Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Murgh-Nāma (Đấu Kê Trích Lục)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 9/7/13.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Murgh-Nāma (Đấu Kê Trích Lục)


    ***************************************************

    Murgh-Nāma, hay “Đấu Kê Trích Lục” (Extract On Cocking) là một phần trong tác phẩm thể thao được Nawāb Yār Muḥammad Khān ở Rāmpūr, Ấn Độ viết vào năm 1883. Tác giả là người quyền quý trong xã hội, (Nawāb là chức vị “phó vương”), bởi vậy trong bài thấy có sử dụng những thành phần xa xỉ như long diên hương, xạ hương và lá vàng. Trích lục được trung tá Phillott dịch sang tiếng Anh cho hội “Asiatic Society of Bengal” và được hội này xuất bản vào tháng 2 năm 1910. C. A. Finsterbusch có trích dẫn một đoạn trong cuốn sách nổi tiếng “Cockfighting All Over The World” (1929). Theo thông tin trên mạng, tác phẩm được tái bản vào năm 2010 với nội dung đầy đủ và được chú giải bởi John Palmer, Christchurch, New Zealand. Bản dịch dưới đây được đăng trong sách “A Monograph Of The Pheasants” (1921) của William Beebe. Là nhà khoa học, William Beebe cảm thấy nhiều chỗ “nhàm chán” nên ông lược bỏ bớt khiến cho nội dung không khỏi thiếu sót đối với người chơi gà.

    ***************************************************


    [​IMG]
    Tranh đá gà ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ 17 (Bảo tàng Hồi giáo Berlin, Đức)


    Mức độ quan trọng của trò chọi gà đối với người Ấn bản xứ được thể hiện qua chuyên luận thú vị có tên Murgh-Nāma, hay “Đấu Kê Trích Lục” (Extract On Cocking). Nó là một phần của Ṣayd-gāh-i Shawkatī, một tác phẩm thể thao bằng tiếng Urdu được viết bởi Nawāb Yār Muḥammad Khān ở Rāmpūr nhiều năm trước. Tôi đăng vài trích đoạn ở đây, vốn được dịch sang tiếng Anh bởi bạn tôi, trung tá D. C. Phillott, cho Á Châu Học Hội Bengal (Asiatic Society of Bengal):

    “Sư kê phải biết rằng có bốn giống gà Ấn. Trước hết là tenī, hay gà vườn, nuôi để lấy thịt; thứ nhì là ghāgas tức gà pha giữa gà chọi và tenī; thứ ba là karnātak, giống gà mà toàn bộ da, xương, lưỡi, mắt và máu đều màu đen; giống này không đá đấm gì được; và thứ tư là asīl hay gà chọi Ấn, vốn được nuôi để đá trường.

    “Các đặc điểm của gà chọi Ấn bao gồm: mỏ trắng, cán trắng, mắt trắng và vằn tia máu đỏ (nếu màu trắng hơi hanh vàng cũng không sao), mồng kích thước trung bình, cằm và má rộng, chắc và ít thịt, xương cổ nhỏ, toàn bộ cần cổ giống như một thanh sắt, phao câu lớn, lông đuôi nhỏ, cằm và cánh không dày thịt. Tiếng gáy không dài như gà vườn. Những giống gà hay nhất xuất xứ từ Haiderabad, Deccan.

    “Khi trống tơ độ một tuổi, sư kê phải tách bầy, cho ăn bājra tức hạt kê (millet) ngâm. Nếu không có bājra thì có thể thay bằng bột mì trộn bơ. Trường hợp nào cũng phải cho chúng ít nước để uống. Khi gà thật sung mãn, sư kê phải chườm nóng bằng bơ (hơ nóng tay trên lửa, nhúng bàn tay và các ngón vào bơ và áp vào khớp hông), và cho ăn hai lòng đỏ trứng. Sau đây là phương pháp cho ăn lòng đỏ trứng:

    “Lấy một lòng đỏ trứng, một tolā (khoảng 20 grain ~ 1.3 g) bơ, một māsha muối hồ Sambhar và bốn māsha hạt tiêu; trộn đều và sao bán khô (half-fry), rồi cho gà tơ ăn, cho uống nước sau mỗi ba hay bốn ngày. Điều này sẽ khiến nó mạnh mẽ và hăng hái.

    “Một công thức khác. Lấy 200 lòng đỏ trứng, 2 māsha xạ hương (musk), 2 māsha long diên hương (ambergris), 2 māsha nghệ tây (saffron), 5 ser đường trắng, 2½ ser hạnh nhân (almond kernel), 2½ ser hạt thông (edible pine), 2 ser hạt hồ trăn (pista), 1 ser hạt óc chó, 6 ser bơ và 5 ser bột mì. Trước hết sao đều bột mì với bơ, rồi rắc thêm đường. Kế đến trộn tất cả thành phần (trừ nghệ tây), vốn đã nghiền nát trước đó vào. Rồi mới bỏ thêm nghệ tây nhúng “nước kewra”. Ngày đầu cho ăn một tolā, rắc trên khẩu phần bột mì và bơ, để khử đờm dãi trong họng gà. Rồi bịt mỏ, bằng bao da hay dây quấn (để gà không thể ăn uống gì được) và thả nó ra để tự vận động. Có hai giấc tập luyện, giấc đầu từ sớm cho đến bảy giờ sáng, rồi gà tơ được cho ăn, phun nước (tức ngậm nước trong mồm phun lên mình gà, như mấy tay giặt ủi người Tàu) rồi nhốt vào lồng tròn hay vuông. Vào bốn giờ chiều, lại thả gà, phun nước, bịt mỏ và để chạy nhảy thoải mái đến năm giờ. Phải theo dõi xem gà có mạnh lên hay không. Nếu gà mạnh mẽ và hăng hái, thì phải thêm halwā và giảm bột mì. Nếu gà không mạnh mà lại béo ra, thì vào buổi tối, nó phải được chườm nóng bằng một tấm đệm (pad). Nếu mỡ đóng ở langot (ruột), nó sẽ giảm bớt sau khi chườm và gà được nhốt ở nơi ấm áp, không có gió lùa. Vào buổi sáng, gà được xổ trong hai pānī – [do pānī: một độ gà diễn ra trong nhiều pānī hay giờ nghỉ. Ngày đầu, pānī đầu 20 phút, thứ hai 30 phút, thứ ba 40 phút, thứ tư 50 phút, và thứ năm 60 phút. Ngày thứ hai (hay sau pānī thứ năm) mỗi pānī kéo dài 60 phút. Ngày đầu, độ gà diễn ra trong khoảng từ hai đến bốn giờ chiều, thường vào giờ sau. Ngày thứ hai, phải đá đúng hai giờ chiều. Nếu một bên không hiện diện hoặc thả gà đúng giờ quy định thì coi như mất một pānī. Giả sử A đá với B trong 5 pānī. A thấy gà mình bị tang nặng; ông gọi một pānī. Trận đấu tạm ngưng 20 phút, trong thời gian đó nài hai bên phun nước gà .v.v. Tuy nhiên, A hiện chỉ còn 4 quyền gọi pānī, trong khi B vẫn đủ năm. Sư kê nào gọi hết 5 pānī sẽ bị thua và chung độ. Dẫu thời lượng của mỗi pānī là cố định theo luật, không có giới hạn thời lượng mỗi hiệp đấu. Đây là luật bất thành văn] – với một dalbā – [dalbā là gà vườn hay gà mồi, nhốt chung để chọi tơ tập cắn mổ. Còn chutthā là cút mồi nhốt chung để cút chọi tập cắn mổ] – để xem nó có tiến bộ hay không. Nếu nó tiến bộ thì cứ duy trì trọng lượng và tình trạng này. Nếu nó không tiến bộ, lại đá tiếp với trọng lượng mập, ốm và bình thường, và quan sát xem trong tình trạng nào gà đá tốt nhất và duy trì tình trạng đó. Mỗi tuần tăng số lần xổ với dalbā thêm một lượt, cho đến pānī thứ mười một, mà các sư kê gọi là lām.

    “Thuốc đắp được tổng hợp từ – [tôi phải bỏ qua những chi tiết nhàm chán về trọng lượng và đo lường (W.B)] – nghệ, vỏ quế, India rennet (một loại cây ở Ấn), vỏ lựu (pomegranate), hạt cumin (white cumin), thiến thảo (Indian madder), vú lá sồi (gall oak), nước lá trầu (betel-leaf juice) và một lượng vừa đủ rượu tinh lọc (double-distilled). Nghiền nát những thứ này, đánh nhuyễn trong rượu và nước trầu, rồi đắp lên mặt gà.

    “Ngay trước trận đấu, cho gà uống như sau: si-rô lựu, táo và mộc qua (quince), hoàng liên gai (barberry), hạt dưa leo, diếp xoăn (endive chicory) và bầu nâu (bel fruit). Nghiền nát, thêm si-ro lựu; vo thành viên, bọc giấy bạc, và cho gà ăn; sau một ghari [độ nửa giờ] đem đến trường và đá. Nếu bạn thấy gà chưa đủ sung, cho nó nửa miếng jalebi tươi [một loại bánh làm từ sữa, bột và đường], hạt tiêu và một trứng gà, trộn trong nước tỏi và gừng non (green ginger). Kế đó, dùng dây vải cột cựa và phun nước, nhử nó đá cho sung. Từ đây thành bại không còn phụ thuộc vào sư kê nữa.

    “Theo quan điểm của tác giả, gà hay có mỏ dày, mạnh và trắng như mô tả ở trên; mắt trắng, óng ánh như ngọc trai (pearl); hàm và đầu to; mồng nhỏ; xương tūtan nổi rõ; cổ ngắn và xương cổ nhỏ, gọn, cần nhỏ, không thịt và cứng như thanh sắt; và lưng rộng như cối xay tay bằng đá; lông có đốm và đẹp như lông công. Gà phải đẹp đẽ và gọn gàng, lanh lợi và nhanh nhẹn như rắn hổ mang; khi đá nó phải hama-gīr [mổ vào bất kỳ phần thân thể nào của địch thủ], và thoái bộ sau khi đá để tránh địch trả đòn; và khi bị trúng đòn, nó phải trả treo khiến địch thủ đau thấu xương, kêu la như thể bị ai cứa cổ.

    “Để gà tơ mạnh khỏe và đủ điều kiện đá trường. Khi được bốn tháng tuổi, sư kê phải tách khỏi gà mẹ và làm thân với nó, và hàng ngày đút cho nó hai hạnh nhân trộn với ātā [bột mì thô] và cho ăn pilā hay sālan [bất kỳ thứ gì ăn với bánh mì hay cơm, và nhất là rau nấu với thịt như cà-ry .v.v. Gà chọi được đút cho ăn bằng tay, và không được phép mổ thức ăn từ nền đất để mỏ không bị mòn. Một số gà chọi quá quen với tay người đến độ chúng thà nhịn còn hơn là mổ thức ăn từ nền] - .v.v. chẳng hạn, bất kỳ thứ gì mà sư kê ăn, và cho nó halwā lòng đỏ trứng, theo công thức sau:

    Công thức: một lòng đỏ trứng, chín māsha bơ gạn (clarified butter), một tolā đường trắng, hai māsha tiêu bột, một māsha hạt ớt, ba hạnh nhân, hai hạt hồ trăn (pista), hai trái nho khô đen (black raisin), một lá vàng (gold leaf), 25 dam bột mì [theo Makhzan, chỗ này tương đương với 20 māsha], ba māsha muối mỏ Lahore – làm thành một halwā.

    “Vào buổi sáng, cho ăn một nửa khẩu phần halwā, và bên trên là nửa khẩu phần viên bột mì thô. Sau khi luyện gà, đeo bịt mỏ, phun nước lên mặt, xoa bóp bằng tay (cào và day chân và khớp), và nhốt vào qalqul hay lồng vuông, thả gà ra sau bốn giờ chiều. Sau một lúc, để ý xem gà có khát hay không, nếu có, bắt nó ra khỏi lồng và cho uống nước. Thả ra lúc bốn giờ chiều. Nếu khát nó sẽ uống. Bằng không, nó sẽ không uống, rồi lại phun nước và xoa bóp cho nó, và để nó vận động trong một giờ. Sau đó, đưa gà vào nhà và nhốt mái vào một bội nhỏ (basket-cage), thả rông trống để nó thấy mái và chạy lòng vòng xung quanh, và nhờ tập luyện như vậy mà nó trở nên mạnh khỏe, nhưng đừng để nó de mái. Sau khi chạy, bồng gà trống và xoa bóp cho nó. Vào buổi tối, kiểm tra xem trống có tiêu hóa hết thức ăn không. Nếu hết thì lại cho nó halwā v.v. như trước. Tuy nhiên, nếu gà không tiêu hóa hết bữa sáng, cho nó vài hạt tiêu; sư kê nên cho ăn tiếp hạt tiêu vào buổi tối, và giữ gà thức bằng cách để đèn sáng trong một giờ, gãi bên dưới phao câu để khiến nó tự tiết dầu. Rồi đặt nó lên một cái đu làm từ nôi em bé, đung đưa trong một giờ, bằng không đặt nó lên chạc. Rồi nhốt riêng nó trong bội. Buổi sáng vào giờ cầu nguyện [khoảng một giờ trước khi mặt trời mọc] bắt gà ra khỏi lồng, cho uống và phun nước, rồi bịt mỏ và để tự vận động trong vòng một giờ. Sau đó cho gà ăn. Bạn phải tăng dần lượng halwā, và giảm dần bột mì, cho ăn và chăm sóc như mô tả ở trên trong vòng bốn mươi ngày. Mỗi tuần một lần, vào buổi tối, chườm bằng tấm đệm nóng, ẩm ở những vùng tích mỡ trên cơ thể. Những nơi cần chườm nóng bao gồm, đầu tiên là từ đầu xuống cổ, hay đến gần vai, kế đến là mặt trên hai cánh, mặt trong và ngoài đùi, lưng và khớp hông, và vùng bụng giữa hai chân, bỏ qua bụng dưới, rồi đến ngực. Mục đích của việc chườm nóng là làm cho cơ và khớp rắn chắc.

    “Khi gà đạt mười tháng tuổi, xổ trong một pānī với gà mồi dalbā cùng độ tuổi, nhưng nhớ bịt mỏ dalbā. Sau đó phun nước và mút (suck) mỏ và mặt gà thật kỹ để làm sạch máu, rồi lấy giẻ nhúng nước và lau sạch bên trong họng gà.

    “Gà mồi phải bịt mỏ và cựa trước khi xổ với gà chiến.

    “Một sư kê tuyên bố rằng gà tơ không được đá cho đến khi đạt một năm tuổi, và rằng nó phải xổ với gà mồi cùng độ tuổi trong vòng năm phút ngày đầu tiên, mười phút ngày thứ hai, mười lăm phút ngày thứ ba, rồi sau đó xổ bao lâu tùy thích, và khi hết giờ gà được tách ra để mút mỏ và thổi hơi (Khi con nít té và bị thương, người Ấn thường thổi lên vết thương để làm mát và giảm đau).

    “Nếu hàm mập hay nếu tích to, thì cần cắt bỏ rồi lấy dầu của bhilāwan và bôi lên mặt gà, và nhờ thượng đế phù hộ, lỗi tật này sẽ được loại bỏ và không bao giờ tái lại nữa. Nếu mồng quá lớn thì phải cắt bỏ, chờ sau khi xổ, ngay lập tức cắt mồng đến kích cỡ mong muốn, rồi đắp mạng nhện lên vết thương hoặc cầm máu bằng lông tơ nhổ dưới cánh: chừng nào mà vết thương chưa lành hẳn, đừng phun nước gà. “Lấy một quarter (~7 g) nghệ (tumeric), thêm nửa hạt mã tiền (nux vomica) và một ít vôi ăn trầu rồi đun nóng, và đắp hỗn hợp lên mặt gà; nếu mùa lạnh thì để gà phơi nắng, nếu mùa nóng thì để gà chỗ mát. Gà không được ăn gì vào ban ngày, nhưng buổi tối sau khi chườm nóng, nó được cho ăn halwā hay bánh mì nhúng sữa tươi. Vào buổi tối, gà được chườm nóng bằng một tấm đắp nhúng trong nước thuốc (decoction).

    “Sau mười lăm ngày, khi gà lành vết thương, để nó xổ trong hai pānī với gà mồi không bịt mỏ như đã mô tả ở trên. Sau hai chục ngày, lại xổ tiếp ba pānī như trên. Sau bốn chục ngày, để nó xổ bốn pānī và sau cùng, sau một thời gian, năm pānī. Sau khi xổ năm pānī, sư kê phải chườm mặt gà bằng một túi halwā nhỏ, và nhúng tấm đệm vào nước nóng, ông cần chườm lưng, khớp hông, hai bên khớp vai, ngực và giữa hai chân như đã nói ở trên. Sau buổi chườm nóng này, ông phải cho gà ăn halwā hay bánh mì nhúng sữa tươi. Vào buổi sáng, ông lại chườm nóng theo lối cũ, và trộn một ít missi tốt nhất trong rượu, đun nóng rồi đắp lên mặt gà. Tăng dần số lượng pānī lên mười một, làm như ở trên. Rồi khi đem đá độ với ai đó, trước hết cho gà nhịn ăn và cầu trời để gà địch đá không bằng gà bạn.

    “Ngay trước khi đá, bạn (trong trạng thái thanh tịnh) phải lặp lại câu này ở mỗi bên tai gà một lần, “Allah vĩ đại” và ngân nga, và nếu thượng đế chí tôn phù hộ thì gà của bạn sẽ bất bại.

    “Nếu gà của bạn có dấu hiệu tung bồ (flight), thì làm như sau:

    “Xạ hương, tabāshīr, bạch đậu khấu (cardamom), nghiền và bọc trong giấy. Lấy hai ounce (~56 g) nước cốt hạt tiểu hồi hương (fennel) và bỏ vào lọ. Khi thấy gà có dấu hiệu tung bồ, trước hết cho nó hai māsha bột thuốc, rồi thêm hai tolā nước cốt. Gà của bạn sẽ sung trở lại và không bao giờ bỏ chạy.

    “Nếu bạn muốn gà giải nghệ và đổ mái, nếu vậy hãy ghép nó với mái trưởng thành nhưng nhất định phải bố trí vào một ngày xuân ấm áp. Bạn không được cản với mái tơ”.



    =============================================================



    Ghi chú

    *Bản dịch và chú giải đầy đủ: Murgh-Nāma (từ bản tiếng Anh của Phillott)

    *Rāmpūr là thân bang (
    princely state) được thành lập vào 1775 bởi Nawab Faizullah Khan dưới sự chứng kiến của chỉ huy người Anh đại tá Champion. Faizullah Khan là lãnh đạo người pashtuns. Gia tộc ông di cư đến Hindustan (hiện là Ấn Độ) trong triều đại Munghal (1526 – 1857). Nhiều chiến binh cấp cao và quan lại phục vụ trong triều đình Mughal là người pashtuns. Lúc này đế quốc Mughal đã suy yếu, ảnh hưởng của người Anh và Công ty Đông Ấn từ Bengal ngày càng mạnh. Sau khi độc lập từ 1949, Rāmpūr được sát nhập vào Ấn Độ và trở thành một quận thuộc bang Utta Pradesh nằm ở vùng tây bắc Ấn Độ ngày nay.

    *Nawab là tước vị được Hoàng Đế Mughal ban cho một nhà cai trị Hồi giáo của thân bang bán-tự trị (semi-autonomous) ở tiểu lục địa Ấn Độ. Nawab tương đương với Đại Công Tước (Grand Duke), chỉ dưới Vua (Sultan) và Hoàng Đế (Caliph); đứng trên Thái Tử (Miza) và các tước hiệu khác. Về quyền hành, Nawab tương đương với Viceroy tức Tổng Trấn hay Phó Vương. Có nguồn cho rằng cách dịch sau là máy móc và kém chính xác, nhưng xét trên khía cạnh cha truyền con nối, Phó Vương lại phù hợp hơn. Trong cuốn Lịch sử văn minh Ấn Độ của Will Durant, dịch giả Nguyễn Hiến Lê gọi Nawab là Tiểu Vương.

    *Về ngôn ngữ trong sách gốc. Urdu là ngôn ngữ Indo-Aryan với khoảng 75% căn bản tiếng Phạn (Sanskrit) và Pali (Prakrit); 25% còn lại là ảnh hưởng của tiếng Ba Tư và Ả Rập ở mức độ ít hơn. Đây là ngôn ngữ của tầng lớp thống trị ở miền bắc tiểu lục địa Ấn Độ vốn là người Hồi gốc gác Trung Á. Chữ Urdu là Perso-Arabic vốn bắt nguồn từ chữ Ả Rập.

    *Về tác giả Murgh-Nāma. Phó vương (Nawab) Kalb Ali Khan (1865 - 1887) là một nhà cai trị tài năng, học giả tiếng Ả Rập và Ba Tư, nhà bảo trợ khắp Ấn Độ và thế giới Hồi giáo. Dưới thời ông, bang Rāmpūr đã làm rất nhiều để nâng cao tiêu chuẩn giáo dục, mở rộng kiến trúc, văn học và nghệ thuật nói chung. Ông xây dựng nhiều công trình và kênh đào mới, mở rộng thư viện Rāmpūr, xây thánh đường Jama Masjid ở Rāmpūr với giá 300,000 rupees.

    *Về dịch giả
    D. C. Phillott. Trung tá (Lieutenant-Colonel) Douglas Craven Phillott (1869 – 1930) là sĩ quan quân đội Anh, người phục vụ ở Ấn Độ và sau này làm Lãnh Sự (Consul) ở Ba Tư (Persia). Một học giả tiếng Urdu, Ba Tư và Ấn Độ, ông đã xuất bản một số bản dịch văn học và công trình lịch sử. Ông cũng quan tâm đến falconry [nghệ thuật huấn luyện chim săn mồi] và đăng bản dịch một luận thuyết Ba Tư về chủ đề.

    Phillott sinh tại Cambridge, là con trai thứ ba của ông Henry Rodney Phillott thuộc quân đội Ấn và bà Lilias Syme. Ông học tại trường Felsted ở Essex từ 1874 đến 1878 trước khi nhận nhiệm vụ gia nhập quân đội Ấn vào 1880 và sau này được huấn luyện tại Sandhurst. Ông theo dõi hoạt động trong các chiến dịch ở Zhob Valley, Hazara và nhận General Service Medal vào 1891. Ông cũng tham gia nhiệm vụ Ublan Pass tại Saman và ở thung lũng Kurram mà nhờ đó ông nhận được một huy chương hai vạch. Ông được thăng trung úy (lieutenant) vào 1881, đại úy (captain) vào 1891, thiếu tá (major) vào 1900, và trung tá (lieutenant-colonel) vào 1906. Ông về hưu vào 1906 từ đội Kỵ Binh (Calvary) Punjab thứ 3 (sau là thứ 23) và trở thành Thư Ký cho Ban Giám Sát ở Calcutta (Kolkata). Ông làm Lãnh Sự ở Ba Tư (Iran) từ 1901 đến 1903.

    Trong Thế Chiến Thứ Nhất, ông phục vụ như là giám sát trưởng (chief sensor) tù nhân ở Cairo và Port Said. Rồi ông trở về Anh sống ở Maida Vale và sau này Felsted và làm giám thị tiếng Urdu và Ba Tư ở Đại Học Cambridge cho đến khi mất vào 1930.

    Phillott xuất bản ngữ pháp Ba Tư, tiếp Ả Rập Ai Cập về falconry. Ông cũng đóng góp vài ghi chép về điểu học (ornithology). Phillott được bầu làm thành viên (member) của Á Châu Học Hội Bengal (Asiatic Society of Bengal) vào 1889 và thân hữu (fellow) vào 1910 [viết tắt F.A.S.B tức Fellow of Asiatic Society of Bengal]; và ông xuất bản trong tạp chí của hội và phục vụ như là thư ký cho Ban Ngữ Văn (Philological Committee).

    Ông dịch nhiều tác phẩm sang tiếng Anh, phổ biến nhất trong số đó là From Sepoy to Subedar, tác phẩm được cho là viết bởi một một chiến binh Ấn và bao gồm những hồi tưởng về cuộc nổi loạn 1857. Ông xuất bản The Bāz-nāma-yi Nāṣirī, a Persian treatise falconry vốn là công trình chính về falconry cổ truyền của Iran cũng như một bản dịch về Ain-i-Akbari. Ông cũng đóng vai trò chính trong việc xuất bản dịch phẩm tiếng Ba Tư của cuốn The Adventures of Haji Baba of Ispahan được viết bởi James Justinian Morier. Bản dịch, vốn ban đầu được thực hiện bởi Mirza Habib Esfahani, được quy một cách sai lầm cho Sheykh Ahmad Ruhi Kermani mà hình ảnh của ông xuất hiện ở trang đầu cuốn sách. Nghiên cứu chỉ ra rằng bản dịch của Esfahani, dẫu được hết sức ca ngợi nhờ sự trôi chảy và cách tân của nó, bao gồm những điều chỉnh và bổ sung nhằm gợi ý rằng, Ba Tư hồi đó, được cai trị bởi những nhà chuyên chế không giống với văn hóa tiến bộ của Constantinople. Mục đích của Esfahani là không rõ ràng nhưng được cho là sự mỉa mai mang động cơ chính trị. Phillott nhận bằng tiến sĩ danh dự từ Đại Học Calcutta vào 1912.

    *Về Á Châu Học Hội Bengal (Asiatic Society of Bengal). Hội do nhà ngữ văn sir William Jones vận động thành lập vào 1784 tại Calcutta (Kolkata) với mục đích nghiên cứu về phương Đông. Ảnh ông được thiết kế ở trang bìa của tạp chí Hội (Journal of Asiatic Society of Bengal) dưới hình thức một quý tộc La Mã! Ban đầu Hội tập hợp các nhà phương Đông học ưu tú gốc gác châu Âu, người Ấn được kết nạp kể từ 1829. Tạp chí Hội có bài “Note on the Geography of Cochin China” (vol. VI, pt. 2, 1837, p. 737) của giám mục Jean-Louis Taberd; qua đó ghi nhận quần đảo Hoàng Sa được chinh phục và tuyên bố chủ quyền bởi hoàng đế Gia Long vào 1816.

    *Một số phiên bản và thông tin liên quan đến Murgh-Nāma. Bản gốc thuộc về Ṣayd-gāh-i Shawkatī, một tác phẩm thể thao bằng tiếng Urdu được viết bởi Nawāb Yār Muḥammad Khān ở Rāmpūr (1883). Phần trích dịch tiếng Anh đăng trên “Journal & Proceedings of the Asiatic Society of Bengal” (Vol. VI, No. 2, 1910) của trung tá D. C. Phillott (download). Ông dịch chính xác một cách đáng ngạc nhiên về khía cạnh tên khoa học của các loài và vật liệu dùng cho các công thức trong sách, dù cách nay cả trăm năm. Có lẽ ông đã đưa cho các nhà chuyên môn giỏi nhất thời đó chỉnh sửa và bổ sung, điều mà chúng ta có thể thấy ở vài chỗ trong phần ghi chú. Tên khoa học dĩ nhiên có thể thay đổi theo thời gian và đã được chúng tôi cập nhật. Thể loại thi đấu gần giống với gà đòn bên mình nhưng kéo dài trong nhiều ngày. Bản giản lược đăng trong sách “A Monograph Of The Pheasants” (1921) của William Beebe (download). Đoạn trích dẫn đăng trong sách “Cockfighting All Over The World” (1929) của C. A. Finsterbusch không phải là Murgh-Nāma đích thực mà là Phụ Lục (của tác giả khác) do Phillott đưa vào (download). Theo thông tin trên mạng, có một nỗ lực tái bản và chú giải vào năm 2010 được thực hiện bởi John Palmer, Christchurch, New Zealand (chúng tôi chỉ có vài hình ảnh). Bản scan các số của Chuyên San Á Châu Học Hội Bengal được đăng và truy cập miễn phí (khoảng 2013) thông qua biodiversitylibrary.org (mà từ đó chúng tôi kiếm được bản dịch gốc) và thông tin trên Wikipedia về dịch giả Phillott (2018) và Á Châu Học Hội Bengal (2019) mới xuất hiện gần đây.

    *Sau cuộc binh biến dẫn đến sự sụp đổ của triều đại Munghal (1526 – 1857), các đầu bếp (khansamas) của hoàng gia từ Delhi chuyển đến Rāmpūr mang theo truyền thống ẩm thực Mughal. Điều này lý giải cho sự xuất hiện của đủ mọi thành phần quý hiếm, đắt tiền và chất liệu nhập khẩu độc lạ ở các công thức trong sách mà hạng bình dân chẳng thể biết được. Nhụy huệ tây (saffron): nhụy của cây huệ tây Crocus sativus. Loại gia vị và dược phẩm đắt đỏ. Quá trình trồng trọt, thu hoạch và bảo quản rất công phu. Long diên hương (ambergris): Chất được tạo ra từ tuyến mật (bile duct) trong ruột cá nhà táng (sperm whale). Vì mỏ cứng sắc của mực khổng lồ (giant squid) từng được phát hiện trong chất này nên người ta đoán rằng nó bảo vệ cho đường tiêu hóa của cá nhà táng. Long diên hương được cá mửa ra hay thải loại qua ruột cùng với phân. Khối long diên hương thường quá to so với ruột của cá nhà táng, điều dẫn tới suy đoán rằng cách đầu phổ biến hơn. Nó thường trôi nổi trên đại dương trong nhiều năm trước khi dạt vào bờ và được phát hiện, chủ yếu trong vùng phân bố của cá nhà táng ở ven bờ Đại Tây Dương. Long diên hương là chất định hương (fixative) nổi tiếng trong ngành công nghiệp nước hoa. Giá trị rất cao, có khi đạt 2/3 giá vàng. Báo chí thường đưa tin chỗ này chỗ nọ có người lượm được khối long diên hương ngoài bờ biển và bán được cả đống tiền. Long diên hương thường được đề cập đến trong văn học và nghệ thuật, nổi tiếng nhất là cuốn Cá Voi Trắng (Moby-Dick) của Herman Melville. Xạ hương (musk): Chất được tạo ra từ tuyến thơm của hươu xạ (musk deer) đực nhằm hấp dẫn bạn tình. Nó nằm gần bộ phận sinh dục nhưng không phải tinh hoàn như cái tên “musk” ám chỉ. Xạ hương cũng là chất định hương (fixative) và tạo mùi (base note) trong ngành công nghiệp nước hoa. Hải ly hương (castoreum): Chất trong túi thơm (castor sac) của hải ly (beaver), nằm giữa bộ phận sinh dục và hậu môn của cả đực lẫn cái, được tiết ra cùng nước tiểu để đánh dấu lãnh thổ. Phillott đã nhầm khi gọi nó là tinh hoàn rái cá (otters’ testes). Hải ly hương là chất tạo mùi (note) trong nước hoa và phụ gia thực phẩm. Ngày nay, nhiều loài động thực vật được phát hiện có chứa xạ, những loài ở nước ta là cầy hương (Viverricula indica) và cầy giông (Viverra zibetha). Chất lượng xạ không bằng các loại kể trên, người ta có cách ép hay múc lấy xạ mà không cần phải giết con vật. Trầm hương (aloeswood): Gỗ tích tụ tinh dầu lâu năm để kháng bệnh của cây gió bầu (lign aloes) vốn bị nhiễm một loại nấm mốc (Phialophora parasitica). Hiện đã có quy trình cấy nấm để tạo trầm. Trầm hương ngoài giá trị hương liệu còn là một dược liệu quý. Kỳ nam (dark aloeswood) là loại trầm hương hạng nhất, nhiều tinh dầu, sẫm màu. Lá vàng (gold leaf): vàng dát mỏng, dùng trang trí và phụ gia thực phẩm. Thuốc phiện (opium): Nhựa khô trích xuất từ trái của cây thuốc phiện. Thứ này gây nghiện nên bị cấm, tuy nhiên vẫn có một lượng thuốc phiện hợp pháp, được trồng để sản xuất thuốc giảm đau, dùng trong y học. Gai dầu (hemp): Loại cần sa Cannabis sativa công nghiệp được trồng để lấy sợi, dầu và hạt ở châu Mỹ. Marijuana mới là loại cần sa tập trung vào chất gây nghiện dưới dạng lá khô (“cỏ mỹ”), thường do các băng đảng tội phạm sản xuất. Cây tương tự ở châu Á là bồ đà Cannabis indica. Cây được ứng dụng từ lâu đời làm thức ăn, nước uống và dược liệu, đặc biệt trong chăn nuôi gia cầm. Cannabis cũng là dược liệu nên nhiều nước cho phép sử dụng vào mục đích y tế. Riêng Canada và một số bang của Mỹ không cấm, dùng thoải mái! Phân tê giác (rhinocerus dung): Có lẽ là tê giác một sừng Ấn Rhinoceros unicornis. Mỡ ếch (frog ‘s fat): Màu cam vàng như sợi mì nằm gần bộ phận sinh dục, đôi khi lan đến khoang bụng. Mỡ dự trữ năng lượng cần thiết cho việc ngủ đông, biến thái hay sinh sản. Cao xương (mummy/osteo collagen): Nước cốt cô đặc từ xương động vật. Thị trường đông dược có đủ loại, chẳng hạn cao hổ cốt, cao khỉ, cao gấu, cao ngựa v.v. Các sản phẩm collagen ngoại nhập, vốn cũng là cao xương gia súc (bovine), thường được bổ sung các loại thảo dược, tảo biển cũng như khoáng chất. Táo tàu (Chinese Date) Ziziphus jujuba, táo ta Ziziphus mauritiana, táo Tây (Apple) Malus pumila, táo mèo Docynia indica. Táo tàu hay táo ta mới là táo (棗) thực sự, táo Tây (bình quả 苹果) và táo mèo (di y 栘衣) khác xa táo. Vú lá (gall): Mụn hay khối u trên cây, hình thành do ký sinh mà chủ yếu là côn trùng, giàu nhựa và tannic acid nên được dùng làm mực, dầu xức, nhuộm vải và thuộc da. Nhũ hương (gum-mastic): Nhựa của cây mastic Pistacia lentiscus, chủ yếu ở đảo Chios, Hy Lạp và một ít ở vùng đất kế cận thuộc Tiểu Á, Thổ Nhĩ Kỳ. Nhũ hương được dùng trong y học, vệ sinh răng miệng và ẩm thực. Vì quý hiếm nên nhựa của một số loài cây khác như Boswellia hay Pistacia palaestina cũng được gọi là “nhũ hương”, nhưng không phải nhũ hương Rūm.

    *Nhân sách nhắc đến trái mận (plum, prune), trái mơ (apricot) và hạnh nhân (almond kernel). Xin làm một cuộc khảo sát nhỏ về các loại cây trái thuộc chi đào Prunus và những cây liên quan. Chi này rất đa dạng, bao gồm nhiều loài và phân chi khác nhau. Đào (peach) Prunus persica là loại trái phổ biến với đủ loại biến thể, chẳng hạn nectarine là giống đào không lông và hột chóc, các giống ở ta là đào mỏ quạ và đào cảnh trồng để ngắm hoa. Hạnh nhân (almond kernel) là hạt của cây hạnh đào (almond tree) Prunus dulcis. Đào và hạnh đào thuộc phân chi Amygdalus. Mận và mơ thuộc phân chi Prunus. Mận (plum) bao gồm những loài màu đỏ sậm, đen, lam hay tím, vỏ trơn. Prune là loài thuần dưỡng P. domestica, cũng được gọi là mận, hạt chóc hơn, hầu hết mận sấy khô trên thị trường đều thuộc loại này. Điều tức cười là plum sau khi sấy khô cũng được gọi là… prune! Mận đề cập ở đây là “mận bắc” hay “mận Đà Lạt”, còn trái mận (miền Nam), trái đào (miền Trung), quả roi (miền Bắc) là một cây hoàn toàn khác, wax apple Syzygium samarangense. (apricot) bao gồm những loài màu cam vàng, vỏ hơi sần sùi và hạt lớn. Theo nghĩa rộng hiện tại, mơ bao gồm nhiều loài khác nhau. Bạch mai (P. mume) thực ra là cây mơ và khác xa mai vàng Ochna integerrima hay lá mơ (chẳng hạn mơ tam thể Paederia lanuginosa). Cherry và anh đào (cherry blossom) thuộc phân chi Cerasus. Trái cherry được nhập khẩu nhiều và trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Trái sơ-ri mà chúng ta vẫn biết là cây hoàn toàn khác Barbados cherry Malpighia emarginata. Hiện đang có sự nhầm lẫn về tên gọi, khó khăn này xin nhường cho… bà bán trái cây đầu ngõ giải quyết.

    *Bịt mỏ (muzzle) minh họa bởi Herbert Atkinson (1863-1936):
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 19/5/22
  2. bsdinhhuong

    bsdinhhuong Active Member

    Anh không biết gì về gà NCK nên ngồi đợi 6 tháng nữa vậy. Chúc em sức khỏe và nhiều cảm hứng để ... dịch
     
  3. carom

    carom Active Member

    a H chắc rành về NCK Duyên hơn là NCK hả anh^^
     
  4. ChienBinhTan

    ChienBinhTan Active Member

    Hình như là vậy hé anh Hương??? hjhjh!!!!
     
  5. bsdinhhuong

    bsdinhhuong Active Member

    Nói nho nhỏ thôi, la lớn nhiều người biết phiền lắm Chiến, Thắng còn rành vụ này hơn anh nữa đó.
     
  6. carom

    carom Active Member

    hehehhee...dzụ này phải để mấy lão tướng mới rành, còn đám xì tin như tụi e chắc chỉ dựa cột nghe thôi^^
     
  7. bsdinhhuong

    bsdinhhuong Active Member

    Gà NCK thì lão tướng rành còn bổn NCKD thì Thắng rành hơn anh mà. Bữa kể nghe búa xua, nay lại giả nai nghe.
     
  8. gu81

    gu81 New Member

    Mình Chẳng biết gì về ông tướng ấy cả nên đành phải chờ thôi
     
  9. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Mọi người đọc đỡ bản lược dịch ở trên nha :)
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội