Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cá bám đá: loài chuyên sống trong dòng nước xiết (Martin Thoene)

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 7/10/06.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá bám đá: loài chuyên sống trong dòng nước xiết (Martin Thoene)

    [​IMG]
    Ảnh Martin Thoene.

    Có lần cách nay vài tuần, tôi cùng với Nadmad đi dạo một vòng xung quanh các khu kinh doanh cá cảnh trong thành phố. Quan sát những hoạt động đang diễn ra xung quanh thế giới cá cảnh là một trong những thú vui của chúng tôi. Tôi để ý đến một loài cá nhỏ, trông rất lạ và đẹp được bày bán ở một vài tiệm trong khu Lưu Xuân Tính mà Nadmad gọi là cá “tỳ bà suối”. Tôi chợt nhớ là mình đã từng thấy một vài con cá tương tự như vậy mà người ta nói rằng chúng có xuất xứ từ Việt Nam.

    Nadmad là một “hành giả” của bộ môn nuôi cá cảnh (anh thường nói đùa thú vui tìm hiểu, nghiên cứu và dịch thuật các chủ đề liên quan đến cá cảnh của tôi là “thú chơi cá ảo”. Anh thích chơi “cá thực” hơn). Mỗi ngày, Nadmad bỏ hàng giờ chăm sóc và ngắm nghía những con cá của mình. Đôi khi anh tâm sự với chúng nữa. Cho nên, con cá nào vô tay Nadmad đều sung sướng và kết quả là chúng… mập ú. Chuyện đó nói sau, bây giờ xin trở lại chủ đề cá “tỳ bà suối”. Nadmad đã mua vài con về nuôi chung với cá vàng. Tất cả chết hết sau 1-2 ngày mà không hề có dấu hiệu báo trước nào trong khi những con cá vàng vẫn sống bình thường. Vậy tại sao cá chết? Làm cách nào để nuôi chúng một cách thành công trong hồ cảnh của bạn?

    Nếu nhìn sự kiện trên một cách tích cực thì nó đã giúp cảnh báo cho chúng ta một điều rằng: loài cá này có thể rất khó nuôi. Tôi định mua vài con để thả chung với mấy con Red Devil ở nhà nhưng bây giờ thì phải tìm hiểu về chúng trước đã. Tôi tìm kiếm thông tin trên mạng và phát hiện trang http://www.loaches.com và các bài viết của Martin Thoene về loài mà chúng ta đang quan tâm. Tôi đã xin phép dịch chúng sang tiếng Việt và đăng ở đây. Những bài viết này đề cập đến loài cá bám đá sống trong những môi trường đặc biệt ở sông hay suối, nơi có dòng nước chảy xiết. Chúng đã được dịch sang tiếng Thái Lan và Indonesia rồi, nay là tiếng Việt. Sự quan tâm đặc biệt này là điều khá dễ hiểu bởi vì họ cá bám đá (Balitoridae) tuy phân bố rộng ở cả châu Á lẫn châu Âu nhưng những loài xinh đẹp nhất đều hiện diện ở vùng Đông Nam Á!

    Sau đây là toàn bộ các bài viết liên quan đến cá bám đá của tác giả Martin Thoene bao gồm đặc điểm sinh học và hướng dẫn cách làm loại hồ đặc biệt để nuôi chúng. Nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, các bạn có thể lên diễn đàn đó để trao đổi với Martin và những người nuôi cá kinh nghiệm khác.

    Cá bám đá: loài chuyên sống trong dòng nước xiết
    “Có một dòng sông chảy qua đây”


    Sau khi đọc và dịch những bài này xong, tôi quyết định không mua cá bám đá nữa, đành chấp nhận chỉ “chơi cá ảo” thôi vì muốn nuôi chúng thì phải thiết kế hồ thích hợp (mà tôi vẫn chưa chuẩn bị cho điều này) bằng không thì cá sẽ chết uổng. Nhưng nếu một ngày nào đó mà chúng ta không còn hứng thú với những loài cá cảnh thông thường nữa, bạn luôn biết là vẫn còn những đề tài thử nghiệm thú vị đang chờ đợi ngoài kia.

    Tại sao lại gọi là cá bám đá?
    Những con cá này được người nuôi cá cảnh gọi là “tỳ bà suối”, “tỳ bà đàn” hay “tỳ bà bướm” bởi vì hình dạng của chúng trông giống như cây đàn tỳ bà. Nên nhớ rằng “cá tỳ bà” là tên gọi rất phổ biến để gọi những loài cá chùi kiếng (pleco) thuộc họ cá tỳ bà Loricariidae, bộ cá nheo Siluriformes, phân bố ở châu Mỹ. Trong khi những con cá của chúng ta thuộc họ Balitoridae, bộ cá chép Cipriniformes, phân bố ở châu Âu và châu Á. Chúng là những loài cá rất khác nhau cho nên nếu gọi chung là “cá tỳ bà” thì e rằng sẽ phát sinh hiểu lầm sau này.

    Họ Balitoridae theo tiếng Anh là river loach hay hillstream loach mà tôi từng dịch là họ “cá chạch sông”. Tuy nhiên từ “loach” trong tiếng Anh có ý nghĩa rất rộng, nó được sử dụng để gọi các loài cá ở nhiều họ khác nhau, chẳng hạn những loài cá thuộc các chi BotiaAcanthopsis, họ Cobitidae, bộ cá chép Cipriniformes cũng được gọi là “loach” trong khi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, người ta lại gọi chúng là cá heo. Từ “cá chạch” có ý nghĩa hẹp hơn trong tiếng Việt, nó được dùng để chỉ các loài các thuộc họ cá chạch sông Mastacembelidae, bộ cá mang liền Synbranchiformes, bao gồm nhiều loài như cá chạch lửa, chạch lấu, chạch lá tre và cả một loài nữa cũng được gọi là “cá chạch sông”. Cá chạch là con cá phổ biến ở mọi miền nên nếu dịch họ Balitoridae là họ “cá chạch sông” thì e rằng cũng sẽ phát sinh hiểu lầm.

    Họ Balitoridae chỉ mới được thành lập (Nelson, 1994). Đây là một họ cá khá đông đảo với hơn 600 loài, chia làm 2 phân họ Balitorinae (33 chi) và Nemacheilinae (32 chi). Sách Định loại cá nước ngọt các tỉnh phía Bắc Việt Nam của giáo sư Mai Đình Yên (1978) có liệt kê các chi Hoplamoptera, SinogastromyzonGastromyzon thuộc họ cá bám đá Homalopteridae. Họ Homalopteridae ngày nay không được sử dụng nữa, các chi trên được sắp xếp lại vào họ Balitoridae. Giáo sư Mai Đình Yên (công trình của ông được báo chí chuyên ngành nước ngoài đăng tải) đã sử dụng tên “cá bám đá” từ rất lâu rồi do vậy tôi nghĩ chúng ta nên sử dụng tên này thay vì tự đặt hay gọi chúng bằng những cái tên mới khác.

    Những loài này sống ở vùng núi Tây Bắc, chúng chỉ có các tên theo tiếng địa phương của đồng bào dân tộc Tày, Thái (không có tên tiếng Việt). “Cá bám đá” là từ mà giáo sư Yên dịch từ tên của chi cá Gastromyzon (theo tiếng Hy Lạp: gaster=bụng, myzo=bám; tên tiếng Anh là suckerbelly) kết hợp với đặc điểm phân bố của chúng ở nơi các dòng suối có đá sỏi. Bởi nếu dịch đúng tên của họ Homalopteridae (mà nay đổi thành Balitoridae) thì phải gọi là họ "cá vây bằng" (homalos=bằng, pteron=vây) .

    Trong các tài liệu sinh vật học, từ "cá bám đá" cũng được dùng để gọi các loài thuộc họ Petromyzontidae (petra=đá, myzon=bám). Những loài cá sơ khai này sử dụng cái miệng tròn để bám lên các bề mặt như vật chủ ký sinh hay đá. Cơ chế bám của các loài thuộc họ Balitoridae lại khác hẳn, chúng sử dụng bụng và vây bụng để bám lên bề mặt đá. Ở đây, nếu chúng ta tiếp tục sử dụng từ "cá bám đá" để gọi các loài thuộc họ Balitoridae thì sẽ nhầm lẫn với các loài thuộc họ Petromyzontidae, điều mà chúng ta đã cố tránh ở trên. Tuy nhiên, nếu dịch sát là "cá bám bụng" hay "cá vây bằng" thì nghe chưa hay, mặt khác chúng tôi cũng chưa thể truy nguyên nghĩa của từ "balitoridae" nên tạm thời vẫn sử dụng tên này.

    Các loài cá bám đá ở Việt Nam
    Khi phân loại các loài cá nước ngọt ở miền Bắc năm 1978, giáo sư Mai Đình Yên đã phát hiện các chi cá bám đá sau:
    - Hoplamoptera
    - Sinogastromyzon
    - Gastromyzon (các loài ở Việt Nam nay được xếp vào chi Pseudogastromyzon)
    - Nemancheilus (chi này được ông xếp vào họ Cobitidae nhưng nay được xếp vào họ cá bám đá)
    - Barbatula (chi này được ông xếp vào họ Cobitidae nhưng nay bị bỏ. Các loài thuộc chi này được xếp vào chi Schistura, họ cá bám đá).

    Sau này, các nhà khoa học khác như Kottelat, Eschmeyer, Freyhof, Herder và Serov… đã khảo sát và phát hiện thêm nhiều chi loài thuộc họ cá bám đá ở Việt Nam. Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 19 chi, 59 loài, chiếm khoảng 10% tổng số cá nước ngọt. Một con số đáng kể nói lên sự phong phú về chủng loài của họ cá này ở nước ta.

    Phân họ Balitorinae
    1/ Loài Annamia normani phân bố ở lưu vực sông Mêkong.
    2/ Loài Balitora lancangjiangensis phân bố ở lưu vực sông Mêkong.
    3/ Loài Beaufortia leveretti (12 cm) phân bố ở miền Bắc.
    4/ Loài Dienbienia namnuaensis phân bố ở Điện Biên, tỉnh Lai Châu.
    5/ Loài Erromyzon compactus (3 cm) phân bố ở tỉnh Quảng Ninh.
    6/ Chi Hemimyzon: gồm 2 loài phân bố ở Gia Lai và Lâm Đồng.
    7/ Loài Homaloptera indochinensis (4 cm) phân bố ở lưu vực sông Mêkong.
    8/ Chi Homalosoma: gồm 2 loài phân bố ở miền Bắc.
    9/ Loài Liniparhomaloptera monoloba phân bố ở miền Bắc.
    10/ Chi Pseudogastromyzon: gồm các loài buas, daon, elongata, faciastusloos phân bố ở miền Tây Bắc (các loài này vốn trước đây được xếp vào chi Gastromyzon).
    11/ Chi Sewellia: gồm các loài albisuera, breviventrali, elongata, lineolata, marmorata, patella, pterolineata (4-6 cm) phân bố ở các con sông miền Trung.
    12/ Chi Sinogastromyzon: gồm các loài chapaensis, minutus, rugocaudatonkinensis phân bố ở lưu vực sông Hồng.
    13/ Loài Sinohomaloptera kwangsiensis (12 cm) phân bố ở miền Bắc.
    14/ Loài Vanmanenia tetraloba phân bố ở miền Bắc.

    Phân họ Nemacheilinae
    15/ Chi Nemacheilus: gồm 2 loài phân bố ở miền Trung.
    16/ Chi Schistura: gồm 25 loài phân bố ở miền Bắc.
    17/ Loài Traccatichthys taeniatus (10.5 cm) phân bố ở miền Trung và miền Bắc.
    18/ Loài Oreonectes platycephalus (10 cm) phân bố ở Quảng Ninh.
    19/ Loài Yunnanilus cruciatus (3.4cm) phân bố ở miền Trung.

    Những loài cá ở các chi Pseudogastromyzon, Sewellia, BeaufortiaSinogastromyzon rất đẹp nên có thể nuôi làm cảnh.

    Tài liệu tham khảo
    Định loại cá nước ngọt các tỉnh phía Bắc Việt Nam (Mai Đình Yên, 1978).
    Định Loại cá nước ngọt vùng đồng bằng sông Cửu Long (Trương Thủ Khoa, Trần Thị Thu Hương, 1993).
    Động vật có xương sống - Tập 1 (Trần Kiên, 2003).
    http://www.loaches.com
    http://fishbase.org
    http://en.wikipedia.org/
    http://fish.mongabay.com/data/Viet_Nam.htm

    [​IMG]
    Hình vẽ của Martin Thoene.
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/6/17
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Những con cá bám đá đỏ (Schistura sp.) tuyệt đẹp này có xuất xứ từ Ấn Độ (nguồn www.loaches.com )

    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Chỉnh sửa cuối: 25/6/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội