Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Hướng dẫn nuôi cá mập cấp tốc

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 2/7/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Hướng dẫn nuôi cá mập cấp tốc
    Kelly Jedlic.ki – F.A.M.A 3/2007

    [​IMG]

    Theo một số quan điểm về thú chơi, nhiều người mơ ước và dự định thiết lập một hồ nuôi cá mập. Ý tưởng về một con cá mập màu bạc bơi lượn trong hồ cảnh trước mắt không chỉ là sự thách thức mà còn lôi cuốn nhiều người chơi cá. Thật không may, hầu hết các loài cá mập đều quá to để nuôi trong hồ cá tại gia và chúng chỉ nên xuất hiện ngoài đại dương hay trong các thủy cung.

    Xây dựng hồ nuôi cá mập là điều khả dĩ, nhưng có rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết mà ưu tiên hàng đầu là làm sao mua được chúng. Trước tiên cần xác định đâu là loài cá mập thích hợp đối với các hồ cá tư nhân. Hemiscyllidae (cá mập tre) và Scyliorhinidae (cá mập mèo) là các họ cá mập lý tưởng đối với hồ cá tại gia. Chúng có kích thước vừa phải và thích nghi tốt với việc nuôi nhốt cũng như chấp nhận các loại thức ăn chế biến.

    [​IMG]

    [​IMG]

    Cá mập tại gia
    Một trong những loài cá mập tre thích hợp nhất đối với hồ cảnh là cá mập cầu vai (Hemiscyllium ocellatum). Loài này mạnh khỏe và chịu đựng tốt trong môi trường nghèo ô-xy. Cá mập cầu vai không phải là loài bơi lội. Chúng thường “bò” trên đáy hồ như thằn lằn bằng các vây ngực và vây bụng. Chúng nhanh nhẹn và xoay sở tốt trong những nơi chật hẹp. Cá mập cầu vai trưởng thành có thể đạt đến kích thước 1 m.

    Một vài lựa chọn thích hợp khác đối với hồ nuôi bao gồm cá mập tre đốm (Chiloscyllium plagiosum) và cá mập tre vằn (Chiloscyllium punctatum). Trứng và cá con của những loài này thường xuyên xuất hiện trên thị trường.

    Các loài cá mập tre, chẳng hạn như cá mập cầu vai, có thể bò trên nền đáy. Trong khi cá mập tre đốm vẫn giữ nguyên hoa văn thì cá mập tre vằn mất hết các sọc và có màu xám/bạc khi trưởng thành. Cả hai đều có thể đạt đến kích thước 90 cm.

    Cá mập mèo nhỏ hơn cá mập tre và cá mập cầu vai. Kích thước trung bình của cá thể trưởng thành là 60 cm. Khác với cá mập tre, chúng nói chung là loài rình mồi. Cá nhỏ có thể bị ăn thịt khi nuôi chung với những loài cá mập này. Chúng không “bò” trên các vây và không thể di chuyển giống như cá mập tre và cá mập cầu vai. Hai loài mà người nuôi cá có thể mua được là cá mập mèo cẩm thạch (Atelomycterus macleayi) và cá mập mèo san hô (Atelomycterus marmoratus).

    [​IMG]

    Bố trí hồ
    Sau khi chọn mua loại cá mập, cần lưu tâm đến những yêu cầu đối với việc nuôi dưỡng lâu dài. Đừng mua cá mập với ý nghĩ rằng bạn sẽ mua hay thay hồ lớn hơn sau này. Có rất nhiều vấn đề không lường trước được, chẳng hạn như tình hình tài chính, việc thay đổi chỗ ở, rắc rối gia đình… khiến cá mập có thể “ra đường”.

    Các hồ cá công cộng thường không có khả năng cũng như động lực trong việc nuôi giữ những con cá mập quá lớn, và hầu hết các tiệm cá cảnh địa phương đều không thể nhận lại cá mập đang lớn hay trưởng thành. Cũng không nên thả cá mập tại gia trở lại biển. Những con cá mập sinh trưởng trong môi trường nuôi nhốt này không có khả năng tự kiếm sống trong đại dương.

    Có rất nhiều loại hồ cá thương mại có thể nuôi cá mập. Ngoài các loại hồ truyền thống bằng kiếng và nhựa tổng hợp, loại ao nhỏ cũng là một lựa chọn tốt. Một bộ khung gỗ với vải bạt dày rẻ hơn nhiều so với hồ kiếng. Để trang trí cho hồ, bạn có thể lát thêm các tấm bê tông và ngói.

    Hồ nuôi cá mập thích hợp nên là một phần của hệ thống đã được khởi động và vận hành ổn định trong ít nhất là 6 tháng. Cá mập chịu đựng kém đối với sự thay đổi đột ngột của chất lượng nước và các thử nghiệm cũng như sai sót của những người nuôi cá thiếu kinh nghiệm.

    Việc bắt và vận chuyển cá mập sang một hồ mới không chỉ khiến riêng cá mập bị căng thẳng, mà cả đối với người nuôi cá nữa. Bạn nên mua hồ có kích thước thích hợp đối với cá mập trưởng thành. Nhờ đó, cá mập có thể sinh trưởng và sống trọn đời trong một hồ.

    Đối với cá mập cầu vai và cá mập tre, hồ phải có dung tích tối thiểu là 900 lít. Bởi vì cá mập mèo nhỏ hơn nên hồ có dung tích tối thiểu là 680 lít. Cá mập mới nở là ngoại lệ. Tập cho cá mập mới nở ăn trong môi trường rộng với nhiều nơi trú ẩn rất khó khăn. Cá mập non có thể tiêu tốn năng lượng một cách không cần thiết để tìm kiếm thức ăn trong một hồ quá rộng.

    Nền đáy của hồ nuôi cá mập nên trải cát mịn. Ngoài biển, cá mập tre và cá mập cầu vai di chuyển trên nền cát và sục mõm vào đấy để tìm kiếm thức ăn. Vụn san hô và sỏi có thể làm trầy xước miệng và da bụng của chúng. Điều này có thể gây ra vết thương và dẫn đến bệnh nhiễm khuẩn cơ hội.

    Hồ nuôi cá mập cũng phải được đậy kỹ. Dù cá mập không phải là chuyên gia đào thoát giống như một vài cư dân nước mặn khác, chẳng hạn như cá chình và cá vây xoắn (hawkfish), nhưng có trường hợp cá mập nuôi cả năm vẫn nhảy ra khỏi hồ.

    [​IMG]

    Bộ lọc
    Lọc là điều bắt buộc. Cá mập đòi hỏi lượng thức ăn rất lớn từ hai đến bốn lần mỗi tuần. Điều này làm phát sinh rất nhiều chất dinh dưỡng và chất thải trong hệ thống lọc vào những thời điểm nhất định. Một bộ lọc protein (skimmer) chất lượng cao là bổ sung rất cần thiết đối với hệ thống lọc của hồ nuôi cá mập.

    Bên cạnh việc lọc chất thải hữu cơ, cần quan tâm đến nồng độ nitrate. Việc khống chế nitrate có thể được thực hiện một cách thành công bằng cách thay nước đều và đủ. Để hỗ trợ cho việc thay nước, cần cân nhắc đến việc lắp đặt một chậu lọc hay hồ lọc ngoài. Không chỉ rẻ tiền và dễ lắp đặt, chúng còn khống chế lượng nitrate một cách hiệu quả. Thùng lọc (refugium) có trồng tảo biển Chaetomorpha là một cách hỗ trợ hiệu quả khác trong việc khống chế lượng nitrate.

    Cá nuôi chung
    Loài cá nào có thể nuôi chung với cá mập? Quy tắc nào cũng có ngoại lệ, nhưng thả những con cá “biết chắc” là an toàn thì nhân đạo hơn là một ngày nào đó bạn về nhà và phát hiện thấy cá mập của mình bị thương. Nguyên tắc chung là nên tránh thả cá nóc, cá nóc gai và cá thiên thần trong hồ nuôi cá mập. Được biết, những con cá này hung dữ đối với cá mập, chúng thường cắn và rỉa da và mắt của cá mập. Trong khi vết thương ngoài da có thể lành thì vết thương mắt khó điều trị hơn và đôi khi cá có thể mù mắt. Những loài nhỏ hơn như cá hề, cá rô biển, cá bống biển và cá lon (blenny) lại có thể bị cá mập ăn thịt.

    Thức ăn
    Một vấn đề nữa cần phải cân nhắc đó là chi phí để nuôi cá mập. Tùy vào mức độ hoạt động và trao đổi chất, một con cá mập có thể tiêu thụ lượng thức ăn bằng từ 2 đến 15% trọng lượng cơ thể mỗi tuần. Bởi vì thời gian tiêu hóa và thải loại chậm nên cá mập không cần phải ăn mỗi ngày.

    Cá mập tre và cá mập mèo nên được cho ăn từ hai đến ba lần mỗi tuần. Cá mập non cần được cho ăn thường xuyên hơn. Để có sức khỏe tối ưu, cá mập cần ăn nhiều loại thịt khác nhau như mực, tôm, krill, sò, cá mướp (smelt), cá suốt, cá nhím (urchin), cua, bạch tuộc và cá mực (cuttlefish). Tốt nhất là cho chúng ăn nguyên con, không lột vỏ hay bỏ ruột.

    Theo dõi bệnh tật
    Bởi vì hầu hết cá mập đều đề kháng yếu đối với bệnh đốm trắng nước mặn (Cryptocaryon irritans) nên chúng cần được nuôi cách ly. Chúng có thể mang và lây truyền bệnh ký sinh cũng như nhiều vi khuẩn gây bệnh khác.

    Đồng có thể ảnh hưởng đến các cảm biến điện (electroreceptor) nằm trên mạng Lorenzini (giác quan đặc biệt) bằng việc gây khó chịu, tiết nhớt và làm tắc mạng. Trong khi hầu hết cá mập đều nhạy cảm đối với đồng, có một vài loài cá mập được ghi nhận có thể chịu đựng tốt hay không quá nhạy cảm đối với sự hiện diện của đồng.

    Các hồ cá công cộng từng sử dụng đồng để điều trị cho cá nhám chăm con (Ginglymostoma cirratum), họ cá nhám râu (Orectolobidae) và cá mập cầu vai. Một số loài cá mập ăn ít hay bỏ ăn trong khi được điều trị bằng đồng. Sau khi được thay nước mới, cá mập sẽ ăn uống bình thường trở lại.

    Chứng cường tuyến giáp hay bệnh bướu cổ (goiter) là loại bệnh xuất hiện ở cá mập. Đây là loại bệnh nguy hiểm tiến triển chậm trong nhiều tháng. Triệu chứng bên ngoài không xuất hiện ngay. Triệu chứng nhìn thấy được của bệnh bướu cổ là sự xuất hiện của một bướu nhỏ nằm ở mặt dưới, phía sau miệng và lan dần đến cổ họng. Bướu này chính là tuyến giáp. Nếu không được điều trị thích đáng, tuyến giáp sẽ phình to đến mức nó ảnh hưởng đến khả năng nuốt của cá mập. Bướu là hậu quả của việc không được cung cấp đầy đủ chất i-ốt. Nồng độ nitrate cao có thể ảnh hưởng đến thành phần và chuyển hóa của i-ốt.


    Bệnh cá

    [​IMG]

    Trái: Một số cá mập thường sục mõm vào đáy nền để tìm kiếm thức ăn. Đáy không phù hợp sẽ khiến cá mập bị trầy xước, đặc biệt là vùng miệng và da bụng, từ đó có thể phát triển thành vết thương và bệnh nhiễm khuẩn cơ hội.

    Phải: Bệnh bướu cổ ở cá mập rất khó phát hiện, nhưng nếu không kịp điều trị, tuyến giáp sẽ phát triển đến mức ảnh hưởng đến việc nuốt của cá. Bướu cổ là hậu quả của việc thiếu i-ốt. Việc giảm nồng độ nitrate và cung cấp i-ốt là chìa khóa để cải thiện tình hình.
    Điều trị bệnh bướu cổ
    Điều trị bệnh bướu cổ bằng cách cải thiện những thiếu sót trong việc nuôi dưỡng. Giảm nồng độ nitrate và cung cấp đủ chất i-ốt là chìa khóa để cải thiện tình thế. Tác dụng điều trị chỉ có thể thấy được sau từ nhiều tuần đến nhiều tháng.

    Việc bổ sung i-ốt vào thức ăn được ưu tiên hơn là bổ sung i-ốt vào hồ. Khi bổ sung i-ốt vào hồ, sẽ rất khó tính toán liều lượng chính xác; cho nên nó có thể tăng đến mức nguy hiểm nếu không được theo dõi một cách sát sao. I-ốt có thể vón cục rồi tan dần khiến nước bị nhiễm độc.

    Mazuri là loại vitamin thương mại dành riêng cho cá mập và cá đuối. Các hồ cá công cộng và tư nhân sử dụng Mazuri đều cho kết quả tốt. Có thể điều trị bằng các loại thuốc Levothryoxine hay Synthroid trong trường hợp bướu vẫn tiến triển dù đã giảm nồng độ nitrate và bổ sung i-ốt. Việc sử dụng các loại thuốc này cần sự chỉ định của bác sĩ thú y.

    Cần lưu ý đến việc cá mập hoang mới mua về bị nhiễm giun. Trên thực tế, cá mập có cân nặng đầy đủ và chịu ăn uống vào thời điểm được mua không có nghĩa rằng chúng không bị nhiễm giun (helminthes). Giun ký sinh trong ruột cá mập một thời gian dài trước khi những triệu chứng xuất hiện.

    Giun ký sinh đường ruột có thể gây ra sự căng thẳng kinh niên. Sự căng thẳng, dù nhất thời hay thường trực, đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe chung và hệ miễn dịch của cá mập. Trong khi nuôi cách ly, hãy cân nhắc việc áp dụng các loại thuốc sổ như Praziquantel, Fenbendazole hay Piperzine. Đây là những loại thuốc có tác dụng tốt nhất khi trộn vào thức ăn.

    Các vết thương gây ra bởi cá nuôi chung hồ hay nền đáy không thích hợp có thể kéo theo bệnh nhiễm khuẩn. Triệu chứng nhiễm khuẩn bao gồm lờ đờ, chán ăn, thở gấp và da ửng đỏ - dễ phát hiện khi nhìn từ mặt bụng.

    Điều trị khẩn cấp bằng cách cải thiện chất lượng nước và dùng kháng sinh. Nên trữ sẵn các loại kháng sinh như Nitrofurazone, Kanamycin và Minocycline. Người nuôi cá có thể sử dụng các loại thuốc này mà không cần chỉ định của bác sĩ. Enrofloracin cũng là một loại thuốc rất tốt. Nó có thể được trộn vào thức ăn hay tiêm trực tiếp. Đây là loại thuốc phải qua chỉ định của bác sĩ thú y. Quá trình trao đổi chất ở cá mập rất chậm và việc kiểm tra nồng độ thuốc kháng sinh nên thực hiện sau mỗi ba ngày để tránh nhiễm độc thuốc.

    Cá mập, giống như những loài cá nước mặn khác, cần được tìm hiểu trước khi mua về nuôi. Nếu được chăm sóc thích hợp, cá mập có thể sống tối thiểu đến vài thập kỷ.


    ==============================


    Ghi chú

    Những loài cá mập nhỏ đề cập trong bài như là cá mập tre và cá mập mèo đều thuộc về bộ cá nhám râu Orectolobiformes. Đặc điểm của bộ cá nhám này là có miệng nằm phía trước mắt. Các loài cá mập tre đốm (Chiloscyllium plagiosum), cá mập tre vằn (Chiloscyllium punctatum) và cá mập mèo san hô (Atelomycterus marmoratus) phân bố ở vùng biển Đông Nam Á trong đó có Việt Nam. Fishbase.org liệt kê chúng trong danh sách cá biển Việt Nam với các tên tương ứng là “cá nhám trúc đốm sao”, “cá nhám trúc vằn” và “cá nhám hoa” (Nguyen Huu Phung & Tran Hoai Lan, 1994 – Nghia, N.V., 2005).

    Tại sao lại gọi là “cá nhám”? Một cách tổng quát, tổng bộ cá nhám Selachimorpha bao gồm 8 bộ với khoảng 360 loài. Trong tiếng Anh thì tất cả các loài đều là “shark” nhưng tiếng Việt lại phân biệt “cá nhám” với “cá mập”. Theo các sách phân loại thì chỉ có các loài thuộc bộ Carcharhiniformes mới được gọi là “cá mập”. Do các loài ở trên thuộc bộ Orectolobiformes nên chúng được gọi là “cá nhám”.

    Thực tế, tin tức trên báo chí ngày nay thường được dịch từ các nguồn nước ngoài mà không hề tham khảo đến các tài liệu phân loại trong nước cho nên nhiều loài ở các bộ khác với bộ cá mập Carcharhiniformes cũng được gọi là “cá mập”. Dẫu sao thì tên “cá mập” nghe cũng ấn tượng hơn so với “cá nhám” nên chúng tôi sử dụng tên này trong bài dịch.


    ==============================


    Lai tạo cá mập cầu vai
     
    Chỉnh sửa cuối: 1/6/17
  2. nhincaizi

    nhincaizi Active Member

    bọn cá mập này nhìn cái đầu như cá dọn bể vậy
     
  3. ThangTauLai

    ThangTauLai New Member

    giống cá lau kiếng wá
     
  4. trinhtacdat

    trinhtacdat New Member

    cá lau kiếng cũng là họ cá nhám mà bạn! :D
     
  5. longh

    longh New Member

    cho hoi +:notworthy:day la ca muoc man hay nuoc ngot
     
  6. longh

    longh New Member

    tui nghe noi co loai ca map nuoc ngot
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội