Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Chậu nước - thủy viên chốn thị thành

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - thủy sinh' bắt đầu bởi vnreddevil, 2/12/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chậu nước - thủy viên chốn thị thành
    Liz Marchio - www.aquascapingworld.com

    Cuộc sống trong các căn hộ và chung cư có thể khá thoải mái. Tôi vui vì chẳng phải chăm sóc vườn tược! Tuy nhiên, càng ngày tôi càng khao khát một mảnh trời cho riêng mình. Mỗi khi mùa xuân tràn về, nỗi khao khát thiên nhiên lại dâng trào! Vậy biết làm gì đây với cuộc sống thị thành vốn không chừa mảnh trời nào cho riêng ta? Bạn phải tạo ra chứ sao! Tôi sẽ chỉ cho bạn cách thiết lập một thủy viên (water garden) nho nhỏ, vừa vặn với hiên nhà hay thậm chí một ban công đầy nắng!

    [​IMG]

    Kích thước
    Trước hết, mỗi thủy viên đều có giới hạn về không gian và kích thước, cho dù là chậu nước hay ao rộng thênh thang. Nhưng nhất thiết phải sử dụng chậu nước càng lớn càng tốt để duy trì môi trường sinh sống cho sinh vật bên trong chậu. Với hồ cảnh, kích thước càng lớn thì nhiệt độ và thành phần nước càng ổn định. Chậu nước lại rất đơn giản và có không gian “dư dả”, lượng nước dồi dào là cách tốt nhất để đảm bảo nỗ lực của bạn sẽ không uổng phí.

    Để nuôi những loài cá nhỏ, kích thước chậu cỡ 80 lít hay nhiều hơn là lý tưởng, dĩ nhiên là còn tùy vào loài được chọn nuôi. Tôi sử dụng chậu nhựa Rubbermaid 300 lít. Cá nhân tôi không muốn nuôi cá ngoài trời trong các chậu nhỏ hơn 200 lít, nhưng điều này có thể khó khăn với đa số mọi người tùy vào lượng không gian mà họ có. Nếu vấn đề nằm ở đấy, cách duy nhất là thử nghiệm để tìm xem giới hạn của bạn đến đâu.

    Còn một lựa chọn nữa là “không thả cá”, hãy đọc tiếp để biết thêm thông tin.

    Nguyên tắc đầu tiên đó là chậu càng lớn thì càng tốt!


    Xin nhắc lại, dự án này hết sức đơn giản. Số lượng và chủng loại cá mà bạn nuôi trong hồ kiếng không thể chuyển tải ra ngoài trời. Dĩ nhiên, mỗi dự án đều có thể điều chỉnh để phù hợp với từng nhu cầu riêng biệt, nhưng nguyên tắc chung là đơn giản! Các loại cá tỳ bà (plecostoma), cá chuột (loach) và những loài ưa nước động không phù hợp. Lý tưởng nhất là những loài chuộng môi trường nước tĩnh. Những loài này cũng rất phù hợp với người mới chơi cá. Những loài cá có mê lộ (labyrinth fish) như cá sặt, cá cờ, cá betta và một số loài cá rô ctenopoma là phù hợp nhất. Nên nhớ rằng, chậu nước là môi trường nuôi cá hoàn toàn mới mẻ! Bạn không thể ngắm cá từ mặt bên nữa mà phải ngắm từ trên xuống qua mặt nước. Bạn có thể không luôn NHÌN THẤY cá của mình! Vì vậy chẳng nên mua những con cá betta đắt tiền làm gì! Cá có thể không xuất hiện nhưng hành vi độc đáo của chúng vẫn hiện hữu! Mặc dù tôi đề cập cá mê lộ như những loài phù hợp, có một vài lựa chọn khác mà tôi xin giới thiệu ở đây:

    • Những loài tetra nhỏ, mạnh khỏe; chẳng hạn như tetra bay (splash tetra)!
    • Cá ngựa vằn (danio) cỡ nhỏ.
    • Những loài tép diệt tảo.
    • Cichlid lùn – các loài Pelvicachromis, Mikrogeophagus, Apistogramma.
    • Các loài cá đẻ con (livebearer); cá kiếm, cá bảy màu cảnh, bảy màu endler.
    • Các loài lòng tong (barb) - tôi luôn thấy các chậu cá hồng đào (rosy barb) tại các cuộc đấu giá!
    • Cá killi - một lựa chọn tuyệt vời.
    • Cá chép mồi - rất thích hợp với trẻ em, nhưng cần nuôi trong nhà vào mùa đông (tức không thả trong chậu).

    Tuy không thích hợp nhưng đây là những loài hiền lành mà bạn có thể thử nuôi:

    • Cá chuột (loach) - cần dòng chảy.
    • Cá tỳ bà (plecostoma) - cần dòng chảy.
    • Cá nheo (catfish) - cần dòng chảy.
    • Cá neon và tetra đỏ - chịu đựng biến thiên nhiệt độ và môi trường kém.
    • Cá ngựa vằn (danio) cỡ lớn - chúng nhảy rất dữ.
    • Cá koi – nên nhớ đây là cá chép và sẽ rất to. Chúng cũng hay nhảy ra ngoài.
    • Cá molly - cần nước ấm và độ pH cao hơn so với các loài cá đẻ con khác.
    • Xem liệt kê về ý tưởng “không thả cá” ở dưới!

    Nguyên tắc thứ hai đó là cá càng nhỏ và dễ nuôi càng tốt!

    Cây thủy sinh với cá và không cá
    Đây hiển nhiên là phần hay nhất của kỹ thuật thủy viên (water gardening). Tôi luôn cảm thấy tự hào khi được chứng kiến từ một mầm hay hạt nhỏ phát triển thành một cá thể mạnh khỏe, sung mãn. Chậu nước là môi trường thử nghiệm tuyệt vời đối với kỹ thuật trồng bán cạn hay để trồng một số cây thủy sinh hiếu sáng vì phải đem chúng vào nhà trong những tháng mùa đông.

    [​IMG]

    Vài lựa chọn
    Không thả cá: một số trường hợp việc nuôi cá trong chậu là bất khả. Chỉ còn cách bố trí chậu toàn cây mà thôi. Điều này dễ thực hiện hơn nhiều mà vẫn rất thú vị. Một số chậu tôi từng thực hiện:

    • Bố trí chậu gốm với những loài cây mọc ở bờ nước như môn (taro) hay diên vĩ (irises). Chúng phát triển tốt nếu được cung cấp đủ ánh sáng và dưỡng chất thích hợp; và chỉ việc châm nước để bù bay hơi.

    • Bố trí chậu gốm và trồng cây thủy sinh để chúng vươn lên khỏi mặt nước. Đây là một trải nghiệm thú vị với cây lá kiếm (Amazon swordplant) bởi vì có rất nhiều loại để trồng thử. Bạn sẽ rất hào hứng khi chúng vươn lên khỏi mặt nước! Một lần nữa, chỉ cần châm nước là đủ.

    • Sử dụng chậu thấp (với nhiều không gian bề mặt) để trồng hương bồ lùn (dwarf cattail) và rong xương cá (parrot feather). Độ tương phản rất tuyệt vời và khi tôi thực hiện dự án này, có một lượng đáng ngạc nhiên các loài thủy sinh phát triển trong chậu! Loại chậu này cũng phải châm nước khi cần.

    • Dự án cuối cùng của tôi vào năm ngoái là trồng bèo nhật Phyllanthus fluitans (Red Root Floater) và sưu tầm các loài Potamogeton, mà tôi phát hiện trong con rạch bên lề đường gần nhà. Vì là loài cây nhạy cảm, loại chậu này không được để khô và cần được châm nước thường xuyên.

    Nguyên tắc thứ ba đó là hệ thống “không thả cá” dễ thực hiện nhưng tốn nhiều thời gian bảo trì hơn!

    Chậu cá: nếu bạn thích nuôi cá trong chậu nước, trước hết bạn cần đảm bảo rằng cá được nuôi trong môi trường phù hợp. Nếu không chắc lắm, hãy hỏi trên diễn đàn ASW. Một số dự án trước đây của tôi trong chậu nhựa Rubbermaid 300 lít được liệt kê như là các gợi ý. Chậu được nối với một hệ thống ống xả để thay nước khi cần và để dọn dẹp thật nhanh vào mùa đông (xem hình). Hệ thống này cũng được nối với một ống đứng để chống tràn trong trường hợp mưa to. Cá thoát xuống qua lối đó! Nó cũng hoạt động như là bộ lọc váng (skimmer) và dụng cụ tưới bãi cỏ! Vài sắp xếp như vậy nhằm giúp cho việc vận hành chậu nước được dễ dàng! Cũng vậy, chậu nước của tôi luôn nhận được từ 5-6 giờ chiếu sáng mỗi ngày. Vậy đừng quên lập kế hoạch cho chậu nước của bạn dựa vào thời lượng chiếu sáng!

    [​IMG]

    Các dự án trong quá khứ và hiện tại
    2006: sen hồng Nelumbo 'Momo Botan' – loài sen nhỏ nở vào ban ngày này là cây tiêu điểm của chúng ta. Sau khi mọc vài lá cứng cáp, với đầy đủ ánh sánh, cây bắt đầu ra hoa. Vài hoa đầu thường yếu ớt nhưng những hoa tiếp theo cực đẹp. Năm đó tôi nuôi cá ngựa vằn Danio feegradei. Khi tôi vừa thả xong thì một nửa nhảy ra ngoài! Cuối năm tôi chỉ còn 1-2 con trên tổng số 10 con. Năm đó tôi mất một ít cá nhưng vẫn thử lại vào năm sau!

    2007: súng hổ đỏ Nymphaea zenkeri “Red” – súng hổ đỏ (red tiger lotus) là cây tiêu điểm của năm ngoái. Tôi trồng súng hổ trong hồ thủy sinh nhiều năm trời và phải nói rằng, làm sao duy trì nó “tự nhiên” là một trải nghiệm tuyệt vời. Những cái lá vươn khỏi mặt nước cứng cáp và duyên dáng một cách kỳ lạ và hoa cực đẹp (xem hình 4 “hoa súng hổ”). Nhờ kinh nghiệm này mà tôi đề nghị trồng bán cạn! Năm đó tôi nuôi một cặp cá Pelvicachromis humilis “Liberia Red” cùng với một bầy bảy màu endler. Cặp Pelvic sống tốt, không sinh sản nhưng đào lỗ và hang trong bùn (rất dễ thương!). Bảy màu endler sinh sản và tôi vẫn còn cả bầy. Những loài cây khác bao gồm sen hồng Nelumbo 'Momo Botan' và bèo nhật Phyllanthus fluitans (Red Root Floater). Đây là một năm thành công.

    2008: mùa hè này, tôi chắc chắn sẽ thử trồng lại súng hổ đỏ. Bạn không thể từ chối cây thủy sinh rẻ tiền! Cũng thử trồng bèo lá dài Salvinia oblongifolia và bèo hoa dâu Azolla (dường như luôn tìm ra cách xuất hiện trong chậu nước!). Cá là phần khó quyết định nhất. Tôi dự định nuôi vài con cầu vồng Melanotaenia parva (Dwarf Flame Rainbowfish) hay lai tạo vài cá thể livebearer hoang dã Xenotoca melanosoma mới kiếm được. Tôi cũng chuẩn bị kiếm vài cây thủy sinh hoang dã, Equisetum scirpoides (dwarf horsetail rush) và một loài Potamogeton từ các vực nước ở địa phương. Tất cả sẽ được bố trí trong chậu gốm của tôi.

    Một vài loài thực vật khác mà bạn có thể cân nhắc:

    • Các loài bèo Salvinia (loài bất kỳ và bạn có thể trồng nhiều hơn một loài!)
    • Bèo cái Pista stratiotes; cũng có cả biến thể tí hon.
    • Cây gạch khảm Ludwigia sedioides (mosaic plant) – đây là loài thực vật nổi tuyệt vời.
    • Các loài súng NymphoidesNymphaea - đảm bảo rằng chúng phù hợp với kích thước chậu nước! Một số RẤT TO!
    • Thủy cúc Ceratopteris pteroides.
    • Các loài lá kiếm, lá trầu Echinodorus có thể mọc chìm hay vươn lên khỏi mặt nước.
    • Các loài rau má Hydrocotyle có thể mọc bên trong hay bên ngoài nước!
    • Cây có cành nói chung là những thử nghiệm thú vị đối với chậu nước.

    Còn nhiều loài thực vật khác nữa có thể trồng ở ngoài trời. Nếu bạn thử nghiệm loài mới nào đó thành công thì hãy chia sẻ với mọi người. Điều thú vị về thú chơi thủy sinh/thủy viên là cơ hội để thực nghiệm, khám phá những điều mới mẻ và giúp người khác thành công. Với ý tưởng đó,

    Nguyên tắc thứ tư đó là luôn chia sẻ những gì mà bạn phát hiện và tâm đắc với mọi người!

    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 17/8/20

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội