Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Quy trình lai tạo Parachromis managuensis

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá cichlid' bắt đầu bởi vnreddevil, 2/6/14.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Quy trình lai tạo Parachromis managuensis
    Mo Devlin - www.tfhmagazine.com

    Tôi thích cá lớn. Hồi nhỏ, tôi vẫn nhớ cha tôi có một hồ cá lớn đặt trong văn phòng của mình. Mọi thứ dường như đều lớn hơn khi bạn còn nhỏ, và cảm nhận của tôi hiện nay khi đã trưởng thành, “lớn” với tôi lúc này là hồ 55 gallon [208 lít]. Ông vẫn thả đủ loại cá khác nhau và thật thú vị khi được đi cùng ông để mua cá về thả vào hồ.

    Có lúc ông mua về một con tai tượng phi Astronotus ocellatus, và tôi đâm mê mẩn. Từ đó trở đi, niềm đam mê của tôi với cá lớn hình thành, cùng với khả năng theo đuổi thú chơi cichlid của mình. Ngày nay tôi trở thành một tay nghiện nặng, với cả đống hồ toàn những con cichlid Trung Mỹ xinh đẹp, kích thước lớn.

    Nếu một chục năm trước bạn hỏi tôi thích gì hơn, nuôi cá cichlid hay chụp hình chúng, thì tôi sẽ nói vế đầu. Nhưng với sự xuất hiện của máy ảnh kỹ thuật số, tôi thực lòng cho rằng niềm vui của tôi đã thay đổi. Tôi sử dụng một camera trong gần 40 năm để làm việc, cả dân sự lẫn quân sự, từ ảnh điều tra cho đến ảnh tổng thống và các sự kiện như một phóng viên ảnh. Đó là sự khởi đầu tuyệt vời, đưa tôi đến niềm đam mê hiện nay – tôi thích chụp hình đám cichlid của mình. Máy ảnh kỹ thuật số đã khiến cho niềm đam mê của tôi dễ dàng hơn dưới chủ đề “Today in the Fishroom” trên hàng loạt diễn đàn cá cảnh cả nội địa lẫn quốc tế.

    Tôi bỏ rất nhiều thời gian đứng trước hồ cá để quan sát những hành vi khiến chúng hấp dẫn và thách thức. Chẳng có gì bí mật với những ai từng nuôi cichlid lớn rằng việc lai tạo không phải lúc nào cũng toàn là “rượu vang và hoa hồng”. Cichlid nổi tiếng là loài hung dữ trong thế giới cá cảnh, và không gì sặc sỡ và thú vị bằng một cặp cá đang trong quá trình sinh sản.

    Trong nhiều năm trời, tôi nuôi cả tá Parachromis managuensis [còn gọi là cichlid báo đốm – jaguar cichlid] và nhiều cặp đã đẻ. Tôi có cả hai loại, hàng mua từ tiệm [nhiều khả năng là hàng trại, tức được lai tạo trong môi trường nuôi dưỡng] và cá hoang dã (wild-caught). Và vài năm trước, tôi may mắn kiếm được một mớ managuensis đánh bắt ở La Ceiba, Honduras. Dẫu phân bố ở nhiều nước trong vùng Trung và nam Mỹ, biến thể mà chúng ta bắt về từ Honduras đặc biệt xinh đẹp; chúng có màu xanh đậm trên chóp lưng và dọc theo vây lưng. Chính một cặp như thế này đã đem đến cho tôi hàng giờ ngắm nghía và hàng trăm tấm ảnh nghi nhận vẻ đẹp và hành vi của chúng.

    Cặp cá hiện đang được nuôi trong hồ 100 gallon [378 lít] và chỉ có chúng với nhau. Chúng sinh sản thường xuyên và dễ đoán, theo cách thức mà tôi chỉ có thể mô tả là vở kịch nhiều màn. Sau đây là phần mô tả, hay một loạt hành động nếu bạn cho là vậy, về hành vi sinh sản của Parachromis managuensis.

    [​IMG]

    Màn một: Bàng quan

    Chúng ta phải bắt đầu từ đâu đó, và như nhiều cuộc hôn nhân, có giai đoạn cả chồng lẫn vợ sống dưới cùng một mái nhà và chẳng có gì ngoài sinh hoạt lặng lẽ. Tôi phát hiện ra rằng tiếng tăm hung dữ của managuensis chỉ đúng phần nào. Giống như nhiều loài “guapote” [mỹ ngư] lớn, chúng cũng có lúc trở nên rồ dại. Hành vi này khó đoán định và thường xảy ra khi bạn ít mong đợi nhất. Thông thường, nó có thể dẫn đến cái chết, hoặc tối thiểu, cá trông cứ như vừa trải qua một trận đấu võ tự do (mixed-martial-art).

    Trong giai đoạn này tôi lắp tấm ngăn một phần (incomplete) với một lỗ trống gần vị trí đẻ trứng để cá mái đào thoát nếu có thể. P. managuensis, như hầu hết các loài guapote, có lưỡng hình giới tính (sexually dimorphic) với cá cái nhỏ hơn cá đực. Tấm ngăn một phần cực kỳ phù hợp trong trường hợp này. Tôi xin lưu ý rằng tôi từng lai tạo thành công managuensis trong cùng hồ với các loài cá khác, nhiều con nhỏ và nhút nhát hơn nhiều. Dĩ nhiên, khác biệt chính ở chỗ chúng được nuôi ở nơi lớn hơn nhiều – ao trong nhà dung tích 1600 gallon [6m3].

    Thông thường, cặp cá sẽ chiếm một góc hồ, bơi lội quấn quít với thỉnh thoảng tung ra vài cú vỗ nhẹ. Sự hung dữ, một khi xảy ra, không phải lúc nào cũng từ phía con đực lớn hơn. Có những lần cá cái đổi vai trò và bắt đầu làm khó cá đực. Khi tôi thấy điều này xảy ra, tôi thay tấm ngăn một phần bằng tấm ngăn toàn phần, giữ cá cái ở chỗ của mình phía bên kia. Việc này thường dẫn tới màn tiếp theo của vở kịch.

    [​IMG]

    Màn hai: Thích thú

    Tùy theo những gì mà tôi muốn, một trong hai điều sẽ xảy ra. Hoặc tôi để yên tấm ngăn và cặp cá sẽ sinh sản qua lỗ trống. Hoặc tôi lấy tấm ngăn ra và để chúng tự nhiên. Trong phạm vi bài viết này, tôi sẽ mô tả cách sau.

    Chừng nào mà tôi thấy cá cái hành động , tôi biết cặp cá đã sẵn sàng sinh sản. Thông thường, chính cá cái khơi mào trước. Cá đực tiếp tục giả vờ bàng quan với những cú xòe vây và khều móc của nó, trong khi cá cái bắt đầu để ý kỹ hơn đến địa điểm sinh sản: một tấm đá bằng phẳng gần mặt trước hồ. Với một đợt thay nhiều nước, cá đực dường như đổi thái độ và bắt đầu nhận biết những gì đang xảy ra.

    [​IMG]

    Màn ba: Chuẩn bị tổ ấm

    Bây giờ, cả bố lẫn mẹ đều bận rộn. Trong nhiều năm trời, tôi có cá sinh sản trong lọ gốm, trên vách hồ và trên mặt đá. Điều đó luôn bắt đầu với việc cả trống lẫn mái đều dọn dẹp khu vực để chuẩn bị đẻ trứng. Trong hồ này, tôi cũng bố trí cả lũa lẫn cây giả (silk plant). Trong lúc cá cái dọn dẹp bề mặt, cá đực bận rộn sắp xếp lại cây cối và bất cứ thứ gì có vẻ không hợp ý của mình.

    Các màn khóa mỏ (lip-locking) có thể xảy ra ở nhiều tình huống trong cuộc đời của cá: tuyển chọn đối tác, bảo vệ lãnh thổ, hay trong trường hợp này, tiền-sinh sản. Sự việc có thể kéo dài vài giây hay trong một số trường hợp, kéo dài nhiều phút. Cấu trúc hàm độc đáo của Parachromis, với hàm răng như chó sói trong một cái mõm rộng ngoác, có thể dẫn đến tổn thương cho một trong hai con. Tôi thường nói rằng nếu bạn sắp sửa đem cá đi triển lãm thì đừng có cản chúng. Những tổn thương vô tình, dù nhỏ đến đâu, cũng khiến chúng không còn xinh đẹp nữa.

    Trong quá trình sinh sản, cả đực lẫn cái sẽ lượn lờ quanh vị trí và lao vào khóa mỏ đối tác. Tôi không chắc có đúng không, tôi nghĩ đa số đều nhắm vào môi trên của con kia – điều mang lại nghĩa mới của việc “gác tay”, hay “gác mỏ” trong trường hợp này. Bởi sự khác biệt về kích thước giữa hai con, cá đực đôi khi sẽ may mắn hơn và cắn trọn mõm con cái trong miệng mình. Thỉnh thoảng cá cái đớp trúng một cú may mắn và treo mình theo cá đực. Thật là thú vị đối với người chụp ảnh.

    [​IMG]

    Màn bốn: Nhiệm vụ trong tầm tay

    Việc lai tạo tự nó thường xảy ra trong vòng vài ngày với hành vi như trên. Vòi trứng cá cái sẽ bắt đầu nhú ra, cũng như ống dẫn tinh của cá đực, để chuẩn bị cho bước kế tiếp. Những gì xảy ra tiếp theo cũng ngắn gọn như một vở ba lê đơn giản.

    Từ giữa tấm đá, cá cái để trứng, chuyển động theo vòng tròn nhỏ. Cá đực theo sau để thụ tinh cho trứng. Công việc của nó không chỉ có vậy mà còn quan sát xung quanh trong khi quá trình đang tiếp diễn. Quá trình này có thể kéo dài trong nhiều giờ, mỗi con thay nhau lướt qua địa điểm sinh sản. Sau cùng, toàn bộ bề mặt tấm đá đính đầy những viên ngọc chứa thế hệ managuensis tương lai.

    Giải lao

    Tôi thường rất ấn tượng với cả đám mây cá bột mà một cặp cichlid lớn có thể sản sinh ra. Ngoài tự nhiên, cá này là loài săn mồi hàng đầu trong vực nước. Và thông thường, không chỉ cá managuensis mà cả những loài cichlid lớn trong khu vực cũng vậy. Tại sao phải đẻ quá nhiều? Hiển nhiên, chỉ có một số lượng nhất định guapote cỡ bàn chân [30cm] còn sót lại. Câu trả lời, dĩ nhiên, là sự chọn lọc tự nhiên.

    Tỷ lệ cá bột bị hao hụt phải cực lớn ngoài tự nhiên. Không chỉ vì cá khác, mà còn vì những lứa trước của cùng một cặp cha mẹ. Như cha tôi thường nhắc nhở, không chỉ trong thế giới cá mà cả ngoài đời cũng vậy, cá lớn nuốt cá bé. Và sau cùng, con mạnh nhất sẽ tồn tại. Tôi từng thấy những con cá lứa trước ăn thịt những con lứa sau trong hồ, đôi khi có đến ba lứa ăn thịt lẫn nhau.

    [​IMG]

    Màn năm: Trò đợi chờ

    Sau khi đẻ xong, cả cá đực lẫn cá cái thay nhau quạt vây nhẹ nhàng để tạo dòng nước thổi qua bề mặt trứng. Cá cái làm phần lớn công việc quạt nước trong khi cá đực bảo vệ lãnh thổ. Tôi thường nghe nói rằng việc chụp hình cá lúc sinh sản là tuyệt vời nhất, bởi chúng rực rỡ nhất [vào lúc đó], cực kỳ hung dữ và phản ứng với ống kính như thể nó là một cái mõm đang há [chực đớp].

    Một điều mà tôi để ý, nó thực sự làm tôi bật cười, là có khi cá cái thúc cá đực đi canh chừng. Nó khiến tôi bỗng nhớ đến câu “đừng quên đổ rác đấy!” mà thỉnh thoảng tôi vẫn nghe vợ dặn. Chẳng qua để thúc nó luôn “vận động đôi chân” – hay là “vây” – cho nhiệm vụ trước mắt.

    [​IMG]

    Màn sáu: Ngày vận chuyển

    Vào lúc này, rất dễ để nói rằng cá bột nở và công việc coi như xong. Nhưng nếu quan sát cặn kẽ, bạn có thể thấy nhiều điều lạ kỳ và tuyệt diệu diễn ra. Không chỉ hành vi của cá, mà còn cả những điều tuyệt vời xảy ra trong vòng một tuần lễ.

    Một khi cá bột bắt đầu nhúc nhích trong những cái trứng bé xíu, cá cha mẹ sẽ gỡ chúng ra khỏi vỏ và thả vào một lỗ nhỏ ở góc khác trong hồ. Việc này được thực hiện một cách nguyên tắc và với sự chính xác đáng ngạc nhiên. Tôi không thể đo chính xác, nhưng cá bột dài độ 1cm [khá to so với các loài cichlid khác]. Nếu so sánh với cái mõm của con cá cỡ 10 inch [25cm], bạn có thể thấy điều đó giống như việc xử lý thứ gì nhỏ cỡ hạt gạo bằng miệng của mình.

    Tất cả cá bột được gom vào một cái hố; cá cha mẹ tiếp tục sục sạo mọi ngóc ngách trong hồ để tìm những con đi lạc. Một khi đã hài lòng, chúng tấn những viên sỏi nhỏ xung quanh đám cá bột, mà theo tôi mường tượng nó có tác dụng như một rào chắn tự nhiên để giữ chúng với nhau. Một anh bạn thân của tôi, David Estes, nói với tôi rằng tại trại cá người ta gọi chúng là “bụng vàng” (yellow-belly) trong giai đoạn này. Việc này hiển nhiên liên quan đến túi noãn hoàng nhỏ xíu. Một khi noãn hoàng gần tiêu hết, chúng được gọi là “nền đen” (black-backer)

    [​IMG]

    Màn bảy: Phát triển

    Tôi nảy ra ý tưởng chụp hình đám cá con từ lúc này. Hồ với cá nằm trên kệ nhờ vậy tôi có thể chụp từ dưới lên để ghi hình bầy cá con. Chúng ta thường muốn nắm bắt những gì mình không thể nhìn bằng mắt thường. Tôi vô cùng phấn khích khi chứng kiến sự phát triển của cá bột từ “bụng vàng” sang “nền đen”.

    Màn bảy, cảnh hai: Bức màn đen

    Sau hai ngày, tất cả cá bột nằm trong cái hố mà bề ngoài trông giống như một đám bùn vàng. Nhìn từ bên dưới chúng giống như những con nòng nọc bé xíu, không có gì ngoài những đường nét mờ nhạt, và một túi noãn hoàng to mà nó nuôi dưỡng cơ thể chúng.

    Trong vòng 24 giờ, hốc mắt bắt đầu xuất hiện rõ trên toàn bộ cá bột. Nội tạng của chúng hiện rõ và bạn có thể thấy mang bắt đầu phát triển. Vẫn chưa có con cá bột nào chuyển động nhưng bạn có thể thấy đa số bắt đầu rung đều đặn ở bộ phận sẽ phát triển thành vây lưng. Noãn hoàng bắt đầu teo, trông giống như bụng bia.

    Ngày thứ tư và chúng sắp sửa bơi tự do. Nhìn từ bên trên, toàn bộ đám cá đang rung động. Nhìn từ bên dưới bạn có thể thấy rằng thay vì nằm yên, cá bắt đầu bơi; một số bơi cắm đầu xuống đáy hồ. Khi nhìn vào con chỗ con mắt đen, bạn có thể thấy hình dạng của nó. Miệng cũng bắt đầu hình thành.

    Vào ngày thứ năm, đa số đều chổng đuôi và xoay mòng mòng. Nhìn từ bên trên, cái hố ngăn nắp trước đây giờ thành nơi phát tán những phần tử bé xíu. Cả cha lẫn mẹ liên tục thu thập và gom bầy con lại. Tôi cũng để ý thấy những thứ được gọi là phân cá, vương vãi khắp nơi trong hố. Đồng thời, noãn hoàng của chúng teo nhỏ hơn. Tôi cho rằng chúng đang bài tiết – có lẽ chạy khởi động cho hệ tiêu hóa chăng?

    Cất cánh! Vào ngày thứ sáu tôi vẫn làm như mấy ngày trước đó, chuẩn bị máy ảnh và bật đèn hồ. Rõ ràng hôm nay là ngày bầy cá bắt đầu bơi. Nhìn từ bên trên, trông cứ như chúng đang nhoi lên từ đáy. Sau vài phút, như thể hiệu lệnh, đám mây đen cất cánh và bơi theo cá mẹ.

    [​IMG]

    Màn tám: Quản lý đám đông

    Bất cứ ai từng nuôi con nhỏ đều thích thú giai đoạn khi chúng bắt đầu đi và đứng vững trên hai chân. Việc trông nom chúng lúc này rất cực. Với cá managuensis cha mẹ, công việc nhân lên gấp hàng trăm lần. Thông thường, đám mây cá bột dính với nhau, làm theo hiệu lệnh của cha mẹ xem đi đâu và khi nào.

    Thỉnh thoảng có một hay hai con đi lạc quá xa và cá cha hoặc mẹ sẽ nhẹ nhàng bắt chúng bằng miệng, bơi về và nhả vào bầy con.

    [​IMG]

    Màn chín: Kết thúc

    Ban đầu, cá bột sẽ ăn tảo trên thành hồ. Và trong vài ngay đầu, chúng thực sự ăn nhớt (contact-feed) trên mình cá cha mẹ, nhào vô cắn những mảng nhớt bé xíu. Tôi không rõ tại sao chúng làm điều này, nhưng tôi đoán đó là nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp chúng sống sót và phát triển.

    Lần đầu tôi để ý đến hành vi này là khi cá cha mẹ ở hồ có tấm ngăn. Cá đực và cái ở riêng mỗi bên hồ, thể hiện hành động trông như là ngáp bằng miệng. Trông cứ như là chúng nuốt cá bột, nhưng đó thực sự là “chuông báo bữa tối” (dinner bell). Mỗi lần con này hoặc con kia làm vậy, bầy cá bột bèn đổi bên và nhao vào cắn xé cha hoặc mẹ. Việc này chỉ diễn ra trong một hoặc hai ngày. Trong thời gian này, tôi tiếp tục cho chúng ăn đồ khô mà tôi xịt vào đám mây cá bột bằng một cái ống hút (turkey baster).

    [​IMG]

    Hạ màn

    Bên dưới kệ hồ có một bảng hiệu ghi “Coi chừng, cá dữ tấn công”. Không nghi ngờ gì, sự tương tác mà bạn nhận được từ việc nuôi một loài như Parachromis managuensis có thể dễ dàng biến nó từ cá thành ra thú cưng. Không lâu trước đây, tôi có một con managuensis đặc biệt mà tôi rất cưng. “Jumbo” sống đến 13 tuổi và được chụp hình hàng ngàn lần. Một trong những tưởng thưởng lớn nhất mà tôi nhận được là từ những bạn hữu, những người viết cho tôi và nói “tôi nuôi managuensis sau khi nhìn thấy tấm ảnh Jumbo”. Và với tôi điều đó là tất cả.

    Tất cả chúng ta đều có chung niềm đam mê cá cảnh. Năm nay, tôi vinh dự được bầu làm chủ tịch của Hiệp hội Cichlid Mỹ (ACA). Do đó, tôi mời gọi tất cả những ai muốn hỗ trợ cho mục đích bảo tồn, tình bằng hữu và kiến thức của chúng tôi hãy viếng thăm website cichlid.org.

    Trong buổi nói chuyện của Wayne Leibel tại một hội thảo, tôi nhớ anh nói rằng trong khi những nhà khoa học định danh, tách và gộp nhóm cichlid, thì người chơi như bạn và tôi lại ngồi trước hồ cá và quan sát hành vi của chúng. Cơ hội được quan sát và chia sẻ những gì mà chúng ta yêu thích lại càng khiến thú chơi thú vị hơn.

    [​IMG]


     
    Chỉnh sửa cuối: 22/6/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội