Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Chọi gà: đam mê và tệ nạn (Wolfgang Bethge)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 12/3/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chọi gà: đam mê và tệ nạn
    Wolfgang Bethge (2002) - http://www.insights-philippines.de/hahnenkengl.htm

    Người ngoại quốc với quan điểm khác biệt về động vật coi trò chọi gà ở Philippines là độc ác, máu me và họ quay lưng với cảm giác ghê sợ và khó chịu. Dù vậy, bộ môn “thể thao” này, vốn cũng được coi như là “trò giác đấu thu nhỏ”, lại là lễ hội đối với dân chúng địa phương.

    Mức độ đam mê chọi gà ở Philippines có thể được diễn tả bằng câu chuyện khôi hài như sau “Khi nhà của một người Phi bị cháy, anh ta sẽ cứu con gà chọi trước, rồi đến vợ, sau cùng mới đến con”. Nó tiết lộ rằng chọi gà là trò giải trí chính của cánh đàn ông Philippines. Và có lẽ câu chuyện phần nào đúng sự thật khi gà chọi thực sự là những kẻ cạnh tranh với các bà vợ Philippines.

    Chọi gà (sabong) chỉ đứng sau bóng rổ về mức độ phổ biến trong nước. Tuy ở các vùng đô thị và trong các tầng lớp khá giả, nó phải cạnh tranh với những trò giải trí khác. Nhưng ở nông thôn, nó vẫn rất phổ biến. Chọi gà là một ngành kinh doanh lớn. Ngành công nghiệp này có doanh thu trên cả tỷ peso mỗi năm. Các công ty đa quốc gia như San-Miguel Corporation, Novartis hay Bayer cũng tham gia cạnh tranh vào thị phần thức ăn và thuốc bổ (additives) đang lớn mạnh này. Bởi hầu hết mỗi địa phương đều có một trường gà, ít nhất là tạm thời, tổng số lượng trường gà phải trên mười ngàn. Xứ sở này được coi như là “thiên đường chọi gà”. Có tính toán cho rằng mỗi năm Philippines tiêu thụ từ bảy đến mười ba triệu con gà chọi.

    Rizal từng đề cập trong cuốn tiểu thuyết của ông "Noli Me Tangere" về “quốc nạn” chọi gà. Với cựu tổng thống Marcos, trò chọi gà quan trọng đến nỗi ông thông qua “Luật chọi gà” vào năm 1974 nhằm “bảo vệ và khuếch trương một di sản quốc gia”. Mười tờ tạp chí cũng như ba chương trình TV và một đài phát thanh đều đưa tin về trò chọi gà như chủ đề chính. Mặc dù chọi gà suy giảm trên bình diện quốc tế, nhưng vẫn có những người ủng hộ - chẳng hạn như ở trang http://ads.sabong.com.ph – tuyên bố rằng bộ môn thể thao này “bắt nguồn từ nền văn hóa và truyền thống Á Châu cao quý”. Họ cố “biến chọi gà thành thú chơi quốc tế để khuyến khích hòa bình và tình huynh đệ giữa các dân tộc trên thế giới” (!). Tuy nhiên, thật đáng ngờ khi bộ môn thể thao có tính đối kháng quyết liệt lại có thể đem lại điều này.

    Dưới góc độ lịch sử, chọi gà không chỉ xuất hiện ở Philippines. Chọi gà thậm chí được biết đến ở châu Âu thời cổ - Hy Lạp và La Mã, xưa hơn nữa là vùng Cận Đông và Ấn Độ. Ở Anh, chọi gà diễn ra trong nhiều thế kỷ, nhưng từ năm 1849 chọi gà bị cấm. Mặc dù, các tổng thống Washington và Lincoln đều là những sư kê, chọi gà ngày nay chỉ được cho phép ở năm bang của nước Mỹ [bài viết từ năm 2002, hiện đã cấm hoàn toàn]. Nó vẫn diễn ra ở cấp độ nhỏ lẻ ở khắp nơi. Nó vẫn được tìm thấy – đôi khi với mức độ ít máu me hơn - ở Trung Mỹ, vùng Caribbean, Thái Lan và đá gà bất hợp pháp ở Indonesia [về mặt chính thức Việt Nam không cấm đá gà mà chỉ cấm cờ bạc, nhưng quan niệm chung gắn liền đá gà với cờ bạc và tệ nạn]. Theo Rizal, việc thực dân Tây Ban Nha du nhập trò chọi gà vào Philippines để dân chúng quên đi thân phận bị áp bức, là không chính xác. Theo quan điểm thịnh hành, trò chọi gà đã phổ biến từ trước khi người Tây Ban Nha xuất hiện. Họ có thái độ do dự đối với trò chọi gà. Một mặt, chọi gà là nguồn lợi bởi họ thu được tiền giấy phép và bán vé. Mặt khác, trường gà là chỗ tụ tập của những kẻ nổi loạn. Người Mỹ, những kẻ đến sau người Tây Ban Nha, lại có quan điểm khác về bộ môn này. Họ gọi đó là trò “man rợ” bằng thái độ nghiêm khắc và cố gắng thay thế nó bằng tennis và bóng chày.

    Chính quyền sở tại chưa bao giờ cấm cản trò chọi gà. Cựu tổng thống Marcos lập ra Ủy Ban Về Gà Chọi để kiểm soát giấy phép trường gà, cấp phép cho hoạt động đá gà và cho các nhà lai tạo. Một trong những điều luật ở đây là ngăn cấm tất cả các viên chức nhà nước tham gia vào việc điều hành hay sở hữu trường gà. Dẫu vậy, luật này chỉ nằm trên giấy.

    Lai tạo, nuôi dưỡng và huấn luyện

    Người nghèo tuyển chiến kê từ đám gà địa phương bình thường. Tuy nhiên, chiến kê hàng đỉnh được tuyển chọn một cách có hệ thống. Nếu dư dả thì nhập một “trio” gà giống, bao gồm một trống và hai mái, từ Mỹ. Giá của một trio có thể đạt từ 1,000 đến 25,000 đô. Tên gọi chung của chúng là “gà Texas”. “Gà Texas” không thật đẹp nhưng rất khỏe và đá hay. Nghe nói đám gà nhập này ra chân nhanh gấp bốn lần gà địa phương. Những dòng phổ biến bao gồm Roundhead, Claret hay Grey. Những dòng đặc biệt và “siêu đẳng” có thể “đến” và “đi” tùy thời điểm. Một nhà lai tạo trung bình sản xuất từ 200 đến 300 chiến kê mỗi năm.

    Ở Philippines, hầu hết gà chọi được lai tạo ở đảo Negros. Ở đấy có những nhà lai tạo hàng đầu với tiềm lực tài chính mạnh, mà một trong số đó là anh em của cựu tổng thống Cory Aquino [không rõ là ông anh hay cậu em ruột, nhưng vợ chồng cô em út đá gà khét tiếng]. Lối lai tạo khoa học của họ khá đắt đỏ. Nghe nói giá mỗi chiến kê thuộc một dòng chất lượng từ 100 đến 200 đô. Việc lai tạo và bán gà rất rủi ro. Gà hay không thể tự nhân bản. Tương tự như những ngành khoa học về con người, có nhiều quan điểm khác nhau trong số các sư kê, về vấn đề đâu là nền tảng di truyền, phương pháp lai tạo và huấn luyện đem lại thành công cho một chiến kê. Nhưng có nhiều sư kê cho rằng lối đá – nghĩa là tốc độ, thể lực, nhắm đá và bay cao – xuất phát từ di truyền và lai tạo. Việc huấn luyện chỉ có thể cải tạo những lối đá nhất định (1). Một nhà lai tạo thành công sẽ luôn đặt nền tảng vào những dòng gà chiến thắng ngoài trường đấu.

    Sau khi mua về, một chiến kê sẽ phải trải qua giai đoạn từ “gà tơ” (dưới một năm tuổi) sang “gà chọi tơ” (dưới hai năm tuổi) rồi “gà chiến” (trên hai năm tuổi). Tuy nhiên, nếu quá trình huấn luyện cho thấy nó không đá đấm gì được, thì một số nhà lai tạo đề nghị giết bỏ nhằm đảm bảo chất lượng chung (“bởi chúng có thể hủy hoại độ thuần của dòng gà”).

    Liên quan đến vấn đề nuôi dưỡng, mỗi nhà lai tạo đều có “bí kíp” dinh dưỡng riêng. Người nghèo có lẽ cho gà ăn cám gạo, rau và bánh mì cũ. Người giàu chọn nhiều loại hạt khác nhau, sữa, bơ và táo cũng như thuốc bổ như vitamin, khoáng chất, chất điện giải hoặc thậm chí cả amphetamines [thuốc kích thích thần kinh]. Thêm nữa, việc bổ sung strychnine [mã tiền] theo báo cáo nhằm gia tăng khẩu vị và kích thích tuần hoàn tim và máu. Dầu vậy, đa số các sư kê từ chối những thành phần đặc biệt như vậy. Trước đây, lưu huỳnh, thuốc thông nòng (rifle flux), vôi từ vỏ sò và quặng granite được bổ sung vào thức ăn, còn chất bổ ngày nay được tinh chế. Sổ tay hướng dẫn của công ty Genem Biotechnology đề cao hiệu quả của thuốc như sau:

    “Tinh chất tạo ra màu đỏ thẫm trên mồng chiến kê… giúp gia tăng sự hung dữ, sức mạnh và độ bền khi thi đấu và cải thiện chất lượng lông một cách đáng kể sau khi thay”.

    Thuốc kích thích đắt tiền cũng được áp dụng ở đây. Việc chăm sóc và huấn luyện chủ yếu để cải thiện “gan lỳ”, nghĩa là thể lực, sự hung dữ và độ bền của chiến kê. Sư kê muốn có một chiến kê thanh thoát, lanh lẹ với cơ chân và cánh mạnh mẽ. Quá nhiều cơ bắp sẽ khiến gà kém linh hoạt. Xoa bóp, luyện tập là một dạng tập thể dục, kiểu như bài tập thảy sẽ làm cơ săn chắc. Việc nhiễm giun và ký sinh có thể xảy ra. Chủng ngừa thường xuyên là điều cần thiết. Có lẽ chiến kê nên được nhốt gần đường cái nhằm giúp nó làm quen với tiếng ồn nơi trường đấu. Sau sáu tháng, phẩm chất chiến đấu được kiểm tra bằng cách cho xổ với gà khác. Trong giai đoạn này, cựa dao được đậy bằng bao da.

    Còn bây giờ có lẽ là lúc đặt cho chiến kê một cái tên hấp dẫn. Phổ biến nhất là những cái tên dữ dằn như Killdeath, Battling Mendez, King Game Cock, Aramdillerkiller, Chickenscratcher, Loma de Corregidor hay Mike Tyson. Gà tơ chín tháng tuổi là có thể đá được, tuy nhiên hầu hết chiến kê đều trên hai năm tuổi.

    Trước khi đá, chiến kê hầu như không được đạp mái, bởi điều này có thể làm giảm tinh thần chiến đấu. Nghe nói rằng một số sư kê không để phụ nữ đang trong kỳ kinh chạm vào chiến kê. Việc đụng chạm như thế này bị coi là điềm đột tử. Thậm chí việc tiếp xúc với góa phụ cũng bị coi là úy kỵ. Tốt nhất cho chiến kê tiếp xúc với đồ lót dơ của trinh nữ - cùng một số đề nghị vô lý hơn nữa. Những phương pháp khác nhằm thúc đẩy sự hung dữ, nhất là trước trận đấu, bao gồm việc nhốt gà trong bóng tối, thổi khói thuốc vào mắt và bôi ớt vào hậu môn. Kiêng khem trước trận đấu không chỉ cần thiết – mà trước trận đấu gà còn được chích testosterone, uống mao địa hoàng (digitalis) nhằm gia tăng nhịp tim hay vitamin K để vết thương mau khép miệng.

    Trong hai năm đầu – không nghi ngờ gì – chiến kê có một cuộc sống phong lưu so với những loài gia cầm khác. Rizal đi xa hơn, khi ông nói rằng đôi khi chiến kê được chăm sóc kỹ hơn khi còn non.

    Địa điểm và con người

    Phố thị hay “barangay” ở Philippines thường có ba địa danh: nhà thờ, hội trường và trường gà. Cái sau cùng phải cách xa trường học, nhà thờ và công sở ít nhất một cây số. Các thị trưởng đôi khi cố dời trường gà về gần nhà hay trang trại của mình để gây ảnh hưởng lên các sư kê. Vì vậy trường gà có thể “di dời” mỗi khi đổi thị trưởng.

    Trường gà có thể thay đổi tùy diện tích và quy mô. Mức độ thay đổi từ đá cáp không giấy phép (topodas) bên lề đường và sân vườn cho đến khuôn viên được thiết kế đặc biệt (galeras) với khu vực gắn máy lạnh và chỗ ngồi bọc da ở những hàng ghế mặt tiền.

    Trường gà truyền thống (sabungan) chẳng có gì chung với buồng lái máy bay [cũng gọi là “cockpit”]. Thiết kế cơ bản là một cấu trúc gỗ bán mở (semi open) với một vùng hình vuông trải cát như sàn đấm box – mỗi cạnh khoảng tám mét – với viền hay chỗ đứng bằng gỗ. Hàng rào bằng sắt hay kính để bảo vệ khán giả. Cũng có cả phòng bán đồ ăn nhẹ, phòng đăng ký và chuẩn bị thi đấu.

    Giờ khai mạc có thể được nhận biết bằng lá cờ nhỏ ở lối vào hay sự ầm ĩ của đám khán giả. Ở những thị trấn nhỏ, các trận đấu diễn ra trong nhiều ngày. Ở thành phố, nó hầu như diễn ra vào chủ nhật sau lễ trọng (mass). Có câu nói thế này “Chủ nhật là ngày chọi gà”. Ở Manila, trò chọi gà hay các giải derby được tổ chức mỗi ngày.

    Manila có hai chục trường gà với các trận đấu diễn ra hàng ngày. Roligon Mega Cockpit và Arneta Coliseum là những trường gà nổi tiếng hơn cả. Tại đấy các bạn có thể thấy các cuộc đối đầu giữa những “Đại Ca” và các giải derby diễn ra trong nhiều ngày với hàng trăm trận đấu với số tiền thưởng lên đến cả triệu peso. Chủ gà phải đóng một số tiền tham dự đáng kể trên mỗi đầu gà, điểm số được tính và hy vọng vào cuối giải chủ gà kiếm được thật nhiều tiền thưởng. Những chỗ ngồi danh dự ở mặt tiền có thể tốn đến mười đô la hay nhiều hơn.

    Nếu nhiều con cùng đá loạn xạ trong sới thì được gọi là “trận chiến hoàng gia” (battle royal). Tuy nhiên, hình thức này hiếm khi được áp dụng.

    Khán giả hầu hết là đàn ông. Ruediger Siebert (2) diễn giải sự yêu thích của người Filipinos đối với trò chọi gà dưới góc độ tâm lý học như sau:

    “Không nơi nào xứng đáng hơn trường gà là địa điểm mang tính biểu tượng cho đàn ông Filipinos. Sức mạnh và sự khéo léo được tôn vinh ở đó. Gà chọi được xem như là sức mạnh của nam giới thông qua sự dũng mãnh và tính chiến đấu… Gà chọi đánh thức mọi thứ liên quan đến niềm kiêu hãnh của đàn ông và tương đương với bảnh lãnh nam nhi”.

    Alan Dundes viết một luận văn, cố gắng chứng minh mối liên hệ tinh thần giữa “Gallus” (tiếng Latin nghĩa là: gà trống) và “phallus” (4).

    Phụ nữ chỉ xuất hiện trong vai trò hỗ trợ chẳng hạn như bán nước giải khát và đồ ăn nhẹ. Tuy nhiên, thu nhập hàng ngày của họ có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thua độ. Trẻ em cũng xuất hiện trong số khán giả. Một số nhà đạo đức người Mỹ xem trường gà là nơi minh chứng cho sự lãnh đạm trước số phận của động vật.

    Ngoài chiến kê còn có nhiều thành phần quan trọng khác. Thông thường, chủ gà chuyển giao trách nhiệm chăm sóc – cáp đá cho nài (handler). Nài cần sự chấp thuận của chủ gà trong việc cáp độ. Chủ gà hay nài sẽ tìm kiếm đối thủ. Họ thích chọn đối thủ nhỏ và nhẹ ký hơn, hay con được huấn luyện kém, hay dòng dõi kém cỏi. Tay cáp gà giỏi cần thông tin từ các tay trong.

    Phân công lao động thay đổi tùy vào tầm cỡ của giải. Tuy nhiên, thông thường phải có một sư kê [nguyên văn “casador”, là tay biện chính tức người ghi sổ độ, tác giả đã nhầm lẫn, đúng ra là “sabungero”]. Ông là nhà quản lý, chịu trách nhiệm tổ chức việc đá trường. Chủ gà đặt cược niềm tin của mình nơi ông. Ông được chi trả toàn bộ - từ vé vào cửa cho đến phần trăm tiền độ. Quân sư (manari), thường là người tin cẩn của chủ gà, quyết định độ dài và loại cựa thép. Ông phải mang theo ít nhất tám bộ cựa dao. Nếu ông không gắn cựa thì nhiệm vụ này được giao cho tay lắp cựa (heeler). Nhiệm vụ này được thực hiện một cách thật cẩn trọng và mang tính quyết định. Trọng tài (sentenciador), quyết định thời điểm bắt đầu đá và công bố bên thắng cuộc. Ông phải là người trung thực, không nhận hối lộ và ra quyết định thật nhanh. Đôi khi có thể sai sót nhưng quyết định của ông phải được tuân thủ. Một người tính giờ để theo dõi giờ giấc. Sau cùng, còn có các “bác sĩ”, những người trị tang cho gà sau trận đấu.

    Người đứng ở vị trí trung tâm của sự kiện là biện (kristo), nhiệm vụ của ông là ra kèo (bookmaker) và quản lý những “kèo ngoài” [sổ sách] của đám khán giả. Tên gọi này bắt nguồn từ Christ [tức Chúa Jesus Christ] bởi lối cử động với hai tay giang rộng điển hình. Ông ra “kèo”, khuyến khích khán giả đặt và xác nhận đặt kèo. Kèo được nhích từng nấc và ngả về phía bên có vẻ yếu thế hơn. Lối ra dấu tay thể hiện cho số tiền tính bằng peso. Nếu ông giơ bốn ngón tay [khép], nghĩa là 40 peso. Nếu bốn ngón tay xòe rộng nghĩa là 400 peso, trong khi bốn ngón tay chỉ xuống là 4000 peso. Người chơi có thể đặt kèo trên (llamado) hay kèo dưới (dejado). Nếu bên kèo dưới thắng, tiền ăn độ sẽ nhiều hơn. Biện cũng có thể có trợ lý giúp cho việc ghi nhớ bởi mọi thứ đều được ghi trong đầu mà không dùng bất kỳ phương tiện nào khác. Ông khuyến kích khán giả bắt kèo, môt tay biện giỏi có thể “vắt chày ra nước” [squeeze blood from a stone] (Guggenheim). Bạn có thể bắt độ mà không cần đưa tiền trước. Người thua trả tiền sau khi trận đấu kết thúc bằng cách ném cuộn tiền cho tay biện. Đó là lý do tại sao đôi khi tờ tiền Philippines trông rất tệ. Việc cá cược hoàn toàn dựa vào sự tin tưởng và danh dự. Những ai không chịu chung tiền, có thể bị đánh đập, xỉ nhục công khai trước đám đông hoặc bị bỏ tù. Người ăn độ thường chi cho biện khoảng mười phần trăm tiền độ, người thua không phải trả gì. Biện là nhân vật không thể thiếu trong bộ môn chọi gà ở Philippines bởi vì ông đưa ra lời mời chào cực kỳ hấp dẫn, về khả năng bỏ túi một số tiền đáng kể mà chẳng phải làm gì.

    Cựa

    Gà rừng bảo vệ lãnh thổ một cách dữ dội nhờ cặp cựa xương. Như chúng ta đều biết, không hề có khảo sát một cách có hệ thống nào về kết cục của những trận đấu như vậy ngoài môi trường tự nhiên. Scott Guggenheim (3) cho rằng gà rừng sẽ đá “thường là” đến chết. Tuy nhiên, như chúng ta thấy, nhiều tác giả khác khẳng định rằng đấu thủ yếu hơn bỏ chạy sau khi thua cuộc, có lẽ chỉ bị thương nhẹ.

    Trong các trận đấu được chính thức hóa, chiến kê được “nâng cấp” bằng những thể loại cựa khác.

    Thể loại 1: Đá với cựa tự nhiên (tức cựa xương). Cựa được chuốt nhọn. Thể loại này khá hiếm, được áp dụng ở vùng Caribbean và kéo dài nhiều giờ [đây là thể loại phổ biến ở miền nam trước đây, gọi là “đá cựa xương”].

    Thể loại 2: Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan chuẩn hóa thể loại cựa găng (boxing glove). Trận đấu diễn ra trong năm hiệp. Mỗi hiệp kéo dài mười phút, tiếp theo hai phút giải lao. Thể loại này cần gà lực, mạnh mẽ.

    Thể loại 3: Gà được gắn loại cựa làm từ mu rùa hay plastic. [tức thể loại cựa tháp]

    Tuy nhiên, việc sử dụng thể loại cựa thép là phổ biến hơn cả. Thị trường đặc biệt cung cấp đủ mọi loại cựa. Nếu chúng được làm bằng loại thép lấy từ dụng cụ phẫu thuật thì có thể mắc đến 100 đô. Thời gian trước đây và có lẽ hãy còn tồn tại ở những vùng xa xôi, cựa có thể được làm từ cánh cửa xe hơi hay lưỡi cưa. Ở Indonesia, nghe nói rằng thép “xịn” chỉ có thể được tôi vào thời điểm nguyệt thực hay lúc có ánh sáng trở lại. “Cựa tròn” (gaff) và “cựa dao” (knife) được làm bằng thép.

    Thể loại 4: Cựa tròn (tari) là cựa mũi tròn nhọn – tương tự như chiếc rìu phá băng nhỏ – được gắn vào gốc của ngón thới [tác giả lộn với cách gắn cựa dao của dân Phi và Ấn]. Chúng có nhiều độ dài và đâm hay thọc vào da thịt. Hầu hết các trận đá cựa tròn đều không quá khốc liệt nhưng có thể gây tổn thương đáng kể. Đá cựa tròn kéo dài hơn cựa dao. Có lẽ việc trận đấu kéo dài làm các tay cờ bạc khó chịu. Lối đá này cần gà mạnh và dai sức. Có nhiều sư kê chuộng hình thức đá này bởi vì nó phụ thuộc nhiều vào trình độ của gà mà ít vào may rủi.

    Thể loại 5: Đá cựa dao còn được gọi là “đá tốc hành”. Có loại dao ngắn và dao dài. Dao ngắn (kiểu Tây Ban Nha) thường được sử dụng ở Mỹ và có độ dài từ ¾ đến 1½ inch. Chọi gà ở Philippines dùng cựa dao dài. Thông thường, cựa dài đến 3 inch tức khoảng 8 cm. Thực tế có loại cựa ngắn và dài hơn. Chúng có thể hai lưỡi, thẳng hoặc cong. Lưỡi sắc như dao cạo. Có nhiều loại dây cột và điều chỉnh góc bên chân trái. Vị trí và độ chắc được xác định. Con yếu thế hơn có thể được chấp nếu cả hai chủ gà đều đồng ý. Gà yếu thế hơn có thể được gắn cựa dài hơn hoặc cựa thứ hai, con lợi thế hơn có thể chuyển cựa qua chân phải hoặc đệm cao hơn. Tuy nhiên, lối chấp như vậy là hiếm. Trước khi đấu, dao được bọc bằng bao da. Ngay trước khi thả, trọng tài chùi dao để tránh dụng độc – chẳng hạn như loại chất độc lấy từ gai cá đuối.

    Dao dễ dàng cắt qua lông và thân, nên trận đấu chỉ kéo dài độ vài giây, chẳng hạn nếu đâm trúng tim. Tang thường nghiêm trọng kể cả với gà thắng. Chúng tôi không có thông tin về tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên, có báo cáo cho rằng chẳng mấy con có thể đá đến trận thứ ba. Thể loại thi đấu này đòi hỏi chiến kê phải nhanh nhẹn và xoay trở tốt.

    Có những sư kê Mỹ đặc biệt dị ứng với thể loại đá cựa dao này bởi nó phụ thuộc vào “chân may”. Họ nói việc đá cựa dao dài chỉ để phục vụ cho các tay cờ bạc nhất thời và - “nó thuần túy vì tiền mà thôi”.

    [Còn một thể loại chọi gà nữa mà ai cũng biết là đá đòn, vốn hay bị gộp chung với đá cựa xương “naked heel” hoặc đá cựa găng “boxing”; hình thức này phổ biến ở Việt Nam, Trung Quốc, Lào, Thái Lan và các tộc người thiểu số trong vùng. Họ cũng du nhập trò này vào Mỹ qua các cộng đồng sống ở đó].

    Thi đấu

    Trước giờ thi đấu, chiến kê được kích cho xung bằng cách nhốt cạnh nhau, để chúng chịu cắn mổ. Việc này gây ấn tượng đối với khán giả, rằng đâu là con được ưa thích. Sau đó khi trọng tài gỡ bỏ bao da, kiểm tra cựa dao và vuốt chúng lần nữa bằng cồn nhằm đề phòng chất độc. Nếu ông cảm thấy việc cáp độ đã xong, thì ông sẽ ra hiệu để trận đấu bắt đầu. Nhiều trường gà chấp nhận thời gian thi đấu tối đa là mười phút.

    Cách mô tả về một trận đấu rất khác nhau – tùy vào thái độ chung đối với trò chọi gà.

    Với một số tác giả, nó là một cuộc thảm sát máu me. Chẳng hạn Roenisch (5) công thức hóa như sau:

    “Ngắn, khốc liệt và bởi vì trận đá dao máu me không dành cho người nhạy cảm. Lông bay, máu tóe. Sau cùng, trong sự náo động của đám đông, một trong hai chiến kê hồn lìa khỏi xác”.

    Người khác, chẳng hạn như Lester Ledesma (6) thi vị hóa chọi gà trong một bài viết. Chúng tôi xin trích dẫn một phần:

    “… Đám đông giờ đây trầm lắng và bồn chồn. Họ trở nên phấn khích khi hai nài bước vào sới với chiến kê trong tay. Chiến kê xuất hiện – những sinh vật đẹp đẽ như vậy, với bộ lông nổi bật, đôi chân cơ bắp và cử động duyên dáng, những bộ máy chiến đấu hoàn hảo! Kế tiếp, biện chính (casador) vẫy tay để trận đấu bắt đầu. Trọng tài giữ yên lặng trong khi các nài vào vị trí. Chiến kê háo hức đá, với lông bờm dựng đứng, móng cào mạnh lên nền và đôi mắt tóe lửa. Bất thình lình chúng được buông ra. Hai con lao vào nhau. Hàng ngàn năm bản năng và tiến hóa bùng nổ thành một trận cuồng phong của lông và thép. Đám đông phản ứng với từng cú đá. Mỗi cú mổ, chém hay cú nhảy đứng tim đều khiến đám đông ồ cả lên. Cả hai rơi xuống đất… Một con bị dính đòn, lông của nó thấm đỏ, nhưng vẫn tiếp tục chiến đấu. Sự cao quý nằm ở tinh thần chiến đấu của những chiến kê này khi chúng đá đến chết. Lông bay. Máu đổ. Mọi thứ chỉ diễn ra trong vòng vài giây”.

    Đoạn này rất giống với Ernst Jünger trong cuốn tiểu thuyết "Stahlgewitter” (Bão thép) khi ông ca ngợi về tinh thần chiến đấu của binh sĩ trong Thế Chiến thứ nhất.

    Mô tả của Rizal trong cuốn tiểu thuyết "Noli Me Tangere" (7) cân bằng và kịch tính hơn:

    “Chúng tiếp cận chậm rãi, bước chân vang lên trên nền đất cứng; không ai trong trường đấu dám cọ quậy hay thở mạnh. Chúng rướn hay hụp đầu như thể đánh giá nhau bằng mắt, phát ra tiếng kêu đe dọa hay có lẽ xem thường. Cặp mắt sắc như dao, phát ra ánh xanh lạnh lẽo; hiểm nguy kích động chúng, và chúng tiếp cận nhau một cách dứt khoát. Nhưng khi chỉ còn cách một bước chân, chúng dừng lại, và với ánh mắt chăm chú, chúng hạ thấp đầu và xù lông bờm.

    Vào thời điểm ấy, máu đổ rần rần vào bộ não bé nhỏ của chúng, sự giận dữ xâm chiếm như ánh chớp và với lòng quả cảm bẩm sinh, chúng lao vào nhau một cách điên cuồng, mỏ đối mỏ, ngực đối ngực, cựa thép đối cựa thép, cánh đối cánh: nhưng các cú đá được tránh một cách khéo léo và chỉ một vài sợi lông rụng xuống.

    Chúng lại soi lẫn nhau. Bất thình lình, con gà nhạn nhảy lên, chém một cú chết chóc, nhưng con điều rùn chân và hụp đầu nên con nhạn chỉ chém vào không khí. Khi tiếp đất, nó quay ngoắt lại để bảo vệ lưng và mặt trước con điều.

    Con sau tấn công nó một cách dữ dội, nhưng nó phòng thủ một cách nghiêm mật. Việc này không phải là không thú vị. Mọi người theo dõi cuộc đấu trong sự hồi hộp và có người bật khóc. Lông thấm máu, cả con điều lẫn con nhạn, vương vãi trên sới, nhưng đây không phải loại trận chiến sẽ ngừng khi bắt đầu đổ máu; với người Filipinos, theo luật của họ, trận đấu chỉ kết thúc khi có con chết hoặc chạy.

    Máu nhuộm đỏ mặt sới; những đợt giao nạp dũng mãnh lặp đi lặp lại; nhưng vẫn chưa xác định được con thắng trận. Sau cùng, trong nỗ lực tột độ, con nhạn lao mình ra trước để đá chân kết; nó găm cựa vào một trong hai cánh của con điều sâu đến tận xương; nhưng con nhạn cũng bị trúng cựa vào ngực, và cả hai con đều hổn hển, kiệt lực, mất máu, quấn lấy nhau, bất động, cho đến khi con nhạn đổ gục, máu phun ra từ ngực, chân co giật trong cơn hấp hối. Con điều, phủ cánh lên mình nó, vẫn còn đứng bên cạnh, nhưng chân nó dần dần khuỵu xuống và mắt nhắm lại”.

    Trong câu chuyện này hiển nhiên cả hai con đều chết. Nếu trận đấu có nhiều hiệp, nhiều khả năng tay nài phải hút máu trong cổ họng con bị tang để giúp nó đá trở lại. Gà được coi là chết khi nó không còn dấu hiệu của sự sống sau khi nhấc lên hạ xuống ba lần. Gà chết có thể được coi là chiến thắng nếu nó chết trong tình huống tấn công. Nếu chiến kê hạ sát địch thủ, nó vẫn chưa được coi là thắng trận. Luật yêu cầu rằng nó phải mổ hai cú vào gà thua. Nếu gà không chịu mổ bởi bị tang quá nặng, nó bị mất cơ hội thắng trận và trận đấu được coi là hòa.

    Vết thương của gà thắng trận được khâu và bôi thuốc nếu nó còn cơ hội phục hồi và chủ gà ăn độ. Khoản tiền này vẫn phải chi trả cho nài, tay lắp cựa, biện cũng như những người đặt theo phe mình.

    Chiến kê thua trận, chết thường được trao cho bên thắng trận như là chiến lợi phẩm để ăn thịt. Ở Mỹ hiện nay, gà thua trận thường được vứt vào hố rác bởi vì người ta lo ngại thịt này có thể gây ung thư.

    Phản bác

    Chọi gà (sabong) suy giảm trên bình diện thế giới hoặc bị coi là bất hợp pháp ở Indonesia hay một số bang ở Mỹ. Ở trong lòng nước Mỹ, các sư kê thường bị coi là nhóm người ngoài lề xã hội.

    Những đề xuất về chọi gà thường phải đối diện với rất nhiều chỉ trích. Vậy đâu là phản bác khi họ tự thanh minh cho bộ môn “thể thao” của mình?

    Phản bác chủ yếu đó là, gà chọi sống lâu và tốt hơn so với những giống gà khác (gà thịt). Ngày nay, gia cầm chỉ sống tối đa là sáu tháng trong các trang trại dưới ánh sáng nhân tạo – chen chúc với hàng ngàn con khác – để rồi bị cắt cổ bởi máy giết mổ tự động. Ở đây cũng có đổ máu – một thực tế thường xuyên bị người tiêu thụ làm ngơ. Gà chọi lại khác – và đây là lý do để phản bác – có một cuộc sống “sướng như vua” cho đến lúc chết.

    Tuy nhiên những phản bác khác yếu ớt hơn. Bởi quan niệm cho rằng gà đá nhau vì bản năng di truyền, do đó chiến kê, không hề bị ép đá nhau. Trong ngữ cảnh này chúng tôi nhận thấy sự phản đối mù quáng rằng chiến kê sẽ chết cùng với bản năng chiến đấu mà tự nhiên ban tặng cho chúng, “chiến đấu là mục đích của cuộc đời” hay “tự nhiên tự nó đầy chết chóc”. Lời phản bác này bỏ qua một sự thực rằng gà rừng hiếm khi giết nhau khi bảo vệ lãnh thổ. Con yếu hơn tìm cách bỏ chạy.

    Hơn nữa, chúng ta còn thấy một phản đối mang tính lịch sử-văn hóa rằng “Sabong – bộ môn thể thao vua của Philippines – phản ánh tinh hoa thực sự của người Filipinos. Anh ta có thể rất bốc đồng và vô tư nhưng cũng có thể rất ngoan đạo, trọng danh dự và luôn lạc quan” (8). Những đặc tính này chỉ là trí tưởng tượng.

    Sabong mang lại trò giải trí hàng đầu – là một phản bác khác. Tuy nhiên, lời phản bác này hiện không được tất cả người Filipinos đồng cảm. Nhiều bộ môn thể thao khác cũng là trò giải trí hàng đầu.

    Xa hơn, nghe nói rằng trò chọi gà làm giảm tính hung hăng của đám người hư hỏng. Tuy nhiên, có thể làm giảm tính hung hăng bằng những phương thức khác.

    Sau cùng chúng tôi tìm thấy bài phát biểu sau đây của Henry Centeno “Với những tệ nạn khác bạn luôn phải chịu đựng, nhưng với tệ nạn này… bạn thực sự có thể chiến thắng. Với những tệ nạn khác bạn chẳng thu được điều gì. Tệ nạn này chắc chắn mang lại chiến thắng. Ở đây bạn có thể mang tiền về nhà, trong khi những tệ nạn khác khiến bạn luôn trắng tay, chẳng hạn như ma túy, rượu chè và phụ nữ” (9). Tác giả này quên mất rằng tiền ăn độ của người này chính là tiền thua độ của người kia. Và phụ nữ có thực sự là một “tệ nạn” thường trực?

    Nhà xã hội học Philippines Ricardo Abad diễn giải về vấn đề trên như sau “Đó là trò chơi cơ hội, dân Philippines và nhiều nơi khác tin vào cơ hội, tin vào vận may, tin vào việc kiếm tiền một cách đơn giản, tin vào phép màu, đấy là khía cạnh lãng mạn của cuộc sống” (9). Niềm tin vào vận may đôi khi được đề cập trong văn học. Tuy nhiên, phản bác này chỉ là lời giải thích chứ không phải bào chữa.

    Mặt khác, những phê phán trò chọi gà đều nói đến bộ môn thể thao phi nhân, độc ác, gây sốc mà nó liên quan mật thiết với máu đỏ đen.

    Có lẽ trò chọi gà sẽ nhận được nhiều đồng thuận của công chúng nếu tổn thương của các chiến kê được hạn chế. Thái Lan đi theo hướng đó với bộ luật mới. Chiến kê được “đeo găng” và thời gian thi đấu được giới hạn trong nhiều hiệp với giờ nghỉ. Chiến kê bị coi là thua trận nếu nó bỏ chạy, bỏ cự ba lần hay có dấu hiệu bị tang. Thành công của luật mới ở Thái Lan nên được xem xét. Nếu nó mang lại kết quả tích cực thì việc áp dụng cho những nước khác nên được thảo luận.

    © Wolfgang Bethge, 2002

    (1) Scott Guggenheim, Cockfighting in the Philippines, in: Alan Dundes (Ed.), The Cockfight – A Casebook, Madison, 1994, S. 143
    (2) Rüdiger Siebert, 3mal Philippinen, München - Zürich, 1989
    (3) Scott Guggenheim, a.a.O., S. 142
    (4) Alan Dundes, Gallus und Phallus, in: Alan Dundes (Ed.), The Cockfight – A Casebook, Madison, 1994, S. 143
    (5) Michael Roenisch, Nationalsport Hahnenkampf, http://freenet.meome.de/
    (6) Lester Ledesma, Sabong: The Philippines Premier Gambling Sport, Mabuhay Magazine, 1998
    (7) Rizal, Noli Me Tangere,
    (8) Lester Ledesma, Sabong:The Philippines Premier Gambling Sport, MabuhayMagazine
    (9) quoted from: “Blood sport with chance to win big money attracts many in Philippines, in: http://webhome.idiret.com/~boweeil/saboing1.htm
     
    Chỉnh sửa cuối: 11/11/16
  2. gadongtao88

    gadongtao88 New Member

    cái gì nó cũng có mặt lợi hại của nó
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội