Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Hướng dẫn đích thực về cá đuối nước ngọt Nam Mỹ

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 9/5/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn đích thực về cá đuối nước ngọt Nam Mỹ
    Heiko Bleher - http://www.practicalfishkeeping.co.uk

    [​IMG]

    Nhầm lẫn thường xảy ra về nhận dạng và tên loài – nhất là về chủ đề liên quan đến cá đuối Nam Mỹ, Phi, Á và Úc.

    Cá đuối nước ngọt hiện diện ở tất cả các châu lục và chúng thuộc về hai họ: Potamotrygonidae và Dasyatidae. Ở đây tôi nói về họ Potamotrygonidae, còn gọi là cá đuối sông vốn thuộc về bộ đuối ó Myliobatiformes.

    Là loài cá nước ngọt, chúng sống cả đời trong môi trường như vậy, nhưng một số cũng tiến vào vùng nước lợ và thậm chí có vài loài thâm nhập cả vào môi trường nước mặn.

    Phân bố giới hạn ở các vùng bắc, trung tâm và đông Nam Mỹ, trong các sông hồ đổ ra biển Caribe, nơi mà tôi phát hiện những loài trong địa bàn nước lợ và nước mặn, và đổ ra Đại Tây Dương cho đến tận sông Río de la Plata ở Argentina.

    Có ít nhất ba loài được phát hiện ở vài con sông – cùng với các quần thể khác biệt và có lẽ cả những loài chưa được mô tả. Một số chỉ phân bố ở một con sông [loài đặc hữu].

    [​IMG]

    Tôi phát hiện cá đuối sông ở hầu hết các sông hồ ở lưu vực Amazon – từ nơi có sự phân nhánh mạnh nhất – cho đến tận thượng nguồn ở Bolivia, Peru, Colombia và Ecuador. Chúng cũng phân bố mạnh ở lưu vực sông Orinoco, bên cạnh Guyanas.

    [​IMG]

    Hầu như tròn

    Cá đuối sông hầu như tròn – ngoại trừ chi Paratrygon và một chi chưa được mô tả - và có tầm kích thước từ Potamotrygon schuhmacheri với đường kính 25 cm cho đến cá đuối đuôi ngắn (short-tailed) P. brachyura (hình trên), ở Paraguay, Argentina và Uruguay mà đường kính dĩa có thể lên đến 1.5 m. Một trong những cá thể như vậy được bắt ở sông Uruguay vào năm 1934 nặng tới 120 kg.

    Cá thể lớn nhất mà tôi bắt được là một con đuối dĩa (discus ray) Paratrygon aiereba với đường kính dĩa gần 1.2 m và nặng khoảng 50 kg, nhưng tôi từng thấy những con to hơn.

    Mặt lưng của cá đuối sông phủ đầy gai (denticles) – cấu trúc sắc như răng cưa – và mặc dù là họ hàng gần với cá mập, chúng có phương thức săn mồi hoàn toàn khác.

    Chúng chủ yếu săn tôm, cá, cua và động vật thân mềm (mollusc), nhưng thay vì cắn xé, chúng đớp con mồi và nghiền nát bằng răng tấm (toothplate) vì chúng không có răng đúng nghĩa.

    Đa số các loài màu nâu, xám hay vàng và thường có chấm hay hoa văn loang lổ. Chỉ có loài P. henlei và P. leopoldi là màu đen, hay gần như đen với các đốm trắng.

    Tất cả các loài đều có từ một đến hai gai độc. Tuy nhiên, chúng không nguy hiểm trừ phi đạp phải hay bị đe dọa.

    Cá đuối sông thường hiền lành và tò mò và tôi nuôi rất nhiều loài làm cảnh. Chúng bơi đến mặt trước của hồ mỗi khi tôi tới gần và ăn mồi từ tay tôi. Chúng cũng thích được vuốt ve nữa.

    Tuy nhiên, đây không phải là cách cho ăn mà tôi khuyên người mới chơi thử áp dụng.

    Sinh sản được biết dưới hình thức thai trứng (matrotrophic viviparity). Villi (sợi tua) cung cấp dưỡng chất cho bào thai (foetus) trong tử cung và chu trình sinh sản trùng với sự biến động thủy vực trong môi trường sống của cá đuối.

    Quá trình mang thai có thể kéo dài từ ba đến 12 tháng, với từ một đến tám bào thai mỗi đợt. Tôi có người bạn ở Nga mà cá đuối của anh đẻ đến hơn 400 con mỗi năm và mỗi lứa anh thu được 12 con. Cũng có báo cáo về một lứa (litter) lên đến 21 bào thai lấy từ một con Potamotrygon motoro cái.

    Cá có thể đẻ đến ba lứa một năm và có thể ngưng từ một đến vài năm trước khi đẻ tiếp. Số lượng [trong một lứa] và chu kỳ sinh sản giữa cá thể nuôi dưỡng và hoang dã có thể khác biệt và phụ thuộc vào kích thước và độ tuổi của cá cái.

    Chu kỳ sinh sản dài nhất của một cá cái được ghi nhận dài hơn 15 năm, nhưng việc này cũng phụ thuộc vào cá đực. Tôi từng thấy một cá thể đực trong hồ quá xung đến nỗi nó cản với mọi con cái một khi có cơ hội và thụ tinh cho chúng – cũng như cá cái thuộc loài khác.

    Về mặt tự nhiên, việc này là không nên để tránh lai tạp dẫu rằng nó đã trở nên phổ biến ở Đài Loan, Malaysia, Indonesia, Singapore và Trung Quốc.

    Đường kính dĩa của cá con mới đẻ khoảng 9 cm, nhưng tôi ghi nhận có con 4 cm.

    Cá đuối rất dễ phân biệt giới tính. Cá đực có vây bụng biến đổi, hai thùy sinh dục (clasper) để giao phối và cá cái có vây bụng tròn.

    [​IMG]

    Việc lai tạo cá đuối sông trong môi trường nuôi dưỡng chỉ bắt đầu một cách nghiêm túc vào cuối những năm 1990 và trên bình diện quốc tế chỉ độ chục năm trở lại đây, bởi vài năm nay Brazil cấm đánh bắt và buôn bán loài cá này.

    Mối đe dọa lớn nhất mà cá đuối sông phải đối mặt không phải là từ việc đánh bắt và xuất khẩu. Nguy cơ lớn nhất là việc gia tăng phá rừng và hủy hoại môi trường sống tự nhiên. Hàng trăm đập thủy điện sắp được xây dựng và gần hoàn tất chỉ tính riêng ở lưu vực sông Amazon.

    Những chủng tộc bản địa cũng tiêu diệt chúng mỗi ngày. Các tay dân chài da màu “caboclos riberinhos” này rất ghét cá đuối. Nếu họ được phép đánh bắt và bán chúng thì họ có thể kiếm lợi. Nhưng hiện nay cá đuối được “bảo vệ” nên họ thấy không cần phải đánh bắt và bán chúng nữa. Họ giết sạch!

    Nhận dạng loài không dễ

    Cá đuối sông là loài đa sắc (polychromatic), vì vậy các hoa văn và màu sắc trên thân là cực kỳ đa dạng, điều khiến cho việc nhận dạng chủ động thông qua hoa văn và màu sắc là rất khó khăn.

    Một số biến thể loài khác nhau thể hiện những hoa văn gần như đồng dạng và, như để khiến cho việc nhận dạng khó khăn hơn, có một mức độ lai tạp nhất định giữa những loài đồng cư (sympatric).

    Những đặc điểm quan trọng giúp vượt qua những vấn đề như thế này bao gồm:

    *Các vạch ngang trên đuôi
    *Sự hiện diện hay thiếu vắng những gai dựng dọc theo đuôi
    *Tỷ lệ độ dài đuôi với đường kính dĩa
    *Kích thước và vị trí của mắt

    Vạch và hình dạng đuôi là chìa khóa tốt nhất để nhận dạng bất kỳ loài nào.

    [​IMG]

    Nuôi chúng như thế nào?

    Cá đuối thở bằng cách hút nước qua một lỗ nhỏ đằng sau mắt và thổi ra qua các khe mang nằm bên dưới dĩa.

    Đấy cũng là lý do tại sao cá đuối sông thích những nơi có cát mịn hay bùn. Chúng chỉ ghé sơ qua những vùng đáy đá. Vào mùa mưa, chúng cũng di chuyển đến khu vực rừng ngập nước.

    Chúng bỏ thời gian vùi mình dưới cát hay bùn với mỗi cặp mắt nhú ra, bởi vậy việc trải cát trong hồ nuôi là điều bắt buộc.

    Cũng nên nhớ rằng bạn càng cho chúng nhiều không gian thì chúng càng hạnh phúc. Cá đuối nuôi trong hồ thủy sinh phải có đủ không gian để bơi lội, kèm thêm vùng trải cát, tôi đề nghị vùng thủy sinh trồng loại cây trầu bà Echinodorus mọc chậm, loài cây tí hon (dwarf) trông như thảm cỏ. Cá thích lướt trên đó!

    Hầu hết cá đuối sông không thể chịu được lạnh, vì vậy hãy duy trì nhiệt độ trên 24°C, tốt nhất là tầm 26-27°C. Chúng có thể dễ dàng chịu đựng đến 29-30°C, vì vậy chúng thường được phát hiện bên dưới độ sâu của đám cá dĩa. Các cá thể được lai tạo trong hồ (tank-bred) bình thường cũng chịu đựng đến 28°C.

    Độ dẫn càng thấp càng tốt [conductivity, tương đương với độ cứng]. Ngoài tự nhiên hiếm khi nào độ dẫn vượt quá 50-75 µS/cm nhưng các cá thể được lai tạo trong hồ thường chịu đựng đến 200 µS/cm hay hơn.

    Chậm rãi thả chúng vào hồ kiếng của bạn và đậy nắp, bởi là loài hoạt động về đêm, chúng có thể nhảy ra ngoài.

    Nếu bạn có hệ thống lọc và dòng thổi tốt, thay 20-30% lượng nước mỗi tuần và cho ăn đầy đủ. Nếu được vậy, cá đuối của bạn sẽ rất dễ nuôi và còn thú vị và giàu tính giáo dục hơn bất kỳ chương trình TV nào!

    [​IMG]

    Phải làm gì nếu bị cá đuối đâm?

    Bởi là loài sống mặt đáy và không thể tự vệ, cá đuối sông phải thích nghi – bằng cách phát triển gai độc mà nó có hai tuyến nọc trong lớp vỏ ngoài.

    Đuôi quất vào nạn nhân, với người thường rơi vào bàn chân hoặc bắp chân, khiến gai độc đâm sâu.

    Rồi tuyến nọc tiết ra chất độc dưới dạng protein, gây ra đau rát ngay lập tức. Vết thương có thể không độc bởi vì nhiều con bị mất hay rách lớp vỏ bảo vệ tuyến nọc (gland).

    Vết thương có thể chảy máu hoài khiến bệnh nhân ngất xỉu, trải nghiệm buồn nôn, ói mửa, tiêu chảy, vã mồ hôi, co giật, đau ổ bụng, huyết áp thấp hay tụt.

    Ngâm vết thương vào nước nóng nhất có thể hay chườm nóng. Nhiệt sẽ nhanh chóng giảm đau, tác dụng ngay lập tức lên chất độc. Tôi từng sống giữa những người da đỏ và thấy một số người có vết sẹo vì cá đuối đâm nhưng chẳng có ai phải đi gặp bác sĩ và chưa từng nghe nói có ai bị chết [bà con vùng duyên hải rất rành việc trị thương bằng nước “nóng nhất có thể” vì người ta vẫn vô tình đạp phải cá đuối khi tắm biển; bãi tắm có thể là “bãi đáp” của bầy cá đuối vào một số thời điểm nhất định trong năm; vì chất độc tồn tại dưới dạng đạm (protein-based) nên nó dễ bị phân hủy ở nhiệt độ cao; dường như chẳng mấy bạn chơi cá cảnh biết điều này] .

    Một số nạn nhân sử dụng “thảo dược” tức một loại dây leo Amazonian liana còn gọi là “ju co”. Nếu cắt, nó sẽ tiết ra một chất lỏng màu be mà nếu bôi vào vết thương sẽ giúp lành rất mau.

    Mua cá đuối

    > Cảnh giác với cá lai tạp

    Cảnh giác với cá đuối lai bởi hiện có rất nhiều con như vậy đến từ những khu vực khác nhau ở châu Á.

    Các trại cá đang được xây dựng ở Malaysia, Singapore, Đài Loan và Indonesia để sản xuất hàng ngàn cá đuối nước ngọt Nam Mỹ và các loài thường bị pha tạp với nhau.

    Tại sao lại phải lai tạp? Các trang trại muốn sản xuất càng nhiều càng tốt và/hay họ không thể kiếm đủ số cá đực. Cá cái dễ kiếm hơn nhiều.

    [​IMG]

    > Tránh mua bất kỳ cá thể dị tật nào

    Đừng mua cá đuối đột biến, chẳng hạn như cái-gọi-là cá đuối bướm hay cá đuối dơi.

    Không may một số con có thể bị cắt khi còn nhỏ để trông cho giống với cá đuối bướm [ghi chú của ban biên tập PFK: những cá thể đột biến này đôi khi xuất hiện trong tự nhiên và có một số tranh cãi về nguồn gốc của chúng. Dường như các dị tật bẩm sinh là nguyên nhân chính. Một số người cho rằng các nhà lai tạo thúc đẩy việc này. Dù sao chúng cũng xuất hiện và hãy tránh xa chúng như bệnh dịch!]

    > Đừng mua những con gầy ốm

    Đừng mua những con trông rất gầy ốm. Nếu bạn thấy cá gầy trơ sụn (cá đuối không có xương) điều đó có nghĩa là bao tử của chúng đã bị teo và chúng sắp chết.

    Cá nào là phù hợp nhất?

    Bất kỳ cá đồng ang [tank-mate, cá cùng hồ] nào đều không được quá nhỏ, vì vậy tránh những loài như cá neon và characin [tên gọi chung của rất nhiều loài ở Nam Mỹ]. Bạn có thể nuôi những cá thể characin trưởng thành thuộc các chi Chalceus, Leporinus, Anostomus, Triportheus, Colossoma [cá pacu], Boulengerella và Ctenolucius.

    Các loài cichlid kích thước lớn như Geophagus [ông già], Satanoperca, Heros [kim thơm] và Astronotus [heo lửa, tai tượng phi] và ông tiên cỡ lớn cũng là đồng ang tốt. Nhớ thả cá ông tiên trưởng thành, vì tôi thường thấy cá đuối đớp những con ông tiên nhỏ vào ban đêm.

    Cá chùi kiếng cỡ lớn Loricariids cũng tốt, nhưng tránh những loài nhỏ con như chuột Corydoras.

    Phân loại

    Vấn đề phân loại cá đuối sông rất phức tạp và nhiều loài còn chưa được mô tả. Hiện tại có ba chi với 20 loài được công nhận.

    Paratrygon

    [​IMG]

    Paratrygon aiereba (Walbaum, 1792) (hình trên): cá đuối dĩa (discus ray) phân bố ở lưu vực các sông Amazon và Orinoco thuộc Bolivia, Brazil, Ecuador, Peru và Venezuela.

    Tôi phát hiện thấy rất nhiều biến thể hình dạng và màu sắc khác nhau và có lẽ, có nhiều hơn một loài trong chi này.

    Có lẽ những con ở Venezuela là cá thể điển hình (type).

    Plesiotrygon

    [​IMG]

    Plesiotrygon iwamae, Rosa, Castello & Thorson, 1987 (hình trên): cá đuối đuôi dài (long-tailed) chỉ xuất hiện ở sông Rio Solimões, phía trên eo Tefé, từ vùng Amazon, Brazil, cho đến tận thượng nguồn ở Ecuador (Napo).

    Potamotrygon

    Potamotrygon boesemani, Rosa, de Carvalho & de Almeida Wanderley, 2008: cá đuối boeseman là loài mới được mô tả gần đây và chỉ phân bố ở các nhánh của sông Corantijn, Surinam [trước đây loài này thuộc nhóm cá đuối khoen P. motoro].

    Potamotrygon brachyura (Günther, 1880): cá đuối đuôi ngắn (short-tailed) chỉ phân bố ở sông Paraná-Paraguay và lưu vực sông Uruguay chảy qua Argentina, Brazil, Paraguay và Uruguay.

    Potamotrygon castexi, * Castello & Yagolkowski, 1969: cá đuối rỗ (vermiculate) phân bố ở sông Paraná, tại Rosario, Argentina, nhưng một số người nói nó cũng được phát hiện ở thượng nguồn sông Amazon, điều mà tôi nghi ngờ. Phân bố giới hạn ở lưu vực sông Paraná-Paraguay đoạn chảy qua Argentina, Bolivia và Brazil.

    Potamotrygon constellata (Vaillant, 1880): mẫu vật cá đuối gai (thorny) xuất phát từ Calderón, Colombia, thượng nguồn Amazon, Brazil, nơi mà cá thể cá dĩa nâu/lam Symphysodon haraldi đầu tiên được phát hiện. Vùng phân bố của chúng bao gồm lưu vực sông Amazon và Solimões ở Brazil, Colombia và Peru.

    Potamotrygon falkneri,* Castex & Maciel, 1963: cá thể điển hình của cá đuối đốm lớn (large spot) là từ trung lưu sông Paraná, sông Entre ở Argentina và phân bố chỉ giới hạn trong lưu vực sông Paraná-Paraguay đoạn chảy qua Argentina, Brazil và Paraguay.

    Potamotrygon henlei (Castelnau, 1855): cá đuối răng lớn (bigtooth) chỉ phân bố ở lưu vực sông Tocantins, Brazil.

    Potamotrygon hystrix* (Müller & Henle, 1841): cá đuối nhím (porcupine) chỉ phân bố ở lưu vực sông Parana-Paraguay, Nam Mỹ. Những thông tin trong giới cá cảnh là thiếu chính xác – hoặc nhầm lẫn với loài khác.

    Potamotrygon leopoldi, Castex & Castello, 1970: cá đuối đốm trắng (white-blotched) là độc nhất và được mô tả [theo mẫu vật] lấy từ một con rạch ở hữu ngạn thượng nguồn sông Xingú, Mato Grosso, Brazil và chỉ phân bố ở sông Xingú.

    Potamotrygon magdalenae (Duméril, 1865): cá đuối magdalena chỉ phân bố trong lưu vực các sông Magdalena và Atrato ở Colombia.

    Potamotrygon marinae,* Deynat, 2006: cá đuối marina chỉ phân bố ở Maroni, Grand Inini, French Guyana.

    Potamotrygon motoro (Müller & Henle, 1841): cá đuối khoen (ocellate) được Natterer phát hiện đầu tiên ở sông Cuiabá, Brazil, và có lẽ là loài phân bố rộng nhất ở Nam Mỹ.

    [​IMG]

    Potamotrygon ocellata (Engelhardt, 1912) (hình trên): cá đuối đốm đỏ (red-blotched) chỉ phân bố ở Amapá, Pará, Brazil.

    Potamotrygon orbignyi (Castelnau, 1855): cá đuối lưng trơn (smooth back) được mô tả (theo mẫu vật) ở sông Tocantins, Brazil, nghe nói chúng phân bố rộng khắp Nam Mỹ, nhưng chắc chắn ở trung và hạ lưu sông Amazon.

    Potamotrygon schroederi, Fernández-Yépez, 1958: cá đuối hoa (rosette) được mô tả từ sông Apure, tại cửa sông Río Apurito, Estado Apure, Venezuela và được phát hiện ở lưu vực sông Orinoco. Một số người nói nó cũng xuất hiện ở sông Amazon.

    Potamotrygon schuhmacheri,* Castex, 1964: mẫu vật chuẩn của cá đuối schuhmacher xuất phát từ sông Río Colastiné Sur, vùng Santa Fe, Argentina và phân bố giới hạn trong lưu vực sông Paraná-Paraguay, Nam Mỹ.

    [​IMG]

    Potamotrygon scobina, Garman, 1913 (hình trên): cá đuối nghiến (raspy) [được mô tả theo mẫu vật] từ sông Rio Tocantins, mẫu vật chuẩn được thu thập gần Cametá, Pará, Brazil.

    Potamotrygon signata,* Garman, 1913: cá đuối parnaiba được mô tả [theo mẫu vật chuẩn] từ sông Rio Puty, một nhánh của sông Rio Paranahyba, Parnahyba, San Gonçallo, Brazil, và chỉ phân bố ở lưu vực sông Paraná, Brazil.

    Potamotrygon yepezi, Castex & Castello, 1970: cá đuối maracaibo chỉ phân bố ở hồ Maracaibo, Venezuela.

    [Chú thích của ban biên tập PFK: cái-gọi-là cá đuối hổ (tiger ray) đã được mô tả sau khi bài viết này được đăng. Hiện loài này có tên Potamotrygon tigrina. Theo chỗ tôi biết, loài này chưa hề xuất hiện trong giới chơi cá cảnh (có lẽ không còn đúng nữa) mặc dù tên của chúng thường được nhắc đến. Những tên khoa học khác chẳng hạn như Potamotrygon humerosa và Potamotrygon reticulata thường xuất hiện trong sách và tạp chí là các tên đồng nghĩa và không phải là tên chính thức – nên tránh sử dụng].


    ==========================================


    Giới thiệu về cá đuối nước ngọt (David Webber)
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/5/17
  2. success2690

    success2690 Active Member

    hay quá anh.mong sớm dc đọc phần tiếp theo
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội