Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Cây bờ nước (marginal plant)

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 13/9/18.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Hồ súng với bụi lá trầu Echinodorus ở hậu cảnh.

    Cây bờ nước
    Thủy thực vật (aquatic plant hay water plant) là những loài thực vật vốn thích nghi để sống trong môi trường nước. Nhân tiện, “cây thủy sinh” là cách gọi sai, dùng lâu thành thói quen, phải gọi là “thủy thực vật” hay “cây nước” mới đúng (tương tự, “máy vi tính” là cách gọi sai, phải gọi là “vi máy tính” mới tạm đúng). Nhìn chung, thủy thực vật được chia thành những loại như sau:

    *Cây toàn thủy hay “cây ngập” (submerged) mọc hoàn toàn trong nước;

    *Cây lá-nổi (floating-leaved) với rễ bám nền, chẳng hạn như súng (water lily) và một số loài thủy sinh khác;

    *Cây nổi (free floating) trôi dạt trên mặt nước, rễ không bám nền, chẳng hạn như các loại bèo;

    *Cây bán thủy hay “cây vươn” (emergent plant) là những loài bám rễ vào nền và vươn lên quá mặt nước;

    Cây bờ nước (marginal plant) là những loài mọc ở ven bờ; gồm cây lá-nổi, cây toàn thủy, cây bán thủy và cả các loại chuộng đất ẩm gọi là cây đầm lầy (bog plant). Cây đầm lầy không phải là thủy thực vật đích thực, chúng không chịu được nước ngập. Cây nổi không bám đất nên hầu như chẳng thể vươn cao. Cây sen (lotus) là một thể loại riêng, tương tự cây bán thủy nhưng lại sống ở vùng nước sâu.

    Trong khi cây toàn thủy rất phổ biến trong giới chơi hồ thủy sinh (plant aquarium), thì cây bờ nước là không thể thiếu trong các hòn non bộ, thủy viên (water garden), và chậu cảnh lộ thiên. Trên thực tế, hầu hết thủy thực vật có khả năng chuyển đổi từ trạng thái “toàn thủy” sang “bán thủy” hay ngược lại, tùy điều kiện ánh sáng.
     
    Chỉnh sửa cuối: 8/5/23
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Số lượng cây bờ nước nhiều không kể xiết, bài này không liệt kê những loài cây lớn, thân mộc vốn thường thấy ở các vùng sông nước như bình bát, tràm nước, liễu... vì chúng quá khổ so với một thủy viên bình thường. Cây bán thủy (emergent plant) được gạch chân, còn lại hoặc chưa rõ hay là cây đầm lầy (bog plant). Ở đây, chúng tôi ưu tiên liệt kê những loài cây nội địa, kế đến là cây ngoại nhập, và sau cùng là cây ngoại đáng chú ý dẫu chưa xuất hiện ở Việt Nam. Trong thời đại thông tin ngày nay, chúng ta có cơ sở để tin rằng những loài cỏ hoặc cây độc hầu như không có cơ hội được phép nhập khẩu vì chúng có thể ảnh hưởng đến hệ sinh thái bản địa.

    Chúng tôi hy vọng những thông tin ở đây, tuy còn rất sơ lược và nhiều chỗ chưa rõ ràng, là cơ sở để phát triển các thể loại hồ sinh cảnh (vivarium), thủy viên và chậu cảnh lộ thiên với chất liệu nội địa sẵn có.

    *Thủy xương bồ (sweet flag, Acorus calamus): tên đồng nghĩa Acorus verus, Acorus cochinchinensis, còn gọi là bồ bồ; sinh trưởng ở vùng đầm lầy, suối, ao hồ. Được trồng lấy củ làm hương liệu. Loài tương tự cùng chi là thạch xương bồ, thạch ngô công Acorus gramineus (tên đồng nghĩa Acorus macrospadiceus).

    *Ráng đại, ráng biển, rau ráng (water leather fern, Acrostichum aureum): loài dương xỉ lớn mọc hoang theo bờ sông rạch nước lợ ở miền Nam. Chồi, bẹ và lá non của ráng được dùng làm rau ăn.

    *Mái chèo, mái dầm Aglaodorum griffithii: thường mọc dại ven bờ sông, vùng có thủy triều.

    *Trạch tả (water-plantain, Alisma plantago-aquatica): cây ruộng nội địa, thuộc họ Trạch tả Alismataceae, còn gọi là “thủy đề”. Cây được trồng lấy củ để làm thuốc, phân bố ở miền Bắc. Trạch tả (water-plantain) có khi bị nhầm với mã đề (plantain) vốn là cây mọc cạn; cách gọi “mã đề nước” như một số trang mạng đã đưa lại trùng tên với một cây phổ biến ở đồng ruộng miền Nam Ottelia alismoides, vốn là cây lá-nổi.

    *Rau dệu, rệu, diếp bò (Alternanthera sp.): cây mọc bờ ao, đầm; điểm đặc biệt ở chi này là sự không thống nhất về tên khoa học giữa các loài được ghi nhận, kể cả thông tin trên Wikipedia. Những loài bờ nước gồm rau dệu Alternanthera sessilis, dệu bò Alternanthera paronychioides và dệu cuống Alternanthera philoxeroides [Lê Hoàng Hải, Vietnam plants]. Cây thủy sinh ngoại nhập là huyết tâm lan Alternanthera reineckii, cùng các biến thể “Mini”, lá dài “Pink Rosaefolia” và lá tròn “Lilacina”. Những loài cùng chi nhưng không phải cây bờ nước gồm dệu cảnh, dệu tím Alternanthera bettzickiana (tên đồng nghĩa Alternanthera polygonoides), dền nhọn Alternanthera pungens, và dệu đỏ Alternanthera ficoidea (tên đồng nghĩa Alternanthera tenella) [Phạm Thị Bích Đào, ĐHSPHN 2].

    *Sậy núi, sậy trúc (giant reed, Arundo donax): mọc ở một số tỉnh phía Bắc như Lạng Sơn, Hòa Bình và Hà Nam.

    *Cây bông tai (milkweed, Asclepias sp.): có nguồn gốc từ châu Mỹ, thường dùng làm thuốc, hoa đẹp. Những loài bờ nước được ghi nhận gồm Asclepias curassavica [độc], Asclepias incarnata, Asclepias lanceolata, Asclepias longifolia, Asclepias perennisAsclepias rubra. Hiện có nơi bán hạt bông tai cam A. curassavica.

    *Rau đắng nước (water hyssop, Bacopa sp.): ngọn ăn được; cây nội địa gồm rau đắng biển, sam trắng Bacopa monnieri và rau đắng bông Bacopa floribunda; cây thủy sinh ngoại nhập là lệ nhi Bacopa caroliniana, còn gọi là móng tay, vảy ốc. Lưu ý đừng nhầm lẫn với các loại rau đắng cạn (Glinus sp.), như trong bài “Còn thương rau đắng mọc sau hè”.

    *Thủy vu (northern calla lily, Calla palustris): xuất xứ từ khu vực ôn đới bắc bán cầu. Đây là cây thủy sinh duy nhất được ghi nhận đến nay ở chi này. Đừng nhầm với các loại hoa ngoại nhập có tên hoa rum (arum) hay vân môn với đủ loại màu sắc, kể cả trắng.

    *Vị kim đất ẩm (marsh marigold, Caltha palustris): hay “cúc đầm lầy”, xuất xứ từ khu vực ôn đới bắc bán cầu. Cây dường như chưa xuất hiện trên thị trường nội địa; việc mang tên Hán-Việt và khá phổ biến trên mạng khá kỳ lạ (ảo thật đấy!).

    *Huệ nước (Canna sp.): loài hoa đẹp xuất xứ từ châu Mỹ mà ngày nay chúng ta thấy trồng ở khắp nơi, hầu hết là cây mọc cạn. Nhưng điều mọi người ít biết là có hai loài thủy sinh đích thực Canna flaccidaCanna glauca, cũng như các dòng lai của chúng. Huệ nước có thể trồng ở mực nước sâu đến 30 cm tùy dòng. Huệ nước vàng (C. glauca) được biết mọc hoang ở các tỉnh miền Tây, nhất là Thủ Thừa, Bến Lức và Đức Hòa tỉnh Long An (**).

    *Cói túi (sedge, Carex sp.): một trong những chi thực vật lớn nhất với hơn 1800 loài, kể cả những loại lai tạp, ở ta có khoảng 100 loài. Một số loài cói túi là cây bờ nước được ứng dụng vào trang trí thủy viên. Hiện chưa rõ thông tin về cói túi thủy sinh nội địa, cần khảo sát thêm.

    *Độc cần nước (water hemlock, Cicuta maculata): loài cây đẹp nhưng cực độc, lời khuyên là trồng ở góc xa, khó với tới nhất của thủy viên, phân bố tự nhiên ở Bắc Mỹ, điều nguy hiểm là nó khá giống với một loại củ ăn được, củ cải vàng (parsnip), khả năng nhập khẩu là cực nhỏ trong điều kiện ngày nay.

    *Rau má Centella asiatica

    *Rù rì lá lớn (Cephalanthus angustifolius): cây thủy sinh ven suối, bông tròn như gáo nước (Cephalanthus tetrandra), màu trắng, lá mọc cụm 3 hoặc mọc đối, vảy lá hẹp. Các loài tương tự gồm rù rì bãi Ficus abelii (Ficus subpyriformis), rì rì (tiếng địa phương, không phải rù rì) Homonoia riparia, rù rì mò cát Phoebe angustifolia, rù rì nang tai Elaeocarpus hainanensis, và rù rì lá lớn Syzygium attopeuense.

    Cây rù rì đang nổi lên như là một hiện tượng trong thế giới hồ đầm lầy (paludarium) và bờ nước (riparium). Có nhiều loài cùng tên với đặc điểm mọc ven suối (Các loài rù rì ven suối ở A Lưới), thậm chí có cả loài nước mặn nữa (Quảng Ninh: Cây rù rì đang... "sốt"). Việc trùng tên phản ánh một thực tế rằng, cành và lá của chúng khá giống nhau và cần kết hợp với hoa và quả để có thể nhận diện một cách chính xác. Tuy nhiên hiện tại, cây đăng bán thường chỉ toàn lá non nên chúng ta chưa có nhiều thông tin để phỏng đoán về chủng loài của chúng.

    Hầu hết đều có phiến lá dài và hẹp, phân bố so le khi quan sát từ mặt bên. Mặt lá có những đốm trắng li ti. Từ những đặc điểm này, chúng tôi đi đến kết luận sơ bộ rằng đây là loài rù rì bãi Ficus abelii (Ficus subpyriformis). Cây thuộc chi sung, phù hợp với thông tin mà một người bán hàng cho biết rằng “quả có thể ăn được”. Thêm nữa, chúng ta chỉ thấy “quả” của chúng chứ không bao giờ thấy hoa, bởi “quả” cũng chính là hoa với nhị hướng vào bên trong. Về khía cạnh thú chơi, chúng ta cần quan sát và bổ sung các đặc điểm về thân, vỏ, rễ và cả quá trình sinh trưởng nữa.

    Một loài khác mà lá cũng phân bố so le là Homonoia riparia nhưng cành và cuống lá đôi khi có sắc đỏ hay nâu. Một số cây mà lá không đốm trắng có thể thuộc loài này.

    *Môn nước (taro, Colocasia esculenta): cây thuộc họ Ráy (Araceae). Như bất kỳ loại cây lương thực nào, có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn. Khoai sọ và khoai nước cũng là khoai môn, tức củ của cây môn nước. Loài cùng chi nhưng chịu nước kém hơn, tức cây đầm lầy, là môn bạc hà (bạc hà) hay dọc mùng (giant elephant ear, Colocasia gigantea). Các cây rất giống là ráy Alocasia macrorrhizos hay Alocasia odora vốn có nhiều chất kháng dưỡng raphide, không ăn được, thường được gán nhầm cho khoai môn hay bạc hà trong các tài liệu cũ.

    *Mái dầm (Cryptocoryne sp.): thường mọc dại ven bờ nước. Có vài loài nội địa gồm Cryptocoryne ciliata, Cryptocoryne annamica, và Cryptocoryne vietnamensis. Những loài ngoại nhập, kích thước nhỏ trồng hồ thủy sinh gọi là “tiêu thảo”.

    *Thủy trúc (umbrella palm, Cyperus alternifolius): xuất xứ từ Madagascar, châu Phi. Thủy trúc là cây đầm lầy, không phải cây thủy sinh đích thực, độ sâu không quá 15 cm. Hầu hết các loài thuộc chi này đều là cây đầm lầy.

    *Cỏ lận (flowering rush, Butomus umbellatus): cây dường như chưa xuất hiện trên thị trường nội địa; việc mang tên Việt và khá phổ biến trên mạng khá kỳ lạ (ảo thật đấy!).

    *Phát tài (lucky bamboo, Dracaena sanderiana): xuất xứ từ Cameroon, châu Phi. Cây thường được nhập từ Trung Quốc hay Đài Loan, nơi nó có tên Phú Quý Trúc富贵竹. Mặc dù tên gọi, nó chẳng có họ hàng gì với tre hoặc trúc. Cây sẵn có, dễ trồng, đặc biệt thích hợp với nơi có ánh sáng hạn chế.

    *Lá trầu (Echinodorus sp.): xuất xứ từ châu Mỹ, thuộc họ Trạch tả Alismataceae, còn gọi là “lan mỹ”, một số người gọi là “rau mác” và đây là cách gọi sai. Theo quan sát của chúng tôi dựa vào kích thước lá, trên thị trường có vài ba loại lá trầu; chưa kể những loại lá trầu toàn thủy vốn phổ biến trong hồ thủy sinh. Cây sẵn có, dễ trồng, xinh đẹp và có sức sống mạnh mẽ. Dễ nhân giống, từ cành hoa nảy ra những bụi cây con, chỉ cần ngắt và trồng vào nơi khác.

    *Cỏ năng (Eleocharis sp.): hai loài nổi tiếng là cỏ năng ống (water chestnut, Eleocharis dulcis) mà củ ăn được (củ năng, thử mua củ này về ngâm nước cho nảy mầm thành bụi?) và cỏ năng kim Eleocharis ochrostachys vốn là món khoái khẩu của sếu đầu đỏ ở Tràm Chim; những loài nội địa khác được ghi nhận gồm cỏ năng gối Eleocharis geniculata, cỏ năng chỉ Eleocharis parvula (vùng nước mặn, Cà Mau), và cỏ năng xoắn Eleocharis spiralis (vùng có thủy triều); những loài lưu hành trong giới thủy sinh được gọi là “ngưu mao chiên”.

    *Rau ngổ: cây bán thủy dễ trồng, mau lớn; dường như rau ngổ miền Tây là một loài khác với rau ngổ trâu Enydra fluctuans, thân lá nhỏ hơn, răng cưa chỉ hơi phảng phất và vị đắng thay vì hăng.

    *Trầu bà (Golden Pothos, Epipremnum aureum): loại bình thường có xu hướng bò mạnh, phiến lá rộng đến 30 cm hay hơn nếu gặp điều kiện thuận lợi, có người gọi là “trầu ông” nhưng thực ra vẫn là nó thôi, những biến thể khác mà chúng tôi thấy ngoài thị trường nội địa là trầu bà sữa (Marble Queen Pothos) rất giống trầu bà thường nhưng ngả tông trắng thay vì vàng; trầu bà nhỏ (Pearls and Jade Pothos) lá nhỏ, mọc chậm; trầu bà xanh (Jade Pothos), đơn sắc và trầu bà thủy sinh (Neon Pothos), vàng hơn trầu bà xanh, ít bò, rễ nhỏ và rậm. Trầu bà thủy sinh (còn gọi là trầu bà vàng, trầu bà thái) hiện được ứng dụng phổ biến trong thể loại hồ mở (open aquarium) nơi mà nó được bố trí phía trên mặt hồ, rễ tỏa xuống nước tạo ra hiệu ứng “rừng rậm” khi quan sát từ mặt bên.

    *Cỏ tháp bút (horsetail, Equisetum arvense): mọc nơi đất ẩm, ven suối vùng núi cao ở Sapa, phổ biến hơn ở miền Bắc là cỏ tháp bút yếu Equisetum debile, cỏ tháp bút tán Equisetum diffusum. Cây thủy sinh duy nhất, ở độ sâu đến 24 inch là Equisetum fluviatile (đuôi ngựa nước, water horsetail), loài bản địa ở Canadia và bắc Mỹ.

    *Cỏ dùi trống (pipewort, Eriocaulon sp.): còn gọi là cốc tinh thảo, thực ra là một loại cói, những loài nội địa được ghi nhận gồm Eriocaulon echinulatum, Eriocaulon hayatanum ở hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh và Eriocaulon merrillii ở Mù Cang Chảy, Yên Bái.

    *Cỏ ngọt (reed sweet-grass, Glyceria maxima): được ghi nhận ở các vùng đất ngập nước. Đừng nhầm với cây cỏ ngọt (candyleaf Stevia rebaudiana).

    *Hoa phù dung, dâm bụt (mallow, Hibiscus sp.): là loài hoa xinh đẹp và phổ biến trên toàn thế giới. Một số loài dâm bụt bờ nước được ghi nhận như sau: Hibiscus coccineus (water hibiscus), Hibiscus lasiocarpus (wooly mallow), Hibiscus militaris (syn. H. laevis) (halberd-leafed marsh mallow), Hibiscus moscheutos (swamp mallow), Hibiscus palustris (water hibiscus). Hoa dâm bụt là điểm nhấn tuyệt vời cho các thủy viên.

    *Tuyết hoa thảo (featherfoil, Hottonia palustris): cây ngoại nhập, xuất xứ từ châu Âu và Tây Á, phổ biến trong giới thủy sinh.

    *Giấp cá (fish mint, Houttuynia cordata): có nhiều biến thể màu sắc khác nhau.

    *Rau má (water pennywort, Hydrocotyle sp.): thông tin trên mạng về các loài thuộc chi này khá nhiễu loạn, thậm chí nhầm lẫn bởi một thực tế rằng vài loài hoàn toàn giống nhau, chỉ phân biệt qua hoa; những loài nội địa gồm rau má núi, rau má lá to Hydrocotyle nepalensis, rau má hương, rau má mỡ Hydrocotyle sibthorpioides (tên đồng nghĩa Hydrocotyle rotundifolia); những loài thủy sinh ngoại nhập gồm rau má lá sen phiến lớn (rau má Nhật) Hydrocotyle bonariensis, rau má lá sen phiến nhỏ (rau má Thái) Hydrocotyle vulgaris (ĐHCT, 2012), rau má dù, sen dù lùn Hydrocotyle verticillata (vi.Wikipedia) (có thể có sự trùng lặp ở đây, bởi H. verticillata từng được coi là một phân loài của H. vulgaris), rau má vỉ Hydrocotyle tripartita. Lưu ý phân biệt với rau má thường Centella asiatica vốn là cây đầm lầy.

    *Thủy cúc (water wisteria, Hygrophila difformis): cây thủy sinh ngoại nhập, xuất xứ từ tiểu lục địa Ấn Độ; difformis nghĩa là hai dạng, xuất phát từ việc cây có loại lá chìm/lá nước (submerged/water) và lá cạn/lá khí (terrestrial/emersed) hoàn toàn khác nhau; cái tên thủy cúc xuất phát từ dạng lá chìm/lá nước; cây mạnh mẽ, dễ trồng, và là đối tượng nghiên cứu phổ biến trong khoa học. Các loài cùng chi gồm: cây liễu Hygrophila corymbosa với nhiều biến thể khác nhau, cây hoang nội địa: đình lịch lá tròn Hygrophila erectađình lịch lá dẹp Hygrophila salicifolia.

    Lệ mạc, bạch trinh (spider lily, Hymenocallis sp.): loài thủy sinh được ghi nhận trên thị trường nội địa là lệ mạc vá H. caribaea ‘Variegata’. Những loài thủy sinh khác trong nhóm này là H. crassifolia, H. liriosome, H. occidentalis (syn. H. caroliniana) và H. palmeri. Loài bạch trinh biển H. littoralis (beach spider lily) phổ biến không phải là cây thủy sinh.

    "Bạch trinh" (Hymenocallis) là cái tên lệch lạc và trở nên phổ biến đến nỗi phải có đôi lời giải thích. Theo tiếng Hy Lạp: hymen là màng (membrane), kalos là đẹp, nghĩa chung là "màng đẹp" hay "lệ mạc" chỉ đến màng trắng giữa những cánh hoa mảnh mai. Vấn đề là, người đặt tên chỉ hiểu theo nghĩa hẹp "hymen" là "màng trinh", tức màng che bên ngoài âm đạo thiếu nữ (hỡi ơi, Google cũng toàn chỉ đến kết quả này); nếu đặt tên cây là "màng trinh đẹp" thì nghe sỗ sàng quá, nên bày đặt gọi trại thành "bạch trinh". Sai một li đi một dặm là đây! (Về việc đặt tên sỗ sàng, chúng ta có một ví dụ: maidenhair fern; maidenhair là lông mu thiếu nữ (pubic hair), fern là dương xỉ, nghĩa chung là "dương xỉ lông mu" bởi lá có hình như cụm lông mu! Tên này đúng là tục thiệt, nhưng đứa bán cây lại nghĩ hair chẳng qua là tóc thôi, nên gọi "tóc thần vệ nữ" cho sang).

    *Móng tay (touch-me-not, Impatiens sp.): vốn là loại hoa cảnh phổ biến, có nhiều loài hoa móng tay nội địa, cần tìm hiểu thêm về cây móng tay bờ nước.

    *Rau muống Ipomoea aquatica

    *Cỏ bấc (Juncus sp.): cây nội địa gồm “cỏ bấc đèn” Juncus effusus ở Sapa và Đà Lạt, và “hến trơn” Juncus prismatocarpus ở suối Đà Lạt.

    *Móp gai (Lasia spinosa): còn gọi là chóc gai, mướp gai, lá non ăn được.

    *Kèo nèo (yellow velvetleaf, Limnocharis flava): cây ruộng nội địa, thuộc họ Trạch tả Alismataceae, còn gọi là “cù nèo”. Cây phổ biến ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và thường được dùng làm gỏi. Là cây đầm lầy, cần nhiều mùn, độ sâu không quá 15 cm.

    *Ngò ôm Limnophila aromatica và quế vị (xá xị) Limnophila rugosa.

    *Bán biên liên (Lobelia chinensis): còn gọi là lỗ bình tàu, cây ruộng ở miền Bắc. Có một số loại lỗ bình đầm lầy ở Bắc Mỹ, thậm chí cây thủy sinh (water lobelia, Lobelia dortmanna), những cây này chưa được nhập.

    *Rau dừa nước (water primrose, Ludwigia adscendens): cây xâm lấn có nguồn gốc Bắc Mỹ; làm thuốc và ăn được. Dường như có sự lẫn lộn về tên khoa học khi nhiều trang mạng đưa tên Ludwigia repens mà ngọn vốn đỏ! Các loài cùng chi có rau mương đỏ Ludwigia octovalvis và nhiều cây thủy sinh ngoại nhập có tên diệp tài hồng.

    *Kim tiền thảo (creeping jenny, Lysimachia nummularia): cây thủy sinh ngoại nhập, xuất xứ từ châu Âu; lưu ý phân biệt với cây kim tiền thảo金钱草 đích thực Lysimachia christinae, hay cây kim tiền thảo (dược liệu) Desmodium styracifolium.

    *Cỏ bợ (water clover, Marsilea quadrifolia). Các loài thủy sinh khác là Marsilea crenata, Marsilea exarataMarsilea hirsuta (ngoài rau bợ, hiện chưa rõ tình trạng các loài cùng chi ở nội địa).

    *Bạc hà, húng (mint, Mentha sp.): cây gia vị phổ biến, những loài bờ nước gồm water mint, Mentha aquatica (húng lủi nhiều khả năng là mojito mint, không phải watermint như một số nguồn đưa, nếu úng nước sẽ chết), húng cây (wild mint, Mentha arvensis) và bạc hà hăng (pennyroyal, Mentha pulegium)(cây độc nhẹ, cảnh báo không dùng làm gia vị).

    *Rau mác thon (pickerel weed, Monochoria hastata): cây ruộng nội địa, thuộc họ Lục bình (water hyacinth) Pontederiaceae. Cây mọc nhanh, nảy nhánh mạnh, có thể dùng làm hậu cảnh nhưng nên hạn chế ở một khu vực nhất định, có kiểm soát. Các loài cây nội địa cùng chi (genus) nhưng nhỏ hơn bao gồm rau mác bầu (Monochoria ovata) và rau mác bao hay “cỏ lưỡi vịt” (Monochoria vaginalis).

    [​IMG]
    Rau mác thon Monochoria hastata.

    *Thủy lưu ly (water forget-me-not, Myosotis scorpioides, M. palustris là tên phụ đồng nghĩa): loài hoa đầm lầy “xin đừng quên tôi” gắn liền với một câu chuyện lãng mạn, còn gọi là cỏ bò cạp, xuất xứ từ các vùng ôn đới ở bắc bán cầu, có nhiều biến thể màu sắc khác nhau.

    *Rong xương cá (parrot ’s feather Myriophyllum aquaticum): cây bán thủy tuyệt vời, phù hợp với mọi hồ cảnh.

    *Rau nhút (water mimosa, Neptunia oleracea)

    *Cần nước, cần ta (water parsley, Oenanthe javanica): một loại rau, gia vị nội địa phổ biến (thử mua cả cây về tự trồng). Nhiều loài khác cùng chi đều cực độc.

    *Rau vi (Osmunda japonica): mọc ở rừng núi cao các tỉnh Lào Cai (Sapa), Lạng Sơn (Mẫu Sơn).

    *Xả căn (star fruit, Penthorum chinense): phân bố nơi kẽ đá ẩm ướt, dọc lưu vực sông Hồng.

    *Kim tâm, cúc móng ngựa (Japanese butter burr, Petasites japonicus): lá to, mọc ven bờ nước trong rừng ẩm núi cao miền Bắc.

    *Sậy trổ (reed canary grass, Phalaris arundinacea)

    *Sậy (common reed, Phragmites autralis)

    *Thủy hồng (marsh cinquefoil, Potentilla palustris): cây hồng đầm lầy xuất xứ từ Bắc Mỹ, hy vọng nó sẽ được nhập trong tương lai.

    *Nhã hoa (Pratia nummularia): mọc bò, dễ nhận diện qua những quả mọng màu tím, cây thường gặp ở vùng núi như Đà Lạt, Bà Nà, Sapa.

    *Mao lương vàng (creeping buttercup, Ranunculus repens): phân bố ở vùng ôn đới bắc bán cầu, cực độc nên khó có khả năng được nhập.

    *Cải xoong (watercress, Rorippa nasturtium-aquaticum): cây rau phổ biến, được du nhập từ châu Âu.

    *Luân thảo (Rotala sp.): giới thủy sinh gọi là vảy ốc, các loài nội địa được ghi nhận gồm Rotala indica, Rotala rotundifolia (Sapa, Đà Lạt) và Rotala wallichii (hồ Cần Nôm, Dầu Tiếng, Bình Dương).

    *Chiều tím, dạ yến thảo (Ruellia simplex - tên cũ R. brittoniana): cây bản địa của Mexico, Caribbe và Nam Mỹ; họ hàng gần với cây quả nổ nhưng hiếm khi đậu trái, bông tím, ra quanh năm, ưa bóng râm. Giống phổ biến trên thị trường nội địa có lẽ là “Purple Shower”. Biến thể hồng của cây này được gọi là “chiều hồng”, nghe nói mọc yếu, dễ nhiễm bệnh. Chúng tôi ghi nhận có ba giống chiều hồng trên thị trường: a) chiều hồng lùn “Katie Pink”, chiều cao 6-12 inch, bông tụm thành chùm gần ngọn; b) chiều hồng nhỡ “Mayan Pink”, chiều cao 1-2 feet, đôi khi có quả; và c) chiều hồng cao “Chi Chi”, chiều cao 3-4 feet.

    Cây quả nổ là Ruellia tuberosa là họ hàng gần với chiều tím, ưa đất ẩm, hoa tím, lá ngắn và tù hơn chiều tím, các biến thể hoa trắng và hồng dường như phổ biến hơn.

    Một tên khác là “thạch tảo tím”! Có chàng hoài cổ nói rằng hoa “thạch thảo” Ruellia simplex (brittoniana) này nào phải loài hoa thạch thảo trong bài “Mùa thu chết” của nhạc sĩ Phạm Duy!!! Chúng ta hãy thử tìm hiểu xem sao. Từ bài thơ L’Adieu của Guillaume Apollinaire, Bùi Giáng dịch như sau “Ta đã hái nhành lá cây thạch thảo. Em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi”. Dựa vào đó, Phạm Duy viết thành lời bài hát “Ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo. Em nhớ cho mùa thu đã chết rồi”. Loài hoa được nhắc đến trong bài thơ gốc có tên “bruyère” (heather, Calluna vulgaris), mà có nguồn gọi là “thạch nam”, mang ý nghĩa may mắn nên phù hợp như là món quà chia tay. Không có thông tin gì về loài này ở Việt Nam, thật khó lý giải khi nó mang một cái tên Hán Việt, dường như một số trí thức cũ luôn nhìn sang Trung Quốc để tìm tên. Hoa thạch thảo hay cúc cánh mối (European Michaelmas daisy, Aster amellus) trong bản dịch lại là một loài khác, xuất xứ từ châu Âu và du nhập vào nước ta từ đầu thế kỷ 20, trồng nhiều ở Đà Lạt. Ở châu Âu, hoa thường nở vào mùa thu khi đa số các loại hoa khác đã tàn. Loài hoa cũng mang ý nghĩa chia tay, trùng với ý thơ. Tới đây có thể thấy Bùi Giáng đã phỏng dịch thơ gốc. Về các loài thuộc chi Ruellia, từ lâu chúng ta vốn đã biết cây quả nổ Ruellia tuberosa với hai màu trắng và hồng. Khoảng 2007, loài hoa tím Ruellia simplex (brittoniana) mới bắt đầu xuất hiện. Chỉ có loài sau mới bị gọi là “thạch thảo”, trùng với một loài hoa biểu tượng vốn đã có từ lâu; tất nhiên đây là một sự cố cẩu thả và đáng trách.

    *Rau mác (arrowhead, Sagittaria sagittifolia): cây ruộng nội địa, thuộc họ Trạch tả Alismataceae, còn gọi là “từ cô”. Phân bố rộng, nhưng có lẽ phổ biến ở miền Bắc hơn.

    Cây ngoại nhập là một biến thể của rau mác, gọi là Sagittaria sagittifolia var. "Flore Pleno". Vâng, bạn có thể gọi là "rau mác var" nếu muốn. Hy vọng giá sẽ tăng chóng mặt. Hầu hết các trang bán hàng đều coi biến thể này thuộc về loài Sagittaria trifolia (tên cũ S. japonica), dường như xuất phát từ việc một số cây có mặt lá rất hẹp. Ảnh hưởng từ môi trường hay lai tạp? Biến thể bông này thực sự là một đột biến thuần dưỡng, vốn xảy ra ở nhiều loài thực vật, gọi là "double flowered". Cây sở hữu cả bông đực (nhị) lẫn bông cái (nhụy) nên có khả năng sinh sản hữu tính (hạt) lẫn vô tính (củ).

    *Nắp ấm (pitcher plant, Sarracenia sp.): cây ăn thịt ngoại nhập, xuất xứ từ Bắc Mỹ.

    *Trầu nước, hàm ếch (Chinese lizard tail, Saururus chinensis): mọc dại ở ruộng trũng, nơi ẩm ướt và ven suối, thường gặp ở các tỉnh phía Bắc.

    *Lác hến, đưng (rush, Scirpus sp.): những loài được ghi nhận gồm lác hến Scirpus grossus, hến biển Scirpus littoralis, hoàng thảo núi Scirpus lushanensis, hoàng thảo mũi Scirpus mucronatus, hoàng thảo năng Scirpus subcapitatus.

    *Điên điển, điền thanh (lobster claw, Sesbania sp.): rất đa dạng, các loài được ghi nhận gồm điên điển Sesbania aculeata, điên điển gai Sesbania bispinosa, điên điển sợi Sesbania cannabina, điên điển Sesbania javanica, điên điển quả to Sesbania macrocarpa, điên điển phao Sesbania paludosa, điền thanh Sesbania rostrata, điên điển tơ Sesbania sericea, điền thanh bụi Sesbania sesban, điên điển đẹp Sesbania speciosa.

    *Bồng bồng (Sphenoclea sp.): miền Bắc gọi là cỏ xà bông; đừng nhầm với cây “nam tỳ bà diệp”, “cây lá hen” (Calotropis gigantea) hay cây “tỳ bà diệp” (Eryobotrya japonica).

    *Hoắc hương đầm (marsh betony, Stachys palustris): cây ngoại nhập, xuất xứ từ Bắc Mỹ.

    *Cần câu, huỳnh tinh nước (alligator flag, Thalia geniculata): cây cảnh ngoại nhập, xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ.

    *Bồn bồn (cattail, Typha sp.): còn gọi là cỏ nến, hương bồ, mọc nhiều ở các vùng nước ít phèn ở miền Tây; cây được trồng làm thuốc, rễ non dùng làm thức ăn (gỏi bồn bồn).

    *Cỏ xuyến chi (golden water zinnia, Wedelia trilobata): cây ngoại nhập, xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Mỹ. Cây có khả năng mọc nổi trên mặt nước, nảy nhánh và trổ rễ từ các đốt, nhưng phát triển khá chậm.

    *Cỏ vàng, hoàng đầu (yellow-eyed grass, Xyris sp.): có khoảng mười loài nội địa, chẳng hạn Xyris indica, Xyris complanata ở núi Cậu, Dầu Tiếng, Xyris capensis ở Đà Lạt, Xyris grandis ở Bạch Mã.

    *Vân môn (calla lily, Zantedeschia sp.): cây ngoại nhập, xuất xứ từ vùng nhiệt đới châu Phi.

    *Phong huệ (rain lily, Zephyranthes sp.): loài ngoại nhập, xuất xứ từ tây bán cầu, có hai loài thủy sinh là phong huệ trắng Zephyranthes candida, và phong huệ hồng Zephyranthes grandiflora.

    *Lúa miêu, niễng (wild rice, Zizania latifolia): cây ngoại nhập, có nguồn gốc Bắc Á, được trồng làm rau ăn. Cây bị nhiễm một loại nấm nên gốc phì đại thành củ, không bao giờ ra hạt và trồng bằng phương pháp cắt cắm. Lúa miêu dưới danh nghĩa một loài cây lương thực cho hạt đã biến mất từ lâu ở Trung Quốc và các nước lân cận, có lẽ từ khi bị nhiễm nấm. Cây cho hạt rất hiếm. Biến thể nhiễm nấm của nó (niễng) được trồng phổ biến ở miền Bắc. Cây cũng xuất hiện tại Sóc Trăng vào 2017 và được khuyến cáo không nên trồng vì có khả năng lai tạp, tuy rất khó, với lúa thường Oryza sativa, làm ảnh hưởng đến nguồn gien bản địa. Điều này hẳn vô lý vì cây niễng không trổ bông, nguy cơ khả dĩ duy nhất là nhiễm nấm nhưng điều này được chứng tỏ là không xảy ra ở nhiều nơi khác. Những loài tương tự trong ứng dụng thủy viên, là lúa nước, lúa trời Oryza rufipogonOryza nivara vốn phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long.


    ========================


    Ghi chú

    *Một số loại cây loại khác có thể trồng trong thủy viên:

    Cây lá-nổi (floating-leaved)
    +Thủy quỳnh (water poppy, Hydrocleys nymphoides)
    +Diệp tài hồng lá nổi (mosaic plant, Ludwigia sedoides): cây ngoại nhập, trông giống hệt ấu, để phân biệt: ấu có hai loại lá: nổi và chìm, cuống lá thường phình to để giúp cây nổi khi có củ.
    +Súng (water lily, Nymphaeaceae)
    +Mã đề nước (duck-lettuce, Ottelia alismoides)
    +Ấu (water chestnut, Trapa sp.)

    Cây nổi (free-floating)
    +Bèo hoa dâu (Azolla sp.)
    +Cần trôi lá nhỏ (water sprite, Ceratopteris thalictroides)
    +Lục bình (water hyacinth, Eichhornia crassipes)
    +Cỏ chân vịt, cỏ thằn lằn (watergrass Hygroryza aristata)
    +Bèo tấm (duck weed, Lemna minor)
    +Bèo nhật (Amazon frogbit, Limnobium laevigatum)
    +Bèo cái (water lettuce, Pistia stratiotes)
    +Bèo tai chuột (Salvinia sp.)

    *Loại hồ mô phỏng sinh cảnh bờ nước gọi là hồ bờ nước (riparium).

    *Sau khi duyệt qua danh sách cây bờ nước, có những loại vốn nằm sẵn trong “bếp”, các bạn có thể lấy ra ươm và trồng, chẳng hạn: rau đắng biển Bacopa monnieri, rau má Centella asiatica, củ năng Eleocharis dulcis, rau ngổ Enydra fluctuans, giấp cá Houttuynia cordata, rau muống Ipomoea aquatica, ngò ôm Limnophila aromatica, húng cây (bạc hà nam) Mentha arvensis, rau nhút Neptunia oleracea, cần nước Oenanthe javanica, cải xoong Rorippa nasturtium-aquaticum.

    *Về thuật ngữ “bán cạn”: Một số người áp dụng từ này cho paludarium để phân biệt với hồ thủy cảnh (aquarium). Đấy là thời kỳ mông muội của thú chơi khi thông tin còn ít ỏi và người ta cố tìm ra một thuật ngữ phù hợp, nhưng theo thời gian nó không còn chính xác nữa (bởi nếu chấp nhận thì hồ bán cạn đích thực tức nửa khô-nửa ướt sẽ không biết gọi là gì). Paludarium là một loại sinh vực (vivarium) bắt nguồn từ tiếng Latin “palus” nghĩa là đầm lầy và “-arium” nghĩa là hồ, xin đính chính lại là “hồ đầm lầy”, một sinh cảnh đặc trưng. Paludarium theo nghĩa rộng còn mô phỏng rừng mưa và các vùng ngập nước. Thuật ngữ “cây bán cạn” cũng được áp dụng để gọi emergent plant (hay semi-aquatic plant), loại cây rễ bám đất và mọc quá mặt nước, trường hợp này xin đính chính lại là “cây bán thủy”. Vậy hồ bán cạn là gì? Xuất phát từ hồ cạn (terrestrial tank) vốn cung cấp môi trường đất khô cho các loài lưỡng cư và bò sát (đúng ra là hồ bò sát, đừng nhầm với terrarium tức “biệt viên” vốn tập trung vào thực vật), đương nhiên là vẫn phải cung cấp nước dưới dạng chén hay hồ nước, có khi chiếm đến một-nửa (half-and-half) tùy nhu cầu về độ ẩm của loài được nuôi. Trong trường hợp này, chúng ta có thể gọi là hồ “bán cạn”, tức là một thể loại hồ cạn.

    *Kim ngân (money tree, Pachira aquatica): cây thân mộc, ngoại nhập, nguồn gốc từ Trung và Nam Mỹ, thường được bán dưới tên “phát tài thụ”發財樹. Cùng chi bông gòn nên lá rất giống. Dẫu tên gọi như vậy, nó chỉ chịu ẩm chứ không phải cây thủy sinh hay cây đầm lầy, tưới quá nhiều nước sẽ chết.


    ========================


    (*) https://sites.google.com/site/raurungvietnam/home
    (**) http://vietnamplants.blogspot.com/ (website của anh Lê Hoàng Hải)
    (***) http://www.nucetech.com/2016/07/loai-cay-nao-tay-sach-nuoc-o-nhiem.html


    ========================


    Sinh vực (Vivarium)
    Hồ thủy cảnh (Aquarium)
    Biệt viên (Terrarium)
    Hồ đầm lầy (Paludarium)
    Đại dương cung (Oceanarium)
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/2/23
  3. thuctoan

    thuctoan Active Member

    cây môn có tính là cây bờ nước ko anh
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Có chứ bạn, cây môn được liệt kê ở trên: *Môn nước (taro, Colocasia esculenta): cây thuộc họ Ráy (Araceae). Như bất kỳ loại cây lương thực nào, có nhiều giống khoai môn như môn xanh, môn trắng, môn tím, môn tía, môn sáp, môn sen, môn thơm, môn trốn. Khoai sọ và khoai nước cũng là khoai môn, tức củ của cây môn nước. Loài cùng chi nhưng chịu nước kém hơn, tức cây đầm lầy, là môn bạc hà (bạc hà) hay dọc mùng (giant elephant ear, Colocasia gigantea).
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội