Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Sơ lược về cá chình

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 30/10/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Cá chình morey rồng (dragon morey) Enchelycore pardalis là loài mà tác giả luôn yêu thích. Mặc dù có nhiều biến thể nhưng những con đến từ Hawaii có màu sắc đẹp nhất.

    Sơ lược về cá chình
    Bob Goemans – F.A.M.A 11/08

    Bộ cá chình (eel) Anguilliformes gồm có hai phân bộ; Muraenoidei tức cá chình moray, và Congroidei bao gồm nhiều loài cá chình khác nhau như cá lạt (conger), cá chình rắn (snake), cá chình cỏ (garden) và cá chình giun (worm). Nhìn chung, bộ bao gồm 15 họ, 140 chi và hơn 700 loài được phát hiện ở vùng nhiệt đới và ôn đới, kể cả nước ngọt, ở khắp nơi trên thế giới.

    Phân loại cá chình liên tục thay đổi bởi vì nhiều loài mới được định danh, những loài trong diện nghi vấn được tái định danh, và những loài mới phát hiện được xác định và xếp vào vị trí thích hợp cho đến khi chúng được định danh và công nhận.

    Những loài cá chình được mọi người quan tâm thuộc về họ Muraenidae (chình moray) bao gồm 15 chi với khoảng 200 loài được phát hiện cho đến nay, trong đó có những loài phổ biến nhất. Tuy nhiên, thử nghiệm với những loài thuộc phân bộ Congroidei, chẳng hạn chình rắn, chình cỏ và chình giun cũng được thảo luận trong bài.

    Mô tả chung
    Tất cả cá chình đều có thân hình thuôn dài và thiếu vây bụng. Trên thực tế, vây lưng nối liền với đuôi tạo thành một vây liền lạc chạy dọc lưng và thường bao quanh đuôi. Cá chình moray thiếu vây ngực và vảy, chúng có kích thước từ 20 cm cho đến 5 m, đa số đều quá lớn đối với hồ cảnh. Miệng của chúng có nhiều răng sắc mà chúng thường nhe ra mỗi khi hớp nước vào miệng và đẩy ra qua lỗ mang nhỏ. Vì thiếu vảy, chúng tiết ra một lớp nhớt dày để bảo vệ cơ thể khỏi ký sinh và trầy xước. Mọi người hay nói “trơn như cá chình” và tôi thấy điều đó rất chí lý!

    Ngoài tự nhiên, những loài ăn thịt này phân bố trong hang, kẽ, lỗ, chôn mình dưới cát hay giữa những đám san hô. Đa phần là những loài săn mồi về đêm, rời nơi trú ẩn khi trời tối để săn cá, tôm và những loài giáp xác khác chẳng hạn như cầu gai và cua, và một trong số thức ăn ưa thích của chúng là bạch tuộc. Bởi vì hầu hết chình moray đều có thị giác kém và dựa trên khứu giác để bắt mồi, chúng không thể phân biệt ngón tay của bạn với thức ăn khi bạn cho chúng ăn. Vì vậy, tốt nhất bạn đừng để ngón tay lại gần miệng chúng. Trên thực tế, hồ nên được đậy nắp thật kỹ bởi vì chúng có xu hướng đào thoát. Tôi có thể chứng thực điều này vì nhiều lần tôi phát hiện cá chình của mình nằm dưới sàn nhà!

    [​IMG]
    Dù phổ biến và được coi là thích hợp với hồ cảnh tại gia, cá chình bông (snowflake moray) Echidna nebulosa không nên được nuôi chung với các loài giáp xác vì đây là nguồn thức ăn của nó ngoài tự nhiên và sẽ nhanh chóng biến mất khỏi hồ.

    Chình moray rồng
    Trong hơn 20 năm tôi nuôi nhiều loại cá chình moray khác nhau. Cá chình moray rồng hay moray rồng Hawaii – dragon moray (Enchelycore pardalis) luôn được ưa chuộng. Vùng phân bố của chúng từ đông Ấn Độ Dương cho đến Hawaii và lên phía bắc đến biển nam Nhật Bản. Đây là một trong những loài cá chình moray đẹp nhất, ít ra theo tôi là vậy, và có thân màu nâu cam với những đốm trắng-nâu, cùng với những vệt trắng-cam trên đầu và mõm.

    Có lẽ đặc điểm nổi bật và thu hút sự chú ý nhất của nó là cặp “sừng”, mà thực ra là hai lỗ mũi kéo dài phía trên miệng. Cùng với cái hàm cong và miệng lởm chởm răng, đây là một tạo vật xinh đẹp. Loài này hiếm khi có hàng. Nhưng nếu có thì nó là một trong số những loài cá chình đắt tiền nhất trong các tiệm cá cảnh.

    Cá thể của tôi được nuôi trong hồ 300 lít cùng với cá mao tiên và cá bò (triggerfish). Bởi vì nó chỉ lớn đến 75 cm cho nên đây là một trong số những loài cá chình có thể nuôi một cách thành công trong hồ cảnh. Hồ nuôi đặc biệt này có một cái hang lớn nơi tôi bố trí một loạt đá to, dài ngay cửa hang. Cá chình sẽ thu mình trong hang với đầu hướng ra ngoài, phía trên những tảng đá. Dĩ nhiên, hang được trình bày một cách bắt mắt.

    Tôi cho cá chình ăn thịt hai lần mỗi tuần. Tôi dùng những loại thức ăn như tép, sò và thịt cá biển rã đông. Đôi khi tôi đem về cá biển nhỏ bắt được khi đi lặn gần vịnh Mexico. Khi cho ăn bằng cá này, các cư dân trong hồ tạo ra một bữa tiệc náo loạn, điều rất thú vị khi quan sát. Và vâng, khi sử dụng loại thức ăn rã đông, nó phải được cột vào cần câu trước khi thả cho cá chình ăn vì tôi muốn “lưu” lại ngón tay mình.

    Trên thực tế, có lần tôi gỡ nắp kiếng, mà đó là dấu hiệu đã tới giờ ăn, và khi cần câu gắn miếng thịt vừa thả gần mặt nước – con cá chình lao lên, phóng ra khỏi mặt nước khoảng 25 cm và đớp vào miếng thịt trên cần câu. Nước văng tung tóe khắp nơi khiến tôi xanh cả mặt. Một lưu ý nữa về loài này đó là những cá thể ở Hawaii có màu sắc nổi bật hơn ở những nơi khác.

    Lịch vân lớn
    Một loài ưa chuộng khác của tôi là lịch vân lớn hay chình moray viền/báo – laced/leopard moray (Gymnothorax favagineus). Loài này phân bố từ biển Đỏ cho đến đông Phi, đông New Guinea và từ phía bắc Great Barrier Reef (rặng san hô lớn) cho đến Philippines, nơi nó cư ngụ trên bề mặt san hô và đầm, phá ven biển. Nó săn mồi, thường là cá và bạch tuộc nhỏ, vào cả ban ngày lẫn ban đêm. Loài này khá phổ biến trong các tiệm cá cảnh với giá phải chăng.

    Màu sắc của nó, những đốm và vệt đen trên nền thân màu trắng biến đổi từ lúc còn non cho đến khi trưởng thành. Khi còn non, những đốm đen trông giống viền, chiếm gần hết diện tích cơ thể. Tuy nhiên, khi trưởng thành các đốm nhỏ hơn, trông li ti và thật nhiều.

    Cá thể của tôi được nuôi trong hồ 850 lít với một con mao tiên và vài con cá đuôi gai (tang) lớn. Mặc dù loài này có thể lớn đến 1.5 m, cá thể của tôi chỉ đạt 60 cm. Cá nuôi cùng hồ phải thật lớn để không trở thành thức ăn của cá chình moray. Loài này không đào hang mà thích nằm dưới đáy trốn sau những tảng đá.

    Việc cho ăn thường rất khó khăn vì nó hầu như từ chối mọi thứ kể cả những miếng thịt hấp dẫn nhất trong nhiều ngày trời, đôi khi lên đến một hai tuần. Nhưng một khi nó đói thì thì đến cần câu cũng đớp luôn.

    [​IMG]
    Nhiều người thấy loài lịch vân lớn (honeycomb moray) Gymnothorax favagineus rất hấp dẫn, điều góp phần khiến loài này phổ biến trong thú chơi.

    Loài cá chình khó nuôi
    Trước khi thôi bàn về cá chình moray, tôi muốn lưu ý một loài mà tôi cố tình tránh bởi vì nó cực kỳ khó nuôi. Loài cá chình dải – ribbon eel (Rhinomuraena quaesita) hiển nhiên là loài cá xinh đẹp, nhưng bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công nếu hồ nuôi được bố trí đặc biệt cho nhu cầu của loài này. Tốt nhất là không nuôi chung hay chỉ có vài cá thể hiền lành. Loài chình moray này phân bố ở Tây Thái Bình Dương nơi chúng trú ngụ trong các lỗ nằm trên sườn dốc của dải san hô. Trên thực tế, lượng nhớt dồi dào từ thân cá khiến cát trong hang kết lại thành khuôn cứng. Loài này săn cá nhỏ bơi ngang qua miệng hang vào ban ngày.

    Chúng được gọi là cá chình dải vì thân mỏng và dẹp như dải lụa. Chúng có thể đạt đến chiều dài 1.2 m. Rhinomuraena quaesita có 3 dạng màu. Cá non màu đen với một vạch vàng chạy đến đuôi. Cá đực trưởng thành có màu xanh dương nổi bật; cá cái trưởng thành có màu nâu hanh vàng.

    Ngoài lớp đáy cát dày và nhiều thùng san hô vụn, một vài ống PVC dài trong hồ cũng giúp cá bớt căng thẳng, đặc biệt loài này là chuyên gia đào tẩu và có thể chui qua những khe rất nhỏ trên nắp hồ.

    Lưu ý về cá chình dải

    [​IMG]
    Việc nuôi dưỡng cá chình dải (ribbon eel) cực khó vì nó thường đòi hỏi thức ăn là các loài cá biển tươi sống vốn đắt tiền và khó kiếm. Thậm chí khi thức ăn được đáp ứng, loài này cũng thường bỏ ăn và nhịn đói đến chết. Trừ phi người nuôi chịu mất thời gian và thiết lập môi trường phù hợp với loài cá này, bằng không thì hãy cứ để nó sống ngoài tự nhiên – Tôi hiếm khi nghe nói có trường hợp nào nuôi dưỡng thành công loài này.

    Điều đầu tiên cần biết khi mới đem cá về đó là, loài này thường rất háu ăn. Một khi đã yên vị trong hồ sau một, hai ngày, hãy thả nhiều cá molly nước mặn và nước lợ vào hồ. Nếu chỗ bạn ở gần tiệm bán mồi câu thì cá tuế (minnow) tươi cũng rất tốt. Nên nhớ rằng, các loài cá mồi nước ngọt như cá bảy màu và cá vàng không phải là nguồn thức ăn thích hợp và có thể khiến gan cá bị suy nếu cho ăn thường xuyên. Bạn cũng có thể sử dụng cá rô biển (damselfish) nhỏ và rẻ tiền làm cá mồi.
    [​IMG]
    Cá chình rắn (snake eel) Callechelys marmorata đang nhú đầu ra khỏi hang. Nó sử dụng cạnh cứng ở đuôi để đào. Nó dành phần lớn thời gian chôn mình dưới cát.

    Cá lạt, chình rắn và chình cỏ
    Còn có rất nhiều loài chình moray nữa, chẳng hạn như chình bông – snowflake (Echidna nebulosa) và chình vằn – zebra moray (Gymnomuraena zebra) nhưng trong bài chỉ đề cập đến những loài phổ biến nhất. Nhưng như đã nói ở trên, còn có nhiều loài cá chình khác nữa, chẳng hạn cá lạt, cá chình rắn và cá chình giun. Chúng có lẽ là những loài mà người chơi cá cũng như thợ lặn thường bỏ qua. Mặc dù chúng khá phổ biến ở những vùng đáy biển bằng phẳng có bùn, đáy biển có rong, và trong các vùng đáy cát xung quanh các rặng san hô, chúng là những loài chưa biết, kém hấp dẫn hay hầu như không thể nuôi trong môi trường khép kín.

    Cá chình rắn (snake eel), chẳng hạn như Callechelys marmorata, là loài đào hang trong vùng đáy cát, đáy bùn hay vùng có rong biển. Chúng dùng cạnh cứng ở đuôi để đào hang và hầu như giấu mình ngoại trừ phần đầu ló ra khỏi hang. Chúng thường săn mồi vào ban đêm và cần không gian trống để săn các loại mồi chẳng hạn như tép và cua. Cá chình giun (worm eel) dành phần lớn cuộc đời chôn mình dưới cát và thợ lặn hiếm khi nhìn thấy chúng.

    Cá chình cỏ, chẳng hạn như chình cỏ đốm (Heteroconger hassi), là tên gọi rất thích hợp bởi vì khi nhìn từ xa ngoài tự nhiên, chúng trông giống như những lá cỏ mọc trên nền cát. Khi có người lại gần, chúng thụt vào hang của mình. Khi vươn ra khỏi hang, chúng kiếm mồi là các phiêu sinh. Cá lạt, như loài cá lạt mắt to (Ariosoma anagoides), hình dạng giống như chình moray; lẩn tránh vào ban ngày và chỉ đi kiếm ăn vào ban đêm.

    Tất cả những loài này đều cần môi trường nuôi đặc biệt mà hầu hết người chơi cá không thể đáp ứng nổi. Chúng đơn giản không vừa với loại hồ san hô với vô số cư dân khác nhau mà có thể trở thành bữa sáng, bữa trưa hay bữa chiều của chúng.

    [​IMG]
    Cá chình cỏ đốm (spotted garden eel) Heteroconger hassi, thường chôn mình trong hang và nhú đầu ra. Nhìn từ xa, chúng giống như lá cỏ biển và ăn phiêu sinh trôi qua. Chúng nhanh chóng thụt vào hang mỗi khi cảm thấy hay thực sự bị đe dọa.


    =============================


    Ghi chú

    *Những loài thuộc bộ cá chình Anguilliformes ở Việt Nam (theo fishbase):
    HọLoàiTên tiếng AnhTên tiếng Việt
    AnguillidaeAnguilla celebesensisCelebes longfin eelCá chình vây dài
    AnguillidaeAnguilla japonicaJapanese eelCá chình nhật
    AnguillidaeAnguilla marmorataGiant mottled eelCá chình bông
    CongridaeAriosoma anagoSilvery congerCá chình bạc
    CongridaeBathycongrus parapolyporus--
    CongridaeBathycongrus parviporus--
    CongridaeBathymyrus simus--
    CongridaeConger cinereusLongfin African conger-
    CongridaeGnathophis nystromi nystromi--
    CongridaeRhynchoconger ectenurus--
    CongridaeUroconger lepturusSlender conger-
    MoringuidaeMoringua ferrugineaRusty spaghetti eel-
    MoringuidaeMoringua javanicaJava spaghetti eel-
    MoringuidaeMoringua macrocephalus--
    MuraenesocidaeCongresox talabonYellow pike congerCá dưa
    MuraenesocidaeCongresox talabonoidesIndian pike congerCá lạt
    MuraenesocidaeMuraenesox cinereusDaggertooth pike congerCá dưa bạc
    MuraenidaeEchidna delicatulaMottled moray-
    MuraenidaeEchidna nebulosaSnowflake morayCá chình bông
    MuraenidaeEchidna polyzonaBarred morayCá chình
    MuraenidaeEchidna unicolorUnicolor moray-
    MuraenidaeEnchelynassa caninaViper moray-
    MuraenidaeGymnomuraena zebraZebra moray-
    MuraenidaeGymnothorax buroensisVagrant moray-
    MuraenidaeGymnothorax chilospilusLipspot moray-
    MuraenidaeGymnothorax cribrorisSieve-patterned moray-
    MuraenidaeGymnothorax emmae--
    MuraenidaeGymnothorax favagineusLaced morayCá lịch vân lớn
    MuraenidaeGymnothorax fimbriatusFimbriated morayCá lịch chấm bé
    MuraenidaeGymnothorax flavimarginatusYellow-edged morayCá lịch
    MuraenidaeGymnothorax herrei--
    MuraenidaeGymnothorax isingteena--
    MuraenidaeGymnothorax javanicusGiant moray-
    MuraenidaeGymnothorax margaritophorusBlotch-necked moray-
    MuraenidaeGymnothorax melatremusDwarf moray-
    MuraenidaeGymnothorax meleagrisTurkey moray-
    MuraenidaeGymnothorax moringaSpotted moray-
    MuraenidaeGymnothorax pictusPeppered morayCá lịch
    MuraenidaeGymnothorax punctatofasciatusBars'n spots moray-
    MuraenidaeGymnothorax reevesiiReeve's morayCá lịch sọc chấm
    MuraenidaeGymnothorax reticularis-Cá lịch khoang
    MuraenidaeGymnothorax richardsoniiRichardson's moray-
    MuraenidaeGymnothorax rueppelliaeBanded moray-
    MuraenidaeGymnothorax thyrsoideusGreyface morayCá lụy hoa
    MuraenidaeGymnothorax undulatusUndulated morayCá lịch vân sóng
    MuraenidaeGymnothorax zonipectisBarredfin moray-
    MuraenidaeRhinomuraena quaesitaRibbon moray-
    MuraenidaeScuticaria tigrinaTiger reef-eel-
    MuraenidaeStrophidon satheteSlender giant moray-
    MuraenidaeUropterygius concolorUnicolor snake moray-
    MuraenidaeUropterygius polyspilusLarge-spotted snake moray-
    MuraenidaeUropterygius xanthopterusFreckleface reef-eel-
    NettastomatidaeSaurenchelys fierasfer--
    OphichthidaeAhlia egmontis (?)Key worm eel-
    OphichthidaeBrachysomophis crocodilinusCrocodile snake eelCá chình sấu
    OphichthidaeCallechelys marmorataMarbled snake eel-
    OphichthidaeCirrhimuraena chinensis--
    OphichthidaeCirrhimuraena orientalis-Cá chình rấu phương đông
    OphichthidaeLeiuranus semicinctusSaddled snake-eel-
    OphichthidaeMuraenichthys gymnopterus--
    OphichthidaeMuraenichthys thompsoniThompson's snake eel-
    OphichthidaeMyrichthys colubrinusHarlequin snake eel-
    OphichthidaeMyrichthys maculosusTiger snake eel-
    OphichthidaeMyrophis microchirOrdinary snake eel-
    OphichthidaeNeenchelys buitendijkiFintail serpent eel-
    OphichthidaeOphichthus apicalisBluntnose snake-eel-
    OphichthidaeOphichthus celebicus--
    OphichthidaeOphichthus lithinusEvermann's snake eel-
    OphichthidaeOphichthus rutidodermaOlive snake eel-
    OphichthidaePisodonophis boroRice-paddy eelCá nhệch răng hạt
    OphichthidaePisodonophis cancrivorusLongfin snake-eel-
    SynaphobranchidaeDysomma anguillareShortbelly eelCá chình hậu môn trước
    *Mặc dù rất phổ biến trên mạng, cá chình mun chưa được fishbase.org ghi nhận trong danh mục cá chình ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Nguyễn Hữu Dực và Mai Đình Yên vào năm 1994 (đăng trên vncreatures.net), loài này có tên khoa học là Anguilla bicolor pacifica, vùng phân bố ở Thừa Thiên - Huế (sông Hương, thành phố Huế), Quảng Ngãi (sông Trà Khúc - thị xã Quảng Ngãi), Bình Định (đầm Châu Trúc - Phù Mỹ). Điều trùng hợp là vào cùng thời gian và địa điểm miền Trung Việt Nam, nghiên cứu của Nguyễn, H.P. và N.T. Nguyễn xác định loài Anguilla celebesensis (Celebes longfin eel). Tài liệu được đăng tải bằng tiếng Anh và ghi nhận bởi fishbase.org. Theo võ đoán của chúng tôi thì đấy chẳng qua là con cá chình mun mà thôi và ai đó cần so sánh các tài liệu để xác định tên khoa học chính xác của nó là gì.

    *Cá lạt (pike conger) Congresox talabonoides thuộc họ Muraenesocidae, phân bộ Congroidei. Cũng có ý kiến gọi mọi loài trong phân bộ này là “conger eel”, tạm dịch là “cá lạt”.

    *Những loài cá chình thuộc chi Gymnothorax được gọi là lịch.

    *Cá nhệch răng hạt (rice-paddy eel) Pisodonophis boro cũng là một loài cá chình. Chúng thường cư ngụ ở các đầm, phá ven biển, vùng cửa sông và ruộng lúa. Món gỏi cá nhệch là đặc sản vùng vịnh Bắc Bộ.

    *Một số loài cũng có chữ “eel” như lươn đồng (swamp eel) Monopterus albus và lịch sông (bengal eel) Ophisternon bengalense thuộc bộ mang liền Synbranchiformes. Lịch sông rất giống với lươn đồng nhưng sống ở các vùng nước lợ như sông, rạch, đầm lầy... Thân lịch có bông và vây hơi to hơn lươn một chút.


    =============================


    Chình moray
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/6/17
  2. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Chuyện con “lươn nhật”

    Vài năm trước cùng đồng nghiệp đi ăn một nhà hàng chuyên đồ Nhật thấy món “lươn nướng” (Unagi) thơm ngon, nhưng không phải mùi vị của con lươn mà mình vẫn biết. Mấy bà mấy cô nhanh nhảu so sánh giá trên thực đơn với giá lươn đồng ngoài chợ thì thấy chênh lệch rất nhiều, nếu biết cách tự chế biến thì còn gì bằng?

    Lên mạng tìm hiểu thì hỡi ôi, Unagi nào phải con lươn mà là CÁ CHÌNH SÔNG (freshwater eel). Con này đúng là mắc rồi, miễn bàn. Có một điều rất rất chi không ổn, đó là dường như tất cả các nhà hàng món Nhật đều đồng thanh “lươn nướng”, “lươn biển” hay “lươn nhật” như thể đã họp bàn và thống nhất với nhau từ trước vậy.



    Rồi một hôm đi ăn buffet gặp món “lươn hun khói” (smoked eel). Ngon tuyệt và chẳng có tí mùi lươn nào nhưng chẳng ai thèm màng đến cái món dân dã nên mấy cha con nhà này cứ tự nhiên chén tì tì. Anh đầu bếp trưởng rất dễ thương ra hỏi han mọi người ăn có ngon miệng không, mình mới nói cả đời chưa ăn món “lươn hun khói” nào ngon như thế này, nên chăng đổi tên nó thành “cá chình xông khói” để thoát kiếp bình dân? Anh giải thích đây loại “lươn to hơn” được nhập từ nước ngoài về. Bữa sau món “lươn hun khói” lại xuất hiện và dường như cũng chẳng ai đụng vào ngoài cái đám nhà mình. Ha ha!

    Hồi nhỏ học tiếng Anh được dạy “eel” nghĩa là con lươn, KHÔNG CHÍNH XÁC, “eel” là con cá chình mới đúng. Từ điển cũng không chính xác, trích Vdict.com: “eel” = “con cá chình; con lươn”. Con lươn là “swamp eel”, về mặt khoa học thuộc về bộ mang liền Synbranchiformes khác hẳn với cá chình “eel” thuộc bộ cá chình Anguilliformes. Sự khác nhau giữa “eel” và “swamp eel” còn nhiều hơn giữa “fly” và “butterfly”, nhưng ở trường hợp sau không có sự nhầm lẫn nào cả.

    unagi.jpg
    Món "lươn nhật" trong thực đơn của một nhà hàng ở Q7.

    smokedeel.jpg
    Món "lươn hun khói" ngoại nhập.


    ====================


    *Cá chình, cá lịch, cá lạt và cá dưa (eel) là các loài cá biển thuộc bộ Anguilliformes. Trong khi lươn đồng (swamp eel) Monopterus albus hay lịch sông (Bengal eel) Ophisternon bengalense là các loài cá nước ngọt thuộc bộ mang liền Synbranchiformes.

    *Cá chình sông (freshwater eel) thuộc họ Anguillidae là loài di cư vào các vùng nước ngọt và lợ để sinh sống, nhưng khi trưởng thành chúng lại quay về biển để sinh sản. Vòng đời của chúng ngược với cá hồi vốn sống ở biển, nhưng di chuyển lên thượng nguồn các con sông để sinh sản. Loài cá chình sông Anguilla japonica (Japanese freshwater eel, nihon unagi) hay “cá chình nhật” (dẫu tên gọi như vậy) phân bố rộng ở nhiều quốc gia Đông Á, bao gồm cả Việt Nam.

    *Unagi: vốn là tên tiếng Nhật của con cá chình sông Anguilla japonica, và cũng là tên món phi-lê (fillet) cá chình nướng (grilled) nổi tiếng. Các nhà hàng Nhật ở ta thường gọi món này là “lươn nướng” và nhân viên có thể giải thích rằng đây là con lươn Nhật (hoặc thậm chí nhập từ Nhật). Thứ nhất, đây là cách gọi sai vì Unagi rõ ràng là món cá chình nướng. Thứ nhì, mặc dù tên khoa học và tên thông dụng tiếng Anh có yếu tố Nhật Bản, nhưng đây là loài cá chình bản địa của nước ta. Loài này được đánh bắt từ cá bột, nuôi thương phẩm và xuất khẩu. Nhiều khả năng nguồn cá chình nhật ở ta là hàng sản xuất nội địa. Đừng nhầm Unagi với Anago, vốn là món ăn làm từ các loài cá lạt (conger eel) bản địa mà chủ yếu là ma-anago (Conger myriaster). Cá lạt là loại cá chình sống theo tập đoàn ở các vùng biển nông, đáy cát hay bùn. Nó thường được hấp (sushi) hay chiên ròn (tempura). Thịt xốp, vị ngọt, không thơm và béo bằng Unagi.

    *Smoked eel: cá chình xông khói, vốn là món đặc sản Âu-Mỹ. Từ đó, món cá chình xông khói có lẽ được làm từ loài cá chình Âu (European eel) Anguilla anguilla hay cá chình Mỹ (American eel) Anguilla rostrata, tùy xuất xứ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/7/18
  3. lucson52

    lucson52 Moderator

    Hi anh Đ.
    Anh thêm một bài về cá chình "bông" và cá chình "mun" mà VN mình đang nuôi đi anh.
    Cái này thiết thực đó anh.

    Thân.
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator



    Hoan hô Hoàng Yến vì đã gọi đúng tên “nó là nó”!
    HY0.jpg
    HY.jpg
    HY1.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/18
  5. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội