Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Một câu chuyện ngắn về cá chọi Việt Nam (Precha)

Thảo luận trong 'articles archive' bắt đầu bởi vnreddevil, 22/6/07.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Một câu chuyện ngắn về cá chọi Việt Nam
    Precha Jintasaerewonge - http://www.plakatthai.com/vietnamfighter.html

    Giới Thiệu
    Tôi đến thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam từ 22 đến 25 tháng 3 năm 2002. Mục đích của chuyến đi này nhằm khảo sát kiến thức của tôi về cá chọi Xiêm đang được phát triển bên ngoài Thái Lan. Tôi nghe nói nhiều điều từ bạn bè và khách hàng của mình về dòng cá chọi Việt Nam vốn sở hữu vảy rất cứng và cấu trúc thân tốt.

    Chuyến viếng thăm của tôi đến thành phố Hồ Chí Minh (HCMC) sẽ không bao giờ khả dĩ nếu không nhờ người bạn Việt rất tận tình, người hướng dẫn 3 ngày lưu trú của tôi ở HCMC. Tôi xin bày tỏ với anh lòng biết ơn về sự hiếu khách của anh ấy, và dĩ nhiên chúng tôi trao đổi một số con giống quý giá với nhau.

    Cách hay và trực tiếp nhất để tìm hiểu về cá chọi là xem chúng ngoài trường. Ngoài trường bạn không chỉ thấy cá đang thực sự thi đấu mà còn thấy sự tinh thông (expertise) của các nhà lai tạo và tay chơi thuộc trò này. Bạn có thể trực tiếp học hỏi, từ cách mà họ nói và cách họ chăm sóc đấu ngư.

    Có hai chủ đề chính mà chúng ta có thể thảo luận; một là trường đấu thực sự và cái kia là quy trình lai tạo để thu được những đấu ngư đích thực. Tôi thấy rằng không có nhiều khác biệt giữa việc thực hành hai điều này ở mỗi nước.

    Bởi vì chuyến đi của tôi đến Việt Nam là khá ngắn, những ý kiến được bày tỏ ở đây dĩ nhiên chỉ là sự quan sát bề mặt. Mọi thông tin và thái độ tôi thể hiện trong bài viết này là quan điểm của cá nhân tôi về vấn đề. Bất kỳ sai sót nào về thông tin tôi trình bày ở đây, chỉ mình tôi chịu trách nhiệm. Tôi vui lòng nếu ai đó chỉnh sửa bất kỳ lỗi nào mà tôi có thể tạo ra.

    Sơ Lược Về Cá Chọi Xiêm Ở Việt Nam
    Người Việt Nam gọi cá chọi Xiêm là “cá Xiêm” có nghĩa “Cá từ nước Xiêm”. Một nhà lai tạo có lần bảo tôi rằng cá Xiêm được giới thiệu và phát triển ở Việt Nam hơn 100 năm trước. Cha và ông của anh trước đó đều là những nhà lai tạo cá chọi Xiêm; anh hiện 50 tuổi. Anh nói rằng người Hoa là nhóm đầu tiên đưa cá vào Việt Nam. Tôi tin rằng các thủy thủ hay thương lái người Hoa là nhóm đầu tiên đem cá chọi Xiêm từ Thái Lan hay Xiêm vào Việt Nam. Vào năm 1840, dưới thời trị vì của vua Thái Rama III, đây có thể được xem như là thời hoàn kim của thương mại biển người Hoa ở Thái Lan (đây là năm mà vua Rama III tặng cá chọi Xiêm cho Theodor Cantor, người sau này giới thiệu nó ra thế giới phương Tây). Thủy thủ đoàn người Hoa chơi trò đá cá trong thời gian họ trên biển để giải trí. Khi cập bến tại cảng, các thủy thủ mang cá lên bờ và chia sẻ trò chơi với dân địa phương. Chỉ người Đông Nam Á mới đưa trò này vào đời sống thường nhật của mình, trái với những quốc gia khác vốn không chịu tham gia. Tôi tin rằng tuyến đường bộ ở Đông Nam Á chịu trách nhiệm cho sự mở rộng của trò đá cá Xiêm. Những quan hệ và giao lưu về con người cùng với sự am hiểu của người dân khiến các dòng chọi lan rộng trên toàn Đông Nam Á. Việc lai tạo, nuôi dưỡng và chơi cá chọi trở thành một thực hành độc đáo và được chấp nhận trong dân cư ở những quốc gia này.

    Khi mới thấy cá chọi Việt Nam, nó làm tôi nhớ đến hình ảnh cá chọi mà tôi biết hồi nhỏ. Tôi nhớ cấu trúc ngắn và dày của Plakat Thái. Cá chọi Việt Nam có cùng dạng thân như loại mà tôi đặt tên là bản rô (Anabas testudineus), loại này rất ngắn và dày về cấu trúc cơ thể. Loại thân này rất hiếm và khó kiếm ở Thái Lan ngày nay, hầu hết các nhà lai tạo Thái thích phát triển loại bản lóc (Channa striata), vốn rất nhanh và kết thúc trận đấu chóng vánh. Tôi tin rằng 30 năm mà Việt Nam trải qua chiến tranh đã cô lập các dòng cá chọi và làm gián đoạn sự trao đổi con giống giữa Việt Nam với các nước khác. Cá chọi Việt Nam độc đáo và vẫn duy trì lối đá truyền thống của cá chọi Xiêm. Một họa sĩ Thái vẽ bức tranh này khoảng 60 năm trước. Và nó trông rất giống với một bức họa phương Tây vào cùng giai đoạn. Tuy nhiên các dòng Thái và Malaysia khó phân biệt với nhau, bởi vì người dân ở những nước này qua lại biên giới và trao đổi con giống mỗi ngày. Tuy nhiên, tôi hoàn toàn chắc chắn rằng những năm sắp tới cá chọi Việt Nam sẽ bị đồng hóa như các dòng Thái và Malaysia đã từng. Một số nhà lai tạo bảo tôi rằng họ từng nhập các dòng Thái và Malaysia để pha (crossbreed) với dòng bản địa của mình.

    Trường Cá Việt Nam
    Có vài khác biệt nhỏ giữa trường cá ở Thái Lan và Việt Nam, chẳng hạn loại lọ sử dụng, cách cáp cá và vài điều khoản và luật lệ được tuân thủ bởi trọng tài.

    Có 5 điểm mà tôi muốn thảo luận:

    ● Môi trường đá cá
    ● Con người
    ● Lọ
    ● Cách cáp
    ● Việc thả đấu ngư vào lọ đá (fighting bottle)


    Môi Trường Đá Cá
    Chúng tôi có cơ hội viếng thăm hai trường cá khác nhau ở Việt Nam. Cái thứ nhất nằm ở khu vực người Hoa, và ngày thứ hai chúng tôi viếng thăm một trường ở ngoại ô HCMC trong vùng bán-nông nghiệp. Trong hai ngày đó, tôi thấy nhiều người tương tự tham gia vào cả hai trường đấu.

    Trường đấu thứ nhất chúng tôi có cơ hội viếng thăm nằm ở khu vực người Hoa của thành phố. Sau vài lần quẹo vào hẻm nhỏ, cuối cùng chúng tôi đến một tiệm nhỏ trong khu vực bán-công nghiệp. Rồi chúng tôi bước ngang tiệm ra phía sau và cuối cùng đến đích thứ nhất của mình, phía sau tiệm sáng lờ mờ. Có khoảng 30 người tham dự, tất cả họ tập trung quanh sới (ring) thách thức lẫn nhau và cười. Lọ đá cá được đặt trên bàn và tất cả người chơi tụ tập xung quanh, thảo luận, cáp cá và thách cược nhiều hơn. Thậm chí chẳng ai để ý đến không khí nóng nực và ẩm ướt trong phòng. Mọi người quá bận rộn chú tâm vào đấu ngư của mình ở trước mắt và họ cũng biết rằng nếu ai đó rời chỗ của mình nó sẽ bị mất ngay. Chủ trường cũng bán cả thức ăn và nước giải khát để giúp người chơi sung sức cho đến cuối trận. Trường đóng cửa và mọi cuộc đấu sẽ ngừng vào 5 pm. Mọi thứ mà tôi mô tả ở trên giống hệt với trường cá Thái.

    [​IMG]Trường cá trong thành phố. Tôi mặc áo thun cam.
    [​IMG]Bên ngoài trường cá ở ngoại ô.
    Con Người
    Hầu hết người tham dự trường cá là đàn ông. Họ trong tầm 25 – 60 tuổi. Dẫu có cách biệt lớn về tuổi tác giữa các tay chơi, tôi không thấy bất kỳ khúc mắc lớn nào trong mối quan hệ của họ. Mọi người trong trò này đều nói chuyện; trường đấu trở thành trung tâm hội họp giữa nhiều loại người khác nhau tham gia vào cùng thú vui. Tôi không có cơ hội hỏi bất kỳ ai nghề nghiệp của họ nhưng tôi tin rằng nhiều người trong số họ có công việc tương tự các tay chơi Thái. Tay chơi Thái nhìn chung là nhà lai tạo cá chọi, dân cờ bạc chuyên nghiệp, chủ doanh nghiệp nhỏ, người về hưu và nhân công bán thời gian.

    Lọ
    Người Việt sử dụng lọ nhỏ hơn nhiều, khoảng nửa lít nước trong hũ tròn. Ở trường cá Thái, chúng tôi sử dụng hũ vuông cao chứa khoảng 2 lít nước. Tôi cho rằng kích thước và hình dạng của lọ đá có thể ảnh hưởng rất nhiều đến các lối đá khác nhau.

    Cách Cáp
    Người ta cáp cá bằng cách nhìn vào lọ từ bên trên nhằm ước lượng kích thước đấu ngư. Không có loại lọ chuẩn nào để cáp đấu ngư. Tuy nhiên, thứ tôi thấy đang được sử dụng chủ yếu, là lọ Nescafe tròn cỡ nhỏ để cáp đấu ngư. Một số tay chơi sử dụng lọ nhỏ với giấy quấn kín xung quanh nó. Mục đích của việc quấn giấy xung quanh lọ là để bạn không thể thấy đấu ngư của họ từ mặt bên; bạn chỉ có thể nhìn mặt trên của đấu ngư. Cách cáp này khác với cách mà người Thái cáp đấu ngư của mình. Người Thái sử dụng lọ whiskey vuông để cáp, cách này người ta có thể nhìn mặt bên của đấu ngư và ước lượng cấu trúc cơ thể chung của nó*. Bằng cách này các tay chơi có thể xem xét hai điểm cốt yếu về kích thước của đấu ngư. Đầu và hông (rear) của đấu ngư hay khu vực Gốc Đuôi; hai phần này được xem là rất quan trọng trong việc cáp cá bằng kích thước. Dĩ nhiên, con lớn hơn có khả năng thắng trận rất cao. Đấu ngư phải lớn và cân đối với cấu trúc cơ thể tốt. Mặt khác, nếu chúng ta cáp cá bằng việc nhìn từ bên trên, chỉ cổ và chiều dài đấu ngư có thể được quan sát, mặt bên của cá bị bỏ qua hết thảy. Theo những gì mà tôi thấy, nhiều trận mà đấu ngư nhỏ hơn được cáp với con lớn hơn, đấu ngư nhỏ hơn bị đả bại một cách dễ dàng. Tuy nhiên, tôi phát hiện một điểm tốt từ cách cáp bên trên. Bởi vì người chơi không xem cá qua thủy tinh, anh ta có thể nhận định kích thước của cá một cách rõ ràng. Trong khi với lọ whiskey vuông hay lọ khác, một số tay chơi sẽ sử dụng loại có thể thay đổi kích thước của cá và đánh lừa người ta. Một số loại lọ sẽ khiến cá trông nhỏ hơn kích thước thực của nó.

    [​IMG] Người chơi cẩn trọng cáp đấu ngư bằng việc quan sát từ phía trên.
    Việc Thả Đấu Ngư Vào Lọ Đá
    Người chơi sử dụng vợt gáo (coop) nhỏ vốn giữ một ít nước để dời đấu ngư từ hũ của nó vào lọ đá. Khi cuộc đấu khởi sự và người chơi bắt đầu đặt cược. Việc ra kèo thường diễn ra trong nửa giờ đầu và khi một bên nghĩ rằng cá của mình đang có lợi thế so với địch thủ. Điều này thường diễn ra vào giờ thứ hai của trận đấu. Trung bình, mỗi trận kéo dài khoảng 3 giờ. Tuy nhiên, có vài trận sẽ kéo dài cả ngày cho đến khi trường đóng cửa vào 5 pm, bất kỳ trận đấu nào đang diễn ra vào thời điểm này đều được coi là hòa.

    Lai Tạo
    Không có khác biệt nào giữa quy trình lai tạo mà người Thái áp dụng và cách người Việt thực hiện. Nhà lai tạo sử dụng chậu để ép cặp cá rồi dời cá bột sang lu đất to hơn. Cá sẽ sống trong lu khoảng 2 – 3 tháng rồi nhà lai tạo sẽ tách bỏ mái và đưa cá đực vào hồ lớn.

    [​IMG]Nhà lai tạo dời cá bột từ chậu qua lu đất.
    Hồ Nuôi
    Có hai loại hồ nuôi cá chọi. Một loại được đào sâu xuống đất và xây thành xi-măng, loại kia là hồ đào với cây cỏ tự nhiên và bờ đất. Cả hai phương pháp đều có thuận và bất lợi riêng. Một thuận lợi của loại hồ xi măng đó là nhà lai tạo có thể kiểm soát môi trường hồ, và điều kiện nước. Trong hồ xi măng, bệnh tật và kích thước cá cũng dễ kiểm soát. Tuy nhiên, bất lợi của hồ xi măng là nhà lai tạo phải tốn nhiều tiền thức ăn hơn bởi không có nguồn thức ăn tự nhiên, và đấu ngư sẽ dễ bị căng thẳng bởi thay đổi môi trường tức thời do thiếu nguồn nước ngầm để làm mát cá. Một trong những thuận lợi của việc nuôi cá trong hồ đào đó là hồ được bao quanh bởi cây cỏ tự nhiên, lá cây rụng vào hồ sẽ tạo ra môi trường vốn thật giống với địa bàn tự nhiên của chúng. Hầu hết đấu ngư hồ đào sẽ rất mạnh khỏe và mau lớn. Tuy nhiên, nuôi đấu ngư trong hồ đào có có nguy cơ ngập lụt (flooding).

    [​IMG]
    Nuôi cá chọi trong hồ đào. Đây là hồ cá chọi truyền thống; lưới phủ hồ bảo vệ đấu ngư khỏi chim và những kẻ thù tự nhiên khác.
    [​IMG]Từ lu đất, nhà lai tạo dời đấu ngư sang hồ xi măng lớn hơn. Cá non sẽ sống ở đây khoảng 2 – 4 tháng.
    Nhà lai tạo có thể chuyển đấu ngư sang hồ lớn hơn một lần nữa. Đây là nơi cuối cùng đấu ngư được nuôi trước khi được đem đi đá. Hồ có tiết diện khoảng 1 mét vuông và sâu khoảng 1 m, nó cũng được thả đầy cây cối và thực vật nổi. Tuy nhiên trong trường hợp hồ đào, cá bột nên ở yên trong hồ tự nhiên cho đến khi chúng là đấu ngư trưởng thành.

    [​IMG]Đấu ngư trong những hồ này sẵn sàng để bán hay luyện đá.
    [​IMG]Đây là nhà lai tạo người dời cá chọi sang hồ đào; anh đang vớt đấu ngư và chọn những con tốt nhất để nuôi riêng.
    [​IMG]Dãy túi nhựa với đấu ngư bên trong, chúng được cách ly trong 7 – 10 ngày để sửa soạn bán, hay luyện đá.
    Sau khi mỗi đấu ngư được cách ly trong khoảng 7 ngày, nhà lai tạo sẽ dời đấu ngư vào một lọ thủy tinh tròn, loại tương tự được sử dụng để đá trường, bây giờ đấu ngư sẵn sàng được huấn luyện. Trong 15 ngày đấu ngư được huấn luyện bằng cách khuấy nước trong một lọ lớn rồi được nghỉ 3 ngày tiếp theo. Phương pháp huấn luyện này khác hẳn phương pháp của người Thái. Các nhà lai tạo Thái thả một mái lớn vào hồ và để đấu ngư rượt mái trong 6 ngày. Đấu ngư sẽ dần phát triển cơ bắp và hormone hung dữ bằng việc kích động bản năng giới tính tự nhiên, cùng bản năng tấn công và phòng vệ tự nhiên của loài. Tuy nhiên, một số nhà lai tạo Thái sử dụng phương pháp khuấy nước cùng với rượt đuổi mái.

    [​IMG]Dàn đấu ngư chuẩn bị đá.
    Lời Kết
    Về cấu trúc, không có nhiều khác biệt giữa thực hành đá cá ở Việt Nam và Thái Lan. Việc nuôi dưỡng, huấn luyện và dụng cụ có thể hơi khác. Cấu trúc cơ thể cá cũng khác nhưng tôi không thấy khác biệt đáng kể nào về tinh thần thi đấu. Cả hai đều có những thuận lợi và bất lợi của riêng mình. Cá chọi Thái nhỏ về kích thước nhưng nhanh và đầy mưu mẹo. Trong khi cá chọi Việt Nam lớn hơn về kích thước với cú thọc mạnh, nhưng chúng đá khá chậm. Chắc chắn không có gì trên đời là hoàn hảo. Điều mà tôi quan tâm hơn là sự tương đồng giữa hai quốc gia, nhà lai tạo. Các nhà lai tạo đều thật tử tế và khiêm tốn; họ sống rất đơn giản. Bất kể những khác biệt về xuất thân của chúng tôi, chúng tôi đều nói về cùng một điều và học hỏi lẫn nhau.

    [​IMG]Tôi ở bên trái, và nhà lai tạo Việt ở bên phải.

    ===================================

    Tổng quan về cá chọi Xiêm hay Plakat Thái

    ===================================


    Ghi chú

    *Nghe nói, lý do người ta bao giấy lọ cá để khỏi làm cá sợ. Việc này có vẻ không chính đáng vì người Thái vẫn quan sát cá từ mặt bên mà không hề hấn gì. Có lẽ mục đích chính là lừa mấy tay non kinh nghiệm để giành lợi thế kích thước. Mặt khác, theo mô tả của cụ Vương Hồng Sển trong bài “Thú chơi cá thia thia” thì hồi đầu thế kỷ người ta cáp cá bằng cách quan sát cả từ phía trên lẫn mặt bên. Quan sát từ phía trên thì phải để ý độ sâu của lọ nuôi vì cá nằm sâu dưới đáy trông có vẻ nhỏ đi. Quan sát từ mặt bên thì coi chừng loại lọ thủy tinh làm cá nhỏ đi khi nhìn từ bên ngoài vào. Ngày nay, vấn đề cáp cá không còn quá quan trọng nữa bởi người ta sử dụng cân điện tử, cáp cá theo hạng cân.
     
    Chỉnh sửa cuối: 30/3/19

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội