Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Gà chọi Nhật Bản (M.H. Waldron)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 10/7/15.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Gà chọi Nhật Bản
    M.H. Waldron (Grit & Steel, 11/1968) – http://asilclub.spruz.com

    ====================================================================
    MƯA NGỪNG RƠI. TÔI THẤY CỎ ƯỚT RỒI TÔI NGHE TIẾNG GÀ GÁY.
    Một Báo Cáo Chân Thực Bởi Hạ Sĩ M.H. WALDRON, THỦY QUÂN LỤC CHIẾN MỸ (USMC) – Yokosuka, Nhật Bản.

    ====================================================================

    Khi tôi đến Nhật Bản vào tháng mười hai năm 1951, tôi nghĩ mình đã biết khá nhiều về Gà Shamo. Tôi từng đọc tất cả những tài liệu sẵn có và đã thấy một số cá thể vốn được xem là chuẩn mực của Giống Gà. Cũng như các Sư Kê Miền Nam khác, tôi có xu hướng chỉ trích Shamo, mà không cần suy xét, là đồ gà rót (dunghill) với bản tính gây gổ - nhưng chắc chắn không phải là Gà Chọi.

    Nhưng khi, sau cùng tôi may mắn được chứng kiến Gà Chọi Nhật Bản đích thực thể hiện ngoài trường đấu, dưới luật lệ nghiêm khắc vốn được ban hành để phù hợp với phẩm chất chiến đấu riêng của nó, tôi nhanh chóng bị thuyết phục, mà chẳng hề khó khăn, rằng không có loại Gà Chọi nào cao quý hơn ở bất kỳ đâu trên trái đất.

    Trong nhiều năm trời thi đấu chỉ bằng Cựa Xương (Naked Heel), nó hiện giờ được đá bằng Cựa Tròn (Standard Gaff) và đôi khi cả Cựa Dao (Slasher). Nó thi đấu ổn định với Cựa Tròn. Cựa Dao không phù hợp với lối đá của nó. Theo quan điểm của tôi, chúng [tức cựa dao] hạ thấp [giá trị] của Bộ Môn ở bất kỳ nơi nào được áp dụng. Chúng khiến [kết quả phụ thuộc] quá nhiều vào yếu tố may rủi, chỉ chừa một chút cho kỹ năng của những chiến kê lịch lãm kẻ đeo nó.

    Hiển nhiên, bất kỳ văn bản nào về Gà Shamo phải được mở đầu với đôi điều về lịch sử của nó. Ở đây, tôi lại may mắn hơn bất kỳ tác giả nào khác, những người bị buộc phải từ bỏ việc đối mặt với bí mật không thể phá vỡ. Về vấn đề này, phải luôn ghi nhớ rằng người Nhật không mấy quan tâm đến việc duy trì những văn bản theo niên đại chính xác dưới bất kỳ hình thức nào. Các văn bản viết tay thường chỉ là những vần thơ cường điệu. Quá khứ bao gồm những nhân vật huyền thoại tham gia vào thực tế bên cạnh các dạng chiến binh lịch sử có thực và các Hoàng Đế. Các bức họa xưa, dẫu tuyệt vời như những công trình nghệ thuật, lại được phong cách hóa và không chính xác.

    Trước hết, tôi bối rối khi tìm hiểu ý nghĩa của cái tên “Shamo”. Từ những tài liệu hiện hữu mà tôi tin rằng nó đơn giản có nghĩa là “Gà Xiêm” (Siamese Fowl). Những người bạn Nhật Bản cam đoan với tôi rằng điều này không đúng. Có lẽ về mặt nguồn gốc, cái tên đã chỉ đến nơi xuất xứ, nhưng cách dịch chính xác về ý nghĩa hiện tại của nó trong Cộng Đồng Chọi Gà Nhật Bản là khó khăn. Trên thực tế, nó dường như có thiên hướng ngả về “danh hiệu” hơn là “tên gọi”. Có lẽ nó tốt nhất nên được diễn tả bằng tiếng Anh như là “Dòng Dõi” (Noble Blood) hay “Quý Tộc” (Lordly). Nó tiến gần đến việc lặp lại thuật ngữ Ấn Độ và Mã Lai, “Rajah” [Vua] vốn được dùng cho nhiều dòng Gà Chọi khác nhau – nhưng chỉ với những con thuần nhất (purist) và nổi danh là những đối thủ kiên cường ngoài trường đấu. Cần lưu ý rằng thuật ngữ “Rajah” cũng được sử dụng như tên gọi (hay danh hiệu) của những vật nuôi quý giá khác chẳng hạn như Mèo Đền Thiêng Miến Điện (Sacred Temple Cats of Burma). Vì vậy cả “Shamo” lẫn “Rajah” có thể được coi như là “Danh Hiệu Quý Tộc”, dành riêng cho một tầng lớp thống trị vốn luôn tách biệt khỏi các đồng loại bình thường.

    Những tác giả khác từng lưu ý rằng dường như có ít tiêu chuẩn được áp dụng cho Gà Shamo và rằng chúng xuất hiện dưới dạng tập hợp vô trật tự với nhiều hạng cân khác nhau và hàng loạt thể loại khá kém cỏi. Tôi tin rằng quan điểm này chủ yếu liên quan đến thực tế rằng vài con Shamo được nhập vào các nước khác trong quá khứ chẳng mấy chất lượng. Rồi nữa, chúng thường là những trống đơn lẻ, hay nhiều nhất là một hay hai cặp. Các nhà lai tạo ngoại quốc buộc phải pha với những dòng khác vốn bất đồng và đôi khi là loại kém cỏi hay từ số những con vốn được nuôi như là “Gà Trưng Bày” (Show Bird) thay vì Gà Chọi đá trường.

    Sư Kê Nhật Bản có xu hướng thực hiện các “bầy pha” thử nghiệm tương tự như đồng môn của mình trên khắp thế giới. Do đó, thuật ngữ chung “Shamo” được công nhận một cách rộng rãi, thậm chí cả ở Nhật, bao gồm nhiều loại gà vốn phân hóa về cái gọi là “thể loại lý tưởng” (ideal type). Như những “bầy pha” khác, nhiều con trong số này là những chiến kê siêu đẳng nhất.

    Tuy nhiên, có hai loại khác biệt – có lẽ đúng ra nên được gọi là “giống” – trong số Shamo Đá Trường đích thực được công nhận ở Nhật Bản.

    Dòng Tochigi được giữ thuần trong nhiều năm trời ở Hội Bảo Tồn Gà Chọi Tochigi-Ken tại Sinji-Gun, Sakaemura, gần Tokyo. Đây là chiến kê hạng nặng vốn bắt nguồn từ gà pha Malay và không phải lúc nào cũng Gan Lỳ. Các tác giả khác từng mô tả những cá thể nặng đến mười tám pound [8.2 kg]. Tôi tìm kiếm trong vô vọng bất cứ con nào lớn hơn mười lăm pound [6.8 kg]. Trống mười-lăm-pound được xem là quái kê và rất hiếm. Hạng cân siêu nặng như thế này thường Gan Lỳ về tinh thần, nhưng chúng quá chậm chạp và vụng về để được coi là Gà Chọi. Hạng cân cao nhất của một Chiến Kê Đá Trường là mười hai pound [5.4 kg]. Vì những mục đích thực tế, chín-pound-rưỡi [4.3 kg] là hạng cân tối đa vốn mang lại thành tích tốt ngoài Trường Đấu.

    Tochigi Shamo khi cản thuần luôn có màu điều cổ sơ với chân vàng. Dáng rất cao. Nó đôi khi có mồng lá (single) nhưng không gai (unserrated) – gợi nhớ đến giống Gà Rừng Java, Gallus varius [gà rừng xanh]. Dạng mồng trà to nặng được thấy ở một số con có lẽ là kết quả của việc lai xa (outcross). Đây là những con bật cao và đá rát. Khi cản để Đá Trường, những con này gan lỳ đến chết. Công nhận, các nông dân Nhật Bản đôi khi giữ một số gà này như là nguồn cung cấp song dụng thịt và trứng. Trong những trường hợp như thế này, chúng có thể giảm cấp thành đám gà vườn bắng nhắng.

    Dòng gà khác là Chiba Shamo, duy trì trạng thái thuần của nó ở Hội Bảo Tồn Gà Chọi Chiba tại Tsudanuma, Machi – cũng gần Tokyo. Đây là nền tảng mà những Chiến Kê Đá Trường tốt nhất Nhật Bản đều có. Trọng lượng chúng dao động từ sáu-pound-rưỡi [2.9 kg] đến chín-pound-rưỡi [4.3 kg]. Những cá thể nặng cân hơn tương đương với những con nhẹ cân của Dòng Tochigi. Dáng thường trung bình, chúng có mồng trà và xuất hiện dưới đủ loại màu sắc. Cán không phải lúc nào cũng vàng và điều này không được coi là quan trọng. Chúng nằm trong số những chiến kê đá cựa xương hung hăng nhất. Nhiều chuyên gia xem chúng hoàn toàn tương đương với những con Asil tốt nhất. Bất kỳ nghi vấn rằng Shamo là một “chiến kê chậm chạp” đều nhanh chóng biến mất một khi được chứng kiến chúng thi đấu. Cần cổ cực dài của chúng mang lại ưu thế trước các loại gà Phương Đông khác – đòn cắn mổ vốn không kém phần quan trọng trong thể loại thi đấu này.

    Bất cứ dòng Shamo thuần hay pha nào đều được nhận dạng bằng dáng đứng dựng, kiêu hãnh của mình. Nếu bỏ qua tất cả những yếu tố khác, tôi bảo lưu [quan điểm] rằng không con nào sánh bằng nó trong thế giới gia cầm – có lẽ không sinh vật sống nào khác – khi được coi như là chuẩn mực về hình thể, đường nét và màu sắc. Trong chuyển động, nó kết hợp giữa thái độ cảnh giác với kiểu cách duyên dáng vốn rất mãn nhãn.

    Hội Bảo Tồn Tochigi xuất bản một bản tin hằng tháng về gà Shamo. Từ đây và những nguồn văn bản Nhật khác về chủ đề này, tôi biết rằng Shamo bắt nguồn từ những con gà gốc được mang đến từ Trung Hoa nhiều thế kỷ trước. Có những nguồn tham khảo rằng gà được đưa đến từ Java [Indonesia], nhưng nguồn gốc Trung Hoa dường như được chấp nhận rộng rãi. Tiếp nữa, có những nguồn tham khảo phát biểu rằng gà đến từ “một quận miền núi” ở Trung Hoa. Điều này khá khó hiểu, bởi vì (trừ dãy Thái Sơn ngắn ở Tỉnh Sơn Đông) những quận miền núi của Trung Hoa nằm ở vùng Viễn Tây và Tây Nam của quốc gia mênh mông này và gần như không thể thâm nhập đến.

    Nhưng một nguồn tài liệu cổ nhấn mạnh rằng gà đến từ Tần Lĩnh Sơn (Kin-Lung) xa xôi. Điều này dường như kỳ quái, cho đến khi có một nghiên cứu về di cư của người châu Á. Rồi những gì trước đây khó hiểu thì dường như hoàn toàn đáng tin. Chúng ta sẽ thấy rằng người Shan cổ có nguồn gốc ở Tần Lĩnh Sơn [Thiểm Tây] nhưng vào Thế Kỷ Thứ Bảy, họ bắt đầu di cư dần qua Vân Nam về phía nam đến Assam, Miến Điện, Siam [Thái Lan] và Indo-China [Đông Dương]. Từ “Shan” [Sơn] trong tiếng Hoa được dùng để chỉ “núi non”, “người miền núi” và (đại loại) như là một thuật ngữ địa lý chỉ Siam và những quận Đông Nam Á lân cận. Điều này có lẽ nên được diễn giải như là “Đất của người Shan” (hay Thái) thay vì một chủ thể chính trị mà chúng ta gọi là “Siam” hay “Thái Lan”.

    Vấn đề ngôn ngữ này có thể dễ dàng lý giải cho sự kiện mà những tác giả khác coi nguồn gốc của gà Shamo ở Siam [Thái Lan].

    Qua soi rọi ở trên, dường như hợp lý khi cho rằng tổ tiên xa xôi của gà Shamo ngày nay cũng bắt nguồn từ vùng nội địa Trung Tâm - Châu Á rộng lớn vốn là cái nôi của những loài động vật thuần dưỡng khác, và có lẽ, của cả nhân loại. [Từng có thời người ta tin rằng loài gà được thuần dưỡng đầu tiên ở Trung Hoa dựa vào các bằng chứng khảo cổ; tuy thời đó đã qua nửa thế kỷ nhưng các nhà văn, nhà báo và thậm chí các sư kê ở ta vẫn chưa được cập nhật; những nghiên cứu mới dựa trên nền tảng di truyền và địa bàn phân bố của loài gà rừng cho thấy loài gà được thuần dưỡng đầu tiên tại Việt Nam khoảng tám ngàn năm trước công nguyên rồi sau đó mới lan ra toàn thế giới; các trung tâm thuần dưỡng lâu đời khác theo thứ tự là Indus Valley, Ai Cập, rồi mới đến Trung Hoa].

    Nhưng thâm nhập trực tiếp của nó vào Nhật Bản có lẽ qua các giao dịch buôn bán của người Nhật (hay các hoạt động xâm lược) dọc theo bờ biển của Vịnh Bắc Bộ (Gulf of Tong King) [Theo Hội Gia Cầm Nhật Bản, giống gà tre chân lùn Chabo được coi là có nguồn gốc Việt Nam. Chabo được gọi chệch từ Chamba tức Chăm-Pa, vương quốc cổ của người Chàm ở miền Trung]. Người Shan là Chủng Tộc chiếm đa số ở đây trong thời kỳ Nhật Bản mở rộng mua bán vốn kết thúc bằng sắc lệnh của Tướng Quân (Shogun) Tokagawa đóng cửa nước Nhật với tất cả người nước ngoài và với mọi hoạt động mua bán – và biến Nhật Bản thành “Tỏa Quốc” (Hermit Nation).

    Thời kỳ cô lập này kéo dài khoảng hai trăm năm và chỉ kết thúc khi Đô Đốc Perry dong thuyền đến Vịnh Yedo.

    Có rất ít bằng chứng cho thấy Gà Shamo đã thay đổi nhiều trong một trăm năm, tiếp nối bởi [sự kiện] Phục Hồi Vương Quyền (Imperial Restoration). Vì vậy, các đặc điểm khiến nó khác biệt với những loại Gà Phương Đông khác phải được phát triển thông qua tuyển chọn – có lẽ với sự trợ giúp của đột biến và ảnh hưởng của khí hậu – vào các Thế Kỷ Mười Bảy, Mười Tám. Hiển nhiên, có một số thâm nhập của huyết thống Asil, Kaptan [cựa đen hoặc điều mật đuôi lau] và có lẽ cả Sumatra vào quần thể đa số gà Trung Tâm – Châu Á. Việc này có lẽ được thực hiện cả từ trước lẫn tiếp theo sự thâm nhập [của gà chọi] vào Nhật Bản.

    Gần đây có một phát hiện thú vị trên giống gà khác mà nó hỗ trợ cho thuyết về nguồn gốc vừa được mô tả. Điều này liên quan đến cái-gọi-là Gà Ác “Nhật Bản” với thịt và xương đen thui. Từ lâu người ta đã biết giống gà này không bắt nguồn từ Nhật Bản. Người Trung Hoa cũng có nó và có thuyết cho rằng nó bắt nguồn từ một số tổ tiên hoang dã ở Java hay Sumatra [các đảo của Indonesia].

    Các khảo sát khoa học được thực hiện tại chỗ và gần dãy Tần Lĩnh Sơn chỉ trước khi quốc gia này bị đóng cửa bởi những người Cộng Sản, báo cáo rằng bữa tiệc được sửa soạn để vinh danh vị Thủ Lĩnh địa phương bao gồm một số “gà thịt đen”. Hạng mục này không được công bố rộng rãi, nhưng nó dường như bổ sung niềm tin cho thuyết rằng Shamo và Gà Ác (Silkie) có thể dễ dàng tìm tới Nhật Bản bằng các con đường song song từ những quận xa xôi nhất ở Tây-Nam Trung Hoa.

    Khi thông thương với Mỹ và Phương Tây bắt đầu khoảng gần một trăm năm trước, gà Shamo là sở hữu giá trị của bất kỳ quý tộc và chủ đất nào. Người sở hữu kiêu hãnh của những chiến kê kiêu hãnh này tính theo số ngàn. Hội Chọi Gà Cựa Xương Nhật Bản gần như đông đảo và đam mê như ở Philippines ngày nay.

    Ngày nay là một câu chuyện khác. Một số những cá thể xuất sắc được duy trì theo chính sách bảo tồn chung – gần như là của hiếm. Nhưng niềm đam mê của công chúng về Gà Chọi và Chọi Gà (đã giảm bớt) bị giáng một đòn khốc liệt bởi Thế Chiến vốn làm kiệt quệ Nhật Bản và gần như quét sạch mọi yếu tố của Đời Sống Xưa.

    Ngay sau khi Thế Chiến chấm dứt, Hiệp Hội Các Nhà Lai Tạo Gà Cornish California gửi một đại diện đến Nhật để đưa về những cá thể Gà Shamo cho mục đích tiến hành một số bầy pha thử nghiệm. Anh không thể tìm ra thứ gì và trở về với hai bàn tay trắng.

    Nhưng một vài người hâm mộ cũ giữ một hay hai cặp gà mình yêu thích. Cũng như ở những nơi mà Gà Chọi bị ruồng bỏ - nó vẫn không biến mất. Những dòng gà cũ vẫn sống sót và số lượng hiện đang tăng dần.

    Nên nhớ rằng Chọi Gà ở Nhật Bản, trong những năm gần đây, không còn là môn “Thể Thao Quốc Gia” như ở Philippines. Công chúng không mấy ưa chuộng nó, dẫu có rất ít bằng chứng của một sự phản đối tích cực đối với nó về khía cạnh cá nhân. Người Phương Đông sống theo phương châm “mình sống và để người khác sống” – hiển nhiên được nuôi dưỡng bằng sự kiện rằng nhiều thế hệ học cách sống hài hòa bằng cách đứng ngoài vấn đề của người khác.

    Chính Quyền Nhật Bản cấm đoán trò Chọi Gà theo bộ luật chống cờ bạc của Hoàng Gia. Với những ai vốn nghiện nhiều hình thức cờ bạc từ thuở còn nằm nôi, những luật này bị coi là ngớ ngẩn. Hơn bất kỳ ai, việc “cấm đoán” hầu như chẳng tác dụng gì đối với người Nhật. Dẫu vậy, nó gây khó khăn và góp phần vào sự biến mất của bộ môn ở một số địa phương.

    Ở những quận khác, có một sự hồi phục khác biệt. Có lẽ thêm phần thú vị bởi một số sư kê hiện chuyển đổi Shamo thành gà đá cựa sắt. Trong khi đây là điều tốt cho bộ môn, thì ở Nhật Bản lại là chủ đề tranh cãi. Với những ai từng thấy Shamo hạng vừa và nhẹ đá cựa tròn (gaff), thì sẽ không chút nghi ngờ rằng nó có thể đứng vững với cựa sắt. Với những ai xem trò Chọi Gà là môn thể thao “độc ác”, thì việc sử dụng cựa sắt dường như càng gia tăng yếu tố độc ác. Đó không phải là chủ đề để tranh cãi ở đây. Với những người am hiểu, chiến kê – bất kể giống nào – là biểu tượng của lòng dũng cảm, ngoan cường và cao quý. Những yếu tố thuộc tính cách bất tử này làm nên sự vĩnh cửu của nó qua các thời đại. Những người phản đối bộ môn mà nó thuộc về, không phải là bạn của Gà Chọi. Họ chỉ tìm cách hủy hoại nó – và làm vậy nhằm một lần nữa quét sạch khỏi trái đất những yếu tố thuộc về sức mạnh và vẻ đẹp ban sơ.

    Nhưng như đề cập trước đó, việc chuyển đổi Shamo thành gà đá cựa sắt vấp phải sự phản đối quyết liệt trong Hội Chọi Gà. Nó được phát triển qua hàng trăm năm nhằm trụ vững trong một trận đấu khốc liệt bằng cựa xương. Có một số cơ sở cho luận điểm rằng việc đưa nó vào thể loại cựa sắt là một bước lùi. Nhiều người yêu chuộng Shamo đích thực tuyên bố rằng việc này đặt nó ngang hàng với những con kém cỏi hơn vốn chẳng cần đến trái tim và đôi chân mạnh khỏe.

    (Trong các số Grit & Steel tháng Sáu và Bảy, chúng tôi thấy niềm yêu thích đối với gà Phương Đông đang gia tăng. Cũng ở trang 35 số tháng Sáu, Mr. Zeb Beshears muốn thấy bản mô tả Shamo Jap. Các bạn có thể sao chép thông tin của chúng tôi vốn được đăng trong số tháng Giêng, 1955. Cũng xem các hình chụp của Hạ sĩ M. H. Waldron, D.C – Ban biên tập)

    [​IMG]
    Một trong những con Shamo Jap của Hạ sĩ M. H. Waldron ở Virginia vào lần cuối mà tạp chí Grit & Steel nghe về anh.

    (còn tiếp)
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/7/15
  2. HitrungFH

    HitrungFH Active Member

    Ăn cơm Tàu, ở nhà Tây, cưới vợ Nhật
    Nghe thì thấy buồn cười nhưng phải nhìn nhận phong cách sống của người Nhật giá trị tinh thần được đặt lên rất cao
     
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    (12/1968, tiếp theo từ số tháng Mười Một)

    Một số văn bản hiện hữu khiến sự việc có vẻ như là Thể Loại Đá Cựa Xương của Shamo ở Nhật Bản được tiến hành mà chẳng hề có luật lệ, đại loại như vậy. Trống ở nhiều hạng cân khác nhau được cáp đá và đơn giản được để đá cho đến chết – bất kể trận đấu kéo dài trong nhiều giờ hay thậm chí tiếp tục qua ngày thứ hai.

    Tôi buộc phải kết luận rằng những lý giải này được rút tỉa từ kinh nghiệm của du khách, những người vô tình chứng kiến các trận “đá lộn của gà vườn” ở nông thôn vốn không được tiến hành bởi các thành viên của Hội Chọi Gà.

    Công nhận, không hề có bộ “Luật Đá Trường” cứng nhắc và khắt khe nào được ghi nhận trên toàn Nhật Bản. Các sư kê ở những Quận (Prefecture) khác nhau tự đề ra bộ luật của riêng mình vốn có thể rất khác biệt. Cũng vậy, luật thường xuyên được bổ sung hay thay đổi. Không giống những hình thức thể thao hay giải trí khác, dường như không có mấy tôn trọng đối với bất kỳ nghi thức cổ xưa cứng nhắc nào liên quan đến Trò Chọi Gà Nhật Bản. Từ sau Thế Chiến, những Quân Nhân Mỹ có thể đem lại một số ảnh hưởng dẫn đến sự thay đổi ở vài trường đấu.

    Tuy nhiên, các trận được tiến hành thường xuyên ở tất cả các trường đấu không bao giờ thiếu một bộ luật thông suốt (well-understood) và bất kỳ vi phạm nào đều bị trừng phạt nghiêm khắc.

    Hiện tại, Thể Loại Đá Cựa Xương có lẽ đang vào giai đoạn cao trào ở Quận Tochigi. Đây là Quận miền núi và rất gập ghềnh và có lẽ điều này góp phần tạo ra những chiến kê siêu đẳng. Tochigi Shamo cực kỳ nở nang và cơ bắp. Quan điểm chung cho rằng chúng có chất lượng vượt xa những con “mềm yếu” ở Miền Nam Nhật Bản.

    Dưới đây là bộ “Luật Đá Trường” mới nhất ở Quận Tochigi. Các sư kê ở Quận này được tổ chức tốt và bộ Luật này được áp dụng cho mọi trường đấu.

    1. Gà của bạn phải là Chiến Kê đích thực. Nếu bạn đem đến một con gà rót (runner) hay lỏn lẻn (sulker), thì bạn sẽ bị “mất mặt” trước Hội Gà. Chủ nhân của một con gà nhát cũng bị phạt chút tiền.

    2. Chỉ các thành viên và khách mời mới được phép tham gia vào các trận đấu và cáp độ. Mỗi thành viên chỉ được phép mời hai khách.

    3. Một Trọng Tài được chỉ định trước khi trận đấu bắt đầu. Quyết định của Trọng Tài về bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi trận đấu là không thể thay đổi.

    4. Khi các ứng viên được cáp đá, chúng phải được phun nước. Cũng vậy, một ít nước được rỏ vào họng. Nước bên ngoài giúp làm cứng lông và không bị gãy một cách dễ dàng. Nước bên trong giúp gà bổ sung năng lượng trong khi thi đấu.

    5. Các trận đấu không được chia thành các “hồ” (round) mà kéo dài trong ba mươi phút liên tục – trừ phi bị kết thúc sớm hơn bởi cái chết của một trong hai con. Vào cuối thời gian này, con mạnh nhất được Trọng Tài tuyên bố thắng cuộc.

    6. Thời điểm duy nhất mà các chiến kê được chạm vào là để gỡ lông ra khỏi mắt và miệng.

    7. Cựa xương tự nhiên được chuốt cho bằng nhau về kích thước ở mỗi bên chiến kê. Cũng vậy, mỏ quá nhọn được tỉa bớt.

    8. Luật thời gian và luật ra kèo (odd) theo hạng cân là các yếu tố được kiểm soát trong Thể Loại Đá Cựa Xương. Việc thiếu những luật này sẽ khiến cho Các Trận Đá Cựa Xương xuống cấp thành các trận đấu vô nghĩa – chằng hạn theo mô tả của những khán giả từng tham dự những trận được tổ chức kém. Ở Quận Tochigi, những ví dụ sau đây về kèo theo hạng cân là điển hình: Shamo 1 nặng 6 lb và Shamo 2 nặng 6.8 lb. Kèo là 3 ăn 2. Nếu Shamo 1 thắng trận, bên Shamo 2 trả 3 đô. Nếu Shamo 2 thắng trận, bên Shamo 1 trả 2 đô. Cũng vậy, Shamo 2 phải giết Shamo 1 trong ba mươi phút để thắng trận. Nếu cả hai vẫn sống sau ba mươi phút thi đấu, thì Shamo 1 sẽ tự động được coi là con thắng trận.

    9. Khi cáp một con gà chột (blinker), để công bằng nó phải được chấp 6 oz [170 g] (Gà chột thường được cáp trong trận đấu [giới hạn] thời gian và luôn được chấp kèo).

    10. Mọi cá cược phải được đặt thông qua Trọng Tài và chung độ ngay lập tức sau khi trận đấu kết thúc.

    Còn một điều nữa vốn không phải là Luật, nhưng tục lệ trên thực tế biến nó thành điều bắt buộc. Đó là việc quyên góp luôn được sốt sắng thực hiện bởi các thành viên và khách mời để tặng cho chủ nhân con gà thua trận. Việc này có lẽ nhằm mục đích mua thuốc cho con gà bị tang nhưng được ngầm hiểu rằng đấy là một “phần thưởng an ủi”. Đây là một vấn đề vốn dĩ tự nhiên với quan niệm Á Đông nhưng khó hiểu đối với người Tây Phương. Với chúng ta, chả có mấy cảm thông dành cho người thua cuộc.

    Mr. Koutrio Sakai từng xuất bản một chuyên khảo thú vị về “Lai Tạo, Nuôi Dưỡng và Đá Gà Shamo”. Nó được viết dưới dạng “Vấn Đáp”. Sau đây là đoạn dịch thuật từ một phần của nó.

    1. Thể loại Shamo tốt nhất cho mục đích thi đấu là gì?
    Một con Shamo với đôi chân nở nang, cơ bắp. Không dài hay ngắn. Dáng trung bình. Ngực rộng. Mắt thông minh, cảnh giác – và luôn là một chiến kê hung dữ.

    2. Loại Shamo đá trường tốt nhất với thời gian [thi đấu] kéo dài là gì?
    Shamo với đôi chân cơ bắp. Con sở hữu thật nhiều chân đá và đá mạnh; dáng cao; lưng mạnh; cổ cong đều [well arched neck, tiếng Việt mới xuất hiện cụm từ “cong mềm mại”, nếu muốn các bạn có thể hiểu như vậy]; mỏ tốt và mắt đóng về phía sau đầu để gò lông mày (ridge) che chắn nó. Gò này được thấy ở hầu hết gà Shamo và nó giúp bảo vệ mắt trước những cú đá đích đáng từ địch thủ.

    3. Một Shamo ngực to, rộng có đá tốt hơn Shamo ngực nhỏ hay vừa, lép (flat-breasted)?
    Shamo ngực to, rộng được chuộng hơn, bởi vì phổi mạnh mẽ rất quan trọng để chiến thắng trận đấu vốn kéo dài đến một giờ hay hơn và ngực là một trong những phần quan trọng của Shamo và thật cần thiết để chúng có một lượng lớn không khí dự trữ cho một trận đấu kéo dài đến vậy.

    4. Bạn có thể đá Shamo với ngực vẹo (crooked breast)?
    Đừng bao giờ đá một con Shamo ngực vẹo nếu mục tiêu của bạn là giành thắng lợi. Xương ngực vẹo dễ bị gãy và với lực đá khủng khiếp mà gà Shamo sở hữu ở đôi chân, hậu quả có thể mang lại sự khác biệt giữa thắng và thua.

    5. Loại Shamo nào có đòn đá mạnh nhất?
    Shamo có đôi chân khép sát vào nhau, không quá dài và cân đối. Câu hỏi này từ lâu là chủ đề tranh cãi bởi vì dường như mọi Shamo đều có những lối đá khác nhau và mỗi người đều có lựa chọn của riêng mình về đòn lối trong thi đấu.

    6. Thoạt nhìn, làm thế nào để người mới tham gia vào làng gà chọi biết được đâu là con Shamo tốt mà không cần phải xem nó thi đấu?
    Đặc điểm chính là bộ lông tốt, mạnh khỏe, cặp chân cân đối với cựa tự nhiên nhọn (không tù), mặt đẹp – bao gồm mỏ mạnh và mắt đẹp (well-formed), lưng rộng với dáng dựng (upright) của đầu và cổ.

    7. Loại đầu nào tốt nhất với một chiến kê?
    Đầu to hay nhỏ không thích hợp đối với một chiến kê tốt. Đầu phải có kích thước trung bình với mắt tốt, đóng phù hợp trên đầu và một cái mỏ nhỏ, mạnh. Mồng không quan trọng trong thi đấu bằng cựa xương.

    8. Hạng cân nào được xem là tốt nhất trong thi đấu?
    Giữa 6 ½ lb [2.9 kg] và 9 ½ lb [4.3 kg].

    9. Độ tuổi nào là phù hợp nhất để đá Shamo?
    Khoảng một năm tuổi – nhưng một số người đợi cho đến khi chúng đạt mười tám tháng trước khi được kiểm chứng ngoài đấu trường.

    10. Đâu là phương pháp trị tang tốt nhất của gà Shamo sau khi thi đấu?
    Ngay khi trống và trống tơ được đưa ra khỏi sới, lấy một chậu nước ấm, thêm muối và rửa đầu thật sạch; đảm bảo lấy sạch lông và máu ra khỏi họng nó. Rửa chân, ngón và xung quanh đít. Đảm bảo không có vết rách hay bầm nặng trên mình nó. Lau khô đầu nó bằng thứ gì đó mềm mại như là một tấm khăn tắm. Đừng cho nó ăn trong ít nhất mười giờ. Sau việc này, cho nó uống vài giọt nước. Thức ăn sửa soạn cho Shamo sau trận đấu là rau xanh đủ loại, chẳng hạn như rau diếp (lettuce) hay cải bó xôi (spinach). Cả bánh mì ngâm sữa hay nước nữa. Sau này bạn có thể thêm lúa vào khẩu phần để giúp nó tiêu hóa bình thường trở lại. Đừng cho nó đá nữa trong tối thiểu ba tuần.

    11. Phương pháp biệt dưỡng Shamo đá trường tốt là gì?
    Bắt Shamo vốn đã rụng sạch vào mùa thay lông. Thả chúng vào lồng tre, đủ rộng để Shamo có thể duỗi thân và cổ mà không chạm vào lồng. Thức ăn: trứng tươi và thóc và một lượng nhỏ rau xanh là khẩu phần phù hợp để thanh lọc và giúp Shamo tiêu hóa tốt. Cá tươi cũng có thể được bổ sung vào khẩu phần. Nước uống nên được cho sau bữa ăn vốn diễn ra vào sáng sớm và chiều muộn. Quá nhiều nước có thể gây ra thừa cân, chậm chạp và không phù hợp với một chế độ biệt dưỡng tốt.

    12. Đâu là thời gian thích hợp để tách bầy gà Shamo con để chúng khỏi đá nhau?
    Sau hai tháng [từ khi nở], gà con bắt đầu đá nhau, nhưng bằng phương pháp đúng đắn có thể giữ chúng cho đến khi đạt bốn tháng tuổi. Hầu hết trống tơ đều đá mái tơ. Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ với gà Shamo con là cho ăn thật nhiều và việc này dường như xâm chiếm hết tâm trí của chúng. Khi phương pháp này không còn tác dụng nữa, hãy bắt những con luôn gây gổ ra. Để chúng một mình rồi thả lại vào ban đêm.

    13. Ở độ tuổi nào mà trống tơ nên được dùng vào mục đích lai tạo [cản mái]?
    Trống tơ thích hợp hơn với mục đích lai tạo sau khi chúng trưởng thành – vốn khoảng sáu tháng tuổi. Chúng nên trải qua một mùa lông trước khi được đưa vào chuồng lai tạo.

    Sau khi gà được đá, chúng có xu hướng bị nhiễm lạnh (catch cold) và trong một số trường hợp, điều đó dẫn đến cái chết hay khiến cho gà bị hen (rattle) nặng. Bệnh này có thể được điều trị bằng nước ấm và muối. Chờ cho đến khi muối tan hết. Dùng một miếng vải để xoa bóp đầu, cổ, chân và ngón bằng nước muối ấm. Việc này giảm bớt triệu chứng sưng đau và gà nhanh phục hồi. Cách này được duy trì cho đến khi đầu gà lấy lại màu sắc tự nhiên của nó. LƯU Ý: Nếu cách này chỉ được thực hiện một lần rồi ngưng, nó sẽ khiến cho đầu gà chuyển sang màu trắng, và rồi đầu sẽ bong da và trở nên rất đau đớn.

    Bài Biệt Dưỡng Bảy Ngày dành cho gà Shamo được các Sư Kê Nhật Bản áp dụng:

    Ở Phương Đông, trống tơ hay trưởng thành không bao giờ được chăn thả. Thay vào đó, chúng được nuôi bằng lồng tre và dụng cụ này có tác dụng như là bãi thả cũng như lồng biệt dưỡng.

    Rơm được trải trên nền mỗi lồng và được thay đổi ít nhất ba lần trong giai đoạn biệt dưỡng. Lồng tre được bố trí sao cho mặt trời chiếu trực tiếp vào chúng. Lồng nên được bố trí theo đường dích dắc. Mỗi con đều có chén nước và khay thức ăn làm bằng tre hay gỗ. Đừng bao giờ sử dụng nồi kim loại cho Shamo. Lý do của việc này đó là nó khiến cho mỏ trống hay trống tơ bị đau và đây lại là một trong những vũ khí chính được gà Shamo sử dụng trong thi đấu.

    [​IMG]
    Trống Shamo Jap màu điều, chạng 8.0 [3.6 kg], ăn 4 độ và mái Shamo Jap màu ô, chạng 5.0 [2.3 kg]. Lai tạo bởi Hạ sĩ M. H. Waldron trong thời gian anh đóng quân tại Nhật Bản.

    (còn tiếp)
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    (1/1969, tiếp theo từ số tháng Mười Hai)

    NGÀY THỨ NHẤT. Cân từng con và kiểm tra rận. Nếu thấy rận, hãy dùng thuốc diệt loại tốt. Lông không bao giờ được cắt tỉa khi biệt dưỡng Shamo. Nước luôn được thay mới vào mỗi bữa ăn. Thức ăn tốt nên được cho hai lần mỗi ngày: Lấy bắp, lúa, lúa mì, rau xanh, bột bắp, cá khô. Làm ướt hỗn hợp trên sau khi trộn đều trong nồi. Cho mỗi trống hai muỗng vào mỗi bữa ăn. Một số con có thể muốn ăn thêm, nhưng khẩu phần này rất bổ và chỉ nên cho ăn ở mức độ vừa phải. Trống được bồng bế ít nhất một lần mỗi ngày. Vuốt ve chân và lưng là cách tuyệt vời để làm săn chắc cơ bắp.

    NGÀY THỨ NHÌ. Cho mỗi trống ăn khẩu phần thường lệ, nhưng thêm một trái trứng tươi. Hai giờ sau bữa ăn, bắt trống và xổ chúng để coi lối đá và cũng để ghi nhận thông tin. Lại cho ăn vào chiều muộn và bổ sung một chút thịt bò băm.

    NGÀY THỨ BA. Cho mỗi trống ăn khẩu phần thường lệ. Thay rơm. Vuốt ve mỗi con năm phút. Vào buổi trưa, cho mỗi con một phần tư trái táo. Vào chiều muộn, cho ăn khẩu phần thường lệ, nhưng bổ sung thịt bò băm.

    NGÀY THỨ TƯ. Cho mỗi trống ăn khẩu phần thường lệ và bổ sung một trái trứng luộc. Vuốt ve mỗi con năm phút, để trống luyện cánh và chân bằng vận động tự do. Vào buổi chiều, cho ăn khẩu phần thường lệ với thịt bò băm bổ sung.

    NGÀY THỨ NĂM. Cân từng con và so sánh với trọng lượng ngày đầu. Nếu trống tăng trọng, thì cắt bớt khẩu phần. Nếu nó sút cân, gia tăng khẩu phần. Nếu trống cứ tăng hoặc giảm trọng lượng, thì hãy loại bỏ nó – bởi nó không thể sẵn sàng cho trận đấu trước mắt. Thay rơm và cho ăn khẩu phần thường lệ.

    NGÀY THỨ SÁU. Cho mỗi trống ăn khẩu phần thường lệ như xác định vào ngày thứ năm. Vuốt ve từng con và rửa chân và ngón bằng nước ấm. Vào buổi trưa, cho mỗi con một phần tư trái táo băm. Thay rơm. Vào chiều muộn, cho mỗi trống một nửa trái trứng luộc và bổ sung thịt bò tươi vào khẩu phần thường lệ.

    NGÀY THỨ BẢY. Cho mỗi trống ăn khẩu phần thường lệ. Vuốt ve chúng trong năm phút, và che lồng để đảm bảo chúng được nghỉ ngơi thoải mái. Cho ăn rất ít vào buổi tối nếu bạn dự định đá chúng vào sáng hôm sau. Nếu trận đấu được sắp lịch vào buổi tối ngày thứ tám, thì cho chúng ăn khẩu phần thường lệ – nhưng bổ sung một trái trứng tươi cho mỗi con. Chúng nên được cho nghỉ ngơi thoải mái và nước được cắt bốn giờ trước trận đấu. Theo thông lệ, ở hầu hết các trường đấu Nhật Bản, nước được cho mỗi con uống trước trận đấu. Quá nhiều nước có thể gây nguy hiểm.

    Bạn có thể không bao giờ thấy được sự gan lỳ đích thực của một chiến kê nếu đá nó với lông non (green) hay lông cánh và đuôi gãy. Chẳng mất bao lâu để trống rụng hết lông và sắm sửa một bộ cánh đẹp đẽ. Vì vậy hãy kiên nhẫn với bài biệt dưỡng của bạn và sau cùng, nó sẽ tiết kiệm và giúp bạn không phải xấu hổ.

    Trống tơ Shamo thường bắt đầu gáy ở khoảng sáu tháng tuổi và không chậm hơn bảy tháng. Thỉnh thoảng trống tơ bắt đầu gáy ở năm tháng tuổi và có dấu hiệu de và thậm chí còn cố đạp mái. Loại trống tơ này sẽ trưởng thành rất nhanh, điều vốn không tốt và không làm nên một chiến kê thắng độ ổn định ngoài đấu trường.

    Tỉa mồng (dubbing) là lối thực hành không bao giờ được áp dụng cho Shamo ở Phương Đông. Vốn được dùng cho các trận Đá Cựa Xương, mồng và tích không liên quan gì đến năng lực chiến đấu của gà.

    Shamo dòng dõi (well-bred) phải được coi là một trong số những Giống Gà Chọi nhạy cảm. Chúng không để bị dọa dẫm bởi những vật nuôi khác và chúng thường chống đối dữ dội khi bị chó tấn công. Đôi khi, chúng sẽ khơi mào và được biết đánh đuổi những con chó rất to khỏi lãnh địa của mình. Những mái gan lỳ sẽ đá đến chết để bảo vệ gà con của mình. Chúng thường giết chết những con chuột cống. Chúng sẽ bắt và nuốt chửng đám chuột nhắt.

    Nghe nói dáng đứng cực dựng của gà Shamo dồn sức nặng khủng khiếp lên các ngón thới. Đúng là ngón này đôi khi bị gãy khi thi đấu và có thể đứt rời. Nhưng tôi thấy rằng những trống như vậy vẫn tiếp tục giữ dáng đứng dựng, cân bằng. Dường như trọng lượng dồn trực tiếp lên đế chậu với rất ít trợ giúp từ ngón thới. Tình cờ, những trống bị mất ngón này vẫn tiếp tục là con giống đáng tin cậy và hầu như không làm tổn thương lưng của gà mái.

    Các Sư Kê Nhật Bản đã tìm ra cách để coi xem nếu một trống tơ có phải là chiến kê tốt hay không. Khi trống tơ trưởng thành, hãy luồn tay phải bạn bên dưới ngực nó và bồng lên. Nếu trống tơ co chân lại và chòi đạp thì điều này tiết lộ rằng nó sở hữu những phẩm chất tốt vốn cần thiết để chiến thắng những Trận Đá Cựa Xương kéo dài.

    Theo phong tục, Gà Shamo được nuôi trong không gian chật hẹp vốn sẽ là thảm họa đối với các dòng gà Phương Tây (Caucasian). Thật ngạc nhiên là chúng vẫn giữ được phong độ tốt khi được nuôi nhốt chật hẹp. Nên tạo cơ hội để chúng tập luyện. Dẫu vậy, nhiều chiến kê tốt nhất trải qua phần lớn cuộc đời trong những lồng tre nhỏ – thậm chí ngay trước các trận đấu quan trọng. Bất kỳ trống Shamo nào với phong độ tốt đều đá mạnh ghê hồn vào cuối trận sáu-mươi-phút.

    Cổ là phần rất quan trọng trong cấu trúc của Shamo. Bất kỳ con Shamo nào vốn sở hữu xương cổ lớn hơi cong (slight bow) có thể chịu đòn rất tốt và sống sót để đá trận khác.

    Thân nhiệt ảnh hưởng đến việc thi đấu bằng Cựa Xương ở mức độ nào đó. Gà mát mẻ có lợi thế hơn gà với chân và đùi nóng sực. Lỗi tật này có thể được loại bỏ thông qua việc lai tạo đúng đắn. Một Sư Kê Đá Cựa Xương kinh nghiệm sẽ không đá bằng con có chân và đùi nóng sực bởi từng khía cạnh đều được cân nhắc đến trong những trận đấu khó khăn, kéo dài như thế này, trừ cựa tròn và cựa dao.

    Đừng cho phép gà Shamo đậu trên chạc hay cành cây. Tổ tiên của những con gà to nặng này, dĩ nhiên, đứng trên mặt đất hay trên những nhánh cây lớn ở tầm thấp. Bàn chân nó không được cấu tạo để bám vào cành nhỏ và nếu chúng bị buộc phải làm thế, biến dạng và què quặt là hậu quả tất yếu. Cũng vậy, sẽ bất thường khi toàn bộ trọng lượng gà phải dồn lên bàn chân trong khi đậu chạc. Theo ưu tiên, Shamo sẽ dồn phần lớn trọng lượng của mình lên xương ngực. Một tấm đệm săn chắc làm thành chiếc gối tự nhiên. Ở những dòng nhất định, người ta thấy rằng một tấm đệm lớn gồm các mô mỡ hình thành vào mục đích này. Nếu chúng không được phép chịu đựng sức nặng của mình theo cách này, thì xương ngực rất dễ bị biến dạng.

    Người chơi gà Nhật Bản cung cấp một hộp gỗ như là chỗ đậu cho mỗi con gà. Những hộp này thường xuyên được rửa ráy và phơi nắng để cho thoáng và khô. Gà Shamo về mặt thể chất không thể nhảy tới chỗ chạc cao, bởi đôi cánh ngắn không thể nâng cơ thể nặng nề đến độ cao đáng kể nào. Nếu nó phải nhảy nhót, thậm chí với chạc cao trung bình, thì nó dễ bị tang chậu khi đạp lên mặt cứng. Hết sức cẩn trọng để tình trạng đó không tồn tại, điều có thể khiến chân bị sưng. Nhiều con gà tốt từng bị què quặt trong vô vọng và bị hỏng bởi chủ nhân sơ sót về điểm này.

    Không giống gia cầm nào thể hiện sự đa dạng về màu sắc như ở gà Shamo. Hầu hết mọi màu sắc trong thế giới gia cầm đều được phát hiện ở những con gà này và bây giờ khó mà nói rằng thể loại và lối đá của màu nào thì hay hơn màu nào.

    Có nhiều lý do để tin rằng các màu cổ sơ nâu-sẫm và đen (ở trống) có lẽ là màu gốc – nhất là ở các hạng cân siêu nặng. Những mái trong bầy trống này có màu cô-ca hanh xám. Chúng có cổ đen. Kết hợp màu này hầu như được mô tả là “dơ” (dingy). Dẫu vậy, ở một trống mười-lăm-pound [6.8 kg] và mái nhỏ hơn nhiều, nó vẫn mang một vẻ đẹp dữ dội và gai góc.

    Những màu phổ biến là ô, điều (mái màu cá hồi); gà gô (partridge) – mà lông bờm và lông mã đỏ tươi và mái màu hoặc bút chì (penciled) xinh đẹp hay viền (laced) như ở giống gà Dark Cornish; màu Columbian [viền sẫm đặc trưng ở bờm] – như thấy ở giống gà Light Brahma; đỏ tươi (luôn thể hiện một số lông đuôi đen), ô (hay khét) bông; da bò (buff); bướm vàng (golden spangled); bướm bạc (silver spangled); vàng nhạt (wheaten).

    Màu nhạn [trắng tinh] khá hiếm và không được chuộng lắm. Chúng đôi khi xuất hiện từ bầy ô. Số khác là trắng lặn (recessive white) vốn dường như là kết quả của một yếu tố phai (dilution factor). Loại sau này thường “hanh đồng” (brassy).

    Người Nhật có thiên kiến nhất định với những con gà nhiễm trắng (white-splashed). Đây dường như là một dạng mê tín ở quy mô toàn cầu về “màu lông trắng”.

    Shamo màu ô [đen tuyền] rất đặc biệt. Mái đen tuyền là phổ biến, nhưng không dễ để cản trống đen tuyền. Đấy là vì dòng trống cần nhiều thế hệ để cản ra [tức loại bỏ] những màu khác vốn có thể là tổ tiên – và việc cản theo màu khắt khe không phổ biến ở Nhật Bản cũng như những thành viên khác của Hội Gà vốn cản chiến kê thắng độ ngoài trường chứ không phải là gà kiểng.

    Những gà ô khác nhiễm tông tím rất nặng. Các nhà lai tạo gà cảnh châu Âu và Mỹ sẽ coi đây là lỗi nặng. Người Nhật không chia sẻ quan điểm này.

    Có nhiều suy đoán về nguồn gốc của quá nhiều màu sắc ở Gà Shamo. Chúng ta có thể giả định rằng độ thuần tuyệt đối không được duy trì mãi qua hàng trăm năm từ khi Shamo được đưa đến từ Lục Địa Châu Á. Có nhiều văn bản cổ Nhật Bản thể hiện gà qué với đủ loại màu sắc như thế này – nhưng không phải loại gà Shamo. Ở đâu đó trong quá trình, những màu sắc ở gà vườn hiển nhiên được “vay mượn”. Trong vòng vài thế hệ, độ trội đáng kể của gà Shamo sẽ tái khẳng định – chẳng còn gì liên quan đến “phối hợp khập khiễng” ngoại trừ màu lông bên ngoài (và chẳng quan trọng) còn mãi ở đám hậu duệ.

    Khi mới nở, gà Shamo con thường vàng hay đen. Đôi khi chúng thể hiện những hoa văn hấp dẫn ở gà gô non (partridge).

    Shamo ở bất kỳ màu nào (trừ ô) đều có chân trắng hoặc vàng. Ở Mỹ, chân vàng được chuộng, nhưng nhiều con hay nhất có chân trắng. Nghe nói rằng chân vàng là kết quả pha với gà Malay. Chân vàng dễ lai tạo, bởi nó đơn giản mang gien lặn. Chân xanh dương (blue) đôi khi xuất hiện (như ở gà Cornish). Chúng được coi là màu quái. Tôi chưa từng thấy chân xanh lục thực sự nào.

    Chân của gà ô phải có màu đen hoặc chì (slate). Khi những màu khác lẫn vào tổ tiên gần, một số chân trắng hay vàng có thể xuất hiện ở màu lông sẫm. Gà ô chân vàng đôi khi xuất hiện và trông rất hấp dẫn. Nhưng chân vàng không phải là màu tự nhiên ở gà ô và khó duy trì – như các nhà lai tạo Black Leghorn có thể kiểm chứng.

    Màu mắt Shamo có thể rất đa dạng. Một số đen hoặc gần như đen. Số khác đỏ bầm, cam hay vàng. Dường như có rất ít quan hệ giữa màu mắt và màu lông. Hầu hết gà Shamo đều có mày nhô khiến mắt trông sâu và rất “dữ dằn”. Ngoại hình này làm nên bởi các tấm xương vốn dính với sọ bằng sụn và làm thành một tấm khiên bảo vệ mắt.

    Với thân hình mang vẻ đẹp tự nhiên và gam màu hấp dẫn, chẳng có gì ngạc nhiên khi Shamo chứng tỏ sức hấp dẫn với một số nhà lai tạo, những người vốn đầu hàng trước sự cám dỗ của việc cản “Gà Triển Lãm”.

    Không hề có động cơ nhằm bổ sung vẻ đẹp vào lối đá xuất sắc – với điều kiện nhà lai tạo luôn giữ một quan điểm phù hợp và không quên rằng gà Shamo, trước hết và luôn luôn, là GÀ CHỌI đích thực. Điều này chỉ có thể được duy trì nếu từng thế hệ đều được kiểm nghiệm ngoài Trường Đấu.

    Mỗi nhà lai tạo đều phải nhớ: Khả năng đá đến chết xếp hàng đầu. Thể loại (type), xếp thứ nhì. Màu sắc, đứng thứ ba.

    Nếu lãng quên điều này – thì tác phẩm kiêu hãnh của hàng ngàn Sư Kê xuất sắc qua hàng ngàn năm có thể biến nhất vĩnh viễn.

    GÀ TUZO

    Bài viết này chẳng thể hoàn tất mà không đề cập đến đồ quỷ tí hon của Nhật Bản Xưa – gà Tuzo.

    Từng chỉ được lưu giữ trong giới Quý Tộc hàng đầu, những người xem chúng là Gà Chọi đích thực duy nhất, Tuzo hiện giờ hiếm khi nào được đá tại các Trường Đấu lớn. Một số được các nhà sưu tầm lưu giữ - chủ yếu vì sở thích. Những người tận tâm này đôi khi tổ chức những trận đấu riêng tư vốn chẳng mấy công khai nhưng để duy trì tinh thần chiến đấu đích thực của giống Gà Chọi Phương Đông nhỏ nhất này.

    Một số tài liệu cho rằng Tuzo chẳng qua là gà tre Shamo. Nhưng, ở những cá thể thuần, điều này hoàn toàn không đúng. Có một số khác biệt quan trọng, cả bề ngoài lẫn tính cách.

    Người Nhật coi gà Tuzo như là một phát triển thuần túy nội địa – khi mà nguồn gốc ngoại quốc của gà Shamo được chấp nhận một cách rộng rãi. Hiển nhiên, tổ tiên xa xưa của gà Tuzo cũng bắt nguồn từ Lục Địa Châu Á – như mọi vật nuôi ở Nhật Bản. Nhưng chúng đến vào thời kỳ xa xưa trong lịch sử Nhật Bản nên không có văn bản hay truyền thuyết nào về chúng được tìm thấy.

    Nên hiểu rằng Tuzo không phải là “Gà Tre” (Bantam). Mọi giống gà được tre hóa (bantamized) đều có xu hướng trở lại kích thước lớn nơi mà chúng hình thành thông qua sự “đẻn hóa” (degeneration). Gà Tuzo không có xu hướng đó. Trống trưởng thành cân nặng từ ba đến bốn-pound-rưỡi [1.4 – 2 kg]. Mái từ hai đến ba-pound-rưỡi [0.9 – 1.6 kg].

    Không giống như Shamo, gà Tuzo có chân hơi vòng kiềng (bow). Ngực rất rộng. Cổ dẻo dai và cong đều. Màu sắc thường đen bóng – đôi khi lẫn màu đỏ. Những màu khác cũng xuất hiện – và chất lượng tương đương.

    Khi thi đấu, gà Tuzo đá rất cao, thường bay cao đến bốn feet [1.2 m] để đá địch thủ. Chúng cực kỳ nhanh nhẹn và khôn ngoan – tiếp đất với độ chính xác và khéo léo cực kỳ. Chúng có mỏ rất ngắn và rất ít sử dụng đến khi thi đấu. Về điểm này, chúng hoàn toàn khác với gà Shamo to con. Nhìn chung, đặc điểm chiến đấu của gà Tuzo rất giống với gà Phương Tây, hơn là gà Shamo.
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội