Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Sên biển – sinh vật tuyệt đẹp nhưng nguy hiểm

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 2/2/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Sên biển – sinh vật tuyệt đẹp nhưng nguy hiểm
    Victoria Bengoa Ruigómez - www.advancedaquarist.com

    Vào năm 1943, Jacques-Yves Cousteau lần đầu tiên trong lịch sử ứng dụng thiết bị lặn ở vùng biển miền nam nước Pháp. Kể từ đó, cả những nhà khoa học lẫn thợ lặn đều có thể chiêm ngưỡng và phát hiện những điều kỳ thú của đại dương, điều mà họ không thể làm trước đó. Trong số những loài kỳ thú dưới đáy biển, mang trần (nudibranch) là loài nổi bật nhất dựa trên màu sắc đáng kinh ngạc, vẻ đẹp và hình dạng cuốn hút của chúng. Chúng còn được gọi là sên biển (sea slug) hay bướm biển dựa trên kiểu bơi lội uốn éo. Chúng được coi là một trong những sinh vật biển đẹp nhất và bởi vì chúng di chuyển rất chậm rãi, nên chúng là đề tài phổ biến đối với các nhà nhiếp ảnh biển. Nói một cách chính xác, nhờ có họ, loài sên biển trở nên nổi tiếng và được các nhà tự nhiên học và thợ lặn hâm mộ.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Berghia coerulescens (trên), Chromodoris luteorosea (dưới). Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Sên biển là loài thân mềm thuộc ngành Mollusca bao gồm một số nhóm chính như động vật hai mảnh (lớp hai mảnh Bivalvia), mực và bạch tuộc (lớp chân đầu Cephalopoda) và sên (lớp chân bụng Gasteropoda). Ngày nay, có đến hơn 7500 loài thân mềm còn tồn tại và chúng xuất hiện trên trái đất từ hơn 600 triệu năm trước. Trong khi tiến hóa, các loài chân bụng đã trải qua một quá trình xoắn khiến đầu và các chi xoắn ngược chiều kim đồng hồ 180 độ. Vì thế, một cấu tạo giải phẫu mới được hình thành và rồi lớp vỏ bảo vệ, hậu môn và mang được định vị phía trên đầu, ở lỗ thoát duy nhất. Lớp Gastropoda chia thành 3 phân lớp và Opistobranchia (sên biển) thể hiện một xu hướng tiến hóa quan trọng, sự suy giảm hay biến mất của lớp vỏ và hình thành một biến thể mới, chẳng hạn như bộ Nudibranchia. Có trên 3000 loài sên biển khác nhau trên toàn thế giới. Mặc dù vỏ vẫn tồn tại trong giai đoạn ấu trùng, nhưng sẽ biến mất trong giai đoạn biến hình, vì thế khi trưởng thành thì sên biển không hề có vỏ. Sên biển có mang hoàn toàn “lộ” và cấu trúc hô hấp thứ cấp gọi là cerata. Trên thực tế, từ “nudibranch” bắt nguồn từ tiếng Latin nudus nghĩa là “trần trụi” và tiếng Hy Lạp brankhia nghĩa là “mang”. Vì không có vỏ, trong quá khứ chúng không được hiểu biết một cách cặn kẽ, và thực tế, trong lần tái bản thứ 12 tác phẩm “Sistema Naturae” vào năm 1767, Linné chỉ mô tả có 17 loài. Vào năm 1817, Cuvier mô tả 9 chi mới và đặt tên cho nhóm là mang trần (nudibranch). Alder và Hancock, những nhà khoa học người Anh, đã xây dựng những đặc điểm phân loại của nhóm này vào cuối thế kỷ 19. Nhưng chỉ mới năm ngoái (2006), nhờ những tiến bộ về công nghệ lặn, việc nghiên cứu nhóm động vật kỳ thú này mới trở nên khả thi.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Chromodoris krohni. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Cấu tạo giải phẫu
    Sên biển là động vật cỡ nhỏ với kích thước từ 3 mm đến 15 cm, mặc dù vài loài có thể đạt tới 30 cm. Hình dáng của chúng rất đa dạng nhưng nhìn chung đều dài và đối xứng. Chúng thực sự là loài phù du, thông thường vòng đời của một con sên biển chỉ tối đa là 1 năm hay ít hơn, tuy một số loài tiến hóa có thể sống đến 3 năm. Chúng là loài ăn đáy, sống ở hầu hết đáy biển ở khắp nơi trên thế giới, từ vùng cực đến xích đạo. Các loài mang trần có thể chia thành 2 nhóm chính, nhóm Dorid với chỉ hai cấu trúc ở trên lưng, một cặp râu (rhinophore) trước đầu và một búi tua mang trên lưng, và nhóm Aeolid cũng có râu nhưng lưng phủ vô số những bộ phận phụ hình ngón tay gọi là cerata. Cặp mắt nhỏ bé của chúng nằm bên dưới lớp da đầu, gần não bộ, và chúng không thể nhìn thấy mà chỉ phân biệt được cường độ chiếu sáng mà thôi. Giống như những loài thân mềm, sên biển có một bộ phận như chiếc giũa trên miệng gọi là radula, được dùng để gặm thức ăn. Mặt ngoài bộ phận này phủ đầy những hàng răng bằng chất kitin, mà chúng được tái tạo nhờ túi radula mỗi khi bị mất đi. Nhưng những đặc điểm khác biệt nhất là một cặp tinh hoàn bên trên đầu, cặp râu, những bộ cảm biến hóa học dùng để đánh hơi và nếm mà chúng có thể thụt vô để tự vệ. Nhóm Dorid có chùm lông xung quanh hậu môn. Những cái mang “trần” phát triển là nơi việc trao đổi khí diễn ra. Nhóm Aeolid không có mang nhưng cerata có chức năng tương đương. Cerata là phần nối dài của hệ tiêu hóa với ba chức năng: hô hấp, tiêu hóa và tự vệ. Lớp biểu bì của cerata rất mỏng để việc trao đổi khí được thuận lợi.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Chromodoris purpurea (trên), Discodoris atromaculata (dưới). Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Lớp sên biển Opisthobranchia là những loài ăn tạp, thức ăn bao gồm bọt biển, cnidaria (hải quỳ, san hô mềm, thủy tức…), dây sống đuôi, hải tiêu, động vật hình rêu, đôi khi ăn cả tảo và thậm chí là những loài sên biển khác. Mỗi loài có xu hướng ăn uống chọn lọc và có khi chỉ chuyên ăn một loại mồi nhất định. Nhờ khả năng tiêu hóa con mồi, thường là có độc như bọt biển và hải quỳ, và thậm chí có thể sử dụng chất độc đó để tự vệ, sên biển có thể ăn những loài có độc, tránh được sự cạnh tranh về nguồn thức ăn với các loài săn mồi khác vì chúng có thể bị chết nếu ăn các loại mồi trên. Tuy vậy sên biển cũng có kẻ thù, chẳng hạn như cua nhện, và một số loài cá và cua khác. Chúng cũng bị các loài chân kiếm (copepod) sống ký sinh.

    [​IMG]
    Crimora papillata. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Sên biển là những loài lưỡng tính thường trực, nghĩa là chúng sở hữu cả bộ phận sinh dục đực lẫn cái cùng một lúc, mặc dù vậy việc tự thụ tinh là rất hiếm. Chiến lược này gia tăng khả năng tìm kiếm bạn tình bởi vì sên biển thường sống đơn độc và rải rác. Sự giao cấu thường mang tính tương hỗ, vì vậy cả hai chức năng đực và cái hoạt động đồng thời, cùng xuất và nhận tinh và cả hai đều đẻ trứng. Bộ phận sinh dục nằm ở bên phải thân mình, vì vậy khi giao hợp, vị trí của chúng phải ngược nhau để mặt bên phải có thể hướng vào nhau. Sau khi giao hợp, sên biển đẻ túi trứng hình lò xo lên trên hay bên cạnh con mồi của chúng. Thông thường, trứng có màu trắng nhưng có thể có màu hồng, cam hay đỏ tùy vào thức ăn. Trứng phát triển từ 5 đến 50 ngày tùy nhiệt độ. Thông thường, trứng nở ra ấu trùng phù du, gọi là veliger, có vỏ nhưng sẽ mất đi trong quá trình biến hình, khi chúng bắt đầu cuộc sống dưới đáy biển của một con sên trưởng thành.
     
    Chỉnh sửa cuối: 4/6/17
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hệ thống tự vệ tinh vi
    Ở hầu hết những loài thân mềm, vỏ cứng là phương thức tự vệ chủ yếu để động vật có thể trốn tránh khi gặp nguy hiểm. Nhưng vỏ lại nặng nề, khó di chuyển và hạn chế sự tăng trưởng. Vì vậy, việc loại bỏ vỏ sẽ giúp cho sên biển được tự do để phát triển cơ thể với hình dáng riêng biệt, chúng có thể tăng trưởng nhanh chóng và di chuyển nhanh hơn. Nhưng sên biển cũng phải phát triển hàng loạt phương thức để tự bảo vệ mình khỏi những kẻ săn mồi. Những hệ thống tự vệ tinh vi, hiệu quả và kỳ lạ không chỉ làm giảm số lượng tử vong vì bị tấn công trực tiếp mà còn có tác dụng răn đe, nghĩa là những kẻ từng tấn công sên biển trước đó sẽ không lặp lại nữa vì chúng hãy còn nhớ đến kinh nghiệm xương máu trước đây. Hệ thống tự vệ này, những vũ khí sinh học và hóa học thực sự, hoặc là sự bù đắp cho việc không có vỏ hoặc chính chúng khiến việc không có vỏ trở nên khả thi.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Discodoris rosi (trên), Doriopsilla areolata (dưới). Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Một trong những phương thức tự vệ dễ nhất là chạy trốn. Một số sên biển đã phát triển những cơ chân có thể tiết ra nhớt để chạy trốn, thậm chí đôi khi có thể bơi dẫu không được nhanh cho lắm. Nhưng chúng cũng có những kiểu tự vệ khác chẳng hạn như các vòi với đủ loại hình dạng, kích thước và gai cứng nằm bên dưới lớp da có thể làm tổn thương kẻ thù. Một số loài có khả năng rụng những phần cơ thể, mà chúng có thể mọc lại rất nhanh chóng, để làm bối rối kẻ thù và lẩn trốn. Hành vi này được gọi là sự “tự đoạn” (autotomy).

    Những loài khác phát triển hoa văn màu sắc để chống chọi với kẻ săn mồi mà chủ yếu là cá. Hướng tự vệ đầu tiên là cố gắng trở nên vô hình. Trong một số trường hợp cả hoa văn lẫn màu sắc thân thể của sên biển hòa hợp hoàn toàn với màu sắc của con mồi hay đáy biển nơi chúng sinh sống. Đây được gọi là màu ẩn. Sên biển có thể lấy sắc tố từ thức ăn dẫu vậy đôi khi chúng có thể tự sản xuất. Cơ thể trong mờ của chúng phơi bày hệ tiêu hóa và thức ăn bên trong. Trong nhiều trường hợp, sên biển chỉ cần đổi món ăn để thay đổi màu sắc.

    [​IMG]
    Trứng. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Một số loài sên biển có màu sắc cực kỳ nổi bật. Những màu sắc này được dùng để cảnh báo những kẻ săn mồi tiềm tàng rằng chúng chứa đầy những chất hóa học khó nhằn và không nên cố thử ăn chúng. Đây là màu cảnh báo. Chúng thậm chí có thể đổi màu khi gặp nguy hiểm. Thông thường, những con sên biển này chứa chất gây khó chịu hay thậm chí có độc và một khi cá từng tấn công sên biển một lần nó sẽ không quên kỷ niệm xương máu liên quan đến màu sắc hoa văn này, và sẽ không tấn công nữa. Sên biển có thể lấy sắc tố từ thức ăn, bọt biển và cnidaria hay thậm chí có thể tự tạo riêng (de novo). Đôi khi, những loài khác nhau và đều có độc, đã phát triển dạng hoa văn màu sắc tương tự để “giúp” những kẻ săn mồi lưu ý đến sự nguy hiểm của chúng. Đây gọi là giả lập Müller. Nhưng có trường hợp, loài không độc phát triển hoa văn màu sắc tương tự như loài có độc để làm bối rối và tránh bị những kẻ săn mồi tấn công. Đây gọi là giả lập Bates.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Flabellina babai (trên), Janolus cristatus (dưới). Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Nhưng sên biển thường trang bị một hệ thống tự vệ hóa học hay sinh học. Đôi khi, da của chúng có thể tiết ra chất độc, chẳng hạn như acid sulphuric. Trong một số trường hợp, các hợp chất này độc hại và có thể giết chết những sinh vật gần chúng, nhưng đôi khi không độc lắm mà chỉ gây khó chịu cho những kẻ săn mồi. Tuy nhiên hệ thống tự vệ tinh vi nhất là tự vệ vay mượn (cleptodefence). Sên biển phát triển hệ thống miễn dịch để kháng lại chất độc của những loài thân mềm khác, nuốt chửng chúng và truyền chất độc đến các cerata để tự vệ, và duy trì việc này sau mỗi vài ngày. Một số loài thực sự có khả năng vận dụng chất độc từ bọt biển và tích tụ chúng trong một số cơ quan để sử dụng khi gặp nguy hiểm. Một số loài khác, chẳng hạn như Aeolid, ăn thịt các loài cnidaria (san hô, hải quỳ, sứa, thủy tức… ) có chứa nọc và tuyến độc dùng để tự vệ trước những kẻ săn mồi. Để chống lại, một số loài Aeolid có khả năng tiết dịch, thay đổi tùy theo mỗi loài cnidaria, và nhờ đó ngăn cản được sự tiết độc. Những loài khác lại thu nhớt từ cnidaria và lừa con mồi của mình. Một khi Aeolid ăn chúng, chất độc thấm vào và tích tụ trong các túi độc nằm ở đầu các cerata, dùng để tự vệ.

    Những hợp chất được sên biển dùng để tự vệ có hoạt tính sinh học và đang được nghiên cứu để chữa một số bện nan y chẳng hạn như ung thư.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/2/09
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Sên biển trong hồ cảnh?
    Những sinh vật đầy màu sắc và kỳ lạ này được coi là không thích hợp để nuôi trong hồ cảnh. Chúng ta nên thưởng thức vẻ đẹp của chúng qua hình ảnh mà các thợ lặn chụp trực tiếp từ dưới biển.

    Đa số sên biển hoặc rất khó, hoặc không thể nuôi trong các hồ cảnh nhỏ. Chúng rất khó vận chuyển và nhạy cảm với môi trường. Thức ăn của chúng cũng rất đặc biệt, và vì chúng có độc, nên nếu bị chết thì có nguy cơ rằng, sự phân hủy sẽ khiến một số chất độc tan vào nước và gây hại hay thậm chí giết chết các sinh vật khác.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Eubranchus farrani (trên), Flabellina pedata (dưới). Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Nếu những lời khuyên này không khiến bạn nản chí, thì tốt nhất nên cách ly chúng một thời gian dài và rồi phải hạn chế số lượng và mật độ nuôi trong hồ cảnh. Thông thường, sên biển khá hiền lành và bởi vì có độc nên chúng rất hoạt động vào ban ngày. Chúng không sống theo bầy và vì chúng lưỡng tính nên cũng không khó khăn lắm để tìm ra đối tượng bắt cặp thích hợp. Nhưng trước khi mua sên biển, bạn nhất định phải nắm rõ nhu cầu của chúng, đặc biệt là thức ăn, và nên mua chúng cùng với loại thức ăn thích hợp, vốn có thể là tảo, bọt biển, hải quỳ, san hô, giun… Cũng cần phải tìm đúng loại hay nhân giống được thức ăn dành cho chúng. Điều cũng rất cần thiết là lựa chọn cá thể sên biển khỏe mạnh và linh động bởi vì cá thể ốm yếu nếu bị chết sẽ nhanh chóng bị phân hủy và tiết chất độc vào hồ.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Hypselodoris cantabrica. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Một khi đã chọn được cá thể khỏe mạnh, sên biển nhất định phải được nuôi cách ly ít nhất một tháng. Trong khi cách ly, những thông tin về loài, đặc biệt là thức ăn phải được kiểm chứng. Sên biển có thể sống rất lâu, từ vài tuần đến vài tháng mà không cần ăn uống, vì vậy nếu bạn không thể biết chắc sên biển có ăn uống gì trong thời gian bị cách ly thì đừng thả chúng vào hồ cảnh. Nhiều người chơi cá gần vùng biển có thể kiếm được sên biển, loại này tốt hơn là những con phải vận chuyển xa và chịu căng thẳng. Trên hết, bạn có cơ hội để nghiên cứu loại thức ăn thích hợp với chúng và thả nuôi chung cả hai, rồi sau này có thể kiếm thêm nữa. Tuy nhiên, đừng quên kiểm tra luật bảo vệ động vật ở địa phương bạn trước tiên.

    [​IMG]
    Hypselodoris tricolor. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Thông tin về sên biển còn rất hạn chế và thậm chí về thức ăn của chúng còn ít hơn. Một số ăn bọt biển, số khác ăn hải quỳ, thậm chí san hô, và vài loài ăn tảo biển. Nhiều loài sên biển rất kén ăn, chẳng hạn chúng chỉ ăn một loài bọt biển hay cnidaria nhất định. Vì vậy, trước khi mua sên biển, bạn phải biết được chúng ăn gì và bạn phải kiếm được loại thức ăn của chúng, dù mua hay nhân giống, bằng không thì đừng mua sên biển làm gì. Trong những năm gần đây, các nhà khoa học phát hiện thấy một số loài sên biển ăn các loài gây hại trong hồ, chẳng hạn như loài Berghia verrucicornis ăn hải quỳ hại Aiptasia, loài Chelinodura sp. ăn giun dẹp, hay sên rau diếp Elysia spp. ăn tảo biển.

    [​IMG]
    Polycera quadrilineata. Ảnh Mikel Cortés Escalante.

    Vì phân bố cực rộng trên khắp các loại môi trường trên thế giới, không hề có thông số nước cố định dành cho sên biển và mỗi loài đều khác nhau. Ví dụ như những loài ở vùng nhiệt đới, mức độ ô-xy hóa khử (Redox) ổn định và cao, nồng độ ô-xy bão hòa cao và độ mặn phải thật ổn định. Dược phẩm nguồn gốc kim loại, phẩm màu hữu cơ và những sản phẩm khác như chất kháng sinh không an toàn với chúng.

    Bên cạnh sự căng thẳng phát sinh từ thức ăn, sự tương thích và môi trường, chúng ta còn thấy vòng đời sên biển thật ngắn và chúng sẽ chết một cách tự nhiên sau vài tháng. Thông thường, chúng được bắt khi đã trưởng thành và một số con sống lâu hơn một năm. Sau khi chết một cách bất ngờ, chất độc từ cơ thể chúng sẽ tiết vào hồ cảnh. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm độc, các vật liệu lọc hóa học chẳng hạn như than cần được thay hàng tuần, dòng nước đủ mạnh, bố trí bộ lọc váng (skimmer) và sục ozon, và cần thay nước thật nhiều.

    Vì vậy, hãy để những loài xinh đẹp này được tại vị ngoài đại dương, nơi thích hợp nhất đối với chúng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 6/2/09
  4. dennis1989

    dennis1989 Active Member

    đẹp quá, thank anh Đại về bài viết này.
     
  5. longh

    longh New Member

    càng đẹp càn chết ! thank nha
     
  6. Candy_20890

    Candy_20890 Active Member

    nằm sâu bên trong cái đẹp đó là 1 chất độc có sức phá huỷ cao. Kinh quá đi :))
     
  7. longh

    longh New Member

    nó dùng mĩ nhân kế đó!
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội