Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Chủng ngừa cho bầy gà nhỏ

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - gà' bắt đầu bởi vnreddevil, 10/9/11.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chủng ngừa cho bầy gà nhỏ
    J.P. Jacob, G.D. Butcher & F.B. Mather - http://edis.ifas.ufl.edu/ps030

    Tại sao phải tiêm vắc-xin?

    Vắc-xin là phương tiện hiệu quả để ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với gia cầm. Gia cầm là những loài có lông vũ mà con người nuôi vì mục đích giải trí cũng như thực phẩm, nhìn chung bao gồm các loài như gà, gà tây, vịt, ngỗng, cút, trĩ, bồ câu, gà guinea, công, đà điểu, đà điểu úc (emu) và đà điểu mỹ (rhea).

    Bệnh – gây ra bởi các vi sinh vật có thể được xếp loại từ nhỏ đến lớn, bao gồm virus, mycoplasma, vi khuẩn (bacteria), nấm (fungi), nguyên sinh bào (protozoa) và ký sinh (parasite). Tất cả các vi sinh vật này đều có thể được điều trị bằng thuốc, ngoại trừ virus. Việc khống chế bệnh virus dựa vào phòng ngừa thông qua vệ sinh và an toàn sinh học, và bằng vắc-xin.

    Vệ sinh và an toàn sinh học nghiêm ngặt mang lại hiệu quả trong công tác chăn nuôi gia cầm. Vắc-xin không thể thay thế cho quy trình quản lý hiệu quả. Bạn cần hiểu rằng vắc-xin có thể hiệu quả trong việc giảm số ca bệnh, nhưng cá thể bị phơi nhiễm, trong hầu hết trường hợp vẫn bị nhiễm và phát bệnh.

    Quyết định tiêm vắc-xin

    Gia cầm công nghiệp thường được tiêm vắc-xin để bảo vệ chúng khỏi hàng loạt bệnh tật. Tuy nhiên, vắc-xin hiếm khi được áp dụng cho những bầy gà nhỏ. Có nhiều nguyên nhân, bao gồm:

    ● Gà hiếm khi mắc bệnh

    ● Không biết gà bị bệnh

    ● Không chẩn đoán đúng bệnh

    ● Không biết chỗ mua vắc-xin

    ● Quá đắt đỏ bởi vắc-xin gia cầm thường bán sỉ theo gói từ 500 đến 10.000 liều.

    Không may, bầy gia cầm nhỏ cũng mắc những bệnh vốn có thể được khống chế nhờ vắc-xin. Những bệnh này có thể khiến chủ trại bị thiệt hại về thu nhập bán trứng, thịt và gà. Những thiệt hại khác có thể bao gồm mất con giống quý hay không thể tham dự các triển lãm gia cầm.

    Quyết định chủng ngừa một loại bệnh nhất định tùy thuộc vào nguy cơ lây nhiễm của bầy gà đối với bệnh đó. Nếu bầy gà khép kín, không bao giờ thả thêm gà mới và gà đã rời trại không bao giờ được phép quay về, thì nguy cơ lây nhiễm rất nhiều bệnh sẽ được hạn chế. Trong trường hợp này, bởi vì nguy cơ rất thấp nên chủ trại có thể quyết định không cần chủng ngừa.

    Nên cân nhắc việc tiêm chủng trong một số trường hợp sau đây:

    ● Đem gà dự triển lãm

    ● Mua gà từ trại ấp, nhà đấu giá hay từ những nguồn khác và bổ sung vào bầy gà hiện hữu.

    ● Từng mắc bệnh trong quá khứ.

    Các loại vắc-xin thông dụng

    Virus kích thích sự phát triển của hệ miễn nhiễm tốt hơn so với bất kỳ loại vi sinh nào khác, vì vậy những vắc-xin gia cầm hiệu quả nhất là loại phòng ngừa bệnh có nguyên nhân virus.

    Vắc-xin bao gồm cả những vi sinh còn sống lẫn đã chết. Virus-sống sinh sôi trong vật chủ để gia tăng số lượng. Sản phẩm virus-chết phụ thuộc vào số đơn vị kháng nguyên trong liều vac-xin để kích thích đề kháng của cơ thể. Hầu hết vắc-xin gia cầm đều là loại virus-sống [nhược độc]. Vắc-xin vi khuẩn gồm loại sống [nhược độc] hay bất hoạt (inactivated) và được gọi là “bacterin”.

    Bệnh Marek

    Vắc-xin bệnh Marek thường được chủng ngừa cho gà tại trại ấp vào ngày trứng nở. Nó được tiêm dưới da cổ. Tốt nhất nên mua gà đã được tiêm vắc-xin tại trại ấp.

    Trên thực tế, vắc-xin chỉ ngăn ngừa di chứng liệt và khối u ở bệnh Marek. Nó không giúp gà khỏi bị nhiễm và phát bệnh Marek.

    Gà từ 2 đến 16 tuần tuổi (trước khi trưởng thành) rất dễ nhiễm bệnh Marek. Dẫu bệnh này thỉnh thoảng cũng xuất hiện ở trĩ, cút, gà kiểng và gà tây, nhưng người ta thường không chủng ngừa bệnh Marek cho chúng.

    Bệnh Newcastle

    Gà và gà tây có thể đề kháng với bệnh Newcastle. Vắc-xin nhược độc và bất hoạt được áp dụng bằng nhiều đường chẳng hạn như uống, nhỏ mắt, nhỏ mũi và phun. Vắc-xin virus-chết dạng nhũ tương (oil emulsion) được tiêm bắp hay da cho gà mái tơ ngay trước thời kỳ đẻ trứng.

    Gà thường được chủng ngừa kết hợp bệnh Newcastle và viêm phế quản tại trại ấp. Gia cầm vài ngày tuổi vừa chủng ngừa bệnh Newcastle không thể vận chuyển qua đường bưu phẩm.

    Vắc-xin kết hợp bệnh Newcastle và viêm phế quản có thể được chủng ngừa từ 10 đến 35 ngày thuổi. Vắc-xin có thể được áp dụng qua đường uống, nhỏ mắt và nhỏ mũi. Với gà đẻ và gà giống, vắc-xin cần được chủng nhắc sau mỗi 3 tháng để duy trì kháng thể. Cách khác, vắc-xin bất hoạt có thể được áp dụng trong giai đoạn nhốt gà (18-20 tuần tuổi). Quy trình này không đòi hỏi phải chủng nhắc. Với gà giống, lượng kháng thể cao nhờ chủng nhắc sẽ đảm bảo việc truyền sức đề kháng từ cha mẹ sang bầy con.

    Nếu bạn mua gà mái tơ hay trưởng thành để bổ sung vào bầy gà đã được chủng ngừa, chúng cần được chủng ngừa bệnh Newcastle (B-1) qua đường uống, nhỏ mắt hay nhỏ mũi. Loại vắc-xin LaSota tác động mạnh hơn được chủng nhắc sau đó 4 tuần.

    Gà tây thường được chủng ngừa bệnh Newcastle ở 4 tuần tuổi, và chủng nhắc khi gà giống được nhốt chuồng.

    Bệnh viêm phế quản (infectious bronchitis)

    Bệnh viêm phế quản là bệnh đường hô hấp chủ yếu ở gà. Vắc-xin nhược độc bổ sung (thường bao gồm loại huyết thanh Massachusetts) được chủng ngừa cho gà con. Vắc-xin chỉ hiệu quả nếu chúng chứa loại huyết thanh phù hợp ở khu vực đó. Đừng chủng ngừa trong khi dịch bùng phát.

    Chủng ngừa bệnh viêm phế quản thường kết hợp với chủng ngừa bệnh Newcastle trong cùng liều và được áp dụng tại trại ấp hay từ 10 đến 35 ngày tuổi (xem bệnh Newcastle).

    Vắc-xin virus-chết (gốc nhũ tương) cũng có bán. Chúng được tiêm (bắp hay da) cho gà giống từ 14 đến 18 tuần tuổi.

    Bệnh viêm thanh-khí quản (laryngotracheitis)

    Bệnh viêm thanh-khí quản (LT) tấn công cả gà lẫn trĩ. Chủng ngừa LT không mang lại thành công như những bệnh khác, nhưng là biện pháp phòng ngừa tuyệt vời trong các vùng dịch bệnh. Cần xin giấy phép chủng ngừa từ chính quyền. Đừng chủng ngừa trừ phi ở vùng hay trại gà của bạn có dịch. Nếu quyết định chủng ngừa thì tất cả gà đều được chủng, kể cả những con mới đem về. Nên chủng nhắc hàng năm.

    Vắc-xin được chủng bằng cách nhỏ mắt hay mũi. Gà phải đạt tối thiểu 4 tuần tuổi. Gà nhỏ tuổi hơn phản ứng kém với vắc-xin.

    Chẩn đoán và chủng ngừa nhanh có thể chặn đứng dịch bùng phát trong bầy gà.

    Bệnh đậu gà (fowl pox)

    Có 6 dòng đậu gà gần giống nhau. Chúng bao gồm đậu gà, đậu bồ câu, đậu cút (quail), đậu yến (canary), đậu vẹt (psittacine) và đậu đà điểu (ratite). Đậu bồ câu tấn công bồ câu, gà, gà tây, vịt và ngỗng. Đậu yến tấn công yến, gà,vẹt, và có lẽ cả những loài khác nữa. Trong một số trường hợp, nhưng không phải là luôn luôn, việc phơi nhiễm với một loại virus sẽ kích thích sự phát triển đề kháng với loại virus đó và một hay vài loại virus khác nữa.

    Bệnh đậu gà có thể được ngăn ngừa trên gà, gà tây và bồ câu bằng cách chủng ngừa, nhưng không có loại vắc-xin thương mại hiệu quả nào để ngăn ngừa đậu yến.

    Gà và bồ câu thường được chủng ngừa bằng phương pháp chích màng cánh. Một dụng cụ với hai khe kim bơm đầy vắc-xin và chích vào màng cánh. Gà tây không thường được chích vắc-xin vào màng cánh. Chúng giấu đầu dưới cánh khi ngủ. Gà tây vẫn bị đậu màng kết (conjunctival) ở mắt nếu vắc-xin được chích qua màng cánh. Thay vào đó, gà tây được chủng ngừa ở hông.

    Ở những trang trại đang có dịch đậu gà, có lẽ tất cả gia cầm đều phải chủng ngừa. Tất cả gà và gà tây một ngày tuổi, gà mái tơ từ 10 đến 12 ngày tuổi, và gà tây từ 8 đến 14 tuần tuổi hoặc khi xuất chuồng đều phải chủng ngừa.

    Ở những vùng đặc hữu, cần xác định loại virus gây bệnh. Đậu cút cũng tấn công cả gà. Không hề có sự cách ly giữa đậu cút với đậu gà. Có lẽ cần chủng ngừa cả hai loại vắc-xin nếu chúng là loại bệnh đặc hữu trong vùng. Bầy có thể được chủng ngừa vắc-xin đậu gà để giảm mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.

    Đừng chủng ngừa trừ phi có dịch bệnh trong trại hay trong vùng. Virus lây từ con này sang con kia qua đường côn trùng hút máu (chẳng hạn như muỗi) hay qua các vết thương và trầy xước khi gà đánh nhau. Nếu muỗi trong vùng truyền bệnh mạnh, chủ trại gà có thể cân nhắc tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh đậu gà.

    Trường hợp cần chủng ngừa gà con, bầy gà phải được chủng ngừa sau khi đạt 8 tuần tuổi hay hơn để duy trì sức đề kháng.

    Bệnh tiêu chảy gà (fowl cholera)

    Bệnh tiêu chảy gà tấn công hầu hết loài chim kể cả gia cầm (chủ yếu là gà và gà tây), gà cảnh (đặc biệt là trĩ), vịt, chim cảnh, chim hoang và chim nuôi trong sở thú.

    Có hai loại vắc-xin ngừa bệnh tiêu chảy gà – bacterin nhược độc (live attenuated) và bất hoạt. Vắc-xin uống là vi khuẩn suy-yếu áp dụng qua đường uống. Vắc-xin loại này dành cho gà và gà tây. Bacterin nhũ-tương cần chích nhiều mũi sau mỗi 4 tuần.

    Đừng chủng ngừa vắc-xin tiêu chảy trừ phi có dịch bệnh trong trại hay trong vùng.

    Bệnh viêm màng não gà (avian encephalomyelitis)

    Bệnh viêm màng não gà (AE) là bệnh virus gia cầm, chủ yếu ở gà, gà tây, trĩ và cút. Gà được chủng ngừa hay tự lành sau khi mắc bệnh sẽ được miễn nhiễm suốt đời. Gà giống được chủng ngừa ở 10-16 tuần tuổi. Vắc-xin được áp dụng qua đường uống. Trĩ được chủng ngừa ở 5-10 tuần tuổi và cút ở 6-10 tuần tuổi.

    Không nên nhầm bệnh viêm màng não gà với bệnh viêm não St. Louis. Bệnh này lan truyền qua đường muỗi cắn và tấn công con người, với mức độ nghiêm trọng tùy vào độ tuổi và sức đề kháng của người nhiễm bệnh cũng như độc tính của virus. Gia súc bao gồm chó, mèo, ngựa, gà… không có biểu hiện nhiễm bệnh viêm não St. Louis sau khi bị muỗi mang mầm bệnh cắn.

    Bí quyết chủng ngừa thành công

    ● Chủng ngừa gia cầm dưới 10 ngày tuổi không đem lại kết quả đồng đều và ổn định, kể cả trường hợp không thừa hưởng kháng thể từ cha mẹ. Một ngoại lệ là vắc-xin bệnh Marek thường được áp dụng vào ngày tuổi đầu tiên.

    ● Xoay vòng vắc-xin. Sản phẩm quá đát có thể bị hỏng.

    ● Mỗi loại vắc-xin được chế tạo cho một mục đích đặc biệt. Sử dụng đúng theo chỉ dẫn.

    ● Không chủng ngừa gà bệnh (trừ phi dịch viêm thanh-khí quản hoặc đậu gà bùng phát).

    ● Trữ vắc-xin nơi không có nhiệt và ánh sáng chiếu trực tiếp.

    ● Hầu hết vắc-xin đều chứa tác nhân gây bệnh, còn sống. Hãy tiếp xúc một cách cẩn trọng.

    ● Khi chủng ngừa bằng đường uống, hãy đảm bảo nước không chứa chất sát trùng và clor. Vắc-xin nhược độc sẽ bị những chất này tiêu diệt.

    ● Sau khi chủng ngừa, đốt hoặc sát trùng tất cả dụng cụ để tránh vô tình lây bệnh cho gia cầm khác.

    Chất lượng của vắc-xin không thể được đảm bảo nếu sản phẩm bị dùng sai hoặc không đúng cách. Tất cả mọi vắc-xin đều được dán nhãn hướng dẫn và hạn sử dụng.

    Nguồn cung cấp vắc-xin

    Trại ấp và nhà cung cấp gia cầm thường là những nguồn cung cấp vắc-xin tốt nhất. Đảm bảo luôn tuân theo hướng dẫn khi chủng ngừa.

    Nhiều loại vắc-xin hiệu quả thích hợp cho bầy gà nhỏ. Không nên để những bệnh như Marek hay đậu gà hủy hoại bất kỳ bầy gà nào, dẫu nhiều hay ít.

    Không may, vắc-xin gia cầm được sản xuất theo từng lô lớn dành cho các mục đích thương mại. Điều này thuận tiện cho các nhà sản xuất vắc-xin cũng như các nhà chăn nuôi công nghiệp, những người có đến hàng ngàn con gà mỗi lần tiêm chủng. Tuy nhiên, điều này không nên cản trở những nhà sản xuất nhỏ chủng ngừa cho gà của mình. Lên kế hoạch chủng ngừa toàn bộ bầy gà một lúc, và có lẽ nên kết hợp với chủ bầy gà láng giềng để chia sẻ lượng vắc-xin và chi phí.

    ---------------------------------------------------------------------------------------

    Bệnh-Marek
    Bệnh-Newcastle
    Bệnh-Gumboro
    Bệnh-đậu-gà
    Hướng dẫn tiêm vắc-xin bệnh Marek
    Quy-trình-tiêm-phòng-vắc-xin-cho-gà-vịt
     
    Last edited by a moderator: 5/3/16

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội