Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Bệnh giun sán (Monique de Vrijer)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 27/2/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Bệnh giun sán
    Monique de Vrijer - www.aviculture-europe.nl


    [​IMG]

    Gà thường bị nhiễm 3 loại giun sau đây: giun đũa (roundworm), giun kim (caecal worm) và gium tóc (hairworm) (tất cả đều là thuộc lớp giun tròn nematodes). Bên cạnh đó, gà còn có thể bị nhiễm giun nĩa (gapeworm, cùng lớp giun tròn) và sán dây (tapeworm, lớp cestodes).

    Bình thường gà có thể hoàn toàn khỏe mạnh khi nhiễm giun. Gà là vật chủ và giun không có chủ đích giết đi vật chủ của chúng, bởi như vậy là tự sát! Do vậy, có sự hòa hợp nhất định giữa giun và gà.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiễm giun sẽ trở nên nghiêm trọng; điều này có thể xảy ra khi sức đề kháng giảm (vì nhiễm nấm hoặc virus) nhưng cũng có thể xảy ra khi gà tiếp xúc quá nhiều với phân nhiễm bệnh.

    Gà tơ dễ nhiễm bệnh hơn gà trưởng thành; khi lần đầu tiếp xúc với giun chúng không có khả năng tạo ra sức đề kháng. Xong đời! Không bao giờ có thể đề kháng tuyệt đối, bởi vậy gà trưởng thành cũng vẫn bị nhiễm giun!

    Gà hiếm khi đổ bệnh nặng vì nhiễm giun. Cũng rất khó phát hiện triệu chứng khi mới nhiễm. Điểu cầm (kể cả gà) có biệt tài che giấu bệnh tật. Nhưng theo thời gian, bạn sẽ để ý thấy có gì đó bất thường, lúc này bệnh thường vào giai đoạn bùng phát.

    Triệu chứng

    Triệu chứng phổ biến là: gầy ốm (đặc biệt vùng ngực) và đôi khi đi phân lỏng (tiêu chảy). Trong trường hợp sau, lông xung quanh hậu môn dính bệt bẩn và có thể cả trứng nữa. Một số giun khiến gà đi phân lẫn máu.

    Mồng, tích bị xạm màu và cả chân cũng vậy (đặc biệt dễ thấy ở các giống chân vàng). Gà đờ đẫn với bộ lông ủ rũ, xơ xác, đôi khi rụng lông cổ và thường đẻ kém đi hay ngưng hẳn. Trường hợp nhiễm giun nghiêm trọng, gà có thể không đứng nổi và thậm chí bị chết vì kiệt sức.

    Khó khăn ở chỗ tất cả những triệu chứng này đều khá phổ biến. Những bệnh khác, chẳng hạn như bệnh cầu trùng cấp tính Coccidiosis (không phải do giun mà là nguyên sinh bào) có thể gây ra triệu chứng tương tự và đôi khi gà bị nhiễm cả hai. (Tuy nhiên, bệnh cầu trùng đa phần xuất hiện ở gà tơ và sau khi nhiễm, gà sẽ phát triển đề kháng với bệnh này, khác với nhiễm giun). Một triệu chứng có thể gây ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau.

    Gà sút ký bởi vì thức ăn mà chúng ăn vào bị giun lấy bớt. Bởi vậy, gà có thể bị thiếu chất và suy dinh dưỡng.

    Giun có thể gây tổn thương ruột. Tổn thương dẫn đến viêm nhiễm khiến gà gầy ốm bởi ruột chính là nơi hấp thu dưỡng chất. Việc này thường gây ra tiêu chảy.

    Nếu giun đũa phát triển đủ nhiều, chúng có thể tụ lại thành búi và gây ra tắc ruột.

    Giun tròn (nematodes)

    Giun đũa (Ascaridia galli) và giun kim (Heterakis gallinae)

    Giun đũa là loại giun lớn có thể nhìn thấy bằng mắt thường. Nhìn chung, chúng có màu trắng, đường kính cỡ cây đũa và dài từ 5 đến 10 cm. Giun đũa rất phổ biến ở gà tuy số lượng không nhiều.

    [​IMG]
    Giun đũa (trái) và giun kim (phải) bên trong ruột.

    Giun đũa sống ở ruột già trong khi giun kim sống ở ruột tịt, tức ruột thừa. Giun đũa chỉ gây hại khi phát triển với số lượng lớn. (trường hợp nghiêm trọng, chúng có thể xuất hiện ở thực quản, diều, mề, vòi trứng hay khoang bụng nếu ruột già bị rách).

    Nguyên tắc lây nhiễm:
    Giun đũa đẻ rất nhiều trứng vô-nhiễm (non-infective) mà chúng đi vào phân. Vô-nhiễm nghĩa là trứng không thể gây hại bằng cách nở ngay thành giun đũa. Trước tiên trứng cần được ấp. Trong điều kiện lý tưởng (nhiệt độ và độ ẩm thích hợp), trứng ủ từ 10 đến 12 ngày và chuyển sang trạng thái lây-nhiễm. Trứng lây nhiễm nằm trong đất, cát và phân gà… chờ gà ăn vào. Bây giờ, khi gà tiêu hóa, trứng sẽ nở trong ruột già và phát triển thành giun đũa trong vòng 5 ngày.

    [​IMG]
    Vòng đời của giun đũa (a) và giun ruột tịt (b). Gà thải trứng vô-nhiễm qua phân và sau khi ấp, ấu trùng phát triển bên trong trứng. Gà bị nhiễm giun khi ăn phải trứng lây-nhiễm.

    Giun kim thường tập trung ở vị trí thấp nhất của ruột – tức ruột tịt (caeca). Thông thường, chúng ít gây hại hơn so với những loài giun khác; tuy nhiên chúng có thể lây một loại ký sinh khác (Histomonas) cho gà. Histomonas là nguyên nhân gây ra bệnh đầu đen (blackhead) (ở gà tây và những loài khác).

    Giun tóc (Capillaria)

    Giun tóc không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng rất nhỏ, đường kính chỉ độ 0.05 mm và dài 1-2 cm. Có nhiều loài giun tóc, phổ biến nhất là loài sống trong ruột non (Capillaria obsignata).

    Giun tóc rất độc hại, điều này có nghĩa gà thể hiện triệu chứng bệnh dù chỉ nhiễm nhẹ.

    Giun này khiến gà sút cân, thiếu máu, đẻ kém, tiêu chảy (lẫn máu) và chết.

    [​IMG]
    Giun tóc trong ruột non.

    Nguyên tắc lây nhiễm:
    Lây nhiễm bằng đường trực tiếp giống như giun đũa (trứng được thải qua phân) nhưng một số loài giun tóc sử dụng vật chủ trung gian, ở đây là trùn đất. Sử dụng vật chủ trung gian nghĩa là, vật chủ trung gian ăn trứng và trứng được ấp trong vật chủ thành ấu trùng. Một khi gà ăn trùn đất có chứa mầm bệnh, nó sẽ nhiễm bệnh và ấu trùng sẽ phát triển thành giun trưởng thành. Với một số loài giun tóc, lây nhiễm chỉ xảy ra qua một vật chủ trung gian. Loài giun tóc phổ biến ở gà không cần đến vật chủ trung gian.

    [​IMG]
    Vòng đời của giun tóc. Gà thải trứng vô-nhiễm qua phân, sau khi ấp, trứng sẽ trở nên lây-nhiễm và phát triển thành ấu trùng. Gà sẽ nhiễm giun nếu ăn phải trứng lây-nhiễm (c) hay ăn phải vật chủ trung gian, cụ thể là trùn đất bị lây nhiễm (a+b).

    Giun nĩa (Syngamus trachea)

    Giun này có thể xuất hiện ở gà tây, cút, trĩ, gà sao và công, nhưng đôi khi cũng xuất hiện ở gà. Như tên gọi (“gape” nghĩa là “há miệng”), loài này thường tập trung ở khí quản (trachea). Khi gà há miệng để thở, đôi khi bạn có thể thấy vài con trong họng. Trứng được thải vào khí quản và cả phân nữa (qua kính hiển vi) khi chúng ho và nuốt vào.

    [​IMG]
    Giun nĩa trong khí quản.

    Giun này dễ phát hiện bởi gà bị nhiễm phải há miệng để thở. Không chỉ một lần, mà thường xuyên, hết lần này đến lần khác. Vì giun gây ra thở dốc, chúng có biểu hiện suy hô hấp do tổn thương phổi và khí quản. Ngoài thở dốc, gà còn có biểu hiện suy nhược và lắc đầu để tống giun ra. Gà thường sút cân và sau cùng bị chết.

    Nguyên tắc lây nhiễm:
    Vòng đời của giun nĩa cũng tương tự như giun đũa; gà bị mắc bệnh khi ăn phải trứng giun nhưng thường là do ăn phải trùn chứa mầm bệnh.

    Sán dây (cestodes)

    Sán dây lớn (Raillietinae) và sán dây nhỏ (Davainea proglottina)

    Sán dây là giun dẹp, hình dải băng, bao gồm nhiều đoạn. Mỗi đoạn đều có thể đẻ trứng. Đôi khi bạn có thể thấy một đoạn sán lẫn trong phân hay ló ra khỏi hậu môn của gà. Chúng có màu trắng hay hanh vàng, trông giống như dải cao su dẹt. Sán dây lớn có thể dài đến 15 cm.

    [​IMG]
    Sán dây lớn (trái) và sán dây nhỏ (phải).

    Sán dây nhỏ rất nhỏ (chỉ 2-5 mm) và việc kiểm tra cẩn thận có thể phát hiện ra chúng. Sán dây không phổ biến như giun đũa và giun kim. Sán dây lớn không quá độc hại; tổn hại mà chúng gây ra cho gia cầm là vấn đề đang tranh cãi. Ngược lại, sán dây nhỏ rất độc hại và có thể gây ra sút cân, mất máu, suy yếu toàn diện và chết.

    Nguyên tắc lây nhiễm:
    Sán thường trải qua một phần vòng đời trong các vật chủ trung gian, chủ yếu là ốc sên (sán dây nhỏ) và bọ cánh cứng (sán dây lớn). Gà chăn thả thường bị lây nhiễm vì ăn phải các vật chủ trung gian; gà nuôi nhốt khó nhiễm bệnh này.

    [​IMG]
    Giun kim (Heterakis) lấy từ ruột tịt của gà.

    Điều trị

    Nhiều người nuôi gia cầm tẩy giun định kỳ cho gà. Nhưng điều này không thực sự cần thiết! Bởi việc điều trị không chỉ loại bỏ giun mà còn ảnh hưởng đến sự cân bằng giữa sức khỏe của gà và giun.

    Cá nhân tôi phản đối việc dùng thuốc tẩy giun mà không có lý do chính đáng. Ngoài việc ảnh hưởng đến đề sức kháng của gà đối với giun, tôi cho rằng đây không đơn giản là vấn đề “đúng hay sai”.

    Một số người tẩy giun định kỳ, chẳng hạn 2 tháng một lần. Điều này thực sự không cần thiết bởi giun không thể lây nhiễm trong một thời gian ngắn. Nói chung, cần từ 3 đến 6 tuần để trứng có thể phát triển thành giun trưởng thành. Bởi vậy, phải mất một thời gian nữa trước khi lây nhiễm trở nên nghiêm trọng khiến gà đổ bệnh.

    Mặt khác, khi gà bị nhiễm giun, bạn cần tẩy giun cho chúng. Có nhiều loại thuốc tẩy trên thị trường có thể hòa vào nước uống hay thức ăn.

    [​IMG]
    Gà có thể bị nhiễm nhiều loại giun khác nhau. Trong hình bạn sẽ thấy giun đũa nằm lẫn lộn với sán dây lớn bên trong ruột già.

    Một số bí quyết

    Không nên dùng loại thuốc tẩy hòa vào nước uống cho gà thả rông bởi chúng có thể uống từ các nguồn khác (như vũng, ao hồ, và những nguồn tương tự). Do vậy gà không nạp đủ liều thuốc tẩy và việc điều trị sẽ không hiệu quả. Trường hợp này, bạn cần tạm thời nuôi nhốt chúng hoặc chọn loại thuốc tẩy khác.

    Loại thuốc tẩy trộn với thức ăn chỉ hiệu quả nếu bạn cho gà ăn đầy đủ, tốt nhất không giới hạn. Nếu bạn khống chế lượng thức ăn, những con đầu đàn sẽ giành ăn nhiều hơn khiến những con yếu hơn không ăn đủ (mà đây có lẽ là những con đang bị nhiễm giun). Trong quá trình điều trị, gà không được phép ăn rau xanh hay cỏ bởi chúng sẽ bớt ăn thức ăn trộn thuốc, và như vậy là không đủ liều.

    [​IMG]
    Giun đũa lớn, so sánh với đồng xu.

    Ngoài những loại trên, còn có loại thuốc tẩy cho gà uống hay chích trực tiếp. Tuy nhiên, những phương pháp điều trị này không được phát triển hay chấp thuận cho gà. Nghĩa là, tác dụng tẩy giun chưa được kiểm chứng và hiệu ứng phụ của thuốc ảnh hưởng đến chất lượng thịt và trứng.

    Để tránh hiệu ứng phụ (residue) của thuốc trong thịt và trứng, hầu hết các loại thuốc đều ghi thời gian đào thải (withdrawal) trên nhãn và sản phẩn. Thời gian đào thải bắt đầu từ khi ngưng dùng thuốc cho đến khi bạn có thể ăn trứng và thịt của gà được điều trị. Tuy nhiên, mọi người thường dùng các loại thuốc tẩy không dành riêng cho gà nên không ghi thời gian đào thải. Trong trường hợp đó, bạn nên hỏi bác sĩ thú y.

    Ở Hà lan, chỉ có flubendazol (tên thương mại là Flubenol) được cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm chấp thuận dùng cho gà (và không cần thời gian đào thải cho trứng nếu được dùng với liều chỉ định), bởi vậy nếu dùng bất kỳ loại thuốc nào khác thì bạn nên hỏi bác sĩ thú y.

    Khi gà bị nhiễm giun rất nặng, bạn nên bổ sung vitamin cho chúng sau khi điều trị.

    Ngoài việc tẩy giun, bạn nhất định nên làm vệ sinh chuồng trại, thường xuyên vệ sinh khu vực chăn thả. Thuốc sát trùng không thể diệt trứng giun. Bởi vậy nên xịt sạch chuồng trại bằng vòi nước mạnh. Cọ rửa sàn cũng rất hiệu quả. Và nếu có thể: sử dụng súng phun lửa cho tác dụng tuyệt vời!

    Làm sao để xác định gà nhiễm giun

    Khi gà có biểu hiện nhiễm giun, thì không phải lúc nào bạn cũng biết được loại giun.

    Để chắc chắn, điều đầu tiên cần làm là đem một ít phân tươi đến bác sĩ thú y. Bằng kính hiển vi, bác sĩ thú y có thể xác định được có trứng giun trong phân hay không. Trước đó, bạn cần hỏi bác sĩ cách thức thu mẫu phân.

    Nhờ vậy, bạn có thể xác định được không chỉ loại giun bị lây nhiễm, mà còn tẩy giun kịp thời. Điều này phụ thuộc vào mỗi loài và số lượng trứng. Trong một số trường hợp, trứng được đếm (không phải bác sĩ nào cũng làm) và nếu trứng giun tăng đến một số lượng nhất định thì nên tẩy giun.

    Một số lưu ý đặc biệt

    Đôi khi, phân từ ruột tịt bị nhầm là tiêu chảy. Bởi vì gà thải rất nhiều phân “bình thường” và phân “ruột tịt” đi theo ngay sau, nên người ta ít khi để ý đến chúng. Chúng trông hơi giống kem nâu (dân ốp gà chọi gọi là “phân nâu”), mùi hôi đặc trưng và không có chóp trắng (nước tiểu) hay bã thức ăn. Một khi phân này màu hanh vàng hay nâu cam và sủi bọt, thì ruột tịt có thể gặp vấn đề.

    Những loại phân khác đều từ ruột già; chúng là loại phân thường thấy nhất trong chuồng gà. Chúng có dạng cục, chóp trắng, chứa uric acid. Chúng có màu nâu nhạt và có thể còn sót bã thức ăn chưa tiêu hóa hết và có thể hơi xanh nếu gà được ăn rau xanh hay cỏ. Nếu phân không vón mà mỏng và bẹt (lưu ý; không phải là phân ruột tịt!) thì đó là tiêu chảy. Nó thường đi đôi với bết lông xung quanh vùng hậu môn và trứng dơ.

    [​IMG]
    Đây là trường hợp tiêu chảy rõ ràng. Trong hình này, trong phân lẫn rất nhiều giun đũa.

    Thay lời kết

    Một đối tượng dễ nhầm lẫn khác là những sợi nhỏ màu đỏ cam đôi khi lẫn trong phân gà. Trông chúng giống như giun nhưng không phải!

    Đấy là dạng nhớt xuất phát từ ruột già. Khi ruột không hoạt động tốt và không hấp thu đủ dưỡng chất, một phần màng nhầy có thể chết đi và đi vào phân. Vì ruột không thể tiêu hóa những sắc tố như carotene, nên những sợi nhỏ này có màu đỏ-cam.

    Lưu ý! Hiện tượng này cũng có thể xảy ra khi nhiễm giun hay cầu trùng. Bởi vậy nếu bạn phát hiện sớm, chúng tôi đề nghị nên mời bác sĩ thú y đến kiểm tra để tìm ra nguyên nhân thực sự. Những nguyên nhân khác có thể là dinh dưỡng kém hay viêm ruột.

    Nhưng nếu bạn chỉ thấy đôi lần thôi thì cũng không cần phải lo lắng bởi chúng thường vô hại.

    [​IMG]
    Không cả giun lẫn máu, những sợi nhỏ màu đỏ-cam là nhớt ruột. Trường hợp nhiều sợi như hình bên trái rất ít gặp.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16
  2. Nghia_IT

    Nghia_IT New Member

    Anh Đại cho em xin lại số nhé , em bị mất fone nên còn lưu lai đc :)
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội