Cá mắt trống có nhiều tấm gương bên trong mắt www.practicalfishkeeping.co.uk Một loài cá “4 mắt” sống ở biển sâu đang được các nhà khoa học nghiên cứu. Nghiên cứu được thực hiện trên loài cá mắt trống (barreleye hay spookfish) Dolichopteryx longipes, được bắt trong một chuyến thám hiểm ở vùng giữa các đảo Samoa và New Zealand. Loài này sống ở độ sâu từ 400-2500 m và được phát hiện từ cách nay 120 năm. Các nghiên cứu trước đây chỉ dựa trên mẫu vật ngâm formol và cho đến tận ngày nay, cấu tạo mắt bất thường của chúng vẫn chưa được nghiên cứu. Ron Douglas thuộc trường đại học City University, London, người đã tham gia chuyến thám hiểm cho biết “Nó trông như thể có 4 mắt – mà động vật có xương sống 4 mắt không hề tồn tại”. Loài Dolichopteryx longipes chỉ có 2 mắt chứ không phải là 4 mắt. Mỗi con mắt tách ra làm hai phần dính với nhau; phần ống hình trụ nhìn lên trên và phần lồi ra nhìn xuống dưới. Chính phần sau tạo ra đặc điểm độc đáo của loài cá này. Ở độ sâu 1000 m, hầu như không còn ánh sáng mặt trời chiếu đến; vì vậy nếu cá mắt trống chỉ hoàn toàn dựa vào phần mắt hình ống thì nó có thể chẳng nhìn thấy gì dù phần này tiếp thu tối đa ánh sáng mặt trời. Nó hoàn toàn chẳng nhìn thấy cá và những sinh vật khác ở xung quanh – vì 80% trong số chúng phát ra loại ánh sáng sinh học (bioluminescence). Phần mắt lồi ra được phủ đầy các tấm tinh thể phản xạ ánh sáng mà nó hoạt động như một tấm gương, phản chiếu hình ảnh về võng mạc. Hans-Joachim Wagner, nhà khoa học chủ chốt tham gia vào nghiên cứu, sử dụng mô hình máy tính để phỏng đoán rằng, không giống như những loài cá biển sâu khác, “con mắt lồi to” cho phép cá mắt trống xác định được hình ảnh rõ nét của vật thể ở bên dưới và trong phạm vi 50 độ xung quanh nó. Nhiều loài động vật, từ con sò cho đến sư tử, sử dụng các bề mặt phản chiếu gọi là màng phản xạ (tapeta) trong mắt để giúp hội tụ hình ảnh vào võng mạc. Thường thì các bề mặt nằm đằng sau võng mạc, như vậy hình ảnh phải đi qua võng mạc rồi phản xạ lại trước khi được thu nhận. Điều này có nghĩa rằng, mặc dù động vật có thể nhìn tốt hơn trong bóng tối, hình ảnh sẽ không được sắc nét và có độ tương phản kém. Tuy nhiên, ở cá mắt trống – tương tự như cua và tôm – các tấm gương nằm phía trước của võng mạc và cung cấp hình ảnh rất sắc nét. Mặc dù động vật không xương sống (invertebrates) có nhiều kiểu cấu tạo mắt khác nhau, từ những lỗ nhỏ đơn giản cho đến mắt tổ hợp với vô số thấu kính, đây là lần đầu tiên mà một động vật có xương sống (vertebrates) lại có kiểu cấu tạo mắt không phải là thấu kính đơn – điều khiến đây là một phát hiện rất có ý nghĩa. Để có thêm thông tin, hãy tham khảo H Wagner, R Douglas, T Frank, N Roberts and J Partridge (2008) - A Novel Vertebrate Eye Using Both Refractive and Reflective Optics Current Biology DOI: 10.1016/j.cub.2008.11.061.