Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Kiểm tra tổng thể để xác định tình trạng sức khỏe của gà

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 31/1/12.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Kiểm tra tổng thể để xác định tình trạng sức khỏe của gà
    Lisa (Fresh Eggs Daily Farm) – www.grit.com

    Ngoài việc cho ăn và vệ sinh chuồng trại, bạn nên dành thời gian theo dõi gà để nắm bắt những biến đổi về hành vi và hình dạng của chúng. Bạn càng phát hiện sớm vấn đề thì càng tốt. Gà là bậc thầy về che dấu bệnh tật và thường khi bạn phát hiện ra vấn đề thì đã quá trễ.

    Hãy bắt từng con để kiểm tra xem có gì bất thường hay không. Quan sát hành vi của nó – bình thường hay ủ rũ, nặng nề hay có biểu hiện đau đớn. Vài phút kiểm tra tổng thể sẽ giúp phát hiện sớm vấn đề. Bệnh tật không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn tác động đến tuổi thọ cũng như sản lượng trứng.

    Sau đây là danh mục kiểm tra:

    Mồng: Phải tươi sáng và không có đốm đen vốn là dấu hiệu bỏng lạnh hay tệ hơn là bệnh đậu gà, từ muỗi truyền qua. Không có thuốc điều trị bệnh đậu gà, những con bị bệnh cần cách ly, giữ ấm và chế độ ăn đặc biệt. Đốm đen được bôi bằng mỡ vaseline để ngừa nhiễm trùng và chóng lành. Mồng tím tái là dấu hiệu hô hấp có vấn đề vì không lấy đủ ô-xy hoặc bệnh tim hay đột quỵ. Mồng nhợt nhạt là dấu hiệu mất nhiệt hay đơn giản gà vừa đẻ trứng. Việc đẻ trứng huy động máu xuống vùng huyệt khiến cho mồng và tích nhợt nhạt. Màu sắc sẽ trở lại bình thường sau đó.

    Mắt: Mắt phải sáng và tinh anh. Nếu bạn thấy mắt nhấp nháy liên tục thì có khả năng bụi bay vào mắt và chỉ cần nhỏ mắt ngày hai lần là ổn. Mắt kéo màng, ngấn nước hay dụi mắt có thể là viêm màng kết (conjunctivitis) vì ammonia tồn đọng trong lớp nền. Một lần nữa, hãy nhỏ mắt và dọn vệ sinh chuồng trại. Mắt mũi chảy nước và ho là dấu hiệu viêm đường hô hấp. Gà cực kỳ mẫn cảm với bệnh này. Mắt ngấn nước, sưng phồng, có mủ hay hai mí dính vào nhau có thể là dấu hiệu của bệnh giun mắt. Đôi khi giun xuất hiện ngay dưới mí, bò lổn ngổn (đây là loại giun lây từ gián). Gà bắt đầu quẹt mắt vào cánh và làm trầy xước con ngươi. Bệnh giun mắt có thể điều trị một cách dễ dàng bằng VetRx. Hòa một muỗng trà VetRx vào chén nước ấm. Thấm vải vào nước thuốc rồi đắp lên miệng gà, giữ gà chổng ngược để mủ chảy hết. Nước thuốc cũng rỉ ra từ hai bên mép. Lập lại mỗi ngày cho đến khi hết bệnh.

    Diều: Vào buổi sáng, diều phải trống. Nếu diều cứng và căng hoặc đặc quánh thì gà bị ké diều. Điều trị ngay lập tức nếu có thể.

    Ức/bụng: Bạn phải cảm nhận được xương lườn, nhưng nó không được nhô quá cao. Đây là cách kiểm tra sức khỏe tổng quát/trọng lượng hiệu quả. Ức trụi lông có thể đồng nghĩa với mái ấp hoặc đó có thể là vết phồng rộp vì mái mập đè ngực lên chạc. Mổ vết phồng rộp, bôi Neosporine và quấn vải mềm quanh chạc để tránh phồng rộp. Bụng phải mềm mại. Nếu bụng căng hay bạn cảm thấy khối cứng, gà của bạn có thể bị tắc trứng nếu nó trông có vẻ lừ đừ hay rặn vẫy đuôi.

    Cánh: Kiểm tra dưới cánh xem có rận, ghẻ, ve hay ký sinh trùng nào khác không. Nếu có thì tắm gà bằng nước ấm pha muối, dấm và nước rửa chén rồi xức bột diatom (Diatomaceous Earth). Bắt ve bằng nhíp rồi xức Neosporine. Bổ sung tỏi tươi hay tỏi bột vào khẩu phần bởi mùi tỏi sẽ làm máu gà bớt hấp dẫn với ký sinh. Bạn cũng có thể xịt dung dịch 10% tỏi vào những nơi có ghẻ. Kiểm tra vùng trụi lông bởi gà thường mổ nhau khi tranh giành thứ hạng bầy đàn. Vùng lông trụi nên được xức Blue_Kote để tránh mổ hoặc che bằng yếm (saddle).

    Huyệt: Phải ẩm và hồng. Huyệt khô, nhợt nhạt chứng tỏ gà không đẻ. Lông bết phân cần rửa bằng nước ấm – hoặc tỉa nếu cần. Bổ sung chất lợi khuẩn vào thức ăn có thể phòng ngừa hiện tượng lông bết phân. Lông ủ rũ và bết phân có thể là dấu hiệu của bệnh cầu trùng, một loại bệnh đường tiêu hóa nghiêm trọng, mà nó được điều trị bằng kháng sinh/amprolium hay loại thuốc chính thức Kocci Free. Ký sinh nội (giun sán) có thể xuất hiện trong phân. Tẩy giun hai lần mỗi năm để đề phòng và điều trị giun. Một lần nữa, kiểm tra ký sinh ở vùng quanh hậu môn. Nếu bạn thấy có bất kỳ loại ký sinh nào, thì nhất định phải vệ sinh toàn bộ chuồng trại và rắc bột diatom lên nền, chạc và ổ đẻ trước khi trải lớp đệm.

    Chân: Phải trơn láng và tươi tắn (trừ loại chân đen và chân chì). Vảy sần sùi là dấu hiệu của bệnh sùng chân. Bôi dầu vaseline lên chân để diệt con sùng. Chân và ngón nhợt nhạt là dấu hiệu mái đẻ tốt bởi tất cả xanthophyll lấy từ bắp, cỏ linh lăng và những thức ăn khác đều được chuyển hóa vào lòng đỏ thay vì dự trữ ở mỏ, chân và ngón. Bổ sung bắp, cúc vàng (marigold) hay cỏ linh lăng vào khẩu phần ăn có thể cải thiện vấn đề.

    Ngón: Kiểm tra khối u, nếu không có vết cắt hoặc vết thương hở thì hầu như do gà tiếp đất khó khăn từ chạc cao và sẽ khỏi sau vài ngày. Chậu sưng to và nóng sốt có thể do bị dính dằm và cần dùng nhíp gắp ra ngay. Đốm đen dưới chậu có thể do viêm nhiễm nghiêm trọng gọi là ké chậu và phải điều trị ngay.

    Tổng thể: Lông phải bóng mượt và không gãy. Lông gãy hay xơ xác có thể là dâu hiệu thiếu protein và cần bổ sung cho đến khi vấn đề được giải quyết. Bạc nhạc nấu, trùn đất, trứng luộc là những nguồn thích hợp. Lông gãy cũng là dấu hiệu chuột thâm nhập chuồng gà và gặm lông lúc gà đang ngủ. Phải kiểm tra chuồng và bịt kín các lỗ nhỏ hơn 2.5 cm. Lông thiếu, gãy hay nhợt nhạt có thể là dấu hiệu gà đang thay lông. Bổ sung protein sẽ tốt cho gà. Nếu gà ủ rũ, thụ động, yếu, lờ đờ, ho, chảy mũi hay trông không được khỏe mạnh thì có thể mắc bệnh truyền nhiễm, cần điều trị ngay lập tức. Hãy tin vào linh cảm của mình. Bạn sẽ biết khi nào bầy gà có vấn đề. Đây là một số thông tin về bệnh ở gia cầm http://pubs.ext.vt.edu/2902/2902-1094/2902-1094.html. Và bạn cũng cần chuẩn bị một bộ sơ cứu (first aid kit) để dùng đến khi cần. Còn đây là tài liệu hướng dẫn điều trị các bệnh thông thường ở gà bằng phương pháp hữu cơ: http://www.countryfarm-lifestyles.com/support-files/natural-remedies-for-chicken-diseases.pdf. Bằng việc dành ra vài phút để kiểm tra gà mỗi tuần, bạn sẽ đảm bảo chúng luôn ở trong tình trạng mạnh khỏe. Dĩ nhiên, như Ben Franklin nói “một chút phòng bệnh tương đương với cả tấn chữa trị”.


    ********************************


    Đây là công thức tự bào chế thuốc mỡ sát trùng (antiseptic ointment) để bôi vào vết thương.

    1-1/2 ounce sáp ong (1 ounce = 28 g)
    1 chén dầu ô-liu hay dầu dừa
    1/4 muỗng trà dung dịch vitamin E (giúp lên da non)
    1/2 muỗng trà dầu tràm (kháng sinh, kháng khuẩn và kháng nấm)
    10 giọt tinh dầu oải hương - lavender (thư dãn, giảm đau, kháng khuẩn và kháng nấm)
    10 giọt tinh dầu chanh (kháng khuẩn, kháng virus)

    Đun chảy sáp ong và trộn với dầu dừa hay dầu ô-liu trong nồi hai đáy lửa nhỏ. Để nguội và trộn thêm vitamin E và tinh dầu. Đổ vào lọ thủy tinh và để nguội. Trữ nơi râm mát.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/4/13

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội