Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Chẳng gì như bữa tắm cát chiều (Carrie Cook)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 31/5/12.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chẳng gì như bữa tắm cát chiều
    Carrie Cook – www.backyardpoultrymag.com

    Có lẽ bạn từng thấy gà của mình bươi và lăn lộn trong đám bụi đất, rồi tự hỏi chúng có khùng chăng. Hay có lẽ bạn thấy hoài mà chẳng bận tâm. Điều gì đang diễn ra vậy? Chắc chắn không phải vì chúng cố ý gây rắc rối cho bạn bằng cách xới tung đám rau mới trồng. Đây có phải là điều mà mọi gia cầm đều làm? Bạn có phải hỗ trợ cho hành vi này hay không? Đó có phải là hành động ngẫu nhiên hay điên dại bột phát?

    Những gì mà tôi mô tả được gọi là tắm cát (dustbathing). Gà, gà tây và cút, cũng như một số loài chim hoang dã khác, tất cả đều tắm cát. Trung bình, chúng tắm mỗi 2 ngày và hầu hết đều diễn ra vào giữa buổi. Thậm chí kể cả khi không có lớp nền đúng nghĩa (chẳng hạn như lồng lưới sắt) chúng cũng thể hiện hành vi này. Chúng ta biết rằng nó được kích thích bằng ánh sáng và nhiệt độ, hoặc có lẽ khi nhìn thấy con khác tắm cát hay khi phát hiện một hố cát hấp dẫn. Bài viết này tập trung vào gà – bởi vì kinh nghiệm của tôi và hầu hết các nhà nghiên cứu khác đều nằm ở đây – nhưng ý tưởng chung có thể áp dụng cho cút nhật tí hon hay gà tây nặng cỡ 30 pound.

    [​IMG]
    Một bầy gà điển hình đang hưởng thụ bữa tắm cát buổi chiều tà.

    Giải phẫu hiện tượng tắm cát

    Tắm cát là hành vi bẩm sinh, tự nhiên, diễn ra theo một hình thức nhất định. Một bữa tắm cát bao gồm 2 pha khác nhau, đôi khi được gọi là “tung hất” và “cọ xát”. Tung hất diễn ra trước khi cọ xát. Đôi khi chỉ có pha tung hất được thực hiện. Nó kết thúc bằng việc rũ để loại bỏ bụi cát bám trên lông.

    Pha tung hất bao gồm các chu kỳ lập lại của việc quẹt mỏ lên nền đất hay cát, bươi bằng một chân, cọ xát đầu, và rung cánh, với bộ lông xù ra. Phần kịch tính nhất là rung cánh, theo đó gà nằm tựa lên ngực và bươi hai chân ra sau, làm tung lên cả đám bụi đất trong khi vươn cánh. Lông xù ra để bụi đất bám đến da. Pha này diễn ra khoảng 10-15 phút và thường tạo ra một hố trũng to bằng kích thước của gà.

    Ngược với pha tung hất, lông được khép sát vào thân trong pha cọ xát. Gà nằm nghiêng một bên thân và cọ xát, chòi đạp chân còn lại vào nền đất, vành hố hay cả hai. Tùy thuộc vào chất liệu của “cát”, pha cọ xát thường diễn ra liên tục từ 15 đến 20 phút, và thường xuyên bị ngắt quãng bởi các đợt tung hất ngắn.

    [​IMG]
    Đám gà mái đang trong pha tung hất.

    Mục đích của việc này là gì?

    Chắc chắn hành vi đặc biệt và phổ biến này được hình thành vì một lý do nào đó. Trên thực tế, có nhiều cách giải thích khác nhau. Lý do đầu tiên trong tài liệu (vâng, các nhà khoa học có nghiên cứu hiện tượng này) đó là tắm cát để loại bỏ lớp dầu cũ (lipid) ra khỏi bộ lông và thay thế bằng lớp dầu mới khi gà rỉa lông. Với mục đích này, tắm cát đúng là “tắm” theo nghĩa đen. Dầu từ bình dầu ở phao câu và da được truyền qua mỏ đến lông, để bảo vệ lông và tránh thấm nước. Tuy nhiên, sau vài ngày, dầu bị ô-xy hóa trong không khí và mất tác dụng. Tắm cát sẽ giúp loại bỏ lớp dầu cũ này. Với gà không được tắm cát, lớp dầu cũ dày lên và lông mất độ bóng. Xin nhắc lại, nếu được tắm cát, gà sẽ thực hiện thường xuyên cho đến khi độ bóng trở lại bình thường. Thực tế cũng chứng tỏ rằng gà được tắm cát đầy đủ có khả năng chịu lạnh tốt hơn.

    Dường như tắm cát còn có nhiều lợi ích khác bên cạnh việc duy trì chất lượng bộ lông. Một thuyết phổ biến nữa đó là hạn chế và loại bỏ ký sinh, bằng cách làm mất lớp dầu mà chúng ăn và rũ bỏ chúng. Hành vi cũng mang tính cộng đồng. Gà thích tắm cát theo nhóm. Thậm chí dù vùng tắm cát có rộng thì chúng cũng tụ với nhau trong một hố lớn lổn ngổn cánh, đầu và chân. Thứ tự bầy đàn vẫn được duy trì, con đầu đàn chiếm vị trí tốt nhất, nhiều đất cát, thậm chí con thấp hơn lấn lên một vài cấp để được nằm trong bầy. Chúng thực hiện các pha tung hất và cọ xát với ít nhiều sự đồng bộ. Sau cùng, bất cứ ai chứng kiến gà tắm cát đều công nhận đây là hoạt động yêu thích của chúng, đi kèm tư thế thư dãn và những tiếp kêu, gù nhỏ.

    [​IMG]
    Pha cọ xát.

    Làm thế nào để giúp gà tắm cát thích hợp

    Bạn không cần phải giúp gà tắm cát; chúng tự làm với bất kỳ chất liệu sẵn có nào. Tuy nhiên, gà có sở thích với các loại chất liệu khác nhau, và một số nền hiệu quả hơn trong việc duy trì chất lượng bộ lông. Sở thích tự nhiên của chúng, đúng như bạn mong muốn: nếu được chọn, chúng chuộng cát hơn là than bùn, và hai thứ này xếp trên dăm bào và rơm. Dù vậy, gà có thể quen với một chất liệu và do dự khi chuyển sang chất liệu mới, dẫu có “tốt hơn”. Nền tốt nhất là loại bao gồm những phần tử nhỏ, có thể tiếp xúc trực tiếp từ lông cho đến da; nói chung, đó là bụi đất hay cát. Nếu phần tử quá lớn, pha cọ xát sẽ bị ngắt quãng thường xuyên vì chuyển sang tung hất, bởi gà cố đưa nhiều vật liệu rơi đến da.

    Nếu gà được đưa vào sân hay bãi chăn thả, chúng sẽ chọn một hay vài khu vực để tắm cát, thậm chí dẫu có phải bới tung cả bồn cỏ. Nếu điều này không ổn hoặc bạn thấy làm vậy là phá hoại (vì chúng phá vườn rau cũng như hàng rào của bạn), bạn nên cung cấp vùng tắm cát riêng cho chúng. Một hộp nông đổ cát dày độ 5 cm là đủ. Cách tốt hơn là bố trí một khung không đáy, chẳng hạn 0.3 x 2 m và đổ đầy 8-12 cm đất bụi. Đóng khung đủ lớn để nhiều con có thể tắm cùng lúc.

    Kết luận

    Tắm cát là một hành vi bình thường và cần thiết. Trong khi thưởng thức hành vi “gà qué” thì chúng ta cũng biết rằng nó quan trọng cho sức khỏe và hạnh phúc của bầy gà.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội