Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

George Conderman - Phương pháp biệt dưỡng (1899)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 20/9/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Phương pháp biệt dưỡng (George Conderman)

    ***************************************************

    Đây là phương pháp biệt dưỡng xưa nhất mà chúng tôi sưu tầm được từ cuốn Complete Guide for Conditioning, Heeling and Handling (1899) của tác giả George Conderman.

    ***************************************************


    KHU VỰC BIỆT DƯỠNG

    Kê phòng phải thoáng khí, đầy đủ ánh sáng và ấm áp để nhiệt độ ổn định ở 60 độ F, không biến thiên quá 5 độ. Vì phòng có gắn đèn, nên phải có rèm che tối.

    Kê phòng phải ấm áp để gắn cựa và đá gà. Đừng bao giờ sử dụng hầm rượu vào việc biệt dưỡng gà, và cấm hút thuốc trong khu vực biệt dưỡng.

    [​IMG]

    TỈA LÔNG GÀ

    Khi tỉa, lông đầu tiên cần tỉa là lông phụng chủ; cắt ngắn dưới 15 cm, cách tự nhiên nhất là xén ngang phần chóp. Kế đó tỉa lông phụng thứ, cắt thẳng hay vòng cung tùy ý, xén đều hai bên cho gọn. Kế đó tỉa lông cánh, cắt ngắn vừa đủ cho thẳng thớm; hai cánh phải tỉa đều như nhau để gà giữ thăng bằng khi lâm trận.

    Luôn tỉa lông dưới đì. Nên làm khi đem gà biệt dưỡng. Nếu được, tỉa luôn những lông quá dài bên dưới cánh, lông mã và dưới đuôi để giảm trọng hay giải nhiệt trong những vùng khí hậu nóng.

    Lông xung quanh mồng và đầu đôi khi được tỉa sát cho gọn gàng, sạch sẽ và giúp nài gà dễ phát hiện và đánh giá mức độ bị thương khi bị đâm tại đầu.

    CÁCH PHÂN BIỆT CỰA PHẢI VÀ CỰA TRÁI

    Bằng việc giữ đế da giữa ngón trỏ và ngón cái, cựa đặt ngang tầm mắt và hướng ra xa bạn. Khi nhìn qua đế, bạn sẽ thấy mũi cựa phải hướng về bên phải, mũi cựa trái hướng về bên trái của bạn; mặt khác, mũi cựa luôn hướng về phía đầu gà.

    LUYỆN TẬP

    Trong giai đoạn biệt dưỡng, gà nhất thiết phải tập thảy để phát huy thể lực và cơ bắp, đồng thời cải thiện sự ổn định cũng như trầm tĩnh. Do vậy, bạn phải cư xử thật nhẹ nhàng, rồi bạn sẽ nhận thấy việc luyện tập kỹ càng sẽ khiến gà đá lạnh lùng, thanh thoát và toan tính khi lâm trận.

    Gà được thảy (tossing) trên tấm chăn hay gối lót rơm hay tóc. Thảy gà lên cao cỡ 6 tấc và hạ xuống trên gối. Cách làm như sau: ôm gà hai bên cánh, với các ngón tay luồn dưới cánh nhưng không được bóp hay xiết; thảy gà lên cao cỡ 6 tấc, để nó rơi lên gối, rồi ngay lập tức bắt lại nhẹ nhàng và thảy tiếp, lập lại cho đến khi gà thở dốc; như vậy là đủ cho ngày đầu tiên. Tăng dần khối lượng tập luyện hàng ngày cho đến khi gà đạt thể lực và cơ bắp mong muốn. Sau hai hay ba ngày, để gà đi tới lui trên một cái gối dài cho đến khi nó hồi sức sau bài tập thảy kéo dài.

    Để xác định năng lực của chiến kê, nên xổ trong quá trình biệt dưỡng, bằng cách bị cựa và để gà đá trong vài phút. Điều này cho phép bạn quan sát kỹ càng năng lực của chiến kê, đồng thời cũng là bài tập tuyệt vời cũng như giải tỏa khỏi những bài tập căng thẳng và nhàm chán mà gà phải thực hiện. Xổ một lần trong quá trình biệt dưỡng là đủ và nên thực hiện vào buổi tối ngày thứ mười. Sau khi xổ, kiểm tra thật kỹ để đảm bảo gà không bị trọng thương; tắm gà, lau khô và cho nghỉ đến hết ngày.

    LUYỆN GÀ CÓ TẬT ĐÁ

    Phương pháp đơn giản và hiệu quả nhất để huấn luyện một chiến kê có tật đá là đem đến sân tập, nếu bạn có điều kiện, bằng không thì phòng trải vỏ dà (tan bark) cũng được. Lôi kéo sự chú ý của chiến kê vào con gà mồi mà bạn bồng trên tay, nó sẽ lồng lộn khắp phòng để săn đuổi con gà mồi. Bằng lối này, nó không chỉ luyện thể lực mà còn được dạy cách đá vào mọi phần cơ thể đối phương, chứ không chỉ chăm chăm đá đầu, điều khiến nhiều chiến kê phải trả giá bằng mạng sống của chính mình.

    BIỆT DƯỠNG

    Có nhiều phương pháp biệt dưỡng đại đồng tiểu dị, mà cái nào tác giả cũng tự coi là hay nhất. Tôi không thể trình bày tất cả ở đây vì chỉ tổ thêm rối, tôi sẽ mô tả chi tiết phương pháp yêu thích của mình, mà theo tôi nó hàm chứa đầy đủ tinh túy của những phương pháp khác và sẽ mang lại kết quả như ý.

    Thả gà vào lồng dưỡng và cho nhịn ăn trong vòng 24 giờ, nhưng cho uống nước thoải mái, kiểm tra cẩn thận để đảm bảo gà mạnh khỏe và tươi tốt, không nhiễm rận – bằng không, bôi “thuốc mỡ” là giải pháp tốt nhất mà không gây tổn thương cho gà – rửa chân và các ngón rồi để khô, tỉa bớt lông xung quanh hậu môn, cân khi bụng rỗng, ghi chú trọng lượng của từng con cũng như trọng lượng mà bạn dự kiến. Nếu gà rất mập tức nó quá cân trên 8 oz, bằng không cỡ 5 hay 6 oz là được. Thỉnh thoảng, gà cũng cần tăng vài oz để đá tốt nhất. Mức độ tùy thuộc vào kinh nghiệm và việc đánh giá đâu là trọng lượng thi đấu thích hợp. Bạn sẽ đem đá những con gà hay nhất mà mình có, cắt bỏ cựa còn nửa inch, dùng bột phấn để cầm máu. Dùng ngón cái rịt vào vết thương trong vài phút.

    Với những con quá cân, cho mỗi con một viên gồm 10 hạt cặn rượu (tartar) trộn bơ. Trong vòng 1 giờ, cho ăn bánh mì và sữa, và chỉ bấy nhiêu thôi; rồi thảy hay thúc gà vài lần để chúng vận động. Trong vòng vài giờ, bạn có thể cho ăn một ít bánh mì nhúng nước hay sữa.

    Ngày thứ ba
    Vào buổi sáng, cho ăn vài miếng trứng tươi và thức ăn từ lúa mì. Vào buổi tối, cho ăn bắp xay, thảy hai đợt, mỗi lần khoảng 40 lượt, cho uống nước hai lần, mỗi lần 4 ngụm.

    Ngày thứ tư
    Vào buổi sáng cho ăn “bánh mì bắp” khô (làm theo công thức). Vào buổi tối, cho ăn lúa mì, tập luyện giống như hôm trước. Cho uống nước hai lần, mỗi lần 4 ngụm.

    Ngày thứ năm
    Vào buổi sáng cho ăn bắp xay. Vào buổi tối cho ăn bắp hay lúa mì, cho mỗi con ăn nửa lòng trắng trứng luộc. Cho uống nước hai lần, mỗi lần 4 ngụm.

    Ngày thứ sáu, bảy và tám
    Giống như ngày thứ năm, tăng số lượt thảy lên 60 hay 65.

    Ngày thứ chín
    Vào buổi sáng cho ăn lúa mạch chà và uống nước. Vào bữa chiều, cho ăn một ít thịt bò nạc, băm nhuyễn. Tập hai đợt, tăng số lần thảy lên 75 lượt. Vào buổi tối, cho ăn nửa lòng trắng trứng luộc và bắp xay.

    Ngày thứ mười
    Vào buổi sáng, cho ăn nửa cái trứng tươi và lúa mì; buổi chiều ăn một mẩu táo chua. Vào buổi tối, cho ăn bắp xay, từ nay ngưng cho ăn lúa mì bởi gà có thể đầy bụng trong khi bạn không muốn như vậy.

    Ngày thứ mười một, mười hai
    Cho ăn bắp xay hai lần, sáng và tối; luôn uống nước hai lần, nhưng không quá 5 hay 6 ngụm mỗi lần, tăng khối lượng tập luyện từ từ để gà chịu đựng được.

    Ngày thứ mười ba
    Nếu đá vào ban đêm, cho ăn một ít lúa mạch chà hay bắp xay và uống vài ngụm nước, sau khi ăn khoảng một giờ, tập nhẹ.

    Luôn bồng gà thật nhẹ nhàng, thay rơm trong lồng mỗi ngày; tập cho gà quen với ánh đèn, nếu đá đêm; giữ gà ở nơi ấm và thoáng khí.
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Hình mô tả vị trí tương đối của sợi gân gối so với hướng lắp cựa. Bên trái hình là hướng lắp cựa dành cho gà đá đầu và cổ (cựa phải theo sợi gân, cựa trái hơi gai). Bên phải hình là hướng lắp cựa dành cho gà đá lùa (cựa phải hơi gai, cựa trái gai hơn). Lưu ý: RIGHT=chân phải, LEFT=chân trái.

    LẮP CỰA

    Ghi chép của bác sĩ Cooper là một trong số những phương pháp lắp cựa đầu tiên. Những lời sau đây được giới chọi gà khắc cốt ghi tâm:

    “Hãy nhờ một trợ phụ tá giữ gà; giữ nó sao cho mặt trong của cẳng chân ở đúng tầm; đệm cựa xương bằng một tấm da dê tơ ẩm để đế cựa sắt tròng khít và không bị xoay hay xê dịch. Rồi dùng ngón cái và ngón trỏ nắm kéo ngón thới của gà; trong khi làm vậy bạn sẽ thấy sợi gân chân (leader) nhấp nhô ngay tại gối. Bạn sẽ lắp cựa bên phải thẳng hàng với mép ngoài của sợi gân ngay tại gối, và cựa bên trái thẳng hàng với mép trong của sợi gân ngay tại gối. Cẩn thận không chỉnh cựa trái quá gai vào trong bởi sẽ khiến gà tự đâm chính mình. Khi bạn đã chỉnh cựa xong, hãy cột nó bằng chỉ sáp (wax-end) loại tốt nhưng không quá chặt khiến chân và các ngón bị đơ. Sau khi cột xong, thấm ướt tay và kéo dãn các ngón chân để chúng không bị đơ”. [đoạn in đậm là phần thêm thắt của tác giả]

    Phương pháp của bác sĩ Cooper là một trong những phương pháp phổ biến nhất ngày nay, phần lớn các sư kê tin tưởng và áp dụng phương pháp này.

    Grist trong bài “Phương pháp biệt dưỡng” của mình đã cải biên phương pháp của bác sĩ Cooper, theo đó ông vẫn lắp cựa phải thẳng hàng với mép ngoài của sợi gân gối, nhưng với cựa trái (thay vì thẳng hàng với mép trong của sợi gân gối) ông lại xích ra ngoài 1/8 inch (~3 li) so với cựa phải [tức mép ngoài của gân gối trái + 3 li]. Phương pháp này khuyên nên sử dụng loại cựa từ 1 ¼ đến 2 inch khi đá vào ban ngày.

    Nếu đá vào ban đêm, ông lắp cựa phải thẳng hàng với mép ngoài của chân [gối phải], và cựa trái lắp xích ra ngoài 1/8 inch (~3 li) so với cựa phải [tức mép ngoài của gối trái + 3 li] [ban đêm chỉnh cựa ngay hơn].

    Bạn sẽ thấy cả hai phương pháp này đều không tính đến lối đá của con gà được lắp cựa bởi hiện tại bạn có thể sở hữu loại gà đá đầu và cổ, còn gọi là gà đá chân rời (breaking fighter). Bạn cũng có thể sở hữu loại gà nạp lùa (shuffler) tầm cao hoặc tầm thấp hoặc loại gà đá theo cả hai lối.

    Mặc dù ghét phải nói khác đi với các tác giả nổi tiếng ở trên, nhưng theo kinh nghiệm và quan điểm của tôi, chiến kê phải được lắp cựa tùy vào lối đá của từng con, mà lối đá lại được xác định thông qua việc xổ gà, quan sát cặn kẽ và theo đó mà lắp cựa.

    Dựa trên quan điểm này, tôi sẽ mô tả cặn kẽ phương pháp của mình, theo đó tôi không chỉ đưa ra những nguyên tắc khoa học mà còn cả kết quả thực tiễn nữa.

    Trước tiên, chiến kê phải trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu; đó là đột cựa, cựa phải được cưa ngắn còn ½ inch.

    Dây da dê (chamois), dùng quấn và đệm, tất cả đều được lựa chọn một cách cẩn thận và để trong tầm tay, nhằm để gà không bị giữ cứng đơ ở một tư thế lâu quá mức cần thiết.

    Bạn cần ánh sáng và chỗ ngồi thoải mái. Chọn phụ tá ăn ý để giữ gà, bố trí ngồi chính diện và hướng dẫn người đó giữ gà ở theo ý bạn.

    Nếu quấn cựa phải trước, hướng dẫn trợ lý ngồi khép gối, đặt gà trên đùi phải, tay phải luồn bên dưới cánh phải, nắm lấy cán bên phải bằng ngón cái và ngón giữa, ngón trỏ bợ bên dưới cán về phía các ngón chân. Đấy là tất cả công việc của trợ lý trong quá trình lắp cựa.

    [​IMG]
    Hình mô tả cách ôm gà để lắp cựa sắt, gốc cựa xương được quấn đệm phù hợp bằng dây da dê.

    Không được giữ chân quá cao, quá thấp hay quá chặt. Dây da dê được chọn lọc, bản rộng ½ inch, chiều dài tùy ý trừ phi bị giới hạn, một lỗ xỏ được khoét cách mỗi đầu dây ½ inch. Bạn cũng nên chuẩn bị thêm 2 sợi dây ngắn cỡ 2 inch; thả một sợi dây ngắn dọc theo chân, quấn xung quanh gốc cựa xương; nắm chân từ bên dưới, đè giữ một đầu dây da dê bằng ngón cái ở mặt trên, hướng dẫn trợ lý làm tương tự với đầu dây kia; tròng đầu khoét lỗ của sợi dây dài lên sợi dây ngắn và lên gốc cựa, quấn xuống cán, kéo một vòng quanh cán và lên đầu gốc cựa; rồi quấn một vòng lên trên và xuống dưới, ướm cựa sắt vào gốc cựa để xem có khít hay không; nếu không quấn thêm một vòng dây ngắn nữa cho đến khi vừa khít, quấn sợi dây dài lên trên và xuống dưới cho đến khi gần hết dây, quấn thêm một vòng xuống dưới và lên trên nữa, theo dõi cẩn thận sao cho vòng quấn phải gọn, đẹp và phẳng để làm nền tảng cho việc tròng cựa.

    Tròng cựa sắt lên đầu cựa xương bằng tay phải, giữ chân gà bằng tay trái, kéo hai đầu đai da (leather) ở giữa tay trái đang giữ chân.

    Dùng tay phải kéo ngón thới tới lui để xác định sợi gân gối (cord). Cựa phải đang tròng vào chân phải; chỉnh cựa theo hướng sợi gân và cố định bằng tay trái, lại kéo ngón thới, xác định tâm điểm của sợi gân, nơi mà đầu cựa hướng vào; khi chỉnh xong, cẩn thận không làm cựa xê dịch trong khi xiết hai đầu đai da quanh chân, yêu cầu trợ lý dùng ngón trỏ giữ đế da đúng vị trí.

    Dùng chỉ sáp, quấn từ đoạn giữa; trước hết quấn phía dưới cựa, một vòng xung quanh rồi lên trên, một vòng xung quanh; xuống dưới rồi lại lên trên, quấn một vòng xung quanh gọng [ngay đầu đế cựa] với mỗi đầu dây, rồi lại quấn xuống theo cùng bên, và tiếp tục quấn lên trên và xuống dưới cho đến khi cựa được cột chặt như ý.

    [​IMG]
    Cựa sắt sau khi lắp xong.

    Cẩn thận đừng quấn quá chặt khiến chân bị thắt hoặc bó; kéo các ngón nhẹ nhàng; rồi thả gà trên chạc tròn, tương tự như chân chống của bàn hay ghế, nếu gà có thể bám ngón chân vào chạc ngay lập tức, thì bạn có thể đoán rằng nó không bị bó.

    Phương pháp cân chỉnh và cột cựa ở trên phải luôn thực hiện một cách cẩn thận.

    Việc ôm gà để cột cựa bên chân trái cũng được thực hiện theo cách tương tự, nhưng dĩ nhiên xoay về bên trái, cách giữ chân gà cũng như ở trên, trợ lý choàng tay phải qua cánh bên phải, và cẩn trọng dùng tay phải giữ cựa vừa lắp xong, gập vào sát thân gà để nó khỏi đâm chính mình khi giẫy đạp trong lúc quấn cựa còn lại.

    Cách chỉnh cựa trái như sau: Ghi nhớ tâm điểm của sợi gân như đã làm với chân kia, mà bạn tái xác định bằng cách kéo ngón thới. Bây giờ hãy xác định điểm giữa của tâm điểm và mép trong của sợi gân; hướng cựa trái vào điểm này, áp dụng cùng cách thức đệm và cột cựa như chân bên phải.

    Bây giờ bạn đã hoàn tất việc lắp cựa sắt cho loại gà đá đầu và cổ, mà một số người gọi là gà đá chân rời (breaking fighter).

    Với gà đá lùa (shuffling), cách lắp hơi khác một chút, nên bạn phải để ý quan sát và ghi nhớ về lối đâm của nó.

    Chân phải của gà nạp lùa phải được lắp theo cách hướng mũi cựa vào điểm giữa của tâm điểm và mép trong của sợi gân, cựa trái được lắp theo hướng mép trong của sợi gân nhưng không được gai hơn.

    Nếu gà nạp lùa cao chân, cách lắp cựa cũng tương tự như loại đá đầu và cổ. Gà chọi ít nhiều đá chân trái gai hơn (closer) so với chân phải. Lưu ý rằng nếu gốc cựa xương bên phải hơi cao hơn so với bên trái, bạn sẽ biết rằng gà đá chân phải gai hơn; trong trường hợp đó cách lắp cựa phải ngược lại để phù hợp với lối đá của chiến kê.

    [​IMG]
    Hình mô tả cách chỉnh cựa theo sợi gân gối.


    ==========================


    So với bác sĩ Cooper và cựu đại tá Grist, tác giả George Conderman (1899) đã có một bước đột phá khi lắp và chỉnh hướng cựa tùy theo lối đá của con gà. Tuy người đầu tiên nêu lên quan điểm này là Robert Howlett (1709) nhưng Conderman mới là người cụ thể hóa trong bài viết được chúng tôi trích dịch ở trên. Tác giả chỉ đề cập đến ba lối đá chính gồm đá đầu-cổ, đá lùa chân cao và đá lùa chân thấp. Loại sau hướng cựa hơi gai hơn so với hai loại đầu. Ông cũng giải thích tại sao chân trái thường đá gai hơn và đó là lý do mà nhiều sư kê sau này tin rằng chân trái là chân sát thương, nhưng lưu ý là vẫn có ngoại lệ và bạn cần nhận biết để chỉnh hướng cựa cho phù hợp. Bác sĩ Cooper (1869) coi gà nạp lùa (shuffler) đơn giản là loại đá tầm thấp, đâm thân; tuy có nhắc đến loại gà đá chân cao (strike high), nhưng ông không đặt tên cho chúng. Về sau McIntyre (1906) gọi loại gà đá chân cao là dội bom (sparring) thay vì “nạp lùa cao chân” (high shuffler). Về cách chỉnh cựa, McIntyre làm ngược lại với Conderman khi loại gà nạp lùa được lắp cựa “ngay” hơn tức lệch về thới.
     
    Chỉnh sửa cuối: 14/10/13
  3. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    THẢ GÀ (PITTING)

    Để trở thành một nài gà thành công, bạn nhất định không được mất tự chủ trong trận đấu. Bạn phải có khả năng quan sát mọi động thái, không chỉ của gà mình mà còn của gà đối phương nữa, và phải có nhãn quan xác định mức độ tổn thương của gà nhà cũng như của gà địch, tận dụng mọi điều luật trường gà để chiếm lợi thế, chẳng hạn, với tài quan sát tinh tường, tay nài gà có thể phát hiện sai lầm của đối phương và khai thác triệt để.

    Nài gà nhất định phải tuân thủ luật trường khi thả gà cho chính mình hay cho người khác, hay khi cần trợ giúp cho gà nhà, hãy cẩn trọng chỉ làm những gì cần thiết và trong khuôn khổ cho phép của luật trường.

    Sau khi cho cắn mổ qua lại và được trọng tài cho phép thả, nài gà phải lập tức thả gà ngay mức, rồi luôn sẵn sàng và tập trung để khi trọng tài hô “bắt gà” thì lập tức bắt gà một cách nhanh chóng và đúng luật.

    Luôn tuân thủ chặt chẽ và trung thực luật trường, hiểu rõ luật để tận dụng mọi lợi thế trong khuôn khổ cho phép và không phạm phải sai sót nào.

    Một nài gà khôn ngoan và cẩn trọng luôn chuẩn bị sẵn ít nước hoa phỉ (witch hazel) hay loại nước lau rửa khác và bọt biển để chăm sóc gà nhà giữa các lượt thả, tùy theo luật đá ở mỗi nơi.

    Đừng sắp cánh không đúng vị trí tự nhiên để gà có thể đá với tốc độ tối đa.

    Nếu luật cho phép, đừng quên thông họng gà giữa các lượt thả nếu cần. Việc sửa gà nhanh chóng và chủ động trong thời gian cho phép có thể ngăn gà không bị khò hay các vết thương ở đầu và họng trở nên trầm trọng.

    Đừng quên kiểm tra mắt gà một cách cẩn thận, giữ càng sạch càng tốt. Nếu một mắt bị chột (blinked), hãy cẩn trọng thả bên mắt kia để nó nhìn thấy đối phương rõ hơn.

    Trong một số bài viết, việc hù dọa (hovering) bị coi là chơi xấu, dẫu luật có cho phép đi nữa. Đừng làm như vậy bởi điều đó không những không có lợi mà còn làm giảm bớt cơ may thắng trận. Hãy để chiến kê của bạn được thoải mái. Chăm sóc gà cẩn thận trong thời gian biệt dưỡng và đá trường sẽ giúp bạn chiến thắng những tay cố tình hù dọa và làm trò mèo. Dù trò này thường diễn ra trong các trận đấu quan trọng, một sư kê trung thực và chiến kê hay vẫn có thể tự bảo vệ mình nếu trọng tài giỏi và công tâm.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/12/13
  4. carom

    carom Active Member

    hì, tìm hoài bài này mà kg thấy, thanks a Đ nhiều nha^^
     
  5. hoangvu1112

    hoangvu1112 Active Member

    Tính thực hành lắp cựa hả đại ca. Hôm nay có đá cái nào không. Mới về quê rinh 1 thằng lùn liền lên nè.
     
  6. carom

    carom Active Member

    kỳ rồi bị dọn chuồng nên giờ nhà toàn gà mới kg àh, nuôi cứng tý đem wa a sút nghen^^, thấy cái sân đá gà đã hông^^
     
  7. hphuoc8888

    hphuoc8888 New Member

    bài này hay thiệt, đọc xong mới thấy gà mỹ nuôi công phu quá.
     
  8. hoangvu1112

    hoangvu1112 Active Member

    Em đem qua ông anh ở KCNTB nuôi, khoảng 1 tháng sau la sút được. Cho nó sổ với con lai 75 thấy hay ghê.
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội