Cá mút đá biển không có khả năng hồi hương Nguồn http://www.practicalfishkeeping.co.uk Ảnh Drow Male, Creative Commons. Cá mút đá (lamprey) biển, một trong những loài cá di cư, không có khả năng hồi hương. Cá di cư, chẳng hạn như cá hồi Đại Tây Dương, cá vược sọc và cá tầm trắng được sinh ra ở nước ngọt và phát triển qua nhiều giai đoạn ở đó trước khi đi ra biển để trưởng thành. Sau cùng, chúng cũng quay trở về quê hương nước ngọt để sinh sản và chết. Tuy nhiên, các nhà khoa học ở New York phát hiện rằng loài cá mút đá biển, Petromyzon marinus, là một loài có đời sống di cư ngoại lệ mà chúng dường như không có khả năng hồi hương. John Waldman, Cheryl Grunwald và Isaac Wirgin phân tích các đoạn DNA của hơn 300 con cá mút đá bắt được từ 11 con sông khác nhau ở Bắc Mỹ. Nếu cá mút đá quay trở lại con sông nơi nó được sinh ra, các kết quả sẽ cho thấy sự khác biệt đáng kể về DNA giữa cá ở các con sông khác nhau. Tuy nhiên, nghiên cứu của các giáo sư John Waldman, Cheryl Grunwald và Isaac Wirgin không phát hiện có sự khác biệt nào giữa các quần thể. Lợi ích của việc di cư Mặc dù có nhiều rủi ro gắn liền với quá trình di cư giữa hai môi trường, còn có những lợi ích to lớn của việc tránh được kẻ săn mồi trong các giai đoạn phát triển sớm của cá con, cũng như việc di cư thường gắn liền và gia tăng cơ hội tiếp cận với nguồn thức ăn và năng lượng khi chúng di chuyển ra biển để trưởng thành. Không có nhiều nghiên cứu trên diện rộng về cơ chế hồi hương của những loài cá di cư nhưng các nghiên cứu về cá hồi và cá tầm cho thấy rằng chúng sử dụng khứu giác để quay về đúng con sông nơi chúng được sinh ra để sinh sản. Cá mút đá biển khác phần lớn những loài này ở chỗ chúng chôn mình trong lớp bùn ở những con sông nước ngọt trên tám năm trời trước khi trở thành dạng ký sinh hút máu của cá khác. Có vô số vật chủ của loài cá này bao gồm cá hồi Đại Tây Dương, cá ngừ vây xanh, cá mập phơi (basking shark), cá thu và cá voi. Một số trong đó cũng là loài di cư theo mùa, điều này giúp cho cá mút đá có thể di chuyển rất xa khi bám trên thân mình của vật chủ. Kết quả là, cá mút đá được phát hiện ở khắp nơi từ bề mặt đại dương cho đến độ sâu 4000 mét. Dịch mật Theo một khảo sát ở vùng Đại Hồ (Great Lake), chỉ có 8% nhánh sông là thích hợp cho sự phát triển của quần thể ấu trùng cá mút đá biển. Vậy, làm cách nào mà chúng có thể tìm ra địa điểm sinh sản thích hợp trong khi chúng di cư đi xa khắp nơi? Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy rằng cá mút đá trưởng thành “tìm nhà” dựa vào dịch mật do các ấu trùng đã nở tiết ra sông, mỗi ấu trùng “kích hoạt” đến 400 lít nước mỗi giờ. Cá đực sau đó bơi đến địa điểm sinh sản và tiết ra pheromones để thu hút cá cái. Nghiên cứu này có thể có ý nghĩa đối với những nơi mà sự ký sinh của những loài cá mút đá ngoại lai có thể gây ra những thiệt hại đáng kể về mặt kinh tế chẳng hạn như ngành đánh bắt cá ở vùng Đại Hồ. Trong trường hợp này, việc hòa chất pheromones của cá mút đá vào những con sông không thích hợp cho việc sinh sản có thể làm tăng tỷ lệ sinh sản không thành công và hạn chế được quần thể cá mút đá.