Liên hệ quảng cáo: anh Nguyễn Long Khánh (mobile: 0907 707 171 - nick: nlkhanh - email: longkhanh1963@gmail.com)

50 năm, chợt thèm cá Trầm hương

Thảo luận trong 'Tin tức' bắt đầu bởi vnreddevil, 25/6/09.

  1. vnreddevil

    vnreddevil Moderator

    50 năm, chợt thèm cá Trầm hương
    http://www.thethaovanhoa.vn

    (TT&VH) - Trong mâm cỗ ngày Tết cách ngày nay 50 - 60 năm, món cá trầm hương không thể thiếu trong mỗi gia đình bà con ở Trùng Khánh – nơi tôi đã gắn bó hơn chục năm thơ ấu, vậy mà giờ đây.... Xa Cao Bằng mấy chục năm, nhân đọc bài viết về những loài cá quý sông Gâm tôi chợt nhớ cá Trầm hương ở sông Quây Sơn da diết.

    Dòng nước sông Quây Sơn bắt nguồn từ Trung Quốc, chảy qua huyện Trùng Khánh (Việt Nam) từ cửa khẩu Pò Peo (xã Ngọc Khê), xuống xã Đình Phong uốn lượn men theo chân núi, đến các xã Chí Viễn và Đàm Thuỷ rồi chảy sang Trung Quốc.

    [​IMG]
    Sông Quây Sơn chảy qua huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng

    Cả khúc sông Quây Sơn dài mấy chục cây số chảy qua mấy xã thuộc huyện Trùng Khánh chỉ một đoạn ngắn có cây trầm và cá trầm hương. Giống cá này sống quanh quẩn bên gốc những cây trầm ở khúc sông thuộc xã Đình Phong, đoạn từ chân cầu Lúng Đính đến bản Hang Pan, dài chừng ba bốn cây số. Khúc sông này có nhiều cây trầm mọc ở hai bên bờ sông. Một phần rễ cây trơ ra lan xuống nước, hương thơm thu hút loài cá lạ này đến sinh sống.

    1. Ngày nay nghe kể chuyện về giống cá quen thuộc nức tiếng ở miền biên ải thủa trước mà những người trẻ tuổi Trùng Khánh cứ thấy lạ lẫm như nghe chuyện cổ tích, chuyện đời xửa đời xưa ở đâu đâu. Thật ra loài cá này mới trở nên hiếm hoi chừng hơn nửa thế kỷ nay, cũng do chúng ta không biết bảo ban nhau giữ gìn mà đến nay gần như tuyệt chủng.

    [​IMG]
    Một loài cá có tên khoa học là Cirrhinus sp. giống tên của cá Trầm hương

    Cá trầm hương, bà con dân tộc Tày ở Trùng Khánh gọi là pia teng, là loại cá nước ngọt, cùng họ với cá chép, song thân dài và lẳn mình hơn, vẩy to màu trắng bạc, có vệt vẩy xanh đen như chuỗi cườm ở hai cạnh mang. Vào mùa hè, cá trầm hương hay sống ở trong khe đá, trong những hang sâu ở hai bên bờ sông, ban đêm mới bơi ra tìm mồi. Mùa đông khi trời ấm lên, cá hay bơi từng đàn vài ba con.

    Trước đây, đến gần Tết bà con hay quăng chài để bắt những con to. Thông thường bắt được những con nặng cỡ hai ba cân trở lên mới mang ra chợ bán. Con càng to ăn càng thơm ngon. Giống cá này có đặc điểm là rắn chắc, ít xương, khi chín tỏa hương trầm, nên người dân tộc Kinh ở Trùng Khánh gọi là cá trầm hương. Trong mâm cỗ ngày Tết cách ngày nay 50-60 năm, món cá trầm hương không thể thiếu trong mỗi gia đình bà con ở Trùng Khánh.

    2. Trước đây tôi có nhiều dịp đến khúc sông này, nơi đây nước sâu mà trong vắt. Hai bên bờ sông trải dài suốt mấy cây số mọc rất nhiều cây gỗ trầm. Cây cao, cành lá sum sê, loà xòa ngả xuống mặt sông, nước trở nên mát rượi. Cũng lạ, khúc sông có nhiều cây trầm mọc chỉ sinh sản một giống cá trầm hương, các loại cá khác rất hiếm thấy ở đây.

    Thuở tôi còn nhỏ thì giống cá này vẫn bán rất nhiều ở chợ Trùng Khánh. Nhiều nhất ở chợ Lúng Đính, cách thị trấn Trùng Khánh khoảng mươi cây số. Trong những ngày phiên chợ Trùng Khánh thủa trước, cá trầm hương nhiều lắm, cũng nhiều như cá trầm xanh, cá chép, cá nheo, cá chuối..., giá bán cũng rẻ nên mẹ tôi mua về ăn thường xuyên.

    Mỗi lần rán cá, khi lớp vẩy ngả màu vàng ươm thì cũng là lúc hương trầm ngào ngạt bay lên tỏa vào không gian chung quanh, làm nức mũi cả dãy phố. Còn người ăn được thêm một lần thưởng thức miếng cá chắc dẻo, vị ngọt ngào quyện hương trầm thấm đượm từ chân răng đến đầu lưỡi, lan tỏa khắp vòm miệng, nuốt đến đâu thơm đến đấy, ăn một miếng nhớ cả đời.

    Từ thập niên 1960, những cây trầm cứ bị con người đốn ngả dần để mang sang bán ở chợ biên giới. Người ta lại còn có “sáng kiến” đánh cá bằng mìn, bằng xung điện và ruốc bằng vỏ cây độc giết chết hàng loạt cá, cả con to lẫn con nhỏ, nên cá trầm hương cũng hiếm dần theo năm tháng.

    Tôi còn nhớ, vào thượng tuần tháng 5-1995, thời anh Nông Hồng Thái còn làm Bí thư Tỉnh uỷ Cao Bằng, trong chuyến thăm hồ Ba Bể (ngày ấy thuộc tỉnh Cao Bằng) anh có nói với tôi, mấy lần khách Trung ương lên, báo với huyện kiếm cho một hai con cá trầm hương để chiêu đãi mà không làm sao bắt được. Với anh, tuy sống nhiều năm ở quê hương Cao Bằng mà cũng chưa một lần được thưởng thức hương vị của giống cá quý hiếm này của tỉnh nhà.

    Ngày nay cả xã Đình Phong không còn thấy sót lại cây trầm nào, cá trầm hương cũng cạn nguồn sinh sống, hãn hữu lắm mới bắt được một hai con. Riêng tôi, cũng đã 50 năm rồi không được trông thấy giống cá quý này nữa. Những năm gần đây có mấy chuyến vào đúng phiên chợ Trùng Khánh, đến cả chợ Lúng Đính lùng cá trầm hương, nhưng đều thấy bà con lắc đầu, trả lời “bâu mì nao” (không có đâu).

    3. Khi viết bài này tôi gọi điện cho anh Phan Văn An ở bản Ta Nay, xã Ngọc Khê nhà ở nhà cách chợ Lúng Đính hơn cây số, anh cho biết trước Tết vừa rồi vẫn thấy có bán cá trầm hương ở chợ Lúng Đính, nhưng ít lắm, con chỉ nhỏ cỡ dưới một cân, giá bốn năm trăm ngàn đồng một cân mà bán hết ngay, nếu bắt được con còn sống thì giá còn cao hơn nhiều.

    Cá trầm hương đang có nguy cơ tuyệt chủng. Liệu có cách nào để gây lại giống cá quý này? Tôi nghĩ cũng phải có thời gian vài chục năm. Trước hết là nhân giống cây trầm còn sót lại ít ỏi để làm nguồn thức ăn cho cá. Sau nữa là cấm đánh bắt một thời gian dài để cá phát triển, sinh sản. Làm được điều này chỉ có lãnh đạo huyện Trùng Khánh, trực tiếp là bà con xã Đình Phong.

    Đoàn Đức Thành (kiến trúc sư)
     

Chia sẻ trang này