Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Trạng nguyên xanh: loài cá tuyệt vời

Thảo luận trong 'Bài Viết' bắt đầu bởi vnreddevil, 6/11/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    [​IMG]
    Hình trên: Lưỡng hình giới tính (sexual dimorphism) thể hiện rõ ở cặp cá trạng nguyên xanh này. Cá đực hơi lớn hơn cá cái. Hình dưới: Loài thường nuôi, cá trạng nguyên đốm (S. picturatus), trường hợp này là cá cái, là một họ hàng gần của S. splendidus.

    Trạng nguyên xanh: loài cá tuyệt vời
    Scott W. Michael – F.A.M.A 3/09

    Lần đầu tôi thấy cá trạng nguyên xanh (green/triped mandarin dragonet) Synchiropus splendidus là vào năm 1974 tại một tiệm cá tối tăm ở Omaha, bang Nebraska. Giống như đa số mọi người khi vừa gặp loài “mỹ nhân ngư” này, tôi bị cuốn hút bởi bộ cánh sặc sỡ, cặp vây ngực mềm mại màu xanh dương và phong thái di chuyển lạ thường của nó (lượn và phóng dọc theo nền đáy). Mẹ tôi vốn không biết gì nhiều ngoài việc thấy tôi quá mê con cá này, và bà đã vô tình kết liễu số phận của nó bằng cách mua nó cho tôi. Tôi thả món quà của mình vào hồ cảnh biển 80 lít vốn đang nuôi sẵn hai con cá hề. Mặc dù tôi cố nuôi nó bằng artemia và thức ăn tấm, nó vẫn yếu dần rồi chết.

    Còn bây giờ, thời điểm 34 năm sau, tôi đang ở trong một tiệm cá tại hạt Orange, bang California và trước mặt tôi là một dàn hồ được ngăn bởi những tấm plastic nhỏ, mỗi ngăn chứa một con cá trạng nguyên xanh. Tôi đoán có khoảng 20 con Synchiropus splendidus. Đa phần đều ốm yếu và khó có khả năng sống sót trong hồ của bất kỳ người nuôi cá ngây thơ nào khi họ chọn mua chúng.

    Người chơi cá có nên từ chối nuôi cá trạng nguyên xanh? Và nếu họ quyết định nuôi, làm cách nào để đảm bảo thành công? Và làm thế nào mà loài cá tuyệt vời này có thể tồn tại ngoài tự nhiên? Đấy là những câu hỏi mà tôi sẽ đề cập trong bài này.

    Lịch sử tự nhiên
    Cá trạng nguyên xanh thuộc họ Callionymidae. Họ này bao gồm 11 chi và 155 loài. Trong khi cá trạng nguyên xanh là một cư dân của dải san hô, thì nhiều loài cùng họ khác sống trong các vùng biển ấm. Đa số chúng đều không đẹp bằng cá trạng nguyên xanh. Một ngoại lệ là loài có quan hệ họ hàng gần, cá trạng nguyên đốm (spotted/psychedelic mandarin dragonet) S. picturatus.

    Màu sắc sặc sỡ của hai loài này có lẽ là tín hiệu cảnh báo – với các loài săn mồi tiềm tàng rằng con mồi của chúng có lớp nhớt độc và khó nhằn. Tôi đã làm vài thí nghiệm trên cá trạng nguyên xanh và phát hiện thấy cá săn mồi từ chối ăn chúng sau khi đớp phải. Cá trạng nguyên xanh có một gai lớn (với những ngạnh li ti dọc theo các cạnh) nằm ở trên “mặt”. Những điều này khiến các loài săn mồi lớn từ chối ăn thịt cá trạng nguyên xanh.

    Cá trạng nguyên xanh không có vảy (vì vậy không nên điều trị chúng bằng dung dịch đồng và organophosphates), đầu hình tam giác và miệng nhỏ với hàm trên nhô ra. Khe mang nhỏ nằm hai bên đầu. Vây ngực xòe như quạt và đóng vai trò quan trọng cho sự di chuyển – cạnh vây ngực mềm mại giúp chủ nhân của nó uốn lượn trong nước.

    Cá trạng nguyên xanh có lưỡng hình giới tính (sexualy dimorphic) với cá đực lớn hơn cá cái. Cá đực cũng có vây lưng thứ nhất lớn hơn và gai lưng dựng đứng lên như bảng hiệu khi chúng đá nhau hay khoe mẽ trước cá cái. Có lẽ giới tính của loài này cố định (gonochoristic).

    Cá trạng nguyên xanh sống trên địa bàn rặng san hô. Chúng yêu thích những địa điểm không có dòng chảy mạnh, trực tiếp chẳng hạn như viền hay vũng san hô được che chắn. Chừng nào mà các điều kiện vi môi trường (microhabitat) của chúng được thỏa mãn, S. splendidus thường xuất hiện trên các tảng đá san hô lớn, trong các cụm nguyên và mảnh san hô Pavona hay trong đám rong vụn. Chúng cũng xuất hiện gần các cầu cảng và những nơi có nhiều rác thải của con người (lon, chai, vỏ xe…). Đặc điểm chung của những vi môi trường này đó là có nhiều ngóc ngách để cá trạng nguyên xanh có thể luồn lách và lẩn trốn khi gặp nguy hiểm. Chúng không bao giờ rời quá xa khỏi nơi trú ẩn. Tương tự, hồ nuôi cá trạng nguyên xanh cũng phải bố trí thật nhiều vị trí trú ẩn.

    [​IMG]
    Cặp cá tiếp cận ở vị trí dốc song song. Cá cái ở bên trái, vừa đẻ trứng, vốn hiện rõ ở bên dưới nó.

    Hành vi sinh sản ngoài tự nhiên
    Cá trạng nguyên xanh hoạt động mạnh vào lúc chập tối khi chúng kiếm ăn và sinh sản. Có lẽ, chúng cũng lùng sục trong các đám san hô sống và đá san hô, nơi trú ẩn vào ban ngày. Tôi may mắn được chứng kiến hành vi sinh sản của một cặp cá trạng nguyên xanh ở eo biển Lembeh, đảo Sulawesi, Indonesia. Quần thể mà tôi nghiên cứu sống trong một mảng san hô sống Plerogyra và đá san hô ở độ sâu khoảng 16 mét. Cá cái chui ra khỏi đám đá san hô để kiếm ăn vào khoảng 4:30 đến 5 giờ chiều (một đến một tiếng rưỡi trước khi trời tối).

    Lúc này, lũ cá đực xuất hiện để bảo vệ lãnh thổ của chúng. Cá đực đánh đuổi những con đực láng giềng và giương vây trước những con cá cái lọt vào lãnh thổ của mình. Chúng lượn lờ trước cá cái với các vây trương thẳng và lúc lắc đuôi trong khi chầm chậm tiến về phía trước. Đôi khi chúng ngưng xòe vây. Nếu chúng giương vây với nhau và mức độ gia tăng (một trong hai không chịu bỏ cuộc và bơi đi) thì trận chiến sẽ xảy ra. Diễn tiến thường bao gồm màn câu mỏ kèm theo các cú hích và mổ vào thân và đầu.

    Cá cái thường sinh sản vào lúc 6 giờ chiều. Cá đực giương vây trước cá cái và nó đáp lại bằng cách di chuyển lên phía trên với tư thế hơi ngước đầu. Cá đực bơi bên cạnh cá cái sao cho cả hai cùng tiến song song. Cả hai từ từ nổi lên (trong khi vẫn giữ tư thế song song) bằng cách dùng cặp vây ngực mềm mại để quạt nước. Chúng bơi lên khỏi đáy từ 25 đến 75 cm, tại đó chúng phóng thích trứng/tinh trùng rồi bơi ngược về đám san hô bên dưới.

    Sau khi trở lại đáy, cá đực tiếp tục tìm kiếm và ghép cặp với con cá cái khác. Tôi quan sát thấy một con đực ghép cặp với bốn và có lẽ là năm con cá cái khác nhau. Tôi thấy dường như cá cái chỉ giao phối một lần mỗi tối (dẫu vậy cần tiến hành khảo sát chi tiết hơn để khẳng định điều này).

    Nghiên cứu được thực hiện bởi các tiến sĩ Yvonne Sadovy và Mariella Rasotto ngoài khơi đảo Paula đã soi rọi nhiều ánh sáng vào hành vi sinh sản của loài cá xinh đẹp này. Họ phát hiện thấy những con đực to lớn cố xua đuổi những con đực nhỏ hơn khỏi vùng sinh sản và những con cái chọn những con đực lớn hơn để sinh sản.

    Họ cũng ghi nhận rằng, khi những con đực lớn hơn tạm thời được bắt ra khỏi vùng thì những con cái miễn cưỡng sinh sản với những con đực nhỏ hơn, mà kết quả thường thất bại cũng như vị trí sinh sản cao hơn (điều khiến chúng có thể bị kẻ săn mồi đe dọa). Cá cái thường sinh sản một lần mỗi tối và có lẽ không sinh sản nhiều tối liên tiếp – do đó càng gia tăng sự cạnh tranh giữa những con đực.

    [​IMG]
    Một con cá non trạng nguyên xanh (Synchiropus splendidus) đậu thoải mái bên trên một cụm san hô nhỏ.

    Nuôi dưỡng khó khăn
    Không may, những mỹ nhân ngư này không phải là loài dễ nuôi trong hồ cảnh biển. Nhiều trường hợp, ngay khi vừa mang về đến nhà thì chúng đã quá yếu để nuôi. Cho cá ăn rõ ràng là mục tiêu lớn nhất trong việc nuôi dưỡng cá trạng nguyên xanh một cách thành công.

    Để đảm bảo cá trạng nguyên xanh có đủ thức ăn, bạn bắt buộc phải nuôi chúng trong hồ cảnh với một quần thể lành mạnh như ngoài tự nhiên. Điều này có nghĩa phải nuôi chúng trong hồ có đầy san hô sống. Cá trạng nguyên xanh cả ngày liên tục di chuyển giữa những tảng đá, dừng lại, kiểm tra và ăn những sinh vật nhỏ sống ở dưới đáy. Trong khi còn thiếu những nghiên cứu về tập quán dinh dưỡng của S. splendidus (nghĩa là phân tích dạ dày), chúng được cho là ăn các loài giáp xác nhỏ và trùng lỗ (foraminifera).

    San hô sống
    Đã có thời khi san hô sống chứa đủ các loại động vật thân mềm lớn và nhỏ. Ngày nay, đa phần san hô sống rẻ tiền được vận chuyển bằng thuyền đến các tổng đại lý ở Caliornia. Phải mất một tháng hay lâu hơn để san hô (thường được bọc bằng báo ẩm trước khi vận chuyển) đến được các tiệm bán lẻ ở địa phương.

    Như vậy, san hô có còn “sống” không khi đến tay bạn? Không hề! Bởi vậy, điều hết sức quan trọng là hãy khởi động hồ trước khi thả cá trạng nguyên xanh. Sẽ tốt hơn nếu “cấy” hồ mới bằng lớp nền lấy từ hồ đang vận hành tốt hay ươm thả các loài chân kiếm (copepod) và giáp xác chân khác (amphiphod) mua từ các tiệm cá hay đại lý trên mạng.

    [​IMG]
    Đây là dạng đỏ của cá trạng nguyên xanh (green Mandarinfish). Synchiropus splendidus tiết ra nhớt có vị khó chịu (ill-tasting slime) và có một gai vây sắc để phòng chống những kẻ săn mồi tiềm năng.

    Những loài nuôi chung
    Bạn không được thả các loài cá cạnh tranh nguồn thức ăn với cá trạng nguyên xanh. Nếu bạn thả các loài cá này (chẳng hạn như cá bàng chài – wrasse) trước cá trạng nguyên xanh thì chúng sẽ ăn hết giáp xác. Nếu bạn thả chúng sau, chúng có thể cạnh tranh nguồn thức ăn một cách khốc liệt với cá trạng nguyên xanh. Về lâu dài, số lượng giáp xác sẽ giảm xuống thấp đến mức cá trạng nguyên xanh không thể tăng trưởng và thậm chí không thể sống sót trừ phi người nuôi cho chúng ăn.

    Dẫu cá trạng nguyên xanh có thể ăn artemia và tép Mysis, và thậm chí rỉa các viên thức ăn tổng hợp, chúng có một điểm bất lợi về hành vi ăn mồi. Cá trạng nguyên xanh ăn rất từ tốn. Khi cá bơi dọc theo nền đáy, nó có thể phát hiện ra miếng mồi, rồi cúi đầu xuống, kiểm tra miếng mồi và sau đó mất nhiều giây để nuốt. Ngay khi nó tiến tới miếng mồi để ăn, một con cá hung hăng hơn có thể nhào vô và cướp miếng mồi ngay trước miệng nó.

    [​IMG]
    Cách tốt nhất để nuôi dưỡng thành công cá trạng nguyên xanh là thả chúng vào hồ cũ (mature tank) vốn đã vận hành trong ít nhất sáu tháng.

    Bí quyết thành công
    Cách tốt nhất để nuôi dưỡng cá trạng nguyên xanh một cách thành công là thả nó vô hồ (dung tích tối thiểu 300 lít) đã vận hành ít nhất 6 tháng. Hồ phải có nhiều san hô sống và không được nuôi các loài cá cạnh tranh thức ăn với nó. Lớp nền cát dày rất thích hợp vì chứa nhiều vi sinh làm mồi cho cá trạng nguyên xanh. Vẫn có thể nuôi cá trạng nguyên xanh trong hồ cộng đồng nhưng phải là hồ san hô lớn, dồi dào các động vật thân mềm nhỏ để làm thức ăn cho chúng.

    Cá trạng nguyên xanh cũng thích hợp với hồ có nhiều tảo sợi (filamentous). Chúng không ăn tảo (hay ít ra đấy cũng không phải nguồn thức ăn chính) nhưng hồ có nhiều tảo thường đi kèm với một quần thể giáp xác dồi dào.

    [​IMG]
    Cá cản-hồ (captive-propagated) thường chứng tỏ có sức chịu đựng hơn trong hồ nuôi. Chúng cũng làm giảm áp lực lên quần thể hoang dã. Vì những lý do này, cá trạng nguyên xanh cản-hồ nên hiện diện trên thị trường cá cảnh. Người chơi cần tận dụng những lợi thế này vì lợi ích của cá hoang dã.

    Suy nghĩ kỹ trước khi mua
    Bạn phải đảm bảo cá trạng nguyên xanh có đầy đủ thức ăn mà nó cần trước khi mua cá. Nếu bạn chần chừ quá lâu, sức khỏe của cá sẽ suy sụp nhanh chóng. Phục hồi sức khỏe cho một con cá trạng nguyên xanh ốm yếu luôn là một cuộc chiến khó nhọc!

    Dẫu vậy, hoàn toàn có thể dưỡng một con trạng nguyên xanh ốm yếu, dạ dày xẹp lép, khác hẳn những con mập mạp ở phần lưng và gốc đuôi. Ở những cá thể này bạn có thể thấy xương sống lưng nhô ra. Nếu bạn muốn phục hồi một con trạng nguyên xanh ốm đói, bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn khi nuôi nó trong hồ cách ly hay thậm chí trong thùng lọc (refugium) nơi có đá san hô vụn và chứa nhiều vi sinh (chẳng hạn amphipod, copepod). Sau khi cá trạng nguyên xanh mập lên một chút, bạn có thể thả nó vô hồ chính.

    Cá trạng nguyên xanh là một trong số ít loài mà tôi khuyên bạn không nên nuôi trong hồ cách ly trống. Trong hồ cách ly đáy trống, chúng thường bị sút ký và tình trạng còn có thể tệ hơn cho dù bạn có cho chúng ăn trong giai đoạn này.

    Tốt nhất bạn nên sửa soạn một hồ nhỏ như đã nói ở trên (giàu vi sinh tự nhiên) để dưỡng cá trạng nguyên xanh ốm yếu. Chỉ đơn giản thả nó vào đó để theo dõi trong vài tuần.


    Khai thác và bảo tồn

    Có nhiều tranh cãi về việc khai thác cá trạng nguyên xanh. Vì nguồn gốc mập mờ nên mọi người thường đoán rằng cá trạng nguyên xanh được khai thác bằng phương tiện chất độc cyanide. Tuy có thể đúng trong một vài trường hợp, nhưng những người đánh bắt cá chuyên nghiệp ở Philippines lại sử dụng một phương pháp chuyên biệt hơn để bắt cá trạng nguyên xanh hoang dã.

    Những người này sử dụng một loại súng săn rất nhỏ (cây lao bao gồm cánh đuôi với hai đầu kim khâu ở mũi) và bắn vào đuôi hay lườn cá. Người săn cá tập trung vào những con đực lớn (vì người nuôi chuộng hơn và cũng vì dễ bắn hơn).

    Cá cái luôn chọn những con đực lớn hơn để giao phối. Nếu cá đực lớn liên tục bị đánh bắt, việc sinh sản của quần thể nhìn chung sẽ bị sụt giảm. Vì vậy việc đánh bắt không chỉ ảnh hưởng đến số lượng mà còn đến cả tỷ lệ sinh sản.

    Có bằng chứng cho thấy rằng số lượng cá trạng nguyên xanh bị sụt giảm vì áp lực đánh bắt ở những vùng nhất định. Chẳng hạn, báo cáo về một vùng, nơi trước đây có rất nhiều cá, người ta có thể bắt được 1000 cá thể trong vòng 3 giờ (vào năm 1995). Nhưng vào năm 2001, số lượng S. splendidus nhiều nhất được đánh bắt ở vùng đó là 23 trong vòng 2 giờ.

    Với mục đích giảm bớt áp lực đánh bắt ở cả hai loài S. splendidusS. picturatus, cần hết sức khuyến khích những chương trình cản-hồ các loài này cũng như khuyến khích người chơi mua những cá thể cản-hồ (cho dù đắt tiền hơn!) một khi chúng xuất hiện trên thị trường.

    Từng người chơi cá phải quyết định xem họ có ủng hộ việc đánh bắt cá trạng nguyên xanh nữa hay không. Tuy nhiên, điều bắt buộc trước khi bạn mua cá đó là bạn phải thiết lập hồ một cách thích hợp để cá có khả năng sống sót cao nhất. Cũng vậy, chúng ta phải luôn chấp nhận chi nhiều tiền hơn để ủng hộ các nhà lai tạo. Chúc bạn ngắm cá vui vẻ!

    ===========================


    Ghi chú

    *Theo định nghĩa trên Wikipedia, cá trạng nguyên xanh (mandarin dragonet hay mandarinfish) được đặt tên theo màu sắc sặc sỡ với tông xanh chủ đạo như trang phục của quan lại Trung Hoa thời nhà Thanh (robe of an Imperial Chinese mandarin); mà nếu dịch sát nghĩa thì phải là “cá quan phục”.

    *Có hai loài cá trạng nguyên là trạng nguyên xanh (green mandarin dragonet) Synchiropus splendidus và trạng nguyên đốm (spotted mandarin dragonet) Synchiropus picturatus vốn đều thuộc phân chi Pterosynchiropus; những loài dragonet còn lại thuộc chi Synchiropus hay rộng hơn, thuộc họ Callionymidae, đều được gọi là “cá đàn lia”. Loài sau lại được chia thành hai phân loài là trạng nguyên đốm xanh thường (Common Green Spot Mandarin Dragonet) Synchiropus picturatus picturatus và trạng nguyên Tây Úc (Western Australian Mandarin Dragonet) Synchiropus picturatus occidentalis.

    *Các loài cá đàn lia ở Việt Nam (theo fishbase):
    Tên khoa họcTên tiếng AnhTên tiếng Việt
    Bathycallionymus kaianus--
    Callionymus altipinnisHighfin deepwater dragonet-
    Callionymus curvicornisHorn dragonet-
    Callionymus enneactisMangrove dragonet-
    Callionymus filamentosusBlotchfin dragonet-
    Callionymus fluviatilisRiver dragonetCá đàn lia sông
    Callionymus hainanensisHainan darter dragonet-
    Callionymus hindsiiHinds' dragonet-
    Callionymus hugueniniHuguenin’s dragonet-
    Callionymus japonicusJapanese dragonet-
    Callionymus meridionalisWhiteflag dragonet-
    Callionymus pleurostictusBlue-spotted ruddertail dragonetCá đàn lia
    Callionymus sagittaArrow dragonetCá đàn lia mũi tên
    Callionymus valencienneiValenciennes’ dragonet-
    Dactylopus dactylopusFingered dragonetCá đàn lia đen
    Diplogrammus goramensisGoram dragonetCá đàn lia
    Synchiropus altivelisHighfin bigeye dragonet-
    Synchiropus morrisoniMorrison's dragonet-
    Synchiropus ocellatusOcellated dragonetCá đàn lia
     
    Chỉnh sửa cuối: 3/3/18
  2. banhbaotrungcut

    banhbaotrungcut Active Member

    Vậy ra điều quan trọng để nuôi mấy con Quan Phục này là :
    -Hồ nuôi phải vận hành nhiều hơn 6 tháng, nhiều hốc hách (ẩn nấp), nhiều san hô sống (có thức ăn), và ko có loài khác Ks thức ăn với tụi nó. Nuôi mệt nhỉ. :p
     
  3. Cướp_Biển

    Cướp_Biển New Member

    Cá này lạ quá nhỉ
     
  4. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Theo Advanced Aquarist, cá đàn lia hồng ngọc (ruby-red dragonet) được phát hiện ở Jolo Island, Philippines vào năm 2013 là một trong những loài cá tầng đáy đẹp nhất ở rạn san hô (nếu không muốn nói là đứng đầu). Loài này vừa được đặt một tên khoa học riêng là Synchiropus sycorax. Cá đang được lai tạo thành công trong môi trường hồ nuôi (như trường hợp của ORA Farm).
    ruby-red-dragonet.jpg
     
    Chỉnh sửa cuối: 5/6/17
  5. powerfullvn

    powerfullvn Active Member

    Từ Quan phục cũng đã nói lên được vẻ đẹp của loài cá này.
    Quan phục, nghĩa là Trang Phục của QUAN LẠI. Ko biết em nghĩ thế có chuẩn không?
     
  6. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    Cá trạng nguyên Tây Úc
    Leonard Ho (Jun 18, 2012) - http://www.advancedaquarist.com/blog/the-western-australian-mandarin-dragonet

    Synchiropus picturatus occidentalis là một phân loài trạng nguyên hiếm ở Tây Úc. Hiếm đến mức với loài cá nhút nhát này, chỉ vài hình ảnh S. picturatus occidentalis tồn tại nếu có… nghĩa là, cho đến khi Advanced Aquarist đăng tải video này.

    western_australian_mandarin.jpg
    Synchiropus picturatus occidentalis. Hình ACRO AL.

    Cá trạng nguyên Tây Úc (Western Australian Mandarin Dragonet) (Synchiropus picturatus occidentalis) là một phân loài của cá trạng nguyên đốm xanh thường (common Green Spot Mandarin). Phân bố của nó giới hạn ở vùng Tây Úc (đông nam của mỏm Elphick, đầu đông bắc của đảo Rosemary, quần đảo Dampier) và địa bàn tách biệt khiến cho việc chứng kiến tại chỗ rất hiếm và thậm chí những cá thể nuôi hồ còn hiếm hơn.

    Thử tưởng tượng sự phấn khích của chúng tôi khi không chỉ nhận được hình ảnh mà còn video của cá trạng nguyên Tây Úc. Video đến với chúng tôi từ “'ACRO AL” chụp một cá thể tại Vebas Aquariums [Thủy cung Vebas] ở Perth, Úc, nơi mà nó hiện đang ở trong một hồ trưng bày. Thậm chí trong môi trường hồ nuôi, việc chứng kiến con cá trạng nguyên này nghe nói cũng là một sự kiện hiếm hoi.



    green_spot_mandarin.jpg
    Một con trạng nguyên đốm xanh thường (common Green Spot Mandarin).

    Khi so sánh với cá trạng nguyên đốm xanh thường (S. picturatus) ở hình trên, phân loài Tây Úc là những gì mà chúng ta có thể mô tả gần đúng nhất như là “nghịch màu” (inversely colored). Thân màu cam (so với xanh lục), và hầu hết các đốm đều thiếu sắc tố sẫm màu bên trong, điều khiến chúng có bề ngoài như cái khoen (ring-like). Nhiều đốm xanh lục/két (teal) riêng biệt bao phủ toàn thân cá trạng nguyên Tây Úc, kể cả những đốm bên trong các khoen (ring). Phân loài này cũng có hai sọc trắng chạy song song qua mỗi mắt tương tự như cá bàng chài sáu sọc (sixline wrasses).

    Có rất ít thông tin hiện hữu về hai phân loài này, và chẳng có thông tin nào về việc chăm sóc trong hồ nuôi mà chúng tôi từng được biết. Có lẽ cá trạng nguyên Tây Úc có nhu cầu tương tự như cá trạng nguyên đốm xanh. Nhưng nhiều khả năng, bạn sẽ chẳng bao giờ gặp được con nào trong đời mình.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28/7/17

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội