Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

[Truyện] Guppy Yêu Dấu :p

Thảo luận trong 'Saigon Guppy Club' bắt đầu bởi nlongh, 3/4/14.

  1. nlongh

    nlongh New Member

    Tôi vốn không thích cảnh “cá chậu chim lồng”. Tôi cho rằng tất cả mọi sinh vật trên thế gian này đều có một quyền tối thượng là quyền tự do. Tôi ghi “quyền tự do” chứ không phải “quyền được tự do” như một số người vẫn hay dùng, vì “được” có nghĩa thụ động. Tại sao bạn phải “được” ai đó ban phát tự do. Tại sao có kẻ ấu trĩ cho rằng mình có quyền ban phát tự do cho kẻ khác, trong khi trên đời vạn vật vốn tự nhiên sinh ra, mỗi sinh vật là chủ duy nhất của chính bản thân sinh vật đó. Tất cả đều bình đẳng, đều có quyền hít thở không khí, di chuyển, ở lại bất cứ nơi đâu trên trái đất này. Người ta hay tự phân chia sở hữu về mặt địa lý, tài nguyên,… nhưng họ không hiểu ra rằng, tất cả những thứ này đều thuộc quyền sử dụng của tất cả chúng ta - con người và vạn vật.

    Bạn tôi từng đòi nuôi chim, nhưng tôi “hăm” rằng “nếu nuôi là thế nào cũng bị tôi thả ra cho coi”, thế là hắn không dám nuôi thật vì ngán cô bạn… nói là “mần”. Khi đến nhà ai đó chơi, tôi cũng không tỏ ra thích thú về cái thú nuôi chim cá cảnh của họ. Thường là họ chỉ nhận được câu này của tôi khi mong chờ một lời tán dương “chim phải bay lượn trên trời, cá phải tung tăng dưới nước, gặp em là em thả hết!”.

    Chủ công ty tôi vốn là người yêu cỏ cây hoa lá. Nường ấy cứ hai ba ngày một lần sáng sáng trên đường đến công ty tạt qua chổ bán cây kiểng cá cảnh mua hoa mới, kiểng mới. Có những cây mới đem về một thời gian, tưới nước bón phân cho tốt tươi, vài hôm sau thấy nó biến mất và thay vào đó là một em cây khác mà rồi cuộc đời nó cũng ngắn ngủi như cây “tiền nhiệm” - kết thúc những ngày cuối cùng ở bãi rác nếu nường không thích nữa hoặc bị cho về vườn-nhà "sang tay" cho quản gia chăm sóc nếu nường còn thinh thích. Một niềm đam mê cây cảnh có thể ví như… nghiện heroin, nhưng tôi trong một lần không kìm được đã thốt lên “sếp chơi cây giống như đờn ông… chơi gái vậy”. Không ngờ nường cười khoái chí như thể không có sự ví von nào độc đáo hơn.

    Một lần nường mua về cây trầu bà nước trồng trong một cái chậu thủy tinh để ở bàn làm việc. Mới đầu nó ra lá xanh non nhìn cũng đẹp thật, nhưng ngặt nỗi chắc vì quen sống ở "nhà tranh vách đất" chứ không phải ngôi nhà cao sang như cái chậu thủy tinh này mà rễ của nó dần bị thúi làm nước bốc mùi thum thủm. Một môi trường tuyệt vời cho đám muỗi tương lai (là lăn quăn ấy) sinh sôi. Thế là nường lệnh cho lính tức tốc mua hai chục con cá bảy màu (guppy) thả vào để tiêu diệt đám lăn quăn. Rõ là hiệu quả. Đàn guppy nhanh chóng xóa sổ đám lăn quăn và sự có mặt của chúng làm cái bàn làm việc sống động hơn trông thấy.

    Nhưng, có một chữ nhưng, theo qui luật thì đàn guppy hai chục con sau vài ngày quân số giảm dần, giảm dần bởi khả năng thích nghi khi sang môi trường mới. Hơn nữa cái chậu chỉ có hai lít nước mà có đến hai chục con thì không đủ oxy cho chúng thở, thế là luật đào thải vô tình diễn ra nhanh hơn. Sau một tuần chỉ còn lại vài con.

    Mới đầu thấy đàn cá là tôi ngán ngẩm rồi, vì không thích “cá chậu…”, thế mà tôi lại “bị” giao nhiệm vụ chăm sóc chúng, cho chúng ăn, thay nước, bắt con chết ra, làm bác sĩ bất đắc dĩ cho các con còn sống… Nhưng…

    Có một chữ nhưng thứ hai, nhưng không hiểu tại sao, từ cảm giác bị gò bó bỗng nhiên tôi lại quan tâm nhiều đến mấy con guppy còn lại. Chúng thật đúng là những sinh vật sống động và đáng yêu. Ngoài lúc ăn, ngủ lúc nào chúng cũng vui đùa, lượn lờ rượt đuổi nhau, hồn nhiên yêu đời quá chừng. Chúng không còn sợ khi tôi đến gần hay thò tay vào giỡn với chúng. Mà rõ là chúng rất đẹp, đủ màu, thân hình nhiều họa tiết như thể mỗi con sinh ra đều nhận đầy đủ sự quan tâm của tạo hóa, chuẩn bị cho vai trò của chúng trên cõi đời - đó là mang lại vẻ đẹp cho hành tinh này.

    Giống như ba anh chàng trong phim “Ba người đàn ông và một đứa trẻ” khi rơi vào tình thế bất đắc dĩ phải chăm sóc một bé gái bị bỏ rơi, tôi bắt đầu… tập nuôi guppy. Tôi mua các vật dụng nuôi cá: thức ăn loại ngon nhất - nào món chính, món ăn dặm - dụng cụ vệ sinh, thuốc trị nấm… Tôi mua cái chậu lớn hơn, mua bèo tai trâu, rong la hán về trồng trong cái lọ nhỏ thả vào chậu cho có quang cảnh. Thỉnh thoảng có mua rau nhút về dùng, tôi tận dụng mớ bèo tấm dính trên thân rau nhút thả vào chậu.

    Bọn guppy chắc lấy làm thích lắm, chúng lượn vòng quanh cái chậu, len lỏi giữa các cây rong, chốc chốc ngước nhìn lên đám bèo cám trên đầu, có lẽ chúng ngạc nhiên sao bầu trời bỗng dưng xanh thế. Có lúc chúng thi nhau chơi trò lao từ trên xuống, nhẹ nhàng uốn lưng chạm vào đáy chậu nhẵn thín, trơn bóng, rồi lao vút trở lên.

    Trong đám năm con guppy còn sống sót thì chỉ có một con mái. Mọi người trong công ty bảo là mai mốt con mái đến tuổi đẻ thì tha hồ có “cháu”, vì thấy tôi chăm mấy con guppy như mẹ chăm con ấy. Mà thật vậy, sau giờ làm thì chúng là ưu tiên số một của tôi, tôi cho chúng ăn xong xuôi rồi mới đến lượt tôi. Sáng sáng vào đến công ty là tôi lo thay nước, làm vệ sinh chậu, cho ăn uống rồi mới đi làm chuyện khác. Hễ có vài phút giải lao trong ngày là tôi dành để ngắm nghía chúng.

    Tôi chờ mãi, chờ mãi mà không thấy con guppy mái… có mang. Nó vẫn to con khỏe mạnh, có lẽ nó còn bận tận hưởng tuổi thanh xuân chăng. Hình như nó cũng không “kết” với con trống nào trong chậu hay sao ấy. Mấy con trống kia chắc hiểu ra điều gì đó, không còn nào đeo bám hay làm phiền nó.


    Một hôm tôi nghĩ sao mình không mua thêm ba con mái nữa để ráp với mấy con trống kia thành bốn cặp, vậy là con nào cũng có thể có bạn có đôi. Đời guppy cũng ngắn ngủi lắm, nếu không thì chúng chết đi mà chưa biết tình yêu là gì. Mọi người can, trời ơi, guppy mới sinh nuôi chừng hai tháng là trưởng thành, sau một tháng là đẻ lứa đầu tiên, rồi cứ sau mỗi một tháng là nó tiếp, kế tiếp như thế cho đến khi nào hết đẻ được thì thôi. Mỗi lứa đẻ có khi lên đến 30-50 con. Như vậy chỉ cần một con mái đẻ thôi thì cũng đủ phải mua thêm chậu mới hoài hoài để nuôi cháu chắt chít chút chích… của nó nữa. Con guppy cái này mua về là đã trưởng thành rồi thì chẳng bao lâu thì nó đẻ tha hồ nuôi. Hẳn là bà con đúng rồi, nhưng không lẽ để các con trống còn lại cô đơn?

    Suy nghĩ mãi rồi tôi chắc lưỡi, chỉ mua một con mái nữa thôi. Tôi lo lỡ chúng đẻ nhiều quá làm sao mà chăm với sóc. Tôi nhờ người bạn mua dùm và hắn đem về bốn con trong đó có ba con trống! Hắn bảo chổ bán nói một con bốn ngàn, bốn con này tính mười ngàn nên mua luôn. Trời ạ, lỡ vậy rồi thì cũng phải nuôi luôn chớ sao. Vậy là có tổng cộng hai con mái và bảy con trống - lại “dương thịnh âm suy”. Có hai con trống mới mua làm tôi đặc biệt chú ý. Một con màu xanh dương đen thẫm, thon thả và mạnh mẽ - thân hình, các vây đều đẹp và cái đuôi của nó đúng là một kiệt tác. Một con màu xanh nhạt bị dị tật bẩm sinh ở đuôi, nhưng rất hiếu động và đáng yêu. Thôi kệ, coi như nhân duyên vậy.

    Sau vài ngày làm quen với chậu, một trong ba con trống mới kết đôi với con mái của đợt trước. Chúng bám nhau không rời và điều đó làm tôi té ngữa, thì ra trong số chúng cũng có con quyết chọn bạn tình chứ không chịu “ép” với bất kỳ con trống nào chỉ để sinh con đẻ cái. Còn con mái mới đem về thì kết ngay với một anh trống cũ. Vậy là số còn lại bị "cô đơn", trong đó có con xanh dương đẹp tuyệt. Trong thâm tâm tôi thầm mong con xanh dương này sẽ bắt cặp với một trong hai con mái, chắc chắn sẽ cho ra những guppy con xinh đẹp.

    Con xanh dương rất lạ. Ngoài lúc ăn, ngủ nó bơi lòng vòng quanh cái lọ nhỏ trồng rong. Nó bơi rất đẹp, chậm rãi, uyển chuyển, khoan thai và như thể nó tách ra khỏi cái ồn ào náo nhiệt của đám guppy còn lại. Nó cứ bơi như thế, thỉnh thoảng mỏ nó rỉa rỉa một hai cái vào thân rong nhẹ nhàng như nói lời “Chào!... Khỏe không?” rồi bơi tiếp. Tôi cứ liên tưởng nó là một “thầy tu” hay một “cha xứ” đã nhận ra chân lý cuộc sống, không bon chen và từ bỏ mọi thú vui trần tục. Khi tôi đưa tay vào đón nó, nó bơi vòng qua tay tôi, rồi lại tiếp tục cuộc hành trình không có điểm cuối. Tôi đặt tên cho nó là Lãng Tử.

    Con guppy dị tật thì ngay phần eo đuôi của nó bị cong, teo lại làm đuôi không phát triển được - đuôi nó bị túm ở phần ngọn và vì thế phần cuối đuôi không xòe ra - vì vậy nó bơi rất khó khăn. Còn thì, từ phần eo đuôi trở lên trên là một thân hình đẹp đẽ, nếu nó không có khiếm khuyết về đuôi đó tôi cam chắc nó là một chú guppy bảnh trai! Dù vậy, tôi không thấy ở nó giảm đi lòng nhiệt thành tận hưởng cuộc sống. Tôi đặt tên nó là Vui Vẻ.

    Vui Vẻ bơi lượn, tuy hơi chậm chạp, nhưng đầy hăng hái. Nó ăn khỏe chứ không nhẩn nha như một vài con khác, và nó lớn lớn nhanh, khỏe mạnh, tràn đầy sinh lực. Nó cũng lao xuống đáy, uốn người chạm vào đáy chậu, có khi bị trượt một đoạn, rồi lao lên trên. Tôi quan sát thấy nó là con hăng hái trong trò này nhất. Chậu không sâu lắm nhưng do quạt đuôi không đủ rộng nên thường thì những lúc khỏe nó mới bơi lên trên mặt nước, còn thì nó chỉ bơi ở khoảng hai phần ba mực nước chậu. Vui Vẻ khuyết tật của tôi mang lại cho tôi nhiều động lực, niềm vui và suy gẫm về cuộc sống cũng nhiều như những con guppy lành lặn khác.

    Còn con guppy mái mới mua về nó rất tình cảm. Tôi cảm thấy nó không phải là một con cá bình thường. Mỗi khi tôi cho tay vào chậu đón nó, nó không tránh né như những con khác mà dạn dĩ rỉa nhẹ vào tay tôi một cái. Tôi hớt nó vào lòng bàn tay, nó không cố chui ra mà khi tôi thả tay ra nó mới nhẹ nhàng bơi đi. Ở nó toát lên vẻ dịu dàng đằm thắm mà cũng rất đài cát và duyên dáng. Nó tỏa ra một năng lượng quân bình kiềm chế cái không khí có lúc thù địch của mấy con cá trống. Nó là nàng Cục Cưng của tôi.

    Hai trong số những con đực còn lại thì kình nhau như hai đối thủ bò tót! Chúng đều có màu đỏ rực và rượt đuổi nhau sát sao cả ngày, chắc chỉ trừ lúc chúng ngủ. Nhưng chúng mạnh mẽ và khéo léo lắm, nên không con nào làm con nào bị thương, hay làm các con khác trong chậu bị thương. Hai con này làm “mặt hồ dậy sóng” mà mặt tích cực của nó là làm chậu cá sống động thêm.

    Rồi thì nàng cá mái đầu tiên (sau khi chọn lựa giữa vài cái tên, tôi gọi nó là Bé Bự) cũng có mang! Bụng Bé Bự lớn dần và chổ hậu môn ngày càng đen hơn, đó là dấu hiệu nó sắp đẻ. Nó vốn to tướng nên khi có mang nữa thì nó càng to tợn.Tôi có nghe nói là khi cá mẹ đẻ thì theo tự nhiên nó ăn chính con của nó. Những con khác nhìn thấy những sinh vật bé tí di động trong nước chúng cũng lao tới đớp. Nếu không canh chừng vớt cá con ra thì chúng có nguy cơ chết hết. Vì vậy, tôi đi mua một cái chậu nữa để chuẩn bị “nhà” cho cá con. Tôi cũng mua rong la hán trang trí cho chậu mới.


    Tôi nghe nói guppy thường đẻ vào ban đêm, nhưng buổi trưa nọ trong giờ giải lao, tôi lên thăm Bé Bự thì thấy cái bụng nó nhỏ đi. Nhìn kỹ trong chậu thì có vài con cá bé tí, con thì nằm trên nhánh rong, con thì đang bị đám cá lớn rượt đuổi. Con cá con thế mà bơi rất nhanh mới tránh được những cú đớp, đúng hơn là nó “bắn” mình như một con sâu, vì vi của nó đâu đủ lớn để quạt nước mà “bơi”. Tôi vội vàng chuẩn bị nước, dùng một cái muỗng vớt cá con sang chậu mới. Thế mà mấy đêm nay tôi cứ thức canh nó đẻ. Giờ nó làm tôi phải ngồi canh nó suốt giờ nghỉ trưa.

    Đợt đó tôi không tổng kết được con guppy này đẻ được bao nhiêu con, vì cuối cùng chỉ còn lại hai mươi con. Bé Bự đẻ xong nó mệt mỏi ít di chuyển, nó “đứng” yên một chổ khá lâu, hai cái mang và cái đuôi thì vẫy vẫy liên tục chắc là để giữ thăng bằng. Rồi thì sau vài hôm nó cũng bình phục trở lại.

    Khỏi phải nói tôi vui như thế nào khi có bầy cá con, cứ như chúng là “cháu” tôi vậy. Tôi tán thức ăn cho chúng, ngồi nhìn chúng đớp những hạt thức ăn mịn như bột. Vậy là chúng phải tự lập hoàn toàn khi mới chào đời. Nhưng, như vậy rõ là tốt cho chúng hơn là gần mẹ mà bị mẹ “thịt” thì còn bi kịch hơn.

    Rồi thì, đến lượt Cục Cưng chuẩn bị đẻ! Rồi sau một thời gian Bé Bự lại có mang nữa! Tôi lại đi mua thêm chậu. Hai lần đẻ này không vào buổi trưa mà là xế chiều, tôi không canh vớt cá con ra được, khi phát hiện thì chỉ còn vài chục con. Tới khi hai nàng đẻ xong, tôi có thêm hai cái chậu nhỏ nữa với tổng cộng hai mươi cá con. Cục Cưng khi đẻ cũng rất ngoan và kiên cường chịu đựng; không ồn ào, hốt hoảng như Bé Bự là cứ chạy vòng quanh chậu hay bất ngờ lao vọt đi khi lên cơn đau đẻ.

    Vui Vẻ bỗng nhiên ăn nhiều hơn, cứ như là nó bị cái gì đó kích thích thèm ăn vậy. Cái bụng nó to chình phình. Tôi ngăn không cho nó ăn tiếp nhưng nó cũng lao vào đớp thức ăn. Thế là tôi đành phải chuyển nó sang một cái “nhà” nhỏ hơn, ở một mình cho tới khi tiêu hóa hết thức ăn. Tôi chỉ cho nó một ít thức ăn cho nó quen dần, sau đó tôi mới chuyển lại “nhà” cũ. Không ngờ vừa về nhà mới là nó lại lao vào "chén" thức ăn tiếp. Tôi đành tách nó ra riêng lần nữa. Nhưng, nhìn Vui Vẻ buồn bã tôi không đành lòng. Thôi thì đành cho nó về “nhà” cũ, rồi chịu khó canh chừng việc ăn uống của nó vậy.

    Một bữa nọ tôi đang canh cho cá ăn thì có việc đột xuất, khi xong tôi chạy lên thì Vui Vẻ đã ních một bụng to. Tôi dằn vặt mình và biết lần này không cứu được nó. Tôi lại chuyển nó ra riêng, nhưng lần này thức ăn không tiêu hóa được. Nó bị trướng bụng, di chuyển mệt nhọc. Có lẽ ruột nó cũng bị viêm và hoặc thức ăn nở ra, bụng nó càng to hơn, căng ra tới nổi các vẩy bung lên như muốn bứt ra khỏi da. Sau vài ngày nó càng mệt hơn và tôi biết nó không qua khỏi. Tôi chuyển nó trở lại nhà cũ để nó có thể sống những ngày cuối cùng nơi quen thuộc, có bạn bè, hơn là chết một mình đơn độc nơi chậu nhỏ. Rồi hai ngày sau khi về chổ cũ nó qua đời. Tôi để nó nằm trên mảnh giấy, cầu nguyện cho nó, đặt nó vào một cái hộp trước khi chuyển vào thùng rác. Tôi không có cách nào khác.

    Đợt cá con đầu tiên, con của Bé Bự, lớn nhanh như thổi. Chúng suốt ngày chui rúc thỏa thuê trong những cây rong đầy dinh dưỡng, vì vậy mà tôi cũng không phải cho ăn thường xuyên. Ngắm những con guppy lớn lên do mình nuôi thật hạnh phúc. Bọn cá ngày qua ngày lặp đi lặp lại chương trình của chúng. Cuộc sống cứ thế trôi qua... Tôi cũng chưa có ý định làm gì với bầy cá cả. Cứ nuôi vậy thôi. Tôi có công việc của tôi. Tôi chăm sóc chúng đầy đủ (tôi hy vọng thế).

    Một ngày nọ, tôi vẫn thay nước với tỷ lệ nước cũ - nước mới cho đám guppy nhỏ như thường lệ, nhưng không hiểu sao cả chậu cá con Bé Bự bỗng nhiên trở nên lờ đờ rồi chết dần cả bầy. Rồi tai họa lại tiếp tục đến. Bầy guppy lớn bị nấm làm đuôi chúng bị túm lại. Tôi dùng thuốc chữa nhưng cuối cùng cũng không thành công lắm. Việc bơi của chúng khó khăn hơn. Đuôi bị rụng dần. Chúng chết gần hết, kể cả Lãng Tử. Chỉ còn lại Cục Cưng và cặp “bò tót” là sống sót - có lẽ nhờ chúng có thể chất khỏe mạnh nhất trong bọn. Ý chí cũng không giúp được Lãng Tử nữa rồi. Tôi nhớ quá hình ảnh nó dung dị, điềm đạm bơi nhởn nha vòng quanh chậu rong. Nó đã là kiểu mẫu về sự đẹp đẽ, ôn hòa, ung dung tự tại. Vậy là chỉ còn lại hai mươi con cá nhỏ và ba con cá lớn. Tôi cho chúng vào hai chậu lớn, cá nhỏ riêng, cá lớn riêng.

    Tết đến, tôi quyết định mang theo chúng về quê, tôi sẽ thả chúng về sông rạch – nơi chúng thuộc về. Tôi cho chúng vào chung một cái bình nước suối cắt bỏ phần cổ hẹp cho thoáng khí, để đủ nước. Tôi treo cái bình lên xe máy chạy về quê. Bọn cá nhỏ đã đủ lớn để không bị cá lớn ăn thịt. Chúng cũng đã lớn sàn sàn bằng cỡ cái tăm nhang. Mà tôi nghĩ bọn cá lớn cũng không có tâm trạng để ăn bất cứ cái gì. Có lẽ chúng nó đều không biết mình đang đi đâu mà cái “nhà” thỉnh thoảng cứ lúc la lúc lắc. Chúng không biết rằng chúng được đi du lịch trên bộ, từ tình này qua tỉnh khác. Tôi cho rằng chỉ có Cục Cưng đoán biết được một điều gì đó quan trọng lắm đang xảy ra. Thỉnh thoảng tôi dừng lại xem chúng có ô-kê không. Cả bọn vẫn ổn. Nước vẫn mát. Hai “bò tót” không gườm nhau.

    Về tới bến phà, tôi quyết định thả chúng xuống nước nơi đây. Bến phà lác đác những giề lục bình nhấp nhô theo từng cơn gió nhẹ, có một cây cầu bắc ra sông để lên xuống phà... Tôi ngồi trên cầu, nhìn chúng lần cuối rồi từ từ nghiêng bình cho chúng bơi ra. Thoáng một cái cả bọn đã mất hút. Tạm biệt, Guppy. Tôi bần thần ngồi nhìn xuống nước xem có thấy chúng không. Có một vài con cá con ở mặt nước. Sóng dập dìu làm làm chúng cũng lắc lư theo sóng. Rồi chúng sẽ quen thôi. Và rồi là một cuộc đời mới. Sẽ có nguy hiểm. Sẽ phải đấu tranh. Nhưng tự do và đầy vui thú.
    p/s: sưu tầm.
     
  2. AHN

    AHN Active Member

    Rất thư giãn. Cảm ơn chủ topic đã chia sẽ
     
  3. yeulam

    yeulam Active Member

    hay quá chị ơi :) bài viết rất hay :)
     
  4. namkendy

    namkendy Active Member

    hay quá , i love you Guppy
     

Chia sẻ trang này

Địa chỉ In lịch tết 2022 giá rẻ, uy tín nhất Hà Nội