Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Câu chuyện về Plakat Thái II (Cá lai) (Precha)

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 21/6/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Câu chuyện về Plakat Thái II (Cá lai)
    Precha Jintasaerewonge - http://www.plakatthai.com/hybrid.html

    Giới Thiệu
    Trong khi dõi theo sự phát triển của Plakat Thái, tôi luôn tự hỏi làm thế nào loài cá sống nơi hoang dã trở thành cá chọi thuần dưỡng? Như độc giả đã biết, cấu trúc cơ thể và màu sắc của Betta splendens bắt nơi hoang dã khác hẳn Betta splendens thuần dưỡng. Betta hoang dã sở hữu màu sắc và cấu trúc độc đáo. Toàn bộ đực và cái có cùng hình thức màu. Cá đực có vảy sáng bóng, và màu vây lấp lánh độc đáo khi sừng hay múa nhảy. Vảy lấp lánh là tín hiệu thông tin của loài cá ở vùng nước đục và lợ. Mặt khác, màu sắc của Betta splendens thuần dưỡng lại sậm và nhiều ánh kim hơn (more metallic) bởi chúng được nuôi trong nước sạch. Tuy chúng đều bắt nguồn từ một tổ tiên chung nhưng hình dạng bên ngoài lại hoàn toàn khác nhau.

    Có một dòng Cá Chọi Xiêm khác vốn tồn tại giữa Betta hoang dã và thuần dưỡng gọi là cá chọi-lai. Ở Thái, chúng tôi gọi là “Pla Sung Ka See” (“Sung Ka See” nghĩa là tấm sắt mạ) hay ngắn gọn “Pla Sung”. Tôi nghe nói đến cái tên “Pla Sung” từ khi tôi làm quen với cá chọi hồi nhỏ. Thời gian trôi qua, ý nghĩa của từ Pla Sung vẫn mơ hồ và khó xác nhận định nghĩa thực sự của nó. Tôi từng nhiều lần thảo luận ý nghĩa của “Pla Sung Ka See” với bạn bè tại trường cá. Vài người đưa định nghĩa rất thú vị về “Pla Sung Ka See”. Họ nói “Pla Sung Ka See” là một dòng cá chọi với răng sắc như những tấm sắt mạ (galvanized). Dr. Yon Musik, Phó Giáo Sư thuộc Khoa Thủy Sản của Đại Học Nông Nghiệp khẳng định ý nghĩa của “Pla Sung Ka See” trong bài viết của mình “Huyền thoại về Plakat Thái” như là một chiến binh với vảy cứng như những tấm sắt mạ!

    “Pla Sung” hay dòng cá lai đóng một vai trò rất có ý nghĩa trong sự phát triển của Plakat Thái. Trong quá khứ, lời đồn thổi về cá lai được kể nhiều lần, nhưng nó không tập trung đủ sâu để hoàn tất bức tranh về sự phát triển của Plakat Thái. Điều đó giống như việc quan sát nhà ảo thuật chuyền một quả bóng lòe loẹt từ tay phải sang tay trái. Ông giơ trái bóng ở tay trái và rồi thật kỳ diệu, nó xuất hiện ở tay phải. Chúng ta thấy trái bóng ở tay phải và trái nhưng không thực sự THẤY trái bóng đi từ tay này sang tay kia. Betta hoang dã ở tay trái và Betta thuần dưỡng ở tay phải. Chuyển động của trái bóng là dòng cá lai. Bài viết này muốn nắm bắt trái bóng trên không và chỉ ra quan hệ giữa tay trái và tay phải. Cá lai đóng một vai trò quan trọng như là cầu nối cho Betta, đi từ chốn hoang dã đến cộng đồng người, sánh cùng văn minh nhân loại.

    Câu Chuyện Tóm Tắt Về Sự Phát Triển của Plakat Thái
    Có ba giai đoạn trong sự phát triển của Plakat Thái. Giai đoạn đầu tiên là làm quen với cá chọi (đá Betta hoang dã). Giai đoạn thứ hai là làm quen với việc lai tạo Betta hoang dã và cả những dòng Betta lai. Giai đoạn thứ ba và cuối cùng là thu thập kiến thức về cách lai tạo Betta thuần dưỡng rặt hay Plakat Thái hiện đại. Cả ba giai đoạn được thể hiện trong biểu đồ sau đây:

    [​IMG]

    Pha Thứ Nhất: Làm Quen Với Cá Chọi
    1. Cá Hoang Dã
    Trong cuộc khảo sát của tôi về sự bùng phát của các trò đá cá ở Thái Lan, tôi phát hiện rằng trò chơi phát sinh và lan rộng khắp mọi miền đất nước. Chúng ta có thể lần về quá khứ thông qua những lời truyền khẩu từ tổ tiên non trẻ của các nhà lai tạo ngày nay khoảng 200 năm trước, vào thời điểm thành lập của thủ đô Thái Lan hiện nay, Rattanakosin. Điều này có nghĩa người Thái đã chơi trò đá cá từ trước đó. Chúng ta phải tính đến môi trường xã hội và chính trị vào thời buổi chiến tranh và tài nguyên thiên nhiên dồi dào này. Người chơi bắt cá Betta ngoài ruộng lúa để đá trong nhóm mình. Mà không biết đến sự khác biệt giữa các loài, hay cách thức lai tạo cá để đá (như ngày nay chúng ta đã biết, chiến binh bản địa ở miền nam là Betta imbellis, ở miền trung là Betta splendens, và ở miền đông bắc là Betta smaragdina). Có hai bước trong việc học hỏi cách đá cá Betta hoang dã. Bước thứ nhất là để người chơi học cách phân biệt Betta với cá khác, giữa Betta để chơi với cá khác để ăn. Người nông dân quan sát cách chúng sừng và đá nhau khi làm việc ngoài đồng. Nếu độc giả đã đọc Câu chuyện về Betta smaragdina, thì có thể mường tượng ra bức tranh rằng Betta đơn giản làm tổ bọt ngay bên cạnh bờ ruộng. Các cậu bé bắt chúng ở đó và nuôi trong hũ đất. Vào thời ấy, toàn bộ chậu và bình chứa đều được làm bằng đất sét mà chúng tôi gọi là hũ đất hay “Morh”. Nông dân có thể đá cá lúc nghỉ ngơi sau bữa trưa rồi thả cá về đồng sau khi trận đấu kết thúc. Một số trẻ em nuôi cá trong hũ đất như thú cưng của mình. Ban đầu, đá cá chỉ diễn ra giữa bạn bè trong cùng làng. Bằng việc thách thách thức và đặt cược, đá cá nhanh chóng được ưa chuộng và chấp nhận rộng rãi hết làng này đến làng khác.

    Bước thứ nhì trong đá cá là thách đấu giữa các làng và các vùng khác nhau. Đá cá trở nên phổ biến hơn chừng nào mà thắng thua là cả một vấn đề. Quá trình của trò chơi sản sinh ra một chuyên gia lai tạo và chiến binh vô địch. Suy nghĩ về cách cản ra chiến binh nhằm đả bại cá khác có thể nảy sinh từ bước này. Tuy nhiên, về tổng thể tôi không nghĩ người chơi đã nỗ lực một cách nghiêm túc trong việc tìm ra cách thức để kiểm soát việc lai tạo chiến ngư. Họ chỉ biết chỗ để tìm những chiến binh tốt nhất. Họ cũng có thể thả đấu ngư thắng trận vào một địa điểm riêng, đảm bảo quay lại và thu hoạch chiến binh thế hệ sau để đá.

    Pha Thứ Nhì: Làm Quen Với Việc Lai Tạo Cá Hoang Dã Và Cá Lai
    2. Cá Hoang Dã Tuyển Chọn
    Sự xuất hiện của những đấu ngư tốt nhất trở thành ngân hàng của các dòng chọi tuyển cho nông dân. Người ta sẽ đặt theo tên vùng nơi những chiến binh tốt nhất được phát hiện. Nhiều tay chơi sẽ sục sạo nơi này để bắt hoặc đôi khi đề nghị mua đấu ngư từ chủ đất. Động cơ thắng trận được xem như là một yếu tố quan trọng cho sự phát triển của trò đá cá. Trong giai đoạn cá hoang dã tuyển chọn, người chơi sẽ thả trống và mái thắng trận vào một nơi đặc biệt rồi quay lại vào năm sau để thu hoạch cá mới. Màu cá là cách duy nhất mà ông có khả năng đoán sự khác biệt về lối đá. Nguyên tắc lai tạo cá hoang dã tuyển chọn này vẫn tồn tại thậm chí vào ngày nay.

    3. Lai Tạo Cá Thuần Dưỡng
    Bối cảnh đằng sau việc đá cá được bắt nơi hoang dã như mô tả ở trên, dựa vào hoàn cảnh rằng, đá cá chỉ là một trò vui, thậm chí chưa phải một thú chơi (hobby). Tuy nhiên, trò vui có con đường phát triển riêng của mình. Khi người ta coi trò chơi là nghiêm túc, tranh giành thắng lợi và tìm kiếm sự xuất sắc cùng với niềm tự hào và tiền bạc, tất cả trở thành động lực để phát triển những chiến binh tốt hơn. Cá chọi được bắt nơi hoang dã sẽ cản ra kết quả không ổn định, thậm chí chiến binh được bắt từ địa điểm tuyển chọn cũng không đủ tin cậy. Trò chơi tự diễn biến thành khắc nghiệt và nghiêm túc hơn khi cá cược nhiều hơn. Khi người chơi muốn kiểm soát kết quả thắng trận, anh ta phải kiểm soát chất lượng các chiến binh của mình. Nghĩa là anh ta phải kiểm soát cặp giống và môi trường lai tạo. Vì vậy nhà lai tạo bắt đầu cản chiến binh trong hố đào, từ đó hình thành các dòng thuần dưỡng. Suy nghĩ có hệ thống cơ bản này có thể được xem như là bước khởi đầu cho sự bùng phát cá chọi Xiêm hiện đại hay Plakat Thái, vốn đi từ hoang dã đến cộng đồng người… Ý tưởng đàng sau việc thuần dưỡng là sở hữu chiến binh chất lượng, và đủ nhiều để bán và chia sẻ với bạn bè vào bất kỳ thời điểm nào. Bởi vì đá cá diễn ra quanh năm, tôi nghĩ đây là giai đoạn chủ yếu của việc kinh doanh cá chọi và học hỏi để lai tạo đại trà khi nhu cầu gia tăng. Trong giai đoạn này, nhiệm vụ trước mắt là làm thế nào để lai tạo cá thuần dưỡng trông giống hệt cá hoang dã? Bởi vì chúng ta đang đá cá thuần dưỡng với cá hoang. Việc kiểm soát lai tạo và môi trường phải được thực hiện thật bí mật và cũng phải giả lập môi trường sinh sản tương tự với địa bàn Betta. Mục đích duy nhất của việc này là để đánh lừa và đả bại đối thủ. Nó trở thành sự cạnh tranh theo hai hướng, một là trò đá cá thực sự và một là ganh đua về con người. Cuộc đá cá chỉ liên quan đến các chiến binh, nhưng tôi thích ganh đua về con người hơn. Quá trình mà một nhà lai tạo tìm cách thức cản chiến binh nhằm đả bại nhà lai tạo khác. Bấy giờ sự phát triển thực sự của cá chọi Xiêm mới bắt đầu.

    Ban đầu, nhà lai tạo chỉ muốn cản chiến binh vốn giống hệt cá hoang dã nhưng vẫn sở hữu sức mạnh thể chất tốt hơn và bền hơn để đả bại địch thủ. Lúc đó tôi không nghĩ bất kỳ ai có thể tưởng tượng ra chiến binh đuôi ngắn nổi bật (cá chọi đuôi ngắn tuyển chọn hung dữ nhất hiện nay). Cá chọi tuyển hung dữ xuất hiện sau khi lai tạo nhiều thế hệ cá hoang dã cho đến khi nó không còn giữ được màu sắc và hình dạng gốc của mình nữa. Nhiều thế hệ thuần dưỡng lâu đời khiến các chiến binh to hơn, màu sậm hơn, và cũng trở nên dạn dĩ với con người và hành vi thân thiện. Dưới bàn tay lai tạo của con người, những thay đổi lớn được liên tục phát triển ở chiến binh cho đến khi dòng cá không thể quay về dạng gốc của mình nữa. Cá hoang dã không có khả năng chiến thắng cá thuần dưỡng về mọi phương diện thi đấu. Đại loại, cá chọi chia hẳn làm hai nhóm. Nhóm cá hoang dã hay Plakat Pah cũng như cá lai hay Pla Sung, và nhóm cá thuần dưỡng hay Plakat Morh. Những nhóm này vẫn còn được thực hành ở nhiều trường cá ngoại ô Bangkok. Sự thay đổi to lớn này không chỉ ảnh hưởng đến cách thức chọi cá ngoài trường, mà còn tác động mạnh đến thế giới cá chọi Xiêm về phương diện cá cảnh.

    4. Cá Lai
    Cá chọi lai là sản phẩm của sự can thiệp về lai tạo giữa cá hoang dã với cá chọi thuần dưỡng rặt. Tôi sử dụng thuật ngữ “cá chọi thuần dưỡng rặt” (perfect captive-bred fighter) cho cá vốn xuất phát từ một cặp cha mẹ thuần dưỡng. Việc tìm ra cặp cá giống xuất sắc là điều khó khăn nhất đối với nhà lai tạo, khi nhà lai tạo đang cố gắng đả bại cá địch thủ. Việc nhập và trao đổi những chiến binh tốt nhất từ miền Nam, miền Đông Bắc hay miền Trung thường được thực hiện mà không biết đến sự khác biệt giữa các loài. Hoạt động lai tạo tích cực nhất diễn ra ở Bangkok và các vùng phụ cận, bởi vì đá cá ở Bangkok thách thức hơn, tiền cược lớn hơn và cộng đồng phức tạp hơn.

    Cá lai có chiến lược lai biệt dạng (reverse breeding), nhà lai tạo muốn cản ra chiến binh vốn thật giống cá hoang dã nhưng cũng nắm bắt tâm hồn của cá chọi thuần dưỡng. Tuy nhiên, chúng vẫn đá trong một thời gian ngắn, khoảng 30 phút. Cá hoang dã thậm chí còn đá ngắn hơn, hay chẳng muốn đá đấm gì cả. Cá chọi lai đã tự phát triển thành ra thật độc đáo và thể hiện bước nữa trong quá trình lai tạo*.

    Cá chọi lai có thể được thấy ở mọi miền đất nước, những nơi đá cá được áp dụng tích cực. Nhà lai tạo sẽ dùng cá chọi địa phương để pha với loài ưu việt nhất. Chẳng hạn: vùng Đông Bắc Thái Lan có thể nhập Betta splendens tốt nhất trong khả năng để cản với cá chọi địa phương tốt nhất của mình, Betta smaragdina. Người miền Nam có Betta imbellis để pha với Betta splendens. Có thể kết luận rằng loài Betta tuyển chọn đầu tiên để đá là Betta splendens ở miền Trung Thái Lan. Nó có thể đâu đó ở cố đô Ayuthaya của Thái Lan, Padrew hay tỉnh hiện được gọi là Cha Chueng Sao hay có lẽ Mahachai hay tỉnh Sa Mut Sa Khon.

    Có hai loại cá lai, cá hoang dã lai và cá thuần dưỡng lai. Theo kinh nghiệm của tôi cá hoang dã lai được người chơi chấp nhận nhiều hơn, bởi vì nhà lai tạo chỉ thả chúng ngoài môi trường tự nhiên và để tự nhiên nuôi dưỡng chúng thành chiến binh giỏi. Nhà lai tạo chỉ thả con giống tốt hay cá bột vào một khu vực nhất định và để chúng tự sinh sản theo cách tự nhiên của mình.

    Pha Thứ Ba: Lai Tạo Cá Thuần Dưỡng Rặt
    5. Lai Tạo Cá Thuần Dưỡng Rặt
    Thuật ngữ “cá chọi thuần dưỡng rặt” nghĩa là bầy cá được tạo ra từ cha mẹ tuyển chọn nuôi hồ. Cá phát triển dần thói quen của mình để thích nghi với tập quán của người. Cá chọi thuần dưỡng rặt hiện được biết như là cá chọi đuôi ngắn vốn được bán trong các tiệm cá cảnh. Cá chọi thuần dưỡng rặt là sự chuyên biệt về lai tạo Betta hoang dã. Mọi người ở trường không còn chấp nhận cá chọi thuần dưỡng là cá chọi hoang dã thực sự. Chúng không thể cáp với cá hoang bởi khác biệt về kích thước, cấu trúc cơ thể, màu sắc và lối đá. Tôi nghĩ vào giai đoạn này cá chọi thuần dưỡng không còn là một bí mật. Trường cá bấy giờ được chia làm hai nhóm. Một nhóm là cá chọi hoang dã (vốn bao gồm cả cá lai). Cạnh tranh lai tạo ở nhóm này là cản ra một chiến binh vốn giống như cá hoang dã, nhưng đá nhanh và bền hơn. Nhóm thứ hai là cá chọi thuần dưỡng rặt theo đó nhà lai tạo phát triển kỹ năng đá và cấu trúc cơ thể theo ý tưởng của mình. Vì vậy nhiều dạng cấu trúc cơ thể hiện được giới thiệu vào trường cá. Như được mô tả ở trang Các loại Plakat Thái, tôi chia Plakat Thái thành 3 dạng cấu trúc cơ bản; dạng bản lóc (Channa striata), dạng bản rô (Anabas testudineus) và dạng bản còm (Chitala ornata). Theo tôi cá chọi đuôi dài ở giai đoạn thứ tư trong sự phát triển của Plakat Thái**. Vẻ đẹp của cá chọi được chào đón trong gia đình. Khái niệm về lai tạo cá chọi rẽ thêm một hướng mới vốn tập trung riêng vào vẻ đẹp. Từ ngày đó Plakat Thái đuôi dài lướt bộ vây xinh đẹp của mình vào thịnh vượng thương mại khắp thế giới.

    6. Cá Chọi Mahachai
    Một hình mẫu về kỹ thuật cản cá lai xuất hiện chỉ cách Bangkok 20 km. Tỉnh Samutsakhon hay tên địa phương Mahachai là tỉnh lân cận với Bangkok và cũng nối với biển. Năm trăm năm trước, Mahachai được gọi là “Tha Cheen” nghĩa là cảng biển Trung Hoa. Tôi tin rằng các thương lái người Hoa mang Plakat Thái từ cảng này đến Malaysia, Singapore, Việt Nam và cả Indonesia. Về mặt địa lý, Mahachai là một rừng ngập mặn, vốn khác hẳn các ruộng lúa mà hầu hết Betta hoang dã được phát hiện. Nước ở rừng ngập mặn là nước lợ và đục ngầu, vì vậy cá sử dụng vảy tươi sáng của mình để thông tin với nhau. Dòng cá lai Mahachai có màu sắc độc đáo và vảy lấp lánh, thật là loại cá xinh đẹp và lôi cuốn.

    Màu sắc độc đáo của cá chọi Mahachai mang lại hai ý tưởng mới về loài cá. Thứ nhất, người ta cho rằng Mahachai Betta là một loài Betta mới vốn vừa được phát hiện, dân địa phương nói rằng họ từng thấy cá này hồi còn trẻ. Ngoại hình của cá chọi Mahachai khác hẳn Betta imbellis, Betta smaragdina và thậm chí Betta splendens. Thứ hai, có thể cá chọi Mahachai là một loại cá lai, bởi vì người ta nói họ đã pha cá hoang với Betta splendens từ cả trăm năm trước và nhà lai tạo chỉ đơn giản thả cá cha mẹ tốt nhất vào những vùng nhất định như tôi đã nói ở trên. Theo điều tra của tôi và qua việc phỏng vấn các nhà lai tạo ở Mahachai, tôi bảo lưu ý kiến rằng Mahachai Betta là cá lai. Chừng nào mà chưa có bằng chứng khoa học chứng tỏ khác đi thì tôi vẫn bảo lưu ý kiến rằng Mahachai là loại Betta lai địa phương***.

    Khi lần đầu tôi thấy cá chọi Mahachai tại một trường cá ở “Baan Paw” (một khu phố ở Mahachai) 3 năm trước, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng chúng là Betta smaragdina hoang dã hay Betta smaragdina lai. Tôi thậm chí còn phô bày sự ngốc nghếch của mình ở hội thảo Betta vào tháng 2 năm 2000 tại trường Đại Học Nông Nghiệp, tôi nói rằng trường cá ở “Baan Paw” sử dụng Betta smaragdina lai để đá. Vào giai đoạn đó, tôi đang cố tìm ra tuyến giao thông vốn đưa Betta smaragdina vào miền Trung đất nước. Tôi thậm chí còn bối rối khi các nhà lai tạo nói rằng họ bắt Betta hoang để cản với Betta splendens thuần dưỡng rồi thả cá con về nhà gốc của mình. Nguyên tắc lai tạo này từng diễn ra trong một thời gian cực lâu đến nay. Một vài nhà lai tạo nói rằng họ gửi nhiều cá chọi lai đi đá ở Đông Bắc và ăn nhiều trận. Điều này nghĩa là không có nhiều khác biệt giữa cá Mahachai lai và cá chọi lai ở Đông Bắc, vì vậy người chơi chẳng e ngại gì khi cáp với những cá này để đá nhau. Có vài thuật ngữ lai tạo mà các nhà lai tạo Mahachai sử dụng vốn ám chỉ cá chọi Mahachai là loại cá lai.

    Luk Bang = Cá chọi được bắt ở vùng đầm lầy.
    Luk Thod = Sinh sản của cá chọi trông giống như cá hoang dã đích thực.
    Luk Sub = Sinh sản của cá chọi từ bầy pha.
    Luk Sard = Sinh sản của cá chọi từ cá bột vốn được thả vào vùng đầm lầy.
    Luk Kratang = Sinh sản của cá chọi thuần dưỡng.

    Dưới đây là hình ảnh về cá chọi Mahachai hoang dã ở địa bàn tự nhiên của nó. Người đàn ông trong hình là nhà lai tạo vốn nói với tôi rằng gia đình ông từng cản cá chọi này trong hơn 100 năm qua. Nguyên tắc lai tạo của ông là đơn giản thả cá giống vào một vùng nhất định và để chúng bắt cặp theo cách riêng của mình. Nhà lai tạo thả mái Plakat Morh hay Betta splendens đuôi ngắn để phát triển lực đá của cá chọi địa phương. Khi chúng tôi rảo bước, ông có thể chỉ cho tôi dòng cá chọi tốt nhất nằm ở đâu và vùng nào có cá chọi thường. Nhưng loài Betta thực sự của cá chọi địa phương là gì, tôi không biết. Hay có lẽ là một loài Betta mới đang đợi để các nhà khoa học khảo sát và khám phá. Hay nó có thể là loại Betta địa phương bắt nguồn từ sự pha tạp bởi dân địa phương vốn thả đủ loại cá chọi (Betta splendens hoang dã, Betta imbellisBetta smaragdina) vào những vùng ngập nước trong hơn một trăm năm qua. Những chiến binh này pha tạp lẫn nhau và tạo ra dòng Betta mới vốn độc đáo và khác biệt với tổ tiên của chúng. Nhưng trên tất cả chúng vẫn là loại cá lai.


    [​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG]
    [​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG]
    [​IMG][​IMG][​IMG][​IMG][​IMG]

    Ngày nay trò đá cá lai chỉ diễn ra vào mùa mưa, dường như việc đá cá lai yếu dần ở các vùng miền Trung và miền Nam Thái Lan. Trong khi ở vùng Tây Bắc nó vẫn hoạt động mạnh. Mặt khác, cá chọi Xiêm thuần dưỡng rặt cũng mở rộng địa bàn của mình nhằm chiếm lĩnh phạm vi cá chọi lai. Tôi cũng có thể quan sát thấy việc sử dụng loại cá chọi nhất định liên quan đến toan tính kinh tế của người chơi. Càng hiện đại và có tư tưởng chiếm hữu, thì người ta càng coi trọng chiến thắng và dùng mánh khóe trong trò chơi mình tham gia. Càng coi trọng chiến thắng thì lai tạo càng nghiêm túc.

    Ngày nay việc cản cá lai đóng một vai trò quan trọng trong Betta cảnh hiện đại. Sự pha tạp giữa Betta splendens thuần dưỡng rặt với các loài hoang dã như Betta imbellis hay Betta smaragdina tạo ra nhiều dòng Betta đáng kinh ngạc mới. Các màu đơn sắc lan (extended solid colors) và vảy lấp lánh được phát triển từ con giống hoang dã và cá lai. Bạn có thể thấy rằng cá lai đã đóng góp nhiều cho thế giới Betta hiện đại. Tôi chắc rằng xu hướng mới trong việc lai tạo cá cảnh tương lai sẽ tập trung vào loại vảy lấp lánh và dạng halfmoon.


    ===================================

    Tổng quan về cá chọi Xiêm hay Plakat Thái

    ===================================


    Ghi chú

    *Thể loại Betta cảnh hoang dã ngày nay có nhiều cá lai, có lẽ xuất phát từ những con lai biệt dạng vốn ban đầu được cản để đá này. Chúng không còn thuần chủng dưới danh nghĩa một loài được công nhận về mặt khoa học tuy hình dạng và hoa văn vẫn được duy trì. Ví dụ nổi bật nhất là copper/blue mahachai hay copper/blue smaragdina vốn mang gien xanh thép (steel blue), một đột biến của Betta splendens thuần dưỡng.

    **Theo thuyết đột biến, cá chọi đuôi dài là một đột biến từ cá chọi thuần dưỡng đuôi ngắn. Như vậy nó sẽ ở giai đoạn thứ 6.

    ***Vào năm 2012, nhóm các nhà khoa học Thái đã mô tả cá Mahachai như là một loài mới, Betta mahachaiensis.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/3/19

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội