn có lợi khi đếm, do đó, khi tình thế dẫn đến việc đếm theo luật Philadelphia, nài có thể lén qua mắt địch thủ bằng cách ngắt một cọng lông mềm và đính vào mắt gà như thể nó vô tình dính vô đó.

    Nếu những người trung thực đụng độ (main) ngoài trường đấu và thỏa thuận, bất kể theo luật nào, là “gà hay sẽ thắng” thì hiếm khi nào có rắc rối. Thành thực mà nói, các sư kê ở New York và Philadelphia cực kỳ giỏi, nên những nài đểu có muốn khuấy động làng gà ở những thành phố đó cũng chẳng được, bởi một vài cá nhân không thể đi ngược xu thế chung; trong khi những nguyên tắc ở các trường gà tại Baltimore, đặc biệt là trường gà được điều hành bởi Pat Garvey và người kế nhiệm, O’Conner, là tốt nhất và không hề có gian lận. Ở miền Nam như đã thành lệ, đá gà chỉ để giải trí và tầng lớp sư kê hàng đầu không quan tâm đến việc chiến thắng bằng gà phở hay gà rót, hoặc bằng bất kỳ trò mánh lới nào.

    Nài tỉnh táo sẽ nhận thấy rằng không nên sử dụng mánh lới và thừa thiểu là nài địch cũng nắm luật, vốn bao gồm những quy định nhằm ngăn ngừa sai sót và mánh lới của nài đểu.

    Tuy nhiên, những gì luật không cấm thì nài có thể áp dụng và hoàn toàn công bằng: Gà bị mù một mắt sẽ được “thả” với bên mắt lành hướng về gà địch, trừ phi bạn đang nắm quyền đếm và không muốn đụng chạm gì đến gà địch. Đừng bao giờ thúc đẩy trận đấu nếu gà nhà cần sửa và nó sẽ được cải thiện sau đó. Nếu gà nhà bị trúng chân chết [death blow: còn đá được một chút trước khi gục], hãy thả càng nhanh càng tốt; nó có thể đá thêm chân trối và tiêu diệt địch thủ. Theo luật New York và Philadelphia, đừng thúc gà đá hoặc lao vào gà địch nếu bên mình đang nắm quyền đếm. Tránh càng xa càng tốt. Trên thực tế, gà chết hoặc gà rót lại đôi khi thắng trận theo những luật này. Chừng nào mà luật chưa thay đổi thì những điều như thế này vẫn có thể xảy ra. Trong trận đấu cuối cùng (1903) Geo. Wilson đụng Casey ở Boston, một con Aseel pha bậc bỏ chạy thắng trận và hoàn toàn hợp lệ theo luật Philadelphia. Ngay khi gà được đưa vào thả trong mức, trước khi gà Casey có thể đá, con Aseel vốn đang nắm quyền đếm quay đầu và bỏ chạy. Vì Wilson đang nắm quyền đếm nên gà nhà không bị tính là chạy. Trận này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc nắm quyền đếm, bởi nếu Casey nắm quyền đếm thì con gà rót của Wilson không được tính là thắng.

    Mánh lới cao tay nhất là đâu mỏ gian (unfair breasting). Gà chết đang nắm quyền đếm, bằng cách đâu mỏ gian có thể thắng trận nhờ tỳ lên phần thân dưới của gà địch, hay tựa bên mắt mù của gà chột để nó không nhìn thấy, trong khi nài gà chết đang đếm lượt cuối và đếm trên con còn sống. Tuy nhiên, điều này là không thể, nếu nài nghiêm túc và tuân thủ luật trường.

    Gà đá người nên được thả một cách cẩn trọng, để tránh nó quay qua đá nài và tạo cơ hội cho gà địch đá từ sau lưng. Gà mù chẳng thể thấy đường mà đá và nếu gan lỳ nó sẽ đá mạnh và liều lĩnh hơn so với bình thường. Nhưng gà mù phải luôn được thả sao cho hướng về phía gà địch, và nài giỏi sẽ né tránh mỗi lượt thả bằng cách đếm càng nhanh càng tốt sao cho gà mù không phải đối địch trừ lúc đâu mỏ. Nếu có thể, hãy giữ quyền đếm khi gà mù.

    Những gì cần thực hiện ngay tại sới, hãy làm thật nhanh, cho dù lợi thế không phải lúc nào cũng thuộc về người thả gà trước. Có lần tôi cứu mạng một chiến kê rất hay bằng cách bắt nó lên chớp nhoáng ngay khi gà địch, cả hai vốn lọt ra ngoài sới, vừa tung một cú ác liệt với cựa dài. Tôi cũng thắng một nài xuất sắc ở miền Nam nhờ việc để hắn bắt gà trước. Cả hai đá lọt ra ngoài phạm vi sới và lúc đó tùy bạn muốn bắt hay không. Gà của tôi tung chân chót hạ thủ gà kia vì nài địch cản trở nó.

    Một số luật cho phép sửa gà bị tang trong sới. Khi đó, nài phải vận dụng toàn bộ kỹ năng và sức lực để sửa tang gà. Thông thường, gà bị đâm lên lưng và ngã hay “sụm” có thể sửa cho đứng lên nhờ việc đếm càng nhanh càng tốt, và vỗ mạnh xuôi xuống lưng, rồi kéo chân xuống tối đa trong khi bồng trên tay. Kirk ở Baltimore là tay sửa gà nổi tiếng và thắng nhiều kèo dưới với tỷ lệ 20 ăn 1. Anh sửa một cách có tính toán và luôn nhẹ nhàng – không bao giờ lo lắng hay hấp tấp. Hãy thúc đẩy trận đấu khi gà đang bị khò nặng; đừng thúc đẩy nếu nó chỉ bị nhẹ. Nó sẽ nhanh chóng hồi phục nếu không bị thúc ép. Day nhẹ khớp gối tốt cho gà bị đuối sức và dễ thực hiện bằng ngón cái. Thông thường việc, giằng kéo và ngắt nhéo gà bị tang, đuối sức không giúp ích gì; nhưng đôi khi gà bị tang nặng trở nên rất đờ đẫn. Nó phải tỉnh lại đúng lúc trước mỗi lượt thả, đôi khi bằng tiếng kêu túc túc và nhéo mặt; lúc khác lại bằng việc cắn nhẹ lên mồng. Tuy nhiên, gà phải luôn được thả một cách tận tình, và khiến nó nghĩ rằng rằng nài là người bạn thân thiết.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/12/13

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội