Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Những lò ấp cổ xưa nhất vẫn đang hoạt động

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 11/3/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Những lò ấp cổ xưa nhất vẫn đang hoạt động
    Dr. Elio Corti & Elly Vogelaar - www.aviculture-europe.nl

    [​IMG]

    Trong các sách gia cầm ngày nay, chúng ta vẫn nghe nói rằng phương pháp ấp trứng nhân tạo cổ xưa nhất được phát minh ở Ai Cập. Diodorus Siculus (sử gia Hy Lạp) viết về điều này trong thời của mình – từ năm 80 đến 20 trước công nguyên. Những tác giả cổ hơn, chẳng hạn như Aristotle và Pliny, viết rằng người Ai Cập từ lâu đã sử dụng một loại “lò” đặc biệt để ấp trứng gia cầm, nhưng không ai biết rõ quy trình này. Điều duy nhất mà mọi người biết là phân lạc đà được sử dụng để cung cấp nhiệt cần thiết cho việc ấp.

    Một thông tin đáng tin cậy về phương pháp ấp trứng của người Ai Cập nằm trong cuốn “Các chuyến du hành của Sir John Mandeville” – viết vào năm 1356.

    Vào thời đó, nhiều nhà phát minh cố gắng chế tạo máy ấp trứng dựa trên phương pháp của người Ai Cập. Nỗ lực đầu tiên được thực hiện bởi Jean Baptiste Della Porta vào năm 1588 ở Ý. Ông bị buộc phải ngưng công việc bởi Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha.

    [​IMG]
    Lò ấp trứng gà của Della Porta, phục dựng bởi kiến trúc sư Claudio Deangelis ở Valenza, Ý năm 1996 – dựa vào các thông tin trong tài liệu, vốn rất khó hiểu, của Porta.

    Vào 1609, Cornelis Drebbel ở Hà Lan phát minh ra “Athenor” – lò ấp gắn cảm biến nhiệt, bao gồm một khoang đốt than, mà khí nóng tỏa xung quanh một hộp đựng trứng. Ông thành công trong việc duy trì nhiệt độ tương đối ổn định và đã ấp được một số gà con, nhưng rồi lại tập trung sang các phát minh khác.

    [​IMG]
    Lò ấp của Cornelis Drebbel, với nhiệt độ ổn định.

    Vào năm 1750, việc ấp nhân tạo lại được quan tâm, khi René-Antoine Ferchault de Réaumur ở Pháp đưa ra một mô tả rất chi tiết về các lò ấp đang được người Ai Cập thời đó sử dụng. Trong lần tái bản cuốn “Art de faire éclorre et d'élever en toute saison des oiseaux domestiques” (1751), (Lai tạo và chăm sóc gà quanh năm), ông mô tả, bằng cách thức đơn giản và bình dân, mọi điều mình biết về các lò ấp khổng lồ ở Ai Cập. Ông từng đến Ai Cập và xin phép tham quan một loạt lò ấp và quy mô của chúng.

    Tóm lược mô tả về lò ấp của Réaumur:

    Réaumur viết rằng nhân công làm việc trong các lò ấp hầu hết thuộc tầng lớp chuyên môn và xuất xứ cùng làng hay vùng Bermé ở lưu vực sông Nile. Nhân công từ Bermé thừa hưởng nghề này theo kiểu “cha truyền con nối”. Chỉ một người là đủ để vận hành một lò ấp, mà nó có thể hoạt động liên tục trong vòng 6 tháng với tổng cộng 8 đợt ấp. Lò được xây bằng gạch nung, sảnh chính với các lỗ cửa, từ sảnh tỏa ra hai dãy phòng ấp – 25 phòng mỗi bên – mỗi phòng chứa đến 4500 trứng. Các phòng tầng trên và tầng dưới nối với sảnh qua lỗ cửa, vừa đủ để một người chui qua. Phòng dưới chứa trứng, xếp trên đệm hay vải bố, và nối với phòng trên qua một lỗ chính giữa nóc, mà kích thước đủ to để nhiệt từ phòng trên tỏa xuống phòng ấp trứng. Ở phòng trên, than phân bò hay lạc đà, vốn được trộn với rơm rồi ép thành bánh, được đốt trong rãnh. Họ dùng loại nhiên liệu này nhằm tạo lửa cháy âm ỉ, vốn được đốt hai lần mỗi ngày, vào buổi sáng và tối, và chỉ trong từ 8-10 ngày ấp đầu tiên. Để tránh thất thoát nhiệt, vải bố được che nửa lỗ thông khí ở phòng trên, để hơi nóng được đẩy qua sảnh. Trứng được đảo mỗi ngày, chuyển đến vị trí ấm hay mát hơn nếu cần và chuyển một phần lên phòng trên khi ngừng đốt lửa.

    Người vận hành lò ấp là một chuyên gia, không cần đến cảm biến nhiệt – dẫu sao nó cũng chẳng tồn tại. Nhiệt độ của trứng được kiểm tra bằng cách áp trứng vào má hay mí mắt. Hai phần ba lượng trứng được ấp sẽ nở.


    [​IMG]
    Sơ đồ lò ấp Ai Cập, minh họa bởi Réaumur.

    Khi trở về Pháp, Réaumur bắt đầu kiểm chứng phương pháp Ai Cập với một số thay đổi. Ông không thể áp dụng rập khuôn theo người Ai Cập bởi khác biệt về khí hậu. Ban đầu, ông sử dụng thùng đựng phân ngựa. Sau đó, ông sử dụng lò than của các tiệm làm bánh ở Paris, điều khiển bởi một nhiệt kế cũng do ông phát minh ra. Sau khi ông mất, lò ấp này được nâng cấp bởi Abbé Jean-Antoine Nollet và sau đó là Abbé Copineau, người cải tiến thiết kế của Réaumur bằng việc dùng đèn cồn để sưởi trứng, điều giúp ổn địch nhiệt độ một cách chính xác hơn.

    Hoàng gia Pháp quan tâm đến chủ đề này, bởi ý tưởng có thịt gà quanh năm. Giai đoạn 1778-1793, nhà vật lý Jean Simon Bonnemain người Pháp chế tạo một lò ấp, mà nguồn nhiệt được lấy từ ống nước nóng và bếp lửa. Thiết kế này được cho là thành công, tuy nhiên, thử nghiệm bị gián đoạn vì thiếu lương thực trong thời Cách mạng Pháp.

    Lò ấp nhân tạo là niềm ước vọng ở nhiều quốc gia. Cùng thời gian đó, ở London, Anh, John Champion thiết kế một “phòng ấp” với các ống dẫn nhiệt, trứng được đặt trên bàn ở giữa phòng.

    Một nỗ lực chế tạo lò ấp khác ở Anh xảy ra trước đó vào 1851 khi William James Cantelo trưng bày lò ấp tại Đại Triển Lãm lần đầu tiên ở London. Lò ấp của Cantelo khá đơn giản, bề ngoài giống như tủ gỗ và có thể đặt ở phòng khách. Phương pháp ấp của ông được gọi là “ấp nước” (hydro incubation) và dựa vào “tiếp xúc nhiệt bên trên” như tự nhiên, tạo ra bởi dòng nước ấm chảy bên trên lớp vải chống thấm, bên dưới đặt trứng. Theo Cantelo, lò ấp có thể sử dụng cho hầu hết các loài chim, từ vẹt, mudhen, vịt, ngỗng… cho đến hạc và đà điểu; hai loài sau được ấp tại khuôn viên của Ngài (Lord) Derby quá cố ở London. Nhưng ông cũng thất bại bởi thiết bị không kinh tế. Cả Wright lẫn Tegetmeier đều không lưu tâm đến công nghệ còn mới mẻ này, bất kể những gì xảy ra một thời gian ngắn sau đó.

    [​IMG]
    Lò ấp nước của Cantelo.

    Cải tiến tiếp tục được thực hiện và các lò ấp mới được đưa ra thị trường, mỗi lò đều có đặc điểm riêng nhưng đều không phổ biến cho đến năm 1877, khi T. Christy giới thiệu một lò ấp được cải tiến đáng kể so với những phiên bản trước đó, bởi nó có thể duy trì nhiệt độ tương đối ổn định; dẫu vậy việc vận hành tốn nhiều công sức. Nó được cải tiến bởi C. Hearson với một đầu cảm biến và được đăng ký bản quyền năm 1881. Lò ấp này là dụng cụ đầu tiên trở nên phổ biến đối với người chăn nuôi gia cầm.

    [​IMG]

    Ở Mỹ, Lyman Byce, một thanh niên 26 tuổi người Canada, người đến Petaluma để chữa bệnh, đã phát minh ra lò ấp điều khiển nhiệt độ vào năm 1879 cùng với Isaac Dias, một nha sĩ địa phương. Cha của Byce nuôi gà và dùng phân gia súc để sưởi ấm chuồng. Với hình ảnh đó trong đầu, anh phát minh ra cách ấp nhân tạo trứng gà. Lò ấp này là một đột phá trong ngành công nghiệp gia cầm Mỹ, nhanh chóng đánh dấu Petaluma trên bản đồ như là “Rổ trứng của thế giới”.

    [​IMG]
    Một mảng tranh tường ở Petaluma, minh họa Lyman Byce với lò ấp của anh. Xem toàn bộ bức tranh ở đây http://www.svn.net/artguy/bigpet.htm

    Với thành công của các dụng cụ ấp mới, người chăn nuôi gia cầm không còn quan tâm đến lò ấp Ai Cập nữa. Khoảng năm 1900, thậm chí Từ điển Bách khoa Anh (Encyclopedia Britannica) cũng đề cập nhưng sơ sài về đề tài này, và sai sót khi nhấn mạnh rằng “… các bí quyết, liên quan đến đức tin tôn giáo và những cá nhân theo đuổi, được gìn giữ bằng lời thề không tiết lộ chúng”. Đây vẫn là chủ đề gây xôn xao và lúc này lúc nọ, các nhà du hành đến Ai Cập, đều nhắc đến phương pháp ấp trứng kỳ diệu này. Trên tờ Hawera and Normanby Star (báo New Zealand) vào thứ 7, ngày 6 tháng 12 năm 1913, ông E.T. Brown, biên tập viên minh họa cho chuyên mục gia cầm, trích dẫn “Dự đoán vào thời điểm hiện tại ở vùng Hạ Ai Cập, có hàng trăm lò ấp như thế này và trong nhiều trường hợp, họ ấp đến 40.000 trứng mỗi mẻ”. Một bài tương tự được xuất bản trên tờ The Lewiston Daily Sun, ngày 9 tháng 1 năm 1914 “Vài năm trước đây, Lãnh sự Mỹ ở Ai Cập dự đoán có đến 90 triệu gà con được ấp nở mỗi năm trong các lò ấp trên cả nước. Rất khó để thuyết phục chủ sở hữu “mamel el firakh” cho người ngoại quốc, thậm chí cả người Ai Cập, tham quan những lò ấp cổ xưa này, mặc dù số lượng lò ấp dọc theo thung lũng sông Nile rất nhiều”. Rồi đến tháng 4 năm 1927, tạp chí National Geographic Magazine đăng phóng sự nổi tiếng của Harry R. Lewis “Món nợ của nước Mỹ với gà mái”, mô tả về lò ấp của Lyman Bryce, nhưng cũng đề cập đến các lò ấp cổ Ai Cập, bao gồm minh họa chi tiết của Charles E. Riddiford, với tựa đề “Sơ đồ minh họa về bố trí kỳ lạ và khéo léo của các lò ấp Ai Cập trứ danh” (xem ở dưới).

    [​IMG]

    Cũng năm đó, tại Hội Nghị Gia Cầm Thế Giới lần thứ 3 tổ chức tại Ottawa, Canada từ 27/7 đến 4/8, năm 1927 – chính phủ Ai Cập đã cho trưng bày một lò ấp cổ truyền với kích thước tương đối.

    Tuy nhiên, việc này không thể ngăn cản một điều rằng sự quan tâm về các lò ấp Ai Cập chỉ còn là vấn đề kiến thức thuần túy. Đối với người chăn nuôi gia cầm ngày nay, nó chỉ là một chủ đề lịch sử mà thôi.

    Vì vậy, bạn có thể tưởng tượng rằng chúng tôi ngạc nhiên đến mức nào khi phát hiện một bài viết gần đây trên mạng về các lò ấp cổ truyền ở Ai Cập, vẫn hoạt động theo cách thức tương tự vài trăm năm trước đây, và thêm nữa chúng tôi đọc thấy các nhân công ấp trứng xuất xứ từ làng Berma, nơi mà nghề ấp trứng đã phát triển từ lâu đời! (Réaumur đề cập đến làng Bermé).

    Về thắc mắc của chúng tôi liên quan đến Berma/Bermé, Olaf Thieme, nhân viên phát triển thuộc Ban Sức khỏe và Sinh sản Động vật của tổ chức FAO, một trong những tác giả của bài viết trên, giải thích như sau “Làng Berma của “chúng tôi” nằm ở tỉnh Al-Gharbbiya, tây bắc Tanta và nghe mọi người nói, nó cùng địa điểm với làng Bermé mà Réaumur đề cập. Vấn đề với các tên Ả Rập đó là việc chuyển ngữ đôi khi sai lệch, điều khiến cho việc nhận dạng địa điểm đối với độc giả gặp khó khăn”. Trên Google Maps, nó được ghi là Birma và như bạn thấy, lại một cách phiên âm khác. Vị trí tương đối là 30°50’45.55” Bắc và 30°54’35.50” Đông".

    Ngoài ra, Olaf Thieme còn cung cấp cho chúng tôi những hình ảnh cho thấy các lò ấp ngày nay hoạt động như thế nào. Từ bài viết này, sau cùng chúng ta có thể biết mọi thứ về phương pháp kỳ diệu mà người Ai Cập ấp trứng, mà dường như họ đã áp dụng kể từ thời của các Pharaoh.

    [​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG][​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG][​IMG]
    [​IMG][​IMG]
    [​IMG]


    Gà trong thời đế quốc La Mã
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/2/18

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội