Cá mẹ căng thẳng sinh ra cá con lớn mau hơn www.practicalfishkeeping.co.uk Các nhà khoa học Úc phát hiện thấy rằng cá mẹ bị căng thẳng ở rặng san hô sẽ sinh ra cá con có khả năng phát triển nhanh hơn. Nghiên cứu của Monica Gagliano và Mark McCormick được xuất bản trên số ra mới đây của tạp chí Oecologia. Các tác giả nghiên cứu loài cá rô biển Pomacentrus amboinensis, theo đó họ thực nghiệm trên trứng đã thụ tinh thu thập ngoài thiên nhiên với các mức độ hormon thể hiện sự căng thẳng cortisol khác nhau nhằm xác định ảnh hưởng của sự căng thẳng ở cá mẹ lên các đặc điểm của cá con. Những nghiên cứu trước đây chứng tỏ rằng cá cái của loài này tiết ra chất cortisol từ vòi trứng để phản ứng lại những căng thẳng phát xuất từ môi trường. Cá ở những rặng san hô biệt lập với ít loài săn mồi hay cạnh tranh có nồng độ hormon này thấp trong khi cá ở môi trường căng thẳng cao độ “tắm” trứng của chúng với nồng độ hormon cao hơn. Các tác giả phát hiện thấy nồng độ chất cortisol cao ở trứng cá rô biển P. amboinensis khiến tỷ lệ trứng hư và sự bất đồng đều của bào thai gia tăng. Họ cũng thấy bào thai phát triển nhanh hơn với nồng độ cortisol cao và sống sót lâu hơn sau khi nở. Các tác giả đánh giá ảnh hưởng của hormon ở cá mẹ như vậy dường như “… là phản hồi quan trọng đối với những thay đổi hàng năm và đóng vai trò chủ chốt trong việc duy trì số lượng của đàn cá trong tương lai”. Để có thêm thông tin, hãy tham khảo: Gagliano, M and MI McCormick (2009) Hormonally mediated maternal effects shape offspring survival potential in stressful environments. Oecologia doi:10.1007/s00442-009-1335-8.