Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Tuyển chọn gà giống (Edwin Kubojiri “Island Ronin”)

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 21/9/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Tuyển chọn gà giống
    Edwin Kubojiri “Island Ronin” – http://sabungero.trimp-media.com


    Trong việc tuyển chọn gà giống, có hai yếu tố cần xét đến: xác định kiểu hình (phenotype) và phát hiện kiểu gien (genotype). Để tôi giải thích.

    Kiểu hình là tính trạng thuộc về thể chất hay thực thi, chẳng hạn như màu sắc (chân, lông) và lối đá.

    Kiểu gien là sự kết hợp của các gien quy định “giới hạn” của kiểu hình. Hay nói cách khác, là tiềm năng di truyền của gà.

    Chẳng hạn, gà đá chân cao. Khả năng bật cao thuộc về kiểu hình. Tính trạng này được di truyền từ một hay cả hai bên bố, mẹ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu gà được nuôi quá mập? Kiểu hình khéo léo của nó bị tác động bởi một yếu tố bên ngoài. Biệt dưỡng gà đúng cách, và cho ăn hợp lý thì kiểu hình mới đạt đến giới hạn tiềm năng của nó.

    Kiểu gien là như nhau trong cả hai trường hợp, nhưng vì những tác động từ bên ngoài (đa phần là môi trường) mà kiểu hình đá chân cao bị biến đổi.

    Hai yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến việc tuyển chọn gà giống?

    Vâng, chúng ta chọn gà giống dựa vào kiểu hình. Chúng ta có thể nhìn thấy các tính trạng. Chúng ta chọn gà giống dựa vào chất lượng lối đá, kiểu thân (body type), dáng cao thấp (station) và vâng, đôi khi cả màu sắc nữa. Độ gan lỳ, tốc độ cũng như lối đâm (cutting ability) cũng là kiểu hình, nhưng các tính trạng này thể hiện không đâu khác, ngoài trường đấu. Một chiến kê xuất sắc (ace) không nghiễm nhiên là con giống tốt. Đấy là lúc kiểu gien của nó được xét đến.

    Nếu chiến kê đang khảo sát KHÔNG có kiểu gien để di truyền kiểu hình cho đời sau, nó KHÔNG được dùng làm gà giống. Nó chỉ đơn thuần là gà chiến (battlecock). Đấy là lý do mà một chiến kê pha (battlecross) lại rất rủi ro khi dùng làm gà giống. Gà cận huyết sâu đã cô đọng các kiểu hình, do đó có nhiều khả năng chuyển giao các tính trạng của chúng cho đời sau. Khả năng chuyển giao tính trạng được gọi là “tính trội” (prepotency). Bí quyết là tìm ra một cá thể xuất sắc với kiểu gien như thế này.

    Đây cơ bản là bí mật về con trống hay mái “bổn”, và lý do tại sao không phải tất cả những con gà “thuần” đều có thể đem lai tạo. Tính trội là yếu tố luôn bị các sư kê xem nhẹ. Một con Kelso “thuần” lấy từ chỗ này có thể khác với con Kelso “thuần” lấy từ chỗ nọ. Chỉ bởi nghe nói chúng là Kelso “thuần”, không có nghĩa nếu được lai với nhau, chúng MẶC NHIÊN có khả năng chuyển giao tính trạng cho bầy con, và bầy con cũng “thuần” và có thể dùng làm giống.

    Để biết kiểu gien của một cá thể, cần biết toàn bộ cấu trúc di truyền của nó… hay nói cách khác, đây là điều không thể. Chỉ bằng cách thử nghiệm, và kiểm tra bầy con của nó trong các giải dấu thực tế mà chúng ta mới thực sự tìm ra một cá thể trội.

    Lai tạo gà chọi đòi hỏi sự cống hiến và thực hành một cách kiên nhẫn. Nhưng với bất kỳ nhà lai tạo đích thực nào, những điều này rất nhỏ bé so với thành quả sau cùng.

    Theo tôi, tuyển chọn trống giống dễ hơn nhiều bởi sau rốt, gà trống có thể đem đá trường.

    Đây là lúc mà kiểu gien, như tôi đã nói ở trên, lên tiếng. Đương nhiên kiểu hình hay tính trạng rất dễ thấy. Thậm chí gà không cần đá trường (thường xảy ra với người mới chơi) mà chỉ cần đem xổ để kiểm tra lối đá. Dĩ nhiên, xổ KHÔNG kiểm tra được lối đâm, sức sống hay sự gan lỳ, nhưng tốc độ, sự khôn ngoan và hung dữ dễ dàng nhận thấy trong khi xổ. Hình lông của nó cũng dễ thấy, kiểu thân, chất lượng lông, dáng… có thể dễ dàng được đánh giá chỉ đơn giản qua việc bồng và quan sát. Nhưng nó có sở hữu khả năng chuyển giao những tính trạng này cho bầy con? Chưa chắc đâu nhé.

    Đấy là lý do một chương trình lai tạo ổn định và ghi chép nghiêm ngặt là VÔ CÙNG quan trọng. Đừng hiểu sai ý tôi. Tính trội, hay khả năng chuyển giao những tính trạng tích cực cho bầy con không chỉ có ở gà “thuần” cận huyết sâu. Chẳng hạn, bầy "Bodlat" dường như giàu tính cạnh tranh hơn ở giải World Slasher Championships năm nay. Nhưng nói về độ ổn định, gà “thuần” luôn chứng tỏ là an toàn hơn trong việc tuyển chọn giống.

    Cách duy nhất để kiểm tra một con trống xem có tính trội hay không là lai tạo nó, và kiểm tra trống con. Thời gian. Điều này có nghĩa rằng cho dù bạn chọn đúng, cần mất gần 2 năm để bạn biết chắc chiến kê xứng đáng dùng làm con giống. Nghe có vẻ cực đoan? Chẳng phải mục đích của bạn là tạo ra những chiến kê ưu hạng và con giống tương lai à?

    Bây giờ đến tuyển chọn mái giống. Tại sao chọn mái giống lại khác với chọn trống giống?

    Theo tôi, dường như đa số các chiến hữu đều không tuyển chọn gì khác dòng giống và hình lông.

    Dĩ nhiên, hai yếu tố này đều quan trọng, nhưng có nên giới hạn việc tuyển chọn chỉ bấy nhiêu đó thôi?

    Theo tôi là KHÔNG.

    Có thể đá chúng không?!! Tại sao?!?! Để tôi cho bạn biết, nếu bạn cho rằng gà mái không thể xổ quá vài chân thì điều tôi sắp nói sẽ khiến bạn ngạc nhiên. Khi thanh lọc, những con tật và bệnh bị loại trước. Rồi ở khoảng 4 tháng tuổi, bắt đầu thanh lọc mái tơ, khởi đầu với những bầy pha (vốn không được dùng để lai dòng tỷ lệ 3/4 máu). Ở 6-8 tháng tuổi, tôi loại còn 2-3 con ở mỗi dòng. Tôi ghép chúng với trống tơ trong các sân chuồng (coop). Sau vài tuần, tôi bắt một con ra và cho sừng qua hàng rào. 9 trong 10 trường hợp, chúng sẽ chịu sừng… à, nghe có vẻ đá được rồi.

    Mái và mái tơ VẪN đá. Khi cách ly trong sân chuồng, chúng sẽ quên sạch thứ tự bầy, và nếu nhốt đủ lâu, chúng sẽ đá khi chạm mặt. Bắt chúng ra và xổ như với gà trống. Tôi nhận thấy với trại lớn, cách kiểm tra này không thuận lợi, nhưng nó phù hợp với tôi. OK, tôi hơi ngoài lề tí. Quay lại chủ đề mái giống.

    Tính trội ở gà mái (tức khả năng chuyển giao tính trạng cho bầy con) cũng quan trọng không kém so với gà trống, và theo tôi thì còn quan trọng HƠN. Sau rốt, bầy con lấy 50% từ mỗi bên bố mẹ, dĩ nhiên về mặt di truyền. Kiểu gien của gà mái quyết định tính trội của nó, và mang lại khả năng tạo ra những trống con xuất sắc. Hầu như ai cũng biết điều này, kiểu hình màu sắc là di truyền liên kết giới tính (sex-link), hay nói cách khác trống con lấy màu từ mái mẹ, và mái con lấy màu từ trống cha. Vậy có thể suy ra rằng trống con thừa hưởng NHIỀU tính trạng khác nữa từ mái mẹ ngoài màu sắc? Tôi cho là vậy. Tôi tin rằng trống con thừa hưởng nhiều kiểu hình, chẳng hạn như lối đá và sự hung dữ từ mái mẹ, do đó ảnh hưởng từ mái mẹ là nhiều hơn so với trống cha.

    Theo quan niệm đó, mái tốt rất có giá trị, và mái đã qua kiểm chứng là vô giá. Trong chương trình lai tạo của mình, tôi có cái gọi là “dòng mái”. Những dòng này dựa trên mái mẹ, hay “mái bổn” (golden hen). Tôi lai theo kiểu này với hy vọng tạo ra mái bổn với cấu trúc di truyền gần giống mái gốc. Những “mái bổn” tơ sẽ được dùng để chuyển giao “máu thuần”. Các trống tơ của dòng này được đem đá, những con hay nhất trong từng thế hệ được lai ngược về mái mẹ. Nhưng như đã nói, mục đích chính của những dòng này là tạo ra mái giống để lai dòng “thuần” hay tạo giống. Có nên dùng những con trống ở dòng này để lai tạo? Dĩ nhiên là không, nhưng chúng được sử dụng để pha (cross).

    Tôi tuyển chọn gà mái dựa trên một số tiêu chí sau:

    Hình lông (physical appearance). Tôi chọn theo một số đặc điểm, chẳng hạn dáng cao, kiểu thân, độ dài cánh, độ dài cán, chất lượng lông và độ cân đối (proportion).

    Hành vi (mental attitude). Tôi chọn mái “cả” (bull), tức con cầm đầu bầy đàn. Tôi biết là không phải con nào cũng cầm đầu, nhưng đấy là ưu tiên số một. Sự hung dữ. Nếu mái chấp nhận một vai trò thấp kém trong bầy, nó sẽ bị thanh lọc. Mái quan tâm đến bản thân nhiều hơn là bầy con cũng bị thanh lọc. Tôi thích mái “dạn người” và mặc dù cảnh giác, nhưng không căng thẳng và quẫy đạp.

    Và sau cùng là lối đá (fighting ability). Nếu nó không đá giống như anh em cùng bầy, làm sao có thể TẠO RA trống con hay tương tự? Giống như trống giống tiềm năng, mái giống cần thời gian để chứng tỏ bản thân. Thậm chí, nếu chúng có là những bà mẹ xuất sắc, chúng cần tạo ra nhiều trống hơn là mái, và chất lượng phải trên trung bình. Nếu không thỏa mãn hai yêu cầu trên, mái không có lý do gì tồn tại trong chương trình lai tạo của bạn.

    Tôi hy vọng bài viết này sẽ cung cấp một số ý tưởng mới cho các bạn. Bobby Boles, theo tôi, là một trong số những nhà lai tạo xuất sắc nhất trong vòng 60 năm qua, tin tưởng mạnh mẽ vào tầm quan trọng của mái giống, và có thể nói rằng trong khi gà trống thúc đẩy một dòng gà (phát triển), thì bạn cần một gà mái để khởi đầu.

    Tôi hy vọng các bạn thích bài viết này và nó có thể giúp ích cho bạn trong tương lai.

    (Khi liên hệ bài viết này với một bài khác về ty thể (mitochondria) ở dòng mái, chúng ta nhận thức được giá trị to lớn của một mái giống chất lượng. Tất cả đại sư kê kể từ thời Sketchley đều nói rằng “mái mẹ đem lại sự gan lỳ và thể chất, trống cha đem lại lối đá và hành động”)
     
    Chỉnh sửa cuối: 2/5/13
    xaluanchien thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội