Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Khảo sát bệnh lủng đầu

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 12/1/10.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Khảo sát bệnh lủng đầu
    George Blasiola – FAMA 9/07

    Một trong những ghi nhận sớm nhất về bệnh lủng đầu (hole in the head disease - HITH) có thể được tìm thấy trong các tài liệu tiếng Đức. Trong tác phẩm kinh điển, Fish Pathology, tác giả mô tả bệnh lủng đầu ở các loài cichlid, kể cả cá dĩa (Reichenbach-Klinke, 1965). Ông đề cập đến bệnh “Lochkrankheit” và chỉ ra rằng khuẩn Hexamita đôi khi là nguyên nhân gây bệnh. Ông cho rằng bệnh liên quan đến sự căng thẳng và khuyên tránh nuôi quá nhiều cá như là một biện pháp phòng bệnh.

    Bệnh lủng đầu ở cá nước ngọt
    Tài liệu ghi nhận những loài thuộc họ Cichliade bao gồm cá ông tiên, cá dĩa, tai tượng phi và uaru thường mắc bệnh này. Bên cạnh các đơn bào (protozoan) như HexamitaSpironucleus, tình trạng suy dinh dưỡng, chất lượng nước kém và hiện diện của vi khuẩn yếm khí đều có thể là nguyên nhân gây bệnh ở cá nước ngọt.

    Những tổn thương dạng rỗ và bất thường xuất hiện chủ yếu trên đầu là triệu chứng bệnh ở cá nước ngọt. Ở cá tai tượng phi, tổn thương thường rõ rệt và lan rộng như miệng hố trên đầu cá. Ở cá dĩa và những loài cichlid khác, đôi khi nhớt tiết ra nhiều tại vết thương, nhất là ở vùng đầu. Tổn thương dạng rỗ đôi khi dẫn đến chẩn đoán sai về bệnh nhiễm giun ký sinh. Tất cả các loài cá bị nhiễm bệnh đều lờ đờ, có khuynh hướng ăn rất ít và hốc hác (Andrews & Scott, 1981).

    Những khảo sát về bệnh này vào năm 1974 ghi nhận tổn thương ở hàng loạt loài cá, kể cả cá ông tiên (Molnar, 1974). Trùng roi được phân lập từ ruột, túi mật và những phần nội tạng khác. Nghiên cứu tại Đại học Georgia phân lập khuẩn Hexamita sp. ở cá dĩa, cá vàng, cá sặc và nhiều biến thể cá ông tiên (Gratzek, 1980).

    Theo quan sát của họ và những người khác, dường như sự hiện diện của những vi sinh vật này trong ruột của cá vàng và cá sặc không hề ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng. Cá dĩa và cá ông tiên chống chọi kém với đơn bào này và có thể bị tử vong. Điều này đặc biệt đúng đối với cá non.

    Cá nhiễm bệnh thường hốc hác, giảm khẩu vị và có xu hướng chết hàng loạt. Từng có giả thuyết cho rằng việc sút cân liên quan đến sự bùng phát đơn bào trong ruột mà chúng tiêu thụ hết chất dinh dưỡng. Như đã nói, mặc dù đơn bào liên quan đến bệnh lủng đầu, nhưng không hề có quan hệ gây bệnh trực tiếp nào được xác định (Gratzek, 1992).

    [​IMG]
    Cá kim thơm Heros appendiculatus mắc bệnh lủng đầu. Nhiều yếu tố được cho là nguyên nhân gây ra bệnh này, bao gồm nồng độ đồng trong nước quá cao, chế độ dinh dưỡng kém, mầm bệnh…

    Nguyên nhân gây bệnh
    Nguyên nhân gây ra bệnh lủng đầu ở các loài cá nước ngọt có thể xuất phát từ nhiều nguồn khác nhau theo xác nhận của các nhà nghiên cứu.

    Trường hợp có tổn thương mà không tìm ra đơn bào, một số nhà khoa học cho rằng bệnh phát sinh vì chất lượng nước kém và được coi là bệnh về môi trường. Trong một thảo luận, chủ yếu về bệnh ở cá tai tượng phi, nguyên nhân gây ra bệnh lủng đầu được quy cho các chất hóa học trong nước hồ cá (Goldstein, 1979).

    Có một số hậu thuẫn cho ghi nhận này khi thảo luận về các bệnh ở cá tai tượng phi. Những hồ nuôi loài cá này thường có tính a-xít với nồng độ chất hữu cơ và mật độ vi khuẩn cao.

    Tôi từng chứng kiến một sự cải thiện về sức khỏe ở cá tai tượng phi khi nước hồ được thay thường xuyên trong vòng hai tuần. Mặc dù chất lượng nước hiển nhiên có vai trò gây bệnh, nhưng những yếu tố có khả năng gây bệnh khác không hề được cân nhắc đến.

    Chẳng hạn, dấu hiệu bệnh lý bên ngoài ở cá tai tượng phi có thể gây ra bởi vi khuẩn Mycobacteria. Trong khi mổ khám nghiệm cá tai tượng phi có triệu chứng bệnh lủng đầu, tác giả phát hiện các u hạt trong nội tạng, kể cả gan. Khảo sát mô cá sau đó khẳng định sự hiện diện của vi khuẩn kháng a-xít (acid-fast) trong các u hạt.

    Tác giả phân lập khuẩn Spironucleus từ cá ông tiên và từ tổn thương đầu của nhiều cá thể uaru (Uaru amphicanthoides) nuôi chung hồ với cá ông tiên (Pterophyllum scalare). Kiểm tra cá ông tiên và uaru xác định khuẩn Spironucleus hiện diện trong đường tiêu hóa, thận và gan.

    Cá nhiễm bệnh bị lờ đờ. Chúng ăn rất ít và nhanh chóng trở nên hốc hác. Tổn thương đầu xuất hiện ở cả cá ông tiên lẫn uaru. Việc thay nước liên tục và làm vệ sinh nền đáy giúp cải thiện sức khỏe của cá.

    Chi khuẩn Spironucleus nhìn chung chỉ lây nhiễm cho cá nước ngọt nhưng có một loài được phát hiện ở cá nước mặn. Dùng kính hiển vi điện tử, Poynton và Morrison (1989) đã phân lập và định danh khuẩn Spironucleus sp. từ hai loài cá biển: cá tuyết Đại Tây Dương (Gadus morhua) và cá tuyết haddock (Melanogrammus aeglefinus).

    [​IMG]
    Cá dĩa và cá ông tiên rất dễ mắc bệnh lủng đầu gây ra bởi đơn bào Spironucleus elegans.

    Bệnh lở đầu và đường bên - HLLE
    Bệnh lủng đầu ở cá biển thường được gọi là “lở mặt” (face rot) và “bệnh đường bên”. Nó được phát hiện ở cá nuôi trong các thủy cung cũng như hồ cảnh tại gia.

    Tác giả bắt đầu nghiên cứu về các trường hợp có triệu chứng này từ năm 1983 đến 1987 và là người đầu tiên mô tả triệu chứng như là bệnh lở đầu và đường bên (head and lateral line erosion) hay HLLE (Blasiola, 1989). Bệnh này tác động đến các loài cá đuôi gai, cá bướm, cá thiên thần, cá mú và cá rô biển. Bệnh không bao giờ được phát hiện trên các loài cá rặng san hô trong môi trường tự nhiên của chúng mà chỉ nhiễm ở cá nuôi trong hồ.

    Diễn tiến bệnh trên cá biển nhìn chung cũng khác với bệnh lủng đầu ở cá nước ngọt. Tổn thương bên ngoài cũng khác, không chỉ là những vết loét nông tương tự như nhiễm khuẩn (bacterial infection). Thay vào đó, một tiến trình biến dạng tác động lên cơ thể cá. Tổn thương thường xuất hiện trên đầu và nhanh chóng lan rộng qua thân dọc theo đường bên theo diễn tiến phát triển bệnh. Khi bệnh phát triển, một vùng lớn trên thân bị nhiễm bệnh kèm theo mất màu.

    Ở cá đuôi gai xanh (bắp nẻ xanh) – palette tang (Paracanthurus hepatus), bệnh gây ra những mảng bất thường như hình minh họa (Blasiola, 1989). Trường hợp bệnh nặng, đuôi và vây bụng có thể bị teo.

    Biểu hiện bệnh ở cá biển nhìn chung cũng khác, phụ thuộc vào mỗi loài, nhưng nói chung khẩu vị không hề bị ảnh hưởng. Điều này ngược với triệu chứng ở cá nước ngọt. Trái với ghi nhận của Bassler (1989), cá hoạt động và hiếm khi biếng ăn. Dẫu vậy, cá mắc bệnh hiếm khi tăng cân và nhanh chóng hốc hác.

    Tác giả đã nghiên cứu một số trường hợp được xác định nhiễm bệnh ở cá, chủ yếu là họ cá đuôi gai Acanthuridae. Trong một trường hợp có tài liệu đầy đủ vào cuối năm 1983, bốn con cá đuôi gai được kiểm tra. Các dữ liệu lưu lại cho thấy rằng cá được nuôi trong nước sạch và các thông số chính nằm trong tầm cho phép. Khẩu phần ăn của chúng bao gồm thức ăn tấm tổng hợp (flake food), thức ăn khô đông lạnh (frezze-dried food), thức ăn chế biến đông lạnh (frozen-prepared food) và thức ăn tươi sống. Sau khi cá nhiễm bệnh, người nuôi đã thử điều trị bằng nhiều loại thuốc kháng sinh nhưng không thành công. Hành vi của cá nhiễm bệnh không đổi. Tương tự, khẩu vị của chúng vẫn vậy.

    Khi cá được đem đến để tác giả kiểm tra, bệnh đang trong tình trạng phát triển mạnh, và chúng đã chịu đựng tình trạng này trong 15 tháng. Kiểm tra tổng quát và qua kính hiển vi điện tử không phát hiện thấy bất kỳ khuẩn gây bệnh nào.

    Người nuôi báo cáo rằng bệnh diễn tiến chậm và ngày càng nặng hơn bất chấp các nỗ lực thay nước và điều trị. Mô tả về tổn thương và diễn tiến phát triển của chúng tương tự như các trường hợp ở cá đuôi gai. Nhìn bên ngoài, trường hợp nào cũng bị mất màu ở vùng nhiễm bệnh trên cơ thể.

    Có hàng loạt giả thuyết được đưa ra để lý giải nguyên nhân của bệnh HLLE. Chúng bao gồm việc sử dụng đồng (copper), những vấn đề về môi trường liên quan đến chất lượng nước kém, việc sử dụng than hoạt tính (activated carbon), vi khuẩn, nấm, ký sinh, khối u và các vấn đề về dinh dưỡng. Dường như bệnh ở cá biển có nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng triệu chứng bên ngoài lại tương tự.

    Có tài liệu ghi nhận rằng một số loài cá rô biển có triệu chứng sùi và lở vùng đầu tương tự như bệnh lở đầu và đường bên. Tuy nhiên, kiểm tra kỹ hơn khẳng định rằng tổn thương gây ra bởi sự tăng sinh của một loại u đặc biệt phát sinh từ tuyến thần kinh. Những loài cá khác với triệu chứng lở loét bên ngoài tương tự lại liên quan đến vi khuẩn Mycobacteria (bệnh lao cá – piscine tuberculosis).

    [​IMG]
    Cá đuôi gai xanh (bắp nẻ xanh) là một trong những loài cá đuôi gai được ghi nhận mắc bệnh lở đầu và đường bên.

    Đồng
    Có ý kiến cho rằng sự hiện diện của đồng (copper) trong nước gây ra bệnh HLLE ở cá biển. Dựa trên sự quan sát, một bài viết kết luận rằng đường bên của cá đuôi gai cực kỳ nhạy cảm với đồng và có lẽ chất này chịu trách nhiệm kích hoạt bệnh (Sprung, 1982). Báo cáo về hàng loạt trường hợp mắc bệnh ở các loài cá đuôi gai khác không đưa ra kết luận như vậy.

    Cá trong nước được điều trị bằng đồng cũng tiến triển bệnh tương tự như những con ở trong nước không có đồng. Cũng có giả thiết cho rằng chất lượng nước kém, chẳng hạn như nồng độ nitrate cao thường trực hay những vấn đề khác về chất lượng nước, gây ra bệnh HLLE. Chưa có đủ bằng chứng hỗ trợ cho lập luận này. Được biết, bệnh HLLE có thể xảy ra ở cá biển kể cả khi chúng được nuôi trong điều kiện chất lượng nước cực tốt.

    Than
    Những nghiên cứu ở Florida gần đây ghi nhận rằng việc sử dụng than hoạt tính có thể gây ra bệnh HLLE mặc dù, một cách cụ thể, chất lượng nước bị biến đổi như thế nào hiện vẫn còn là điều phải nghiên cứu thêm (Stamper và cộng sự, 2005). Xin lưu ý rằng khả năng than gây ra các tổn thương từng được ghi nhận (Frakes, 1988). Việc loại bỏ than khiến bệnh khỏi ngay lập tức.

    Tác nhân sinh học
    Khi xem xét tác nhân sinh học như là nguyên nhân gây bệnh, một lần nữa, chưa có đủ dữ kiện để chứng minh cho lập luận này. Hiển nhiên, một số vi khuẩn được phân lập nhưng chúng có là nguyên nhân gây bệnh hay không vẫn là một câu hỏi. Nấm cũng nằm trong diện nghi vấn. Nhưng trong mọi ca bệnh mà tôi kiểm tra, tôi không hề thấy nấm hiện diện ở vùng tổn thương.

    Một báo cáo của Varner và Lewis (1991) đề cập đến reovirus liên quan đến bệnh HLLE ở một cá thể thiên thần koran – koran angelfish (Pomacanthus semicirculatus). Virus này được cho là ít độc hại. Báo cáo không khẳng định một cách chắc chắn rằng đấy là tác nhân gây bệnh chủ yếu. Các tác giả lưu ý chất lượng nước kém, chế độ dinh dưỡng nghèo nàn và mầm bệnh cơ hội làm suy giảm hệ miễn dịch, tạo điều kiện để virus tấn công.

    Một ca bệnh thú vị có thể gây ra triệu chứng tương tự như HLLE là bệnh nhiễm khuẩn Cryptosporidium ở cá kỳ lân. Nó được ghi nhận ở cá kỳ lân (Naso lituratus) và diễn tiến bệnh mà theo đó cá từ chối ăn và trở nên hốc hác (Hoover và cộng sự, 1981).

    Không có tổn thương xuất huyết nào được phát hiện, nhưng tổn thương hình thành làm teo cấu trúc mô cơ. Cá vẫn duy trì màu sắc bình thường. Ruột non có sự hiện diện của khuẩn tròn mà sau này được xác định là Cryptosporidium sp.

    Vấn đề dinh dưỡng
    Sau cùng, dường như chế độ dinh dưỡng kém có thể là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh HLLE ở cá biển. Tác giả nhận thấy vitamin C có thể giúp phục hồi tổn thương HLLE ở cá đuôi gai xanh (P. hepatus). Và mặc dù vitamin C là chất vi lượng (micronutrient), việc thiếu những chất vi lượng khác có thể đóng vai trò chủ chốt, một cách đơn phương hay kết hợp, trong sự tiến triển của bệnh.

    Tôi ngày càng bị thuyết phục rằng chế độ dinh dưỡng kém là nguyên nhân của hàng loạt bệnh ở cá đuôi gai, thiên thần, cá bướm và những loài khác. Một số nghiên cứu bổ sung được tiến hành để đánh giá xem liều lượng vitamin C cao có chữa được tổn thương ở loài Acanthurus bahianus không (Croft và cộng sự, 2005). Một nhóm nghiên cứu ở Florida làm việc với cá đuôi gai Đại Tây Dương – Atlantic surgeonfish (Acanthurus coeruleus) và cá đuôi gai đại dương – ocean surgeonfish (Acanthurus bahianus) đã chứng minh rằng việc thiếu vitamin A trong khẩu phần của cá có thể gây ra những tổn thương như triệu chứng của bệnh HLLE (Francis-Floyd và cộng sự, 2005).

    [​IMG]
    Đây là một trường hợp mắc bệnh lở đầu và đường bên nặng ở cá đuôi gai xanh (bắp nẻ xanh) Paracanthurus hepatus. Lưu ý tổn thương lan rộng, rỗ và mất màu.

    Điều trị
    Điều trị bệnh lủng đầu bao gồm việc cải thiện chất lượng nước, kiểm định và thay đổi thường xuyên khẩu phần thức ăn và áp dụng phương pháp hóa trị thích hợp. Trong nhiều trường hợp, có những báo cáo khác nhau về mức độ thành công khi áp dụng phương pháp hóa trị.

    Hướng điều trị giữa cá nước ngọt và cá biển khác nhau. Bởi vì bệnh lủng đầu dường như không chỉ có một tác nhân gây bệnh đơn lẻ, hướng điều trị cũng khác nhau tùy từng trường hợp và loài.

    Với cá nước ngọt. Khuẩn Spironucleus thường liên quan đến bệnh này, kính hiển vi điện tử được dùng để kiểm tra xem khuẩn này có xuất hiện ở vết tổn thương hay nội tạng không. Spironucleus là đơn bào nhỏ và kính hiển vi phải có độ phóng đại tối thiểu 400X mới có thể quan sát được chúng trong các mẫu sinh thiết. Một khi xuất hiện trong ruột non và các vùng nhiễm bệnh khác, số lượng lớn vi khuẩn thường được phát hiện trong các mẫu sinh thiết. Kích thước khuẩn này từ 2 đến 20 micron và cực kỳ linh hoạt.

    Nếu sự hiện diện của chúng được xác định, dược chất được chọn trong hóa trị là metronidazole. Thuốc này được sử dụng một cách thành công trong nhiều năm trời, đặc biệt là trong việc điều trị bệnh ở cá ông tiên, cá dĩa, cá tai tượng phi và những loài cichlid khác. Metronidazole thường được dùng để tắm cá mỗi ngày với nồng độ 5 đến 6 ppm trong ba ngày điều trị. Điều quan trọng là phải thay nước giữa những lần điều trị để duy trì chất lượng nước thích hợp. Việc tái nhiễm bệnh có thể xảy ra nếu chế độ điều trị không thích hợp. Metronidazole có thể được trộn vào thức ăn và cho cá bệnh ăn (50 mg/kg cho mỗi con cá) trong từ hai đến ba tuần (Lewbart, 1998). Tôi đồng ý với những nhà nghiên cứu khác rằng có thể phòng bệnh bằng cách duy trì chất lượng nước. Việc thay nước thường xuyên rất quan trọng để giảm tải hữu cơ cao trong hồ, điều vốn kích thích Spironucleus phát triển.

    Với cá biển. Cần có nhiều nghiên cứu bổ sung để nhận diện bất kỳ tác nhân sinh học, chất dinh dưỡng nhất định hay yếu tố môi trường nào gây ra bệnh này. Không hề có phương pháp hóa trị nào chứng tỏ chữa được bệnh này. Một số người vẫn đang nghiên cứu về bệnh HLLE ở cá biển.

    Một điều tra về yếu tố môi trường, chẳng hạn như chất lượng nước kém cũng như tái đánh giá về chương trình dinh dưỡng, là bước đầu tiên để xác định nguyên nhân gây bệnh.

    Một nhà nghiên cứu thậm chí ghi nhận rằng điện áp dò, gây ra bởi thiết bị điện không đấu đất, có thể kích hoạt bệnh HLLE. Nếu đáng nghi ngờ, vấn đề này nên được kiểm tra và điều chỉnh (Noga, 1996).

    Trong trường hợp bệnh phát sinh vì thiếu một số chất dinh dưỡng, khẩu phần ăn nên được thay đổi bằng nhiều loại thức ăn khác nhau. Điều này rất quan trọng nếu cá nhiễm bệnh được cho ăn chủ yếu bằng loại thức ăn chế biến khô. Những loại thức ăn như vậy có chất lượng rất khác nhau và có thể thiếu chất nhưng chưa thấy được ngay. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc thiếu các vitamin A và C có thể gây bệnh. Những chất vi lượng khác cũng có thể gây bệnh HLLE nhưng chưa được kiểm tra.

    Người nuôi phải đánh giá khẩu phần xem thức ăn kém chất lượng là nguyên nhân gây bệnh duy nhất hay còn có những yếu tố khác nữa. Ở một số loài cá đuôi gai, bệnh có thể được cải thiện bằng cách bổ sung tảo và thực vật vào khẩu phần ăn. Có báo cáo rằng tình trạng bệnh được cải thiện khi bổ sung loại thức ăn đông lạnh thương mại bằng tảo và những thành phần khác.

    Một trong những hướng điều trị khả quan là sử dụng thuốc Becaplermin. Trong hàng loạt nghiên cứu, việc bôi thuốc lên vết thương giúp bệnh mau hồi phục (Boerner và cộng sự, 2005; Fleming và cộng sự, 2005). Hàng loạt nồng độ thuốc cũng được thử nghiệm ở một trong các nghiên cứu (Adams và Michaelkiewicz, 2005). Tuy nhiên, nếu bôi thuốc vào vết thương khi cá vẫn ở trong môi trường gây bệnh, thì tổn thương càng trầm trọng. Cần có thêm nhiều nghiên cứu để khảo sát công dụng của thuốc Becaplermin.
     
    Chỉnh sửa cuối: 18/11/17
    new yellow guy thích bài này.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội