Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Tìm kiếm loài cá nóc thích hợp với hồ cộng đồng

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 9/12/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tìm kiếm loài cá nóc thích hợp với hồ cộng đồng
    Ne.ale Mon.ks

    Cá nóc (puffer) là một trong số những loài cá lạ phổ biến nhất trong các hồ cảnh nước ngọt và nước lợ. Chúng rất thú vị, tràn đầy sức sống và chuyển động khoan thai. Đa số dường như rất thông minh, nhanh chóng nhận biết người nuôi dưỡng và có thể được huấn luyện để cho ăn bằng tay. Dẫu cá nóc kén chất lượng nước và bộ lọc, chúng cũng thích nghi nhanh chóng và ít bệnh tật. Trên thực tế, những loài cá nóc phổ biến nhất ngoài thị trường có thể được coi là dễ nuôi và giỏi chịu đựng. Một điều tuyệt vời, cá nóc là loài diệt ốc rất hiệu quả và hồ nuôi cá nóc không bao giờ có ốc.

    Nói ngắn gọn, cá nóc là loài dễ thương, giỏi chịu đựng và hữu ích với hồ cảnh. Vậy mỗi người đều nên nuôi chúng, tại sao không? Vấn đề chính đối với cá nóc là ở hành vi; chúng có thể dễ thương nhưng nhiều con có tính khí quá thất thường trong khi những con khác lại rỉa vây của những loài cá chậm chạp cùng hồ. Một số loài rất tương thích và phù hợp khi còn non nhưng càng trở nên hung dữ và đơn độc khi trưởng thành. Phức tạp hơn nữa, hành vi xã hội của chúng là không thể đoán trước, thậm chí giữa các cá thể cùng loài, và rất nhiều người nuôi cá chứng kiến con cá nóc tương đối bình thường bỗng trở thành một sát thủ tâm thần chỉ sau một đêm.

    Cá nóc của tôi hung dữ hay đang đói?
    Nguyên nhân cá nóc rỉa vây các loài cùng hồ không giống nhau. Một số con rỉa bất cứ thứ gì bởi vì chúng đang đói. Ngoài tự nhiên, cá nóc lùng sục những vùng có bụi cây và đá để tìm kiếm thức ăn, và chúng sẽ thử ăn bất cứ thứ gì trông vừa miếng. Những ai từng nuôi cá nóc đều nhận thấy hành vi rất tò mò của chúng như bơi lên xuống giữa các cây và lách vào các hang hốc khi kiểm tra từng ngóc ngách trong hồ để tìm kiếm thức ăn. Dẫu đấy là hành vi có ích ngoài tự nhiên thì nó lại có hại trong môi trường nuôi dưỡng, chẳng hạn như việc cắn ống nhựa, phá hủy cây và rỉa vây nữa.

    Tuy nhiên, những loài cá nóc khác, đặc biệt là các loài cá nóc nhỏ thuộc chi Carinotetraodon, bảo vệ lãnh thổ rất dữ dội. Chúng tấn công cá cùng hồ không phải vì đói mà vì tính hung dữ. Thoạt nhìn, điều này có thể giảm bớt khi được xử lý: chỉ cần cho cá đủ không gian để nó cảm thấy lãnh thổ của mình không bị đe dọa. Trên thực tế, loài cá nóc nhỏ này hiếm khi được nuôi trong hồ đủ lớn. Sau cùng, mấy ai chấp nhận dành riêng hồ 160 lít chỉ để nuôi một con cá lớn hơn cá neon chút xíu?

    Một số cá nóc dường như là những loài chuyên rỉa vây, dáng to tròn và chuyển động chậm chạp của chúng trông giống như “miếng sushi di động”. Những loài này rất khó nuôi trong các hồ cộng đồng. Chalenodon patoca là một trong số những loài như vậy, dẫu tương đối hiền lành và dễ nuôi, nuôi nó chung với cá khác thì cũng khá rủi ro. Ngoài ra, các loài thuộc chi Auriglobus không chỉ rỉa vây mà còn bảo vệ lãnh thổ rất tích cực, chúng nổi tiếng là một trong số những loài cá nóc hung dữ nhất.

    Trong bài viết này, tôi chỉ giới hạn với năm loài cá nóc tiềm năng dành cho hồ cộng đồng, tất cả chúng đều phổ biến và dễ mua. Hai loài cá nóc nước lợ là nóc số tám Tetraodon biocellatus và nóc chấm Tetraodon fluviatilis. Vì là những loài nước lợ, chúng hoàn toàn không phải là ứng viên thích hợp đối với các hồ cảnh nước ngọt, và thường được nuôi chung với các loài cá nước lợ khác như cá chim khoang, cá nâu và cá pháo thủ. Những loài cá nóc còn lại là những loài thuần nước ngọt: cá nóc Nam Mỹ Colomesus asellus, và hai loài cá nóc vùng Đông Nam Á, cá nóc lùn Carinotetraodon travancoricus và cá nóc mắt đỏ Carinotetraodon lorteti.

    [​IMG]

    Các loài cá nóc nước lợ

    Nóc số tám (figure-8 puffer) Tetraodon biocellatus
    Kích thước: 6 cm
    Xuất xứ: Đông Nam Á
    Thông số nước: hơi lợ, tỷ trọng lý tưởng là 1.005
    Hành vi: cá non rất hiền, cá trưởng thành có thể là những kẻ rỉa vây hung dữ và bảo vệ lãnh thổ.
    Hồ cộng đồng: không rõ nhưng có thể được.

    Nóc số tám rất hấp dẫn. Nó có màu xanh nâu với phần bụng màu kem, và phần trên cơ thể có những viền ngoằn ngoèo và đốm màu vàng. Loài này luôn có hai vòng lớn màu vàng trên lưng, đó là lý do mà chúng được gọi là nóc số tám. Càng lớn, các hoa văn càng trở nên phức tạp hơn với sự xuất hiện của những đốm và viền cho đến khi gần giống như màu da báo.

    Một phần, nóc số tám không chấp nhận đồng loại, và dù không đánh nhau đến chết, chúng lại không ngừng rỉa vây lẫn nhau. Phần khác, có lẽ những con cái sẽ chấp nhận chung sống với ít nhiều thân thiện nếu không quá đông đúc, nhưng những con khác, chẳng hạn như những con đực đang chiếm giữ lãnh thổ, lại rất hung dữ và khó tính.

    Vì cực kỳ hung dữ với đồng loại, có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến việc nóc số tám đối xử với những loài khác như thế nào. Nhìn chung, hầu hết cá thể không quan tâm đến những con cá bống nhỏ vì vậy nuôi cá nhỏ như bống tre là tương đối an toàn. Mặt khác, việc nuôi những loài cá tầng giữa như molly, trèn lá (glassfish) và chromide cam mà chúng cũng là những loài nước lợ như nóc số tám, có thể gặp rủi ro.

    Rủi ro xuất hiện với nhiều cấp độ từ thỉnh thoảng rỉa vây cho đến đàn áp tuyệt đối. Có lẽ, tập tính bảo vệ lãnh thổ đóng vai trò nào đó ở đây và có lẽ nên coi cá nóc số tám tương tự như những con cichlid lùn hung hăng, ngoại trừ hơi mạnh mẽ hơn nhờ cái mỏ sắc như dao cạo của chúng! Trong hồ rộng và mật độ nuôi thấp, hãy kiểm tra xem các loài có hòa thuận hay không nhưng bạn cần chuẩn bị tinh thần để bắt cá nóc hay loài nuôi chung với nó ra khi rắc rối bắt đầu xuất hiện.

    [​IMG]

    Nóc chấm (spotted puffer) Tetraodon fluviatilis
    Kích thước: 20 cm
    Xuất xứ: Ấn Độ và Đông Nam Á
    Thông số nước: lợ, tỷ trọng tối thiểu là 1.010
    Hành vi: cá non rất hiền, cá trưởng thành luôn hung dữ và bảo vệ lãnh thổ.
    Hồ cộng đồng: không nên, trừ phi nuôi chung với những loài cá cực nhanh và giỏi chịu đựng.

    Cá nóc chấm Tetraodon fluviatilis – cũng như loài họ hàng gần với nó, nóc chấm xanh Tetraodon nigroviridis (green spotted) – khó nuôi trong các hồ cộng đồng hơn nhiều so với nóc số tám. Tương tự như các loài bảo vệ lãnh thổ, nóc chấm là những loài cá săn mồi cỡ lớn. Chúng có thể lớn đến 20 cm, thậm chí chỉ với kích thước bình thường 12 – 15 cm trong hồ cảnh, chúng cũng có thể cắn rời một mảng thịt lớn của các loài cá bơi nhanh như cá nâu và chim khoang.

    Nhìn chung, cá non có thể vô hại đối với một cộng đồng mạnh khỏe, nhanh nhẹn, và một khi trưởng thành, chúng sẽ không chấp nhận cá khác và trở nên hung dữ đối với cá cùng hồ. Thông thường, những con cá nóc chấm trưởng thành đều phải tách nuôi trong hồ riêng.

    Các loài cá nóc nước ngọt
    Hai loài cá nóc thuộc chi Carinotetraodon mà tôi giới thiệu là cá thuần ngọt, căn cứ theo sách vở thì chúng dễ nuôi và phù hợp với các hồ cộng đồng.

    [​IMG]

    Nóc lùn (dwarf puffer) Carinotetraodon travancoricus
    Kích thước: 2.5 cm
    Xuất xứ: Đông Nam Á
    Thông số nước: độ pH trung hòa
    Hành vi: hung dữ một cách đáng kinh ngạc so với kích thước
    Hồ cộng đồng: đôi khi thích nghi với cá nheo nhưng vẫn không phù hợp với hồ cộng đồng.

    Với kích thước chỉ 2.5 cm khi trưởng thành, cá nóc lùn quá nhỏ để người ta ngờ rằng chúng có thể là mối đe dọa đối với cá cùng hồ. Dẫu vậy, chúng là loài rỉa đuôi và tấn công tất cả các loài cá nhỏ khác. Mặt khác, cá lớn đơn giản có thể coi những con cá nóc tí hon này là con mồi. Những loài cá nheo nhỏ như Ancistrus và chuột Otocinlus spp. có thể nuôi chung. Cá nheo nhỏ với lớp giáp gai dày, chẳng hạn như Amblydoras hancockii có lẽ cũng vậy, nhưng nên nhớ rằng chúng cần được nuôi theo bầy và cũng hoạt động về đêm nên bạn khó mà ngắm chúng.

    Cá nóc lùn tốt nhất nên nuôi riêng theo loài. Cá non tụ tập thành bầy tạm thời trong khi cá trưởng thành xác định lãnh thổ, vì vậy bạn cần phải nuôi theo tỷ lệ 32 lít/con nếu không muốn chúng đánh nhau.

    [​IMG]

    Nóc mắt đỏ (red-eye puffer) Carinotetraodon lorteti
    Kích thước: 5 cm
    Xuất xứ: Đông Nam Á
    Thông số nước: nước ngọt, mềm và hơi a-xít là lý tưởng.
    Hành vi: hung dữ một cách đáng kinh ngạc so với kích thước
    Hồ cộng đồng: không phù hợp.

    Cá nóc mắt đỏ to và hung dữ hơn so với cá nóc lùn. Dường như cá nóc mắt đỏ có vẻ không quan tâm đến cá khác nhưng không nên nuôi nhiều bởi vì chúng không chấp nhận đồng loại. Mặc dù trông hấp dẫn và ngộ nghĩnh, rất khó nếu không muốn nói là không thể, nuôi chúng trong hồ cộng đồng.

    [​IMG]

    Nóc Nam Mỹ (South American puffer) Colomesus asellus
    Kích thước: 8-10 cm
    Xuất xứ: Brazil
    Thông số nước: nước ngọt, mềm và hơi a-xít là lý tưởng.
    Hành vi: nhút nhát, hiếm khi hung dữ nhưng có thể rỉa vây.
    Hồ cộng đồng: có thể nhưng không đáng tin cậy.

    Có lẽ loài cá nóc nước ngọt phổ biến nhất (ở Mỹ) là cá nóc Nam Mỹ. Với tỷ lệ 70-100 lít/con, bạn có thể nuôi chung nhiều con mà không gặp phải vấn đề gì, và chúng được biết là tụ tập theo đàn ngoài tự nhiên. Chúng tương đối dễ chịu với các loài cá khác, và trên thực tế, hơi nhút nhát và hay hoảng hốt.

    Vậy là rất phù hợp nhưng còn việc này nữa – chúng vẫn có thể rỉa vây. Trong vòng 12 tháng, cá của tôi thể hiện xu hướng này nhưng chỉ thỉnh thoảng. Một vài loài trong hồ bị rỉa vây và được dời qua hồ khác. Chúng bao gồm platy, molly và hàng loạt cá bống nhỏ.

    Mặt khác, cá lìm kìm (halfbeak), cá trèn lá (glassfish), cá rìu (hatcherfish) và neon đỏ (cardinal tetra) không thể hiện bất kỳ dấu hiệu bị đe dọa nào. Nhìn chung, cá nóc Nam Mỹ có thể tương thích với những loài cá bơi nhanh, linh hoạt; nhưng cần cẩn trọng đối với những loài cá bơi chậm, thụ động và vây dài. Dẫu không hoàn hảo nhưng có lẽ loài cá này tiến gần nhất đến khái niệm “loài cá nóc nuôi hồ cộng đồng”.

    Kết luận
    Không có loài cá nóc nào lưu hành trên thị trường có thể xem là tuyệt đối đáng tin cậy đối với hồ cộng đồng. Đương nhiên, nhiều người quen thuộc với các loài cá săn mồi và bảo vệ lãnh thổ, và thường những cá như vậy thích nghi với hồ cộng đồng toàn cá lớn. Cá rô, cá cichlid cỡ lớn, cá nheo săn mồi, cá khủng long (bichir) và cá đuối là ví dụ về những loài không sống theo bầy đàn nhưng lại thích nghi tốt và hòa hoãn khi được nuôi với cá cùng hồ phù hợp.

    Cá nóc thì khác. Những loài cá nóc nhỏ thường quá hung dữ và hay rỉa vây để có thể nuôi chung với các loài cá nhỏ cùng kích thước, nhưng nếu nuôi chung với cá lớn hơn thì chính chúng sẽ bị biến thành con mồi. Cá nóc cỡ lớn cũng là những loài săn mồi nên chúng gây ra nhiều vấn đề đối với hồ cộng đồng. Thậm chí loài cá nóc tương đối hiền lành như cá nóc Nam Mỹ cũng chưa đủ hiền để nuôi trong các hồ cộng đồng. Dựa trên kích thước và hành vi, chúng nên được nuôi chung với các loài có kích thước trung bình như chuột Corydoras, cá ông tiên và cá sặc nhưng tất cả các loài này sớm muộn rồi cũng bị rỉa vây.

    Với những ai muốn nuôi cá nóc, cách tốt nhất là nuôi riêng từng loài (và thường là từng con). Một số người nuôi cá nóc kinh nghiệm không xem đấy là điều khó khăn. Cá nóc nổi tiếng kém chịu đựng với nồng độ nitrate cao và ô-xy hòa tan thấp, vì thế cần nuôi chúng trong hồ riêng để kiểm soát hai thông số này hơn dễ hơn. Cần thay nước thật nhiều, đến 50% dung tích hồ mỗi tuần. Dẫu cá nóc trông rất dễ thương, chúng không phải là loài dễ chăm sóc và bất cứ ai dự định nuôi cần phải cân nhắc thật kỹ về nhu cầu của chúng.

    Tham khảo
    Có hai quyển sách chất lượng về cá nóc dành cho người chơi cá. Pufferfish (Ringpress Books, 2002) viết bởi Chris Ralph, bao gồm những vấn đề cơ bản. The Puffers of Fresh and Brackish Waters (Hollywood Import & Export, 2001) của Klaus Ebert thích hợp hơn với những người yêu thích cá cảnh, và nó có nhiều hình ảnh về những loài cá nóc nước ngọt và nước lợ lưu hành trên thị trường.

    Ghi chú (vnrd)
    Nóc chấm (Tetraodon fluviatilis), nóc chấm xanh (Tetraodon nigroviridis) và nóc mắt đỏ (Carinotetraodon lorteti) là các loài cá nội địa.
     
    Chỉnh sửa cuối: 31/5/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội