Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

Đi tìm làng cá của tuổi thơ

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi nhixuan, 13/7/08.

  1. nhixuan

    nhixuan Active Member

    Đi tìm làng cá của tuổi thơ

    Nằm ngay trong lòng Hà Nội, sát với mặt nước hồ Tây thơ mộng, làng Nghi Tàm nổi tiếng với nghề nuôi cá chọi bao nhiêu năm nay. Nhưng từ khi có những người trong phố vào làng mua đất xây nhà cho người nước ngoài thuê, rồi một cái khách sạn to đùng với một con đường lớn cho xe ô tô chạy vào thì đất đai ở đây đắt đỏ hẳn lên, nhiều gia đình bỏ hẳn nghề cá chọi, bán đất rồi sinh cơ lập nghiệp theo hướng khác. Làng trở nên đông người hơn, người Tây có, người ta có, xen lẫn trong đó là người làng Nghi Tàm gốc. Nhưng nghề cá chọi thì giờ ra sao? Thú chơi một thời của trẻ thơ:

    Cách đây hơn hai chục năm, khi ấy tôi còn là một cậu học sinh cấp I với những ngày hè nghịch ngợm. Nhà trong phố, đi được đến làng Nghi Tàm là kỳ công lắm. Những ngày hè xa xưa ấy thường gắn với lũ trẻ là đi tàu điện lên chợ Đồng Xuân, nơi thu hút nhất là khu vực tiếp giáp giữa hai chợ Đồng Xuân và Bắc Qua - nơi bán chim, hoa, cá cảnh. Lũ trẻ con thì chỉ thích cá chọi. Những con cá màu tím sẫm, hồng tía hay xanh lơ được lựa chọn theo tiêu chí “máu”. Có nghĩa là ham tấn công, khả năng chịu đựng sức đánh tốt. Say mê cá chọi, cả bọn trẻ rủ nhau lên làng Nghi Tàm mua cá chọi gốc, bởi cả Hà Nội chỉ có nơi này nuôi cá chọi cung cấp cho các chợ mà thôi.
    Tới làng Nghi Tàm là phải tới nhà cô “Gù”. Một người con gái có cái tên rất dễ thương bị dị tật bẩm sinh. Bọn trẻ con thường gọi là “cô Gù” chứ chẳng đứa nào biết tên thật của cô là gì. Nhưng cô Gù không hề giận mà rất vui tươi và nhà của cô thường đông khách mua cá nhất làng Nghi Tàm. Cá chọi của cô thường được đánh giá là “máu” nhất làng. Theo kinh nghiệm của bọn trẻ con, cá chọi “máu” nghĩa là phải dày mình, sẫm màu, gù lưng, môi vẩu, đuôi trái đào, caravát (đôi vây dưới mang) phải dài, mang phìng. Có nhiều màu cá chọi: màu tím sẫm, màu xanh lơ, màu hồng sữa, nhưng trong tất cả các màu sắc thì cá chọi màu chì được ưa chuộng nhất. Khi tham chiến, cá sẽ xù hai mang, môi dẩu ra “bụp” vào vây địch, vây đuôi trái đào sẽ có sức mạnh tạt nước vào đầu đối thủ. Nếu cá thua chạy có màu sọc dưa và bị gọi là “nhồng”.

    Khác với các gia đình trong làng, cô Gù không nuôi cá giống mà đi tuyển cá từ các nhà về, sau đó “om” thêm một thời gian cho cá đạt đến độ, khi đó cô mới cho vào túi nilon hoặc đựng trong chai bán. Do vậy mà cá chọi của nhà cô Gù được đánh giá cao là phải. Mua cá chọi thường là chọn lấy hai con, cho chọi thử rồi bắt con thắng. Cách chơi cá chọi của bọn trẻ là cá của ai thắng thì được bắt cá của người kia đem về. Thú chơi này thể hiện tài năng chọn cá vì có đứa chỉ mua một con cá, cho chọi ngay tại nhà cô Gù mà khi về thắng tới một xâu gần chục con, có đứa mua năm sáu con nhưng tay không ra về hẹn lần sau lên tiếp.

    Ngày ấy, vào làng Nghi Tàm phải đi qua cổng làng là hai cột xi măng trên đường Âu Cơ. Rìa làng là ngôi chùa Kim Liên và đình làng. Chạy theo một con dốc dài, hai bên là ao hồ, rồi mới rẽ vào đường làng lát gạch. Nhà nào đất cũng rộng nhưng lối đi lại hẹp vì toàn bể xi măng với chai lọ đựng cá san sát nhau.

    Cá chọi Nghi Tàm giờ đi về đâu:

    Một ngày đầu hè năm nay, tìm đến làng cá chọi Nghi Tàm, con dốc cũ vẫn còn hai cột cổng xi măng nhưng không còn ai đi nữa, lối vào làng đã là đường ô tô chạy ven hồ Tây do khách sạn to đùng trong làng đầu tư. Hỏi thăm mãi mới biết cô Gù tên thật là Hiền, giờ đây gia đình cô không bán cá chọi nữa. Nhưng dù cho có nhiều cơn sốt chạy qua, hết sốt đất lại đến xây nhà cho thuê, rồi chuyển đổi trồng cây cảnh, nghề nuôi cá chọi vẫn còn. Vẫn còn những “thương hiệu” như cá chọi anh Duy, cá chọi anh Đoan hay cá anh Trọng. Phương thức mua cá vẫn như xưa, chọn hai con cho chọi nhau rồi lấy con thắng.

    Gia đình anh Duy nuôi cá được gần ba mươi năm, muộn so với các nhà khác, nhưng đến giờ anh vẫn duy trì được nghề này. Cá chọi được nuôi theo nhiều giai đoạn, khi còn nhỏ thì thả chung trong bể xi măng, lúc lớn bắt đầu được lọc nuôi riêng trong các chai thủy tinh. Các chủ hàng cá cảnh ở các chợ vẫn vào làng lấy cá về bán, mỗi lần khoảng trăm cá, giá đưa buôn có khi chỉ hai ba nghìn đồng một con. Khách chơi cá tìm đến làng Nghi tàm giờ không còn ở lứa tuổi ô mai, quần đùi nữa mà toàn khách chơi là thanh niên, nhớ tuổi thơ nên tìm về thú chơi cũ.
    Trong một buổi sáng, nhà anh Duy đón tiếp mấy ông khách hơn hai mươi tuổi, đi xe máy từ tận Bắc Ninh sang chọn cá. Triệu, hai mươi hai tuổi, nhà ở Bắc Ninh kể “Em chơi cá chọi từ nhỏ, giờ vẫn ham, mỗi tháng em sang Nghi Tàm hai lần, bắt độ hai chục con cá về chơi dần. Cả hội em gần chục đứa đều thích chơi cá chọi cả”. Gần một tiếng đồng hồ, nhóm khách Bắc Ninh bắt gần ba chục con cá chọi nhà anh Duy rồi cả bọn lại kéo nhau sang nhà anh Trọng “tuyển” cá tiếp. Khi xâu cá đã hơi nặng cả nhóm mới chịu lên xe về.

    Nhà anh Duy và anh Đoan được coi là hai gia đình còn nuôi nhiều các nhất làng Nghi Tàm. Vào vụ (đầu hè) nhà anh Duy có đến gần một vạn đầu cá chọi thành phẩm bán buôn và bán lẻ cho khách. Nhà anh Đoan cũng có tới gần vạn cá thành phẩm. Mỗi tuần các nhà cũng cố xuất đi các chợ trong Hà Nội được vài trăm con. Nghề cá bận bịu, cá lại chỉ ăn giun nên mùi nước rất thối, nhà cửa thì chật ních toàn chai lọ, lại phải lo che nắng che mưa cho cá. Nhặt nhạnh mỗi con cá cũng chỉ lãi vài trăm đồng.

    Hỏi thăm về nghề này, cả anh Đoan, anh Trọng đều than thở bây giờ ít người chơi cá chọi như xưa. Biết là nghề này là nghề cổ truyền của một làng cổ Hà Nội nhưng trụ nghề vẫn phải tự mình. Trẻ con bây giờ thì không chơi cá chọi nữa, chúng thích điện tử và nhiều trò vui khác thú vị hơn. Đấy, khách chơi đến làng mua cá toàn người lớn cả. Gà chọi, chim chọi còn có hội chơi, chứ cá chọi thì làm gì có hội, cứ âm thầm thế thôi. Chơi gà chọi, chim chọi là dân chơi rồi, còn chơi cá chọi có khi lại bị cho là trò trẻ con. Nghe nói trong miền Nam còn có cuộc thi cá đá (chọi), chứ Hà Nội lấy đâu ra. Tôi bắt vài con cá chọi mang về làm quà cho mấy đứa cháu nhỏ, biết đâu chúng sẽ thích, rồi làng cá chọi sẽ lại đông vui như xưa. Nhưng biết đâu đấy, mang cá chọi về, bố mẹ chúng không cho chơi lại đem đổ hết đi ấy chứ.


    LHQ
    Hà Nội mới

    nguồn http://hathanh.info/index.php?option=com_content&task=view&id=1052&Itemid=43
     
    Last edited by a moderator: 18/8/08
  2. yeucaliathia

    yeucaliathia Active Member

    chán thiệt bây giờ ở HN mấy làng cá đá cũng mai một dần theo năm tháng đáng tiếc thiêt T_T
     
  3. nhixuan

    nhixuan Active Member



    Hehe! cá chọi thì không còn nhiều người chơi nhưng Betta cảnh thì càng ngày càng đông đúct

    Nếu làng cá Nghi Tàm chuyển hướng "vật nuôi cây trồng" thì chắc là đông khách lắm
     

Chia sẻ trang này