Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Sự thụ tinh kém ở gien mồng trà

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 16/3/08.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Sự thụ tinh kém ở gien mồng trà
    Katherine Plumer - http://www.rosecomb.com

    *Ghi chú của tác giả: bài viết này không chỉ nói riêng về vấn đề của giống gà Rosecomb mà về kiểu mồng trà (rose comb) ở mọi giống gà!*

    Giới thiệu
    Đôi khi, người ta thấy kiểu gien mồng (comb genotype) ở các giống gà thuần dưỡng có ảnh hưởng đến hành vi của chúng. Cụ thể, các nhà lai tạo phát hiện thấy gà White Wyandotte thụ tinh đặc biệt kém. Hàng loạt nghiên cứu cố gắng lý giải hiện tượng này. Bài viết này sẽ tổng hợp một vài nghiên cứu chính về hành vi và sự thụ tinh (fertility) ở những kiểu gien mồng khác nhau của gà, mà chủ yếu là sự thụ tinh kém ở kiểu mồng trà.

    Mồng dâu
    Mồng dâu (pea comb) là kiểu mồng thường thấy ở rất nhiều giống gà.

    Ảnh hưởng lên hành vi? Siegel và Dudley (1963) nghiên cứu kiểu mồng trà cùng với mồng lá để xác định ảnh hưởng của kiểu mồng lên hành vi của chúng. Số lượng xung đột giữa những con trống mồng dâu nhiều hơn đáng kể so với những con trống mồng lá. Khi gà trống có hai kiểu mồng này được nhốt chung, gà mồng lá thường chiếm ưu thế hơn so với gà mồng dâu. Gà trống mồng dâu thường bị lép vế hơn so với gà trống mồng lá.

    Mồng dâu và sự thụ tinh: Vào năm 1968, Buckland và Hawes tiến hành nghiên cứu để xác định mối liên hệ giữa kiểu gien mồng (đặc biệt là mồng dâu và mồng trà) với đặc điểm của tinh trùng hay cấu trúc của tinh hoàn. Rất nhiều yếu tố liên quan đến sự thụ tinh được xem xét.

    Sự thụ tinh: Sự thụ tinh chỉ ra rằng, gà trống mồng trà đồng hợp tử (pp,RR) thụ tinh kém và thụ tinh còn kém hơn nữa ở kiểu gien PP,RR (mồng trích). Gà trống mồng dâu đồng hợp tử (PP,rr) thụ tinh tương đương với mồng lá (pp,rr). Gà trống mồng lá và mồng dâu đồng hợp tử có khả năng thụ tinh lấn lướt so với mồng trà.

    Tỷ lệ nở: Gà trống với alen R không có gì khác biệt ở khả năng nở (hatchability). Tuy nhiên, gà trống mồng trích đồng hợp tử (PP,RR) có tỷ lệ nở thấp so với các kiểu mồng khác (Buckland and Hawes, 1968).

    Đặc điểm tinh trùng: Thí nghiệm chứng tỏ rằng gà trống mồng trích đồng hợp tử (PP,RR) và gà trống mồng trà đồng hợp tử (pp,RR) có tỷ lệ tinh trùng chết thấp nhất. Mặt khác, gà trống mồng dâu dị hợp tử (Pp,rr) và mồng trà dị hợp tử (pp,Rr) lại có tỷ lệ tinh trùng chết cao nhất. Không thể lý giải tại sao gà trống PP,RR và pp,RR tuy số tinh trùng bị chết ít mà lại thụ tinh kém (Buckland and Hawes, 1968).

    Những đặc điểm khác: Thí nghiệm chứng tỏ rằng kiểu gien mồng không ảnh hưởng đến đặc điểm của tinh hoàn. Tuy nhiên, gà trống mồng dâu dị hợp tử (Pp,rr) có trọng lượng tinh hoàn thấp hơn so với gà trống mồng trà đồng hợp tử (pp,RR) và gà trống mồng trà dị hợp tử (pp,Rr) (Buckland and Hawes, 1968).

    Mồng trà
    Mồng trà (rose comb) là kiểu mồng ở nhiều giống gà. Các nhà lai tạo kiểu mồng này thường phát hiện sự thụ tinh đặc biệt thấp so với những kiểu mồng khác.

    Di truyền của mồng trà: Mồng trà là kết quả của một gien trội điển hình, ký hiệu là R. Gien lặn r tạo ra mồng lá. Kiểu hình của đồng hợp tử (RR) và dị hợp tử (Rr) là như nhau và chỉ có thể phân biệt bằng cách lai tạo. Mồng trà đồng hợp tử khi lai với mồng lá sẽ cho ra bầy con toàn mồng trà. Mồng trà dị hợp tử khi lai với mồng lá sẽ cho ra bầy con mồng trà và mồng lá (Crawford and Smyth, 1964).

    White Wyandotte: White Wyandotte là giống gà lâu đời, và là một trong số những giống gà “hai tốt” vốn từng là nền tảng của công nghiệp chăn nuôi. Chúng được nuôi để lấy thịt và một số dòng được phát triển để cho nhiều trứng. Không may, giống gà này từ lâu đã bị than phiền về khả năng sinh sản kém (Hutt 1940).

    Nghiên cứu của giáo sư Hutt: Giáo sư F.B Hutt đã so sánh sự thụ tinh và nở của nó với các giống gà White Leghorn và Rhode Island Red. Ông phát hiện thấy Wyandotte luôn có tỷ lệ trứng hư cao hơn. White Wyandotte cũng có tỷ lệ gà con yếu, què quặt và dị tật cao hơn (Hutt 1940).

    Kết luận của ông: Giáo sư Hutt kết luận rằng một số yếu tố di truyền của gà White Wyandotte không tương thích với điều kiện sinh sản bình thường. Ông không thể xác định được sự sinh sản kém này là kết quả của việc thụ tinh kém hay tỷ lệ bào thai chết yểu cao. Ông cũng đề xuất một ý kiến cho rằng màu trắng có lẽ là nguyên nhân. Bởi vì gà White Wyandotte mang gien trắng lặn, ông đặt giả thiết rằng có lẽ có một gien độc hại liên kết với gien màu lông này. Liệu các biến thể Wyandotte màu khác có gặp vấn đề về thụ tinh hay không vẫn còn là điều chưa biết (Hutt 1940).

    Sự thụ tinh kém ở mồng trà: Crawford và Smyth nghiên cứu về sự thụ tinh kém ở mồng trà. Họ theo dõi tỷ lệ thụ tinh trung bình ở cả gà trống lẫn gà mái của các kiểu gien RR, Rr và rr (Crawford and Smyth 1964).

    Thụ tinh ở gà trống mồng trà: Tỷ lệ thụ tinh trung bình của gà trống RR đặc biệt thấp hơn so với gà trống kiểu gien khác. Tỷ lệ thụ tinh trung bình của gà trống mồng trà dị hợp tử và mồng lá là tương đương (Crawford and Smyth 1964).

    Thụ tinh ở gà mái mồng trà: Tỷ lệ thụ tinh trung bình của gà mái ở tất cả các kiểu gien là như nhau (Crawford and Smyth 1964).

    Ảnh hưởng lên tỷ lệ nở: Mặc dù số trứng thụ tinh ở gà trống RR rất thấp, số bào thai hư ở cả ba kiểu gien là thấp và gần như nhau. Điều này cho phép phỏng đoán rằng vấn đề thụ tinh nằm ở chỗ sự thụ tinh kém chứ không phải do bào thai chết yểu (Crawford and Smyth 1964). Alen R không ảnh hưởng đến khả năng nở (Buckland and Hawes, 1968).

    Mồng trà và hành vi giao phối
    Kể từ khi gà mồng trà được phát hiện thụ tinh kém, bước kế tiếp là xác định nguyên nhân gây ra điều này. Sau nghiên cứu của giáo sư Hutt vào năm 1940, hàng loạt nghiên cứu khác nữa cũng được thực hiện, một trong số đó khảo sát hành vi giao phối ở gà trống mồng trà.

    Thí nghiệm của Crawford và Smyth: Gà dùng trong thí nghiệm bao gồm ba kiểu mồng: mồng trà đồng hợp tử (RR), mồng trà dị hợp tử (Rr), và mồng lá (rr). Gà trống thuộc mỗi kiểu mồng được theo dõi với sự hiện diện của gà mái thuộc mỗi kiểu mồng. Hành vi của gà trống đối với gà mái, và của gà mái đối với gà trống được ghi nhận.

    Kiểu hành vi: Người ta phát hiện thấy gà trống và gà mái thuộc mỗi kiểu mồng có hành vi phản ứng đặc trưng trong những điều kiện nhất định.

    Gà trống: Có ba dạng biểu hiện khác biệt ở gà trống. Khi gà trống được thả với gà mái lần đầu, chúng thường đuổi đánh gà mái. Điều này thường kết thúc bằng việc giao phối. Dạng biểu hiện thứ hai thường được gọi là “de mái”, với việc xòe thấp một cánh và “lượn” bên cạnh con mái. Hành động này thường thấy khi gà trống lần đầu được thả vào chuồng và bắt đầu áp đặt quan hệ. Biểu hiện thứ ba và là biểu hiện thành công nhất được gọi là “xộ sau”. Gà trống tiến tới gà mái từ phía sau với đầu ngẩng cao và lông bờm dựng. Hành động này chỉ xuất hiện sau khi đã áp đặt quan hệ.

    Gà mái: Phản ứng của gà mái với gà trống là cúm rúm, tiếp theo là sự giao phối. Gà mái RR được gà trống mọi kiểu mồng ve vãn. Thêm nữa, gà mái RR ít được ve vãn bằng kiểu “xộ sau”, điều dẫn đến phỏng đoán rằng chúng hung dữ hơn các dạng gà mái khác. Hành vi “de mái” được thực hiện thường xuyên hơn đối với gà mái RR với mục đích áp đặt quan hệ. Gà mái ít cúm rúm nhất với gà trống kiểu mồng RR, điều dẫn đến phỏng đoán rằng, vì một lý do nào đó chúng bắt cặp kém hiệu quả.

    Tần suất giao phối: Gà trống mồng lá giao phối mạnh nhất, kế đó là gà trống Rr rồi mới đến gà trống RR. Cả hai kiểu gà trống mồng trà giao phối ít hơn nhiều so với gà trống mồng lá. Điều này làm dấy lên nghi vấn rằng kiểu mồng trà trực tiếp ảnh hưởng đến hành vi giao phối, hoặc sự khác biệt gây ra bởi cấu trúc cơ thể của hai kiểu hình này. Dẫu cả hai kiểu hình đồng hợp tử và dị hợp tử là như nhau, nhưng có sự khác biệt đáng kể về hành vi giữa chúng. Dường như sự khác biệt này liên quan đến các alen mồng trà và mồng lá.

    Nguyên nhân
    Hàng loạt nghiên cứu được tiến hành để xác định nguyên nhân gây ra sự thụ tinh kém ở gà mồng trà.

    Thời hiệu thụ tinh (duration of fertility): Nguyên nhân khả dĩ gây ra sự thụ tinh kém ở gà mồng trà có thể do tinh trùng không sống đủ lâu để thụ tinh cho nhiều trứng.

    Nghiên cứu của Crawford và Smyth: Crawford và Smyth tiến hành nghiên cứu xem tại sao mồng trà đồng hợp tử lại thụ tinh kém hơn so với mồng trà dị hợp tử và mồng lá. Thời hiệu thụ tinh được tính bằng số ngày từ khi thụ tinh đến khi trứng có cồ cuối cùng được gà mái đẻ ra.

    Khi gà trống thuộc cả ba kiểu mồng được cho lai với gà mái rr, người ta phát hiện thấy gà trống RR có thời hiệu thụ tinh chỉ bằng một nửa so với gà trống khác. Hơn nữa, gà trống RR có tỷ lệ giao phối thất bại cao hơn 30% so với gà trống khác. Mặt khác, gà mái RR dường như làm gia tăng thời hiệu thụ tinh nếu so sánh với các gà mái kiểu mồng khác.

    Phương pháp thụ tinh: Khi gà mái được thụ tinh âm đạo (intravaginal insemination), gà trống RR luôn có thời hiệu thụ tinh thấp nhất. Người ta cho rằng có thể hình thức hay sự di chuyển của tinh trùng có vấn đề khi đi vào túi chứa tinh. Tuy nhiên, thậm chí với thụ tinh tử cung (intrauterine insemination), gà trống RR vẫn có sự thụ tinh kém nhất. Bởi vì các phương pháp thụ tinh không làm thay đổi thời hiệu thụ tinh, người ta kết luận rằng sự chi chuyển của tinh trùng không phải là nguyên nhân gây ra sự thụ tinh kém ở gà trống mồng trà (Crawford and Smyth 1964).

    Thể chất và sự di chuyển của tinh trùng: Một nguyên nhân khả dĩ lý giải cho sự thụ tinh kém ở mồng trà đó chính là tinh trùng. Hàng loạt khía cạnh về thể chất của tinh trùng được phân tích.

    Nghiên cứu của Petitjean và Cochez: Petitjean và Cochez nghiên cứu về “sự di chuyển” của tinh trùng ở gà trống kiểu mồng RR, Rr và rr. Tinh trùng có 2 dạng di chuyển: dao động hay chuyển động qua một điểm, và bơi (chuyển động phù hợp). Tinh trùng mạnh bơi nhiều hơn, trong khi tinh trùng yếu dao động nhiều hơn. Họ phát hiện thấy gà trống RR có tinh trùng yếu một cách đáng kể so với các gà trống Rr và rr.

    Ảnh hưởng của cạnh tranh di chuyển: Caffeine và Ca++ được biết giúp tăng cường sự di chuyển của tinh trùng. Thông thường, mức độ thể chất của tinh trùng ở gà trống RR chỉ bằng 76-77% so với tinh trùng của gà trống Rr. Điều này không được cải thiện với Ca++. Tuy nhiên, caffeine giúp cải thiện một cách đáng kể hoạt động thể chất của tinh trùng gà trống RR lên 86% so với tinh trùng của gà trống Rr. Chất này không phải là liệu pháp kích thích đối với gà trống Rr hay rr (Kirby et al. 1993).

    Tinh xuất (ejaculated sperm) và tinh gốc (testicular sperm): Người ta thấy rằng tinh trùng từ gà trống RR và Rr hành xử không giống nhau khi thụ tinh âm đạo (intravaginal insemination). Khả năng thụ tinh của tinh trùng RR có thể được cải thiện với thụ tinh tử cung (intrauterine insemination), bởi vì việc di chuyển không còn là vấn đề nữa. Khi tinh trùng gốc (testicular sperm) của gà trống RR và Rr được dùng để thụ tinh âm đạo cho gà mái, người ta phát hiện thấy không có sự khác biệt về khả năng thụ tinh. Tinh xuất (ejaculated sperm) của gà trống Rr mạnh hơn nhiều so với gà trống RR. Điều này dẫn đến phỏng đoán rằng vấn đề nằm ở sự vận động lệch lạc của tinh trùng vào giai đoạn sau cùng trước khi xuất tinh (Kirby et al. 1994).

    Giả thuyết khác: Có một nghiên cứu đưa ra ý kiến rằng sự suy giảm về thể chất và vận động của tinh trùng gà trống RR là do suy giảm hoạt động của enzyme glycolic (McLean and Froman, 1996).

    Kết luận
    Những nghiên cứu về kiểu mồng và ảnh hưởng của nó lên hành vi và sự thụ tinh đã chứng tỏ rằng kiểu gien mồng có tác động một cách sâu sắc. Đặc biệt ở kiểu mồng trà, gien mồng trà đồng hợp tử có liên quan đến khả năng sinh sản kém. Có hàng loạt yếu tố dường như góp phần vào vấn đề này. Gà trống RR ghép cặp kém thành công với gà mái. Chúng có tỷ lệ giao phối thất bại cao, và hiệu lực thụ tinh ngắn hơn rất nhiều. Không có sự khác biệt gì về khả năng thụ tinh ở gà mái RR, Theo những nghiên cứu gần đây, dường như vấn đề lớn nhất nằm ở thể chất và vận động của tinh trùng, mặc dù vậy nguyên nhân cụ thể gây ra sự thụ tinh kém ở gà trống mồng trà vẫn chưa được xác định.

    -----------------------------------------------------------------

    Ghi chú (vnrd)
    *Ở một số giống gà, gà trống mồng trà và mồng trích có khả năng thụ tinh kém, thể chất không bằng gà trống kiểu mồng khác (mồng lá và mồng dâu). Hơn nữa, tỷ lệ nở của trứng (có cha mồng trà hoặc mồng trích) cũng thấp. Đây là vấn đề di truyền.

    *Hiện nay, một số giống gà kiểng có kiểu mồng trà (Rosecomb, vảy cá (Seabright) hoặc mồng trích (gà tre Tân Châu). Những giống gà này đều khó sinh sản và vì vậy, việc tuyển chọn cá thể đẹp, hợp chuẩn sẽ rất khó khăn.

    *Bảng tiêu chuẩn gà tre Tân Châu chấp nhận cả mồng dâu, lai tuyển chọn lâu dài vẫn có thể tạo ra dạng mồng dâu nhỏ gọn mà lại không gặp vấn đề về di truyền.

    *Nhiều giống gà đá như gà Anh (Old English Gamefowl), gà Mỹ (American Gamefowl) đều có mồng nguyên thủy là mồng lá. Khi đạt trên 6 tháng tuổi, gà sẽ được tỉa mồng, tích, dái tai (dubbing) cho gọn đẹp. Mồng tỉa rồi sẽ không mọc lại nữa. Vì lý do thẩm mỹ, gà tham dự triển lãm bắt buộc phải tỉa mồng. Nếu áp dụng theo cách này thì việc lai tạo sẽ đơn giản mà gà vẫn đẹp một cách “hoàn hảo”. Tham khảo Cách-tỉa-mồng-gà
    [​IMG]

    *Tác giả bài viết (Katherine) không đưa ra cách thức lai tạo tối ưu cho các kiểu mồng trích và mồng trà. Nhưng theo suy luận, nếu chúng ta cứ lai mồng trích x mồng trích, mồng trà x mồng trà thì xác suất xuất hiện của đồng hợp tử RR ở các thế hệ về sau là rất cao --> kết quả dòng gà ngày càng suy. Để duy trì dòng gà, có lẽ phải chấp nhận lai xa với mồng lá để thu được gà trống dị hợp tử Rr.
    Tạo con giống và giữ dòng: Mồng trích (mồng trà) x mồng lá --> Gà trống Rr. Như vậy, nhà lai tạo vẫn phải duy trì dòng gà mồng lá để giữ dòng mồng trích (mồng trà).
    Sản xuất: Gà trống Rr x gà mái (cùng kiểu mồng) --> gà thương mại

    Các-dạng-mồng-gà
    Các-dạng-mồng-gà-2
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội