Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Thú chọi cá cờ

Thảo luận trong 'Bài viết tuyển chọn - cá betta - cá cờ' bắt đầu bởi vnreddevil, 6/12/18.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]

    Thú chọi cá cờ
    Ghi lại theo lời kể của Toàn Nguyễn (Bình Định)

    Cá cờ, săn sắt hay lia thia (paradisefish Macropodus sp.), tùy cách gọi mỗi vùng, phân phố ở hầu hết các vực nước tự nhiên tại miền Bắc, miền Trung cho đến tận đầu nguồn sông Đồng Nai (miền Nam). Tương tự như cá Betta, cá cờ đực có bản năng chiến đấu mạnh mẽ và được người dân địa phương dùng vào các cuộc chọi giải trí trong thời gian rảnh rỗi. Người Hoa gọi cá cờ là Trung Quốc Đấu Ngư中国斗鱼; cái tên ám chỉ hoạt động đá cá dẫu có rất ít thông tin công khai về các hoạt động này.

    Chính tại dải đất miền Trung bao gồm các tỉnh Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định mà hoạt động chọi cá cờ được nâng tầm thành thú chơi tinh tế. Theo một bạn chơi cá cờ (Ký Ức) ngoài những tỉnh trên, hoạt động chọi cá cờ cũng diễn ra lác đác ở những tỉnh như Phú Yên, Nha Trang và Bình Thuận, trên vùng cao có Đà Lạt và Gia Lai. Hoàn cảnh tự nhiên khắc nghiệt cũng góp phần làm cho con cá gắt hơn. Trái ngược với cá Betta, vốn được các học giả như Toan Ánh và Vương Hồng Sển mô tả khá kỹ càng, không tài liệu nào nói về thú chọi cá cờ, thậm chí học giả Toan Ánh còn nhấn mạnh “miền Bắc không chơi cá đá, và miền Trung cũng vậy”. Không phải, thú chọi cá cờ vẫn luôn tồn tại trải qua bao biến động của lịch sử, và mặc dù không có bằng chứng cụ thể như nhiều thú chơi dân gian khác, chúng tôi vẫn mạnh dạn dự đoán nó có thể lâu đời như cuộc Nam tiến của người Việt, hoặc nếu nói xa hơn, những nét đặc trưng của thú chọi cá cờ ở miền Trung có thể là ảnh hưởng của văn hóa Champa cổ.

    Bài viết này mô tả nhiều khía cạnh của thú chọi cá cờ, một trò chơi dân gian lâu đời, theo lời kể của bạn Toàn Nguyễn (Bình Định), người vốn chọi cá cờ từ nhỏ. Những ghi chú bổ sung được chúng tôi đưa vào phần ngoặc đơn. Bài viết cũng sử dụng thuật ngữ “biệt dưỡng” (conditioning) để mô tả chế độ nuôi đá, chuẩn bị thi đấu. Biệt dưỡng là khái niệm rất phổ biến trong thể thao ngày nay, tương tự như cái gọi là “điểm rơi phong độ” mà các vận động viên đều nhắm tới trước khi thi đấu. Hy vọng bài viết mang lại niềm vui và vài thông tin bổ ích cho mọi người, cả trong lẫn ngoài thú chơi.

    Tuyển chọn:
    Qua kinh nghiệm, cá cờ đen rất hay, “răng nhiều” (sắc), nhưng không thể cáp đá ở địa phương (Bình Định đá cờ sọc). Cờ sọc mua từ Chợ Chiều, Quảng Ngãi là hay nhất, đá dai đến vài tiếng. Được biết, cá hay nhờ nguồn nước nuôi và Quảng Ngãi có nhiều ao hồ nước lợ dọc sông Trà Khúc, cá chịu đòn tốt hơn (thịt cứng, vảy dày). (Cũng có thể môi trường khắc nghiệt và sự cạnh tranh gắt gao khiến những cá thể còn tồn tại là những con dữ và giỏi chịu đựng nhất. Trong các nhóm cá cờ trên Facebook hiện nay, có nhiều bạn bán cá cờ ở Quảng Ngãi).

    Tuyển chọn những con sọc thẳng và đều, đuôi kỳ “chuốt nhọn” kéo dài, không tưa (bộc châm), màu sắc phải “hung dữ” tức sậm đen, không quá tươi sáng, nhìn màu là khó nhất. Cá có các đặc điểm đầu gãy, miệng rộng, môi dày thường là cá hay. “Cuống đuôi” (gốc đuôi) to dày thường là cá cắn ít hoặc đá không hay. Cá ngắn đòn thường chậm, sọc nghiêng ngả không bền.

    Cá cờ đá theo đòn lối chọn lọc đàng hoàng như gà đòn vậy, có con “hay mỏ”, có con “lật cắn” mắt, có con “đứng đôm”, có con cắn nhiều mà không hiểm. Hay mỏ là tài nhất vì nó phá mỏ, khiến cá khác không đá được. Kết tiếp là lật cắn, tức lòn qua đuôi để cắn. Đứng đôm là cá phòng thủ, ít cắn, chỉ canh cá kia cắn trước mới cắn lại cho cá kia văng ra. Người ta thích hai loại đầu hơn vì cá đôm nếu ra trường gặp cá trùng thế ít cắn, coi phát nản. Cá đá nước lừng mỏ dưới tức chỉ bơi giữa lọ không lên trên mặt nước (khi díu ngậm hàm dưới) hay hơn cá đá nước trên. Nếu nuôi được con “ne thẩu” (thẩu là cái lọ nuôi cá), cá tài chuyên đá thế, tức bỏ chạy lòng vòng rồi quay lại cắn, rồi lại né cá kia, khi cá kia rượt bèn quay lại cắn, cá thường bơi tầng giữa, không lên tầng mặt nên địch khó cắn nó, ra trường mười con ăn cả mười, hiếm khi thua. Nhưng cũng hiếm gặp lắm. Có ông kia nắm một con ne thẩu đứng trường hai năm, sau già quá và mòn hết răng mới bỏ. (Ở gà đòn, lối này được gọi là “đá chạy quần” Spin Wrestling/Spinner, gà đòn Thái chuyên đá lối này; ở gà cựa, nó được gọi là “gà chạy xe” Wheeler; còn ở cá Xiêm dường như không ai chuộng, trang giới thiệu về cá chọi Super Bagan ở Indonesia gọi là Mouse Style, tức “thử quyền” hay võ chuột!)

    Về khắc chế đòn thế, cá lật cắn nếu gặp cá đôm thường đá không lại. Còn những loại khác thì chưa biết. Cần xổ thử để biết đòn lối của cá. Có thể xổ tại nhà hay đem đá độ nhỏ trong xóm. Hiện nay, cá đắt tiền nên người ta dùng cách sau. Cá hay mới đưa ra trường lớn.

    [​IMG]
    [​IMG]
    Các ví dụ về ngoại hình cá hay theo mô tả ở trên.

    Biệt dưỡng:
    Tắm muối khi cá mới về, tức cho vô nước muối đậm đặc khoảng một phút rồi vớt ra thả lọ. Tắm muối giúp cá ít bệnh và sau đá khỏe. Lọ là loại hũ thủy tinh đường kính độ gang tay, vốn dùng để nuôi và đá cá tại địa phương (Bình Định). Ưu tiên dùng nước giếng hoặc nước mưa. Bên trong thả lục bình và rong ruộng. Hũ đậy nắp có đục lỗ để ngăn cá nhảy. Kệ đặt lọ để nơi ánh sáng vừa phải, không tối quá. Thay nước nhiều quá cá không sung (khoảng một lần mỗi tuần là đủ).

    Cá được cho ăn một lần vào buổi trưa, tránh cho ăn quá nhiều khiến cá mập, đá kém. Thức ăn thường là là 3-4 cái trứng kiến hay thịt bò xé nhỏ như trùn chỉ. Nhưng lăng quăng là tốt nhất, cá ăn lăng quăng rất sung.

    Tổ bọt là dấu hiệu cá sung, mạnh khỏe. Phải có tổ bọt mới đem cá đi đá. Cho cá nhịn một ngày, chẳng hạn sáng mai đá, thì trưa nay nhịn.

    (Việc tái tạo môi trường nước lợ cũng có thể góp phần làm cá sung và duy trì độ săn chắc của thịt, vảy. Cần đo độ mặn ở nơi đánh bắt bằng tỷ trọng kế và tái tạo độ mặn tương tự trong lọ nuôi. Nhưng thông thường, các địa điểm có cá hay thường được bảo mật và con cá đi qua nhiều cấp trung gian, không thể liên hệ với người đánh bắt để nhờ đo. Nước lợ có tỷ trọng từ 1.0004 đến 1.0226 và nếu áp dụng 1.0050 tức 6-7 ppt là trong mức an toàn. Bạn hãy mua tỷ trọng kế và thử bổ sung muối không i-ốt xem kết quả ra sao. Gia giảm độ mặn để tìm ra công thức tối ưu. Điều thú vị là người ta cũng làm tương tự với cá Xiêm khi nuôi đá để da thịt săn chắc).

    [​IMG]
    Lọ biệt dưỡng cá với bèo tây và rong ruộng.

    Cáp cá:
    Bình Định chưa áp dụng cân điện tử. Cáp cá theo “bản ngang” (tức độ rộng thân) và đầu (độ dày, nhìn từ trên xuống). Bản nhỏ đầu to thường là cá già, nuôi lâu. Bản rộng đầu nhỏ thường là cá tơ, hay cho ăn quá nhiều nên cá mập. Cá đầu to hơn sẽ có lợi thế khi “díp mỏ” (câu mỏ), cá đầu nhỏ lúc câu mỏ thường hoảng sợ, dễ bỏ chạy. Cáp cá không cần xem đuôi, cũng như độ dài ngắn của mỏ. Nếu bản-đầu tương đương là đá được, bằng không bên nhỉnh hơn phải chấp tiền. Nếu cá mình hay thì vẫn đá được dẫu kém “một phân chạng”.

    Thi đấu:
    Hai con được vớt qua lọ trường để đá, lọ thường có nắp đậy để tránh cá bị cắn văng ra ngoài. Các trận thường phân định thắng thua trong khoảng 1 giờ. Sau 3 giờ, nếu không phân thắng bại, trận đấu được tính hòa, nhưng hiếm khi xảy ra. Không có trọng tài và hầu như không có tranh chấp, lừa đảo (trong một cộng đồng thu nhỏ, vốn toàn người hiểu chuyện, hành vi hay cá nhân gian lận sẽ bị đào thải).

    Kèo cũng lội lên lội xuống tùy diễn biến trận đấu. Cá cờ hầu như nhắm đá mặt, miệng, những con chuyển qua cắn đuôi là dấu hiệu sắp bỏ chạy. Trăm độ mới có vài độ cá chuyển qua cắn đuôi chiến thắng. Kèo lúc này rớt còn 20 ăn 1.

    Cá cờ không có chuyện “đá đến chết” và không có con nào bị cắn chết khi thi đấu hoặc tang nặng đến mức bị chết sau đó. Cá thắng trận thường được dưỡng lại để đá tiếp, những con đặc biệt xuất sắc có thể đá lâu đến 2 năm! (Điều dẫn đến suy đoán rằng, lối đá chú trọng thể lực như đá đòn, răng vẫn mòn sau mỗi trận nhưng nhìn chung đá được, không ảnh hưởng quá nhiều). Trường cá mở cả tuần với đủ mọi thành phần tham gia. Có những tay chơi với trí nhớ vô song. Chẳng hạn cá quá hay, ăn nhiều độ khiến người ta chạy làng, bạn đem về bấm đuôi, bấm kỳ rồi đưa người khác cầm ra trường mà vẫn bị phát hiện, dẫu sau vài tháng hay cả năm! (chắc hoa văn hoặc hình dáng có nét đặc trưng nào đó).

    Chăm sóc hậu trận:
    Cá đá (ăn độ) về cho tắm muối một chút rồi vớt bỏ vô keo để nước thấp, nuôi khoảng 2 ngày, rồi hạ thổ xuống lu đất rộng khoảng 10 ngày là có thể bắt lên biệt dưỡng đá tiếp.

    Bệnh cá:
    Mùa lạnh cá thường bị mụn ở vây và miệng, mụn vây cạo ra ngâm muối đặc rồi cho xuống ang, mụt miệng trị không hết là bỏ (đoán chừng là bệnh mụn cóc Lymph gây ra bởi một loạt siêu vi, bệnh phát sinh do suy giảm sức đề kháng). Phòng bệnh bằng cách ngâm lá bàng, nước muối và giữ ấm cho cá. Có khi bị sâu bám vào mang (trùng mỏ neo).

    Lai tạo:
    Trước đây thì có nhưng giờ không ai cản cá ăn độ để mùa sau đá tiếp, cá F1 đá không lỳ như cá cha. (Lai tạo là lãnh vực mà thú chơi cờ chọi có thể mở rộng thêm. Thiết nghĩ việc lai tạo là cần thiết vì đòn lối của mỗi con mỗi khác và cần gìn giữ cho các thế hệ sau. Nếu độ mặn hay thành phần hóa học nước góp phần quan trọng vào trình độ cá thì có thể tìm cách giả lập hay tìm kiếm địa điểm tương tự ở những nơi khác. Hoặc thả cá giống về môi trường tự nhiên ở Quảng Ngãi, chẳng hạn một hồ nước hay mảnh ruộng nhất định, để năm sau thu hoạch. Tóm lại, chuyện gì cũng có thể xảy ra nếu động lực giành chiến thắng là đủ lớn!).

    Sau cùng, cám ơn Toàn đã có nhã ý chia sẻ thông tin về thú chọi cá cờ với toàn thể cộng đồng. Chúc bạn luôn có niềm vui trong cuộc sống và trong thú chơi của mình.

    [​IMG]
    Video clip: kệ với các keo nuôi cá cờ - một cặp đang xổ.
     
    Chỉnh sửa cuối: 12/8/21
    lucson52 and dthong like this.

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội