Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Gà vảy cá - hoa độc trong vườn!

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 20/5/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Gà vảy cá - hoa độc trong vườn!
    Tom Franklin - http://www.angelfire.com/ab/sebrightbantam/pageone.html

    [​IMG]

    Gà vảy cá (Sebright) – Giống gà tre độc đáo
    Một đàn gà vảy cá luôn trông rất ấn tượng ở bất kỳ miền thôn dã nào. Tại rất nhiều nơi, số lượng gà vảy cá xuất hiện nhiều hơn bất kỳ giống gà nào khác. Vậy điều gì làm nên sự độc đáo của gà vảy cá?

    Độ tương phản của bộ lông
    Có hai biến thể màu được công nhận ở Bắc Mỹ, màu vàng (golden) và màu trắng (silver). Màu vàng thường phải đậm và đều, trong khi màu trắng phải thực sự trắng. Gà vảy cá nổi tiếng bởi chất lượng của vảy cá tức viền lông. Mỗi sợi lông đều có viền đen, khiến cho màu nền trông sáng và nổi bật hơn.

    Mã lại (hen feathering)
    Gà vảy cá trống có lông mã lại – điều đó có nghĩa lông mã và lông đuôi tương tự như gà mái và không hề có lông phụng vốn là đặc điểm nhận dạng ở gà trống nói chung. Ngoài gà vảy cá, giống gà Campine cũng có lông mã lại.

    Mồng trà màu dâu tằm
    Tất cả gà mái đều có mồng trà màu “dâu tằm” hay tím sẫm; dẫu khó được như vậy, hầu hết gà trống xịn đều có mồng phớt màu dâu tằm và viền mắt sẫm (dark eye cere). Vì vậy hãy quên đi kiểu mồng đỏ “thường thường”! Đặc điểm này bổ sung vào sự độc đáo của giống gà tuyệt vời này.

    Kích thước gà vảy cá rất nhỏ
    Gà vảy cá là giống gà tre chính hiệu (true bantam) bởi không hề có phiên bản to hơn. (Lưu ý, một số giống gà to con như gà Mỹ, gà Pheonix... đều có phiên bản giống hệt nhưng nhỏ con hơn).

    Là giống gà tuyệt vời để nuôi kiểng, một bầy gà vảy cá cần rất ít thức ăn so các giống gà khác. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp gà được thả rông trong sân, vườn hoặc ngoài đồng. Không gì bận rộn hơn gà vảy cá bới tìm thức ăn trong sân vườn!

    Kích thước nhỏ cũng giúp việc ôm gà rất dễ dàng. Trẻ em có thể chơi với chúng và một khi gà càng được chơi nhiều thì chúng càng dạn người.

    Còn bây giờ, bạn đã hiểu vì sao mà gà vảy cá (Sebright) độc đáo chưa?

    [​IMG]
    Hình vẽ một cặp gà vảy cá trắng trong Bản tiêu chuẩn (Standard of Perfection - 1905) của Hiệp hội Gia cầm Mỹ (American Poultry Assocciation)

    Lịch sử

    Dưới đây là một trong hai thuyết trái ngược về nguồn gốc của gà vảy cá.

    Điểm thú vị là John Sebright cũng là người giới thiệu giống bồ câu Pygmy Pouter, một phiên bản tí hon của giống bồ câu Pouter Anh.

    Tham khảo: Golden and Silver Sebright Bantams, Bill Holland, pp. 2-3, American Bantam Association, 1980.

    Vào khoảng 1800, Sir John Sebright quá cố bắt đầu lai tạo giống gà vảy cá (Sebright bantam). Việc lai tạo được thực hiện giữa một số giống gà tre phổ biến với giống gà Ba Lan (Polish fowl). Chúng được lai tạo mãi cho đến khi đạt được kích thước và đặc điểm mong muốn. Rồi tình cờ Sir John phát hiện thấy một con gà tre mã lại khi ông đi du lịch trong nước. Con gà trống mã lại này được lai với giống gà tre mới của ông do đó mà con cháu đời sau được thừa hưởng gien mã lại.

    Theo cuốn “Poultry Chronicle”, Sir John kiếm được một con gà tre mái màu da bò (buff) ở Norwich: nó rất nhỏ với chân màu xám. Trong chuyến đó ông cũng mua được một con gà trống màu điều không có lông phụng với lông mã như gà mái ở Watford; và một con gà mái nhỏ tương tự như một con Hamburg vàng. Sau đó ông kiếm được một con gà trống nhạn từ Vườn Bách Thảo mà nhờ đó ông tạo ra biến thể trắng. Đây là mô tả về nguồn gốc của giống gà trước khi viền vảy cá xuất hiện. Chúng được gọi là gà tre công (pheasant bantam).

    Sir John cũng thành lập một câu lạc bộ để thúc đẩy việc cải thiện giống gà của mình. Nó được đề cập trong cuốn “Poultry Chronicle” xuất bản năm 1855: “Sebright Bantam Club được thành lập từ cách nay 40 năm bởi Sir John S. Sebright quá cố và nhiều nhà chơi gà kiểng khác, những người đã nỗ lực hết mình để ghép bộ lông xinh đẹp của giống gà Ba Lan lên giống gà tre càng nhỏ càng tốt. Họ (Sir John, ông Stevens quá cố, ông Hollingworth quá cố, ông Garle và những người khác) bắt đầu công trình của mình bằng việc tuyển chọn những con gà Ba Lan tốt nhất và lai xa một cách cẩn trọng với gà tre, để dần đạt được mục tiêu của mình. Họ phải tuyển chọn những đặc điểm tốt nhất, loại bỏ lông bờm và lông đuôi dài, và giảm kích thước, duy trì hết sức có thể hình dáng thực sự khác biệt của giống gà. Điều này gần như đã thành công, nhưng thỉnh thoảng vẫn phải lai xa với gà tre đen, rồi liên tục lai cận huyết để dòng gà ổn định. Câu lạc bộ tổ chức họp mặt thường niên vào ngày thứ ba của tuần thứ 2 trong tháng 2 ở Brick Lane, nhưng vài năm sau chuyển vể tiệm cà-fê Gray’s Inn ở Holborn, hồi đó luôn hạn chế kết nạp người lạ, sau khi trọng tài trao giải. Câu lạc bộ khá khép kín, mọi thành viên mới đều phải được một thành viên cũ giới thiệu và bầu chọn. Lệ phí thành viên là 2 gi-nê mỗi năm đối với Thành viên Vàng, và cũng vậy với Thành viên Bạc để lấy kinh phí làm giải thưởng. Tất cả gà phải là tài sản thực sự của người dự thi, được lai tạo bởi chính người đó và dưới một năm tuổi. Gà trống dưới 620 gram, gà mái dưới 510 gram. Gà trống không được có lông bờm dài, không có lông mã (mã lại), không có lông phụng; chúng phải có mồng trà, lưng ngắn, đầu và đuôi cao gần như nhau; màu nền, gồm màu vàng (gold) và trắng (silver) phải sạch và mỗi lông đều phải có viền vảy cá màu đen tuyền (không được có bông, đốm). Lông đuôi cũng phải có viền (tuy rất hiếm) và các viền ở cánh phải đen và rõ. Gà mái cũng phải có đặc điểm tương tự”.

    [​IMG]

    Đây là thuyết thứ hai về nguồn gốc của gà vảy cá cùng với thông tin về sự phát triển của giống gà.

    Tham khảo: Frank L. Gary, Sebright History – Golden and Silver Sebright Bantams, Bill Holland, pp. 24-25, American Bantam Association, 1980.

    Moubray trong cuốn Domestic & Ornamental Poultry bình luận về nguồn gốc của gà vảy cá như thế này:

    “Mặc dù người ta thường cho rằng John S. Sebright, cựu thành viên hội đồng hạt Herfordshire, Anh là ông tổ của gà vảy cá, và rằng nhờ quá trình lai tạo lâu dài và cẩn trọng hàng loạt giống gà tre phổ biến cùng với một số kỹ năng bí mật mà không ai có thể lý giải, đã tạo ra một giống gà hoàn toàn mới và khác biệt. Sir John không bao giờ công bố ông tạo ra gà vảy cá khi nào cũng như ông có phải là ông tổ hay không. Các văn bản chỉ lưu ý rằng vào thời mà giống gà xuất hiện, không có tuyên bố nào cho thấy Sir John là ông tổ của giống gà, mà ngược lại trong một văn bản xuất hiện ngay sau khi gà vảy cá ra đời, tác giả nói rằng giống gà đã hình thành, và Sir John là “một trong số những tay chơi chủ chốt” của giống gà này, dẫn đến kết luận rằng chúng bắt nguồn từ phương đông và có lẽ được Sir John nhập về và phổ biến một cách rất thành công”

    Vào thời đó, gà vảy cá cực nhỏ, trọng lượng được giới hạn khoảng từ 850 đến 900 gram một cặp.

    Tiêu chuẩn gà Mỹ (American Standard of Excellence) lần đầu xuất bản vào năm 1874 mô tả chúng như là gà “Laced Sebright” vàng và trắng. Biến thể vàng phải có màu vàng kim đậm và biến thể trắng màu trắng tinh. Dái tai được gọi là “tai điếc” và màu trắng. Da đầu được mô tả có màu đỏ, đương nhiên dính dáng đến mồng trong mô tả kế đó về lông đầu. Lông cánh gà trống được mô tả “chóp rất xệ, gần như chạm đất”. Gà trống trên 740 gram, gà mái trên 620 gram sẽ bị loại, không thấy quy định trọng lượng trống và mái non.

    1875 – Tên được chuyển thành gà vảy cá (Sebright) vàng và trắng. Không thấy quy định màu của mồng. Gà trống trên 790 gram, gà mái trên 680 gram sẽ bị loại. Không có quy định về trọng lượng nào khác. Coi như 2 giống riêng biệt.

    1879 – Lần đầu tiên, trọng lượng chuẩn được xác định gà trống 740 gram, gà mái 680 gram, gà mái tơ 620 gram.

    1883 – Lần đầu tiên, tích được mô tả “đỏ tươi”. Cánh gà trống được mô tả “cánh xệ, nhưng không chạm đất”.

    1888 – Trọng lượng điều chỉnh thành gà trống 740 gram, gà mái 620 gram, gà trống tơ 620 gram, gà mái tơ 570 gram.

    1889 – Một giống phân làm hai biến thể, vàng và trắng. Lần đầu tiên, mô tả hình dáng và màu sắc được định nghĩa một cách riêng biệt.

    1893 – Dái tai chuyển từ màu trắng thành “màu sắc không quan trọng đối với cả hai biến thể”.

    1905 – Lần đầu tiên, Franklane L. Sewell (1905) vẽ hình minh họa gà vảy cá trống và mái trắng.

    1910 – Bộ lông màu vàng kim (gold) chuyển thành vàng (yellow), bỏ từ “đậm”. Hình minh họa mới được thực hiện bởi Arthur O. Schilling (1910). Màu sắc chung rất nhạt chủ yếu do số lượng lông giảm và viền lông rất nhuyễn. Lần đầu tiên, đuôi gà trống và gà mái được mô tả phải đạt 70 độ so với đường ngang. Cá thể lố 100 gram so với trọng lượng chuẩn sẽ bị loại. Màu mắt của biến thể vàng chuyển từ sáng sang nâu, mặt và mồng của biến thể trắng chuyển từ đỏ tươi sang tím hanh đỏ.

    1915 – Dái tai của cả hai biến thể chuyển thành “ưu tiên tím hanh đỏ”. Biến thể vàng chuyển từ “vàng” (golden yellow) sang “vàng thau” (golden bay). Hình vẽ gà vảy cá trắng mới được minh họa bởi Arthur O. Schilling (1914). Trong hình mới này, viền vảy dường như hơi dày hơn so với minh họa trước đó.

    1920 – Dáng và lưng chuyển từ “ngắn” sang “rất ngắn”.

    1952 – Hình minh họa mới bởi Arthur O. Schilling (1952).

    1965 – Tiêu chuẩn của Hội gà tre Mỹ (American Bantam Association) ra đời. Đây là lần đầu tiên, bản mô tả hoàn chỉnh về hai biến thể gà vảy cá xuất hiện, cả về hình dáng lẫn màu sắc. Lần đầu, mọi thuật ngữ đều được định nghĩa một cách rõ ràng. Nhiều thuật ngữ trước đây chưa hề xuất hiện trong bất kỳ bản tiêu chuẩn nào bao gồm tiêu chuẩn của Hiệp hội Gia cầm Mỹ, Anh, Hà Lan, Đức và Pháp. Hơn nữa, những thuật ngữ hoàn chỉnh được áp dụng cho cả những giống gà tre khác, không thuật ngữ ngoại lệ nào dành riêng cho gà vảy cá.

    [​IMG]

    Đánh giá

    Theo trọng tài Rico Sebastianelli (28-3-1999)
    Rico Sebastianelli, một trọng tài đáng kính, đã phát biểu về việc chấm điểm gà vảy cá như sau:

    Với tôi điểm quan trọng nhất là “dáng chuẩn” (type). Tôi luôn quan tâm đến dáng. Gà vảy cá có lẽ hơn các giống gà tre khác ở điểm mà tôi gọi là “dáng chuẩn”. Tôi gọi nó là “dáng chữ S”, khi nhìn vào ngực, cổ và đầu. Bạn có thể có gà tre lông “vảy cá” nhưng một khi không có dáng chữ S thì chúng chưa thể là gà vảy cá (Sebright) được.

    Điều nữa tôi để ý ở gà vảy cá là vùng đầu. Tôi ám chỉ đến bộ mặt màu dâu tằm ở gà mái, với mắt và mồng màu tối sẫm dễ thương. Ở gà trống, màu mắt cũng quan trọng. Mắt màu sẫm với mồng sẫm hơn. Mồng đỏ tươi là không đạt.

    Hình lông cũng quan trọng. Bạn muốn kiểu lông ngắn và rộng, chóp lông tròn và không được nhọn.

    Tôi thà chọn con gà dáng đẹp mà viền vảy cá xấu còn hơn con gà dáng xấu mà viền vảy cá đẹp. Dĩ nhiên, tôi cũng muốn thấy viền vảy cá sạch, đẹp hơn là lem nhem nhưng nhớ đừng đổ quá nhiều công sức vào đó. Tôi cũng muốn nói với các nhà lai tạo mới rằng, luôn xây nhà trước (chọn dáng) rồi mới sơn phết nó sau (nghĩa là chọn màu).

    Theo trọng tài Paul F. Kroll (3-5-1999)
    Tôi được Hiệp hội Gia cầm Mỹ (APA) cấp bằng đánh giá gà lớn và gà tre từ năm 1976. Tôi lai tạo gà tham dự triển lãm từ đầu những năm 1960 với một số kinh nghiệm từ đầu những năm 1950. Tôi chưa hề lai tạo và nuôi dưỡng gà vảy cá nhưng có kinh nghiệm nuôi một số giống gà tre “chính hiệu” như Rosecomb, d'Uccles và tình yêu đầu đời, gà tre nhật. Tôi luôn nuôi gà tre nhật; cùng với nhiều nhà lai tạo khác, tôi học cách đánh giá thông qua việc nuôi dưỡng và lai tạo chúng (khi thú nhận mình chưa bao giờ nuôi gà vảy cá, tôi không có ý chối bỏ trách nhiệm mà chỉ muốn nói rằng quan điểm của tôi là quan điểm của một trọng tài và người quan sát, chứ không phải của nhà lai tạo).

    Tôi từng chấm điểm gà vảy cá ở một số hội chợ và cả triển lãm quốc gia nữa. Tôi luôn ấn tượng trước hình dáng nổi bật, nhí nhảnh và bộ lông khác biệt của gà vảy cá. Tôi có thể khẳng định rằng nhiều trọng tài thường sai sót khi chấm gà nhỏ bởi vì đấy là những con dáng chuẩn và sát với hình vẽ nhất. Gà lớn hơn (có lẽ kích thước/trọng lượng chính xác – tôi không biết nếu chưa đem cân) luôn trông có vẻ “lưng quá dài” khiến thân hình như quả thủy lôi, không như độ cong trên hình vẽ.

    Tôi công nhận đấy là quan điểm cá nhân. Đấy là những điều tôi được học từ người thầy chính của mình, trọng tài Charles M. Burmaster. Charlie là người yêu thích nhiều loài sinh vật cảnh và cùng với Alex Duffy điều hành triển lãm Madison Square Garden danh tiếng vào năm ngoái.

    --------------------------------------------------------------------------------------

    Ghi chú (vnrd)
    *Thuyết cho rằng nguồn gốc gà vảy cá ở phương đông là có căn cứ bởi vì từ bao đời nay, người ta đã biết về gà nòi mã lại.

    * Một số biến thể màu

    Màu vàng (golden)
    [​IMG]

    Màu trắng (silver)
    [​IMG]

    Màu da bò (buff)
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 21/5/18
  2. Gà Sebright

    Gà Sebright New Member

    Do nhu cầu và có điều kiện vận chuyển,nên mình rất muốn nhập giống gà này từ thailand hay philippins về.Mà mình lại không biết nguồn cung cấp giống,nên mình muốn hỏi các bạn có biết trại nào chuyên nuôi và cung cấp giống này ở thai hay Phi.. ko?nếu các bạn biết thông tin trên thì cho mình xin..(web site,số phone hay các farm có bán)mình xin cám ơn.Chắc chắn mình sẻ đem về tp.hcm
    email mình:trankhang1404@yahoo.com
     
  3. gatretanchaubacninh9x

    gatretanchaubacninh9x Trại Gà tre tân Châu

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội