Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá thát lát trong hồ cảnh

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 15/6/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Cá thát lát trong hồ cảnh

    Mặc dù khá phổ biến nhưng không có loài cá thát lát nào dễ nuôi – đa số đều là những loài săn mồi hiếu chiến và to con. Vì vậy dù cho cá lông gà đen Apteronotus albifrons thường được bán như là loài cá lạ để nuôi trong hồ cộng đồng, thì người chơi cá nhất định phải hiểu rõ những nhu cầu của chúng trước khi mua.

    Biết về cá thát lát của bạn
    Cá thát lát (knifefish) thuộc về bảy họ cá khác nhau phân bố từ Nam Mỹ, châu Phi cho đến vùng nhiệt đới ở châu Á. Cá lông gà “tân thế giới” (châu Mỹ) thuộc về năm họ cá quan hệ gần trong bộ Gymnotiformes. Ba trong số chúng Apteronotidae, Gymnotidae và Sternopygidae là những loài thường được nuôi làm cảnh, trong khi hai họ còn lại Hypopomidae và Rhamphichthydae tương đối hiếm hơn.

    Điều khá ngạc nhiên, cá lông gà ở tân thế giới có quan hệ họ hàng gần với cá nheo (catfish). Hai nhóm có nhiều đặc điểm chung bao gồm khớp Weber (Weberian ossicles), tức những xương nhỏ nối tai với bóng bơi nhằm cải thiện thính lực.

    Hai họ cá còn lại ở “cựu thế giới” thuộc về bộ cá lưỡi xương Osteoglossiformes, bộ cá sơ khai bao gồm cả cá rồng và cá mũi voi. Họ Gymnarchidae nhỏ con hơn và chỉ bao gồm một loài là cá lông gà sông Nile Gymnarchus niloticus. Loài nổi tiếng hung dữ và to con này hiếm khi được nuôi trong hồ cảnh.

    Họ cá thát lát Notopteridae phân hóa mạnh hơn với ít nhất 10 loài phân bố ở châu Á và châu Phi. Chúng còn được gọi là “featherback” (lưng lông vũ) bởi vì vây lưng nhỏ và có hình lông chim. Nhiều loài thuộc họ này phân bố trên thị trường cá cảnh bao gồm cả loài thát lát phi tương đối nổi tiếng Xenomystus nigri.

    [​IMG]

    Hình dạng khác thường
    Cá thát lát có hình dạng khác thường và kiểu bơi độc đáo. Thân hình dài và dẹp hai bên; các vây lưng, vây bụng và đuôi thường bị suy giảm hay triệt tiêu. Ngược lại, vây hậu môn lại cực kỳ phát triển, chiếm gần hết chiều dài cơ thể. Ngoại lệ duy nhất là loài lông gà phi Gymnarchus niloticus thiếu vây hậu môn nhưng thay vào đó là vây lưng rất dài.

    Không giống như những loài cá khác, cá thát lát không lúc lắc thân hình khi bơi. Chúng giữ thân ngay đơ và uốn lượn vây hậu môn (hay vây lưng nếu là cá lông gà phi) để tạo lực đẩy. Tùy thuộc vào cách mà chúng cử động vây hậu môn (hay vây lưng), chúng có thể tiến tới, lui hay xoay tròn ở một chỗ, tất cả đều dễ dàng như nhau. Vì hầu hết cá thát lát đều sống ở địa bàn thủy sinh rậm rạp, di chuyển khéo léo là điều hết sức hữu dụng, ngoài ra không còn gì khác nữa.

    [​IMG]

    Định vị điện
    Hầu hết cá thát lát phát ra điện trường để tìm đường đi và thức ăn. Về thực chất, cá thát lát cảm nhận được trường điện từ xung quanh cơ thể, và nếu trường điện từ này bị biến dạng vì một vật thể đặc hay động vật khác, nó sẽ phát hiện ra sự biến đổi và phản ứng thích hợp. Hệ thống định vị như vậy chỉ hoạt động một khi cá thát lát giữ được thân hình ngay đơ, nếu thân bị uốn cong thì trường điện từ sẽ bị biến dạng theo, và nó không thể phát hiện được những gợn sóng trong trường điện từ gây ra bởi những vật thể và sinh vật đang chuyển động.

    Cá thát lát ở châu Phi và châu Á thuộc họ Notopteridae là ngoại lệ bởi vì chúng không tự phát ra trường điện từ. Tuy nhiên, những loài thát lát phi như PapyrocranusXenomystus spp.có khả năng phát hiện những phần tử tích điện li ti mà cơ bắp của động vật tạo ra. Chúng sử dụng khả năng này để dò tìm con mồi mà chúng không thể nhìn thấy hay đánh hơi được.

    Phản ứng và vũ khí điện
    Điện cũng được sử dụng để thông tin. Cá thát lát thường là loài sống cộng đồng, và bên trong mỗi nhóm có một tín hiệu chung để thông tin về trạng thái và cảnh báo. Một điều thú vị về việc sử dụng trường điện từ để định vị và săn mồi đó là có những tần số nhất định được ưu tiên hơn, và bên trong một nhóm, những cá thể đầu đàn sẽ sử dung xung điện để ép buộc những cá thể yếu hơn chuyển sang sử dụng những kênh ít được ưu tiên hơn.

    Những con cá thát lát lớn nhất không chỉ sử dụng điện trường để tìm mồi mà còn làm chúng bất tỉnh. Một con lươn điện với kích thước 2.4 mét, hầu như chỉ tạo ra một điện từ trường yếu ớt để định vị như những con cá thát lát. Nhưng khi săn mồi hay tự vệ, nó có thể tạo ra một xung điện rất mạnh, từ 200 đến 300 vôn – và nếu bị kích động thì có thể lên đến 500 vôn.

    Mặc dù sức mạnh của lươn điện thường được mô tả dưới hình thức khả năng làm người hay ngựa bất tỉnh nhưng chúng thực sự là loài hiền lành. Điều này có lẽ là vì chúng hầu như không có kẻ thù; cá thể trưởng thành có thể giết hay ít ra cũng làm bất tỉnh bất cứ con vật nào quấy nhiễu mình. Bên trong môi trường rừng ngập nước mà chúng sinh sống, chúng là loài săn mồi quan trọng và đông đảo ăn vô số các loài thủy sinh nhỏ hơn, bao gồm cả cá.

    Lý do làm bất tỉnh con mồi dường như có liên quan đến cách hô hấp của chúng. Một con lươn điện hầu như chỉ thở bằng cách đớp móng. Vòm họng có nhiều mao mạch và qua đó ô-xy từ không khí thẩm thấu vào máu và được vận chuyển đi khắp cơ thể. Vì vậy, nếu lươn điện không thể đớp móng, nó sẽ bị chết. Vấn đề ở chỗ miệng của lươn điện là một cấu trúc phức tạp mà nó dễ dàng bị con cá đang giãy giụa làm tổn thương, đặc biệt là những con có gai vây chẳng hạn như cá nheo hay cichlid. Lươn điện tránh được điều này bằng cách làm con mồi bất tỉnh, điều cho phép chúng thưởng thức món ăn mà không có rủi ro nào.

    Lươn điện thường được nuôi trong các thủy cung. Nếu bỏ qua kích thước to lớn thì chúng là loài dễ nuôi. Cá trưởng thành đặc biệt hung dữ với cá khác, tuy điều này ít xảy ra ở cá non. Chúng ăn vô số loại thức ăn kể cả cá nhỏ đông lạnh, nên nuôi dưỡng không phải là vấn đề. Lươn điện non đôi khi có bán ở các tiệm cá cảnh nhưng vì kích thước có thể lên đến 2.4 mét cùng với khả năng phóng điện mạnh và nguy hiểm, không nên nuôi chúng trong các hồ cảnh tại gia.

    [​IMG]

    Lông gà hổ
    Cá lông gà hổ Gymnotus spp. là bà con họ hàng gần của lươn điện nhưng nhỏ con hơn nhiều và dễ nuôi. Cá hoang cực kỳ chuộng địa bàn thủy sinh và lá rụng và thường được phát hiện ở vùng nước nông, tĩnh hay có dòng chảy chậm, kể cả trong ao hồ. Giống như lươn điện, chúng bắt buộc phải đớp móng để thở nhưng ở loài cá này, ô-xy thẩm thấu qua bóng bơi. Chúng là loài ăn tạp và mặc dù chủ yếu ăn giun, giáp xác, côn trùng và cá nhỏ, chúng còn tiêu thụ cả tảo, hạt và trái cây.

    Hàng loạt loài hiện hữu trên thị trường, bao gồm cả cá lông gà hổ hay vằn Gymnotus carapo. Loài này có thể đạt kích thước đến 75 cm. Chúng là loài xinh đẹp nhưng nhút nhát, vì vậy chúng cần được nuôi trong hồ râm mát với nhiều chỗ trú ẩn. Cá lông gà hổ thường xung đột với nhau nhưng hoàn toàn có thể nuôi chung với loài cá to khỏe tầng giữa chẳng hạn như tai tượng phi hay characin cỡ lớn.

    Cá lông gà hổ Gymnotus tigre hiếm khi được bán và thường đắt tiền. Chúng hơi nhỏ con hơn loài G. carapo, chỉ đạt kích thước khoảng 40 cm. Tuy nhiên, chúng được nuôi theo cách thức tương tự với loài họ hàng to con hơn của mình.

    [​IMG]

    Cá lông gà kiếng
    Cá lông gà kiếng thông dụng trên thị trường là loài Eigenmannia virescens. Chúng là loài bầy đàn nhưng cục tính vì vậy bạn cần nuôi ít nhất 6 cá thể để tránh việc bắt nạt lẫn nhau. Chúng có thể đạt kích thước 35 cm vì vậy, mặc dù không quá to hay chộn rộn, chúng cần được nuôi trong hồ tương đối lớn.

    Cá hoang phân bố ở cả vùng nước tĩnh lẫn có dòng chảy, và chúng thường thích nghi tốt với môi trường hồ nuôi. Một hồ rộng với thật nhiều cây thủy sinh, đặc biệt thực vật nổi, là thích hợp và chất lượng nước phải tốt. Tương tự như những loài lông gà khác, chúng ăn nhiều loài sinh vật nhỏ, kể cả cá, nhưng trong hồ cảnh, chúng ăn cả trùng đỏ tươi và đông lạnh và ấu trùng côn trùng. Chúng cũng chuộng cả trùn đất, bo bo và artemia. Tốt nhất chúng nên được nuôi riêng và sẽ trông rất tuyệt nếu được nuôi riêng trong hồ thủy sinh mặc dù chúng cũng có thể nuôi kèm với những loài cá khác không tranh ăn với chúng. Chẳng hạn như cá rìu là loài lý tưởng, cũng như những loài ăn đáy chậm chạp chẳng hạn như Ancistrus spp.

    [​IMG]

    Cá thát lát, cá cườm, cá nàng hai
    Những loài “lông vũ” thuộc họ cá thát lát Notopteridae được nuôi trong hồ cảnh trong nhiều thập kỷ qua. Hầu hết 10 loài được biết đều hiện diện trên thị trường, mặc dù các chi NotopterusPapyrocranus rất hiếm khi xuất hiện. Thông thường, các loài thát lát phi Xenomystus nigri và cá cườm Chitala spp. phổ biến trên thị trường hơn.

    Cá thát lát phi Xenomystus nigri tương đối nhỏ con hơn, chỉ khoảng 30 cm. Khác với những loài “lông vũ”, chúng không có vây lưng vì vậy chúng rất dễ được nhận dạng. Chúng là loài cá mắt sáng, dễ thương với khả năng tạo ra âm thanh như tiếng chuông reo đặc trưng, và chúng thích nghi tốt với hồ cảnh. Cá non thường sống bầy đàn nhưng cá trưởng thành trở nên bảo vệ lãnh thổ và dĩ nhiên, chúng là loài săn mồi. Chúng ăn mồi là cá nhỏ hơn nhưng dễ dàng chấp nhận trùn đất, ấu trùng côn trùng và những thứ tương tự khác. Mặc dù chúng không sặc sỡ mà chỉ có màu xám-phớt tím sẫm, chúng vẫn thích hợp trong hồ cộng đồng cùng với những loài cá không hung dữ, không rỉa vây và đủ lớn để không bị coi là mồi. Cá rô đốmCtenopoma acutirostre, tetra congo, Synodontis tí hon và cá bướm châu Phi là những loài cùng hồ tuyệt vời đối với cá thát lát phi.

    Cá thát lát thường là các loài Chitala chitala hay Chitala ornata mặc dù còn nhiều loài khác nữa cũng có thể xuất hiện. Hầu hết các loài đều có màu xám bạc với những đốm đen viền trắng như con mắt ở lườn cá. Chúng chuộng vùng nước thấp với nhiều cây thủy sinh dọc theo bờ các con sông, nơi chúng săn các loài côn trùng, ốc, tép và cá nhỏ.

    Tất cả cá thát lát đều to con – lên đến 1.2 mét! Cá đực cực kỳ bảo vệ lãnh thổ và thường được nuôi riêng rẽ. Chúng nên được nuôi chung với những loài cá cực kỳ to lớn khác chẳng hạn như cá tai tượng và cá hồng vịt, nhưng tất cả đều là những loài cá dành cho thủy cung chứ không nên nuôi tại gia.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Cá lông gà
    Cá lông gà đen thuộc về họ cá lông gà Nam Mỹ Apteronotidae. Đây là một họ cá kỳ lạ với biểu hiện phân hóa đáng kinh ngạc về nguồn thức ăn. Chẳng hạn chi Magosternarchus gồm những loài hầu như chỉ rỉa vây của những loài cá lông gà khác, trong khi chi Adontosternarchus hầu như chỉ ăn động vật phù du. Hàng loạt chi khác thích nghi với việc săn các loài động vật thân mềm trốn trong nền đáy, nhưng ít nhất có một loài thuộc chi Sternarchogiton dường như lại chỉ ăn bọt biển!

    Chi Apteronotus bao gồm khoảng 21 loài khác nhau chẳng hạn như cá lông gà đen Apteronotus albifrons. Những loài cá lông gà này là những kẻ săn mồi tí hon tiềm tàng, có nghĩa là chúng săn những loài vừa với kích thước của chúng. Ấu trùng côn trùng là thức ăn ưa chuộng mặc dù chúng cũng ăn cả động vật phù du và đôi khi cả cá nhỏ.

    Apteronotus thường được phát hiện ở những dòng suối và con sông cạn chảy qua vùng đáy mềm đặc biệt là cát và lá mục. Vào ban đêm, chúng săn mồi trốn trong bùn đất bằng cảm biến điện. Vào ban ngày, chúng trốn trong rễ cây và thực vật thủy sinh. Apteronotus chuộng nơi nước nông, dòng chảy mạnh và hiếm khi xuất hiện ở địa bàn nước tĩnh và sâu.

    Có ít nhất 2 loài cá lông gà thuộc chi Apteronotus được bán ngoài thị trường, cá lông gà đen và cá lông gà nâu Apteronotus leptorhynchus, loài nhỏ con và ít nổi bật hơn. Cá lông gà đen đạt kích thước tối đa 50 cm. Tên khoa học albifrons ám chỉ đặc điểm nổi bật nhất của chúng, viền trắng chạy từ trước mũi dọc theo lưng (“alb-” theo tiếng Latin nghĩa là “trắng”). Thân của chúng lại có màu đen tuyền, ngoại trừ vài vòng trắng ở gốc đuôi.

    Như tên gọi, cá lông gà nâu có tông màu nâu. Chúng chỉ đạt kích thước khoảng 25 cm.

    [​IMG]

    Loài thân thuộc
    Cá lông gà đen có thể được nuôi trong hồ cộng đồng có kích thước phù hợp. Một cá thể trưởng thành với kích thước 50 cm cần hồ nuôi có dung tích tối thiểu là 300 lít. Ngoài kích thước hồ nuôi, chúng còn cần gì khác nữa?

    Như địa bàn của chúng ngoài tự nhiên, dòng nước cần phải đủ mạnh. Tốc độ lưu chuyển nên từ 6 đến 8 lần thể tích hồ trong một giờ… nghĩa là với hồ thể tích 300 lít nước, bộ lọc phải bơm từ 1.800 đến 2.400 lít nước một giờ. Tương tự như những loài chuộng dòng chảy mạnh, cá lông gà đen không chịu nổi nhiệt độ quá cao và thích hợp nhất ở nhiệt độ 25 độ C. Thành phần nước không có gì đặc biệt mặc dù cá chuộng nước từ mềm đến độ cứng trung bình, từ hơi a-xít cho đến trung hòa. Chất lượng nước cũng phải rất tốt và những con cá này không được nuôi trong hồ chưa khởi động.

    Trang trí hồ bằng đáy cát để cá có thể tìm mồi theo cách tự nhiên. Cung cấp nơi trú ẩn bằng lũa và cây thủy sinh mạnh mẽ, chịu đựng tốt như dương xỉ Java và Cryptocoryne. Đá không tan và vật liệu trang trí nhân tạo cũng có thể được sử dụng. Đừng sử dụng cát nền có cạnh sắc và đá tan chẳng hạn như nham thạch.

    Cá lông gà đen là loài chuộng dòng chảy và tốt nhất nên nuôi theo nhóm từ 6 con trở lên. Ở nhóm ít hơn, cá đầu đàn hay có xu hướng bắt nạt đồng loại. Cá lông gà đen cũng có thể được nuôi riêng rẽ từng con. Những loài chung hồ hiền lành như cá ông tiên hay tetra congo quá to để nuốt nên thường được bỏ qua. Tuy nhiên, những loài cá nhỏ như neon hay bảy màu sẽ bị coi là mồi. Điều nên nhớ là không được thả thêm cá phát điện khác dù là thát lát hay cá mũi voi vào hồ. Cũng tránh cả những loài cá hung dữ và hay rỉa vây.

    Nuôi dưỡng cá lông gà rất dễ dàng bằng các loại trùng đỏ, trùn kiếng và lăng quăng đông lạnh. Bổ sung thêm ấu trùng artemia và bo bo cũng rất tốt. Trùn đất được ưa chuộng và rất tốt để tẩm bổ cho cá. Nên nhớ rằng cá lông gà đen sống về đêm và nên được cho ăn vào ban đêm. Vì lý do đó, đừng nuôi chung với những loài cạnh tranh thức ăn với chúng, chẳng hạn như cá nheo và chuột, ít ra là cho đến khi chúng đã quen hồ và chịu ăn.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/3/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội