Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Nuôi cá răng kiếm nước ngọt trong hồ cảnh

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 8/7/06.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Nuôi cá răng kiếm nước ngọt trong hồ cảnh (Tom Lorenz)

    [​IMG]

    Cá răng kiếm nước mặn (barracuda) là loài cá săn mồi rất nổi tiếng. Chúng không có quan hệ họ hàng gần với bất cứ loài cá nước ngọt nào nhưng điều này không ngăn cản việc người ta đặt biệt danh cho một số loài cá nước ngọt là “barracuda”; chẳng hạn như các loài cá đẻ con (livebearer) thuộc chi Belonesox và các loài characin thuộc chi Ctenolucius đều là các loài cá dữ có răng sắc nhọn và đớp mồi với tốc độ rất nhanh.

    Có khoảng trên một chục loài thuộc chi Acestrorhynchus nổi bật bởi tốc độ và hàm răng lởm chởm của chúng. Những loài cá răng kiếm nước ngọt này, còn gọi là “acestrorhynchin” hay đơn giản là “acestros”, “aces” hay “cudas” thuộc nhóm những loài cá săn mồi kích thước nhỏ (thường dưới 30 cm) rất đặc biệt ở Nam Mỹ với mắt thật to, hàm lởm chởm răng và tốc độ tấn công con mồi chớp nhoáng so với những loài cá săn mồi khác. Cách thức săn mồi, hình dáng cũng như tên gọi của chúng đòi hỏi một chế độ nuôi dưỡng hoàn toàn khác biệt so với những hồ cảnh bình thường. Điều này gây ra rất nhiều vấn đề mà thông thường dẫn đến việc cá bị chết khi nuôi trong hồ. May mắn thay, việc tránh những rủi ro như vậy khá dễ dàng nhờ đó chúng ta có thể yên tâm thưởng lãm loài cá độc đáo này.

    [​IMG]
    Loài A.falcatus có màu lấp lánh rất đẹp trên thân.

    Có khoảng một nửa trong số 15 loài cá răng kiếm nước ngọt lưu hành trên thị trường cá cảnh có kích thước phù hợp với hồ nuôi. Vấn đề là một số nơi không thấy bán các loài này nên người muốn nuôi lại không mua được. Vấn đề khác có liên quan đến tên gọi bởi vì có rất nhiều loài cá được gọi là cá răng kiếm nước ngọt trong khi hầu hết những người bán cá đều không biết chúng cụ thể là loài nào vì vậy mọi người cần phải nắm vững về tên thông dụng cũng như khoa học của chúng.

    Các loài thuộc chi Acestrorhynchus
    [​IMG]
    Các loài cá răng kiếm có kích thước tương đương như A.falcatusA.falcirostris có thể được nuôi chung với nhau một cách hòa thuận. Người nuôi luôn phải để ý đến nguyên tắc 2/3: tức là chúng có thể xơi con mồi lớn đến 2/3 kích thước của chính chúng!

    Các loài Acestrorhynchus thường được chia thành từ 3 đến 4 nhóm dựa trên đặc điểm về hình dáng hơn là mối quan hệ họ hàng thực sự giữa chúng với mục đích bố trí hồ nuôi thích hợp.

    Nhóm đầu tiên là các loài có kích thước nhỏ với những sọc dọc trên thân. Chúng có kích thước khoảng 10 cm và ít khi vượt quá 15 cm. Nhóm này bao gồm các loài A. isalinae, A. nasutus, A. maculipinna, A. minimusA. briskii. Có hai điều đáng chú ý, đó là loài A. nasutus có thể phát triển rất lớn đến trên 25 cm và loài phổ biến nhất trong nhóm này là A. isalinae.
    [​IMG]
    Loài Acestrorhynchus isalinae khi trưởng thành thường có kích thước rất lớn và có ít sọc. Đây có lẽ là điều bí ẩn cần phải tìm hiểu.

    Loài cá răng kiếm nước ngọt xinh đẹp A. isalinae được biết là loài chuyên rỉa vây, đuôi của các loài khác. Giống như đồng loại, chúng cảm thấy an toàn hơn khi được nuôi theo bầy. Điểm hết sức độc đáo ở loài này là chúng thích hồ có nắp đậy, điều không hề thấy ở các loài khác. Con mồi của chúng thường có kích thước cỡ cá bảy màu nhưng nên nhớ rằng nếu cá bảy màu lớn hơn thì chính chúng sẽ đóng vai trò của kẻ đi săn mồi!
    [​IMG]
    Không phải loài nào cũng có chấm sau mang. So sánh với loài falcatus ở hình trên cùng.

    Nhóm cá răng kiếm nước ngọt thứ hai bao gồm những loài có chấm sau mang. Nhóm cá này rất khỏe với thân hình dài và rộng hơn nhóm đầu bao gồm các loài A. falcatus, A. lacustris, A. pantaneiroA. altus. Loài thông dụng nhất trong nhóm là A. falcatus tuy A. altus cũng khá phổ biến và A. pantaneiro được nuôi nhiều ở châu Âu. Acestrorhynchus falcatus thường được gọi là cá răng kiếm đuôi đỏ và có lẽ là loài thông dụng nhất trong số các loài cá răng kiếm nước ngọt. Điều này cũng tốt bởi vì chúng là loài khó nuôi nhất. Chúng đạt kích thước từ 13 cm đến 25 cm với màu đỏ ở vây kết hợp với màu lấp lánh trên thân. Chúng là loài hết sức ấn tượng khi nuôi theo bầy, các cá thể thường tranh ăn với nhau và chúng bơi rất nhanh cho dù kích thước khá lớn. Cũng bởi vì kích thước và tốc độ mà chúng cần được nuôi trong hồ có kích thước lớn.

    [​IMG]
    Ấn tượng và hiếu động. Rất khó quan sát loài A. falcirostris khi chúng ăn. Loài này thường bị gọi nhầm dưới nhiều tên gọi khác nhau tuy rằng chúng có hình dạng hết sức khác biệt.

    Nhóm thứ ba chỉ gồm một loài hết sức khác biệt là Acestrorhynchus falcirostris. Đây là loài cá răng kiếm nước ngọt có kích thước lớn nhất, lên đến 30 cm. Chúng có cái mũi khoằm rất đặc biệt (vì vậy mà tên khoa học của chúng “falcirostris” nghĩa là “mũi giả”) và thân hình hết sức mảnh dẻ. Chúng cũng có mắt rất to và các vệt vàng nhạt trên đuôi. Tên thông dụng của chúng là “cá răng kiếm nước ngọt thân mảnh” hay “cá răng kiếm nước ngọt đuôi vàng”. Chúng thường hay bị gọi nhầm tên khoa học thành các loài như A. falcatus hay A. nasutus. Đây là điều hết sức lạ lùng vì trông chúng rất khác biệt với các loài đó.
    [​IMG]
    Cái mũi lớn hoạt động như là một miếng đệm tí hon. Nó có thể xục vào đáy để bắt mồi mà không có vấn đề gì. Cũng có thể sử dụng để cọ vào mặt kiếng hồ!

    Loài Acestrorhynchus falcirostris là loài hiếu động nhất thuộc về chi cá đã vốn thích bơi lội này! Chúng có kiểu săn mồi chậm rãi và cân nhắc một cách kỹ lưỡng. Chúng rất nhút nhát khi săn mồi nên người ta hiếm khi nào quan sát được chúng ăn! Chúng cũng cần rất nhiều không gian để bơi lội.

    Nhóm cuối cùng bao gồm nhiều loài khác nhau như A. microlepis, A. grandoculis, A. apurensisA. guianensis; chúng có kích thước trung bình khoảng từ 15 cm đến 18 cm.

    [​IMG]
    Rất khó để xác định nhóm loài "microlepis" nếu không đếm số lượng vảy trên đường bên. Đây là những loài rất khó đoán tên.

    Loài được biết đến nhiều nhất trong nhóm này là A. microlepis. Chúng trông rất khác biệt tùy vào từng địa phương và điều này làm dấy lên câu hỏi về mối liên hệ giữa các dạng địa phương của loài này với nhau và với các loài khác. Chúng trông cũng khá mảnh dẻ nhưng không bằng loài A. falcirostris. Chúng cũng “góc cạnh” hơn loài falcirostris và không có cái mũi to. Loài thường gặp khác thuộc nhóm này là A. grandoculis với điểm độc đáo là mắt to một cách bất thường (nhưng thân rộng hơn loài falcatus).

    Nhìn chung, các loài được liệt kê trên đây chiếm khoảng một nửa số lượng các loài cá răng kiếm nước ngọt trên thị trường cá cảnh mà trong đó có đến 90% là các loài falcatus, falcirostris, isalinae, microlepis, altusgrandoculis.

    Bơi lội và săn mồi
    [​IMG]
    Ối! Đập vào hồ kiếng đến vỡ cả mặt. Tất cả chỉ vì nguyên nhân bật đèn, tắt đèn, cho ăn, sợ người, sợ môi trường xung quanh…một cái hồ lớn là cách DUY NHẤT để giải quyết mọi vấn đề. Không thể nuôi chúng trong hồ nhỏ vì chúng bơi quá nhanh.

    Làm cách nào để chăm sóc các loài cá săn mồi đặc biệt này? Thành phần nước phải tương tự với nước sông ở Nam Mỹ, quê hương của chúng: nghĩa là từ 6 đến 7 độ pH, nhiệt độ từ 25 đến 28 độ C và nước phải thật sạch. Điều khó khăn nhất trong việc nuôi cá răng kiếm nước ngọt không chỉ là chất lượng nước mà còn liên quan đến hành vi của chúng, đó là thói quen bơi lội và săn mồi. Tuy nhiên điều này có thể giải quyết được. Những loài cá này hay nhảy ra khỏi hồ và chúng rất khác nhau tùy theo loài và từng cá thể (ví dụ như loài falcirostris bơi rất nhiều). Khi cá va vào thành hồ thì tác động gây cho chúng cũng tương đương như một vụ đụng xe.Vậy đâu là giải pháp?

    Các đơn giản nhất là tìm ra đâu là nguyên nhân làm chúng sợ. Bơi lội và bản tính hung dữ là bản năng tự nhiên của chúng. Mọi loài cá đều có thể nuôi chung với chúng nhưng nên tránh các loài hàng xóm hung dữ một khi hồ không thật lớn. Cá răng kiếm nước ngọt không hề hung dữ với con người ngoại trừ chúng ta đưa tay vào mõm chúng!

    Hồ cá chật hẹp không chỉ làm cá sợ mà còn gia tăng nguy cơ cá va vào thành hồ. Điều đáng tiếc là những con bị va vào hồ và trầy mũi thì trông sẽ không được đẹp. Do đó lời khuyên đầu tiên là hồ nuôi phải đủ dài (trên 1.5 m). Bên cạnh đó, hồ không nên đậy nắp. Xin nhấn mạnh là hồ không nên sử dụng nắp đậy. Nghe có vẻ lạ lùng? Thử bàn về hình dạng của cá. Nếu chúng sống ở vùng có đá chúng sẽ có các chấm đen trên thân còn nếu sống trong vùng có rong thủy sinh thì thân chúng sẽ có các sọc. Các con cá răng kiếm nước ngọt có những sọc nhỏ và màu trắng bạc lấp lánh. Môi trường nào thích hợp cho màu trắng bạc? Đó là vùng nước rộng. Nắp đậy có thể sẽ làm cho chúng bị căng thẳng. Hồ có thể được trồng rong nhưng vẫn phải dành thật nhiều không gian trống để chúng bơi lội. Chẳng hiểu chúng thường tiêu tốn thời gian vào việc gì nữa? Cá mồi có thể sống sót trong hồ đến cả tuần nếu chúng tìm ra chỗ trốn! Điều này giúp đem lại cảm giác tự nhiên cho hồ cá.
    [​IMG]
    Hồ phải có VIỀN!! ĐỪNG nuôi cá răng kiếm trong hồ không có viền vì chúng thường nhảy ra ngoài! Để ý dành không gian trống tương đối để chúng bơi lội được thoải mái.

    Ngoài việc cần hồ lớn với nhiều không gian trống, việc cho cá ăn cũng rất đơn giản. Điều khôi hài là có khá nhiều lời than phiền ở đây! Nên nhớ rằng chúng ta đang nuôi loài cá sống trong vùng nước rộng và là chuyên gia săn cá cho nên hồ rộng và thức ăn tươi là đủ với chúng. Cần có chút kiên nhẫn trong việc chọn loại cá mồi cũng như tập cho chúng ăn thức ăn khác ngoài mồi sống. Cá răng kiếm săn đuổi cá mồi một cách cuồng nhiệt và đây là điểm thú vị trong hành vi của chúng. Chúng bắt cá rất giỏi. Cá thả nuôi chung phải lớn hơn 2/3 chiều dài của cá răng kiếm nếu không chúng có thể trở thành cá mồi. Cá bảy màu là loài cá mồi thích hợp hơn cả.

    Còn một điều cũng khá quan trọng ở đây. Cá mồi nên được nuôi riêng một thời gian để loại bỏ những con bị chết hay bị bệnh trước khi cho cá răng kiếm ăn. Việc cách ly cá mồi là cần thiết để vỗ béo và tránh lây bệnh. Nhìn chung, có hai loại bệnh được ghi nhận ở các loài cá răng kiếm, đó là bệnh giun ký sinh và thối vây. Cả hai đều có thể hoàn toàn phòng và chữa trị được.
    [​IMG]
    Một con cá isalinae bị bệnh gium trắng ký sinh. Việc cách ly cá mồi trước khi cho cá ăn là điều cần thiết.

    Thuốc đặc trị dường như có tác động tiêu cực lên thể trạng của cá. Thức ăn khô có thể hạn chế việc lây bệnh ký sinh cho nên cá mồi nên được nuôi bằng thức ăn khô. Kết quả rất đáng khích lệ. Tôi không thấy con cá nào bị bệnh ký sinh khi giải phẫu ruột của những con cá chết vì những nguyên nhân khác như nhảy ra khỏi hồ hoặc va vào thành hồ. Ngoài ra việc nuôi cách ly cũng giúp phát hiện và loại bỏ những con cá mồi bị bệnh.

    Cá thường mắc phải bệnh thối vây khi nước hồ bị ô nhiễm hay bị căng thẳng trong quá trình vận chuyển. Để đảm bảo, cá răng kiếm nên được để nhịn đói 1- 2 ngày trước khi vận chuyển và vận chuyển càng nhanh càng tốt. Chúng cũng nên được sưởi ấm đầy đủ. Nếu bị căng thẳng thì chúng rất dễ bị mắc bệnh thối vây, chủ yếu là ở đuôi. Vùng bị thối sau đó có thể lan đến thịt và làm cá bị chết. Mặc dù việc thay nước thường được áp dụng để điều trị cho các loài cá khác nhưng với cá răng kiếm thì chúng ta cần sử dụng thuốc đặc trị như thuốc diệt nấm ngay lập tức.
    [​IMG]
    Vây bắt đầu bị thối. Chúng ta phải điều trị NHANH CHÓNG ngay sau khi phát hiện vì nó sẽ không tự lành. Nguyên nhân gây bệnh thường là do cá bị căng thẳng khi vận chuyển. Một khi được nuôi ổn định trong hồ, cá rất ít khi mắc phải bệnh này.

    Thưởng lãm cá răng kiếm nước ngọt
    Trong việc thưởng lãm cá răng kiếm nước ngọt, tất cả đều tùy thuộc vào bạn. Bạn có thể bố trí hồ nuôi riêng loài falcatus, hay hồ nuôi hỗn hợp các loài có kích thước tương tự như falcatusfalcirostris, hay một hồ thủy sinh với loài isalinae. Tuy nhiên, nhiều người lại thích nuôi chúng với các loài cá thuộc họ khác. Xin được nhắc lại là loài cá được chọn nuôi phải lớn hơn 2/3 kích thước của cá răng kiếm và không hung dữ. Vì vậy cichlid có thể được nuôi chung nhưng phải hết sức để ý vì bình thường thì không có vấn đề gì nhưng một khi cichlid tấn công cá răng kiếm thì chúng sẽ hầu như không thể tự vệ được (những cái răng lởm chởm chỉ dùng để giữ chặt con mồi mà thôi!).
    [​IMG]
    Hàm răng lởm chởm! Đặc điểm hấp dẫn khác của cá răng kiếm đứng sau tốc độ đáng nể của chúng.

    Cho cá ăn vốn là điểm hết sức thú vị với người nuôi cá nhưng sự thú vị còn cao hơn rất nhiều khi cho các loài cá bơi nhanh ăn. Có lần tôi thấy một con falcatus đuổi theo con cá bảy màu 3 vòng, đến vòng thứ tư thì nó bắt được con mồi. Điều thú vị là cá bảy màu không thể chạy quá được 4 vòng! Cá răng kiếm quá nhanh. Cá mồi có thể tụ tập thành đàn sống ngay bên cạnh cá răng kiếm. Không chỉ vì lý do thẩm mỹ, nó còn giúp tiết kiệm thời gian cho cá ăn (cứ bỏ cả đàn cá bảy màu vào hồ mà không quan tâm đến việc chúng ở đó trong 1- 2 tuần).
    [​IMG]
    Lại toàn răng với răng. Chúng chỉ được dùng để giữ chặt con mồi mà thôi và hầu như không được nhe ra.

    Nếu muốn, chúng ta có thể huấn luyện cá răng kiếm ăn các thức ăn khác ngoài mồi sống tuy không có gì đảm bảo là điều này sẽ thành công. Cá đói có thể hỗ trợ phần nào mặc dù cá trưởng thành có thể nhịn đói rất lâu. Cách khác là nặn thức ăn có hình dạng giống như cá sống. Sử dụng một cái que nhựa trong suốt để đẩy thức ăn trông như đang chuyển động để đánh lừa cá. Cách này có thể dụ cá ăn tôm đông lạnh và ngay cả thức ăn khô. Tuy nhiên, đừng hoàn toàn phụ thuộc vào cách cho ăn này vì loài cá răng kiếm có thể học hỏi và phát hiện rất nhanh.

    Hoạt động sinh sản của các loài này cũng từng được quan sát nhưng chưa hề thành công trong hồ cảnh. Cách tốt nhất có lẽ là thả chung nhiều cá đực với một cá cái tương tự như ở các loài cá tetra. Mô phỏng các điều kiện cuối mùa khô và đầu mùa mưa (như thay nước chẳng hạn) có lẽ cũng góp phần kích thích cá đẻ. Việc cho cá sinh sản thành công sẽ góp phần cung cấp thêm số lượng cá vào thị trường cá cảnh và giúp duy trì các giống loài này. Hy vọng rằng việc cho đẻ thành công các loài thuộc chi Acestrorhynchus chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

    Kỹ thuật nuôi chúng không hề quá khó nếu đem so sánh với một số loài cá đặc biệt khác, chỉ cần hồ lớn, độ pH hầu như bình thường, cách ly cá mồi và lựa chọn cá thả chung hồ một cách cẩn thận là có thể thành công trong việc nuôi dưỡng các loài cá răng kiếm đặc biệt này rồi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 23/6/17
    new yellow guy thích bài này.
  2. joni

    joni Active Member

    nhe rang cười tg dau dep lám.ai ngờ thấy ghê wé
     
  3. longh

    longh New Member

    nu cuoi nham hiem
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội