Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Bản năng sát thủ: Cá săn mồi (và cách nuôi chúng)

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 28/6/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Bản năng sát thủ: Cá săn mồi (và cách nuôi chúng)
    Neale Monks - http://www.tfhmagazine.com/details/...tinct-predatory-fish-and-how-to-keep-them.htm

    [​IMG]
    Một người nuôi cá can trường xóa bỏ những hoang đường về việc chăm sóc một số loài cá săn mồi hung dữ nhất trong hồ nuôi.

    Cá săn mồi (predatory fish) hấp dẫn và mê hoặc nhiều nhà thủy sinh bằng sự kết hợp về sức mạnh, tốc độ và ẩn mình (stealth) của chúng. Nhưng sự phổ biến của cá săn mồi không nhất thiết có nghĩa rằng chúng được hiểu thấu đáo. Chúng thực sự là một nhóm cá vốn thường bị nuôi sai cách, như cho sai thức ăn và nuôi cùng những đồng ang (tankmate) không phù hợp.

    Một vấn đề là việc định nghĩa cá săn mồi là gì. Hầu hết cá đều là loài săn mồi cơ hội và sẽ xơi cá nhỏ hơn một khi có điều kiện. Cá ông tiên (angelfish) là một ví dụ nổi tiếng, vốn có dư khả năng ăn thịt các đồng ang lớn cỡ neon tetra. Một ví dụ khác là các loài săn mồi cơ hội được bán như cá cộng đồng bao gồm cá mang rỗ (archerfish), cá trèn lá (glassfish), cá bướm châu Phi, cá chạch (spiny eel) và cá killies Aplocheilus.

    Dẫu vậy, theo mục đích của chúng ta, một cá săn mồi thực sự là con – ít nhất ngoài tự nhiên – sẽ chủ yếu ăn thịt các loài cá nhỏ hơn. Lưu ý rằng điều này không có nghĩa rằng chúng phải ăn các loài cá nhỏ hơn trong hồ nuôi. Trên thực tế, việc sử dụng bất cẩn cá mồi có thể gây ra nhiều vấn đề về sức khỏe. Quan niệm cho rằng cá săn mồi cần được cho ăn cá sống là điển hình của những sai lầm bao quanh chúng.

    Cá săn mồi characin

    Bộ Characiformes bao gồm nhiều loài cá săn mồi được các nhà thủy sinh nuôi, nổi tiếng nhất là cá piranha. Các nhà thủy sinh còn tiếp cận các loài khác nữa, bao gồm tetra răng thỏ (bucktooth tetra) Exodon paradoxus và nhái sấu hujeta (hujeta gar) Ctenolucius hujeta.

    Piranha
    Cá piranha là thành viên thuộc họ Serrasalminae, một nhóm cũng bao gồm cá chim câu (silver dollar) và pacu. Ngược với lời đồn thổi thông thường, hầu hết cá piranha chỉ bầy đàn khi còn non và trở nên đơn độc theo lãnh thổ lúc trưởng thành. Ngoại lệ hầu như xảy ra bên trong chi Pygocentrus, nhưng thậm chí cá này cũng cần được nuôi theo nhóm lớn nếu muốn tránh sự ức hiếp giữa các cá thể.

    Cá piranha có phải là vật nuôi (pet) phù hợp? Chúng không đặc biệt khó nuôi, nhưng một lần nữa, chúng cũng chẳng hấp dẫn – chúng hầu như dật dờ trông rất chán. Nếu bạn muốn thứ gì đó, thì thì cá tetra răng thỏ (bucktooth tetra) có lẽ là lựa chọn tốt hơn.

    Exodon paradoxus
    Cá tetra răng thỏ chỉ đạt kích thước đối đa 15 cm (6 inch), điều khiến chúng dễ nuôi thành nhóm lớn. Điều này quan trọng bởi vì chúng là những kẻ gây gổ có tiếng. Nuôi cá tetra răng thỏ theo nhóm mười con hay hơn, hoặc chúng sẽ ức hiếp lẫn nhau khi tranh giành thứ hạng bầy đàn. Những cá thể yếu hơn sẽ nhanh chóng bị giết, và chẳng có gì bất thường với các nhà thủy sinh khi kết thúc với một con duy nhất. Chúng đều không thích những loài cá khác và phải được nuôi trong hồ riêng (single-species).

    Dẫu tính cách xấu xa của mình, tetra răng thỏ là loài cá tuyệt vời điểm xuyết các vệt đỏ và đen hấp dẫn trên nền thân vàng-lục óng ánh. Chúng rất hoạt bát, và một bầy cá này bơi lội trong hồ thủy sinh trông hết sức nổi bật. Giống như piranha, chúng thể hiện hành vi săn mồi điên cuồng. Chúng xơi đủ thứ, thậm chí cả thức ăn tấm (flake), nhưng nhoi một cách cuồng loạn mỗi khi ăn, tạo ra một cảnh tượng đáng sợ. Với những nhà thủy sinh muốn cá vừa xinh đẹp vừa xấu xa, thì cá tetra răng thỏ là vô địch!

    Ctenolucius hujeta
    Cá nhái sấu hujeta Ctenolucius hujeta là loài characin hình-sấu (gar-like) được bày bán rộng rãi nhất, mặc dù các loài họ hàng BoulengerellaCtenolucius cũng thường xuyên xuất hiện. Cá nhái sấu hujeta lớn đến kích thước tối đa 25 cm (10 inch) và, dẫu chỗ nào cũng thể hiện một con cá săn mồi, lại là loài cá tương đối hiền lành vốn hòa thuận với cá đồng ang (tankmate) với kích thước và tính cách tương tự.

    Điểm chung với hầu hết các loài cá hình-sấu khác, đây là những con săn mồi ẩn nấp (stealth). Cá hoang dã đơn giản lẩn vào bóng tối chờ đợi thứ gì xơi được bơi lại gần. Nếu bạn nhìn vào dạng thân của chúng, bạn sẽ thấy hàng loạt thích nghi cho lối sống này. Chúng có mắt to, phù hợp để săn mồi vào lúc chập tối và bình minh. Vây lưng, vây hậu môn và đuôi của chúng lớn và nằm gần nhau, khiến cho cá nhái sấu hujeta có khả năng tăng tốc một cách nhanh chóng về phía con mồi của nó. Chúng cũng có bộ hàm dài, mảnh với răng sắc vốn có thể há rộng, nhưng vì mỏng nên tạo ra ít lực cản khi cá lao đầu nó vào mặt bên con mồi của mình.

    Cá nhái sấu hujeta dễ nuôi nếu một vài vấn đề cơ bản được cân nhắc. Chất lượng nước phải tốt, và chúng chuộng dòng chảy tương đối mạnh. Chúng thích núp bên dưới thực vật nổi và sẽ bớt lo lắng và nhảy ra ngoài nếu được nuôi trong hồ có nhiều chỗ che phủ (shade). Cá nhái sấu hujeta là loài bầy đàn vốn phải nuôi theo nhóm từ hai cá thể trở lên. Chúng không thể sống chung với loài cá rỉa rói (nippy) hay hung dữ, bởi vậy hãy chọn đồng ang một cách cẩn thận.

    Hành vi xã hội

    Theo khảo sát của chúng tôi về cá săn mồi characin đã chỉ ra, cá săn mồi thể hiện một mức độ hành vi xã hội nhất định. Nghĩa là, đa số có xu hướng là loài tương đối hiền lành. Lời giải thích khá đơn giản: nếu bạn sắp sửa rình mò con mồi tiềm năng, thì chẳng có lý do gì đấu đá với đồng đội và lôi kéo sự chú ý về phía mình.

    Những con cá săn mồi vốn dựa vào sự ẩn nấp (stealth) đó, chuộng hồ tĩnh lặng với thật nhiều cây cỏ, nhất là thực vật nổi, nơi mà chúng có thể ẩn náu trong bình an. Cá nhái sấu hujeta là một ví dụ như vậy, nhưng những loài cá khác thuộc loại này như cá rô báo (African leaf fish) Ctenopoma acutirostre, cá nhái (neddlefish) Xenentodon cancila, và nhiều loài sấu hỏa tiễn Bắc Mỹ (North American gar) AtractosteusLepisosteus spp.

    Hành vi bầy đàn là bình thường nhưng còn xa mới đến mức phổ biến. Kỳ lạ thay, cá hình-sấu rất thường tụ bầy, và cá nhái sấu hujeta, cá nhái và cá sấu hỏa tiễn Bắc Mỹ tốt nhất nên nuôi theo bầy gồm hai, ba con hay nhiều hơn. Cá săn mồi mai phục hình-lá (leaf-shaped ambush predator) như cá rô báo, cá lá khô (South American leaf fish) Monocirrhus polyacanthus, và cá sặc vện (Asian leaf fish) Nandus spp. có xu hướng bảo vệ lãnh thổ hơn, mặc dù hiếm khi nào hung dữ. Nếu mỗi con đều có chỗ trú ẩn riêng, những loài cá săn mồi này có thể sống khá hòa thuận theo nhóm.

    Chẳng may, không có bất kỳ nguyên tắc đáng tin cậy nào khi đề cập đến những loài thân dẹp (laterally compressed), ở vùng nước mở (open-water). Như lưu ý ở trên, cá piranha thuộc chi Pygocentrus có xu hướng hình thành các nhóm tương đối ổn định trong điều kiện hồ nuôi, cũng như cá tetra răng thỏ. Nhưng hầu hết các loài piranha khác, bao gồm Pygopristis, Pristobrycon, và Serrasalmus spp., có xu hướng ít nhiều sống đơn độc một khi trưởng thành, cho dù chúng sống bầy đàn khi còn non.

    Cá săn mồi có thể được nuôi trong các hồ cộng đồng? Hiển nhiên, cá nhỏ sẽ được coi như là thức ăn, nhưng đồng ang với kích thước tương tự hay lớn hơn có thể là tùy chọn. Cá rô báo, chẳng hạn, là bạn tốt với cá tetra Congo và barb cỡ trung bình. Tương tự, cá nhái sấu hujeta có thể được kết hợp với cá chim câu (silver dollar) và cá cichlid cỡ trung bình, không hung dữ như festivum và keyhole.

    Một cách nghịch lý, những thích nghi đó vốn khiến cho cá săn mồi trở thành những thợ săn khéo léo lại thường biến chúng thành đấu sĩ kém cỏi. Cá nhái sấu hujeta, chẳng hạn, có thể sở hữu gia tốc cực cao nhưng chúng không nhanh nhẹn, và khi được nhốt chung với cichlid bảo vệ lãnh thổ thường dẫn đến kết cục tổn thương hàm và rách vây – hoặc tệ hơn.

    Tránh cá mồi

    Có chắc cá mồi (feeder fish) là khẩu phần hoàn hảo cho cá săn mồi (predatory fish)? Gạt đạo đức qua một bên, vấn đề không phải chúng là cá sống, mà chúng là cá mồi. Loài cá mồi được dùng thường là cá vàng Carassius auratus và cá tuế hồng (rosy-red minnows) Pimephales promelas. Cả hai loài này đều thuộc họ cá chép Cyprinidae và, giống như các thành viên khác trong họ này, có nhiều mỡ và một enzyme có tên thiaminase.

    Thực phẩm giàu mỡ gây ra vấn đề ở cá cũng như với con người, và việc giải phẫu cá săn mồi vốn bị chết yểu chứng tỏ rằng những con như vậy thường tích tụ chất béo một cách bất thường trong nội tạng của chúng. Dẫu chưa rõ việc này trực tiếp gây đột tử hay khiến chúng dễ mắc các bệnh khác, nhưng dường như có mối liên hệ rõ ràng giữa khẩu phần giàu mỡ với sự chết yểu (premature death).

    Thiaminase là một enzyme vốn phá hủy vitamin B1, còn gọi là thiamin. Cá ăn quá nhiều thức ăn chứa thiaminase sẽ bị thiếu vitamin B, và việc đó khiến chúng dễ mắc một loạt bệnh. Triệu chứng thiếu vitamin B bao gồm xuất huyết da, sưng bụng, phát triển kém, hành vi bơi lội bất thường, căng thẳng, thiếu sức sống và đề kháng bệnh nói chung. Hiển nhiên đây là điều cần tránh.

    Nếu những vấn đề này chưa đủ tệ hại, cá được lai tạo để sử dụng làm cá mồi luôn được nuôi trong điều kiện vệ sinh kém. Chúng thường mang ký sinh, vì vậy nếu được sử dụng đủ hạn chế để tránh vấn đề mỡ và thiaminase, thì vẫn có nhiều khả năng cá săn mồi của bạn sẽ bị phơi nhiễm với một số loại ký sinh.

    Cần lưu ý rằng cả cá vàng lẫn cá tuế hồng đều không có bất kỳ vị trí nào trong khẩu phần của cá săn mồi. Tuyệt đối không cân nhắc đến việc sử dụng chúng, nhất là với đủ loại thức ăn thay thế vốn sẽ được đề cập ngay sau đây.

    Nhưng cá sống có khi nào là thực phẩm an toàn? Vâng, nhưng điều này hàm ý bạn sẽ phải tự tay lai tạo chúng. Cá đẻ con (livebearers) chẳng hạn như cá muỗi (mosquitofish) và cá molly là những ví dụ về cá mồi an toàn vốn thiếu thiaminase và ít mỡ. Chúng dễ lai tạo, và trước khi sử dụng có thể nạp bằng thức ăn tấm giàu vitamin để đảm bảo giá trị dinh dưỡng tối ưu. Cá cichlid như gấu trúc (convict) có thể được sử dụng với mục đích tương tự, nhưng bởi vì chúng có gai vây nên có thể làm một số cá săn mồi vốn không quen ăn chúng bị nghẹn. Nếu nghi ngờ, đừng dùng chúng.

    Thức ăn tươi sống thay thế

    Một con cá nhái sấu hujeta trưởng thành sẽ dễ dàng xơi từ hai đến ba con cá muỗi mỗi ngày, và việc sản xuất đủ số lượng cá sống để nuôi một con cá săn mồi như vậy sẽ là vấn đề chính với hầu hết các nhà thủy sinh. Điểm thuận lợi của thức ăn tươi sống đó là nó kích thích hành vi săn mồi, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn phải sử dụng cá. Hàng loạt động vật thân mềm cũng có tác dụng tương tự, mà trái lại, chúng còn rẻ và bổ dưỡng hơn nữa.

    Trùn đất được hầu hết cá săn mồi ăn – đó là lý do tại sao các cần thủ dùng chúng như là mồi câu! Nếu bạn không thể kiếm trùn đất trong vườn của mình, thì bạn có thể mua chúng chẳng tốn kém gì từ các tiệm bán mồi câu. Nhưng dẫu trùn đất bổ dưỡng và không mang ký sinh vốn có thể gây hại cho cá cảnh nhiệt đới, chúng cũng không hẳn an toàn. Ở những nơi mà thuốc trừ sâu (pesticide) và thuốc trừ cỏ (herbicidal) được sử dụng, chúng có thể nhiễm những chất này từ đất vào ruột và gây hại cho cá. Đừng thu hoạch trùn đất từ những mảnh vườn mà các chất hóa học này được sử dụng.

    Tép sông là một lựa chọn phù hợp khác, dẫu chúng cần được sử dụng trong tầm kiểm soát. Dẫu ít mang ký sinh, tép sông có thể chứa nhiều thiaminase và nếu được sử dụng quá mức, có thể gây ra chứng thiếu vitamin B1 ở cá của bạn. Những chúng vẫn là những siêu thực phẩm để chăm bẵm một con cá săn mồi mới mua về vốn chưa sẵn sàng chấp nhận thức ăn đông lạnh hay đã chết.

    Côn trùng được nhiều loài cá săn mồi ăn ngay, và rất đáng để thử nghiệm những món như ruồi, giòi (maggot), mealworm và dế. Cá săn mồi non có khẩu vị thậm chí đa dạng hơn và có thể chấp nhận ăn những thứ như artemia sống, bo bo, lăng quăng và trùng đỏ.

    Dẫu thức ăn tươi sống bạn sử dụng là gì, điều quan trọng là phải đa dạng. Không riêng món nào cung cấp đủ dinh dưỡng. Mồi sống nạp-dưỡng (gut-loading) sẽ rất hữu ích. Có nghĩa rằng mồi sống được cho ăn viên hay tấm bổ dưỡng trước khi dùng để khi cá săn mồi ăn chúng, nó cũng ăn luôn cả viên hay tấm.

    Luyện ăn thức ăn không-tươi sống

    Thức ăn tươi sống đắt đỏ và khó trữ, và hầu hết các nhà thủy sinh thích luyện cho cá săn mồi của mình xơi thức ăn không-tươi sống (non-living food). Việc này thường không khó, nhưng có thể cần kiên nhẫn. Bí quyết là chọn thức ăn phù hợp, cung cấp chúng theo cách thức cuốn hút, và để cá săn mồi của bạn bị đói trong vài ngày nếu nó không thể hiện sự thích thú cần thiết.

    Hãy bắt đầu bằng việc chọn thức ăn. Bạn có thể chọn ra một bộ sưu tập tốt từ hầu hết các tiệm thực phẩm, nhưng có một điều cần nhớ là loài nào chứa thiaminase. Các loài có vỏ thường chứa thiaminase, bao gồm vẹm (mussel), tôm, tép, ốc (scallop) và hầu hết các loại trai (clam). Những loại cá nhất định cũng chứa thiaminase. Các loài thuộc họ cá chép cyprinid đã được cảnh báo ở trên, nhưng thiaminase cũng được phát hiện ở cá đối (mullet), cá nheo (catfish), cá trích (herring), cá sardine [cá nhỏ thuộc họ cá trích], và cá ngừ (tuna).

    Thiaminase bị tiêu hủy bằng cách nấu chín, cùng nhiều dưỡng chất khác. Do đó, dẫu thịt từ các loài chứa thiaminase an toàn khi được nấu, thịt tươi của các loài khác là lựa chọn tốt hơn.
    Dẫu bất kỳ thứ nào ở đây đều có thể được sử dụng một hay hai lần mỗi tuần, phần lớn khẩu phần cá săn mồi của bạn phải đến từ những loài vốn không chứa thiaminase. Trong số những thức ăn không chứa thứ đó là các loài cá nước ngọt thuộc bộ cá vược (perches) chẳng hạn như cá rô phi (tilapia) và cá mặt trời (sunfish), cá hồi cầu vồng (rainbow trout), cá hồi Đại Tây Dương (Atlantic salmon), cá mướp (smelt), cá dẹp (flounder), cá chình (eel), cá tuyết (cod), pollack [một loại cá nhỏ thuộc họ cá tuyết], cá thu Đại Tây Dương (Atlantic mackerel) và sò (cockles).

    Tiệm cá cảnh ở địa phương bạn có thể bán cá giáo (lancefish) đông lạnh, các loài cá mướp (smelt) điển hình, vốn có thể rã đông khi cần thiết. Đấy là cách rất tiết kiệm để nuôi cá săn mồi, và bởi vì chúng nguyên con thay vì phi-lê (fillet), chúng cũng rất bổ dưỡng. Cá săn mồi to lớn có thể ăn nguyên con, hay bạn có thể xắt miếng để cho những con nhỏ hơn ăn – da, ruột, xương và tất cả mọi thứ.

    Sự đa dạng là điều quan trọng. Đừng chỉ dựa vào một loại thức ăn duy nhất; nhắm đến việc sử dụng ít nhất ba loại thức ăn khác nhau trong một tuần để bất kỳ dưỡng chất nào thiếu ở một loại sẽ được cân bằng bởi loại kia. Hơn nữa, cá săn mồi có xu hướng bỏ ăn nếu chúng chán nó.

    Vậy bạn giúp một cá săn mồi làm quen với thực phẩm không tươi sống như thế nào? Kẹp (hay nhíp) là cộng sự của bạn, cho phép bạn giữ miếng thức ăn trong nước mà không phải đến quá gần cá. Bằng việc rung lắc thức ăn, bạn có thể thu hút sự chú ý của cá săn mồi của mình và nếu may mắn, nó sẽ đớp và nuốt miếng mồi. Nói công bằng, cá thể mới nhập về có lẽ còn hơi do dự, trong trường hợp như vậy đừng cho cá ăn trong một hay hai ngày trước khi thử lại.

    Kẹp (forceps) cũng giúp bạn an toàn trước hàm răng của cá săn mồi. Vài loài mà chúng ta nuôi cảnh có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng, nhưng những thứ như cá nhái (needlefish) hay piranha hiển nhiên có răng đủ sắc để làm chảy máu hay tệ hơn.

    Thả thức ăn vào dòng nước là một phương pháp thử-và-biết (tried-and-trusted) khác. Ý tưởng ở đây là làm cho thức ăn trông sống động. Một khi cá săn mồi nhao đến thức ăn, nó thường nuốt trộng, vì vậy sự kiện không diễn ra quá lâu. Mánh này đặc biệt có tác dụng với cá nhái (needlefish) và cá sấu hỏa tiễn (gar).

    Một khi cá săn mồi của bạn đã biết thứ gì ăn được – hay đặc biệt hơn, liên hệ sự xuất hiện của bạn trước hồ cá với những miếng mồi thơm ngon – thì bạn sẽ thấy rằng bạn không cần phải lừa cá săn mồi của mình ăn món không-tươi sống (non-living) nữa. Con cá nhái sấu hujeta của chính tôi học được cách đớp miếng tép từ cây cặp trong vòng một ngày sau khi mua, và sau một tuần đơn giản đớp mọi thứ được thả vào hồ.

    Kết luận

    Thật xấu hổ khi cá săn mồi trở nên gắn bó với một lối chơi cá nhất định vốn liên quan đến việc sử dụng cá mồi một cách vô cớ, thuần túy vào việc ngắm con này bắt và ăn thịt con kia. Theo kinh nghiệm của tôi cá săn mồi là loài thường-nhẹ nhàng (often-gentle) và luôn-thú vị (always-interesting) xứng đáng để được nuôi một cách rộng rãi, và tôi hy vọng mình đã thuyết phục được bạn ở điểm này.
     
    Chỉnh sửa cuối: 9/8/17
    new yellow guy thích bài này.
  2. shopgiayreplica

    shopgiayreplica New Member

    nuôi cá săn mồi trong bể cá cảnh thì khác gì hoại bể nhỉ?
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội